Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

11-09-2016 : (phần I) CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN năm C

11/09/2016
Chúa Nhật tuần 24 thường niên năm C
(phần I)


Bài Ðọc I: Xh 32, 7-11. 13-14
"Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập". Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại".
Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời. Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 17 và 19
Ðáp: Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi (Lc 15, 18).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tm 1, 12-17
"Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô.
Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời.
Danh dự và vinh quang (xin dâng về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
{Người lại phán rằng: "Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'.
"Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'".}
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Trở về đường ngay chính

Chúng ta hãy gọi Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật của lòng thương xót. Thiên Chúa đã xót thương Israen tội lỗi và tha thứ cho họ. Người đã đoái thương thánh Phaolô khi biến đổi một con người hung hăng lùng bắt các tín hữu trở nên vị tông đồ kiệt xuất của Tin Mừng cứu độ. Và Ðức Giêsu trong bài Tin Mừng không những cho chúng ta thấy Người đã xuống thế để đi tìm các chiên lạc là loài người tội lỗi; mà Người còn khẳng định điều đó biểu lộ lòng thương xót của chính Thiên Chúa.
Sau những tuần lễ nói hơn nhiều về các đòi hỏi của Tin Mừng, Phụng vụ hôm nay đem đến cho chúng ta một làn khí mát dịu. Ðành rằng Lời Chúa vẫn không thiếu êm ái và lôi cuốn khi đưa ra các yêu sách của đời sống làm con cái Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Giêsu Kitô; nhưng dù sao những bài Kinh Thánh hôm nay lập tức đã đưa chúng ta vào một bầu khí trìu mến và biết ơn. Chúng ta hãy cố gắng đón nhận hết mọi khía cạnh của lòng thương xót Chúa, tức cũng là nhiệt tâm tìm hiểu hết lời Mạc Khải của Người hôm nay.

1. Dân Ðược Tha Thứ...
Bài sách Xuất hành nghe rất thuận tai. Câu chuyện hấp dẫn: Cấu trúc thông thái khiến chúng ta có thể đoán ngay bài sách đã được viết vào một thời đại văn hóa đã cao. Chắc không phải thời Môsê, nhưng sau thời các tiên tri. Nói cách khác nội dung câu chuyện thời Môsê đã được các nhà thần học sau thời tiên tri viết lại.
Môsê bấy giờ đã ở trên núi Sinai lâu ngày với Thiên Chúa. Dân chúng ở dưới sốt ruột. Họ xin Aharôn đúc cho họ một thần tượng để họ có một tôn giáo như mọi dân tộc khác. Tâm lý của loài người ở cách chúng ta trên dưới 3,000 năm khó giữ vững được tinh thần trong một tôn giáo không có hình tượng nào cả. Mọi dân chung quanh đều có thần tượng của họ. Vì sao con cái Israen lại không có tượng để thờ.
Do đó việc xin Aharôn đúc cho họ một tượng, chẳng qua cũng vì yếu đuối... nhưng vẫn là một xúc phạm tới Thiên Chúa và là một bội phản Giao ước. Thiên Chúa đã buộc họ không được đồng hóa, hình dung Người dưới bất cứ biểu tượng nào, vì Người là Ðấng Thánh, tức là Ðấng khác hẳn mọi sự hữu hình. Vẫn biết người ta không có ý đồng hóa Người một cách hoàn toàn với hình một con bê đâu. Những tâm trí sáng suốt vẫn chỉ nghĩ Người đứng trên một con vật như thế. Nhưng với đa số quần chúng có não trạng thô sơ thời bấy giờ bê bò là những con vật có sức mạnh. Từ quan niệm Thiên Chúa ngự trên Ngai mạnh mẽ uy dũng, họ dễ tưởng tượng Người ở trong sức mạnh của con vật biểu tượng kia. Tượng bò bê trở thành hình ảnh của Thiên Chúa uy dũng.
Aharôn biết như vậy. Nhưng ông yếu đuối không dám đi ngược ý dân. Thiên Chúa thấy cần phải chặn đứng chiều hướng xuống dốc của dân ưu tuyển. Người bảo Môsê phải xuống lại với dân. Và có lẽ ở đây các thần học gia Do Thái sau thời tiên tri đã góp thêm ý kiến của mình vào. Họ thấy con cái Israen đã bội phản liên tiếp trong suốt lịch sử, kể từ ngày đúc tượng tại Sinai. Họ nhìn thấy Thiên Chúa đã nhiều lần trừng phạt dân phản loạn này. Nên ở đây sau khi nói Thiên Chúa thấy dân bội phản, họ viết luôn rằng Người tỏ ý phẫn nộ muốn tiêu diệt dân cứng cổ để làm một dân mới khởi xuất từ Môsê.
Nhưng ông này đã tỏ ra là một người thánh, xứng đáng trở thành hình ảnh của Ðức Giêsu Kitô sau này. Môsê đứng ra van xin Thiên Chúa cho dân. Xin Người đừng mâu thuẫn với Người. Người đã không tuyển chọn Israen sao? Thiên hạ sẽ không nói rằng Người đã thất bại khi giải cứu họ ra khỏi Ai Cập sao? Và lời hứa với Abraham sẽ thế nào, vì ông đã được đoan chắc có miêu duệ đông đúc chiếm hữu đất chảy sữa và mật?
Môsê đã không bao biện cho dân tội lỗi. Ông không thấy mình xứng đáng là tổ phụ một dân mới, vì có gì chắc dân này sẽ không cứng cổ. Ông chỉ nhìn vào chính Thiên Chúa, nại đến chính tình thương xót của Người đã tỏ lòng ưu ái nhưng không khi chọn Israen, khi cứu dân này và khi cam kết cho họ có tương lai rực rỡ... Ông đã nói đúng vào trái tim của Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương loài người và không thể bỏ rơi họ, huống nữa là tiêu diệt họ.
Lời van xin của Môsê vì thế đã hiệu nghiệm. Nó báo trước hậu quả lớn lao hơn nữa của lời nguyện xin của Ðức Giêsu Kitô trong Mầu nhiệm Thập giá. Thiên Chúa không thể bỏ rơi bản tính loài người mà Người đã kết hợp nơi Ðức Giêsu Kitô, cho dù bản tính ấy đang mặc hình thức tội nhân. Niềm tin này khiến hết thảy tội nhân chúng ta chạy đến với Ngai ân sủng là thánh giá Chúa Giêsu Kitô để ở nơi Người luôn luôn chúng ta lãnh nhận được ơn cứu độ. Chính Người hôm nay làm chúng ta tin tưởng biết bao trong bài Tin Mừng Luca mà giờ đây chúng ta muốn tìm hiểu.

2. Phải Vui Mừng!
Bài sách tuy dài nhưng có một chủ ý rõ rệt: chúng ta hãy vui mừng với Thiên Chúa khi thấy anh em lầm lạc trở về đường ngay chính. Chúa Giêsu nói với chúng ta như vậy, nhân một câu chuyện xảy ra trong đời Ngài. Hôm ấy Ngài đang giảng dạy. Có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến gần để nghe. Các biệt phái và luật sĩ, tỏ vẻ khó chịu. Họ vẫn sống trong kỳ thị. Những người không như họ đều không đáng tham dự các hồng ân của Thiên Chúa. Họ nói lên tâm trạng âm thầm của chúng ta. Ðối với chúng ta, những người khác với chúng ta cũng không đáng được các ân huệ của Thiên Chúa. Chúng ta thường có não trạng của người con cả trong bài Tin Mừng. Anh ta so đo tính toán. Anh nói: Ðã bao năm con hầu hạ Cha mà Cha không bao giờ cho riêng một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn với thằng con của Cha kia (anh ám chỉ đứa em phung phá) Cha lại sai làm thịt con dê béo ăn mừng...
Lời Chúa Giêsu hôm nay muốn nói với những kẻ giữ đạo có não trạng so đo hơn thiệt và kỳ thị phân chia loài người thành tốt xấu như vậy. Lời Chúa nhiều ít nói với chúng ta hết thảy.
Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để diễn tả ý nghĩ của Người. Câu chuyện mất chiên và câu chuyện mất tiền giống nhau hầu như hoàn toàn. Tự nhiên ai mất như vậy cũng đi tìm, và tìm được tự nhiên ai cũng vui. Nhưng điều khác với tự nhiên và hơn hẳn tự nhiên, là ở trên trời và Chúa Trời hân hoan khác thường khi thấy một người tội lỗi trở lại. Và điều khác thường này được Chúa Giêsu nói lên khi kể chuyện người tìm được chiên và tiền đã kêu gọi các người lân cận "hãy chia vui, chia mừng với tôi" vì tôi đã tìm thấy của đã mất. Thường ra người ta không làm như vậy, mặc dù thâm tâm người ta có niềm hân hoan đó. Chúa Giêsu bảo: "Nước Trời ở trong lòng các ngươi...". Và trên trời người ta sống thật sự chân lý sâu xa đó, nghĩa là trên trời các thần thánh vui mừng khôn tả khi thấy một người tội lỗi ăn năn.
Như vậy bài Tin Mừng đã đi xa hơn bài Cựu Ước. Bài sách Xuất hành đã cho chúng ta thấy một Thiên Chúa nguôi giận, không trừng phạt dân tội lỗi. Bài viết của Luca biểu lộ lòng hân hoan của Thiên Chúa khi thấy người ta hối cải. Hơn nữa Người còn muốn mọi người chia sẻ niềm vui to lớn của Người.
Nhưng loài người thường khó thi hành điều này. Họ thường là người con cả trong dụ ngôn thứ ba. Biệt phái và luật sĩ đã khó chịu khi thấy thu thuế và tội lỗi đến nghe lời Ðức Giêsu. Người Do Thái sau này sẽ bực tức khi nghe nói Phaolô quyết tâm đi giảng đạo cho lương dân. Chúng ta ngày nay không muốn cho kẻ mình không ưa thích được những sự lành. Chúng ta luôn có đầu óc kỳ thị và tính toán so đo, ngay trong phạm vi tôn giáo. Chúng ta giữ đạo để được ban riêng cho những ơn mà mình nghĩ Thiên Chúa đừng ban cho kẻ "khác". Chúng ta hãy nghe lời Thiên Chúa nói qua miệng lưỡi người Cha trong dụ ngôn.
"Hỡi con, con luôn ở với Cha và mọi sự của Cha đều là của con". Nghĩa là giữa Thiên Chúa và chúng ta không có quan hệ làm thuê ở mướn nữa; nhưng đã là Cha-Con trong nhà thì tất cả đã nên của chung. Chân lý này, người Cha trong dụ ngôn cũng đã nói với đứa con phung phá. Anh ta trở về chỉ muốn được xử như một người làm công. Nhưng người Cha chỉ muốn nhận anh như là con.
Chúng ta hãy suy nghĩ nhiều về chân lý này để sống thân mật hơn với Thiên Chúa chứ đừng giữ đạo vì óc lợi lộc, biến tôn giáo thành một thứ mặc cả mua bán, làm con người cư xử như nô lệ đối với Thiên Chúa, đang khi chính Người đã muốn kết hợp với con người trong một thân thể để sống mật thiết với họ bằng tình yêu.
Và đã không hiểu biết tình Cha, nên người con cả cũng không hiểu biết tình anh em. Anh ta nói với Cha về người em rằng: còn thằng con Cha kia..., anh bộc lộ tâm trạng của anh. Anh khó chịu thấy Cha lấy tình phụ tử xử với thằng tội lỗi ấy mà bây giờ cũng như đã từ lâu anh không nhận nó là anh em nữa. Anh ta đã nói lên não trạng hèn hạ của loài người sánh với lòng thương cao cả của Thiên Chúa. Anh đã cho chúng ta thấy rõ tâm lý loài người đã chê chối nhau và phủ nhận nhau là anh em đồng bào.
Thiên Chúa hôm nay không phải chỉ muốn biểu lộ tình thương lạ lùng của Người, mà còn muốn chúng ta nhìn lại nhau như anh em một nhà. Người nói qua miệng người Cha trong bài dụ ngôn: Hỡi con, phải ăn tiệc vui mừng vì em con (chứ không phải là thằng ấy, thằng con của Cha chứ không phải là em của con), em con đã chết nay sống lại, đã mất nay đã tìm thấy.
Thế nên khi gọi bài Tin Mừng hôm nay là chuyện thằng con phung phá hay là chuyện về tình Cha hay thương xót, chúng ta đừng quên nhớ đây là bài học Chúa dạy cho chúng ta hãy nhìn nhận nhau lại như anh em một nhà, như đồng bào cùng một khúc ruột; và chúng ta hãy sống vui mừng hớn hở với nhau cũng như trên trời đang sung sướng vì loài người nay đã được cứu chuộc trong Ðức Giêsu Kitô.

3. Noi Gương Thánh Phaolô
Thánh tông đồ trong bài thư hôm nay rõ ràng có sự vui mừng mà Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hô hào chúng ta phải có. Ðọc đoạn thư này chúng ta thấy lòng thánh Phaolô sung sướng lạ lùng. Người cảm tạ Thiên Chúa cách rất trung thành sâu xa, vì Người đã được lòng thương xót của Chúa. Nếu Thiên Chúa đã không thương xót Người, thì Phaolô suốt đời sẽ là Saul, một kẻ rất thông thái nhưng chẳng hiểu biết Chúa và do đó cũng chẳng hiểu biết anh em và luôn lùng bắt sát hại đồng bào của mình. Saul thời trước cũng là biệt phái, sống với não trạng và thái độ kỳ thị; chỉ có mình và phe của mình là đáng được hưởng ân huệ của Thiên Chúa và của hạnh phúc; còn những kẻ khác, thuộc bọn ấy, không xứng đáng và đáng diệt đi. Nhưng Saul đã xử sự như vậy vì không biết. Ông không biết Chúa là Ðấng Thương xót mà cứ nghĩ là Ðấng thưởng phạt. Chúng ta có thể đọc lại câu chuyện người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện. Rõ ràng não trạng tôn giáo của biệt phái, của Saul là tôi giữ đạo thì đáng được thưởng; còn kẻ thu thuế tội lỗi kia chỉ đáng phạt. Lầm lẫn về Chúa, sinh ra sai lỗi về đồng bào, kỳ thị người khác và hết coi họ là anh em.
Nhưng Saul đã nhận được lòng thương xót của Chúa. Ông thấy Ðức Giêsu tiếp đón các tội nhân ngày trước, bây giờ là Chúa. Chúa tỏ cho ông biết điều này là để ông hiểu rằng Thiên Chúa đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một Người xuống thế để cứu chuộc tội nhân. Lập tức thay vì đứng đối lập với những người mà xã hội lên án là có tội, ông đã gia nhập hàng ngũ của họ để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông đã không xử giống như người con cả trong bài Tin Mừng: thấy người Cha thương yêu đón nhận người em đã mất nay tìm lại được, anh ta đã không muốn chia sẻ tình thương, khiến tâm hồn càng trở nên gay gắt đến nỗi phủ nhận cả em mình. Saul đã không làm như vậy. Ông thấy lòng thương xót của Chúa ở đâu, ông chạy đến đó và ông đã được thương xót. Và chính khi ông trở thành thánh Phaolô: nhận ra lòng Chúa thương xót mình quá đỗi nên từ nay chỉ còn biết cao rao lòng thương xót ấy. Phaolô trở nên tông đồ rao giảng Tin Mừng này là: Thiên Chúa đã xót thương nhân loại nên đã sai Con Một của Người đến cứu chuộc những người có tội, mà tiêu biểu là chính Phaolô.
Tất cả chúng ta đều có thể là những tông đồ như vậy vì hết thảy chúng ta đã là tội nhân và đã được thương xót. Tất cả chúng ta phải trở nên những tông đồ như Phaolô nếu chúng ta biết noi gương Người đón nhận ơn Chúa. Không những chúng ta luôn vui mừng vì ơn cứu độ, mà còn ý thức về lòng thương xót vô biên của Chúa đối với mình, chúng ta sung sướng muốn chia sẻ tình thương đối với mọi người. Không còn não trạng tính toán so đo nữa, chúng ta cũng bỏ hẳn óc kỳ thị và phủ nhận anh em. Chúng ta luôn theo gương Chúa Giêsu Kitô không chê chối loài người tội lỗi, nhưng đã đến ở giữa, trở nên anh em của họ, và cứu chuộc họ trong thái độ khẩn nài trong mầu nhiệm thập giá.
Giờ đây trên bàn thờ Chúa Giêsu Kitô, không phải chỉ như Môsê ngày trước. Không những Người van xin Thiên Chúa cho chúng ta, Người còn dùng Lời nói trong Kinh Thánh kêu gọi chúng ta đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Người dâng mình chịu chết cho loài người để kết hợp chúng ta vào ý chí cứu độ của Thiên Chúa hầu thôi thúc chúng ta hãy nhìn lại mọi người như anh em đồng bào.
Tham dự mầu nhiệm cứu thế nơi bàn thờ như vậy không những là trở nên con cái Thiên Chúa một cách hoàn toàn hơn mà đồng thời cũng trở thành anh em với nhau mặn mà hơn trong tình thương xót của Thiên Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Exo 32:7-11, 13-14; 1 Tim 1:12-17; Lk 15:1-10 (hay 1-32).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng nhân từ của Thiên Chúa
Nhân từ là một trong những đặc tính của Thiên Chúa. Lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu và sự tha thứ Ngài dành cho con người. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không có thời gian và biên giới: bao lâu con người biết thực tâm thống hối và quay về, Ngài sẵn sàng tiếp nhận và phục hồi quyền làm con cho họ. Trong tiến trình hòa giải, Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng cách dùng những người trung gian và ban cơ hội để tội nhân có thể quay về. Lòng nhân từ của Thiên Chúa là lý do không những làm con người có cơ hội trở lại mà còn làm thăng hoa người trở lại để họ tỏ lòng nhân từ cho tất cả những ai cần đến.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Trong bài đọc I, khi Thiên Chúa có ý định muốn tiêu diệt con cái Israel vì họ đã đúc một con bê bằng vàng để thờ lạy nó thay vì Ngài, ông Moses đã hết lòng cầu xin cùng Thiên Chúa cho dân vì hai lý do: để bảo vệ Danh Thánh của Thiên Chúa và giữ lời hứa với các tổ phụ. Thiên Chúa đã nhận lời và không tiêu diệt dân lúc đó. Trong bài đọc II, Phaolô nhớ lại lòng nhân từ Thiên Chúa đã dành cho ông trên đường đi Damascus bắt bớ các tín hữu tin theo Đức Kitô. Ông biết Thiên Chúa muốn ông cảm nghiệm lòng nhân từ của Ngài, để rồi khi tới lượt, ông có thể tự bày tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa cho tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể cho dân ba câu truyện (hai trong bài đọc ngắn) để diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho tội nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Moses là người trung gian cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho dân.
1.1/ Dân ngươi đã hư hỏng rồi: Hậu trường của trình thuật hôm nay là biến cố 40 năm thử thách và thanh luyện trong sa mạc, trước khi đưa con cái Israel vào Đất Hứa. Khi Moses ở trên núi Sinai với Thiên Chúa để Ngài ban hành Thập Giới cho dân lâu quá, dân chúng dưới trại tưởng ông đã mất ông; nên họ mới chạy đến ông Aaron hỏi, và ông này đã yêu cầu họ đưa vàng vòng cho ông, và ông đã đúc một con bê bằng vàng cho họ tôn thờ.
Vì thế, Đức Chúa phán với ông Moses: "Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập."”
Còn gì buồn hơn khi Thiên Chúa và ông Moses đang lo cho dân chúng hết mọi sự về tinh thần cũng như thể xác, mà dân dễ dàng thay đổi và sa chước cám dỗ cách nhanh chóng. Họ vừa mới chứng kiến uy quyền và tình thương của Thiên Chúa qua việc vượt thoát ra khỏi đất nô lệ Ai-cập; giờ thay dạ đổi lòng và mù quáng đến độ sụp lạy một con vật vô tri vô giác do chính tay mình tạo nên, và cho nó là thần đã giải thoát mình! Nếu Thiên Chúa hành xử theo công bằng, không ai có thể trách Ngài được một lời vì tội quá to lớn của con cái Israel. Nhiều người chắc cũng đồng ý với Thiên Chúa: “Xin Ngài cứ thẳng tay tiêu diệt lũ vô ơn bội nghĩa đó!”
Để tránh cho Moses khỏi thất vọng, Đức Chúa lại phán với ông: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng; nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn."
1.2/ Ông Moses cố làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại: Moses có lẽ đã học được bài học nhân từ của Thiên Chúa, vì chính ông cũng đã từng xin Ngài cất gánh nặng con cái Israel khỏi vai ông, khi họ than phiền vì không có thịt để ăn: “Ông Moses nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm và thưa với Đức Chúa: "Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: "Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con: "Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn?” Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (Num 11:10-14).
Trong tiến trình giáo dục con người, cả Thiên Chúa, người lãnh đạo, và dân chúng đều phải rất kiên nhẫn; vì dễ dàng để phủi tay, phá hủy và xây dựng lại, nhưng rất khó để thay đổi những cái cũ đã hư. Con người không phải là một đồ vật để có thể vứt đi và mua sắm đồ mới; nhưng họ cần được sửa đổi cho tốt lành hơn. Giáo dục con người để trở nên tốt lành là một tiến trình có khi đòi cả một đời người.
Ông Moses dùng hai lý do để xin Thiên Chúa đừng tiêu diệt dân: (1) Để bảo vệ Danh Chúa, vì ông sợ người Ai-cập sẽ nói Ngài mang dân vào sa mạc để tiêu diệt họ. (2) Lời Thiên Chúa hứa với các tổ-phụ là sẽ ban một dòng dõi và Đất Hứa. Đức Chúa đã thương không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã chứng tỏ lòng nhân từ của Người cho Phaolô.
2.1/ Phaolô nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa: Hậu trường của trình thuật hôm nay là biến cố ngã ngựa, trở thành mù lòa, và được sáng mắt của Phaolô trên đường đi Damascus. Phaolô biết Đức Kitô đã tha thứ, tuyển chọn, và ban sức mạnh của Người cho ông đang khi ông còn là tội nhân, vì ông đang trên đường đi Damascus để bắt các tín hữu của Ngài về cầm tù tại Jerusalem.
Hai lý do chính của việc bắt đạo Phaolô liệt kê ra: (1) Kiêu ngạo: ông nghĩ con người có thể được cứu độ bằng việc giữ luật cách nghiêm chỉnh, chứ không cần tin vào một ông Giêsu nào đó đã chết. (2) Vô ý thức hay không biết sự thật như ông nói: “Tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.” Đây là lý do mà đa số con người phải đương đầu với khi phạm tội.
Cả hai lý do này đều có thể tránh được nếu con người biết khiêm nhường học hỏi sự thật. Thiên Chúa trang bị cho Phaolô và mọi người tất cả những thứ cần thiết để họ luôn biết kết hợp với Ngài. Điều cần là các tín hữu phải biết nhận ra và chạy đến lãnh nhận những ơn lành cần thiết để khỏi bị sa ngã. Nếu không, thuốc mặc dù đã có sẵn, nhưng không thể chữa bệnh cho những người không biết hay từ chối uống.
2.2/ Phaolô tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa cho mọi người: Sau khi đã cảm nghiệm được lòng nhân từ của Thiên Chúa, Phaolô biết có hai điều ông phải làm:
(1) Tuyên xưng lòng nhân từ Thiên Chúa đã dành cho ông: Phaolô biết rõ mọi người cần được nghe Tin Mừng của Đức Kitô để họ cũng được cứu độ. Ông mạnh dạn tuyên xưng: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.”
(2) Biết đối xử nhân từ với những tội nhân: Ngài muốn ông cảm nghiệm rõ thế nào là sự xấu xa của tội lỗi, và thế nào là lòng nhân từ vô bờ của Thiên Chúa; để rồi khi tới phiên ông, ông có sức mạnh để tha thứ tội lỗi của anh em và chứng tỏ lòng nhân từ của ông cho họ.
Mỗi người chúng ta cần nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời để rồi chúng ta đừng bao giờ lên mặt luận tội anh chị em mình, nhưng biết tha thứ cho họ hết lòng.
3/ Phúc Âm: Đức Kitô đem những tội nhân về cho Thiên Chúa.
3.1/ Người Pharisees phê bình Chúa Giêsu đồng bàn với tội nhân:
Sứ mạng của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đến trần gian là đem tất cả mọi người về cho Thiên Chúa. Nếu Ngài không đến, sẽ không một ai có thể được giao hòa và đến với Thiên Chúa. Vì thế, sự kiện Ngài “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” là điều hiển nhiên, vì đó là sứ mạng của Ngài. Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Ngài giảng, vì họ nhận ra tội lỗi của họ và lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Chỉ có các Pharisees và kinh sư xầm xì bàn tán, vì họ kiêu ngạo. Họ không nhận ra tội lỗi của họ và vì tự cho là công chính, họ tin có thể đạt tới ơn cứu độ mà không cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa.
3.2/ Ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối: Chúa Giêsu kể một loạt 3 câu truyện để dẫn chứng lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho con người.
(1) Tìm con chiên bị thất lạc: Tất cả những chi tiết Lucas mô tả đều quan trọng cho việc nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa.
+ Không nói lý do con chiên đi lạc: Người mục tử không cần biết lý do, ông chỉ biết sứ vụ của ông là đi tìm nó.
+ Lòng nhân từ của người chăn chiên: Ông đi tìm cho được con chiên lạc, chứ không đợi cho chiên lạc trở về.
+ Khi tìm được con chiên lạc, ông mừng rỡ vác chiên lên vai. Ông không đánh chiên vì tội đi lạc, cũng không làm chiên xấu hổ vì tội đi lạc; nhưng chứng tỏ cho chiên biết nó được yêu thương qua việc vác chiên trên vai.
+ Kêu gọi bạn bè và hàng xóm đến ăn mừng: Lý do ăn mừng là tìm được con chiên bị mất. Một con chiên thế nào đi nữa đều có giá trị với người mục tử nhân lành.
+ Thiên Chúa và triều đình thiên quốc cũng vui mừng như thế: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
(2) Tìm đồng tiền bị mất:
+ Chẳng để ý đến lý do bị mất.
+ Bà làm hết mọi cách để tìm cho kỳ được: thắp đèn, quét nhà, moi móc. Thiên Chúa cũng làm mọi cách để tìm cho được các tội nhân và đưa về.
+ Ăn mừng? Nhiều người châm biếm: Bà phải tiêu 9 quan kia để mở tiệc ăn mừng đãi hàng xóm! Câu truyện không nằm chỗ đó; nhưng nếu có phải tiêu hết 9 quan, Thiên Chúa cũng cho Bà 10 quan khác.
+ Thiên Chúa và triều thần sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người chúng ta đều đã lãnh nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa qua việc Ngài yêu thương, tha thứ và bảo vệ chúng ta trong cuộc đời.
- Khi đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta phải đứng dậy, đi kiếm các anh chị em đang cần lòng nhân từ của Thiên Chúa và của chúng ta.
- Chúng ta đừng bao giờ có thái độ kiêu ngạo không cần lòng nhân từ của Thiên Chúa, hay hung hăng luận tội anh chị em.
- Mọi người đều có thể sa ngã bất cứ lúc nào; vì thế, mọi người đều cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và qua các bí tích.
- Hãy nhẩm đi nhắc lại điệp ca này để ca tụng Thiên Chúa: “Hãy ca ngợi Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

11/09/16 CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – C 
Lc 15,1-32

Suy niệm: Trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ba dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay như một chùm ánh sáng làm nổi bật hình ảnh ba chiều của Lòng Thương Xót. 1/ Niềm mong ước của Lòng Thương Xót là không để mất một ai trong những tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Ngài, cho dù nó có nhỏ bé mấy đi nữa. 2/ Lòng Thương Xót chứa đựng một quyền năng vô biên thúc đẩy Chúa ra đi tìm kiếm cho bằng được những người tội lỗi, lạc xa tình Chúa để đưa họ trở về với Ngài. 3/ Lòng Thương Xót hoá thành Niềm Vui viên mãn khi những người con cái Chúa“đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Mời Bạn: Lòng Thương Xót của Chúa tuôn tràn lai láng trên chúng ta để rồi chúng ta lại trao ban lòng thương xót ấy cho anh chị em của mình. Mời bạn chiêm ngắm Đức Ki-tô chịu đóng đinh là “dung nhan Lòng Thương Xót” để mô phỏng, đồng hoá những “nét” thương xót ấy trong tâm hồn của bạn.
Chia sẻ: Tính vô cảm đã tiêm nhiễm vào lối sống Kitô hữu ngày nay như thế nào? Bạn cho một ví dụ chứng minh.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khắc hoạ vào tâm hồn mình một “nét” thương xót của Đức Ki-tô bằng cách thực hiện ba điều tâm niệm này: - luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tha nhân; - sống bao dung nhẫn nại; - và tha thứ không giới hạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài bằng sự tha thứ và lòng thương xót. Xin làm cho chúng con trở thành gương mặt hữu hình của Lòng Thương Xót Chúa trên trái đất này. (theo Kinh Năm Thánh)

NGƯỜI CHA
Hãy trở lại và ở lại trong nhà Cha, vì Cha muốn trao cho bạn tất cả những gì Ngài có. Tiệc đã sẵn, vào với Cha cũng là về với anh em.


Suy nim:
Khi chiêm ngắm người cha nhân hậu,
ta khám phá ra khuôn mặt một Thiên Chúa yêu thương.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa khiêm tốn.
Như người cha chấp nhận chia gia sản cho con,
chấp nhận để con bỏ nhà ra đi,
Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của con người.
Ðấng Toàn Năng đã tự giới hạn quyền năng của mình
để chúng ta có thể hiện hữu một cách tự do.
Ngài như thể thu mình lại để nhường chỗ cho thụ tạo.
Không phải chỉ con người mới cần cởi giày trước Thiên Chúa.
Chính Thiên Chúa cũng cởi giày trước mầu nhiệm con người,
vì lòng con người cũng là phần đất thiêng thánh.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết chờ đợi.
Thiên Chúa vẫn nuôi hy vọng khi con người lìa xa Ngài.
Người Cha vẫn luôn ngóng con từ bên cửa sổ.
Lòng Cha luôn hướng về con.
Bởi thế ngay khi con còn ở đàng xa, Cha đã thấy.
Cha vẫn nhận ra con, dù con xanh xao tiều tụy.
Thiên Chúa không thất vọng về con người.
Ngài không bắt ép người ta hoán cải, Ngài chỉ chờ.
Ngài chờ vì Ngài tôn trọng tự do của họ.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết tha thứ.
Ngài là Cha yêu con bằng cung lòng người mẹ.
Rõ ràng con thứ thật đáng trách, vì bất hiếu.
Nhưng tình thương của Cha còn lớn hơn tội của anh.
Cha thương anh vì anh đã lỗi phạm.
Tội lỗi tự nó đã đem lại hình phạt rồi.
Người cha có vẻ không cần nghe con mình xin lỗi.
Sự trở về của anh đã là lời thống hối ăn năn.
“Con ta đã chết, nay đang sống; đã mất, nay lại tìm thấy.”
Thiên Chúa không nhớ mãi chuyện đã qua.
Ðiều quan trọng là hiện tại:
con đang sống trong vòng tay Cha.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa luôn chạy ra,
như người cha chạy ra để đón đứa con thứ,
như người cha đi ra để năn nỉ đứa con cả.
Thiên Chúa dường như không yên trong hạnh phúc của mình ,
nếu có một người con còn đứng ngoài.
Người cha trong dụ ngôn chẳng sợ mất uy nghi, đạo mạo.
Ông chạy đến với con, phá vỡ khoảng cách của quyền uy.
Quyền uy của người cha là quyền uy của tình yêu,
mà tình yêu thi có can đảm vượt qua mọi khoảng cách.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết nhảy mừng.
Thiên Chúa đãi tiệc vì một người ăn năn sám hối.
Nhưng Thiên Chúa nhảy mừng cũng là Thiên Chúa từng đau khổ.
Ngài đau nỗi đau của con khi cố tình xa Cha.
Thiên Chúa biết buồn vui với con người và vì con người.
Hãy trở lại và ở lại trong nhà Cha,
vì Cha muốn trao cho bạn tất cả những gì Ngài có.
Tiệc đã sẵn, vào với Cha cũng là về với anh em.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha
như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay Cha,
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.

Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Khắc Khoải Mong Được Chiêm Ngắm Nhan Thánh Chúa
Trong cả Cựu và Tân Ước, con người sống trong thế giới hữu hình giữa những thực tại thế tục. Tuy nhiên con người ý thức sâu xa về sự hiện hữu của Thiên Chúa – một sự hiện diện định hình toàn bộ cuộc sống của họ.
Vị Thiên Chúa hằng sống ấy quả thực là bức tường thành bảo vệ con người giữa mọi thử thách và đau khổ của cuộc hiện sinh dương thế này. Khi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, con người khao khát chiếm hữu Ngài cách hoàn toàn. Con người cố tìm cách để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh viết:
“Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến,
vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3).
Trong khi con người cố gắng để biết Thiên Chúa – để chiêm ngắm dung nhan Ngài và để cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài – thì Thiên Chúa hướng về phía con người để mạc khải chính sự sống của Ngài cho con người. Công đồng Vatican II nói nhiều về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới này. Công đồng giải thích rằng: “qua sự mạc khải của Ngài, Thiên Chúa muốn tự tỏ hiện và thông đạt chính Ngài cũng như ý muốn từ đời đời của Ngài về ơn cứu độ cho con người.” (MK 6).
Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân ái và là Đấng tự mạc khải chính Ngài, vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm khôn dò đối với con người. Và con người – người lữ khách kiếm tìm tuyệt đối – vẫn mãi mãi suốt đời kiếm tìm dung mạo của Thiên Chúa. Nhưng ở cuối hành trình đức tin, con người sẽ về đến “nhà Cha”. Và trong ngôi nhà thiên quốc này, con người hy vọng chiêm ngắm Thiên Chúa “diện đối diện” (1Cr 13,12).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11 – 9
Chúa Nhật XXIV Thường Niên
Xh 32, 7-11.13-14; 1Tm 1, 12-17; Lc 15, 1-32.

Lời Suy niệm: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên ma bị mất một con, lại không để chín mươi chín con ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”
Chúa Giêsu cho mỗi một Kitô hữu biết, mỗi một người trong chúng ta đều được sự quan tâm lo lắng của Người, tất cả mọi người đều quan trọng đối với tình thương cứu độ của Người, và Người không để mất một ai, những ai có sai phạm vì những tham lam vui chơi mà xa lạc đàn, thì chính Người là kẻ ra công đi tìm cho bằng được, khi đã tìm được Người không trách cứ nhưng Người vác trên vai, và đem về nhà mở tiệc, mời hàng xóm bạn bè đến chung vui.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang được ở trong tình thương và sự chăm sóc của Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con, đừng vì bất cứ gì mà phải bỏ xa đàn; cũng như đừng bao giờ làm cớ cho những con chiên trong đàn phải bỏ xa đàn.
Mạnh Phương


11 Tháng Chín
Thuốc Dã Rượu
Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm của công ty đã đem loại thuốc mới này thí nghiệm trên các chú chuột đang say túy lúy. Như thuốc tiên, mấy cú chuột đang say bỗng trở nên tỉnh táo hẳn lại.
Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: "Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men... Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác".
Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.
Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài. Những buổi chiều tà khi Thiên Chúa đến trong Vườn Ðịa Ðàng để chuyện vãn với Ađam và Evà: đó là hình ảnh của một sự kết hiệp thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đãchối bỏ Thiên Chúa và đã cắt đứt mối dây thân tình ấy... Từ đó, bất an đã trở thành số phận thường tình của con người.
Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngài...
Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ... Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống... Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình...
Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa. Dù có lo lắng đến đâu, chúng ta cũng không thể làm cho mình cao hơn một chút. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình và mỗi ngày có nỗi khổ của ngày đó...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét