Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Đức Phanxicô cử hành thánh lễ tại Thủ Đô Georgia

Đức Phanxicô cử hành thánh lễ tại Thủ Đô Georgia
Vũ Văn An10/1/2016

Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đánh dấu ngày thứ hai trong chuyến thăm Georgia 2 ngày bằng thánh lễ tại Vận Đồng Trường Mikheil Meskhi ở Thủ Đô Tbilisi.

Trong bài giảng lễ, ngài nói đến tầm quan trọng của phụ nữ, trích dẫn từ các bài viết của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, mà lễ mừng là ngày 1 tháng Mười.

Ngài cũng nói đến sứ mệnh “khẩn cấp” phải mang và tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa. Theo ngài, Giáo Hội là “nhà an ủi”.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

Trong số nhiều kho tàng của xứ sở này, một kho tàng nổi bật là tầm quan trọng của phụ nữ. Như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay, từng viết: “họ yêu mến Thiên Chúa đông hơn đàn ông nhiều” (Tự Truyện, Thủ Bản A, VI). Ở đây, ở Georgia này, có rất đông bà nội bà ngoại và các bà mẹ không ngừng bảo vệ và truyền lại đức tin đã được gieo vãi trên lãnh thổ của Thánh Nino này; và họ mang nước mát trong của lòng Chúa ủi an đến cho man vàn các hoàn cảnh khô cằn và tranh chấp.

Điều trên giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của sứ điệp Thiên Chúa trong bài đọc thứ nhất: “Như bà mẹ ủi an con mình, Ta cũng sẽ ủi an con như thế” (Is 66:13). Như bà mẹ vác lấy gánh nặng và âu lo của con cái mình thế nào, Thiên Chúa cũng vác lấy tội lỗi và các rắc rối của ta như vậy. Đấng biết chúng ta và yêu thương ta vô hạn lưu ý tới lời ta xin và lau khô các dòng lệ của ta. Mỗi lần nhìn ta, Người đều xúc động và trái tim Người trở nên dịu dàng, với một tình yêu từ thẳm sâu hữu thể Người, vì dù có thể làm bậy đến đâu, ta vẫn là con cái của Người; Người muốn ôm lấy chúng ta vào cánh tay Người, che chở chúng ta, giải thoát ta khỏi nguy hại và sự dữ. Ta hãy để những lời sau đây của Chúa vang vọng trong trái tim ta: “Như người mẹ uỉ an thế nào, Ta cũng sẽ ủi an con như vậy”.

Giữa các rắc rối ta cảm nghiệm ở trong đời, sự an ủi mà ta cần chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta là nguồn an ủi chân thực, một an ủi cư ngụ trong ta, giải thoát ta khỏi sự dữ, mang lại hòa bình và tăng thêm niềm vui của chúng ta. Vì lý do này, nếu chúng ta muốn trải nghiệm sự an ủi của Người, chúng ta phải nhường đường cho Chúa trong đời sống chúng ta. Và để cho Chúa liên tục cư ngụ trong chúng ta, chúng ta phải mở cửa trái tim của chúng ta ra cho Người và không được để Người ở bên ngoài. Có những cánh cửa an ủi luôn phải được mở ra, vì Chúa Giêsu đặc biệt muốn vào qua chúng: đó là Tin Mừng chúng ta đọc mỗi ngày và mang theo với chúng ta, là lời cầu nguyện thầm lặng của chúng ta trong lúc thờ lạy, trong lúc xưng tội, trong Thánh Thể. Chính qua các cửa này mà Chúa đi vào và ban hương vị mới cho thực tại. Tuy nhiên, khi cánh cửa trái tim ta đóng lại, ánh sáng của Người không thể chiếu vào và mọi thứ đều chìm trong bóng tối. Lúc đó, chúng ta sẽ quen với bi quan, với những điều không đúng, với các thực tế không bao giờ thay đổi. Kết cục, chúng ta sẽ chìm đắm trong nỗi buồn riêng của ta, trong thẳm sâu đau buồn, bị cô lập. Mặt khác, nếu chúng ta mở rộng cửa an ủi, ánh sáng của Chúa sẽ đi vào!

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ an ủi chúng ta trong trái tim của chúng ta mà thôi; qua tiên tri I-sai-a, Người nói thêm: "Ngươi sẽ được an ủi ở Giêrusalem" (66:13). Ở Giêrusalem, nghĩa là, ở kinh thành của Thiên Chúa, ở trong cộng đồng: chính khi chúng ta hiệp nhất, hiệp thông, sự an ủi của Thiên Chúa hành động trong chúng ta. Trong Giáo Hội, chúng ta tìm thấy sự an ủi, Giáo Hội là nhà an ủi: ở đây Thiên Chúa muốn an ủi chúng ta. Chúng ta có lẽ sẽ tự hỏi: Tôi, người đang ở trong Giáo Hội, tôi có mang sự an ủi của Thiên Chúa không? Tôi có biết làm thế nào để chào đón những người khác như khách mời và an ủi những người tôi thấy mệt mỏi và vỡ mộng không? Ngay khi đang chịu đựng hoạn nạn và bị từ chối, người Kitô hữu vẫn luôn được mời gọi mang hy vọng đến tâm hồn những người đã bỏ cuộc, khuyến khích người nản chí, mang ánh sáng của Chúa Giêsu, sự ấm áp của nhan thánh Người và sự tha thứ của Người, một sự tha thứ sẽ khôi phục chúng ta. Vô số người đang bị thử thách và bất công, và sống trong sự lo lắng. Lòng chúng ta cần được xức dầu an ủi của Thiên Chúa, một sự xức dầu không lấy đi các vấn đề của chúng ta, nhưng cho chúng ta sức mạnh để yêu, để chịu đau đớn một cách bình an. Tiếp nhận và mang niềm an ủi của Thiên Chúa: sứ mệnh này của Giáo Hội rất khẩn cấp. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp nhận lời mời gọi này: không tự chôn mình trong những gì sai lầm đang xảy ra xung quanh chúng ta hay buồn rầu vì sự thiếu hòa hợp giữa chúng ta. Không tốt cho chúng ta chút nào khi trở nên quen thuộc với một Giáo Hội "môi trường nhỏ xíu" khép kín; điều tốt cho chúng ta là chia sẻ các chân trời rộng mở cho hy vọng, có can đảm biết khiêm tốn mở cửa lòng chúng ta và đi quá con người chúng ta.

Tuy nhiên, có một điều kiện cơ bản để tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa, và Lời Người hôm nay nhắc chúng ta nhớ điều này: trở thành nhỏ bé như trẻ em (xem Mt 18: 3-4), được "giống như một đứa trẻ ngủ yên ở vú mẹ" (Tv 130: 2). Để nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cần sự bé nhỏ này trong trái tim: chỉ những em bé mới có thể được ôm ấp trong cánh tay mẹ các em mà thôi.

Chúa Giêsu nói với ta: bất cứ ai trở thành như một trẻ em, " đều là người lớn nhất trong Nước Trời" (Mt 18: 4). Sự vĩ đại thực sự của con người hệ ở việc tự làm mình nhỏ nhoi trước mặt Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không được biết đến qua các ý tưởng lớn lao và các nghiên cứu sâu rộng, mà là qua sự bé nhỏ của một trái tim khiêm tốn và biết tín thác. Để được vĩ đại trước Đấng Tối Cao, ta không đòi phải có hàng đống vinh dự và uy tín hoặc của cải và thành công trần thế, mà đúng hơn, là hoàn toàn tự đổ mình ra. Một đứa trẻ không có gì để cho đi nhưng lại nhận được mọi thứ. Một đứa trẻ dễ bị tổn thương, và phải phụ thuộc vào cha hay mẹ của mình. Người trở nên giống một đứa trẻ thì nghèo trong chính mình nhưng giàu trong Thiên Chúa.

Trẻ em, những chủ thể không gặp khó khăn trong việc hiểu biết Thiên Chúa, nên có nhiều điều để dạy chúng ta: các em nói với chúng ta rằng Thiên Chúa thực hiện nhiều điều lớn lao nơi những người không tạo đề kháng nào cho Người, những người đơn sơ và chân thành, không hai lòng. Tin Mừng cho chúng ta thấy các điều kỳ diệu vĩ đại đã được thực hiện bằng những điều nhỏ mọn ra sao: bằng vài tấm bánh và hai con cá (xem Mt 14: 15-20), bằng một hạt cải nhỏ xíu (Mc 4: 30-32), bằng một hạt lúa mì chết đi trong đất (x Ga 12:24), bằng việc hiến tặng chỉ một ly nước (x Mt 10:42), bằng hai đồng tiền của bà góa nghèo (Lc 21: 1 -4), bằng sự khiêm tốn của Mẹ Maria, tôi tớ của Chúa (Lc 1: 46-55).

Đó là sự cao cả đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy những bất ngờ và yêu thích các bất ngờ: chúng ta hãy luôn luôn giữ cho sống động ước muốn được sự bất ngờ của Thiên Chúa và tin tưởng vào những bất ngờ này! Điều giúp ích chúng ta là nhớ rằng chúng ta luôn luôn và chủ yếu là con cái của Người: không phải chủ nhân ông cuộc sống của chúng ta, mà là con cái của Chúa Cha; không phải những người lớn tự trị và tự túc, mà là những đứa trẻ luôn cần được nâng dậy và ôm ấp, cần tình yêu và tha thứ. Phúc cho các cộng đồng Kitô hữu biết sống sự đơn sơ đích thực này của Tin Mừng! Nghèo trong các phương tiện, nhưng họ giàu trong Thiên Chúa. Phúc cho những Mục Tử nào không đi theo luận lý học thành công của thế gian, nhưng tuân theo luật lệ tình yêu: chào đón, lắng nghe, phục vụ. Phước cho Giáo Hội không phó mình cho các tiêu chí của chủ thuyết chức năng và hiệu năng tổ chức, cũng không lo lắng về hình ảnh của mình. Đoàn chiên nhỏ bé và yêu quí của Georgia, những người hết sức dấn thân cho các công việc bác ái và giáo dục, nhận được sự khuyến khích của Mục Tử Nhân Lành, anh chị em là những người được phó thác cho Đấng vác anh chị em lên vai Người và an ủi anh chị em.

Tôi muốn tóm tắt các suy nghĩ này bằng một vài lời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh chúng ta kính nhớ hôm nay. Thánh nữ cho thấy "con đường nhỏ" của bà dẫn tới Thiên Chúa, đó là "sự tín thác của một bé thơ ngủ thiếp không hề sợ hãi trong vòng tay Cha mình", vì "Chúa Giêsu không đòi hỏi các hành động vĩ đại của chúng ta, nhưng chỉ đơn giản đòi ta phó mình và biết ơn" (Tự Truyện, Thủ Bản B ).

Tuy nhiên, thật không may, như thánh nữ viết hồi đó, và hôm nay, nó vẫn còn đúng, Chúa thấy "ít trái tim biết hoàn toàn phó thác cho Người, hiểu được sự dịu hiền thực sự của tình yêu vô hạn nơi Người" (ibid). Vị thánh trẻ và là Tiến Sĩ Hội Thánh này, đúng hơn, là một chuyên gia trong "khoa học tình yêu" (ibid), và dạy chúng ta rằng "đức ái hoàn hảo hệ ở việc chịu đựng các lỗi lầm của người khác, ở việc không ngạc nhiên trước các điểm yếu của họ, hệ ở việc được xây dựng bởi những hành vi đức hạnh nhỏ mọn nhất mà chúng ta thấy họ thực hành "; thánh nữ cũng nhắc nhở rằng "đức ái không thể ẩn mãi tận thẳm sâu trong trái tim chúng ta" (Tự Truyện, Thủ Bản C). Cùng nhau, tất cả chúng ta hôm nay hãy khẩn cầu ơn có được một trái tim đơn sơ, một trái tim biết tin tưởng và sống trong sức mạnh nhẹ nhàng của tình yêu; chúng ta hãy xin được sống trong sự tín thác bình an và trọn vẹn vào lòng thương xót của Th

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét