Trang

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

03-11-2016 : THỨ NĂM - TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

03/11/2016
Thứ Năm đầu tháng, tuần 31 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 3-8
"Những điều xưa kia được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, chính chúng ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa theo thần trí, và khoe mình trong Ðức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng vào xác thịt, mặc dầu chính tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác nghĩ mình có lý để ỷ lại vào xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.
Nhưng những điều xưa kia được kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Ðức Kitô tôi coi là bất lợi. Vả lại tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.
2) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. - Ðáp.
3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.

Alleluia: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Con Chiên Lạc
Có một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau: Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.
Nữ tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như thế?
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.

Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Martin de Porres
Bài đọc: Isa 58:6-11; Mt 11:25-30

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các con bảo Thầy là ai?
- Có một bài hát giáo lý tôi đã từng được các trưởng TNTT dạy hát khi còn nhỏ, bài “con kiến đen, nằm trong hòn đá đen, mặt trời tối đen, Đức Chúa Trời cũng thấy;” nhưng lúc đó chẳng hiểu gì cả. Sau này, có người áp dụng bài hát vào cuộc đời Thánh Martinô, tôi thấy thật đúng.
- Cuộc đời Thánh Martinô có thể được ví như cuộc đời con kiến đen: vì ngài là người da đen; sinh trong một gia đình hỗn hợp: cha là người Tây Ban Nha da trắng, mẹ là người Panama da đen; tương lai cũng mờ mịt đen tối như đêm 30 tết vì cha bỏ 3 mẹ con ở lại để về nước. Sống trong một hòan cảnh hết sức đen tối như thế, thử hỏi còn có hy vọng gì cho một cậu bé mồ côi da đen? Mặc dù tất cả đều đen ngòm như vậy, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thấy, và Ngài đã có một kế họach diệu kỳ cho tôi tớ da đen của Ngài.
- Ngài có một người mẹ biết kính sợ Thiên Chúa, Bà Anna. Mặc dù phải chịu cảnh mẹ góa con côi, Bà không bao giờ kêu trách Chúa hay đổ tội cho hòan cảnh. Trái lại, Bà phấn đấu làm việc để nuôi hai chị em Martinô và dạy dỗ cho con mình biết trông cậy vào Thiên Chúa. Hơn nữa Bà còn dạy cho hai chị em biết chia sẻ những gì mình có được với những ai nghèo khổ, mặc dù chính gia đình Bà cũng phải vật lộn với bữa lo bữa đói. Truyện kể có một lần Bà tức giận bạt tai Martinô vì tưởng con mình bớt tiền chợ của gia đình để tiêu riêng; nhưng sau khi tìm hiểu nguyên do, Bà đã hối hận vì biết con dùng tiền để chia sẻ với người nghèo.
- Khi tới tuổi trưởng thành, Martinô xin vào tu trong Dòng Đaminh như một thầy trợ sĩ. Gương khiêm nhường và bác ái của Martinô đã thành những gương sáng cho mọi người bàn tán. Martinô xin Bề trên cho đưa một bệnh nhân về phòng để chính mình săn sóc, ngài nhường giường riêng của mình cho bệnh nhân, còn mình thì nằm trên sàn. Khi Nhà Dòng lâm cảnh thiếu thốn không còn tiền sinh sống, Martinô đã vào năn nỉ xin Bề trên cho bán mình làm nô lệ để kiếm cho Nhà Dòng một số tiền. Bề trên đã phải rơi lệ và ôm lấy Martinô, nhưng làm sao có thể bán được người đã thương anh em mình đến thế! Tình thương của Martinô không chỉ giới hạn vào con người, mà còn lan tràn tới cả thú vật. Truyện kể ngài có thể nói chuyện với cả ... chuột. Số là vì Martinô nuôi ăn chúng nên chúng lan tràn khắp phòng; và hậu quả là chúng ăn luôn cả những chiếc áo dòng của các tu sĩ. Bề trên bị than phiền nên quyết định cho đặt bẫy và rải thuốc giết chuột. Martinô cho triệu tập gấp rút buổi họp của đại gia đình nhà chuột. Ngài ra điều kiện nếu muốn tiếp tục để ngài cho ăn thì tuyệt đối không được cắn áo của các tu sĩ; nếu không, đại tang sẽ đến với đại gia đình nhà chuột. Thế là đàn chuột bảo nhau, và từ đó trở đi, không thấy các tu sĩ than phiền về việc cắn áo của chuột nữa!
Hai Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta thêm chất liệu để suy nghĩ thêm về cuộc đời Thánh Martinô; đồng thời rút ra những ví dụ sống cụ thể cho cuộc đời mỗi người. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah nhấn mạnh về cách thức ăn chay: không phải là chỉ nhịn đói không ăn; nhưng còn là chia cơm sẻ bánh cho những người túng thiếu và giúp đỡ giải thóat họ khỏi mọi xiềng xích gông cùm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ngợi khen Thiên Chúa Cha, vì đã cho phép Ngài mặc khải sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho những người bé mọn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức bác ái quan trọng trên hết mọi nhân đức và sẽ tồn tại suốt đời.
1.1/ Cách ăn chay Thiên Chúa ưa thích:
(1) Thương linh hồn 7 mối: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?” Các điều tiên tri nói ở đây đã được Gíao Hội tổ chức và cắt nghĩa rõ ràng hơn trong “Thương linh hồn 7 mối:” Lấy lời lành mà khuyên người. Mở dạy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ khinh dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Thương linh hồn 7 mối khó nhận ra và khó làm. Mọi tín hữu đều có bổn phận phải làm, nhưng các cha và các tu sĩ là những người chuyên lo những mối linh hồn này. Khi các ông bà giúp để đào tạo ơn gọi là đang dự phần vào việc thương các linh hồn, vì chính Chúa đã nói: “Ai giúp các tiên tri vì danh nghĩa là tiên tri thì cũng sẽ được phần thưởng của tiên tri” (). Các ông bà nhiều khi không có khả năng, thời giờ, cơ hội để dạy dỗ con cháu; nhưng nếu các ông bà đóng góp để đào tạo ơn gọi là các ông bà giúp đỡ chính con cháu mình; chuẩn bị cho chúng có được những người hướng dẫn đàng tinh thần trong tương lai.
Đói phần xác rất dễ nhận ra, nhưng đói khát tinh thần và tình yêu không dễ nhận ra. Hậu quả của việc đói tinh thần khốc liệt hơn hậu quả của đói phần xác; vì nó làm con người không biết sống ở đời này và lạc hướng đi trong tương lai. Chúa đã từng cảnh cáo: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?”
(2) Thương xác 7 mối: “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” Cũng thế, GH đã tổ chức và cắt nghĩa rõ ràng hơn trong “Thương xác 7 mối:” Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ bệnh cùng kẻ tù đày. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết. Cuộc đời Thánh Martinô là gương sáng cho những mối này: thánh nhân đã từng cho người nghèo ăn uống, mặc áo cho kẻ mình trần, săn sóc bệnh nhân, cho người lạ nằm trên giường mình, tình nguyện bán mình nuôi anh em, và chôn xác kẻ chết.
1.2/ Phần thưởng cho những người biết thương xót: Theo tiên tri Isaiah, người biết thương xót giúp đỡ kẻ cô thân cô thế, sẽ được Thiên Chúa bảo vệ, chúc lành, và cho chung hưởng vinh quang với Ngài. Điều đặc biệt nữa là khi cầu xin, sẽ được Thiên Chúa nhận lời: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.”
Thánh Martinô khi còn sống đã thi ân cho biết bao nhiêu người, khi chết rồi ngài còn bầu cử cho bao nhiêu người, nhất là cho dân Việt Nam chúng ta. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao một thánh mãi tận Nam Mỹ mà lại trở nên thật gần gũi với người Việt Nam như vậy. Tôi nghĩ lý do có lẽ là vì ngài thương xót những người nghèo khổ: có đau mắt thì mới biết thương người mù. Hòan cảnh đau khổ ngài phải chịu khi lớn lên khiến ngài dễ đồng cảm với những khổ đau mà con dân Việt Nam phải chịu. Không biết bao nhiêu người đã tuốn đến Hố Nai và Ba Chuông để xin ngài che chở trước khi vượt biên. Bản thân cá nhân tôi cũng đã lấy ảnh ngài và dán vào những quầy tính tiền của tiệm để xin ngài bảo các anh em của ngài đừng gây thiệt hại phần xác cho các anh chị em và các cháu của tôi; bù lại tôi cũng nói với mọi người trong gia đình phải năng giúp những khách hàng nghèo khổ.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa mặc khải những điều cao siêu cho kẻ bé mọn.
2.1/ Khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có một sự khác biệt sâu đậm giữa khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người:
- Khôn ngoan của con người chỉ dành cho những người học cao, hiểu rộng; những người có cơ hội đi tới trường lớp.
- Khôn ngoan của Thiên Chúa lại dành cho những người bé mọn và ẩn giấu khỏi người khôn ngoan thông thái như Đức Giêsu nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”
2.2/ Chúa Giêsu là người mặc khải các khôn ngoan của Thiên Chúa: Khi nhập thể, nhiệm vụ đầu tiên của Ngài là mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Cứu Độ. Nếu Đức Kitô không mặc khải, không ai có thể biết những mầu nhiệm này. Ngài nói: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Thực sự, Ngài mặc khải cho tất cả, nhưng không phải ai cũng hiểu được. Để hiểu những mầu nhiệm này, con người cần có đức tin và lòng khiêm nhường.
2.3/ Những người nghèo khó và đau khổ là những người hiểu được khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu mời: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
Vì thế, không lạ gì một người hiền hậu và khiêm nhường như Martinô đã sớm nhận ra khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Martinô quí trọng Thập Giá nên ngài sẵn sàng chịu đau khổ để thông phần vào Cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Thánh nhân đã nhìn ra tình thương Thiên Chúa và nhìn thấy Thiên Chúa trong các anh chị em nghèo khổ; vì thế, ngài sẵn sàng hy sinh tất cả để giúp đỡ họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nếu đời cho ta trái chanh chua, hãy biến nó thành ly chanh đường. Chúng ta hãy tập có thái độ tích cực trong cách nhìn và cư xử với đời.
- Đừng than thân trách phận vì sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Chẳng có ngôi sao nào xấu cả: Nếu biết đặt niềm tin nơi Chúa và để Ngài hướng dẫn cuộc đời, chúng ta cũng sẽ thành thánh như Thánh Martinô.
- Thánh Martin đã được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời là đức bác ái, thương xót tất cả mọi người như Chúa thương mình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

03/11/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Th. Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ
Lc 15,1-10

Suy niệm: Theo Thánh Kinh, mục tử vừa là thủ lãnh, vừa là người bạn đồng hành với đàn chiên. Mục tử vừa là người hùng mạnh có sức gìn giữ đàn chiên, vừa là người biết chăm sóc đàn chiên, biết bồng ẵm chúng trên tay, biết đem chiên đến đồng cỏ non, đến chỗ nghỉ ngơi, nhất là biết băng bó cho chiên bị thương tích. Nhiệm vụ của mục tử là qui tụ đàn chiên chứ không loại trừ, vì thế, dù chỉ một con chiên lạc người mục tử cũng phải đi tìm cho kỳ được. Hội Thánh được mạc khải và nhận ra Chúa Giê-su chính là mục tử mẫu mực, mục tử như lòng Chúa Cha mong ước. Ngài chăm lo qui tụ mọi hạng người, vượt ra khỏi quan niệm hẹp hòi về “đàn chiên” của người đương thời. Nhà của những người bị loại trừ, bị xa lánh, lại là địa chỉ Ngài thường hay lui tới để đưa họ về trong đàn chiên của Thiên Chúa. Nhiệm vụ này đòi hỏi mục tử Giê-su phải hy sinh lớn lao, kể cả mạng sống.
Mời Bạn: Mọi Ki-tô hữu đều là những mục tử: mục tử cha, mục tử mẹ, mục tử anh, mục tử chị, mục tử linh mục, mục tử giáo dân. Vai trò này chúng ta nhận được từ Chúa Giê-su và tiếp nối Ngài để sống hôm nay. Chỉ một tên gọi “mục tử” này có gợi lên trong chúng ta nhiều việc phải làm hay không?
Sống Lời Chúa: Nhìn lại “đàn chiên” Chúa giao cho bạn và kiểm điểm vai trò mục tử của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là mục tử nhân lành, những lỗi lầm của con trong vai trò mục tử đã làm đàn chiên Chúa tan tác, bị bỏ bê. Xin giúp con biết yêu thương và phục vụ họ tận tụy hơn.

Xin chung vui với tôi 
Thiên đàng không cắt đứt với trần thế. Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải. Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm. 


Suy nim:

Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả,
nhưng lại xa lạ và lạnh lùng với con người,
vì con người có là gì đâu trước mặt Thiên Chúa.
Thật ra con người là mối bận tâm lớn của Ba Ngôi,
đến độ ta dám nói rằng con người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.
Trước khi con người hướng về Thiên Chúa
thì Thiên Chúa đã đưa tay ra, hướng về con người.
“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”
Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho nhau,
nhưng cũng sống vì con người và cho con người.

Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.
Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.
Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn:
có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.
Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.
Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữ
có một trăm con chiên hay mười đồng quan.
Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.
Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.
Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).
Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.
Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,
người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.
Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.
Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.
Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.
Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.
“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).

Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.
Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).
Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.
Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa.
Ngài quý từng con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.
Trái tim ấy nghiêng chiều về những con người đã lạc đường.
Đồng quan không thể tự ý trốn đi, nhưng con người có tự do quay lưng.
Thiên Chúa đi tìm con người quay lưng ấy.
Với sự khiêm hạ, Ngài chinh phục trái tim con người.

Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.
Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời,
trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.
Hãy cảm được sự tế nhị của Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.
Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy, ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG MƯỜI MỘT
Hoa Trái Của Hiệp Nhất
Trong lời nguyện hiến tế của Người tại bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói: “Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,19). Mối hiệp nhất được xây dựng trên sự thật, trên sự thật của Lời mạc khải, trên sự thật của chính Lời của Cha là Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Sự thật của Lời này được trao ban cho Giáo Hội trong Đức Kitô và qua các Tông Đồ là những vị đã được sai đi để làm Phép Rửa và giảng dạy nhân danh Người: “Như Cha đã sai con đến trong thế gian, con cũng sai họ đi vào thế gian” (Ga 17,18). Sự hiệp nhất của chúng ta không chỉ nhằm cho chúng ta, nhưng đúng hơn cho toàn thế giới, để thế giới có thể tin rằng Chúa Cha đã sai Con của Ngài để cứu độ chúng ta (Ga 17,21.23).
Hiệp nhất là nguồn vui và nguồn an bình của chúng ta. Đàng khác, chia rẽ và bất hòa, nhất là thù hận, thì hoàn toàn đối nghịch lại hiệp nhất. Đó là sự dữ, và đầu mối của chúng là chính Satan.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 03 – 11
Thánh Martinô Porres, tu sĩ
Pl 3,3-8; Lc 15,1-10.

Lời suy niệm: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”
Qua sự xầm xì của những người Pharisêu và các kinh sư về sự gần giũ của Chúa Giêsu với những người tội lỗi và người thu thuế. Chúa Giêsu đã đưa dụ ngôn “Con chiên bị mất”, để cho chúng ta thấy được: Thiên Chúa nhân từ hơn loài người; trong lúc đó con người với nhau lại muốn gạt bỏ, loại trừ nhau. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và vui mừng khi tìm dược con chiên lạc. Trong lúc đó con người chỉ kết án mà muốn hủy diệt.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết ghét tội, tránh xa chúng, nhưng với tội nhân, xin cho chúng con biết tỏ lòng yêu mến và luôn cầu nguyện cho họ biết ăn năn, sám hối trở lại với cộng đoàn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 03-11
Thánh MARTINÔ PORRES
Tu Sĩ (1579 - 1639)

1579 là niên biểu ghi nhớ ngày sinh ra của Martinô ở Lima, Pêru con của một người mẹ da đen và của một người cha hiệp sĩ và 1639 là niên biểu ghi nhớ ngày qua đời của thánh nhân. Sáu mươi năm giữa hai niên biểu này là khoảng thời gian Martinô tiến tới miền ánh sáng, trong sự khiêm tốn và hiến mình trọn vẹn để phục vụ các bệnh nhân.
Cuộc tình của cha mẹ Ngài không suông sẻ lắm, vì màu da của mẹ Ngài đã đưa đến những hất hủi không những cho bà mẹ mà còn cho cả những đứa con xấu số của bà nữa. Nhưng hoàn cảnh đen tối ấy, Martinô lại coi như nén bạc trao tay để Ngài sinh lời, thành bông hoa khiêm tốn tuyệt vời.
Hồi còn là một thiếu niên, Martinô đã chứng tỏ lòng bác ái đầy khiêm tốn phục vụ của mình. Hôm ấy khi theo chị mang thức ăn cho gia đình, Ngài nghe thấy tiếng rên rỉ của một bà lão người da đỏ. Dừng lại Ngài kinh hãi khi thấy một người lính Tây Ban Nha đang hành hạ lão. Đầy thương cảm, cậu thiếu niên Martinô cúi xuống lão già người da đỏ. Nhưng ông thù ghét cự tuyệt: Thằng nô lệ... mày đen đủi. Bọn da đen tụi mày là kẻ thù của dân da đỏ.
Nhưng người thiếu niên da đen này đã không bỏ cậu đi. Cậu nói chuyện với lão già da đỏ cách dịu dàng đến nỗi lão đã thú nhận là ba ngày rồi không ăn thứ gì vào bụng lại chẳng có con cháu gì cả. Martinô đã khóc và đưa tất cả thực phẩm cả ngày đã mua được cho lão già.
Vào thời đó, chỉ cần học một chút nghề cạo gió, cắt lể như Martinô đã học thì đã được coi là đủ để chữa nhiều loại bệnh, như Martinô đã săn sóc các bệnh nhân. Và các con bệnh có thể là loài người hay loài vật, bởi vì mọi loài đau khổ đều có quyền được người bạn da đen này khiêm tốn tận tình săn sóc. Ngài đã chữa lành một con gà tây gẫy giò. Người ta còn nói rằng: Ngài đã làm cho nhiều con vật sống lại.
Vào tuổi 15, Ngài nhập dòng Daminh như một thày dòng ba. Thày thích làm những việc khiêm tốn đến độ đã được biệt danh là "thày chổi". Tại nhà dòng Đức bà Mân Côi, Ngài vẫn tiếp tục nghề thuốc của mình với một đức ái nhẫn nại vô bờ, như là một y tá của nhà dòng. Ngài kín múc sức mạnh trong kinh nguyện và khổ hạnh, vừa dấu mình làm việc và lần hạt Mân côi, thức đêm để cầu nguyện rồi ngủ trên cái cáng dùng khiêng xác chết.
Trong dòng Ngài cũng vẫn tiếp tục lấy tình yêu để đáp lại những bất công. Một bệnh nhân giận dữ với Martinô, nhưng Ngài đã êm ái nói với họ: - Anh giận dữ phải lẽ lắm, nhưng cơn giận có thể gia tăng cơn bệnh của anh. Hãy dùng món ăn anh thích này đi và tôi thoa bóp chân cho anh.
Ngài không hề bất nhân, nhưng lại càng lo lắng săn sóc nhiều hơn cho những người tỏ ra độc ác bất công như Ngài.
Martinô đã từ chối không lãnh chức linh mục để có thể tiếp tục làm đày tớ mọi người. Để thưởng lòng trong trắng, đức bác ái và sự khiêm tốn, Thiên Chúa đã ban cho Ngài ơn chữa bệnh, nói tiên tri và làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời trong hương thơm thánh thiện năm 1639.
Cuộc điều tra phong thánh cho Ngài đã sớm khởi sự từ năm 1657, nhưng mãi 200 năm sau, năm 1837, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI mới phong Ngài lên hàng chân phước và 100 năm sau nữa, ngày 6 tháng 5 năm 1962, Đức giáo hoàng Gioan XXIII phong Ngài lên bậc hiển thánh. Hương thơm thánh thiện của Ngài quả là không thể tan loãng theo thời gian.
(daminhvn.net)


03 Tháng Mười Một
Con Chỉ Là Một Tên Mọi Ðen

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Martinô Porres.
Nhắc đến thánh nhân, người ta thường liên tưởng đến những ơn lạ lùng như xuất thần ngất trí trong khi cầu nguyện, như hiện diện ở hai nơi cùng một lúc, hoặc như có thể trò chuyện và điều khiển cả thú vật.
Vị thánh có lòng bác ái cao độ này lại xuất thân từ một hoàn cảnh vô cùng bi đát và đắng cay. Là con của một thiếu nữ da đen đã từng bị đem bán làm nô lệ vào một nhà quý tộc người Tây Ban Nha, Martinô đã được vị linh mục Rửa Tội ghi trong sổ bộ của giáo xứ là "con không cha". Quả thật, con không cha như nhà không nóc. Martinô đa lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cha mãi cho đến năm 8 tuổi. Nhưng sau khi được chính thức thừa nhận không bao lâu, thì người cha lại bỏ rơi gia đình. Một lần nữa, cậu bé Martinô lại rơi vào cảnh khốn khổ như đa số các em bé nghèo của thành phố Lima, Pêru vào giữa thế kỷ thứ 16.
Nhưng cảnh nghèo ấy đã không gieo vào lòng cậu bé mang hai dòng máu này chút đắng cay nào. Trái lại, cậu tiếp nhận mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống như một thách đố, như một ân sủng.
Năm 12 tuổi, Martinô đã được học nghề hớt tóc và đôi chút xảo thuật của ngành giải phẫu. Vừa hành nghề như một người thợ hớt tóc, vừa như một y tá, Martinô đã đem hết sự hăng say và tận tụy của mình để phục vụ những người nghèo đồng cảnh ngộ.
Nhưng nhận thấy chỉ có thể sống trọn Ðức Ái trong một tu viện, Martinô đã đến gõ cửa một nhà dòng Ðaminh để xin được làm trợ sĩ trong nhà. Bí quyết nên thánh của thầy Martinô là sám hối cầu nguyện và phục vụ, nhất là phục vụ trong những công việc vô danh nhất. Lần kia, nhà dòng mang nợ đến độ không thể bảo đảm được các nhu cầu của các tu sĩ, thầy Martinô đã đến thưa với Bề trên như sau: "Thưa cha, con chỉ là tên mọi đen. Xin hãy bán con đi".
Sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người khác, thầy Martinô cũng luôn nhận tất cả phần lỗi về mình.
Ôn lại gương hy sinh, cầu nguyện và bác ái của thánh Martinô, không những chúng ta chỉ chạy đến xin ngài bầu cử trong những lúc gặp gian nan thử thách, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là lòng tin thác vào Chúa quan phòng của thánh nhân mà chúng ta cần học hỏi, nhất là trong giai đoạn gặp khó khăn này.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người. Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta. Một Thiên Chúa quan phòng là Ðấng có thể biến tất cả những đắng cay, buồn phiền, thất bại, khổ đau trong cuộc sống con người thành khởi đầu của một nguồn ơn cao quí hơn. Cũng như loài ong chỉ rút mật ngọt từ bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, cũng thế, người có niềm tin luôn có thể rút tỉa được những sức đẩy mới từ những thất bại rủi ro trong cuộc sống. Thánh Martinô đã không hận đời đen bạc vì bị người cha bỏ rơi, mà trái lại xem đó như một dịp may để cảm thông, để học hỏi và để phục vụ người khác hữu hiệu hơn. "Hạt lúa rơi xuống đất có mục nát đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt". Ðó là định luật của cuộc sống. Thập giá trong cuộc sống thường là khởi đầu và cơ may cho một vươn lên cao hơn.
Chúng ta thường chạy đến khẩn cầu với thánh Martinô trong cơn hoạn nạn thử thách, chúng ta cũng hãy noi gương ngài để phó thác cho Tình Yêu quan phòng của Chúa, và nhất là xin Ngài cũng giúp chúng ta luôn biết lấy Tình Thương để thắng vượt những ngược đãi của người đời, cũng luôn biết sẵn sàng phục vụ và phục vụ bằng chính mạng sống của mình.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét