Trang

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

08-11-2016 : THỨ BA - TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

08/11/2016
Thứ ba tuần 32 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 2, 1-8. 11-14
"Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.
Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.
Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29
Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng: 1) Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi. - Ðáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. - Ðáp.

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 7-10
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực

Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.

Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 32 TN2
Bài đọcTit 2:1-8, 11-14; Lk 17:7-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa.
Trong lãnh vực thương mại, khi một người ra ngân hàng mượn tiền, họ có bổn phận phải trả lại cho ngân hàng cả vốn lẫn lời. Cùng một cách như vậy đối với Thiên Chúa, Ngài đã cho con người vay tất cả mọi sự: tình yêu, ơn thánh, sự sống, khôn ngoan, tài năng, thời gian, của cải vật chất. Con người phải trả lại tương xứng tất cả những gì Thiên Chúa đã cho vay, và còn phải hơn thế nữa cho phân lời. Khi hòan tất cả vốn lẫn lời, con người mới chỉ chu tòan bổn phận mà thôi. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhắc nhở Titô bổn phận phải trau dồi kiến thức cũng như đức hạnh trước khi có thể gíao dục mọi thành phần Dân Chúa trong giáo đòan. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ dạy các môn đệ: Thiên Chúa không cần phải biết ơn con người; vì nếu con người hết lòng phục vụ Thiên Chúa, họ mới chỉ chu tòan bổn phận của họ mà thôi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải giáo dục mọi thành phần của Dân Chúa biết sống tốt lành.
Thư gởi Titô là một trong các Thư Mục Vụ. Gọi là các Thư Mục Vụ vì nội dung liên quan đến đời sống các tín hữu. Bổn phận người lãnh đạo là phải giáo dục và chăm sóc mọi thành phần trong giáo đòan, không được lơ là bất cứ một thành phần nào. Đọan văn hôm nay nói tới:
1.1/ Bổn phận giáo dục mọi thành phần trong Giáo-đòan của Titô:
(1) Bản thân người lãnh đạo: Không ai có thể cho cái mình không có nên Phaolô khuyên Titô phải biết trau dồi bản thân về cả 2 phương diện tri thức và đức hạnh:
- về phương diện tri thức: Lãnh đạo phải khôn ngoan sáng suốt. Điều quan trọng trước tiên là phải rành rẽ đạo lý mình tin tưởng: “Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì… Hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh.”
- về phương diện đức hạnh: Không phải chỉ dạy đạo lý thôi, mà “chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh.”
(2) Các thành phần trong cộng đòan: Người lãnh đạo không được chỉ chú trọng đến một hay vài giới trong dân, nhưng phải giáo dục mọi thành phần của Dân Chúa. Lý do đơn gỉan: tất cả đều là các chi thể của một thân thể; và nếu một chi thể đau, tòan thân sẽ phải chịu cùng hậu quả. Thánh Phaolô khuyên Titô nên dạy:
- Các cụ ông: Là những người chủ trong gia đình, họ có bổn phận làm gương và hướng dẫn gia đình của họ: “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến, và đức nhẫn nại.”
- Các cụ bà: Phúc đức tại mẫu. Các bà có bổn phận dạy dỗ con: “Phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành.”
- Các thiếu nữ: Các bà mẹ phải dạy cho những bà mẹ tương lai: “biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.”
- Các thanh niên: Anh cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự.
1.2/ Lý do tại sao phải sống tốt lành: Thánh Phaolô đưa ra 3 lý do:
(1) Ân sủng của Thiên Chúa ban: là để sống tốt lành. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính, và đạo đức ở thế gian này.
(2) Niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau: Mọi tín hữu phải sống tốt lành vì “chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” Trong ngày đó, con người sẽ phải lãnh nhận hậu quả cho các việc mình đã làm.
(3) Là Dân Riêng của Thiên Chúa: Các tín hữu đã được rửa sạch bằng Máu Thánh của Đức Kitô, nên họ phải sống cuộc đời thanh sạch: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân Riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.”
2/ Phúc Âm: Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
2.1/ Bổn phận và việc thiện nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu: "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ.
2.2/ Thiên Chúa có cần phải biết ơn con người? Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người; đồng thời Ngài đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37); đó là vì Ngài quá thương yêu con người mà thôi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bổn phận của người lãnh đạo cộng đòan là phải giáo dục đức tin và nhân bản cho mọi thành phần trong giáo đòan. Để có thể chu tòan bổn phận, người lãnh đạo trước tiên phải có một đức tin vững mạnh, khôn ngoan học hỏi, dạy dỗ mọi thành phần, và phải làm gương sáng cho mọi người.
- Chúng ta phải ra sức tận dụng những quà tặng Thiên Chúa ban: sự sống, ơn thánh, thời gian, khôn ngoan, tài năng, của cải vật chất, để sinh lời cho Ngài.
- Cho dẫu hòan tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, con người cũng không có quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn họ; vì họ mới chỉ làm tròn bổn phận đã được giao phó mà thôi.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


08/11/16 THỨ BA TUẦN 32 TN 
Lc 17,7-10

Suy niệm: Ngay từ ban đầu khi theo Chúa, các tông đồ vốn đã có nhiều tham vọng. Mẹ của các ông Gia-cô-bê và Gio-an đã đến xin Đức Giê-su cho các con mình có quyền cao chức trọng trong Nước của Ngài. Lời thỉnh cầu của họ rất “đúng qui trình.” Nhưng, Chúa Giê-su nhắc nhở những ai theo Ngài hãy nhớ rằng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa. Mà bổn phận của tôi tớ là làm theo ý của chủ mình. Vì thế, Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại nhiều lần hãy nghe và giữ lời Chúa. Để được như thế, Ki-tô hữu cần có lòng khiêm tốn và đức vâng phục Thiên Chúa. Thứ đến, chúng ta cần nhận thức rằng, những việc phục vụ chúng ta làm là việc bổn phận của chúng ta, chứ không phải chúng ta làm ơn cho Chúa. Thiên Chúa không hề mắc nợ chúng ta. Đúng ra, những việc phục vụ của chúng ta là những việc đáp đền ơn Chúa như thánh Phao-lô nêu ra: “Bạn có là gì mà không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Vì vậy, còn gì đúng đắn hơn mỗi khi thi hành lời Chúa ta nói với Chúa: “con đã chỉ làm những bổn phận đấy thôi.”
Mời Bạn xét lại tâm trạng của mình sau mỗi lần phục vụ Chúa và Giáo Hội: kiêu hãnh như một người làm ơn hay khiêm tốn và vui mừng như một người chu toàn ý muốn của Chúa?
Sống Lời Chúa: Tìm dịp để thưa với Chúa nhiều lần trong ngày: “Lạy Chúa, con đã chỉ làm bổn phận đấy thôi.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng, con đã chỉ làm những bổn phận đấy thôi.

Đầy tớ vô dụng
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm... đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.


Suy nim:
Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bị bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.
Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối với mình không?
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),
nhưng không như người làm công chờ lương,
cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.
Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyn:

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
8 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ, Một Môi Trường Ưu Tiên
Thế giới ngày nay có xu hướng lãng xa Thiên Chúa. Thế giới chỉ muốn các dữ kiện thực tế và không sẵn lòng để lắng nghe. Nhưng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta mở rộng tấm lòng mình ra: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Giáo xứ là môi trường ưu tiên để trình bày chứng tá ấy. Chúng ta cần thể hiện lại trong thời đại hôm nay điều kỳ diệu đã xảy ra trong các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên: điều kỳ diệu của một sự sống mới, không chỉ về mặt thiêng liêng nhưng cả về mặt xã hội và lịch sử nữa.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Công Đồng Vatican II chú giải rằng qua những lời ấy, Chúa Giêsu đề nghị chúng ta “bắt chước sự kết hợp của Ba Ngôi thần linh để kết hợp các con cái Thiên Chúa trong tình yêu và chân lý” (MV 24). Thiên Chúa Ba Ngôi chính là kiểu mẫu của mọi mối tương quan con người và của đời sống chung giữa con người với nhau!
Từ mẫu thức tối thượng ấy, chúng ta có thể rút ra vô số hàm ý cho giáo xứ. Thực vậy, ơn gọi cao cả của một cộng đoàn giáo xứ là phấn đấu để một cách nào đó trở thành một minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, “hòa hợp mọi sự khác biệt của con người” (AA 10): người già và người trẻ, nam và nữ, trí thức và lao động, giàu và nghèo …

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thứ Ba – tuần XXXII thường niên
Tl 2, 1-8.11-14; Lc 17, 7-10.

LỜI SUY NIỆM: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!”(Lc 17,-7-8)
Trong vai trò người tôi tớ của mỗi người khác hẳn với vai trò là người phục vụ. Đối với tất cả người Ki-tô hữu, dù là đấng bậc nào cũng phải phải nhận ra mình là người tôi tớ của Thiên Chúa và của Giáo Hội; hay là những người phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội; Bởi giữ hai cương vị này hoàn toàn khác hẳn nhau. Nếu là vai trò người phục vụ, thì chỉ cần chu toàn công việc được giao, là đã làm tròn trách nhiệm, và có quyền đòi hỏi quyền lợi tương xứng với công việc mà mình hoàn thành theo đúng hợi đồng; và nếu có làm thêm công việc khác, thì tùy vào ý muốn của mình chứ không bị bắt buộc. Còn đối với người tôi tớ thì không giới hạn công việc và thời gian. Cứ khi nào chủ cần, chủ muốn sai bảo làm việc gì  vào bất cứ lúc nào cũng phải chu toàn, không có quyền đòi hỏi, nếu không chu toàn sẽ bị đánh đòn hoặc bị loại bỏ ra ngoài. Hãy nhìn vào vai trò tôi tớ của Đức Mẹ Maria đối với Thiên Chúa; để chúng ta sống với Thiên Chúa và sống với tha nhân.
Mạnh Phương

08 Tháng Mười Một
Tôi Là Người Hạnh Phúc Nhất Trần Gian

Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ: bây giờ ta nới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn vẹn một con chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất. Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm lòng yêu thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian".
Một thời gian sau đó, trong vùng, có một người táđiền nghèo bị người chủ đe dọa lấy nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và 7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người tá điền nghèo... Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy đi một nơi khác.
Bùi ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này".
Câu chuyện của ông vua đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi cuộc đời của chúng ta... Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy bằng chính Chúa.

Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét