12/11/2016
Thứ bảy
tuần 32 thường niên
Thánh
Giôsaphát, giám mục, tử đạo.
Lễ nhớ
* Thánh nhân sinh khoảng năm 1580 tại
U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo chính thống giáo. Nhưng người lại sớm gắn
bó với giáo hội U-cơ-rai-na hiệp nhất với Rôma. Năm 1617, người làm tổng giám mục
Pô-lốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố gắng
lo cho việc hiệp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động tông đồ của người
đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh công giáo căm ghét người. Người bị giết ở
Vi-tép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu, năm 1623.
Bài Ðọc I: (Năm II) 3 Ga 5-8
"Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế,
để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho chân lý".
Trích thư thứ ba của Thánh Gioan Tông đồ.
Ông Gai-ô thân mến, xin ông cứ trung tín làm những
gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại kiều. Họ đã chứng minh
lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng rãi tiễn họ lên đường sao
cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa, họ đã lên đường mà không
nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để
chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho Chân lý.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc
đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết
lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước:
thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2) Trong nhà người có tài sản phú quỳ, và lòng quảng
đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng
ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh. - Ðáp.
3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết
quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng:
người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức
Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển
chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn,
dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:
"Trong thành kia, có một vị thẩm phán không
kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà
goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù".
Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng:
"Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta,
nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến
mãi làm ta nhức óc".
Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm
phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển
chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo
các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp
được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tín Thác Vào Thiên Chúa
Tuần báo Công Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục
Trong Tuần, có ghi một sự kiện như sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao
của công dân được Hội Ðồng nhà nước ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố
Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5%
đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố
cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị:
"Ðể có thể giải quyết rốt ráo những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi
người dân khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của
Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công
minh".
"Cần có một tòa án xét xử công minh", lời
kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những trường hợp quan trọng hơn, trong
đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự sống còn của biết bao người bị
trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay không? Cần có một tòa án xét xử công
minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình thường của người dân mỗi khi quyền lợi
của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn tiếp tục kêu la cho tới khi nào được
thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân, nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu
Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những
tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường như vẫn câm lặng trước những bất
công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới đang phải gánh chịu.
Chúa Giêsu thấu hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta,
cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác
cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật
đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng
kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống
chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người. Chúng ta tưởng Thiên
Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của con người; thật
ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người, lẽ khôn ngoan
của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được
theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng
của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường,
suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng
hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu
thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác cho
Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là biết đón nhận ý muốn của
Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua nghịch cảnh, thất bại, khổ
đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn tin rằng từ những mất mát, đổ
vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều
tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin Chúa đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 32 TN2
Bài đọc: 3 Jn 5-8;
Lk 18:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành trong việc cầu nguyện và làm việc bác ái
Con người thời nay làm việc gì cũng mong có kết quả
tức khắc: học nghành gì để có việc ngay và kiếm được nhiều tiền dẫu mình không
có khả năng về nghành đó, đầu tư vào những gì sẽ sinh lời ngay dẫu có nhiều
nguy hiểm mất cả vốn. Thái độ này cũng lan tràn vào các mối liên hệ của con người
với nhau và với Thiên Chúa. Con người không còn đủ kiên nhẫn để sửa sai cho
mình và cho người khác, họ quyết định ly dị nhanh chóng sau vài ba lần khác biệt
ý kiến. Tương tự như thế trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: sau
vài lần cầu xin mà không được như ý hay qua một vài đau khổ thử thách, họ mất
niềm tin và chấm dứt mối liên hệ với Ngài. Nói tóm, họ không có đủ kiên nhẫn chờ
đợi để nhìn thấy kết quả trong tương lai. Nhưng họ quên đi rằng việc gì cũng phải
có thời gian của nó, và người thành công là người biết kiên trì chờ đợi và biết
vượt mọi khó khăn để đạt đích. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta 2 lời khuyên về
việc trung thành. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khuyên các tín hữu phải trung
thành trong việc giúp đỡ các nhà truyền giáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các
môn đệ phải trung thành trong việc cầu nguyện qua câu truyện bà góa và ông quan
tòa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Trung thành làm việc bác ái.
1.1/ Bổn phận phải giúp đỡ mọi người: Yêu thương Thiên Chúa không chỉ bằng môi miệng, nhưng phải cụ
thể hóa bằng những việc bác ái làm cho tha nhân; vì điều gì con người làm cho
tha nhân là họ làm cho chính Thiên Chúa (Mt 25). Vì thế, các tín hữu có bổn phận
phải giúp đỡ tất cả mọi người, nhất là những người cô thế cô thân. Thánh Gioan
khuyên Gaio, cộng sự viên của ngài: “Anh thân mến, anh hành động theo đức tin
trong mọi việc anh làm cho các người anh em, dù họ là những người xa lạ.”
Việc bác ái còn giúp con người nhận biết tình thương
Thiên Chúa và tin vào Ngài, như Chúa Giêsu đã nói: “Sự sáng của các con cũng phải
tỏ hiện để họ nhìn thấy các việc chúng con làm và ngợi khen Cha trên trời.” Mẹ
Têrexa thành Calcutta đã đưa không biết bao nhiêu người trở lại với Thiên Chúa
qua các việc bác ái Mẹ làm cho các người nghèo khổ khắp nơi trên thế giới, cách
riêng tại Ấn-Độ. Thánh Gioan cũng thuật lại lời của một nhân chứng đã nhận sự
giúp đỡ từ Gaio: “Họ đã làm chứng về đức bác ái của anh trước mặt Hội Thánh.
Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ cho chuyến đi của họ cách xứng đáng
trước mặt Thiên Chúa.”
1.2/ Bổn phận phải giúp đỡ các nhà truyền giáo: Chính vì muốn cho mọi người nhận biết Chúa, các nhà truyền gíao
đã hy sinh lên đường đi rao giảng Tin Mừng. Làm thế nào để các nhà truyền gíao
đi lại và sinh sống nơi đất khách quê người? Họ không thể làm việc để kiếm tiền
sinh sống vì nếu muốn có tiền sinh sống, họ có thể ở nơi quê hương của họ để
làm việc kiếm tiền. Bổn phận truyền giáo không chỉ là bổn phận của họ, mà là bổn
phận của mọi tín hữu. Vì thế, kẻ góp công người góp của, Thánh Gioan khuyên các
tín hữu: “chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào việc
truyền bá sự thật.”
2/ Phúc Âm:
Trung thành trong việc cầu nguyện
2.1/ Ông quan tòa vô đạo và bà góa quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này là để
dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
(1) Ông quan toà: chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng
chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời gian khá lâu, ông không
chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu
rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này
quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức
óc."
(2) Bà góa: Bà là người cô thân cô thế, chẳng có chồng
để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người khác hãm hại. Bà này đã nhiều
lần đến thưa với ông quan tòa: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét
cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng Bà không nản chí và nhất định
kiên trì xin cho tới khi được.
2.2/ Thiên Chúa yêu thương các con của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô đạo đó với Cha của Ngài, và bảo
đảm sự đáp trả: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên
Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu
với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người
sẽ mau chóng minh xét cho họ.”
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ
ban cho con người tất cả những gì họ xin, vì:
- con người có thể xin những gì có hại cho mình: Con
người không nhìn được trước tương lai nên không biết hậu quả của những gì mình
xin; ví dụ: việc xin cho trúng số có thể đưa tới tan nát gia đình, hay xin cho
được quyền hành có thể đưa con người đến chỗ thiệt mạng.
- con người có thể xin những gì làm hại người khác:
chẳng hạn, xin tiêu diệt kẻ thù. Họ quên đi kẻ thù cũng là con của Chúa.
Cách xin tốt nhất là hãy để cho Chúa chọn những gì
có lợi cho mình và mọi người. Có một câu truyện kể về một vị vua kia muốn để
gia tài lại cho các con của mình. Để dạy cho các con một bài học, Vua cho để những
món quà quí giá trong những hộp xấu xí và để những món quà xòang trong những hộp
đẹp. Các hòang tử được nhà Vua cho tự ý chọn lựa, và hầu hết chọn những hộp đẹp.
Khi đến lượt chàng hòang tử út, anh tần ngần một lúc rồi nói với Vua Cha: “Con
không biết chọn, xin cha chọn cho con.” Vua Cha đã chọn phần quà tốt nhất cho
con, vì chỉ Vua biết đâu là món quà giá trị nhất.
Sau đó Chúa nói: "Nhưng khi Con Người ngự đến,
liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Đức tin vào Thiên
Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người, nhưng để bảo
vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một tăng trưởng là bổn phận của con người. Để
đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử thách là điều không thể thiếu. Nếu xin
chưa được, con người không được nản chí thất vọng, nhưng càng phải kiên trì xin
cho tới khi được.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học kiên nhẫn chờ đợi và vuợt mọi
khó khăn thử thách thì mới có thể thành công trong cuộc đời.
- Chúng ta phải trung thành làm việc lành cho tất cả
mọi người, nhất là giúp đỡ các nhà truyền giáo trong việc mở mang Nước Thiên
Chúa.
- Chúng ta phải kiên trì trong việc cầu nguyện và
xin ơn. Thiên Chúa có thể thử thách không ban ngay để chúng ta có thời giờ nhìn
ra giá trị của điều đang xin, hay Ngài có thể ban cho chúng ta điều khác tốt
hơn nếu Ngài thấy điều chúng ta xin không có lợi sau này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
12/11/16 THỨ BẢY TUẦN
32 TN
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 18,1-8
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 18,1-8
Suy niệm: Có lẽ Chúa Giê-su biết con người “ngại làm
phiền Chúa” nên “lười” cầu nguyện chăng? Chẳng vậy mà Ngài không ngừng nhắc nhở
chúng ta về việc này. Lúc thì Ngài quả quyết “Hãy xin thì sẽ được”, lúc thì
chính Ngài cầu nguyện làm gương cho chúng ta. Hôm nay, Chúa “đánh” vào óc lý
luận của chúng ta bằng câu chuyện một bà goá ‘lì đòn’. Chỉ với vũ khí của kẻ bé
mọn là “lòng kiên nhẫn”, bà goá này đã lay chuyển được ông quan toà bất chính
“coi trời bằng vung”. Vậy “chẳng lẽ…”
Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, lại không lắng nghe những ai cầu nguyện
với lòng tín thác nơi Ngài? Vâng, kiên trì cầu nguyện có thể làm thay đổi được
cả ý định của Thiên Chúa đấy, bạn ạ!
Mời Bạn: Bạn có biết các thánh nói gì về cầu nguyện
không? Cầu nguyện! Cầu nguyện! Vâng, cầu nguyện như hơi thở, cầu nguyện là ánh
mắt đơn sơ hướng nhìn lên Chúa, là tiếng kêu của lòng biết ơn và của con tim
giữa cơn thử thách cũng như giữa niềm hân hoan. Sau cùng, cầu nguyện là cái gì
lớn lao, siêu vời làm triển nở tâm hồn và kết hợp ta với Chúa Giê-su. (Th.
Têrêxa Hài Đồng Giêsu). Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện, như
chúng ta cần hít thở, hãy cảm thấy nhu cầu cầu nguyện trong ngày và hãy cố gắng
cầu nguyện. Tôi coi công việc của tôi như một lời cầu nguyện.” Bạn sống và thực
hành như vậy nhé!
Chia sẻ: Có
lúc bạn thấy chán hoặc khô khan trong khi cầu nguyện? Bạn hãy chia sẻ kinh
nghiệm đó.
Sống Lời Chúa: Đừng
bao giờ quên dành ít phút thật riêng để tâm sự với Chúa!
Không
được nản chí
Kiến tạo một trái đất công bằng và bác ái, đó là
ước mơ của Thiên Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta.
Suy niệm:
Một trong những lý do
khiến người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của
Thiên Chúa.
Con người bị áp bức, khổ
đau, nên kêu gào lên Chúa,
nhưng tiếng kêu thảm
thiết của họ dường như chẳng được nghe.
Thiên Chúa có hiện hữu
không?
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài
không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách?
Đã có bao lời cầu nguyện
từ sáu triệu người Do thái
trước khi họ bị quân Đức
quốc xã giết hại dã man.
Họ kêu lên cùng Chúa là
Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng tại sao bây giờ
Ngài lại lặng yên, để sự dữ lộng hành?
“Phải cầu nguyện luôn
luôn và không được nản chí” (c. 1).
Không nên thấy Thiên Chúa
lặng thinh mà vội bỏ cuộc.
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn
về sự kiên trì của một bà góa.
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh
thần và vật chất nơi người chồng.
Thiếu sự chở che của
chồng, bà dễ bị người khác đối xử bất công.
Chính vì thế bà đã nhiều
lần đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý.
Tiếc thay vị quan tòa lại
không phải là người tốt.
“Ông chẳng kính sợ Thiên
Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2).
Thế nên vụ kiện cứ bị
ngâm trong một thời gian khá lâu.
Nhưng bà góa này quyết
không nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa.
Cuối cùng, ông ta đành
giải quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5).
Thiên Chúa dĩ nhiên khác
hẳn viên quan tòa bất chính trên đây.
Ngài không trì hoãn việc
xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý
cho những kẻ ngày đêm kêu
lên Ngài (cc. 7- 8).
Thiên Chúa không nhậm lời
chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối,
nhưng vì Ngài là Đấng
Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.
Trong thế giới hôm nay,
sự dữ vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng
ánh sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện.
Vẫn có những bà góa neo
đơn phải chịu cảnh bất công.
Vẫn có những phụ nữ và
trẻ em bị bóc lột và lạm dụng.
Đức tin người Kitô hữu có
thể bị xao động khi nhìn vào thế giới.
Nhiều khi con người cảm
thấy mình yếu đuối và bất lực.
Hãy cầu nguyện luôn, hãy
kêu lên Chúa đêm ngày!
Đừng mất niềm tin vào
Thiên Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những
người thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao
vẫn chưa có tiếng trả lời
ngay lập tức.
Cuộc chiến với những bất
công trên thế giới còn kéo dài.
Người Kitô hữu được mời
gọi cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ
từ trời,
để hoán cải lòng người từ
bên trong, để xây dựng một thế giới mới.
Kiến tạo một trái đất
công bằng và bác ái,
đó là ước mơ của Thiên
Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta.
Xin Ngài ra tay hành động
mạnh mẽ,
nhưng xin cho chúng con
trở nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những
bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh
thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê
dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG MƯỜI MỘT
Xin Hãy Quan Tâm Đến Thế Hệ Trẻ
Chúng ta đang càng ngày càng phải khẩn trương hơn
trong việc cổ võ một khát vọng mãnh liệt và thâm sâu muốn bảo vệ con người và bảo
vệ sự sống con người, nhất là giữa những người trẻ. Chúng ta phải giáo dục và
giúp các bạn trẻ trở thành những con người trưởng thành để các bạn ấy có thể biểu
dương tính thánh thiện của sự sống con người trong thế giới chúng ta. Vâng,
chúng ta phải làm thấm nhập trong họ một niềm tôn trọng sâu xa đối với các giá
trị Kitô giáo đích thực dựa trên những xác tín mạnh mẽ của bản thân họ.
Bổn phận của chúng ta là giúp các bạn trẻ và không
ngăn trở họ trên con đường tiến tới trưởng thành hoàn toàn trong Đức Kitô. Các
bạn trẻ có quyền hưởng một nền giáo dục thích đáng để họ có thể lèo lái thế giới
này trong tương lai. Tôi tha thiết mời gọi các bậc phụ huynh, các nhà giáo, nhà
văn, ký giả, các nhà khoa học, các nghệ sĩ, và mọi người … vâng, tôi mời gọi tất
cả những ai tin vào phẩm giá con người hãy đóng góp phần mình cho thế hệ trẻ
hôm nay.
Thế hệ của ngàn năm thứ ba phải tránh những nỗi kinh
hoàng đã làm cho thế kỷ XX của chúng ta nhuộm đỏ máu. Còn có vô số bước phát
triển mà xã hội con người có thể thực hiện để phục vụ cho chính con người. Khi
chúng ta tiến bước đến tương lai, chúng ta có trong tay những khả năng chưa từng
có để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và nhân đạo hơn theo tinh thần của Tin Mừng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 12 – 11
Thánh Jôsaphat, giám mục, tử đạo
3Ga 1,5-8; Lc 18,1-8.
Lời suy niệm: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét
cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn: “Quan tòa bất chính và bà
góa quấy rầy” Người muốn mỗi người trong chúng ta phải luôn tin tưởng vào lời cầu
nguyện của mình, cầu nguyện với lòng tin không mệt mỏi. Bởi khi cầu nguyện,
chúng ta đang trình bày với chính Cha của mình là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng hằng
yêu thương và đã tuyển chọn chúng ta trở thành con cái của Ngài trong phép Rửa
Tội. Ngài là Đấng thấu rõ mọi nhu cầu cần thiết trước khi chúng ta trình bày và
cầu xin. Và Ngài là Đấng khôn ngoan sẽ ban những ơn lành để chúng ta được sống
tốt ở đời này lẫn đời sau.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn quan tâm đến đời sống cầu
nguyện của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện với tâm
tình: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 12-11
Thánh GIOSAPHAT
Giám mục, Tử đạo (1580 - 1625)
Thánh Giosaphat sinh năm 1580 (vài tác giả nói là
1584), ở Vladimir, thủ đô của Volynia miền Ukraine, rồi sau là một tỉnh của
Balan dầu cha mẹ Ngài thuộc dòng quí phái, nhưng họ đã nhập thương trường với
vài thành công và cha Ngài đã trở thành nghị viên thành phố. Giosaphat (tên rửa
tội là Gioan) trước hết đã học nghề với một thương gia ở Vilna miền Lithuania
và làm việc với ông tới năm 1604 khi Ngài trở thành một tu sĩ nhà dòng Basiliô ở
Vilna.
Các Kitô hữu Ruthenia và Ukraina phần lớn theo nghi
thức Byzantine bị phân rẽ sâu xa kể từ khi một số đông các giám mục của họ năm
1596 tuyên bố ở Brest- Litovsk hiệp nhất với Giáo hội Roma. Thượng phụ giáo chủ
ở Constantinople đã cố gắng ngăn cản sự chia cắt này khỏi giáo hội chính thống
và đã đặt một vị nhiếp chính cho Ruthenia vì mục đích này. Điều này chẳng quen
thuộc với các bậc vị vọng địa phương vì họ coi đó như một đe dọa cho sự tự chủ
của họ, nhưng lại được vương quốc Balan và chính quyền trung ương ủng hộ hoàn
toàn.
Dầu vậy suốt cuộc đời, thánh Giosaphat luôn trung
thành với Thánh nhân, viễn quan thiêng liêng và phụng vụ của Ngài theo nghi thức
Byzantine. Ngài đã học thuộc lòng toàn sách các phép bằng tiếng Slave như một đứa
trẻ, nắm giữ nghiêm nhặt việc ăn chay theo lịch Byzantine còn nhặt nhiệm hơn lịch
chay tịnh của Roma nhiều, và kinh nguyện Ngài cũng dùng nhiều nhất là
"Kinh nguyện Chúa Giêsu", lòng sùng kính được nhiều nhà khổ hạnh và
thần trí Kitô giáo Đông phương ưa thích. Nhưng lý lẽ của nhưng người theo Chính
thống hay giáo hoàng, và những thúc đẩy đưa tới đối nghịch chính trị đều vô
nghĩa đối với thánh Giosaphat, Ngài không thể tin được rằng những việc sùng mộ
và phong tục của dân tộc Ngài và dĩ nhiên của toàn thế giới lại không hòa được
với sự trung thành đối với Giáo hội hiệp nhất dưới thánh nhan.
Ngài sớm nổi tiếng với những khắc khổ nhiệm nhặt và
với kiến thức của Ngài. Ngài được tấn phong linh mục năm 1609 và sớm nổi tiếng
như là vị hứơng dẫn thiêng liêng. Ngài cũng viết nhiều sách tranh luận về thời
này (về phép tửa của thánh Vladimir, về sự gải mạo của các sách tiếng Slave).
Năm 1617, Ngài được thánh hiến làm giám mục Vitebsk
với quyền kế vị Đức Tổng giám mục Pskov. Ngài đã làm tổng giám mục Pskov năm
1618. Được dân chúng kính trọng, Ngài lại cương quyết với những người ly khai,
không chấp nhận cả những nhượng bộ chính quyền trung ương Balan định làm. Năm
1623 khi đang viếng Vitebsk, Ngài bị một đám đông theo tinh thần quốc gia quá
khích tấn công chặt đầu và bắn chết. Xác Ngài được đưa về Pskov và trên đường về
này đã được nhiều người tôn kính gồm cả những người thủ địch của Ngài nữa.
Cuộc tử đạo của Ngài đã bảo đảm sự hồi sinh của Giáo
hội công giáo Slave. Họ khác về phong tục, kỷ luật, phụng vụ và ngôn ngữ với
người Balan theo công giáo Roma, trong khi đó họ vẫn độc lập với Maxcơva và người
Nga vì sự liên kết của họ với Roma. Bởi đó họ trở thành một trung tâm quan trọng
của phong trào quốc gia Ruthania.
Đức giáo hoàng Urbanô VIII năm 1628 đã khởi đầu cuộc
án phong thánh cho Giosaphat khi mở mộ ra và thấy xác Ngài còn nguyên vẹn. Ngài
được phong chân phước năm 1643 và được phong thánh năm 1867.
(daminhvn.net)
12 Tháng Mười Một
Tình Yêu Mạnh Hơn Thời Gian
Một hôm, vua Ai Cập đang đứng chiêm ngưỡng những bia
tháp mà ông đã cho dựng lên tại thành phố Eliopolis. Bỗng nhiên có một cụ già
râu tóc bạc phơ không biết từ đâu đến, đã cười ngạo nghễ và thách thức với nhà
vua như sau: Hãy bỏ tất cả và cút đi...
Nhà vua giận tím gan, thế nhưng ông ta đã tự chủ và
trả lời: "Hỡi người già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta một cách hỗn
láo như thế... Không lẽ ngươi có nhiều quyền thế hơn ta?".
Lão ông tự giới thiệu: "Ðúng thế, bởi vì ta là
Thời Gian...".
Nghe đến tên Thời Gian, vua Ai Cập tái mặt và té khỏi
ngai vàng... Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập cũng sụp đổ.
Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên
thế giới. Lão đi đến đâu, thì các đế quốc rơi rụng như sung: Hôm nay tại
Babylone, ngày mai tại Athène, ngày mốt tại Ninive, tại Carthage...
Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi
Vatican một cụ già khác. Cụ tuyên bố nghênh chiến với lão già Thời Gian. Lão
già Thời Gian tưởng mình có thể phá vỡ tất cả mọi công trình của con người trên
trần gian này. Cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch, lão ta cũng đến trước cửa
Vatican và dõng dạc tuyên bố: "Ta là Thời Gian đây". Tiếng gầm thét
đó đã làm rung chuyển trái đất, thế nhưng đã không làm cho bô lão trên ngọn đồi
Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp lại: "Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu!...
Xuyên qua các thế hệ, ta phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với
loài người...".
Thời gian là liều thuốc chữa được mọi khổ đau... Thời
gian giúp chúng ta quên được dĩ vãng u buồn... Ðó là những câu nói mà chúng ta
thường dùng để tự an ủi mình hoặc người khác khi đứng trước thất bại, hay bất cứ
một nỗi bất hạnh nào...
Mà quả thật, thời gian không những giúp chúng ta chữa
lành được nhiều vết thương trong cuộc sống, thời gian còn là một kẻ phá hoại
tàn nhẫn. Cái chết xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta là một chiến thắng của
thời gian. Sự sụp đổ của không biết bao nhiêu đế quốc trên cõi trần này cũng là
một chiến thắng của thời gian...
Chỉ có một sức mạnh thời gian phải nhượng bộ: đó là
sức mạnh của Tình Yêu. Chúng ta thường nói: Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Ðúng
hơn, chúng ta phải nói: Tình Yêu mạnh hơn Thời Gian, bởi lẽ thời gian không bao
giờ có thể xóa mờ được tình yêu.
Bất cứ một nghĩa cử yêu thương nào mà con người làm
cho tha nhân, đều trở thành bất diệt. Những nghĩa cử yêu thương trở thành bất
diệt là bởi vì nó tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa. Người sống cho kẻ khác
là người sống cho Chúa. Và ai sống cho Chúa tức là sống mãi trong Tình Yêu.
Chúng ta đang cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong
tháng 11 này. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta tin rằng thời gian đã không đưa họ
đi vào quên lãng. Trong tình yêu của Chúa mà chúng ta đang san sẻ cho những người
xung quanh, những người quá cố cũng sẽ được sống mãi. Còn lời kinh nào hữu hiệu
hơn cho những người quá cố cho bằng những nghĩa cử yêu thương của chúng ta...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét