15/11/2016
Thứ ba tuần 33 thường niên
Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
*
Thánh nhân sinh khoảng năm 1206 tại Lau-in-gân, nước Đức. Sau khi theo học ở
Pa-đô-va và Pa-ri, người nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo, đảm nhận công việc giảng
dạy ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại đại học Pa-ri (1245-1248).
Tại đây, trong số các học trò, có một người
sau thành nổi danh, đó là thánh Tôma Aquinô.
Được chọn làm giám mục Ra-tít-bon, nhưng thánh An-be-tô chỉ làm công việc lãnh
đạo vỏn vẹn có hai năm so với cả một đời làm giáo sư và nhà khảo cứu, chuyên lo
khám phá những quy luật của khoa vật lý để tìm ra sự can thiệp của Đấng Sáng
Tạo. Người
qua đời ở Cô-lô-nhơ năm 1280.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 3, 1-6. 14-22
"Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà
người ấy".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã nghe Chúa phán bảo tôi rằng:
"Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Sarđê rằng: 'Ðây là lời Ðấng có bảy thần
linh Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc của ngươi làm; ngươi có tiếng
là đang sống, nhưng ngươi đã chết. Hãy lo tỉnh dậy, hãy bồi dưỡng chút sinh khí
sắp tàn. Vì Ta không thấy các việc ngươi làm trọn hảo trước mặt Thiên Chúa Ta.
Vậy hãy nhớ lại ngươi đã đón nhận và nghe lời Chúa thế nào, hãy giữ lấy lời ấy
và hãy ăn năn hối cải. Vì nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến với ngươi như một
kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi. Nhưng tại
Sarđê ngươi có một số người đã không làm dơ bẩn áo của họ; và họ sẽ tháp tùng
Ta trong bộ áo trắng của họ vì họ xứng đáng. Như vậy kẻ chiến thắng sẽ mặc áo
trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên
danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người. Ai có tai thì hãy nghe
điều Thần linh phán với các giáo đoàn.
"Hãy viết cho giáo đoàn Laođicia rằng: 'Ðây là
lời của Amen, chứng nhân trung thực, nguyên thuỷ công trình sáng thế của Thiên
Chúa. Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải
chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không
nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Bởi vì ngươi nói rằng: Tôi giàu có,
tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa. Bởi vì ngươi không biết rằng thực ra
ngươi vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi. Vậy ngươi hãy nghe
lời Ta khuyên bảo: Hãy mua vàng ròng mà làm giàu, mua áo trắng tinh mà mặc, hầu
che giấu sự trần trụi xấu hổ của ngươi; hãy mua thuốc nhỏ vào mắt, cho mắt
ngươi được sáng. Ta răn bảo và sửa dạy những kẻ Ta yêu thương. Vậy hãy sốt sắng
hơn lên và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở
cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với
Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến
thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần
linh phán với các giáo đoàn".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Ai
chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công
chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Ðáp.
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không
làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn
sợ Chúa. - Ðáp.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn
hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng
có lung lay. - Ðáp.
Alleluia: Lc 21, 28
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng
đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 1-10
"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã
hư mất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua
thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế
và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào,
nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy
lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua
đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo
ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà
ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy,
liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Ông
Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của
cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp
bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi
người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa
điễu gì đã hư mất".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hoán Cải Ðích Thực
Gặp gỡ Chúa Giêsu là một biến cố hồng phúc cho con
người, nếu người đó không lo sợ hoặc tránh né cuộc gặp gỡ này.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Chúng ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc
gặp gỡ này. Trước hết là thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà
khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của
Chúa. Ðó là thái độ của những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những
người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi
đến độ không đáng được hưởng lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có
thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác không?
Thái độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu
thuế trưởng và giầu có. Ðối với người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi
công khai: đó là tội phản bội quê hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận
tiền thuế quá mức qui định. Giakêu là người thu thuế trưởng và giầu có, sự giầu
có này theo lý luận của người Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính
để làm giầu: thu nhiều, nộp ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Ðối với
người đồng hương với Giakêu, thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối
với Chúa Giêsu, Ðấng đến tìm và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể
hiện tình thương nhân từ của Thiên Chúa.
Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng
hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để
được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có
khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này
một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể
khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng
một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và
đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một
cách cụ thể sự hoán cải của mình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm
dụng lòng nhân từ của Chúa, nhưng luôn biết cộng tác với ơn Chúa và thành tâm
trở về với Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev 3:1-6, 14-22; Lk 19:1-10.
GIỚI THIỆU
CHỦ ĐỀ: Sự nguy hiểm của thái độ không nhiệt
thành cũng chẳng nguội lạnh.
Bộ Nông
Nghiệp và Thực Phẩm của các nước tân tiến rất chú trọng đến việc bảo vệ nhiệt
độ của thực phẩm mà dân chúng mua về để tiêu thụ. Đối với họ, những thực phẩm
đông lạnh như thịt cá, đồ biển, phải giữ chúng ở nhiệt độ đông lạnh; và với
những thực phẩm nóng như gà chiên, cá chiên…, phải giữ chúng ở nhiệt độ thật
nóng. Lý do là nếu để những thực phẩm này ở nhiệt độ trong phòng, các vi khuẩn
sẽ xâm nhập và gia tăng nhanh chóng; hậu quả là khách hàng ăn vào rất dễ bị
bệnh.
Hình ảnh trên
cũng có thể áp dụng vào đời sống tinh thần của con người: hoặc nhiệt thành tuân
giữ các điều Chúa dạy như các thánh, hoặc khô khan tội lỗi như những người thu
thuế và gái điếm; chứ đừng ở lưng chừng như đa số con người. Lý do: những người
tội lỗi như Zachaeus trong Phúc Âm có ưu điểm hơn những người ở lưng chừng, vì
họ biết chắc mình tội lỗi và dễ dàng thú nhận tội để đón nhận ơn tha thứ. Yếu
điểm của hạng người lưng chừng là khó nhận ra khuyết điểm để sửa như các tín
hữu Laodicea bị Chúa trách trong Bài đọc I, và đám đông trong Bài Phúc Âm. Nếu
không nhận ra tội, con người chẳng cần tha thứ và cũng chẳng cần sửa sai!
KHAI TRIỂN
BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời của Đức Kitô cho 2 Giáo Phận: Sardis và Laodicea
1.1/ Lời cho
Giáo Phận Sardis: Đây là thành phố nổi tiếng về lối sống
xa hoa và trác táng. Mặc dù đã được hóan cải thành Kitô Giáo, Giáo phận này từ
từ rơi vào chỗ chết tinh thần vì không thực hành niềm tin của mình. “Hãy viết
cho thiên thần của Giáo Phận Sardis. Đây là lời của Đấng có bảy Thần Khí Thiên
Chúa và bảy ngôi sao:”
(1) Lời chê: nhấn mạnh đến việc làm của các tín hữu của Hội Thánh Sardis; họ đã không
chịu thực hành Lời Chúa dạy: “Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng
là đang sống, mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại
đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt
Thiên Chúa của Ta.” Để sửa sai, Ngài khuyên: “Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh
nhận và nghe Lời Chúa thế nào; hãy tuân giữ và hối cải! Vậy nếu ngươi không
tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến với
ngươi.”
(2) Phần
thưởng cho những ai biết thực thi Lời Chúa: Chúa sẽ không
tàn sát cả thành; Ngài sẽ cứu những đầy tớ trung thành: “Nhưng tại Sardis,
ngươi có một ít người đã không làm nhơ bẩn áo mình; họ sẽ mặc áo trắng cùng đi
với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không
xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước
mặt các thiên thần của Người.”
1.2/ Lời cho
Giáo Phận Laodicea: Một Thành thương mại và ngân hàng giàu
có, và nổi tiếng về các họat động y khoa. Laodicea cũng là Giáo Phận đã nhận
Thư của Thánh Phaolô gởi cho Colossê. “Hãy viết cho thiên thần của Giáo Phận
Laodicea: Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là
Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng:”
(1) Lời chê: về 2 thái độ:
- thái độ
lưng chừng: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.
Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng
chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”
- thái độ cậy
vào của cải: “Ngươi nói: "Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu
thốn chi;" nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương,
nghèo khổ, đui mù và trần truồng.”
Lời khuyên
nhủ: “Vì thế, Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua vàng đã thử lửa để làm giàu,
mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng, mua
thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được.” Đức tin, việc làm tốt, và Lời Chúa
sẽ hướng dẫn họ thóat khỏi tình cảnh họ đang lâm vào.
(2) Phần
thưởng cho những ai biết nhiệt thành và hối cải ăn năn: “Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và
hối cải ăn năn! Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa,
thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa
với Ta. Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng
và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người.”
2/ Phúc Âm: Ông Giakêu, người thu thuế, trở về với Chúa.
Tại thành phố
Jericho hiện nay vẫn còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh kỹ lưỡng cho
khách hành hương đến thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông Giakêu đã trèo
lên để gặp Chúa Giêsu.
2.1/ Cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu: Ông được mô tả
là người đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông tìm cách để
xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông
ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức
Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Chúa Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người
trong đám đông, và người đi bước trước để bắt đầu tiến trình hòa giải với ông:
"Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"
2.2/ Ba phản ứng
khác nhau của cuộc gặp gỡ:
(1) Đám đông: xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" Đối
với người Do-Thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những người
tội lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội lỗi.
(2) Ông
Giakêu: Khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời muốn đến
nhà, ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Khi nghe mọi người xầm
xì và biết rõ mình là người tội lỗi, ông thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài,
phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai
cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Chấp nhận trở về với Thiên Chúa là phải can
đảm gĩa từ nếp sống cũ và bắt đầu cuộc sống mới theo tiêu chuẩn của Tin Mừng.
Ông Giakêu sẵn sàng san sẻ phân nửa tài sản cho người nghèo; và sẵn sàng đền
gấp bốn cho những ai ông đã lỗi đức công bằng với họ. Lời hứa này có thể lấy đi
tất cả những gì ông đang có; nhưng không thể so sánh với niềm vui được Chúa
Giêsu tha thứ và đến viếng thăm.
(3) Chúa
Giêsu: nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn
cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì
Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." Tuy Chúa Giêsu biết những
lời dị nghị nhưng Ngài không quan tâm tới. Chỉ một điều Ngài quan tâm là ông
Giakêu và Ngài muốn đưa ông trở về với Thiên Chúa; và đó chính là lý do tại sao
Ngài đến trần gian.
ÁP DỤNG TRONG
CUỘC SỐNG:
- Người biết
rõ mình là người tội lỗi như ông Giakêu dễ ăn năn trở lại hơn người dở dở ương
ương: không tốt lành cũng chẳng tội lỗi quá.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
15/11/16 THỨ BA TUẦN 33
TN
Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 19,1-10
Th. An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 19,1-10
Suy niệm: Tìm kiếm một người lạc giữa đám đông không
phải là chuyện dễ dàng. Nhưng đối với một bà mẹ bị lạc mất đứa con, thì đó
không phải là điều không thể được, mà hơn nữa là việc phải làm với bất cứ
giá nào. Mối liên hệ thân thiết giữa hai mẹ con là động lực khiến họ luôn hướng
về nhau; sự quen thuộc gần gũi là yếu tố giúp họ nhận ra nhau giữa đám đông xa
lạ. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Da-kêu đã diễn ra như thế. Nỗi khao
khát tình yêu đã thúc đẩy Da-kêu chạy tới trước và leo lên cành cây cao chỉ để
có được một khoảnh khắc nhìn thấy Chúa đi ngang qua. Mặt khác, Chúa cũng khao
khát “tìm và cứu những gì đã mất,” Ngài đã nhận ra Da-kêu ở giữa đám đông, kêu
gọi ông và nhờ đó ông và cả nhà ông được hoán cải và được cứu độ.
Mời Bạn: Năm
Thánh Lòng Thương Xót sẽ kết thúc nay mai, nhưng lòng thương xót của Chúa vẫn
còn mãi. Lòng thương xót ấy luôn khao khát tìm kiếm các linh hồn đang lạc xa
Ngài và đem lại cho họ điều tốt đẹp nhất là cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu với
Ngài. Ước mong sao lòng thương xót của Chúa trở thành máu thịt, thành bản năng
của người Ki-tô hữu, nhờ đó họ luôn nhạy bén nhận ra người anh em của mình giữa
cuộc sống xô bồ và sẵn sàng hành động để chia sẻ tình yêu Chúa cho họ.
Sống Lời Chúa: Loại
trừ khỏi tư tưởng, lời nói cũng như hành động của mình tất cả những gì là ác ý,
tàn nhẫn, đồng thời đổ đầy tâm hồn mình lòng thương xót của Chúa: sự hiền lành
và ước muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho tha nhân.
Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh.
Xuống mau đi
Phải ước ao cho mãnh liệt, rồi ta sẽ được soi
sáng để tìm ra con đường, ngay cả khi ở trong tình huống tưởng như tuyệt vọng.
Suy niệm:
Ở thành phố Giêricô không
chỉ có anh mù Báctimê ngồi ăn xin,
mà còn có ông Giakêu,
đứng đầu các người thu thuế.
Ông là người giàu có,
nhưng thật ra ông là người nghèo,
vì ông bị mọi người khinh
rẻ bởi cái nghề thu thuế của ông.
Giakêu đi chung với đám
đông, theo sau Đức Giêsu.
Ông có một khao khát mãnh
liệt là được thấy mặt Ngài,
vì chắc ông đã nghe nhiều
người nói về vị ngôn sứ khác thường ấy.
Giêsu không khinh giới
thu thuế, trái lại còn kết bè kết bạn với họ.
Giêsu là ai? Đó là người
ông tìm cách gặp mặt (c. 3).
Có hai cản trở khiến cho
cuộc gặp gỡ trở nên khó khăn.
Đám đông vây quanh Đức
Giêsu khiến ông không thấy Ngài.
Hơn thế nữa, thân hình
ông lại thấp bé.
Nhưng Giakêu không dễ nản
lòng.
Ông chạy đón đàng trước
và leo lên một cây sung để thấy Đức Giêsu,
vì ông biết thế nào Ngài
cũng đi qua đó.
Như thế ông đã vượt qua
được đám đông và sự thấp bé của mình.
Để vượt qua thì phải chạy
chứ không đi từ từ,
và phải vất vả leo lên
cao, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé.
Giakêu khao khát đến mức
nào mới dám nghĩ và dám làm như vậy.
Điều mà Giakêu không ngờ
là Đức Giêsu đã dừng lại nơi cây sung,
và ngước mắt nhìn lên ông
đang nằm bò trên cây như một đứa trẻ.
Ánh mắt của Ngài kéo theo
hàng trăm cái nhìn khác của đám đông.
Giakêu chắc xấu hổ luống
cuống, còn Đức Giêsu thì hạnh phúc tràn trề.
Dường như Ngài quên đám
đông, để chỉ nghĩ đến con chiên lạc này.
“Giakêu, xuống nhanh đi,
vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5).
Đây là một lời hối thúc
dịu dàng và một đề nghị bất ngờ.
Giakêu ngỡ ngàng kinh
ngạc trước ánh mắt ấy, lời nói ấy.
Ông đã nhanh chóng leo
xuống và dẫn Đức Giêsu về nhà mình.
Đường từ gốc sung về nhà
ông bao xa, ta không biết,
nhưng chắc chắn đó là
đoạn đường đầy niềm vui.
Giakêu bỗng thấy mình mất
đi mặc cảm tự ti, lấy lại được danh dự,
vì Đức Giêsu sắp đến nhà
ông, căn nhà ít ai muốn đến (c. 7).
Ông chỉ muốn thấy mặt
Ngài, còn Ngài lại muốn vén mở lòng mình.
Cách cư xử của Ngài đối
với một người tội lỗi như ông
đã làm lòng ông tan chảy
và mời gọi ông đổi đời.
Những thứ ông từng say
mê, bây giờ chẳng có gì hấp dẫn.
“Tôi xin cho người nghèo
nửa tài sản của tôi…” (c. 8).
Giakêu đã hoán cải một
cách bất ngờ, tự nguyện, sâu xa và cụ thể.
Cuộc đổi đời của Giakêu
là kết quả của việc hai người đi tìm nhau.
Không phải chỉ Giakêu mới
là người đi tìm.
“Con Người đến để tìm và
cứu những gì đã mất” (c. 10).
Giakêu dạy cho chúng ta
biết cách tìm kiếm Chúa trong đời.
Phải ước ao cho mãnh
liệt, rồi ta sẽ được soi sáng để tìm ra con đường,
ngay cả khi ở trong tình
huống tưởng như tuyệt vọng.
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến
cho nhà này” (c. 9).
Giakêu đã quảng đại và
vui sướng mở lòng để đón lấy ơn cứu độ đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là
điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ
khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô
tội
mà lại đứng chung với các
tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng
hành
với phận người mỏng dòn
yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết
thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của
mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào
ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối
mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng
con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành
động cụ thể,
và chấp nhận những cắt
tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban
cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do
và được yêu mến.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
15 THÁNG MƯỜI MỘT
Đức Giêsu Trân Trọng
Những Thực Tại Đời Thường
Tiệc cưới Cana trong Tin Mừng Gioan là một câu chuyện
hùng hồn nổi bật trên bối cảnh giáo lý mạc khải. Ở đầu sứ vụ mêsia của Người, Đức
Giêsu Na-da-rét xuất hiện ở Cana, xứ Galilê, để dự một đám cưới. Người không đến
đó một mình. Mẹ Người và các môn đệ Người cùng có mặt với Người ở đó.
Điều ấy cho thấy tầm quan trọng mà Đức Giêsu gán cho
biến cố này. Tuy nhiên, thoạt nhìn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Cả bốn Sách
Tin Mừng đều trình bày Đức Giêsu như một người dốc hết tâm lực để phụng sự Cha
trên trời (Lc 2,49). Chính Người nói rằng sứ mạng của Người qui hướng vào việc
thiết lập Nước Thiên Chúa, không phải một vương quốc trên cõi đời này.
Vì thế, việc Người tham dự một đám cưới có thể thoạt
thấy như chẳng ăn nhập gì với tiếng gọi và với lối sống của Người. Nhưng sự thật
không phải thế. Thầy Chí Thánh muốn dạy chúng ta biết cách định hướng các thực
tại trần gian này qui hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Đám cưới ở Cana là một
biến cố nêu bật giáo huấn này. Đức Giêsu liên đới với các thực tại đời thường của
cuộc sống con người để giúp chúng ta hiểu rằng những giá trị đích thực của con
người có thể và phải phục vụ cho một định mệnh siêu vượt trên cuộc sống trần
gian này.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô
II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15-11
Thánh An-be-tô Cả, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh
Kh 3, 1-6.14-22; Lc 19, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại
nhà ông”
Dakêu thủ lãnh của người thu thuế, ông giàu, nhưng bị
dân trong vùng thù ghét. Ông nghe đồn về Chúa Giêsu luôn dành tình thương cho
những người tội lỗi, trong đó có hạng người như ông. Ông đã tìm gặp Chúa, không
phải trà trộn trong đám đông, nhưng ông đã trèo lên cao. Ông và Chúa Giêsu đã gặp
nhau; vì cả hai đang đi tìm nhau. Sự gặp gỡ này đã biến đổi hẳn con người của
Dakêu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa và Dakêu gặp nhau, sự gặp nhau
này đã biến đổi Dakêu trở thành người tốt. Xin cho mọi thành viên trong gia
đình luôn được biến đổi nên tốt mỗi ngày.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 15/11
THÁNH ALBERTÔ CẢ, Gíam mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1206
- 1280)
Thánh Albertô là một người thuộc thế hệ đầu của dòng
Đaminh, Dòng được thành lập năm 1216. Ngài góp phần lớn trong những tiến triển
quan trọng về trí thức trong thế kỷ XIII và Đức giáo hoàng Piô XII năm1941 đã đặt
Ngài làm thánh bảo trợ cho những ai say mê nghiên cứu các khoa học tự nhiên.
Ngài sinh ra tại Swabia có lẽ vào năm 1206, là con
trưởng thuộc một gia đình quí phái trong binh nghiệp. Điều người ta biết rõ về
người thiếu niên Đức này là lòng yêu thích nghiên cứu học hành và thiên nhiên.
Khi thì Ngài học với các thầy dòng Benedictô, khi thì Ngài lạc lõng trong miền
quê, say mê quan sát cây cỏ khám phá các loại cây và để cho năng khiếu chín mùi
trước cảnh sắc của tạo hóa.
Cuối cùng Albertô đã bỏ rơi truyền thống hiệp sĩ của
gia đình. Một người cậu đã dẫn Albertô tới Bologne để hoàn tất việc học hành.
Ngài nghe một bài giảng của chân phước Giocdano (Jordain) miền Saxe thuộc dòng
Đaminh và cảm thấy được Chúa gọi, Nhưng lại ngập ngừng vì mới 16 tuổi. Ông cậu
muốn Albertô quên đi ý tưởng này. Nhưng ở Padua, Albertô gặp lại chân phước
Giocđanô và sau một cuộc đàm thoại đã nói với Ngài :- Thưa thày ai đã tỏ lộ
lòng con cho Ngài ?
Từ đây không ai ngăn cản nổi ơn kêu gọi của Albertô
nữa. Ngài vào nhà tập dòng anh em giảng thuyết. Lời cầu nguyện của Ngài diễn tả
một ước muốn sống tự thoát: - "Lạy Chúa Giêsu Kitô, con kêu lên Chúa, xin
Chúa đừng để con bị quyến rũ bởi những lời hão huyền về danh giá gia đình, về
uy thế của dòng tu, về sự lôi cuốn của khoa học".
Dưới ánh sáng chân lý Ngài đã tuân theo, Albertô nhiệt
thành nghiên cứu khoa học và trở thành tu sĩ thánh thiện, nhà tư tưởng lớn,
giáo sư siêu việt, nhà sưu tầm bách khoa tài ba. Ngài có sự hiểu biết uyên bác
đặc biệt như một số những nhà trí thức lớn thời Trung cổ.
Luôn luôn tìm gia tăng những hiểu biết, Albertô rảo
qua khắp nước Đức, thu thập những ý niệm về các loại súc vật cây cỏ, trước tác
những tác phẩm về khoa học tự nhiên. Ngài quan tâm tới các thuyết của Aristote
và tìm cách Kitô hóa các lý thuyết đó. Ngài lần lượt dạy học tại Cvologne,
Pribourg, Ratisbonne, Strasbourg, Ngài sẽ ảnh hửơng trọng yếu tới người học trò
thiên phú này là "bò câm", Ngài tiên báo rằng: tiếng rống của con bò
này sẽ vang dội khắp nơi.
Khoảng năm 1240, Ngài tới Paris giữ ghế giáo sư tại
đây. Các lớp học quá nhỏ không đủ để dung nạp hết các thính giả của Ngài, Ngài
phải dạy họ tại công trường nay vẫn còn giữ tên Ngài: công trường Maubert hay
Albertô cả. Lời Ngài có uy tín đến nỗi để chấm dứt cuộc tranh luận chỉ cần nói:
"Thày Albertô đã nói vậy".
Tài năng Ngài lan rộng tại đại học Paris, đạihọc
danh tiếng nhất thế giới. Ngài trú ngụ tại nhà dòng thánh Giacobê, viết nhiều
tác phẩm về nhiều đề tài khác nhau: thần học, toán học, luân lý, chính trị, triết
học, hình học, điạ chất học. Người ta kể rằng: ngày kia một thày dòng Đaminh vô
danh đến trước mặt thánh Albertô, tội nghiệp cho sự lao lực của Ngài và khuyên
Ngài nghỉ ngơi lo lắng tới sức khỏe. Đây lại chẳng phải là một thần dữ mặc lốt
thày dòng sao ? Để trả lời, thánh làm dấu thánh giá. Thế là hết các cám dỗ,
satan trốn mất.
Vua thánh Luy (Louis) tỏ tình nghĩa với thày dòng thời
danh này và trao cho Ngài nhiều kỷ vật quí báu trước khi nghe về Đức, bởi vì
thánh Albertô được đặt làm giám tỉnh. Vâng lệnh đức giáo hoàng , Ngài giã từ
căn phòng sách vở và học trò, suốt ba năm Ngài đi bộ, không tiền của, ăn xin để
thăm các nhà dòng và lập nhiều nhà mới. Roma kêu mời Ngài để làm sáng tỏ cuộc
tranh cãi giữa các giáo sĩ. Albertô được một thời an bình trong dòng để dạy học
và viết lại những quan sát và suy tư của mình. Nhưng Đức giáo hoàng buộc Ngài
nhậm chức Đức giám mục Ratisbonne, một trách vụ năng nề.
Trong trung tâm giàu có phồn thịnh này, người ta kể
lại rằng: Đức giám mục không có lấy "một đồng tiền trong két, một giọt rượu
trong hầm, một nhúm bột trong vựa". Dầy vậy, thánh ALBERTO vẫn trả hết nợ
và xây dựng một nhà thương. Khi đã hoàn thành công cuộc hết sưc có thể, Ngài
xin từ chức để trở lại đời sống một tu sĩ đơn giản. Năm 1623 theo lệnh Đức giáo
hoàng, Ngài đi kêu gọi nghĩa binh trong các làng quê nước Đức.
Một năm sau Đức giáo hoàng qua đời và Ngài ngừng
công việc lại. Thánh Albertô thấy cần được hồi tâm. Ngài lui về tu viện
Surtzbourg và đắm mình vào cuộc nghiên cứu và chỉ đi sửa lại những cuộc tranh
luận cãi. Một lần nữa lại được rảo gọi qua các đô thị lớn nước Đức, Ngài thánh
hiến các thánh đường, truyền chứa cho các giáo sĩ. Năm 1270 Ngài đến dạy tại
Cologne. Ơ Công đồng Lyon, Ngài bênh vực Rodolphe I miền Habbsourg. Bảy năm
sau, tức năm 1277, dầu đã già Ngài buộc phải đi Paris để bênh vực cho giáo thuyết
học trò mình là Tôma Aquinô.
Albertô hoàn toàn già nua, Ngài chọn cho mình một phần
mộ trong dòng và mỗi ngày đến đọc kinh nhật tụng cầu cho kẻ chết, để cầu cho
chính mình. Dần dần Ngài đâm ra lú lẫn. Một lần có du khách hỏi thăm Ngài trả lời
chắc nịch: - "Albertô không còn ở đây nữa, ông ta ..."
Ngài qua đời êm ái tại phòng riêng giữa các anh em đầy
chung quanh, Ngài được phong làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.
(Daminhvn.net)
15 Tháng Mười Một
Xuống
Núi
Có hai vị thiền sư vừa xuống núi. Họ đi vào trong một
con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt đã khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể
băng qua ngã tư lầy lội được... Lập tức, một trong hai vị thiền sư đến bồng người
thiếu nữ trên tay và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu nên không mở miệng
nói với bạn mình một lời. Mãi một lúc sau, không còn nhịn được nữa, ông ta mới
lên tiếng: "Chúng ta là người tu hành, không được phép gần đàn bà, nhất là
những cô gái đẹp. Sao anh lại bồng đàn bà trên tay?".
Vị sư đã bồng người thiếu nữ trên tay mỉm cười đáp:
"Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh sao cứ mãi mang cô ta tới đây".
Chúa Giêsu đã nói: "Chính từ lòng người mới xuất
phát mọi tội ác... Sự hoán cải đích thực chính là hoán cải nội tâm. Tất cả những
thực hành đạo đức bên ngoài, nếu không đi cùng một ý hướng ngay lành và một tâm
hồn sám hối thực sự, chỉ là trò giả hình...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét