19/11/20161
Thứ bảy tuần 33 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm
II) Kh 11, 4-12
"Hai vị tiên
tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực".
Trích sách Khải Huyền
của Thánh Gioan Tông đồ.
Có lời phán cùng tôi
là Gioan rằng: "Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước
mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng
các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy
phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa
trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành
máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã
hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến
với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi
công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa
các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi
ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để
cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui
mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy
đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ)
Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông
thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các
ngài rằng: 'Hãy lên đây'. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch
thù của các ngài.
Chính lúc đó đất chuyển
động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt
mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh
danh Ðức Chúa Trời".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2.
9-10
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).
Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của
con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón
tay con thiện nghề chinh chiến. - Ðáp.
2) Chúa là tình thương
và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ
con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. - Ðáp.
3) Ôi Thiên Chúa, con
sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài
đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! -
Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở
giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20, 27-40
"Thiên Chúa
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người
thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa
Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một
người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ
đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi
chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con.
Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và
đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết.
Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả
bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng:
"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần
đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ
không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ
là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói
về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên
Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống,
vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ
lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không
dám hỏi Người điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Có Sự Sống Lại\
Sự sống, thân xác và tất
cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó,
phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người
trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị
trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của
thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt
đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn
toàn biến đổi.
Ðó cũng là sự thật
Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được
ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Vào thời Chúa Giêsu,
giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại,
số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống
như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn
bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác
thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm
Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên
luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối
dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh
em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn
bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được
biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái
tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi
và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc
thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong
các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.
Chúa Giêsu quả quyết
có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi
nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng
những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là
sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người
về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng
ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu
mai sau.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 33 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Rev
11:4-12; Lk 20:27-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống lại
và cuộc sống đời đời
Có thể nói câu hỏi:
“Có sự sống lại và cuộc sống đời đời không?” là câu hỏi then chốt và quan trọng
nhất của cuộc đời; vì niềm tin này sẽ hướng dẫn con người trong cuộc sống ở đời
này. Nếu con người tin có sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, con người
sẽ biết sống ở đời này làm sao để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mai sau; nếu
không tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau, con người sẽ tập trung mọi cố gắng
để làm sao cho cuộc sống đời này được hạnh phúc và hưởng thụ tối đa, mà không cần
quan tâm đến việc thưởng phạt ở đời sau. Niềm tin vào sự sống lại, tuy đã được
đề cập đến trong Cựu-Ước, nhưng chưa được cắt nghĩa rõ ràng; đa số người thời
đó tin hạnh phúc chỉ ở đời này: sống lâu trăm tuổi, con đàn cháu đống, được
Thiên Chúa ban muôn phúc lành. Quan niệm về sự bất tử của linh hồn được cắt
nghĩa rõ ràng hơn trong Sách Khôn Ngoan (khỏang 50 BC), và sự sống lại trong
Sách Maccabees (100 BC). Khi Đức Kitô nhập thể, Ngài đã mặc khải rõ ràng cho
con người những điều này và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trong các Sách Tin Mừng.
Các Bài đọc hôm nay tập
trung vào việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này. Bài đọc I nói về
số phận của hai ngôn sứ quan trọng trong Cựu Ước: Moses và Elijah. Truyền thống
Do-Thái tin hai ngôn sứ này chưa chết, và sẽ tái xuất hiện trước Ngày của Thiên
Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa trả lời Nhóm Sađốc về sự sống lại và sửa sai niềm tin
của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến hai cây olie và hai cây đèn
1.1/ Hai cây olive: Đây có lẽ là đọan văn khó hiểu nhất của Sách Khải Huyền,
vì nó liên quan đến các nguồn khác nhau và có nhiều xung đột ý kiến. Căn cứ vào
sự mô tả của 2 nhân chứng (câu 5,6, và 12), chúng ta có thể nhận ra 2 nhân chứng
là Moses (tượng trưng cho Luật) và Elijah (tượng trưng cho các tiên tri). Truyền
thống Do-Thái (Deut 18:15 và Mal 3:22-24) tin hai ông chưa chết, và sẽ trở lại
để rao giảng xám hối trước Ngày của Thiên Chúa.
- Trong trình thuật,
hai ông được mô tả là hai “cây olive và 2 cây đèn (Zech 4:1-14):” đại diện cho
tòan thể Dân Thánh để làm nhân chứng sống động và muôn thuở cho tòan thể Giáo Hội
(Acts 1:8). Các tín hữu luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và phục vụ
Ngài bằng cuộc sống chứng nhân.
- “Nếu ai muốn làm hại
các ngài, thì lửa sẽ từ miệng các ngài phát ra và thiêu huỷ thù địch của các
ngài. Ai muốn làm hại các ngài, sẽ bị giết như thế.” TT Elijah đã mang lửa từ
trời xuống tiêu diệt quân thù (2 Kgs 1:10ff.). Họ giết các thù địch bằng lửa của
Lời Chúa mà họ rao giảng (Jer 5:14, Sir 48:3).
- Các ngài có quyền
đóng cửa trời lại, khiến mưa không rơi xuống trong những ngày các ngài làm ngôn
sứ (TT Elijah, 1 Kgs 17:1). Các ngài cũng có quyền biến nước thành máu và gieo
tai giáng hoạ xuống mặt đất, bao nhiêu lần tuỳ ý (Moses, Xuất Hành, 1 Sam 4:8).
- Khi các ngài đã hoàn
thành nhiệm vụ làm chứng, thì Con Thú từ vực thẳm sẽ lên tấn công các ngài, nó
sẽ thắng và giết các ngài: Con thú dữ này là Satan và bè lũ của nó.
- Thi hài của các ngài
sẽ nằm ở quảng trường của thành phố vĩ đại (Babylon trong Khải Huyền); thành phố
ấy mang tên tượng trưng là Sôđôm, cho lối sống vô luân (Isa 1:9, Eze 16:46) và
Ai-Cập, cho lối sống nô lệ, ở chính nơi Chúa của các ngài đã chịu đóng đinh vào
Thập Giá (Jerusalem). Từ các dân, các nước, các ngôn ngữ và các chi tộc, người
ta sẽ đến nhìn xem thi hài các ngài trong ba ngày rưỡi (thời gian Chúa Giêsu
trong mồ) và không cho phép chôn các ngài trong mộ. Từ chối không cho chôn cất
được coi là cách thức khinh thường nhục nhã nhất đối với người chết (Psa 79:2f,
Jer 8:2, 16:4, 2 Mac 5:10).
- Những người sống
trên mặt đất hân hoan vì các ngài đã chết, họ sẽ ăn mừng và tặng quà nhau, vì
hai ngôn sứ này đã làm khổ họ: Thế giới Dân Ngọai, khó chịu vì các nhân chứng
Kitô hữu, sẽ vui mừng về cái chết của các ngài.
1.2/ Hai ngôn sứ phục
sinh và lên trời: Sau ba ngày rưỡi, sinh khí
từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng dậy được. Những kẻ đang
nhìn các ngài đều kinh hãi. Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ trời bảo:
"Hãy lên đây!" Và các ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch
của các ngài.
2/ Phúc Âm: Có sự sống lại hay không?
2.1/ Câu hỏi khó của Nhóm
Sađôc nhằm chứng minh không có sự sống lại: Nhóm
này chỉ tin vào Sách Luật Môsê và không tin có sự sống lại; đó là lý do tại sao
họ đến và hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều
luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì
người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình (Deut 25:5). Vậy
nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.
Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em
đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.
Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng
làm vợ?" Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực sự xảy ra
trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai trong 7 người
anh em?
2.2/ Câu trả lời của Chúa
Giêsu: Chúa Giêsu tách rời 2 vấn đề của họ:
chuyện vợ chồng và sự sống lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm tin của họ:
(1) Chuyện vợ chồng:
"Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng
phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.”
Vợ chồng chỉ xảy ra khi còn ở dương gian; tất cả là anh chị em trong cuộc sống
mai sau. Con người không có nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như Hồi-Giáo
tin.
(2) Cuộc sống trường
sinh: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.
Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”
(3) Dùng Luật họ tin để
bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê
cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai (Exo 3:1-6), khi ông gọi Đức
Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên
Chúa của tổ phụ Giacob. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng
là, vì đối với Người, tất cả đều đang sống." Nếu họ tin “Thiên Chúa là
Chúa của kẻ sống;” họ phải tin các tổ phụ Abraham, Isaac, và Giacob vẫn đang sống.
Nói cách khác, họ phải tin có sự sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Một trong các tín điều
phải tin trong Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng mỗi Chủ Nhật: “tôi tin có sự
sống lại và cuộc sống đời sau.”
- Căn bản của niềm tin
này là chính Chúa Giêsu: Lời Giảng và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
- Chúng ta phải để niềm
tin này nuôi dưỡng chúng ta, và phải biết sống làm sao ở đời này để xứng đáng
thừa hưởng cuộc sống mai sau.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
19/11/16 THỨ BẢY TUẦN
33 TN
Lc 20,27-40
Lc 20,27-40
Suy
niệm: Tần Thuỷ Hoàng
(221-210 tr. CN.), quyền uy tối cao trên cả đế quốc Trung Hoa mênh mông mà
vẫn tham sống sợ chết. Ông truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 5.000 km để
bảo vệ đế chế, sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Biết mình có kéo
dài sự sống mấy rồi cũng có lúc phải chết, ông lo xây lăng tẩm cho mình như
một cung điện nguy nga đồ sộ, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thuỷ tinh làm
sông Ngân Hà, lấy vàng bạc dát tường, chôn sống hàng trăm cung nữ để phục vụ
ông ở kiếp sau. Chối bỏ sự sống đời sau bằng cách cố gắng kéo dài sự sống đời
này, hay coi sự sống bên kia thế giới cũng ăn ăn uống uống, cũng dựng vợ gả
chồng như ở thế giới này đều phản ánh một cái nhìn bất cập về sự sống cả đời
này lẫn đời sau. Lời Chúa dạy ta rằng “sự sống thay đổi chứ không mất đi”. Có
sự sống đời sau nhưng không giống cuộc sống đời này như người đời vẫn nghĩ.
Đối với những ai được kêu gọi vào cuộc sống đời đời ấy thì Thiên Chúa thế
nào, họ cũng sẽ nên như thế (x. 1Ga 3,2). Vì Thiên Chúa là chủ của sự sống.
Mời Bạn: Chúng ta biến nỗi sợ
chết thành lòng ham sống một cách mãnh liệt mà là sống cuộc sống đời đời với
Chúa. Vì thế, dù đang phải bon chen với chuyện cơm áo gạo tiền, chúng ta
quyết không để những sự đời này cản trở bước chân chúng ta trên con đường tiến
về cõi sống vĩnh hằng.
Chia sẻ: Chúng ta đã biểu lộ
niềm tin vào Đấng Phục sinh thế nào khi có người thân qua đời?
Sống Lời Chúa: Lần hạt và dâng hy
sinh để cầu cho các đẳng linh hồn.
Cầu
nguyện: Chúa ơi, xin Chúa
sống trong con để con luôn sống cho Chúa.
|
Đời này, đời sau
Cái chết dạy tôi biết cách sống. Ðời sau kéo tôi
ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm.
Suy niệm:
Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết.
Một triết gia Ðức bảo con
người sinh ra để chết.
Cái chết là số phận của
mỗi người,
nhưng nói chung ai cũng
muốn sống.
Kitô giáo cho rằng con
người sinh ra là để sống mãi.
Cái chết chỉ là cánh cửa
mở vào cõi vĩnh hằng.
Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.
Kitô giáo chỉ nhận có một
cuộc đời ta đang sống.
Chính cuộc đời duy nhất
này
định đoạt số phận vĩnh
cửu của ta.
Không có một cơ hội thứ
hai để làm lại.
Chính vì thế phải sống
hết mình cho đời này
để đáng hưởng hạnh phúc
đời sau.
Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm.
Chẳng ai chụp hình được
thiên đàng hay hỏa ngục.
Người đã khuất cũng không
trở lại để kể ta nghe.
Bởi thế, nhiều người
không tin có đời sau.
Cả những tín hữu cũng bị
cuốn hút bởi vật chất,
và sống như thể chỉ có
đời này.
Ðời sau là chuyện ở đâu
đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết
linh hồn con người vất
vưởng như cái bóng nơi âm phủ.
Âm phủ là nơi tối tăm,
buồn chán, thiếu sự sống.
Người Pharisêu lạc quan
hơn, cho rằng
đời sau là sự kéo dài của
đời này.
Người ta sống như trước,
nhưng tràn trề hạnh phúc.
Ðức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau.
Ðời sau khác hẳn đời này.
Người ta không cưới vợ
lấy chồng, không cần con nối dõi,
nhưng sống như các thiên
thần,
nghĩa là chỉ lo phụng sự
và ca ngợi Thiên Chúa.
Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết.
Người ta thoát khỏi quy
luật thông thường của lẽ tử sinh.
Toàn bộ con người được
sống lại: cả hồn lẫn xác.
Thân xác tuy đã tan thành
tro bụi theo thời gian,
nhưng sẽ được biến đổi
một cách kỳ diệu
để chung hưởng hạnh phúc
với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,
chúng ta nghĩ đến cái
chết và đời sau.
Cái chết dạy tôi biết
cách sống.
Ðời sau kéo tôi ra khỏi
những hạnh phúc giả tạo,
và những nỗi khổ đau do
mê lầm.
Tôi đang đi về đời sau
để gặp Ðấng mà tôi đã tin
yêu suốt đời.
Tất cả cuộc hành trình
đều phải hướng về nguồn cội.
Chúng ta đã được dựng nên
cho Thiên Chúa,
và chúng ta còn khắc
khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi ra thăm nghĩa địa,
khi vào viếng phòng hài cốt,
con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao
mới dám nghĩ một ngày nào đó
những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.
Con người trở về bụi tro,
nhưng bụi tro sẽ trở lại
làm người,
vì con người sinh ra là
để bất tử như Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
trần gian này quá đẹp
khiến con mải mê, quên mình là lữ khách;
thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.
Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân,
như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.
Xin khơi dậy nơi con
niềm khát khao những điều cao cả.
Xin đừng để con
mãn nguyện với những cái tầm thường.
Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao,
khi con quên mình
để sống cho anh em trên
mặt đất.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG MƯỜI MỘT
Tiếng Gọi Chung Thủy
Được sinh ra từ tình
yêu sáng tạo của Thiên Chúa, hôn nhân tìm thấy luật nền tảng và giá trị luân lý
của nó trong một tình yêu đích thực giữa hai người. Cả vợ và chồng đều hoàn
toàn dấn thân để nâng đỡ nhau. Và xuất phát từ khát vọng chung của hai người muốn
sống trung thành với tình yêu của Thiên Chúa – là Đấng Sáng Tạo và là Cha của
mình – họ sinh ra sự sống mới. Sứ mạng mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa này đòi hỏi
họ phải có một sự dấn thân triệt để hơn nữa và một ý thức cao vượt hơn nữa về
những trách nhiệm của họ trong tư cách là con người và là Kitôhữu.
Họ phải không ngừng
tìm cách tận dụng các ân sủng tuôn chảy từ Bí Tích Hôn Nhân. Ân sủng bí tích
này thật cần thiết để giúp họ đương đầu với những thách đố của bao khó khăn
trong cuộc sống hằng ngày. Các đôi vợ chồng Kitôhữu tìm thấy ánh sáng và sức mạnh
để giải quyết những vấn đề riêng của họ nhờ ân sủng này. Họ có thể sống triệt để
một tình yêu đích thực và phổ quát – trước hết đó là tình yêu hướng về Thiên
Chúa, vì họ phải khao khát vinh quang của Ngài và nhiệt tình mở rộng Nước Ngài;
thứ hai, đó là tình yêu hướng về con cái họ trong ánh sáng của nguyên tắc Thánh
Phao-lô: “Tình yêu không tìm ích lợi cho riêng mình” (1Cr 13,5); và cuối cùng,
đó là tình yêu hướng về nhau trong đó người này tìm cách phục vụ người kia và
hiểu được những tâm tư nguyện vọng tốt lành của người kia. Ở đây không có sự độc
đoán hay ích kỷ chen vào trong ý hướng. Không, ở đây chỉ có một tình yêu trọn vẹn
và phổ quát.
Điều này giải thích tại
sao linh đạo vợ chồng đòi hỏi một nỗ lực triệt để về luân lý và sự thánh thiện
suốt đời. Nó phải được nuôi dưỡng bởi những niềm vui và những hy sinh trong đời
sống hằng ngày.
Những người vợ và chồng,
anh chị em đừng cảm thấy cô đơn trong sự dấn thân của anh chị em cho các mục
đích nói trên. Thật vậy, Công Đồng nhắc anh chị em rằng “Hôn Phu của Giáo Hội đến
gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitôhữu qua Bí Tích Hôn Phối. Ngài vẫn ở với họ để –
như Ngài đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội – họ cũng yêu thương
nhau bằng một tình yêu chung thủy” (MV 48). Anh chị em hãy sống tình yêu chung
thủy ấy, sự chung thủy được nâng đỡ bởi chính tình yêu của Chúa Kitô.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19 – 11
Kh 11,4-12; Lc
20,27-40.
Lời suy niệm: “Người không
phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người,
tất cả đều đang sống.”
Với quan niệm của người
Xađốc họ tin vào sự tự do không giới hạn và không tin có sự sống lại. Trong lúc
người thuộc nhóm Pharisêu họ tin tưởng và trông đợi sự giáng lâm của Đấng Mêsia
và tin vào sự sống lại của người chết. Đứng trước hai quan niệm này Chúa Giêsu
đã gợi cho họ nhớ lại lời Thiên Chúa của họ, đã nói với Môsê: Ta là Thiên Chúa
của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của của Isaác và Thiên Chúa của
Giacóp (Xh 3,6).
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mỗi người chúng con đừng bao giờ hiểu về trời theo cách hiểu dưới đất này,
nhưng luôn tin tưởng vào Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội.
Mạnh Phương
19 Tháng Mười Một
Một Lỗ Nhỏ Trên Vách Tường
Tại một trung tâm
bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi
người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn
khi được giúp đỡ.
Vị nữ tu coi sóc
trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo
dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách
trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và
mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông
xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt
xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong
trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:
"Người đàn bà ấy
chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy
tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một
cái hôn... Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa
tôi vào trung tâm này.
Nhưng vợ tôi đã
không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với
tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống...".
Tình yêu mạnh hơn sự
chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người
đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho
người chồng... Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Bất cứ ai
cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu... Bạn có biết rằng có bao người
đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn không?
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét