21/11/2016
Thứ Hai tuần 34 thường niên
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.
Lễ nhớ
* Vượt lên trên những
câu chuyện cổ kính thuật lại việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào Đền Thờ, Hội
Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô
Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Kitô hữu có thể nhận
thấy nơi Đức Maria “đầy ân sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 1-3, 4b-5
"Tên của Ðức Kitô và của Cha Người viết trên trán họ".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi ngắm nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi
Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi tư ngàn người mang tên của Con
Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ. Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng
sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền, và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng
đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ hát bài ca vãn mới trước toà và trước
mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được
mua chuộc từ cõi đất, không một ai có thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi
đâu, thì họ theo đó. Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu
mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ
cũng chẳng tì ố trước toà Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Ðó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa
cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và
Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi
thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng
bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng
cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan
Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 1-4
"Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền
dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng
tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ
vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho
Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cho Ði Tất Cả
Vào thời xưa cũng như thời này, có những giai tần bị loại ra bên
lề. Họ có thể là những người mắc bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những
người nghèo không một xu dính túi. Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề
xã hội, có các bà góa; nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại
Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và
từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người
nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng
đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù
chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những
gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy
nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu
chúng ta phải nghèo về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ
hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn
được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi
theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu có khó vào được Nước Trời. Thật ra,
người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng
không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên
thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ
đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi,
cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc,
nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người
khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người
nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để
sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng
tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của
mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy
nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu
không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh
tranh như hiện nay, còn có một mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của
Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền
lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ.
Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn
trật tự xã hội, vì Ngài không những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng
còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những
gì mình có để xây dựng và phục vụ xã hội.
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh
thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa
không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu
gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho
con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng
xã hội.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev 14:1-3,
4-5; Lk 21:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành hy sinh cuộc
đời cho Thiên Chúa
Trong những ngày cuối năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng lòng con người
về: (1) Sự chóng qua của đời này và những giá trị cao quí của đời sau như: sự bất
tử của linh hồn, sự sống lại, và cuộc sống trường sinh mai sau. (2) Những mẫu
gương cao quí và sự hy sinh của tiền nhân: Đức Kitô, người mẹ anh hùng và 7 anh
em nhà Maccabees, các thánh tử đạo Việt Nam. (3) Kêu gọi chúng ta bắt chước các
mẫu gương anh hùng đó: sống anh hùng, sống chứng nhân, và dám hy sinh tất cả
cho Nước Trời.
Các Bài đọc hôm nay cũng theo chiều hướng đó: Bài đọc I tường
thuật thị kiến Con Chiên và 144,000 bạn đồng hành của Con Chiên. Họ trung thành
bước theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào. Bài Phúc Âm kêu gọi con người dám hy
sinh tất cả như người đàn bà góa; Bà dám bỏ mọi sự mình có vào Hòm Tiền trong Đền
Thờ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó.
1.1/ Thị kiến Con Chiên cùng với 144,000 người trên Núi Sion: "Tôi thấy: kìa Con
Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có 144,000 người, mang danh của
Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán."
Núi Sion được gọi là Ngai của Thiên Chúa (Mic 4:7, Isa 24:23),
là Núi Thánh, là kinh thành của Đức Đại Vương (Psa 2:6), là thành cư ngụ của
Thiên Chúa hằng sống (Heb 12:22). Con Chiên là chính Đức Kitô. Ai là 144,000 người?
Đây là những người được thiên thần đóng ấn trên trán từ 12 chi tộc của Israel,
mỗi chi tộc 12,000 người (Rev 7:4-8). Ấn tín được đóng là ấn tín mang danh của
Con Chiên và của Cha Con Chiên trên trán (Rev 7:3). Có tên Thiên Chúa và tên Đức
Kitô trên trán chứng tỏ người đó được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa. Bạn
đồng hành với Con chiên được phân biệt với đồng bọn của Con Thú, những người
cũng được đóng ấn với dấu hiệu của nó (Rev 13:16, 14:11).
“Và tôi nghe thấy tiếng từ trời như tiếng nước lũ, như tiếng sấm
lớn. Tiếng tôi nghe thấy tựa hồ tiếng những nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa hát. Họ hát
một bài ca mới trước ngai Thiên Chúa, trước bốn Con Vật và các vị Kỳ Mục. Không
ai có thể học được bài ca này, ngoài 144,000 người ấy, là những người đã được
chuộc về từ mặt đất.” Bài ca mới được mô tả bằng những từ ngữ Kinh Thánh quen
thuộc: tiếng nước lũ (Rev 1:15, 9:16, Eze 43:2); tiếng sấm lớn (Exo 19:16, Eze
1:7); và tiếng đàn cầm (Rev 5:8, 15:2).
1.2/ Điều kiện được chọn để theo Con Chiên:
(1) Giữ mình đồng trinh: Vì 144,000 người này được mô tả đối nghịch
với những người thờ phượng Con Thú, họ phải là những người từ chối không theo
Con Thú. Con số này là con số tượng trưng cho tất cả các tín hữu, chứ không phải
chỉ có bằng ấy người được cứu độ. Chữ “đồng trinh” đây cũng không hiểu theo
nghĩa hẹp của nó, nhưng theo nghĩa của nhiều tiên tri Cựu Ước (Hos 2:14-21, Jer
2:2-3, 32, Zeph 3:9-13): đồng trinh là biểu tượng của sự trung thành với Thiên
Chúa; trong khi thờ bụt thần được coi như làm điếm, không trung thành với Thiên
Chúa (Rev 2:14, Eze 16, 23). Babylon được ví như con điếm (Rev 14:8, 17:4-6)
trong khi Giáo Hội được ví như Hiền Thê của Con Chiên (Rev 19:7, 21:2-9).
(2) Trung thành theo Con Chiên: “Con Chiên đi đâu, họ cũng đi
theo đó. Họ đã được chuộc về từ giữa loài người, làm của đầu mùa dâng lên Thiên
Chúa và Con Chiên.”
(3) Sống thành thật: “Chẳng ai thấy miệng họ nói dối; không ai
chê trách họ được.” Những người nói dối là con cái của ma quỉ, cha của những
người nói dối (Jn 8:44). Người theo Con Chiên không những phải nói thật mà còn
phải sống thật; để biến mình thành của lễ không tì ố dâng lên Thiên Chúa (Rom
12:1).
2/ Phúc Âm: Bà bỏ vào tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Tiêu chuẩn xác định cho nhiều hay ít: không dựa trên số lượng
cho mà dựa trên số lượng người cho có. Chẳng hạn: một người cho 5000 đồng,
nhưng tài sản anh có là 1,000,000 đồng, tỉ lệ anh cho đi là 1/200, một số lượng
rất nhỏ so với tài sản của anh. Trong khi đó, một người nghèo bỏ vào chỉ 2 hào,
nhưng tài sản anh có là 4 hào, tỉ lệ anh cho đi là ½; anh đã cho phân nửa tài sản
anh có.
Chúa Giêsu có lẽ đang ngồi ở “Sân của phụ nữ” trong Đền Thờ. Ngước
mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào
thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.
Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều
hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ,
mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào
đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
Trước mắt con người, hầu hết sẽ đánh giá trị sai. Họ sẽ quí trọng
tiền cho của người giầu và khinh thường sự đóng góp của người đàn bà góa; họ sẽ
nghĩ hai đồng kẽm này làm được gì, lại còn phải nhớ số lẻ trong việc làm sổ
sách nên quăng đi cho xong chuyện! Nhưng với cặp mắt thấu suốt mọi sự của Chúa
Giêsu, Ngài phân biệt rõ cho các môn đệ: Đừng đánh giá theo giá trị bên ngòai,
nhưng phải đánh giá theo khả năng bên trong:
(1) Cho đi những của dư thừa: Những người giầu có mặc dù cho nhiều,
nhưng họ chỉ cho đi những của dư thừa mà họ không cần đến.
(2) Cho đi tất cả những gì mình có: Đồng tiền kẽm là đơn vị nhỏ
nhất trong các tiền được dùng để trao đổi, một đồng tiền kẽm trị giá khỏang
1/20 xu. Hai đồng kẽm mới chỉ có 1/10 xu. Nếu so sánh với sự cho đi của những
người khác thì chẳng đáng là gì. Nhưng với cặp mắt nhìn thấu suốt mọi sự của
Chúa Giêsu: Bà góa này đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì bà đã “rút từ cái túng thiếu
của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
2.2/ Những cái cho khác: Ngòai tiền bạc ra, người môn đệ của Đức Kitô
còn phải cho nhiều thứ khác khó khăn hơn nhiều: ý muốn, tình yêu, thời gian,
tài năng, sức khỏe. Chúa đòi hỏi nơi người môn đệ: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn
Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng
với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai
giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì
sẽ tìm thấy được” (Mt 10:37-39).
Vì thế, trước khi theo Chúa, hãy ngồi xuống tính tóan xem có
theo được không; kẻo nửa chừng mà bỏ thì mất cả chì lẫn chài. Một khi đã quyết
định theo, phải theo cho tới cùng; cho dù gặp bao khó khăn gian khổ, ngay cả
cái chết, cũng phải vượt qua. Gương các thánh, những người đã theo Chúa tới
cùng, phải trở thành những mẫu gương soi dẫn cuộc đời chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mục đích của chúng ta sống trên đời này là để chứng tỏ lòng
trung thành của chúng ta với Thiên Chúa qua việc dám hy sinh từ bỏ mọi sự để
làm chứng cho Ngài.
- Chúng ta không chỉ thích chọn và sống một hai điều Thiên Chúa
dạy, nhưng phải chọn và sống tất cả những gì Thiên Chúa truyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
21/11/16 THỨ HAI TUẦN
34 TN
Đức Mẹ dâng mình
Mt 12,46-50
Đức Mẹ dâng mình
Mt 12,46-50
Suy niệm: Một sự thật thông thường ai cũng dễ dàng nhận
thấy: dù đã vâng lời ông chủ cách chu đáo, người đầy tớ vẫn là đầy tớ; hay dù
đã vuông tròn làm theo lời dạy của vị thầy, người môn đệ vẫn là môn đệ. Thế mà
trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su lại đảo ngược vị trí thông thường ấy.
Đúng hơn, Ngài đưa mối tương quan thầy-trò lên một tầm cao mới: người môn đệ
trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa, thậm chí là anh em, chị em, là mẹ
Ngài khi biết nghe và làm theo ý Cha Ngài. Theo ý nghĩa này, Đức Ma-ri-a không
chỉ là Mẹ sinh Chúa Giê-su theo huyết thống, nhưng còn là Mẹ Ngài vì đã lắng
nghe và sống Lời Chúa. Đồng thời, Đức Ma-ri-a cũng là Mẹ nhân loại, những người
anh chị em của Chúa vì đã tin và thực hành thánh ý Chúa Cha.
Mời Bạn: Được
trở nên thành viên gia đình Thiên Chúa, bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Để
hạnh phúc ấy kéo dài mãi trong đời sống, bạn cần tiếp tục lắng nghe và
sống Lời Thiên Chúa không phải một lần nhưng mọi ngày. Lắng nghe ít nhất qua 5
phút Lời Chúa mỗi ngày, còn áp dụng Lời ấy kéo dài 1440 phút của một ngày sống.
Sống Lời Chúa: Đức
Ma-ri-a yêu Chúa trong niềm tin tưởng lời Chúa phán với Mẹ sẽ được thực hiện.
Con yêu Mẹ, con phải noi theo mẫu gương lắng nghe, thực thi Lời Chúa ấy mỗi
ngày. Chỉ khi ấy ta mới xứng đáng là con cái Mẹ và anh chị em trong gia đình
Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nguyện mỗi ngày lắng nghe và nghiền ngẫm một câu Lời
Chúa để đem ra thực hành, nhờ đó con được ở trong nhà Chúa và là người thân
thuộc với Chúa. Amen.
Ai là mẹ tôi?( Mt 12, 46-50)
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm
vâng phục phó thác, bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình, bất
cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại, người ấy là mẹ...
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho
một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc
nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ
và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với
Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài
về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng
ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao
nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi
một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu
vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói
chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện
với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm
vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở
ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những
câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai
là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ
nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và
nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là
đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án
bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là
anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ
đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất
thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi
thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh
ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc
về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em
của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người
Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên
trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức
Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy
mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi
hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn
làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với
Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh
chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em
của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ
có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha
trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu
ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài
lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là
Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu
theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu
thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy
chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như
hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm
chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng
con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối
bột loài người
để bột được dậy lên và
trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành
cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương
rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi
dân nước,
nơi mọi người được hưởng
niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội
Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ
lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước
Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG MƯỜI MỘT
Trả Lại Cho Gia Đình Vai Trò Đúng Đắn Của Nó Trong Xã Hội
Trong tác phẩm Hành Trình Mục Vụ của ngài, Đức Hồng Y Baffi đã
dành một số trang rất hay để nói về những hiểm họa và những niềm hy vọng của
gia đình. Ngài nhấn mạnh rằng gia đình hôm nay rất ốm yếu trong xã hội chúng
ta, và đôi khi thậm chí gia đình bị khinh thường. Đó là lý do tại sao sự chữa
trị cho gia đình phải liên can tới việc Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta. Nếu
nền văn hóa của chúng ta được chuyển hóa xuyên qua cuộc gặp gỡ với Tin Mừng,
gia đình sẽ tìm lại được các gốc rễ của nó. Gia đình sẽ được canh tân hoàn toàn
và bắt đầu sống căn tính của nó trong tư cách là một hiệp thông và cộng đoàn của
các ngã vị trong niềm kính trọng hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của
nó: vợ chồng, con cái, trẻ già …
Như vậy, thay vì đóng kín chính mình và thoái thác trách nhiệm của
mình đối với xã hội, gia đình Kitôhữu được canh tân sẽ trở thành tác nhân chủ yếu
xây dựng xã hội tương lai. Điều này là tất nhiên vì gia đình là nền móng căn bản
của xã hội. Vâng, gia đình Kitôhữu phải đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng
lớn hơn, nhất là phục vụ người nghèo và những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gia
đình Kitôhữu phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới.
Gia đình Kitôhữu cũng có chỗ đứng riêng của mình trong sứ vụ của
Giáo Hội. Nó được mời gọi để tham dự, trong tư cách là một gia đình, vào sứ mạng
cứu độ của Giáo Hội. Gia đình thực thi sứ mạng này bằng việc sống trung thành với
căn tính của mình và bằng việc xây dựng mình trở thành một cộng đoàn tin và
loan báo Tin Mừng. Gia đình Kitôhữu được mời gọi sống cầu nguyện và phục vụ mọi
người theo giới luật yêu thương. Bằng cách này, gia đình trở thành một nguồn sống
và một nguồn ơn gọi – bởi vì trong tư cách là Giáo Hội tại gia, gia đình tham dự
vào sứ mạng ba chiều kích của Giáo Hội Chúa Kitô: đó là sứ mạng tư tế, vương đế
và ngôn sứ của Dân Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21 – 11
Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ
Dcr 2,14-17; Mt 12,46-50.
Lời suy niệm: “Người đang còn nói
với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện
với Người.”
Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên
tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người
mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bứt, công bố một năm hồng
ân của Chúa.” và Người đã nhiệt thành với sứ vụ, đã vượt hẳn sự hiểu biết của
loài người; làm cho Đức Mẹ và những người thân trong gia đình cũng không thể hiểu
nỗi, để rồi phải phân vân lo lắng cho Người. Điều này trong Tin Mừng của Gioan
cho biết: “Thật thế, anh em Người không tin vào Người.” (Ga 7,5); cũng
như trong Tin Mừng Máccô: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người,
vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc 3,21).
Lạy Chúa Giêsu. Chúa yêu mến Chúa Cha và cũng yêu mến chúng con,
nên Chúa đã hy sinh tất cả vì tội lỗi của loài người. Xin cho chúng con luôn
quý báu giá Máu cứu chuộc của Chúa để luôn sống với tâm tình sám hối vì tội lỗi
của chúng con đã phạm; và luôn tạ ơn lòng thương xót của Chúa; để chúng con thuộc
người gia đình của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-11
Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh
Nói về lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, đức giáo hoàng Phaolô
VI viết: "Những lễ dựa trên lời truyền khẩu, nhưng có giá trị gương mẫu
cao và đươc Giáo hội Đông phương đặc biệt mừng kính từ xa xưa, đó là lễ Đức
Maria dâng mình và đền thánh"
Việc Đức Mẹ dâng mình và đền thánh dựa trên sự kiện này, là luật
cũ đã nhận các trinh nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa tại đền thành. Hơn nữa Đức
Trinh nữ còn được đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ buổi đầu thai. Sư trinh
trong này có thể dẫn tới hiệu quả là trí khôn Đức Maria đã phát triển sớm hơn
bình thường, vì không bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ. Bởi đó, người ta cho rằng,
Mẹ đã dâng mình cho Chúa rất sớm, ngay khi trí khôn ngài có khả năng hiểu biết.
Cuốn ngụy thư "Phúc âm về cuộc sinh hạ của Đức Maria"
còn cho rằng ngài đã thực hiện cuộc dâng hiến này khi mới ba tuổi. Giottô trong
một bức họa đã diễn tả Đức Maria trong những bước chân mạnh mẽ tiến vào đền
thánh.
Trong niềm tin này, người Hy lạp, Armênia và Latinh, đều mừng lễ
Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh vào ngày 21 tháng 11 hàng năm. Simon
Métaphrate cho rằng lễ mừng đã được thiết lập vào năm 730 ở Constantinople. Năm
1143, hoàng đế Emmanuelđã xếp vào số các lễ được Giáo hội khắp nơi biết đến.
Vị đại sứ của vua Chypre bên đức giáo hoàng Grêgoriô XI (ở
Avignon) đã thuyết phục, để giáo triều với đức Sixtô IV chấp nhận lễ này từ năm
1372. Kể từ đó, ở nhiều vương quốc và nhiều nhà thờ đã mừng long trọng theo
sách nguyện Rôma. Đức giáo hoàng Pio V bãi bỏ và được đức Sixtô V tái lập.
Nhiều nhà dòng đã chọn lễ này làm ngày khấn dòng hay lặp lại lời
khấn cho các tu sĩ. Cùng với Đức Maria, chúng ta cũng dâng mình cho Chúa một
cách mau mắn và quảng đại.
(daminhvn.net)
21 Tháng Mười Một
Vâng ý Cha Dưới Ðất Cũng
Như Trên Trời
William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề
nghị sửa một dấu trong Kinh "Lạy Cha" như sau: Giữa những câu
"chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" và câu "ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" thay vì dấu phết hay dấu chấm phết
nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất
ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và
Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời
giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu
Kitô.
Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp
Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
"Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta,
là chị em Ta và là Mẹ Ta".
Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc
và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức
Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: "Này tôi là nữ tỳ của Thiên
Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền" và trong suốt cuộc đời, Ðức
Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân
thập giá.
Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể
làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: "Xin vâng!".
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét