Các tín hữu Công giáo Nam hàn có thể phúc âm hóa Á
châu không?
Seoul, Nam hàn – Các tín hữu Công giáo Nam hàn có lập trường truyền
giáo duy nhất; đó là nhận định của giáo sư Kirsteen Kim, một giảng viên thần học
và thế giới Kitô giáo tại đại học Leeds ở vương quốc Anh.
Giáo sư Kim nói: “Từ những năm 1990, Vatican đã khuyến khích Giáo
hội Hàn quốc nhận nhiệm vụ truyền giảng Tin mừng cho phần còn lại của châu Á. Lời
khuyến khích này không chỉ đề cập đến phẩm chất của chứng nhân mà cả đến các
quan tâm thực tế.”
Có khoảng 200 Linh mục Nam hàn đang truyền giáo tại các quốc gia
khác và 400 vị đang phục vụ các cộng đoàn Hàn quốc hải ngoại. Hội Thừa sai Hàn
quốc, được thành lập vào năm 1975, cũng đã gửi hơn 70 Linh mục ra nước ngoài
truyền giáo. Bên cạnh đó, có khoảng 700 tín hữu Hàn quốc, phần lớn là các nữ
tu, đang phục vụ trong các hội dòng truyền giáo ở hải ngoại.
Giáo sư Kim chia sẻ trên báo The Catholic Herald: “Hoạt động truyền
giáo của Hàn quốc được thúc đẩy một phần bởi ước muốn chia sẻ tự do tôn giáo và
một phần bởi hy vọng về một nền hòa bình thế giới sẽ đưa đến tái hiệp nhất với
Bắc hàn.”
Công giáo đến Hàn quốc đầu tiên vào cuối những năm 1700, do các
giáo dân chứ không phải các nhà truyền giáo hay Giám mục. Giáo hội đã tồn tại
qua cuộc bách hại dữ dội, với 103 vị tử đạo đã được Đức Gioan Phaolô phong hiển
thánh vào năm 1984 và 123 vị được Đức Phanxicô phong chân phước vào tháng 8 năm
2014 khi ngài thăm nước này. Lịch sử Giáo hội Công giáo Hàn quốc bao gồm 35 năm
chiếm đóng của Nhật và cuộc chiến tranh Hàn quốc. Theo giáo sư Kim, điều này
giúp Giáo hội ý thức về sự cần thiết là “một Giáo hội nghèo cho người nghèo. ….
Có một chiều kích xã hội sâu đậm trong việc loan báo Tin Mừng. Lịch sử tử đạo
đem lại cho Giáo hội Hàn quốc sự đồng hóa với người nghèo và người đau khổ và sẵn
sàng hy sinh.”
Hiện nay, Giáo hội Công giáo Nam hàn có khoảng 5 triệu tín hữu,
chiếm hơn 10% dân số. Họ ở tầng lớp kinh tế xã hội trên mức trung bình. (CNA
10/11/2016)
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét