Trang

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

26-04-2017 : THỨ TƯ - TUẦN II PHỤC SINH

26/04/2017
Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 5, 17-26
"Kìa, những người mà các ông tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vị thượng tế và mọi người thuộc phe ông, tức là phái Sađốc, đầy lòng phẫn nộ; họ ra tay bắt các tông đồ tống ngục. Nhưng đến đêm, Thiên Thần Chúa mở cửa ngục, dẫn các ngài đi và nói: "Hãy đi vào đền thờ giảng dạy cho dân chúng biết mọi lời hằng sống này". Nghe lệnh ấy, sáng sớm các ngài vào đền thờ và giảng dạy.
Lúc bấy giờ vị thượng tế và các người thuộc phe ông đến, triệu tập công nghị và tất cả các vị kỳ lão trong dân Israel, rồi sai người vào tù dẫn các tông đồ ra. Khi thủ hạ đến nơi, mở cửa ngục, không thấy các tông đồ, họ liền trở về báo cáo rằng: "Thật chúng tôi thấy cửa ngục đóng rất kỹ lưỡng, lính canh vẫn đứng gác ngoài cửa, nhưng khi chúng tôi mở cửa ra, thì không thấy ai ở bên trong cả".
Khi nghe các lời đó, viên lãnh binh cai đền thờ và các thượng tế rất lúng túng, không biết rõ công việc đã xảy đến cho các tông đồ. Lúc đó có người đến báo tin cho họ rằng: "Kìa, những người mà các ông đã tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ". Bấy giờ viên lãnh binh cùng các thủ hạ tới dẫn các tông đồ đi mà không dùng bạo lực, vì sợ bị dân chúng ném đá.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Ðáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.
4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 26
Alleluia, alleluia! - Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 16-21
"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.
 Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Sự Sáng Ðã Ðến Thế Gian

Trong một tờ báo lưu hành nội bộ nói về thời sự mà ai được xem qua có lẽ cũng sẽ nhớ mãi. Ðoạn phim thuật lại tai nạn không lưu tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ vào năm 1982. Một máy bay vừa cất cánh khỏi phi đạo vài trăm thước bỗng nhiên đâm sầm xuống dòng sông Potamac. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến ống kính truyền hình cũng chẳng kịp thu lại diễn tiến này. Chỉ còn lại cho người xem thấy được đoạn cuối của sự việc lúc chiếc máy bay đang chìm dần xuống dòng sông. Một ít người may mắn thoát ra được khỏi máy bay. Giữa đám người đang cố vùng vẫy, ngoi ngóp tìm kiếm sự sống còn này nổi bật hẳn lên khuôn mặt của một người đàn ông với hàng ria mép rậm. Xem cách bơi thì chắc chắn ông không phải là người giỏi về bơi lội, thế mà ông cứ lẩn quẩn mãi ở chỗ xảy ra tai nạn, chẳng chịu bơi vào bờ. Chiếc trực thăng cấp cứu xà tới, và như thế vóc người to lớn của ông trở thành tâm điểm để người ta ném phao cấp cứu. Thế nhưng, mỗi lần chiếc phao tới thì ông lại đẩy sang cho người bên cạnh, sau ba lần nhường phao như vậy, ông bắt đầu đuối nhưng ông vẫn cố gắng và lần sau cùng thì người ông đã từ từ mất hút giữa dòng sông.
Anh chị em thân mến!
Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của đức ái. Hy sinh cho người xa lạ là một điều đáng khâm phục trong yêu thương. Sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác được sống quả là một hình ảnh diễn tả tuyệt vời của tình yêu.
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Gioan đã khẳng định: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài. Nếu ai tin vào Con Một Ngài thì không phải hư mất, nhưng được cứu độ". Người Con đã cứu thoát thế gian bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên Thập Giá là bộc lộ tận cùng của tình yêu.
Tuy nhiên, nếu Ngài chết đi mà không sống lại thì vẫn chưa diễn tả trọn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa trong tình yêu. Sự Phục Sinh của Ðức Kitô nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời tô điểm thêm ý nghĩa cái chết của Ngài.
Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu thế gian không cần phải làm người hoặc chết trên Thập Giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì muốn cho con người có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thức loài người.
"Hy sinh vì người mình yêu". Khi cống hiến cho người cảm nghiệm được tình yêu Ngài, Thiên Chúa không muốn gì hơn là sự đáp trả. Tình yêu nào mà chẳng cần đáp trả, chính do thái độ đáp trả hay chối từ mà con người bị luật phạt hay không, vì Thiên Chúa không sai Con người đến để xử án thế gian nhưng nhờ Ngài mà được cứu rỗi. Ðức Kitô là mặt trời công chính, Ngài đến với hết mọi người, đặc biệt là những người đang bị vây hãm trong bóng tối tội lỗi. Ngài không kết án họ, nhưng luôn giang rộng đôi tay đón mời họ trở về.
Tội lỗi và yếu đuối là thân phận con người, nhưng nếu con người vẫn cứ ẩn mình trong tội lỗi, thích bóng tối hơn sự sáng, thì chắc chắn họ sẽ bị luật phạt. Biệt phái và luật sĩ bị Chúa Giêsu khiển trách nặng nề vì họ cố chấp trong sai lầm, không dám đối diện với ánh sáng, sợ rằng việc làm của mình sẽ bị phơi bày. Chúa Giêsu đã chỉ trích cho họ thấy khiếm khuyết nhưng họ vẫn cứng lòng. Thế nên, về sau, những lời chúc dữ "khốn cho các ngươi" được dành cho họ hoàn toàn.
Lạy Chúa, đối diện với sự thật, với ánh sáng có lẽ ai trong chúng con cũng ngại ngùng muốn lẩn trốn vì sợ các việc làm xấu xa của mình bị phơi bày. Xin cho chúng con nhớ rằng Chúa đến không để luật phạt, nhưng để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con mạnh dạn tiến bước tới nguồn ánh sáng của Chúa để tâm hồn chúng con được thanh tẩy nên trong sáng vẹn tuyền. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần II PS
Bài đọcActs 5:17-26; Jn 3:16-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người ghét ánh sáng vì các việc làm của họ mờ ám.
Thiên Chúa dựng nên con người có khả năng tìm ra sự thật. Sở dĩ con người không chịu nhìn nhận sự thật là vì họ muốn ở trong sự tăm tối để người ta đừng nhận ra những việc làm mờ ám của họ.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự tối tăm này nơi con người. Trong Bài Đọc I, vì ghen tức, vị Thượng Tế và những người thuộc Nhóm Sadducees cho bỏ tù các tông đồ. Họ ghen tức vì dân chúng trước đây nghe theo họ, giờ chạy theo để nghe lời giảng dạy của các tông đồ. Họ nhân danh bảo vệ Lề Luật để bỏ tù các tông đồ, nhưng thực ra chỉ là để che đậy ý đồ đen tối của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi tuyên bố tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, đã cắt nghĩa lý do tại sao con người ngoan cố không chịu ra ánh sáng: họ muốn che dấu những việc làm mờ ám của họ. Nếu họ phải ra ánh sáng, người khác sẽ nhìn thấy những việc mờ ám này; và vì vậy, tông tích họ bị lộ tẩy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì ghen tức, họ bắt các Tông Đồ và nhốt vào nhà tù công cộng.
1.1/ Xung đột giữa uy quyền của Thiên Chúa và sức mạnh của con người: Thiên Chúa, Đấng dựng nên và đang điều khiển muôn vật, trao trái đất cho con người quản lý; nhưng nhiều người đã sai lầm khi nghĩ: chính con người làm chủ trái đất này. Vì thế, luôn hiện diện một sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người trong thế giới: Con người muốn thay Thiên Chúa quyết định mọi sự. Một ví dụ xảy ra trong Bài Đọc hôm nay:
(1) Con người đàn áp và bưng bít sự thật: “Bấy giờ, vị Thượng Tế cùng tất cả những người theo ông - tức là phái Sadducees - ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ và nhốt vào nhà tù công cộng.”
(2) Thiên Chúa giải thóat và truyền cho các tông đồ phải rao giảng sự thật: “Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: "Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống."
1.2/ Lựa chọn của con người: theo Thiên Chúa hay theo thế gian?
(1) Các tông đồ chọn để làm theo những gì Thiên Chúa truyền: Các ông khinh thường roi đòn và ngục tù của quyền lực thế gian để rao giảng Tin Mừng như thiên sứ truyền dạy. Tại sao các ông có thể làm được những điều này trong khi bao con người sợ hãi và trốn tránh? Thưa vì các ông đã nhìn thấy rõ uy quyền của Thiên Chúa hơn hẳn mọi quyền lực của con người: Thiên sứ của Đức Chúa đã đưa các ông ra khỏi ngục khi lính vẫn canh và cửa tù vẫn đóng. Hơn nữa, các ông đã nhìn thấy rõ sự thật của Đức Kitô và sự sai trái của Thượng Hội Đồng. Các ông chắc cũng đã tự hỏi: Tại sao lại cứ phải tiếp tục làm nô lệ cho sự sai trái, mà không để cho sự thật giải phóng các ông. Vì thế, khi có cơ hội là các ông loan báo sự thật và vạch trần sự sai trái.
Dân chúng cũng chọn theo sự thật của các tông đồ giảng dạy. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, “chẳng có gì giấu kín mà không được tiết lộ.” Sự thật sẽ có lúc được tiết lộ, con người không thể bưng bít mãi sự thật. Tuy là “dân đen ít học,” nhưng họ vẫn còn có khôn ngoan Thiên Chúa ban để nhận ra sự thật. Họ không ngu dốt đến độ cứ bị đánh lừa để xỏ mũi kéo đi mãi. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đích thực Thiên Chúa gởi đến để cứu chuộc con người; họ cũng nhận ra sự mờ ám của những người trong Thượng Hội Đồng, họ thủ tiêu Chúa Giêsu chỉ vì ghen tức mà thôi. Một khi dân chúng đã nhận ra sự thực, những kẻ làm điều sai sẽ mất uy quyền cai trị và phải coi chừng kẻo bị dân chúng ném đá.
(2) Các người thuộc Thượng Hội Đồng tiếp tục ở trong bóng tối: Sách CVTĐ viết: “Nhưng khi thuộc hạ đến, họ không thấy các ông trong ngục. Họ trở về báo cáo rằng: "Chúng tôi thấy ngục đóng kỹ lưỡng và những người lính canh đứng ở cửa; nhưng khi mở cửa ra, chúng tôi không thấy ai ở bên trong." Nghe những lời ấy, viên lãnh binh Đền Thờ và các thượng tế phân vân về các ông, không biết chuyện gì xảy ra.” Họ phân vân về những chuyện xảy ra, “ngục vẫn đóng, làm sao các ông có thể thoát ra?” Nếu họ chịu khó để sự thật hướng dẫn, họ sẽ hiểu chính uy quyền của Thiên Chúa đã giải thoát các tông đồ, và họ sẽ không tiếp tục chống lại Ngài nữa.
Nhưng họ vẫn cứng lòng và không thay đổi thái độ đối với các tông đồ: “Viên lãnh binh bèn đi với bọn thuộc hạ và điệu các ông về, nhưng không dùng bạo lực vì sợ bị dân ném đá.” Có một sự khôi hài xảy ra ở đây: Lẽ ra các tông đồ là những người phải sợ họ; nhưng giờ đây họ trở thành những người sợ dân chúng ném đá. Có lẽ họ biết có gì khác thường xảy ra, nhưng vẫn không quan tâm để ý tới, vì đã quá quen thói dùng sức mạnh để đàn áp người vô tội.
2/ Phúc Âm: Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng.
2.1/ Thiên Chúa yêu thương con người: Chúa Giêsu xác tín tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khi Ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Mục đích của Thiên Chúa khi sai Người Con đến thế gian, không phải là để lên án thế gian; nhưng là để cứu độ thế gian. Một Thiên Chúa đã yêu thương nhân lọai đến độ hy sinh Người Con Một của mình, điều này chứng tỏ Ngài không nghĩ đến việc lên án, mà chỉ nghĩ đến việc cứu chuộc. Nếu Thiên Chúa không lên án, tại sao vẫn có người phải hư mất? Thực tế, con người lên án chính mình khi quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa và không tin vào Đức Kitô.
2.2/ Xung đột giữa ánh sáng và bóng tối: là sự xung đột thể lý, những gì mà con người thấy được. Chúa Giêsu được ví như ánh sáng đến để xua tan bóng tối đang bao trùm thế gian. Con người có quyền tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận ra ngòai ánh sáng: tin vào Chúa Kitô, hoặc chấp nhận ở trong bóng tối: không tin vào Chúa Kitô. Chính sự lựa chọn này mà con người được cứu độ hay bị lên án.
Đàng sau sự xung đột thể lý là sự xung đột luân lý: giữa sự thiện và sự ác, như Chúa Giêsu nói: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” Chúa Giêsu muốn nói lý do tại sao con người không chấp nhận ánh sáng không phải vì họ không biết ánh sáng tốt lành và lợi ích, nhưng vì có những điều ác (tội lỗi) họ đã quá quen thuộc và không muốn từ bỏ. Nếu chọn ra ngòai ánh sáng hay tin vào Chúa Kitô, họ phải chấp nhận bỏ những điều này. Sau cùng, đây là sự xung đột tâm linh: giữa Thiên Chúa và thế gian. Thiên Chúa muốn cứu độ con người trong khi ma quỉ và các quyền lực thế gian muốn lôi kéo con người về phía chúng. Để thuộc về Thiên Chúa, con người phải “đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta luôn bị đặt trong tình trạng xung đột giữa ánh sáng và bóng tối, giữa uy quyền Thiên Chúa và sức mạnh của ma quỉ và thế gian, cho đến ngày chúng ta từ giã cuộc đời này.
- Chúng ta luôn bị đặt phải lựa chọn để sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa hay tiêu chuẩn của thế gian. Chúa Giêsu báo trước đau khổ nếu chúng ta chọn sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Họ sẽ ghét anh em vì anh em không thuộc về họ.
- Ngài cũng báo trước cho chúng ta sự toàn thắng của lối sống theo Thiên Chúa: “Trong thế gian, anh em sẽ bị người đời ghét bỏ; nhưng đừng sợ vì Thầy đã thắng thế gian.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

26/04/2017 - THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Ga 3,16-21

TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật lạ lùng khôn tả: Ngài muốn mọi người được cứu độ, được sống dồi dào, được hạnh phúc muôn đời. Ngài yêu con người đến độ trao tặng cho con người món quà quý giá nhất là chính Con Một của mình. Người Con Một ấy, Đức Giê-su Ki-tô, tiếp tục yêu thương con người đến độ sẵn lòng hiến tặng điều quý báu nhất của mình là sự sống cho họ. Và để có được sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa tặng ban đó, con người phải đặt niềm tin vào Người Con Một ấy của Thiên Chúa. Vậy thì tin vào Đức Giê-su Ki-tô là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi, được sống đời đời. Tin là chấp nhận có Ngài hiện diện trong cuộc đời mình, sống như Ngài lời Ngài đã dạy và đã sống để làm gương cho ta.
Mời Bạn: Ơn cứu độ của Chúa Giê-su chính là được tha thứ tội lỗi, được tái sinh, được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, là có mối tương quan thân thiết với Ngài. Bạn hãy cảm tạ Chúa, yêu mến, tin tưởng nơi Ngài, không chỉ qua các nghi thức, nhưng còn bằng đời sống tốt lành, yêu thương mọi người, loan truyền Tin Mừng cứu độ để nhiều người cũng tin Chúa, được hạnh phúc đời đời.
Sống Lời Chúa: Tôi đón rước Chúa đến gặp mình một cách sốt sắng mỗi khi rước lễ, tin tưởng sâu sắc Người là Đấng ban ơn cứu độ cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con luôn kiên vững trong đức tin, tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Thiên Chúa, để con có được sự sống đời đời. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Thiên Chúa yêu thế gian (26.4.2017 – Th tư Tun 2 Phc sinh)
Hãy t b nhng vic làm ti tăm, di trá, xu xa, bn s d dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.


Suy nim:
Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.
Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,
hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,
chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,
không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.
Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,
hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.
Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.
May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.
Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.
Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.
Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).
Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động:
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).
Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.
Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,
Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,
và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.
Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).
Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.
Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ,
ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.
Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.
Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy
qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.
Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,
là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.
Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).
Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.
Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,
bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải thoát con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng
vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG TƯ
“Hãy Nhận Lãnh Thánh Thần”
Trong Mùa Phục Sinh, chúng ta có dịp trở lại căn gác thượng. Chúng ta nhớ lại những biến cố của ngày đầu tuần, của Chúa Nhật Phục Sinh.
Đức Giêsu xuất hiện, dù cửa đóng kín. Người đứng giữa các môn đệ và nói với các ông: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Và sau khi Người nói những lời ấy, Người thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22).
Đây là cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sau khi Phục Sinh. Đức Giêsu xuất hiện. Người vẫn như thế; nhưng Người cũng đã thay đổi. Người vẫn là con người đã chịu khổ nạn, vì Người đã cho các môn đệ thấy các lỗ đinh nơi tay Người và vết thương nơi cạnh sườn Người. Nhưng Người đã thay đổi. Cửa đóng không thể cản trở thân xác vinh quang của Người!
Người đã được thay đổi bởi cuộc Phục Sinh. Giờ đây, Người biểu hiện quyền năng của Thánh Thần trao ban sự sống nơi thân xác Người. Người xuất hiện trong quyền năng của Thánh Thần, và Người trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Chúa chúng ta trao ban Thánh Thần, Ôi! Hồng phúc biết bao, các vết thương trong cuộc khổ nạn của Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26 – 4
Cv 5, 17-26; Ga 3, 16-21.

LỜI SUY NIỆM: “Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng, và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.”
Mỗi con người sống trên trần gian này, ngay từ lúc mới sinh ra, Thiên Chúa đã ban cho con người một lương tâm ngay thẳng và thánh thiện và nhờ có lý trí và con tim, con người càng được lớn lên với sự khôn ngoan và hiểu biết, giúp cho con người nhận ra đâu là ánh sáng và đâu là bóng tối, đâu là điều xấu phải tránh và đâu là điều tốt, điều thiện để sống để hành động và phục vụ với trách nhiệm của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con hướng về ánh sáng của Chúa, để nhận ra những công việc chúng con làm, những gì chúng con đang sống để được làm đẹp lòng Chúa và mọi người chung quang chúng con.
Mạnh Phương


26 Tháng Tư
Người Sói
Một trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề "người sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú. Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình... Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được nó. Người ta mang nó đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện chính là vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói chuyện với đứa bé. Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta... Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh Thánh để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu... Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là ai?". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta như ập phủ xuống và chúng ta không còn thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng những câu hỏi mà chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài... Tại sao Ngài bỏ con? Chúng ta hãy không ngừng tra vấn Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối thoại giữa Ngài với ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét