Trang

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ (P1)

Không nên đem hoa và nến trong cuộc rước dâng của lễ (P1)


Tại Việt Nam, mỗi khi tổ chức cuộc rước dâng lễ vật (phải gọi là cuộc rước chuẩn bị lễ vật thì đúng hơn vì dâng lễ thực sự diễn ra sau đó trong Kinh nguyện Thánh Thể),[1] chúng ta đều thấy có mang theo cả hoa và nến. Đây là thực hành đã tồn tại từ nhiều chục năm nay mà không ai thắc mắc gì khiến đa số tưởng như vậy là ổn. Do vậy, người ta thường chỉ đặt ra câu hỏi là: thứ tự của cuộc rước thế nào, người mang hoa và nến đi trước hay đi sau người mang bánh-rượu? Thực ra, khi nhìn lại thực hành này dưới khía cạnh lịch sử, luật pháp, thần học và mục vụ, việc đem hoa và nến đang cháy trong đoàn rước chuẩn bị lễ vật là dư thừa và không cần thiết. Như thế, không còn cần phải giải đáp hoa và nến đi trước hay sau bánh - rượu nữa vì hoa và nến không nên có trong đoàn rước này.  
Vài nét lịch sử về cuộc rước
Từ ban đầu, các tín hữu đưa bánh rượu đặt trên bàn vị chủ sự để cử hành Bữa tối của Chúa, như họ thường gọi, hay cử hành Eucharistia.[2]
Khi Bữa ăn Huynh đệ (Agape) không còn nữa, các tín hữu vẫn tiếp tục đưa của lễ đến để tham dự thánh lễ. Trong những của lễ này, vào thế kỷ II- III, các phó tế tiếp nhận lễ phẩm bánh và rượu và trình bày chúng cho Đức Giám mục để ngài cử hành Hy tế Thánh Thể nên chúng được coi như là oblatio (hiến vật) nghĩa là đồ vật thánh thiêng. Trong thể kỷ III, lý do Giáo hội khuyến khích các tín hữu đem dâng bánh rượu và các hoa mầu ruộng đất khi tham dự thánh lễ là nhằm giúp các tín hữu biết trân trọng các đối tượng vật chất và nhằm chống lại phái Ngộ đạo thuyết vốn chủ trương thuyết nhị nguyên bài vũ trụ, chấp nhận hai nguyên lý tốt xấu trong vũ trụ. Họ cho rằng sự ác nằm trong thế giới vật chất xấu xa nên những gì thuộc vật chất phải loại trừ.[3] Cũng trong thế kỷ III, thánh Cyprianô khuyến khích các tín hữu mang lễ vật của họ đến nhà thờ.[4]
Sang thế kỷ IV, theo tường thuật của thánh Giêrônimô, các tín hữu đem theo lễ phẩm cũng như ý nguyện của mình khi đến tham dự thánh lễ. Họ rước lễ vật và đặt chúng ở một chỗ thuận tiện trước Thánh lễ [trên những chiếc bàn nhỏ ở gian ngang của nhà thờ Rôma]. Sau Phụng vụ Lời Chúa, thầy phó tế sẽ đưa các lễ phẩm này đến cho Giám mục. Ngoài của lễ là bánh và rượu, sách Truyền thống Tông đồ cho biết, các tín hữu còn mang lúa mì, dầu, nến, đèn, hương, vải, trái cây (nho, sung, lựu, táo, lê, đào, dâu, sơri, mận…), bánh sữa, mật ong... và nhiều thứ khác nữa (thỉnh thoảng có hoa đặc biệt là hoa hồng và hoa huệ) không những làm của lễ dâng tiến mà còn nhằm mục đích bác ái: nuôi dưỡng các giáo sĩ, lo cho các công việc của Giáo hội và giúp những người nghèo.[5] Nhiều Công đồng địa phương đã tìm cách hạn chế một số loại của lễ, và sách Hiến chế các Tông đồ (năm 380) liệt kê những thứ được phép là bánh, rượu, hương, hạt lúa, trái nho, trái ôliu và nến sáp.[6] Rượu được đựng trong bình lớn có quai, bánh mì đặt trên bàn rồi dùng tấm khăn lớn phủ lại cho khỏi bụi, còn các của lễ khác thì đặt bên cạnh bàn thờ. [7]    
Ở Tây phương, cuộc rước lễ phẩm sa sút dần dần suốt thời kỳ tiền Trung cổ. Lý do là vì bánh có men thông thường không thích hợp cho cử hành Thánh Thể nữa; mặt khác, số người tham dự thánh lễ và lên hiệp lễ ngày càng ít ỏi đi. Cuộc rước dâng của lễ kể như biến mất khi người ta thay đổi lễ vật tiến dâng từ sản phẩm nông nghiệp sang dâng cúng tiền bạc. Từ đó, quyên góp tiền bằng những thùng hay giỏ tiền trở thành một thực hành phổ biến trong Giáo hội.[8]   
Việc các tín hữu đến dâng lễ mang của lễ đi theo đã được ghi lại trong nhiều bút tích của các giáo phụ. Khoảng thế kỷ II, một tân Kitô hữu thường phải mang lễ vật của họ lần đầu tiên khi họ đến tham dự nghi thức Khai tâm Kitô giáo vào đêm Vọng Phục sinh [9]. Năm 155, thánh Justinô đã đề cập đến tập tục mang bánh và rượu đến cho vị tư tế sau khi kết thúc những Lời Chuyển cầu (Apol LXVII, 5) [10]. Thánh Hippôlytô (năm 225) cũng ghi nhận thực hành này. Trong thời gian đó, Tertulianô (199) cũng nói về dân chúng mang lễ vật của họ đến với thánh lễ như một “hiến lễ” dâng lên Thiên Chúa. Giữa thế kỷ III, đang khi đề cập đến việc các tín hữu trình bày lễ phẩm của họ, thánh Cyprianô thành Carthage (210-258) đã khiển trách một bà giàu có dám tớí dự thánh lễ mà không mang theo lễ vật [11].
Thánh Augustinô quả quyết rằng mẹ ngài không ngày nào không mang của lễ tới bàn thờ (Confessions, V, 9, 17). Công đồng Mâcon (585) truyền cho đàn ông đàn bà khi đi dâng lễ phải mang của lễ đi theo. Nhiều Công đồng khác cũng nhắc lại lệnh này, tuy càng ngày nó càng mất hiệu lực.[12]
Vào thời Trung cổ, sau khi phụng vụ Rôma truyền qua Pháp, bị ảnh hưởng ngôn ngữ và khuynh hướng thần học tại đây, thánh lễ dần dần trở nên xa lạ với giáo dân. Trong phần Dâng lễ, họ không còn tích cực tham dự như trước. Chắc chắn từ ban đầu, bánh được đem dâng tiến là những ổ bánh mì, vì vậy, việc bẻ bánh ra những phần nhỏ đem phân phát cho nhiều người tham dự là điều cần thiết trong suốt thời gian dài trong Giáo hội thời cổ.
(còn nữa)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
___________________________________________
1 Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL) [2002], số 79f.
2 Xc. Heliodoro Lucatero, The Living Mass (USA: Liguori Publications, 2011), 9.
3 Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),105.
4 CCL 3a:64-65, trích lại từ Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 50.
5 Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 91.
6 Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012),179.
7 Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003),  61.
8 Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 65.
9 Bulletin 51, Christian Initiation, 281-283.
10 Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1345.
11 Cypriano, Liber de opere et eleemosinis, 15 = PL 4:612-613 trích lại trong Catherine Vincie, “The Mystagogical Implications”, ed. Foley, Edward, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 222.
12 Trích lại trong Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 92.


(theo Báo Công giáo và Dân tộc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét