Bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng trên chuyến bay từ Cairo về Roma
By phanxicovn - 30/04/201791
Vatican Insider | Andrea Tornielli
Trên chuyến bay từ Cairo về Roma
Trên chuyến bay trở về sau chuyến tông du Cairo, Đức Giáo
hoàng Phanxicô đã trả lời các phóng viên về vụ của Regeni, chủ nghĩa dân túy ở
Châu Âu, và những vấn đề liên quan đến Bắc Hàn.
Hôm qua, cha đã gặp tổng thống Al Sisi, cha có
nói về nhân quyền và vụ việc của Giulio Regeni?
Khi ngồi lại
với một nguyên thủ quốc gia trong cuộc nói chuyện riêng, những chuyện trao đổi
giữa hai bên phải được giữ kín, trừ phi cả hai đồng ý cho công bố. Cha đã có bốn
cuộc nói chuyện riêng ở đây, và cha tin là chuyện riêng thì phải được giữ kín,
vì sự tôn trọng dành cho nhau. Về vụ việc của Regeni, cha lo lắng và từ Tòa
Thánh cha đã có những bước đi của mình về vấn đề đó, và cha mẹ của cậu ấy cũng
đã ngỏ lời nhờ cha. Tòa Thánh đã có vận động trong chuyện này. Cha không nói cụ
thể, nhưng đã có hành động rồi.
Hôm qua, cha nói rằng hòa bình, thịnh vượng, và
phát triển thì xứng đáng để hy sinh mọi thứ, và điều quan trọng là phải tôn trọng
những quyền bất khả phân ly của con người. Đấy là sự ủng hộ của cha cho chính
phủ Ai Cập đang cố gắng bảo vệ các Kitô hữu?
Cha đã nói
về các giá trị, về việc bảo vệ hòa bình, hòa hợp, sự bình đẳng giữa mọi công dân
dù họ tuyên xưng tôn giáo nào. Đấy là những giá trị và cha đã nói về các giá trị.
Còn chuyện một lãnh đạo có bảo vệ một trong những giá trị này hay không, thì là
chuyện khác. Đến giờ cha đã tông du 18 lần đến một số nước, và cha nghe: “Đức
Giáo hoàng ủng hộ chính phủ này, chính phụ nọ. Một chính phủ luôn luôn có điểm
yếu và các những người đối lập chính trị. Cha không can thiệp, cha chỉ nói về
các giá trị, mọi người có thể nhìn và đánh giá xem liệu một chính phủ nào đó có
thực thi những giá trị này không.
Trong bài diễn văn với Al Azhar, cha đã nói về
nguy cơ của những hành động đơn phương, nói rằng mọi người đều phải là người kiến
tạo hòa bình. Cha đã nói về Thế Chiến III phân mảnh, và hôm nay đang có lo ngại
về chiến tranh ở Bắc Hàn. Tổng thống Trump đã gởi đi các tàu chiến, còn chủ tịch
Bắc Hàn đã đe dọa đánh bom Nam Hàn. Đây là vấn đề chiến tranh hạt nhân. Nếu gặp
Trump và các lãnh đạo khác, cha sẽ nói gì với họ?
Cha đã gọi
điện cho họ, và thúc giục họ hãy hành động giải quyết vấn đề bằng ngoại giao.
Những người điều đình đang làm việc. Có những quốc gia như Na Uy luôn sẵn sàng
giúp một tay. Con đường chúng ta phải đi là qua thương lượng, giải pháp ngoại
giao. Thế chiến phân mảnh mà cha đã nói hai năm qua, vẫn đang còn phân mảnh,
nhưng những mảnh đó đang ngày một mở rộng và tập trung vào những điểm nóng. Cả
năm qua, đã có bàn luận về các tên lửa của Bắc Hàn, nhưng hiện giờ có vẻ vấn đề
đó đang nóng quá sức. Cha thúc giục các giải pháp thương lượng vì tương lai
nhân loại. Ngày nay một cuộc chiến tranh lớn có thể hủy diệt một phần lớn nhân
loại, và đó là chuyện quá khủng khiếp. Hãy nhìn vào những đất nước đang nội chiến,
Trung Đông, Yemen, Phi châu. Chúng ta hãy dừng tay lại và tìm giải pháp ngoại
giao, và cha tin Liên hiệp quốc có trách nhiệm đảm đương chuyện này, bởi hiện
nay có vẻ người ta hơi hạ thấp giá trị của Liên hiệp quốc.
Cha muốn gặp Tổng thống Trump không?
Phủ Quốc vụ
khanh chưa thông báo gì cho cha, nhưng cha sẽ tiếp mọi Nguyên thủ Quốc gia muốn
tiếp kiến.
Cha đã nói với Al Azhar về chủ nghĩa dân túy mị
dân. Người Công giáo ở Pháp đang sôi sục vì hai ứng viên dân túy và cực đoan.
Cha có lời khuyên nào cho những cử tri Công giáo không?
Ở Châu Âu,
cha phải tìm hiểu lại về từ “dân túy” bởi Châu Mỹ La tinh từ đó mang một ý
nghĩa khác. Có một vấn đề ở Châu Âu và Liên hiệp Âu châu, cha đã nói rồi và cha
không nói lại nữa, cha đã nói bốn lần, hai lần ở Strasbourg, rồi ở lễ nhận giải
Charlemagne, và cuối cùng là ở lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma. Mỗi quốc gia đều
được tự do đưa ra những quyết định mà mình tin là thuận lợi, và cha không thể
phán xét quyết định đó là vì lý do này kia. Cha không biết rõ về chính trị nội
bộ của các nước. Đúng là Châu Âu đang có nguy cơ tan vỡ, đúng là thế. Chúng ta
phải suy ngẫm. Có một vấn đề đe dọa, và có lẽ cũng đang làm trầm trọng thêm hiện
tượng này, và đó là vấn đề nhập cư. Nhưng đừng quên rằng châu Âu được dựng nên
nhờ di dân, trong nhiều thế kỷ di dân, và những di dân đó là chính chúng ta.
Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, cần tôn trọng các ý kiến, và thảo luận
chính trị tầm mức rộng hơn. About France: Cha nói thật, cha không hiểu rõ chính
trị nội bộ của nước Pháp, và cha đã cố có quan hệ tốt với tổng thống đương nhiệm.
Về hai ứng viên tranh cử tổng thống Pháp, cha không biết về chuyện của họ, cha
không biết xuất thân của họ, cha biết một người là đại diện cánh hữu, nhưng người
kia thì cha không rõ, và vì thế cha không thể cho ý kiến. Nói về người Công
giáo, có lần có người đã hỏi cha: “Sao cha không suy nghĩ về chính trị cấp cao?”
Ông ấy muốn lập một đảng cho người Công giáo! Nhưng dường như con người thiện ý
này đang sống trong thế kỷ trước mất rồi!
Vài ngày trước, khi nói về người tị nạn, cha đã
dùng từ “trại tập trung,” một từ rất nghiêm trọng với người Đức chúng con. Có
người nói đó là một từ lỡ lời…
Trước hết,
cha muốn nhắc lại đầy đủ những lời cha đã nói. Cha đã nói về những quốc gia quảng
đại nhất Châu Âu, là Ý và Hy Lạp. Cha luôn ngưỡng mộ khả năng dung nạp của Đức.
Khi cha theo học ở đây, có nhiều người Thổ nhập cư ở Frankfurt, và họ sống cuộc
đời bình thường như mọi người gốc Đức. Nhưng cha không lỡ lời! Có những trại tị
nạn thật sự là những trại tập trung. Có lẽ có một số ở Ý, một số ở nơi khác.
Hãy nghĩ xem người ta sẽ làm gì khi bị nhốt trong một khu vực không được phép
ra ngoài. Hãy nghĩ về những gì đã xảy ra ở Bắc Âu khi di dân muốn băng qua biển
để đến Anh quốc và bị nhốt lại. Có những chuyện khiến cha vui, một nét văn hóa
Ý. Ở Sicily, một thị trấn nhỏ, có một trại tị nạn. Và những người nắm quyền
trong thị trấn đã bảo các di dân, “Ở đây sẽ làm các bạn không vui, các bạn cần
phải được ra ngoài, nhưng xin đừng làm chuyện gì xấu. Chúng tôi không thể mở cổng,
nhưng chúng tôi sẽ để hở một khoảng ở sau trại, để các bạn có thể ra ngoài, đi
vào làng…” Thế là họ có mối quan hệ tốt đẹp với các cư dân trong thị trấn nhỏ
đó, người di dân không phạm tội hay những hành động xấu. Nhưng bị nhốt là một vấn
đề…
Ở Venezuela, tình hình đang ngày càng tệ hơn.
Cha có thể làm được gì? Vatican có thể điều đình được không?
Tòa Thánh
đã có can thiệp theo yêu cầu của 4 tổng thống, những người đang điều đình,
nhưng đã không thành công bởi những lời đề nghị đều bị từ chối hoặc không đón
nhận trọn vẹn. Tất cả chúng ta đều biết tình hình khó khăn ở Venezuela, một quốc
gia cha rất yêu mến. Cha tin là 4 tổng thống đó vẫn đang cố gắng tái khởi động
quá trình điều đình, và đang tìm kiếm địa điểm. Ở Venezuela, đã có sự chống đối
rõ ràng, và ngay cả bên chống đối cũng chia rẽ dần khi cuộc xung đột ngày càng
dữ dội hơn. Chúng ta đang vận động. Mọi chuyện có thể làm được thì phải làm cho
được, với những bảo đảm cần thiết.
Con là người Chính thống giáo. Cha thấy viễn cảnh
quan hệ với Chính thống Nga và Chính thống Copt thế nào? Chúng ta đều nhìn nhận
phép rửa, và đó là điều quan trọng… Cha đánh giá thế nào về quan hệ giữa
Vatican và Nga, trong việc bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông và Syria?
Cha luôn có
tình bạn tốt đẹp với Chính thống giáo. Ở Buenos Aires, mọi đêm Giáng Sinh, cha
đều đến đêm canh thức ở nhà thờ chính tòa của Thượng phụ Chính thống, giờ ngài
đang là Tổng Giám mục Ukraine, cha đến đó cầu nguyện hai tiếng 40 phút với những
ngôn ngữ phụng vụ mà cha không hiểu. Rồi cha dự bữa tối với cộng đoàn Chính thống.
Thỉnh thoảng, có những người Chính thống khác, khi cần giúp đỡ về pháp lý, họ
cũng đến tìm Giáo triều Công giáo. Chúng ta là các Giáo hội Tỷ muội. Cha có một
tình bạn đặc biệt với Thượng phụ Tawadros II của Chính thống Copt, ngài ấy là một
con người của Chúa, một thượng phụ vĩ đại đưa Giáo hội tiến tới. Ngài cũng có sự
cương quyết tông đồ, ngài là người nhiệt thành nhất trong việc tìm một ngày thống
nhất cho lễ Phục Sinh. Cha cũng thế, nhưng ngài còn dữ dội hơn, ngài bảo, “Phải
đấu tranh!” Sự hiệp nhất của phép rửa thì còn mãi. Người Chính thống Nga nhìn
nhận phép rửa của Công giáo, và cha cũng nhìn nhận phép rửa của họ. Thượng phụ
Elijah II của Georgia là một con người của Chúa, một nhà thần nghiệm, người
Công giáo phải học lấy truyền thống thần nghiệm. Và trên hành trình đại kết,
còn có Thượng phụ Bartholomeo, người Anh giáo… Đại kết tiến tới nhờ những hành
động đức mến. Không có đại kết đứng yên. Cần có nghiên cứu của các thần học
gia, nhưng chúng ta phải cùng bước đi với nhau, cầu nguyện với nhau….
J.B. Thái
Hòa chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét