Đức Thánh Cha phát biểu tại Hội nghị Hòa bình ở Cairo
CAIRO. ĐTC Phanxicô đề cao giáo dục như phương thế xây dựng
hòa bình đồng thời tái lên án nạn buôn bán võ khí như nguyên nhân kéo dài chiến
tranh trên thế giới.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài diễn văn tại
Hội nghị quốc tế về hòa bình do Đại Học Al Azhar của Hồi giáo ở Cairo tổ chức.
Đại học Al Azhar
Al Azhar, nguyên ngữ Arập có nghĩa là ”Huy hoàng hay
sáng ngời”, đây là Đại học cổ kính và uy tín nhất trong thế giới Hồi giáo, được
thành lập năm 969, tức là 1 năm sau khi người Hồi giáo Shiite đến từ Thổ Nhĩ Kỳ,
gọi là Fatemiti, chinh phục được Ai Cập và thành lập thành Cairo. Đại học này
chủ yếu đào tạo các Imam và nhắm mục đích truyền bá Hồi giáo và Văn hóa Hồi
giáo và hiện nay có gần 300 ngàn sinh viên đến từ tất cả các nước Hồi giáo.
Cùng với Đại học có Đền thờ Hồi giáo cùng tên.
Các học giả Hồi giáo, gọi là Uléma, thuộc Al Azhar thường
đưa ra những giáo pháp, fatwa, liên quan đến những tranh luận được các nơi
trong thế giới Hồi giáo Sunnit gửi về và xin giải đáp liên quan đến cách hành xử
đúng đắn của cá nhân và xã hội Hồi giáo.
Vị Đại Imam của Al Azhar hiện thời là Ahmed el-Tayyeb,
năm nay 71 tuổi (1946) và do Tổng thống Hosni Mubarak bổ nhiệm sau khi ông
Muhammad Sayyid Tantawy qua đời năm 2010. Ông đậu tiến sĩ triết học Hồi giáo ở
Đại học Sorbonne bên Pháp và làm viện trưởng Đại học Al Azhar từ năm 2003. Trước
đó Ông là Đại Mufti của Ai Cập.
Đến đại học Al Azhar lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã được đại
diện của Đại Imam tiếp đón và hướng dẫn tới thư phòng của Ông el-Tayyeb để hội
kiến riếng. Trong dịp này ngài tặng vị Đại Imam pho tượng thánh Phanxicô bằng đồng,
trong tư thế đang giơ hai tay lên trời để chúc tụng Đấng Tạo Hóa.
Diễn văn tại Hội nghị hòa bình
Tiếp đến, ĐTC đến Trung tâm Hội nghị của Đại học Al
Azhar cách đó 8 cây số, nơi đang diễn ra Hội nghị quốc tế về hòa bình, với sự
tham dự của các vị lãnh đạo Hồi giáo và các tôn giáo khác, cùng với các giáo sư
và sinh viên đại học Hồi giáo.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, đại Iman Al Tayyeb đã nói đến thảm
trạng của nhân loại ngày nay, bao nhiêu sinh mạng bị tàn phá vì chiến tranh. Nạn
buôn bán võ khí làm cho chiến tranh và chết chóc kéo dài. Người ta tạo nên những
căng thẳng, những cuộc nổi dậy về tôn giáo, những xung đột và khác biệt phe
phái và chủng tộc giữ những người dân trong cùng một quốc gia. Trớ trêu thay,
những điều đó xảy ra ở thế kỷ 21 này, mệnh danh là thế kỷ văn minh với những tiến
bộ về khoa học và kỹ thuật. Trong bối cảnh trên đây vị Đại Imam đề cao vai trò
và sự đóng góp của các tộn giáo cho việc xây dựng hòa bình. Điều đầu tiên trong
nền luân lý đạo đức ở đây là tình huynh đệ giữa con người với nhau và sự cảm
thông, từ bi giữa con người, được dựng nên như con cái của Allah, những người
con yêu quí nhất đối với Allah chính là những người mở rộng các thiện ích cho
các con cái của Allah. Giá trị này có thể ngăn cản thế giới khỏi bị biến hành một
tình trạng rừng rú, trong đó những con quái vật cấu xé lẫn nhau.
Về vần ĐTC, trong bài diễn văn, ngài đề cao tầm quan
trọng của đối thoại liên tôn trong việc mưu cầu hòa bình. Ngài ca ngợi hoạt động
của Ủy ban hỗn hợp đối thoại giữa Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Ủy
ban của đại học Al Azhar về đối thoại.
”3 đường hướng căn bản, nếu được liên kết chặt chẽ với
nhau, có thể giúp ho việc đối thoại, trước tiên là nghĩa vụ về căn tính, tiếp đến
là can đảm đón nhận người khác, và sau cùng là ý hướng chân thành:
Nghĩa vụ bảo vệ căn tính vì không thể xây dựng đối thoại
trên sự mơ hồ hoặc hy sinh thiện ích để làm hài lòng người khác; can đảm chấp
nhận tha nhân, vì không thể coi và đối xử như kẻ thù những người khác biệt với
mình về tôn giáo hoặc văn hóa, nhưng cần đón nhận họ như một người đồng hành,
trong xác tín chân thành, theo đó thiện ích của mỗi người hệ tại thiện ích của
tất cả; sau cùng là ý hướng chân thành, vì đối thoại không phải là một chiến lược
để thực hiện những hậu ý, nhưng là con đường sự thật, đáng được kiên nhẫn đi
theo để biến đổi sự cạnh tranh thành sự cộng tác.
ĐTC khẳng định rằng ”Giáo dục về sự cởi mở tôn trọng
và đối thoại chân thành với người khác, nhìn nhận các quyền và tự do cơ bản của
họ, nhất là về tôn giáo, chính là con đường tốt nhất để cùng nhau xây dựng
tương lai, để trở thành những người kiến tạo nền văn minh. Bởi vì giải pháp
khác với nền văn minh gặp gỡ chỉ có thể là sự thiếu văn minh vì đụng độ. Để thực
sự chống lại những hành vi man rợ của kẻ xách động oán thù và bạo lực, cần đồng
hành và làm cho các thế hệ được trưởng thành, họ đáp trả chủ trương tàn phá của
sự ác, bằng sự kiên nhẫn tăng trưởng trong sự thiện.
Cũng trong diễn văn tại Hội nghị quốc tế về hòa bình
do Viện đại học Al Azhar tổ chức, ĐTC đề cao đất nước Ai Cập như một lãnh thổ của
liên kết, của các giao ước. ”Những tôn giáo khác nhau tại đây tạo nên một hình
thức làm cho nhau được thêm phong phú để phục vụ cộng đồng quốc gia duy nhất.
Các tín những khác nhau gặp gỡ nhau và các nền văn hóa cũng vậy được giao tiếp
với nhau, nhưng không bị lẫn lộn, trái lại nhìn nhận tầm quan trọng của sự liên
kết để mưu công ích. Sự liên minh như thế ngày nay là điều cấp thiết hơn bao giờ
hết.
ĐTC cảnh giác chống lại nguy cơ ngày nay: một đàng người
ta muốn đóng khung tôn giáo trong lãnh vực riêng tư, không nhìn nhận tôn giáo
như một chiều kích cấu thành con người và xã hội, nhưng đàng khác người ta lẫn
lộn lãnh vực tôn giáo và chính trị, mà không có sự phân biệt thích hợp. Có nguy
cơ là tôn giáo bị sự quản lý thế sự thu hút và bị những quyền lực trần tục cám
dỗ bằng những lời dua nịnh, và lợi dụng tôn giáo.
ĐTC xác quyết rằng tôn giáo không phải là một vấn đề,
nhưng là thành phần của giải pháp cho vấn đề.
Và ĐTC kết luận rằng: “Trong tư cách là những vị lãnh
đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi vạch mặt bảo lực đội lốt thánh thiêng giả tạo,
dựa vào sự tuyệt đối hóa sự ích kỷ, thay vì sự cởi mở chân chính đối với Đấng
Tuyệt Đối. Chúng ta phải tố giác những vi phạm chống lại phẩm giá và các quyền
con người, đưa ra ánh sáng những toan tính biện minh mọi hình thức oán thù nhân
danh tôn giáo, và lên án chúng như một sự giả mạo Thiên Chúa. Thánh danh Ngài
là Thánh, Ngài là Thiên Chúa Hòa Bình... Cùng nhau chúng ta tuyên bố sự thánh
thiêng của mỗi sự sống con người, chống lại bất kỳ hình thức bạo lực nào về mặt
thể lý, xã hội, giáo dục hoặc tâm lý. Tín ngưỡng nào không nảy sinh từ một con
tim chân thành và từ một tình yêu chân chính đối với Thiên Chúa Từ Bi thì đó là
một hình thức theo đạo vì qui ước hoặc vì xã hội, nó không giải thoát nhưng còn
đè bẹp con người. Hễ ta càng tăng trưởng trong niềm tin nơi Thiên Chúa, thì ta
càng tăng trưởng trong tình yêu đối với tha nhân.
ĐTC không quên đề cao nghĩa vụ thăng tiến hòa bình.
Không chiều theo thứ tôn giáo hòa đồng lẫn lẫn, nghĩa vụ của chúng ta là cầu
nguyện cho nhau, cầu xin Chúa ban ơn hòa bình, gặp gỡ, đối thoại và thăng tiến
sự hòa hợp trong tinh thần cộng tác và thân hữu. Ngài lên án những chủ trương mỵ
dân và nạn buôn bán võ khí, cần ngăn chặn làn sóng tiền bạc và võ khí đổ cho những
kẻ xách động bạo lực.
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét