Một trăm năm Fatima: Jacinta dưới ngòi bút Lucia
Vũ Văn An4/25/2017
Hai thị nhân bé nhỏ của Fatima, Jacinta và
Francisco, sẽ được phong thánh vào ngày 13 tháng Năm này nhân dịp kỷ niệm 100
năm ngày Đức Mẹ hiện ra với các em lần đầu năm 1917. Thông cáo báo chí của Tòa
Thánh nhấn mạnh rằng các em được phong thánh vì đời sống đạo đức của các em chứ
không phải vì được Đức Mẹ hiện ra.
Người hiểu rõ đời sống thánh thiện ấy không ai
khác ngoài Chị Lucia, người vừa được thấy vừa được nghe và nói với Đức Mẹ tại
Fatima. Trong tập hồi ký thứ nhất viết năm 1935 trình lên giám mục Fatima hồi ấy,
Chị Lucia viết về Jacinta như sau:
Trước các
biến cố năm 1917, ngoài mối dây họ hàng luôn kết hợp chúng con, không tình âu yếm
đặc biệt nào khác đã dẫn con tới việc thích chơi với Jacinta và Francisco hơn với
các trẻ em khác. Ngược lại, đôi lúc con thấy việc chơi với Jacinta chẳng thích
thú chi, vì tính tình quá nhậy cảm của em. Chỉ cần cãi vã qua loa thường xẩy ra
với bọn trẻ chúng con lúc chơi với nhau cũng đủ để em hờn dỗi chạy vào một góc,
“cột lừa” như chúng con thường chế nhạo. Cả việc dỗ dành mơn trớn mà bọn trẻ
chúng con biết rõ cách làm trong những dịp như thế này cũng vẫn không đủ đem em
trở lại cuộc chơi; chính em phải được quyền chọn trò chơi, và cả bạn chơi nữa.
Tuy nhiên, trái tim em rất có thiên hướng tốt. Thiên Chúa ban cho em một tính
tình ngọt ngào và dịu dàng khiến em vừa đáng yêu vừa quyến rũ. Con không biết tại
sao, nhưng Jacinta và anh trai của em là Francisco có cảm tình đặc biệt với
con, và hầu như lúc nào cũng tới tìm con khi các em muốn chơi. Các em không
thích chơi với các trẻ em khác, và các em thường yêu cầu con đi với các em tới
chiếc giếng ở cuối vườn thuộc cha mẹ con.
Khi đã tới
đó, Jacinta sẽ chọn các trò chơi để chúng con chơi. Những trò chơi mà em thích
nhất thường là “chơi sỏi” và “chơi cúc”, các trò chơi chúng con thường chơi
trên phiến đá che chiếc giếng, dưới bóng một cây ôliu và hai cây mận. Chơi cúc
áo thường khiến con rất lo lắng vì khi bị gọi về dùng bữa, con thường thấy mình
thiếu cúc áo. Phần lớn là vì Jacinta thắng cuộc chơi, và điều này đủ khiến mẹ
con la mắng con. Con phải vội vàng khâu lại ngay. Nhưng làm thế nào thuyết phục
được Jacinta hoàn lại cúc áo, vì ngoài tính hay nhăn nhó, em còn một khuyết điểm
nhỏ nữa là tính ưa chiếm giữ! Em muốn giữ mọi cúc áo cho tới trò chơi kế tiếp,
để tránh khỏi phải dùng tới các cúc áo của em. Chỉ bằng cách đe dọa không bao
giờ chơi với em nữa, con mới thành công đòi lại được chúng!
Không ít lần,
con thấy con không làm được điều người bạn nhỏ của con muốn. Một trong các chị
của con làm thợ dệt và một chị khác làm thợ may, và cả hai chị hôm ấy đều ở nhà
cả ngày. Do đó, các người hàng xóm quen hỏi mẹ con xem họ có thể gửi con cái của
họ ở sân nhà mẹ con hay không, để họ ra đồng làm việc. Các trẻ em này ở lại và
chơi với con trong khi các chị con trông chừng chúng con. Mẹ con luôn sẵn sàng
làm điều này, mặc dù nó chiếm rất nhiều thì giờ của các chị con. Bởi thế, con
được trao cho việc nô đùa với các em, và trông chừng đừng để chúng rơi xuống giếng
ở trong vườn. Ba cây vả lớn che chở các em khỏi nắng mặt trời thiêu đốt. Chúng
con dùng cành của chúng làm dây đu, và sân đập lúa làm phòng ăn. Vào những ngày
như thế này, khi Jacinta với anh trai tới mời con đi với các em tới góc yên
tĩnh ưa thích, con thường nói với các em là con không thể đi, vì mẹ con đã ra lệnh
con phải ở nơi con phải ở. Lúc ấy, tuy thất vọng nhưng nhẫn nhục, hai bạn nhỏ ở
lại tham dự các trò chơi của chúng con. Lúc nghỉ trưa, mẹ con thường dạy giáo
lý cho con cái của ngài, nhất là lúc gần tới Mùa Chay, vì mẹ con nói:
“Mẹ không
muốn xấu hổ vì các con khi cha xứ hỏi các con về giáo lý của các con trong dịp
Phục Sinh”.
Do đó, mọi
trẻ em khác cũng tham dự các bài giáo lý của chúng con, và Jacinta cũng hiện diện
ở đó.
Sự nhậy cảm
của Jacinta
Một ngày
kia, một trong các trẻ em trên tố cáo một em khác nói bậy. Mẹ con trách mắng em
này rất nặng, chỉ cho em thấy người ta không nên nói bậy bạ, vì điều này có tội
và không làm vui lòng Chúa Giêsu; và những ai phạm những tội như thế mà không
xưng tội, sẽ xuống hỏa ngục. Jacinta không quên bài học này. Ngay lần sau, khi
các em tới, Jacinta hỏi:
“Hôm nay, mẹ
chị có cho chị đi không?"
“Không”.
“Vậy em và
anh Francisco sẽ tới sân nhà chúng em vậy”
“Nhưng sao
bọn em không ở lại đây?”
“Mẹ em
không muốn bọn em ở lại khi các trẻ kia có mặt ở đây. Mẹ em bảo chúng em đi và
chơi ở sân nhà chúng em. Mẹ em không muốn em học những điều xấu xa ấy, vì chúng
vốn là tội và Chúa Giêsu không thích thế”.
Rồi em nói
nhỏ vào tai con:
“Nếu mẹ chị
cho phép, chị có tới nhà em không?
“Có”
“Vậy chị đi
xin phép mẹ chị đi”
Rồi dắt tay
anh trai, em trở về nhà.
Nói đến các
trò chơi ưa thích của Jacinta, một trong các trò này là “bị phạt”. Như Đức Cha
có lẽ biết rõ, người thua phải làm bất cứ điều gì người thắng sai khiến.
Jacinta ưa bắt người thua đi đuổi theo các con bướm, bắt một con đem về cho em.
Những lúc khác, em đòi một bông hoa tự em chọn. Một ngày kia, chúng con chơi
trò “bị phạt” tại nhà con, và con thắng, nên lần này, con là người ra lệnh cho
Jacinta phải làm gì. Anh trai con lúc ấy đang ngồi viết ở bàn. Con nói với
Jacinta tới ôm và hôn anh ấy, nhưng Jacinta phản đối:
“Việc ấy,
thì không! Chị nói em làm việc khác đi. Tại sao chị không nói em đi hôn Chúa ở
đàng kia?”
Ở phía ấy
có tượng chịu nạn treo trên tường.
Con đáp:
“Được, em đứng lên chiếc ghế, lấy tượng chịu nạn xuống đây, qùy gối, ôm ba lần
và hôn ba cái: một cho Francisco, một cho chị và một cho em”.
“Với Chúa
thì được. Em sẽ làm bao nhiêu theo yêu cầu của chị” Và em chạy đi lấy tượng chịu
nạn. Em hôn và ôm tượng với một lòng sùng kính con không bao giờ quên được. Rồi,
chăm chú nhìn vào khuôn hình Chúa, em hỏi:
“Tại sao
Chúa bị đóng đinh vào thập giá như thế này?”
“Vì Người
chịu chết cho chúng ta”
Em nói;
“Xin chị cho em hay chuyện ấy xẩy ra thế nào ?”
Jacinta rất
yêu mến Chúa Cứu Thế chịu Đóng Đinh
Vào các buổi
tối, mẹ con thường kể truyện cho chúng con. Cha con và các chị con cũng kể nhiều
câu truyện hay về ảo thuật thần thông, về các cô công chúa trong vàng bạc nhung
lụa và các sứ giả hoàng gia. Tiếp theo là mẹ con với những câu truyện về Khổ Nạn,
Thánh Gioan Tẩy Giả, v.v… Nhờ đó mà con biết truyện Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Và
vì chỉ cần nghe một lần, con có thể kể lại đầu đuôi câu truyện, nên con bắt đầu
thuật cho các bạn của con nghe trọn điều con vẫn gọi là Truyện về Chúa của
chúng ta. Giữa lúc ấy, chị con đi ngang qua, thấy chúng con cầm tượng chịu nạn
trong tay. Chị bèn lấy tượng khỏi tay chúng con và trách mắng chúng con, nói rằng
chị không muốn chúng con rờ vào những đồ linh thiêng như thế này. Jacinta bèn đứng
dậy và đối chất với chị con, em nói:
“Thưa chị Maria,
chị đừng la chị ấy! Em làm đó. Nhưng em sẽ không làm thế nữa”.
Chị con mơn trớn
em, và bảo chúng con ra ngoài chơi vì chúng con không để vật gì trong nhà vào
chỗ đúng của chúng. Thế là chúng con chạy ra ngoài tiếp tục câu truyện của
chúng con bên cạnh chiếc giếng mà con đã nhắc đến ở trên. Vì chiếc giếng này ẩn
phía sau một số cây dẻ và một đống đá và bụi gai, nên mấy năm sau, chúng con chọn
chỗ này để nói những chuyện có tính thân mật hơn của chúng con, để cầu nguyện sốt
sắng, và để kể lại cho Đức Cha mọi sự, kể cả nước mắt của chúng con, và đôi khi
những dòng nước mắt này rất cay đắng. Chúng con hòa nước mắt vào nước của chiếc
giếng để uống. Điều này há không làm cho chiếc giếng trở thành hình ảnh của Đức
Mẹ mà trong trái tim ngài, chúng con trút nước mắt của chúng con vào và uống cạn
niềm an ủi tinh ròng nhất đó sao?
Nhưng, ta hãy trở
lại với câu truyện của chúng con. Khi Jacinta nghe con thuật lại các thống khổ
của Chúa chúng ta, em cảm động chẩy nước mắt. Từ đó trở đi, em thường yêu cầu
con kể lại cho em cùng câu truyện ấy. Em thường khóc và buồn rầu, nói rằng:
“Chúa chúng ta thật
đáng thương! Em sẽ không bao giờ phạm tội nữa! Em không muốn Chúa chúng ta chịu
đau khổ thêm nữa!”.
Tính nhậy cảm
tinh tế của Jacinta
Jacinta cũng
thích ra ngoài giữa đêm khuya, tới sân đạp lúa cạnh nhà; ở đấy, em ngắm các buổi
hoàng hôn đẹp đẽ, và chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao. Em mê mẩn với màn đêm yêu
kiều dưới ánh trăng. Chúng con thi đua nhau xem ai đếm được nhiều vì sao nhất.
Chúng con gọi các vì sao là đèn thiên thần, gọi mặt trăng là đèn Đức Mẹ và mặt
trời là đèn của Chúa. Việc này khiến Jacinta một ngày kia nhận xét rằng:
“Chị biết không, em
thích đèn Đức Mẹ hơn; nó không đốt chúng ta mà cũng không làm mù chúng ta, cách
của Chúa thì có”.
Thực thế, mặt trời,
vào những ngày mùa hè, có thể rất gay gắt, và Jacinta, một em bé yếu ớt, rất
hay khổ vì sức nóng.
Jacinta quan sát
và học hỏi
Vì chị con thuộc
Liên Minh Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên mỗi lần tới dịp các trẻ em rước lễ long trọng,
chị đều dẫn con đi theo để con tham dự. Một dịp kia, dì con cũng đem con gái nhỏ
của dì đi dự và Jacinta được dịp thích thú thấy “các thiên thần” tung hoa. Từ
hôm đó trở đi, thỉnh thoảng em lại rời đám bọn con giữa lúc đang chơi, và chạy
đi lượm hoa đầy cả chiếc tạp-dề (apron). Rồi em trở lại và tung hoa lên người
con, từng bông một.
“Jacinta, tại sao
em lại làm chuyện này ở trên đời vậy?”
“Em làm điều các
thiên thần nhỏ làm mà: em tung hoa chị”
Mỗi năm, vào ngày
lễ lớn, như Lễ Mình Thánh Chúa, chị con đều chuẩn bị quần áo cho các trẻ em được
chọn làm thiên thần trong cuộc rước kiệu. Các em bước bên cạnh chiếc lọng, vừa
đi vừa tung hoa. Con luôn ở trong số các trẻ em được chọn, và một ngày kia, sau
khi chị con đã thử áo kiệu cho con, con kể cho Jacinta nghe mọi điều về ngày lễ
sắp đến, và cách con sẽ tung hoa như thế nào trước Chúa Giêsu. Jacinta khẩn khoản
xin con nói với chị con để em cùng được đi. Hai chúng con cùng đi xin. Chị con
đồng ý để hai đứa con cùng đi và thử áo cho Jacinta. Khi thực tập, chị giải
thích cách chúng con sẽ tung hoa trước Chúa Hài Đồng Giêsu.
Jacinta lúc ấy hỏi:
“Chúng em có được thấy Người không?”
Chị con trả lời:
“Có, cha xứ sẽ kiệu Người”.
Jacinta nhẩy mừng,
và luôn miệng hỏi chúng con còn phải đợi bao lâu nữa mới đến ngày lễ. Rồi ngày
mong đợi ấy cũng đến và Jacinta hết sức phấn chấn. Hai đứa chúng con lấy chỗ ngồi
gần bàn thờ. Sau đó, lúc rước kiệu, chúng con đi bên cạnh chiếc lọng, mỗi đứa
chúng con có một giỏ hoa. Mỗi lần chị con bảo chúng con tung hoa, con đều tung
hoa lên trước Chúa Giêsu, nhưng bất chấp các dấu hiệu con tỏ với Jacinta, con đều
không thấy em tung một bông hoa nào. Em cứ dán mắt vào cha xứ, cứ thế thôi. Khi
buổi lễ đã kết thúc, chị con đưa chúng con ra ngoài nhà thờ và hỏi:
“Jacinta, tại sao
em không tung hoa lên Chúa Giêsu?”
“Vì em không thấy
Người”.
Rồi Jacinta hỏi
con:
“Nhưng chị có thấy
Chúa Giêsu Hài Đồng không?”
“Dĩ nhiên không.
Há em không biết rằng ta không thể thấy Chúa Giêsu Hài Đồng trong Mình Thánh đó
sao? Người ẩn mình! Người là Đấng ta tiếp nhận khi chịu lễ!”
“Thế lúc chị chịu
lễ, chị có nói chuyện với Người không?”
“Có, chị có nói với
Người”.
“Nếu thế, tại sao
chị lại không thấy Người?”
“Vì Người ẩn
mình!”
“Em cũng sẽ xin mẹ
em để em đi chịu lễ”
“Cha xứ không cho
em chịu lễ cho tới lúc em 10 tuổi”
“Nhưng chị chưa
10 tuổi mà đã chịu lễ đó!”
“Vì chị biết giáo
lý hoàn toàn, còn em thì chưa”.
Sau lần đó, hai
người em họ của con yêu cầu con dạy giáo lý cho họ. Thành thử, con trở thành
giáo lý viên của hai em, và các em học rất phấn khởi. Nhưng dù con luôn trả lời
các câu hỏi đặt ra cho con, khi phải dạy học, con chỉ nhớ lõm bõm đây đó một số
điều. Việc này khiến Jacinta, một ngày kia, nói với con:
“Chị hãy dạy bọn
em một số điều khác đi, những điều này, bọn em biết cả rồi”.
Con phải thú nhận
rằng con chỉ nhớ các điều khi có người hỏi về chúng mà thôi, nên con nói:
“Các em hãy xin mẹ
các em cho các em tới nhà thờ học giáo lý đi”.
Hai trẻ nhỏ, vì rất
muốn được rước “Chúa Giêsu ẩn mình” như các em vốn gọi Người, nên đã tới xin mẹ
các em, và dì con chấp thuận. Nhưng ít khi dì để các em tới đó, dì bảo:
“Nhà thờ cách đây
khá xa mà các con thì quá nhỏ. Dù sao, cha xứ cũng không cho các con chịu lễ
trước khi các con lên mười”.
Jacinta không bao
giờ ngưng hỏi con nhiều câu hỏi liên quan tới Chúa Giêsu Ẩn Mình, và con nhớ, một
ngày kia, em hỏi con:
“Làm thế nào quá
nhiều người như thế lãnh nhận Chúa Giêsu bé nhỏ ẩn mình cùng một lúc được? Vì
chỉ một mẩu nhỏ cho mỗi người”.
“Không phải thế!
Há em không thấy có rất nhiều Mình Thánh và Chúa Giêsu Hài Đồng ở trong mỗi
Mình Thánh đó hay sao?”
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét