29/04/2017
Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh
Thánh Catarina Sienna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ
* Thánh nữ sinh năm 1347 tại Xiêna. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn
thiện, khát khao chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và phục vụ Hội Thánh
bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng
Ba Đaminh. Thấm nhuần tinh thần của thánh Đaminh, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Italia, can đảm bênh
vực quyền lợi và sự tự do của Đức Giáo
Hoàng và canh tân đời sống đạo đức. Chị là tác giả của nhiều tác
phẩm đạo lý và tu đức. Chị qua đời năm
1380. Ngày 18 tháng 06 năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Italia. Và ngày 04 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong cho chị là tiến sĩ Hội
Thánh.
Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7
"Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp
kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt
các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo:
"Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ.
Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy
Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ
chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa". Cả đoàn thể đều tán thành lời
các ngài và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn
Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị
đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó. Lời
Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông
tư tế vâng phục đức tin.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2.
4-5. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ
bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, ca ngợi là việc của những
kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng
ca mừng Chúa. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy
trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ
trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.
Alleluia: Ga 19, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây
giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 16-21
"Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên
kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ.
Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm
hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền,
họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: "Chính Thầy đây, đừng sợ". Họ định
rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Ði Trên
Biển
Biến cố Chúa đi trên biển cũng được mô tả trong Phúc Âm Nhất Lãm (Mt 14
và Mc 6), nhưng tường thuật của Gioan xem ra nhấn mạnh những chi tiết khác,
ngài muốn làm nổi bật một ý nghĩa khác. Thánh sử Gioan không nói đến việc Chúa
đến để trợ giúp cho các Tông Ðồ đang lúc gặp khó khăn, cũng không nói gì về việc
làm cho sóng gió im lặng. Thay vì nhắc chi tiết làm sóng gió im lặng, ngài nhắc
đến việc chiếc thuyền đến bờ bình an. Nhưng khi nhắc đến chi tiết này, tác giả
xem ra cũng không chú ý nhiều đến nó, mà chỉ chú ý đến chi tiết qui về Chúa
Giêsu nhiều hơn.
Tác giả muốn cho chúng ta nhìn thấy một Chúa Giêsu Kitô đầy quyền năng,
không tùy thuộc vào những giới hạn thiên nhiên áp đặt. Chúa Giêsu đi trên mặt
nước không bị chìm, không bị nguy hiểm bởi sóng to gió lớn trên mặt biển. Lúc
đó, quyền năng Chúa Giêsu được diễn tả bằng lời xác nhận của Ngài: "Thầy
đây đừng sợ". Trong Phúc Âm Gioan thì nói: "Ta đây". Ðó là cách
nói diễn tả thực thể Thiên Chúa, nhắc đến Giavê Thiên Chúa mạc khải chính mình
cho Môisê như là Ðấng "Ta là: Ego sum qui sum". Chúa Giêsu đi trên mặt
biển đến với các Tông Ðồ để mạc khải cho các ông nhận ra Ngài là thực thể Thiên
Chúa, là Ðấng "Ta là". Như thế, sau phép lạ Chúa làm cho năm chiếc
bánh và hai con cá hoá nhiều để nuôi sống 5,000 người, thì biến cố đi trên mặt
biển giữa sóng gió được mạc khải rõ hơn về thực thể Thiên Chúa quyền năng
"Ta là".
Ðáp lại, thái độ của dân chúng nhìn thấy Chúa chỉ như một tiên tri, một
con người phi thường và muốn tôn Chúa lên làm vua. Họ hiểu sai thực thể Chúa là
ai. Trong biến cố Chúa đi trên mặt nước chứng tỏ cho các môn đệ nhìn thấy thực
thể đúng thật của Ngài, Ngài là Thiên Chúa, là Ðấng "Ta là".
Như thế, qua lời nói trấn an các tông đồ "Thầy đây đừng sợ", mạc
khải này chuẩn bị thêm cho việc Chúa Giêsu giảng dạy về Bánh Hằng Sống nơi hội
đường Caphanaum, Bánh ấy chính là Ngài. Hơn nữa, trong hội đường khi rao giảng
về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu được tường thuật năm lần khi dùng đến lời quả quyết
"Ta là" để diễn tả thực thể Ngài là Thiên Chúa: "Ta là Bánh Hằng
Sống". Như thế phần nào chúng ta thấy lý do tại sao Phúc Âm Gioan nhắc đến
dấu lạ này sau phép lạ bánh và cá hoá nhiều và liền trước bài giảng về Bánh Hằng
Sống.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi hiện diện giữa loài người, Như thế,
có thể kết luận rằng nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa để có thể tin nhận mạc khải
của Chúa về Bí Tích Thánh Thể, về Bánh Hằng Sống. Hai việc này luôn đi đôi với
nhau: tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thì sẽ tin nhận bí tích Thánh Thể. Ngược
lại, nếu không tin Chúa Gêsu Kitô là Thiên Chúa thì cũng không thể tin vào
Thánh Thể, và nếu không tin vào Thánh Thể thì cũng không tin vững mạnh vào Chúa
Giêsu là Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy những dấu lạ Chúa vẫn thực hiện
hôm nay và tin nhận Chúa là Thiên Chúa, từ đó tin nhận những gì Chúa mạc khải
cho chúng con để cứu rỗi chúng con. Xin cho chúng con được luôn tín thác vào
Chúa, nhất là khi gặp những nghịch cảnh thử thách. Chúa hiện diện trong Thánh
Thể để đến với chúng con và trấn an chúng con "Thầy đây đừng sợ", xin
cho chúng con biết đến với Chúa trong Thánh Thể để nghe Chúa nói "Thầy đây
đừng sợ". Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần II PS
Bài đọc: Acts 6:1-7; Jn 6:16-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để giải
quyết các khó khăn trong cuộc đời?
Khó khăn và xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; nói cách khác,
hễ có sống chung, là có đụng nhau. Làm thế nào để giải quyết khi phải đương đầu
với những khó khăn hay xung đột? Người khó khăn nóng tính sẽ la hét, chửi rủa,
làm cho ra lẽ; rồi sau đó muốn ra sao thì ra. Người thâm trầm ít nói sẽ lặng lẽ
rút lui, và chép miệng thở dài: thôi thì đường ai nấy đi cho đẹp cả đôi bên.
Nhưng cả hai cách giải quyết đều không đẹp ý Chúa và giúp ích cho tha nhân; vả
lại, có đi đâu chăng nữa, con người vẫn phải đương đầu với vấn đề “chung đụng.”
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta giải quyết vấn đề cách đẹp lòng Chúa và
giúp ích cho tha nhân. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật các khó khăn của
cộng đồng các tín hữu sơ khai, họ cũng phải đương đầu với thiên vị và ghen tị
giữa các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp và các tín hữu Do-thái bản xứ.
Thay vì trốn tránh vấn đề, hay tìm cách ly khai, các Tông-đồ chọn thêm bảy
Phó-tế để giúp các ngài lo cho các bà góa Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Mọi người
đều vui vẻ với giải quyết khôn ngoan này. Trong Phúc Âm, khi phải đương đầu với
phong ba bão tố, các Tông-đồ hỏang sợ, và càng sợ hãi hơn khi thấy một bóng người
lướt trên nước tới thuyền của họ, vì các ông tưởng là ma; nhưng Chúa Giêsu lên
tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
1.1/
Vấn đề thiên vị và ghen tị xảy ra trong cộng đòan: “Thời đó, khi số môn đệ thêm
đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu
Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong
nhóm họ bị bỏ quên.”
(1) Nhận định vấn đề: Thói quen của con người là bảo vệ những người thân
quen mình trước, rồi mới đến những người xa hơn. Vấn nạn trên xảy ra giữa những
người Do-thái, nhưng theo những văn hóa khác nhau: các bà góa người bản xứ được
cung cấp lương thực đầy đủ hơn những bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Nếu không biết
cách giải quyết vấn đề, tình trạng thiên vị và ghen tị sẽ ngày càng trầm trọng
hơn, sẽ đưa đến việc tách rời giữa hai nhóm, sẽ gây thiệt hại cho sự đòan kết,
và sẽ làm gương mù cho các tín hữu khác.
(2) Cách giải quyết: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ
và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống,
là điều không phải. Hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần
Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.”
Một người không thể làm hết, và cũng không tốt để làm hết, vì sẽ không
mang lại kết quả tốt đẹp bằng nhiều người cộng tác. Hơn nữa, việc mở mang Nước
Chúa là bổn phận của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là bổn phận của giới
lãnh đạo mà thôi. Các Tông-đồ biết sắp xếp các thứ tự ưu tiên: việc rao giảng
Tin Mừng là bổn phận hàng đầu không thể xao lãng. Để có người lo cho các nhu cầu
của cộng đoàn, cần tuyển thêm các Phó-tế có những đức độ cần thiết. Các Tông-đồ
để cho các tín hữu tham gia vào việc tìm kiếm các ứng viên; sau đó các ngài sẽ
chuẩn y bằng việc đặt tay, và hướng dẫn họ trong việc phục vụ cộng đoàn.
1.2/
Phẩm trật Hội Thánh dần dần được hình thành: “Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông
Stephanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philíp,
Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và ông Nicolaus, một người ngoại quê
Antioch đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu
nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.” Đây là 7 Phó-tế đầu tiên của Hội
Thánh. Phó-tế Stephanô là thánh tử đạo đầu tiên làm chứng cho Chúa Giêsu trong
trình thuật mà chúng ta sẽ được nghe ít ngày nữa.
Số các tín hữu càng đông, phẩm trật của Hội Thánh càng phải được nới rộng
để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và của các tín hữu. Dưới sự hướng dẫn của các
Tông-đồ và hoạt động của Chúa Thánh Thần, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại
Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các
tư tế đón nhận đức tin.”
2/ Phúc Âm: Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với
các khó khăn trong cuộc sống.
Khó khăn trong cuộc sống không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và
làm cho con người trưởng thành. Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để
thử thách đức tin hay do tha nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật
trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến trường hợp thứ nhất.
2.1/
Biển động làm các ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn
tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia
trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu
có thể quan sát rõ ràng thuyền của các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các
bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh
đênh trên biển cả trong hành trình tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao
sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải
đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài
chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động hôm nay.
Từ Tiberias, nơi các Tông đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các
ông muốn tới không xa lắm; nhưng đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo
được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và
đang tới gần thuyền. Điều này làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các
ông chưa từng được chứng kiến một con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm
được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ các ông tăng gấp đôi.
2.2/
Chúa Giêsu trấn an các ông: "Thầy đây! Đừng sợ!" Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng
ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. Nhiều lần trong cuộc đời
công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự với các môn đệ: Khi
hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với các ông: “Đừng sợ!” (Mt
28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các ông: “Thầy để lại bình an
cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không
theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27).
Hay khi chọn Phêrô để xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con
là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa
khóa Nước Trời và quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18). Một
khi sống trong sự bảo vệ của Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi phải đương đầu với khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi
rủa và từ chối rút lui đều phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ
giúp tinh thần của Chúa và sự tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề
cách khôn ngoan và bác ái.
- Tất cả các tín hữu đều có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước
Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân
Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy khả năng và hoàn cảnh của họ.
- Khi những khó khăn xảy đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm
cách đối phó.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT Ga 6,16-21
THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!
Các ông thấy Đức
Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. (Ga 6,16)
Suy niệm: Thử đặt mình vào vị trí của các tông đồ: tiếc nuối bỏ lại sau lưng ảo
tưởng hào quang từ phép lạ hoá bánh ra nhiều, âu lo chèo chống trên Biển Hồ
Ga-li-lê trong đêm tối đầy sóng gió. Giữa tình cảnh chơi vơi đó, Chúa Giê-su
bỗng xuất hiện như một bóng ma. Sẽ không dễ chút nào để nhận ra người đang đi
trên mặt biển lại là người vừa làm phép lạ. Vừa gặp
sóng to gió mạnh, vừa thấy có bóng người lướt đi trên sóng đến với mình, làm
sao mà không hoảng sợ? Thế nhưng, Chúa lên tiếng: “Thầy đây, đừng sợ!” Và
rồi Chúa lên thuyền. Các tông đồ liền bình an cập bến. Lời Chúa dẹp yên sóng
gió, xua tan nỗi sợ. Sự hiện diện của Chúa khiến cơn khủng hoảng bỗng trở thành
thoáng qua như một giấc mộng.
Mời Bạn: Lắm khi bạn cũng phải
chèo chống cuộc đời giữa cơn khủng hoảng như thế: vật giá leo thang, thất
nghiệp, bệnh tật, con cái hư hỏng, v.v... Bạn không kịp
tỉnh táo nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Và bạn lo âu, sợ
hãi. Lời Chúa hôm nay nhắc bạn nhớ rằng cuộc đời bạn dù có chao đảo đến đâu đi
nữa thì Chúa vẫn hiện diện bên bạn. Bạn hãy rước Người vào “thuyền” của bạn.
Lúc đó bạn thật có phúc, vì giống như các môn đệ biết người đi trên mặt nước là
Chúa của mình.
Sống Lời Chúa: Dù rất bận rộn bạn nhớ dành ít phút cầu nguyện sốt sắng để cảm nghiệm Chúa đang ở với bạn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống
lắm lúc làm cho con mệt mỏi, sợ hãi và quên Chúa luôn hiện diện và nói với con
“Thầy đây, đừng sợ!” Xin cho con biết nhận ra Chúa trong từng khoảnh khắc của
cuộc đời và cho con gặp được Chúa đang đồng hành với con. Amen.
(5 phút lời Chúa )
Chính Thầy đây (29.4.2017 – Thứ bảy Tuần 2 Phục sinh)
Thật ra Chúa chẳng bỏ chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình. Phải tập quen dần với những cách xuất hiện mới mẻ của Chúa để nhận ra Ngài vẫn có mặt trong thế giới hôm nay.
Suy niệm:
Vào thời Đức Giêsu, người
ta chờ Thiên Chúa sai đến một vị vua.
Vị Vua này chính là một
Đấng Mêsia hùng mạnh, toàn thắng,
Đấng sẽ giải phóng dân
khỏi ách nô lệ của người Rôma.
Sau khi Đức Giêsu cho dân
chúng được ăn no nê một cách kỳ diệu,
họ nghĩ ngay Ngài chính
là người họ mong đợi từ lâu.
Họ toan bắt Ngài để tôn
làm vua,
làm người đứng lên lãnh
đạo phong trào cách mạng (Ga 6, 15).
Nhưng Đức Giêsu đã chối
từ sự mong mỏi của dân chúng.
Ngài trốn lên núi một
mình.
Đức Giêsu biết mình không
phải là một Mêsia đầy quyền lực,
để giải phóng dân Israel
khỏi ách của người Rôma.
Nhưng Ngài sẽ là một
Mêsia như người Tôi Trung đau khổ,
chịu chết ô nhục và sống
lại để giải phóng nhân loại khỏi ách tội lỗi.
Dân chúng hẳn đã bị hụt
hẫng khi thấy Đức Giêsu trốn đi.
Các môn đệ chắc đã tiếc
ngẩn tiếc ngơ,
vì Thầy bỏ qua cơ hội
ngàn năm một thuở để tỏ mình cho dân Israel,
và chính họ cũng mất đi
một cơ hội để tiến thân.
Tin Mừng của thánh Gioan
không nói cho ta biết tại sao sau đó
các môn đệ lại chèo
thuyền qua Caphácnaum, ở bờ bên kia (c. 16).
Nhưng theo Tin Mừng
Marcô, Đức Giêsu đã bắt buộc họ (Mc 6, 45).
Ngài rõ ràng không muốn
họ dính dáng vào chuyện chính trị này.
Bị Thầy bắt qua lại bờ
bên kia khi chiều đã sụp tối,
trong khi dân chúng và
Thầy còn ở bờ bên này,
điều ấy chẳng dễ chịu
chút nào cho các môn đệ.
Họ muốn ở lại hưởng chút
dư vị của thành công vang dội vừa rồi.
Dù sao các môn đệ đã biết
vâng phục.
Chuyến đi qua biển hồ
cũng không suôn sẻ gì.
Họ phải chiến đấu với
trận cuồng phong bất ngờ gây biển động.
Con thuyền bé nhỏ lênh
đênh giữa sóng gió gào thét.
Cả nhóm gặp nguy hiểm mà
không có Thầy trong thuyền.
Họ đã cố chèo được chừng
năm, sáu cây số.
Có thể họ tự hỏi: tại sao
Thầy lại vội sai mình ra khơi giữa đêm đen?
Cuối cùng Thầy Giêsu cũng
đến với họ như họ mong ước.
Nhưng Thầy không đến trên
một chiếc thuyền như họ nghĩ.
Thầy đi trên mặt biển mà
đến gần thuyền các ông (c. 19).
Cách đến của Thầy thật
khác thường khiến họ hoảng sợ.
Có thể họ chưa nhận ra
khuôn mặt của Thầy vì trời tối.
“Thầy đây mà, đừng sợ!”,
Đức Giêsu vội vã trấn an.
Giáo Hội hôm nay cũng có
kinh nghiệm như nhóm môn đệ ngày xưa,
vất vả một mình chống
chọi với sóng gió, khi không có Thầy ở bên.
Nhưng khi Chúa đến, chúng
ta lại hoảng sợ, không nhận ra Ngài.
Thật ra Chúa chẳng bỏ
chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình.
Phải tập quen dần với
những cách xuất hiện mới mẻ của Chúa
để nhận ra Ngài vẫn có
mặt trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình
thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần
nữa,
bằng cách thực thi lời hy
vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất
trong anh em
là làm cho chính Ta”
(Chân phước Têrêxa
Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG TƯ
Mối Quan Tâm Từ Phụ
Của Thiên Chúa
Người Mục Tử Tốt Lành
là hình ảnh diễn tả độc đáo nhất về sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, về mối
quan tâm từ phụ của Ngài đối với con người. Do lòng từ bi của Ngài, Chúa Cha
quyết định rằng Chúa Con phải đến để dẫn dắt đàn chiên của Ngài đến sự sống sung
mãn – một sự sống phong nhiêu như dòng suối mát hay đồng cỏ xanh. Ngôi Lời đã hủy
mình ra không và đã cứu độ chúng ta, làm cho chúng ta nên giống như Ngài đến nỗi
mọi Kitôhữu đều có thể nói như Thánh Phao-lô: “Giờ đây không còn phải là tôi sống
nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Tuy nhiên, chúng ta đừng
quên rằng sự hiện diện đầy khích lệ của Đấng Cứu Chuộc không hề miễn cho chúng
ta khỏi gánh vác thập giá. Sự hiện diện ấy là một ơn an ủi giúp ta kết hiệp với
Thiên Chúa, giúp ta sống và chịu đau khổ theo thánh ý Thiên Chúa và vì ích lợi
của anh chị em chúng ta.
Như vậy, chúng ta thấy
rằng Đức Kitô đã triển khai một sứ mạng có tính quan phòng để phục vụ cho những
người mà Chúa Cha đã trao cho Người. Người là Mục Tử Tốt Lành.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 29 – 4
Thánh Catarina
Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Cv 6, 1-7; Ga 6,
16-21.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy đây đừng
sợ”
Sau khi Chúa đã làm
phép lạ hóa bánh ra nhiều để đám đông được no nê, Chúa lánh mặt, đi lên núi một
mình. Còn các môn đệ thì lên thuyền qua bên kia Biển Hồ. Đêm tối, Biển Động đã
làm cho các ông không nhận ra Chúa Giêsu đang đi trên mặt nước đến với các ông,
các ông đã đâm ra sợ, trước tình cảnh đó Chúa liền trấn an: “Thầy đây đừng sợ”
Lạy Chúa Giêsu. Trong
đời sống đức tin của chúng con có những hoàn cảnh đã đưa đẩy chúng con vào những
“Đêm tối”. Xin Chúa đến với chúng con, để đánh thức và trấn an chúng chúng con:
“Thầy đây đừng sợ.”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 29-04
Thánh CATARINA
THÀNH SIENA
Đồng Trinh, Tiến Sĩ
Hội Thánh (1347 - 1380)
Cartarina sinh 1347 tại
Siêna, là con út của một gia đình dông đảo, cha Ngài, ông Giacômô là một thợ
nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả năng và
giàu nghị lực của gia đình sống động này.
Cartarina đã trải qua
tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các anh chị. Nhưng
với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà Lapa rất bực
mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã cưỡng lại sự
hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống đối cả những
đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ tu.
Ngay hồi 7 tuổi,
Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu duy nhất của
mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi cha mẹ Ngài đã
hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác, sau nhiều thử
thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân phục trong những
việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.
Năm 16 tuổi, Cartarina
được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc áo đen trắng của
dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh nhân chỉ rời phòng
riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải tội của Ngài
thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm thấy thiếu
khả năng để hứơng dẫn Cartarina.
Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: - Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ?
Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: - Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ?
Chúa trả lời : - Cha vẫn
phải với con.
- Sao, Chúa ở giữa những
tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?
- Nhưng những thử
thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?
- Ôi, con kinh sợ và
đau buồn quá mức ?
- Đó, các tư tưởng ấy
đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính cha ngự trong lòng
con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.
Chúa Giêsu đã thưởng
công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng thăm này.
Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị kiến, Đức
trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng
và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.
Sau biến cố đặc biệt
này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp
đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho một người cùi
và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn vết thương
tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng nhiệt tình
lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải sau lời
khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.
Được ơn thấu suốt các
tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người đông đảo cầu thuộc
đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống khổ hạnh của
Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường thiêng liêng, bởi
nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên Ngài là "Trường
phái thần bí".
Với ảnh hưởng lớn lao ấy,
thánh Cartarina được mệnh danh là "Thiên thần hòa giải" bởi những mối
thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của Ngài. Ngài nói : -
Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy diệt đối với người
nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ mình còn hơn là
ghét bỏ thù nghịch nữa.
Trước uy tín dặc biệt
này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho dân chúng. Ngài dạy
ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một người con gái bình
thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và một nhà triết học.
Trở về phòng riêng,
thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ các tâm hồn.
Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ vâng phục
Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất được giao
phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về những đề
tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử, mang lại
an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài là Thiên
thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi dậy chống
lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.
Tháng 5 năm 1376, Ngài
sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của Ngài thổi vào sự
can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở Florence bùng nổ,
người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân thủ lãnh những người
nổi loạn và nói: - Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó đây, nhưng xin đừng hại
những người này.
Cảm kích vì lòng gan dạ
của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.
Đức giáo hoàng
Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng Gregoriô
qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: "Đối thoại về
Chúa quan phòng". Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô VI. Trong
những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Au châu vâng phục Đức giáo
hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn lao
trong các tác phẩm thiêng liêng.
Giữa các hoạt động rực
rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh. Chúng ta biết rằng:
từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm dấu thánh. Dấu chỉ lộ
rõ sau khi Ngài qua đời.
Một chiều tháng giêng
năm1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết cho đức giáo
hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn hấp hối nhiệm
màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần thứ hai khi
đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào ngày 29
tháng 4 năm 1380.
Ngài được mai táng dưới
chân bàn thờ dòng Đaminh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu Ngài sau này được
dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.
Ngày 04 tháng 10 năm
1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
29 Tháng Tư
Chúc Lành Của Người Cha
Ðức Hồng Y Cardjin,
vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: "Tôi là
con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ
cha tôi". Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng
những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi
tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống
nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn
mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi:
"Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?". Cha tôi trả lời: "Con
ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã
mòn".
Tôi lấy hết can đảm
để thuyết phục cha tôi: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn tở
thành linh mục".
Bình thường cha tôi
là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý
định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má... Và đôi tay của mẹ
tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối cùng, khi làm
chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: "Ba má
đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ
tiếp tục hy sinh".
Mà quảthực, cha mẹ
tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn
trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn
tin cha tôi đau nặng.
Trên giường hấp hối,
cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người
cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.
Sau khi vuốt mắt
người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới
công nhân.
Thiên Chúa muốn gọi ai
tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh
sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ
làm việc... Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không
thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có những nơi hạt
giống ấy bị bóp nghẹt...
Thiên Chúa muốn gọi ai
tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những
người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống
ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng...
Chúng ta hãy cầu nguyện
cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày
hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học,
công sở... mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn
gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.
Thánh Gioan Bosco đã
nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó
là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho
các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những
ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét