Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Tưởng Niệm các vị tử đạo thời hiện đại

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Tưởng Niệm các vị tử đạo thời hiện đại
J.B. Đặng Minh An dịch4/23/2017

Chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa tưởng niệm những vị tử đạo của thế kỷ 20 và 21.
Buổi lễ diễn ra tại nhà thờ Thánh Bácthôlômêô cùng với các thành viên của cộng đoàn Thánh Egidio, là những người chăm sóc ngôi đền thờ này để tưởng niệm những vị tử đạo hiện đại.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:




Như những người hành hương, chúng ta đã đến đền thờ Thánh Bácthôlômê trên cù lao của đảo Tiber này, nơi lịch sử tử đạo cổ kính kết hiệp với ký ức về những vị tử đạo mới, là những Kitô hữu bị giết bởi những ý thức hệ điên rồ trong thế kỷ vừa qua, và họ bị giết chết chỉ vì họ là môn đệ của Chúa Giêsu.

Ký ức của các chứng nhân anh hùng, xưa và nay này củng cố chúng ta trong nhận thức rằng Giáo Hội là một Giáo Hội của các vị tử đạo. Và những vị tử vì đạo là những người, như Sách Khải Huyền nhắc nhở chúng ta, “Những người đã vượt lên trên những cơn hoạn nạn. Họ đã rửa sạch áo và làm cho áo họ trắng như tuyết trong máu của Chiên Con.” Họ được ân sủng để tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến phút cuối cùng, cho đến chết. Họ đau khổ, họ đã hy sinh mạng sống của họ, và chúng ta nhận được ơn phúc của Thiên Chúa vì chứng tá của họ. Và cũng có nhiều vị tử đạo vô danh, là những người nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình yêu, với tiếng nói của Chúa Thánh Thần, những người trong cuộc sống hàng ngày tìm cách giúp anh chị em của mình và yêu mến Thiên Chúa không giữ lại điều gì cho riêng mình.

Quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy rằng nguyên nhân của mọi cuộc bách hại là sự hận thù của ma quỷ thế gian đối với những người đã được cứu chuộc bởi Chúa Giêsu qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (xem Ga 15: 12-19), Chúa Giêsu sử dụng một từ mạnh mẽ và đáng sợ: là từ “oán ghét”. Chúa Giêsu, Đấng là bậc thầy của đức ái, Đấng rất hào hứng khi nói về tình yêu, đã phải nói về hận thù vì Ngài luôn nói thẳng bản chất vấn đề. Và Người nói với chúng ta, “Đừng sợ! Nếu thế gian oán ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã oán ghét Thầy trước.”

Chúa Giêsu đã chọn chúng ta và cứu chuộc chúng ta như một ân huệ tình yêu nhưng không của Ngài. Với cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa đã cứu chuộc chúng ta khỏi quyền lực của thế gian, khỏi sức mạnh của ma quỷ, khỏi quyền lực của hoàng tử thế gian này. Và nguồn gốc của hận thù là như thế này: vì chúng ta đã được cứu bởi Chúa Giêsu, và ma quỷ không muốn điều đó, nó oán ghét chúng ta và khuyến khích những cuộc bách hại, từ thời Chúa Giêsu và sự ra đời của Giáo Hội tiên khởi cho đến ngày nay. Có biết bao các cộng đồng Kitô hữu đang bị bức hại ngày hôm nay! Tại sao? Bởi vì sự hận thù của tinh thần thế gian này.

Quá thường khi, trong những khoảnh khắc khó khăn của lịch sử, chúng ta nghe người ta nói rằng: “Hôm nay đất nước chúng ta cần những anh hùng”. Tương tự như thế, chúng ta có thể hỏi, “Hôm nay Giáo Hội của chúng ta cần gì?” Các thánh tử đạo, các chứng nhân, nghĩa là, các thánh hàng ngày trong cuộc sống bình thường, dám sống một cuộc sống mạch lạc; và chúng ta cũng cần cả những người có can đảm để chấp nhận ân sủng được làm chứng nhân cho đến phút cuối cùng, cho đến chết. Tất cả những điều này là dòng máu nuôi sống Giáo Hội. Họ là những chứng nhân đưa Giáo Hội tiến về phía trước; là những chứng nhân cho sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài vẫn sống. Các vị làm chứng cho Ngài với cuộc sống mạch lạc và với sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận như một ân sủng.

Nhớ lại những chứng nhân đức tin này và cầu nguyện ở nơi này là một ân sủng lớn lao. Đây là một ân sủng cho cộng đồng Thánh Egidio, cho Giáo Hội ở Rôma, cho tất cả các cộng đồng Kitô hữu của thành phố này, và cho rất nhiều người hành hương. Di sản sống động của các vị tử đạo hôm nay mang lại cho chúng ta sự bình an và hiệp nhất. Các vị dạy chúng ta rằng với sức mạnh của tình yêu, và với sự dịu dàng, chúng ta có thể chống lại thói kiêu ngạo, bạo lực và chiến tranh - và sự bình an có thể đạt được với lòng kiên nhẫn.

Và vì thế chúng ta có thể cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên những chứng nhân xứng đáng cho Tin Mừng và cho tình yêu của Chúa; xin đổ tràn lòng thương xót của Chúa trên nhân loại; xin canh tân Giáo Hội Chúa, xin bảo vệ các Kitô hữu bị khủng bố, và xin sớm ban hòa bình cho toàn thế giới.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét