Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

22-10-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN năm A - KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

22/10/2017
Chúa Nhật 29 thường niên năm A.
 Khánh Nhật Truyền Giáo.
CẦU CHO VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
(phần I)


Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo

Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
Trích sách Tiên Tri Isaia.
1 Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. 2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. 3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. 4 Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. 5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. 6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-5
Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. - Ðáp.
2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8
Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.
1 Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, 2 cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. 3 Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. 4 Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. 5 Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: 6 một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, 7 mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ -- và tôi nói thật, chứ không nói dối -- làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.
8 Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài đọc sau đây:
Bài Ðọc II: Act 1, 3-8
Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?" 7 Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất".
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19-20
Alleluia, alleluia! - Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16,15-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
15 Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. 17 Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, 18 Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe".
19 Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16 Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ là một
Hôm nay, ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Yêsu Kitô đến cho lương dân, để làm cho họ cũng trở nên môn đệ của Người. Chúng ta đừng vội kêu lên: làm sao chúng tôi làm được việc ấy? Ngay việc giữ đạo cũng đã khó rồi, huống nữa còn nói đến việc truyền giáo! Ðàng khác, chúng tôi đến với lương dân thế nào được? Ai làm việc nhà thay cho chúng tôi? Dễ gì mà tiếp xúc với người ta? Và ai mà lại không có lập trường? Vấn đề làm cho người khác "trở lại" xem ra không còn dễ như ngày trước nữa...
Nhưng nói gì thì nói, rõ ràng Lời Chúa hôm nay muốn sai chúng ta đến với lương dân. Và chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho lương dân trở thành môn đệ của Người. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu lý do tại sao chúng ta được sai đi, sai đi để làm gì và phải làm việc ấy thế nào?

A. Lý Do Truyền Giáo
Chính Ðức Yêsu hôm nay trong bài Tin Mừng đã nói lên lý do tại sao chúng ta được sai đến với lương dân. Người nói: "Như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian". Qua lời vắn tắt ấy, Chúa Yêsu công khai sai các môn đệ của Người đi. Người chọn họ để sai đi. Ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ là một, vì tông đồ chỉ có nghĩa là được sai đi. Thế nên Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo. Giáo Hội gồm những người được sai đi. Và Truyền giáo là lẽ sống của Giáo Hội. Mọi người trong Giáo Hội phải truyền giáo. Không truyền giáo là không thi hành ơn gọi của mình.
Và Chúa Yêsu không thể làm thế khác. Người không thể cứu chuộc ai mà đồng thời lại không sai họ đi. Người không thể nhận ai vào thân thể của mình mà lại không để cho họ thông phần vào sự sống của Người. Mà sự sống của Người là làm theo ý Chúa Cha, là tham dự sự sống của Chúa Cha, là chia sẻ tất cả những gì Chúa Cha có. Thật sự, chẳng ai thấy Chúa Cha bao giờ... Và chẳng ai biết được Người, ngoại trừ Chúa Con. Thế mà Chúa Cha đã cho chúng ta biết: Chúa Cha yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con của Người cho họ để họ được sự sống của Người. Nghĩa là chúng ta đã được biết Chúa Cha là Bác ái, Yêu thương; là Ðấng thương yêu loài người và muốn cứu chuộc loài người. Chính vì lòng yêu thương vô vàn đó mà Người đã sai Con của Người xuống thế. Và Con của Người đến với loài người không để làm công việc nào khác ngoài chính việc thi hành lòng yêu thương của Chúa Cha muốn cứu độ mọi người. Thế nên khi chúng ta đang còn là tội nhân, thì Chúa Con đã hy sinh dâng mình làm lễ tế cứu chuộc chúng ta. Người là Sứ giả của Chúa Cha, là Tông Ðồ của Chúa Cha sai xuống cứu độ trần gian. Người đã làm công việc ấy khi trở thành giá cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm tử nạn - phục sinh. Và chính khi làm công việc này, Người đã muốn sai chúng ta vào thế gian, như lời bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe đọc.
Hôm ấy, trước giờ chịu nạn, Chúa Yêsu đã ngước mắt lên cầu nguyện. Người ý thức Chúa Cha đã sai Người vào thế gian. Này đây, Người dâng mình "tự thánh hóa" để thánh hóa chúng ta, tức là cứu độ chúng ta. Không phải để chúng ta tiếp tục sống sự sống của mình và cho mình, nhưng là để chúng ta nhận được sự sống mới đang chảy đến cho các tín hữu của Chúa từ cạnh sườn Ðấng bị đâm thâu, đang thống thiết cầu xin Chúa Cha tha tội cho mọi người. Sự sống mới đến với chúng ta, do đó, là ơn tha thứ, ơn xóa bỏ tội lỗi, ơn giao hòa tội nhân với Thiên Chúa, ơn đưa tội nhân vào dòng nước thanh tẩy, ơn muốn những ai được tha thứ lại đi cứu vớt người khác. Chính vì thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Yêsu lại nói: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con". Nghĩa là không những Ðức Kitô chỉ thánh hóa chúng ta. Người gián tiếp dạy chúng ta đã được thánh hóa thì phải ra đi làm cho kẻ khác cũng được thánh hóa để tất cả nên một.
Như vậy rõ ràng sứ mệnh được sai đi gắn liền với vinh dự được thánh hóa. Ơn gọi truyền giáo gắn liền với danh hiệu Kitô hữu. Hết mọi tín hữu phải làm tông đồ, cho dù danh xưng này nhiều khi được dành để gọi những người chuyên môn làm việc truyền giáo. Nhưng cho dù có các chuyên viên truyền giáo, hết mọi người vẫn phải truyền giáo vì sự sống mới của Chúa Yêsu mang vào thế gian là chính tình yêu của Chúa Cha muốn cứu vớt mọi người. Ai nhận được sự sống ấy, phải ra công cứu thế; bằng không, nó sẽ không phát triển và dần dần sẽ hao hụt đi. Sự sống mà không vươn lên thì nó sẽ tắt đi. Chỗ nào không truyền giáo, sự sống ở nơi đó sẽ suy yếu.
Ý thức lý do truyền giáo như thế, chúng ta sẽ thấy đây là vấn đề nhiệm vụ và là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta bị động, vì bàn tay Chúa đã để trên chúng ta, vì chúng ta đã nhận được sức sống mạnh mẽ của Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người. Chúng ta "bị bắt" làm tiên tri vì Chúa chứ không phải vì người ta, nếu nói được như vậy. Và chúng ta nên nói như thế để khi đến với lương dân, chúng ta không có thái độ tự tôn, coi mình như kẻ làm ơn đến kéo họ ra khỏi nơi tối tăm lầm lạc. Chúng ta sẽ theo gương Chúa Yêsu đã được Chúa Cha sai đến với loài người. Người khiêm tốn đến tìm các người em đi lạc của Nhà Cha trên trời. Người mang tình yêu của gia đình đến. Người khơi lên những tâm tình sâu sắc bị chôn vùi dưới nhiều cảm nghĩ sai lầm. Người dạy chúng ta đến với lương dân như để họ và ta cùng khám phá ra cả hai đều có một Cha chung trên trời và chúng ta thật sự là anh em với nhau. Việc đó làm cho Danh Cha cả sáng, nhưng đồng thời cũng làm cho chính chúng ta hết thảy thêm phong phú... Truyền giáo như vậy không phải chỉ là trao ban mà còn đón nhận. Và ai dám nói bên nào nặng hơn bên nào? Thực tế nhiều khi chúng ta ra đi chưa làm được gì cho người khác, nhưng đã mang về nhiều kết quả cho mình rồi vì mình đã sống đạo mạnh mẽ. Như vậy, lại thêm lý do nữa để chúng ta nhiệt tình hơn với việc truyền giáo.

B. Nhưng Truyền Giáo Thế Nào?
Không ai ra đi nếu không được sai phái. Có những người được chính thức sai đi. Ðó là các nhà truyền giáo. Nhưng chính họ cũng chỉ đuợc sai đi chính thức vì sứ mệnh nội tại của Giáo hội và vì tiếng gọi tông đồ khẩn thiết của chính ơn gọi làm Kitô hữu, như chúng ta đã trình bày ở trên. Do đó, trước khi nói đến việc ra đi đến với lương dân, phải chú trọng đến sức sống Kitô giáo mạnh mẽ ở trong tâm hồn. Thế mà nhiều khi chúng ta không có điều kiện này. Những khi đó, ước gì chúng ta được như Isaia.
Nhà tiên tri hồi ấy sống trong một hoàn cảnh bi đát. Dân Chúa dường như không có tương lai. Miền Bắc và miền Nam không thống nhất. Hai bên càng ngày càng tiêu điều. Chung quanh, các dân tộc chỉ chiến tranh chém giết. Suy nghĩ con người chỉ có bi quan yếm thế. Nhưng nhà Tiên tri có niềm tin vào mạc khải. Ông biết Chúa đã chọn Dân Người. Người muốn cứu độ các dân tộc. Người đã mạc khải như vậy ngay từ thời Abraham. Thế nên Isai lên tiếng giữa cảnh tang thương. Ông tuyên bố Sion sẽ được khôi phục. Muôn dân sẽ tiến về đó. Khắp nơi sẽ bước theo đường lối của Chúa. Và người ta sẽ uốn lưỡi gươm thành lưỡi cày; và thay vì chém giết lẫn nhau, các dân tộc sẽ hân hoan đồng hành theo ánh sáng của Chúa.
Ở thời bấy giờ mà Isaia đã có được niềm tin như vậy. Ông đã nói lên được kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Và ông không ngớt chia sẻ cái nhìn cứu thế ấy cho mọi người. Còn chúng ta, những người đã được nhìn thấy ơn cứu độ tỏ hiện của Thiên Chúa, nhiều khi chúng ta không nhìn xa thấy rộng. Chúng ta chỉ quanh quẩn với các vấn đề sinh nhai của mình. Chúng ta ít sống bằng niềm tin và không đặt mình vào giòng lịch sử. Thiên Chúa đang đưa lịch sử đi mà chúng ta không tham gia. Người đang đưa muôn dân vào trong Nước của Con Yêu Dấu Người mà chúng ta không để ý nhìn xem. Chỉ vì chúng ta đang sống sự sống của phàm nhân chứ chưa phải sự sống mà Ðức Kitô đã đặt trong chúng ta. Chúng ta sống chứ không để Người sống trong chúng ta.
Ngược lại, nếu Người đang sống trong chúng ta thì ít nhất Người cũng làm được công việc Người đang làm ở trên trời mà không có sự cộng tác của chúng ta. Ðó là việc Người cầu bầu, thỉnh nguyện cho tất cả loài người. Người sẽ nói lên như trong bài Tin Mừng hôm nay: "Lạy Cha, Con không những cầu xin cho chúng mà thôi, mà còn cho mọi kẻ tin vào lời chúng nữa để hết thảy nên một". Và khi đó chúng ta sẽ tự nhiên muốn hợp ý với Người mà cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Chúng ta sẽ truyền giáo trước tiên bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện cho các chuyên viên truyền giáo và các kẻ tin vào lời họ rao giảng. Lời cầu nguyện truyền giáo làm chứng chúng ta kết hiệp với Chúa, Ðấng đầy yêu thương muốn cứu vớt mọi người. Nó chứng tỏ chúng ta có sự sống mạnh mẽ của Chúa, Ðấng hằng sinh ra và tái tạo mọi loài. Nó nói lên lòng bác ái thật sự của chúng ta, không quanh quẩn chỉ nghĩ đến cái thế giới bé nhỏ của mình nhưng luôn luôn có một đức tin công giáo muốn bao trùm tất cả nhân loại. Lời cầu nguyện truyền giáo cho thấy chúng ta đã biết cầu nguyện như Chúa dạy, vì theo kinh "Lạy Cha" chúng ta trước tiên phải cầu cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thế mà chúng ta lại thường thiếu sót việc cầu nguyện truyền giáo. Và cũng chính vì vậy mà chúng ta không biết làm gì thêm nữa để truyền giáo.
Ngược lại, ai nhiệt tình với việc cầu nguyện truyền giáo sẽ có khả năng làm được nhiều việc khác nữa cho việc Phúc Âm hóa các dân tộc. Họ sẽ như các tín hữu tiên khởi mà bài sách Công vụ các Tông đồ hôm nay còn kể lại. Những người ấy đi đến đâu cũng ưu tư loan Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô cho người khác. Biết nói tiếng Do Thái thì họ nói với người Do Thái. Mà biết tiếng HyLạp, thì họ nói với người HyLạp. Họ không đến với người ta như các chuyên viên truyền giáo, tức là không đến với mục đích giảng đạo. Thời cuộc đã phân tán họ đi. Họ đi vì hoàn cảnh bó buộc. Vì lý do sinh sống, nếu được nói như vậy. Nhưng đi đâu họ cũng sống đạo. Và sống đạo là sống đức ái yêu thương của Thiên Chúa, nên ở hoàn cảnh nào họ cũng nói với người ta về Tin Mừng cứu độ của Chúa Yêsu. Họ khuyến khích chúng ta truyền giáo, mặc dầu không phải là các chuyên viên tông đồ. Còn các vị này lại dạy thêm chúng ta một bài học nữa.
Barnaba là một tông đồ. Ông được Hội Thánh cử đến Antiokia. Thấy công việc truyền giáo ở đấy, ông tạ ơn Chúa và khuyến khích mọi người. Rồi thấy người khác có thể đóng góp vào công việc chung này một cách hữu hiệu, ông đã đi Tarsô tìm Saulô, để ông này trở thành Phaolô Tông đồ các dân ngoại.
Chúng ta cũng năng gặp những hoàn cảnh tương tự. Có người ở ngoài chợ muốn theo đạo hoặc có người khác ở nơi nọ muốn biết giáo lý. Chúng ta không có khả năng trực tiếp giúp đỡ. Tại sao chúng ta không đi tìm cho họ một người tông đồ? Và tại sao chúng ta không nghĩ đến việc khuyến khích, giúp đỡ các chuyên viên tông đồ? Họ sẽ được sai đi bởi Chúa đang hoặc đã sống trong chúng ta. Và như vậy chúng ta cũng tham gia thật sự vào việc tông đồ của họ.
Têrêsa Hài Ðồng Yêsu nay là Bổn mạng các xứ truyền giáo. Người không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm Bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.
Giờ đây, đi vào thánh lễ, chúng ta hãy kết hiệp với Ðức Kitô. Người muốn tự hiến thánh mình để thánh hóa chúng ta và mọi kẻ sẽ tin vào lời chúng ta. Chúng ta hãy dâng mình với Người để được đưa vào mầu nhiệm cứu thế hầu thánh hóa mình ở đây rồi ra đi thánh hóa tha nhân và lương dân trong đời sống, để tất cả nên một trong tình yêu hạnh phúc của Thiên Chúa, Ðấng đã sai Chúa Con vào thế gian thế nào cũng đang muốn sai chúng ta vào thế gian như vậy.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Chúa Nhật 29 Quanh Năm Năm A


Bài Ðọc I: Is 45, 1. 4-6
"Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:
Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c
Ðáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.
2) Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. - Ðáp.
3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. - Ðáp.
4) Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 1-5b
"Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em".
Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.
Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 15-21
"Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: "Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế". Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: "Hình tượng và danh hiệu này là của ai?" Họ thưa rằng: "Của Cêsarê". Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Trả Lại Thiên Chúa Những Gì Của Người
Nhiều người đọc bài Tin Mừng hôm nay sung sướng về thái độ khéo léo của Chúa đã khiến kẻ muốn gài bẫy Người phải lủi thủi ra đi. Nhưng không lẽ chúng ta là tín hữu của Chúa cũng chỉ nhìn thấy như vậy sao? Hay là chúng ta còn phải nhận ra có gì khác nữa trong bài Tin Mừng? Vậy chúng ta hãy theo sư phạm của phụng vụ, nhờ bài Cựu Ước để đi vào bài Tin Mừng và đọc bài Thánh Thư như là kết luận khuyên nhủ của Lời Chúa hôm nay.

A. Hãy Biết Khám Phá Ra Hành Ðộng Của Thiên Chúa
Bài Cựu Ước hôm nay nằm trong phần II của sách Isaia. Có thể gọi đây là sách II Isaia. Và chủ trương trong sách này là an ủi Israel, vì Thiên Chúa sắp thương cứu họ ra khỏi cảnh lưu đày Babylon.
Vì bất trung, con cái Israel đã mất Nước. Yêrusalem bị tàn phá; vua-dân một phần lớn bị còng sang Babylon lưu đày. Ở đây ràng rã nhiều chục năm, con cái Israel ngậm đắng nuốt cay. Bản tính vốn thích ca hát, nhưng họ đã treo đàn trên cây dương liễu ở bờ sông Babylon và chẳng cò phấn khởi gì để hát lên những giọng thánh ca. Isaia được Thiên Chúa sai đến với họ. Vừa giải thích cho họ hiểu nguyên do tội lỗi của cảnh lưu đày này, ông vừa an ủi khuyên bảo họ thống hối ăn năn trở về với Thiên Chúa để Người lại xót thương. Và thay mặt Chúa ông tuyên sấm có ngày được giải phóng, hồi hương và xây dựng lại Yêrusalem. Hôm nay ông đặc biệt trỏ cho mọi người thấy: ơn cứu chuộc đã ló dạng đàng chân trời. Babylonia không còn yên thân nữa. Tướng quân Kyrô, người Batư đang xua quân bách chiến bách thắng.
Nhưng Kyrô là người thế nào đối với con cái Israel? Isaia hôm nay bạo dạn quá chừng! Ông tuyên bố cho con cái Israel biết: Kyrô là người của Thiên Chúa. Ông được Người xức dầu. Chính Người đang cầm tay dắt ông và chỉ bảo cho ông phải đánh bên đông dẹp bên tây như thế nào. Không phải sức mạnh của ông đang bách chiến bách thắng; nhưng đó là bàn tay của Thiên Chúa đang dùng ông để làm những việc oanh liệt như vậy. Và Người làm thế, chỉ vì Yacob và Israel. Người dùng cả kẻ không biết Người. Người chọn Kyrô là dân ngoại, vì chính Người là Yavê, là Thiên Chúa, không ai khác nữa. Ngoài Người ra, thần linh không đâu có.
Isaia quả thật đã táo bạo. Ông nói những lời phi thường. Xưa nay không thể tưởng tượng có những điều như thế. Con cái Israel vẫn tin như đinh đóng cột: Yavê là Chúa riêng của họ, ở trong đất của họ và chỉ ở với họ. Người có thể bênh vực họ đối với dân ngoại và do đó có thể ảnh hưởng trên dân ngoại. Nhưng không thể nào tưởng tượng được có ai trong dân ngoại lại được Người tuyển chọn, xức dầu và đặt làm người lãnh đạo Dân riêng của Người. Vì thế bài Isaia hôm nay là mạc khải mới mẻ và lớn lao. Không chắc con cái Israel bấy giờ đã đón nhận. Thế nên khi họ được giải phóng và hồi hương nhờ các chiến thắng của Kyrô, họ như tỉnh như mê, không ngờ rằng Thiên Chúa lại thực hiện các lời hứa kiểu như vậy. Họ cứ nghĩ rằng phải là một người Dothái sẽ được chọn, phải là một người thuộc dòng dõi Ðavít sẽ được xức dầu, để trở thành vị cứu dân. Nay Dân được cứu nhờ bàn tay của một người dân ngoại! Có lẽ khi sự việc xảy ra rồi có người mới tin vào lời sách Isaia hôm nay. Có lẽ đúng hơn bấy giờ mới có người đọc được thời sự như thế để viết nên bài Kinh Thánh này.
Ðã được mạc khải như vậy, chúng ta ngày nay có còn chậm tin như con cái Israel ngày trước không? Chúng ta đã quen nhìn hành động của Thiên Chúa trong khắp cả trời đất và trong lịch sử loài người chưa? Ðó là thước đo mức độ nhận thức của chúng ta về sự bao la và đồng thời sâu xa của Thiên Chúa. Ðó là biết ca tụng Người trong toàn cõi địa cầu. Và không làm công việc này là giảm bớt vinh quang của Thiên Chúa, không phải đối với Người nhưng đối với chính mình chúng ta.
Và một cái nhìn rộng lớn như vậy cũng mở rộng luôn cảm nghĩ của chúng ta về người khác, nhất là những người không cùng tôn giáo với mình. Thiên Chúa cũng ban ơn cho họ vì chính Người đã dựng nên họ. Khi họ phát triển tài năng và thành công trong những việc tốt đẹp, họ đem lại vinh quang cho Ðấng Tác Thành họ và cho Ðấng đang cai trị hoàn vũ "vừa cương vừa nhu". Họ là những người Chúa chọn ở cương vị của họ. Họ là bạn của ta nếu không muốn gọi là ân nhân của ta trong viễn tượng mở rộng Nước Chúa. Thế nên những tâm hồn thiện chí, những bàn tay xây dựng xã hội, những người đem lại hạnh phúc cho đồng bào, phải được ta quý mến, ngưỡng mộ và bắt chước. Chúng ta phải giúp đỡ họ, cộng tác với họ và yêu mến họ. Chúng ta phải thấy bàn tay của Thiên Chúa đang dẫn đưa lịch sử các dân tộc của họ. Chúng ta phải biết đọc lịch sử bằng con mắt đức tin. Cũng như chúng ta phải quý hóa các hành động xây dựng lịch sử như vậy.
Lúc bấy giờ đọc lại Thư Chung của Hội nghị Giám mục Việt Nam năm 1980 về nghĩa vụ người Công giáo phải đoàn kết với đồng bào để xây dựng Tổ quốc, và xem lại lời Ðức Thánh Cha Yoan-Phaolô II khuyên nhủ chúng ta tăng thêm lòng yêu Nước và nhiệt tình xây dựng quê hương, chúng ta mới thấy những lời ấy thật là đạo đức và thấm đầy tinh thần đức tin. Chúng ta sẽ hăng hái đi theo phương hướng mà Giáo Hội đã mở ra trước mắt chúng ta. Chúng ta sẽ không chỉ thờ Chúa bằng kinh kệ và bí tích, nhưng bằng cả cuộc sống, cuộc sống thực tế của người Việt Nam ở giữa đồng bào Việt Nam.
Tuy nhiên cũng đừng lẫn lộn tất cả. Và đây là bài học chúng ta có thể rút ra theo đoạn Tin Mừng hôm nay.

B. Hãy Trả Lại Thiên Chúa Những Gì Của Người
Biệt phái bây giờ bàn mưu để làm Chúa lỡ lời mắc bẫy. Họ sai môn đồ hợp cánh với phe Hêrôđê đến chất vấn Người về vấn đề nộp thuế. Ai cũng biết Biệt phái không ưa người Rôma đang đô hộ nhà Yuđa. Còn phe Hêrôđê thì lại nịnh bợ các quan bảo hộ để được nhiều đặc quyền. Một mình đối nghịch với Chúa trong lãnh vực tôn giáo, Biệt phái không làm gì được Người. Họ muốn nhờ đến cánh tay chính quyền để gài bẫy Người trong vấn đề chính trị. Họ muốn lẫn lộn những bình diện khác nhau, giữa đạo và đời.
Nhưng câu trả lời của Chúa đã làm họ cụt hứng và bẽ bàng. Người đã phân biệt đâu ra đấy. Người nói: hãy trả của hoàng đế cho hoàng đế, và của Thiên Chúa cho Thiên Chúa.
Có người sẽ rút ra kết luận: đạo là đạo, đời là đời. Nhưng có đạo nào không ở trong đời và có đời nào không là của đạo? Bài sách Isaia ở trên đã nói Thiên Chúa điều khiển trời đất và lãnh đạo các dân tộc: Người dùng các ngôn sứ trong dân Israel nhưng cũng không từ chối dùng Kyrô xứ Batư để giải phóng Dân Người.
Người ta cũng sẽ thiếu phân biệt khi muốn vơ tất cả vào đạo đến nỗi tưởng các Giám mục phải là người đứng đầu tỉnh. Nhưng lịch sử đã cho thấy thời đại Trung cổ của Kitô giáo cũng không hoàn toàn đẹp đẽ và cũng chẳng lý tưởng gì.
Ngày nay thường có một quá khích ngược lại, đề cao đời đến nỗi tục hóa đạo và cho như thế là nhất.
Thiết tưởng ngoài Hội Thánh ra, không ai nên độc quyền giải thích Lời Chúa. Câu nói của Người hôm nay không phải là cách ngôn được đem ra áp dụng ở bất cứ hoàn cảnh nào mà không để ý đến mạch văn. Ở đây Chúa Yêsu đang đứng trước Biệt phái và phe nhóm Hêrôđê. Người phải trả lời họ. Người phải dạy dỗ họ. Thế mà dù quan điểm khác nhau về chính trị, họ đều là những người tin Thiên Chúa và kính Luật Môsê. Nói đơn sơ đi, họ là người có đạo. Do đó Chúa đang nói với người có đạo.
Những người này dù thích hoàng đế hay không cũng đang dùng tiền hoàng đế và trong thực tế vẫn nộp thuế cho hoàng đế. Họa chăng có ai đang mưu đồ một cuộc nổi dậy chính trị thời bấy giờ mới không muốn nộp thuế. Như vậy, kể là quái ác khi đặt Chúa Yêsu trước câu hỏi: có phải nộp thuế cho hoàng đế không? Kẻ hỏi đã đặt Người ra ngoài bình diện công dân và muốn Người phải đương đầu với hoàng đế, lựa chọn hoặc đi theo hoặc chống lại hoàng đế. Nhưng hoàng đế là ai đối với Người? Hoàng đế không nằm trong tay Thiên Chúa sao? Con Thiên Chúa giáng trần cứu thế không phải để làm một lựa chọn như vậy. Sứ mạng của Người là đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa. Ðó là sứ mạng tôn giáo, chứ không phải chính trị.
Thế nên câu trả lời của Chúa nhằm làm nổi bật chân lý ấy lên. Người ta phải thấy Người giữ vai trò tôn giáo. Người nhắc lại cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa và trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa. Kẻ chất vấn muốn nhìn Người dưới góc độ chính trị; Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải thấy Người là con người tôn giáo. Và người có tôn giáo làm hết các nghĩa vụ công dân.
Chắc chắn đây là vấn đề lớn. Người ta phải đọc cả các sách Tin Mừng và phải hiểu cả cuộc đời của Chúa Yêsu và hoàn cảnh lịch sử của Hội Thánh lúc sơ nguyên, để biết ý nghĩa và giá trị của Lời Chúa. Tuy nhiên gương Chúa để lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là không bao giờ được quên tham chiếu về Thiên Chúa trong bất cứ công việc và hoàn cảnh nào. Và đó cũng là bài học của đoạn sách Isaia, cũng là thái độ và giáo huấn của thánh Phaolô trong bài thư hôm nay nữa.

C. Hãy Tạ Ơn Thiên Chúa Cho Con Người
Thessalônikê là giáo đoàn có vinh dự được thánh Phaolô biên thư cho trước hết. Và từ đó người mới có thói quen viết thư cho các giáo đoàn. Thessalônikê được nghe Phaolô giảng trong ba ngày sabbat liên tiếp (Cv 17,1-2). Có một số người trở lại tin theo lời giảng. Nhưng người Dothái ghen. Họ gây rối loạn trong thành để đổ tội cho phe Phaolô tuyên truyền chống lại các chỉ thị của hoàng đế. Anh em tín hữu vội buộc Phaolô phải tránh đi. Người đến Bêrê. Nhóm Dothái cũng chạy theo, ráo riết muốn đổ tội cho người như vậy. Buộc lòng anh em tín hữu phải ép người đi xa hơn. Nhưng người không nỡ bỏ đàn chiên vừa thành lập. Người gửi Timôthê tới Thessalônikê để xem tình hình thế nào.
Người môn đệ trở về, đem những tin lạc quan vui mừng. Ðó là cớ để Phaolô bắt đầu thảo bức thư hôm nay.
Kẻ chống đối Phaolô muốn biến người thành một con người phản loạn, hay chính trị, chống lại hoàng đế Rôma. Nhưng rõ ràng ở đây theo gương Chúa, Phaolô chỉ là con người làm việc tôn giáo. Người toàn chất tôn giáo nên độc giả của thư Thessalônikê chỉ thấy mình đang đứng trước một người Tông đồ của Ðức Yêsu Kitô. Người nhìn mọi người dưới ánh sáng đức tin, thấy rõ Thiên Chúa tuyển chọn họ để họ nghe Tin Mừng. Họ đã đón nhận lời giảng không như lời của loài người, nhưng như Lời của Thiên Chúa. Và đức tin, đức mến và đức cậy đã triển nở trong đời sống của họ, khiến nghĩ đến họ Phaolô hằng tạ ơn Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã hành động nơi họ như vậy.
Phaolô nhắc lại cho chúng ta bài học của sách Isaia. Người theo gương Chúa Yêsu trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa, mặc cho ai cứ cho hoàng đế là lớn. Người khuyến khích chúng ta biết nhìn tất cả trong đức tin.
Chúng ta cũng cần đức tin này để tham dự Thánh lễ. Lịch sử ơn cứu độ được tái hiện giữa chúng ta để chúng ta xác tín lòng thương của Thiên Chúa đối với loài người. Người không bỏ rơi nhân loại, nhưng luôn đi vào lịch sử và hiện diện trong lịch sử để biến tất cả nên ích cho con cái Thiên Chúa. Ðặc biệt Người đã sai Con của Người đến làm Ðấng Cứu Thế khi kêu gọi loài người trở về với Thiên Chúa và trả của Thiên Chúa cho Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng chẳng có gì chẳng phải là của Thiên Chúa, nên con người có đức tin thấy tất cả đều thuận lợi cho mình. Họ thi hành tốt các phận sự ở đời và không sao nhãng các nghĩa vụ tôn giáo. Nói đúng hơn họ thấy tất cả đều là nghĩa vụ tôn giáo vì việc đạo cũng như việc đời họ đều phải làm mới có thể đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng bao gồm tất cả và đang sinh động tất cả. Nhưng họ biết phải có Lời Chúa và Mình Thánh Chúa mới có đủ ánh sáng và sức mạnh để đi trên đường đời. Và vì thế, sau khi suy niệm Lời Chúa, chúng ta hãy sốt sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 29 Thường Niên, Năm A
Bài đọcIsa 45:1, 4-6; I Thes 1:1-5; Mt 22:15-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.
Theo lẽ công bằng chúng ta phải trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Khi chúng ta nộp thuế cho chính phủ là chúng ta trả cho chính phủ những gì họ đã phục vụ chúng ta: trật tự công cộng, giao thông, y tế ... Vấn đề xảy ra là khi con người lỗi đức công bằng: hưởng thụ mà không chịu đóng góp hay nhận của đóng góp mà không chịu phục vụ. Trong Phúc Âm hôm nay, các Kinh-sư toa rập với Bè-phái Hêrôđê để giăng bẫy Chúa bằng câu hỏi: “Có nên nộp thuế cho Caecar?” Họ nghĩ Chúa sẽ không có đường thóat, nhưng câu trả lời của Chúa không những đã làm cho họ phải câm miệng, mà còn đòi họ phải tự vấn lương tâm để xem nếu từ bấy lâu nay họ đã lỗi đức công bình với cả Thiên Chúa và với tha nhân. Hai Bài đọc I và II mời gọi chúng ta suy nghĩ để nhận ra những gì thuộc về Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm mọi sự qua mọi người.
1.1/ Thiên Chúa chọn Vua Cyrus: Tuy Cyrus, Vua Ba-Tư, là Dân Ngọai và không biết Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa đã chọn và xức dầu cho ông. Chính Thiên Chúa đã nói với Vua Cyrus: “Ta đã gọi đích danh ngươi, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, dù ngươi không biết Ta, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.” Sự xử dụng chủ từ “Ta” nhiều lần nói lên tính chủ động của Thiên Chúa, con người chỉ giữ vai trò thụ động hay đáp trả. Ngài cũng cho Vua Cyrus chinh phục đế quốc Babylon và các dân tộc: “Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa.”
1.2/ Thiên Chúa dùng Vua Cyrus cho một mục đích: là để giải phóng Israel khỏi lưu đày như Ngài đã nói rõ: “Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacóp, và của người Ta đã chọn là Israel.” Năm 587 BC, Thiên Chúa dùng Vua Babylon Nebuchanezza như chiếc roi để sửa phạt dân Do-Thái. Vua Babylon đã chinh phục vương quốc Judah, phá hủy Đền Thờ, và bắt tất cả vua quan cũng như dân sang lưu đày bên Babylon. Sau một thời gian thanh luyện ở chốn lưu đày, như Thiên Chúa hứa qua Tiên tri Isaiah, Ngài sẽ cho những người sống sót trở về và xây dựng lại giang sơn. Đó là lý do tại sao Ngài chọn Vua Batư Cyrus, ban cho Vua thắng được Đế-quốc Babylon, và thiết lập Đế-quốc Ba-Tư. Sau khi đã thắng trận, chính Nhà Vua đã ký sắc lệnh cho dân Do-Thái hồi hương và cho họ được xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, Nhà Vua còn trả lại những tài sản đã trưng dụng của Đền Thờ và cung cấp các vật liệu cần thiết để họ sớm hòan tất.
1.3/ Thiên Chúa dùng các vua như khí cụ để hòan thành những gì Ngài muốn: Lịch sử chứng minh mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa như chính Thiên Chúa đã lặp đi lặp lại trong Bài đọc I: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.” Chúa dùng Vua Babylon như cái roi để sửa phạt người Do-Thái; nhưng sau khi họ đã ăn năn trở lại, Chúa dùng Vua Ba-Tư đánh bại Vua Babylon như bẻ gẫy cái roi, để đưa dân Do-Thái hồi hương. Vua Babylon chẳng biết Thiên Chúa và cũng chẳng biết kế họach của Thiên Chúa, nhưng ông vẫn phải thi hành kế họach Thiên Chúa, trong khi thi hành ông vẫn nghĩ là thắng vương quốc Judah bằng sức mạnh quân đội của mình. Vua Ba-Tư có thể nghĩ mình đã thi ân hay người Do-Thái có thể cám ơn Vua Ba-Tư, nhưng người họach định mọi sự là chính Thiên Chúa.
2/ Bài đọc II: Biết ơn và cám ơn đúng chỗ.
Con người thường rất bất bình khi thấy những cố gắng của mình bị tước đọat và trao cho người khác, nhưng rất nhiều lần con người đã tước đọat công ơn của Thiên Chúa: hoặc lấy làm của mình hoặc gán cho người khác. Thánh Phaolô dạy chúng ta một bài học quí giá: phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa. Ngài đã chuẩn bị mọi sự cho Hội Thánh Thessalônica.
2.1/ Không phải công ơn của người rao giảng: Tuy là người sáng lập ra cộng đòan Thessalônica, Thánh Phaolô không nghĩ đó là công ơn của mình khi nhìn thấy mọi sự tốt đẹp triển nở trong cộng đòan; nhưng ngài biết Thiên Chúa là tác giả của những kết quả này, và ngài cùng với các môn đệ, tạ ơn Thiên Chúa cho họ: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.”
2.2/ Cũng chẳng phải công ơn của những người tin: Giống như cách đối xử của Thiên Chúa với các Vua trong Bài đọc I, Ngài chuẩn bị mọi sự cho các tín hữu để họ có thể tin vào Đức Kitô, sống bác ái với tha nhân, và kiên nhẫn trông đợi Ngày Chúa Kitô giáng lâm. Khi làm tất cả những điều này, một người có thể nghĩ đó là công sức và cố gắng của họ, nhưng Thánh Phaolô đã chỉ cho họ thấy đó là công việc của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa đã chọn con người vì thương mến: Bước đầu tiên và là bước quyết định là Thiên Chúa đã chọn con người chứ không phải con người đã chọn Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không chọn, con người sẽ bị hủy diệt trong tội lỗi của mình. Vì Thiên Chúa chọn, nên Ngài đã chuẩn bị một Kế Họach Cứu Độ cho con người qua biến cố Nhập Thể, cuộc Thương Khó, và Phục Sinh của Đức Kitô.
(2) Ngài tiếp tục gởi đến con người các sứ giả loan báo Tin Mừng: Bắt đầu từ các Tông Đồ và các môn đệ, họ được sai đi bởi chính Đức Kitô. Sau đó, các Tông Đồ và các môn đệ lại tiếp tục đào tạo những sứ giả và sai đi để loan báo Tin Mừng. Giáo Hội qua các thời đại vẫn tiếp tục đào tạo và sai đi những nhà rao giảng Tin Mừng. Chính Thánh Phaolô cũng từng đặt câu hỏi: Làm sao có đức tin nếu không có những người rao giảng Tin Mừng?
(3) Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi lòng mở trí các tín hữu hiểu biết những lời rao giảng: Đây là yếu tố quyết định và Thánh Phaolô cắt nghĩa rất hay hôm nay: “Vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.”
(4) Cuộc sống chứng nhân của các môn đệ Chúa: Không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng những người rao giảng Tin Mừng còn làm chứng cho Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của mình: “Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.”
3/ Phúc Âm: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”
3.1/ Bẫy của các Kinh-sư: Bấy giờ các Kinh-sư đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Chúa Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê đến gặp với Đức Giêsu. Mục đích của họ là dùng người Hêrôđê để bắt Chúa Giêsu nếu trả lời: “không” và dùng các môn đệ như sức ép nếu Chúa trả lời “có.” Bắt đầu bằng lời khen chóp lưỡi đầu môi: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?"
Họ nói vậy mà không phải vậy; nếu họ tin những lời họ nói, họ sẽ không bao giờ gài bẫy Ngài. Nhưng Đức Giêsu biết rõ ác ý của họ, nên Người nói với họ: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! Họ liền đưa cho Người một quan tiền.” Nếu Chúa trả lời “không,” những người Hêrôđê sẽ bắt Chúa vì dám xúi giục dân chống lại đế quốc Rôma. Nếu Chúa trả lời “có,” Ngài sẽ mất sự kính trọng của dân, vì đã vào hùa với đế quốc để bắt dân phải đóng thuế. Đối với các Kinh-sư, chỉ có Thiên Chúa là Chúa thật. Họ quan niệm không cần phải đóng thuế cho Caecar, và coi những người thu thuế như Dân Ngọai.
3.2/ Cách thóat bẫy của Chúa: Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Caesar." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Bằng câu trả lời này Chúa muốn dạy họ 2 điều:
(1) Họ là công dân của nước trần thế: Theo lẽ công bằng họ phải đóng thuế cho chính phủ để trả lại những gì chính phủ đã làm cho họ: an ninh, giao thông, y tế ...
(2) Họ là công dân của Nước Thiên Chúa: Theo lẽ công bằng họ phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài: thời giờ, tài năng, tình yêu ...
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa dù người cầm quyền có biết hay không. Ngài có thể xử dụng nhà cầm quyền như chiếc roi để đánh phạt dân và có thể bẻ gẫy cây roi khi đã dùng xong. Mọi thần quyền hay thế quyền đều bị điều khiển bởi Thiên Chúa.
Niềm tin của chúng ta có được cũng là do Thiên Chúa: Ngài đã chọn chúng ta trước, Ngài ban Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết Lời Chúa và tin vào Chúa Kitô, và Ngài gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng cho chúng ta.
- Chúng ta là công dân của cả hai nước: Nước Trời và nước trần thế. Chúng ta phải suy xét cẩn thận để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Cái gì thuộc về Thiên Chúa?” Sau đó, phải mạnh dạn trả Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng là công dân của quốc gia trần thế; chúng ta có bổn phận phải đóng góp để xây dựng quốc gia. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.    

22/10/17 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – A
Khánh Nhật Truyền Giáo
Mt 22,15-21

MUỐN TRUYỀN GIÁO PHẢI RA ĐI

“Những người Pha-ri-sêu... sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê đến nói với Đức Giê-su rằng: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (Mt 22,15-17)
Suy niệm: Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” là câu hỏi được đặt ra để bẫy Đức Giê-su. Không chỉ nhóm Pha-ri-sêu, phe Hê-rô-đê mà cả phái Xa-đốc cũng giăng bẫy để hại Ngài, như trường hợp họ chất vấn Ngài về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11), hay câu hỏi “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do gì không?” (Mt 19,3)... Mặc dù những “đối thủ” luôn tìm cách gây hại, nhưng Đức Giê-su vẫn tỏ ra kiên nhẫn, và không e ngại tiếp xúc với họ, thậm chí còn tìm đến để đồng bàn (Lc 7,36-50; Lc 11,37-41...). Đúng như những gì họ nhận định về Ngài: “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (c. 16).
Mời Bạn: Chúa Giê-su chẳng ngại đi bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi  - theo tâm lý bình thường - người ta muốn né tránh như nhà người tội lỗi, gặp gỡ những kẻ chống đối hoặc tiếp xúc với những người mang bệnh truyền nhiễm... Ý thức vai trò người môn đệ Chúa Ki-tô, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, đã khuyến cáo chúng ta: “đi ra khỏi vùng an toàn của mình để đến tất cả các vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng" (EG, 20).
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn theo tiếng gọi của Chúa Thánh Thần để đến những nơi Ngài muốn ta xuất hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nầy con đây, xin hãy sai con. Amen.

( 5 phút Lời Chúa)


ANH EM LÀ CHNG NHÂN (22.10.2017 – Chúa nht 29 Thường niên, Năm A: Chúa nht Truyn giáo)
Chúng ta không th là nhng chng nhân bun. Chính cuc sng ca ta phi đy p nim vui, s lc quan và s sng ca Chúa Phc Sinh. 


Suy nim:
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã làm một điều quan trọng,
đó là đào tạo những chứng nhân.
Hội Thánh tương lai phải được xây nền vững chắc
trên những con người có kinh nghiệm cá nhân
về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Chính vì thế Ngài đã hiện ra cho Simon,
cho hai môn đệ về Emmau, cho các tông đồ.
Ngài cho họ xem chân tay và Ngài đã ăn bánh
để họ đừng nghi Ngài là ma.
Hơn nữa Ngài còn soi sáng cho họ
để họ hiểu những lời Kinh Thánh nói về Ngài.
Các môn đệ đã là chứng nhân, đã tử đạo
để làm chứng cho điều mình xác tín.
Mỗi năm Hội Thánh dành một ngày Chúa Nhật
để nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình,
bổn phận truyền giáo cho thế giới.
“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”
Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ,
vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân.
Ðể truyền giáo, chúng ta phải quen thân với Chúa Giêsu,
có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài thật sâu lắng,
sống cái chết của Ngài mỗi ngày
và nếm được niềm vui phục sinh Ngài ban tặng.
Ðể truyền giáo cần có nhiều tình yêu:
tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người.
Chính vì mến yêu Ngài
mà ta muốn Ngài được mọi người nhận biết.
Chính vì mến yêu mọi người
mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.
Thế giới hôm nay đầy lạc thú và hưởng thụ,
nhưng vẫn là một thế giới buồn.
Buồn vì nạn phá thai, ly dị, tự tử;
buồn vì hận thù, thất vọng và lo âu.
Nhiều bạn trẻ tìm quên trong vui chơi, nghiện ngập,
vì không thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Như thế truyền giáo là loan báo tin vui
cho một thế giới buồn.
Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ giới trẻ:
“Hội Thánh ủy thác cho giới trẻ nhiệm vụ hô to lên
cho thế giới biết niềm vui vì gặp được Ðức Kitô...
Hãy đi rao giảng Tin Mừng giải thoát.
Hãy là những điều ấy với tâm hồn hân hoan.”
Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn.
Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui,
sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục Sinh.
Chỉ như thế chúng ta mời hy vọng đáp ứng
những đòi hỏi gay gắt của thế giới
đang bước vào đệ tam thiên niên kỷ.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Đức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG MƯỜI
Bảo Vệ Phẩm Giá Của Mọi Con Người
Có lần tôi đã nói trong sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình: “Con đường đúng đắn để xây dựng một thế giới hiệp thông huynh đệ, một thế giới mà công lý và hòa bình sẽ ngự trị khắp mọi nơi, cho mọi dân tộc … đó là con đường liên đới, con đường của đối thoại và của tình huynh đệ đại đồng. Chỉ có con đường đó mà thôi.”
Ý thức liên đới phải vượt thắng mọi cám dỗ khép kín lòng mình. Ý thức ấy thúc đẩy người ta biết kính trọng những truyền thống văn hóa và luân lý của mọi dân tộc. Nó giúp các truyền thống gặp gỡ nhau, cảm thông và trân trọng nhau. Sự liên đới mà xã hội hiện đại cần có chắc chắn không phải là những câu khẩu hiệu mơ hồ sáo rỗng, nhưng phải là sự liên đới cụ thể trong tinh thần tôn trọng giá trị của sự sống, của mọi sự sống. Bởi vì nơi mỗi hiện hữu con người đều có phản ảnh sự hiện hữu của chính Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có lòng bao dung mà thôi thì không đủ, thái độ thuần túy cam chịu càng không đủ. Sự chấp nhận mọi sự như hiện trạng của nó cũng không đủ. Điều cần thiết là phải có một thái độ dấn thân tích cực để tôn trọng và bảo vệ phẩm giá và quyền của mọi con người, trong bối cảnh là chính căn tính văn hóa của họ.
Thái độ dấn thân tích cực ấy sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những điều ích lợi cho người khác, xây dựng những mối liên hệ mới, đem lại niềm hy vọng mới, hăng say phụng sự cho hòa bình. Chỉ khi hiểu biết và thông cảm nhau, chúng ta mới có thể giải quyết các xung đột và điều chỉnh những bất công. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra triển vọng thật sự về mối liên đới trong tự do và hy vọng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra con đường hòa điệu giữa các dân tộc – sự hòa điệu này là điều kiện không thể thiếu cho một nền hòa bình đích thực.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu

Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau. Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm, lại thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.
Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung động trước dạ trung kiên của người thiếu phụ Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu, chúng ta không khỏi không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Dù núi dời, dù đồi chuyển, dù con người có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn luôn chung thủy trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương của Chúa, chúng ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và là tất cả của cuộc sống.
Lẽ Sống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét