29/10/2017
Chúa Nhật 30 thường niên năm A.
(phần I)
Bài Ðọc I: Xh 22, 21-27
"Nếu các ngươi
hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi".
Trích sách Xuất Hành.
Ðây Chúa phán:
"Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng
là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ.
Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe
tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các
ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.
"Nếu ngươi cho
người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối
thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi
nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi
mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc
để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Ðấng thương
xót".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a.
3bc-4. 47 và 51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Xướng: 1) Lạy Chúa là
dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh. -
Ðáp.
2) Lạy Chúa là Thiên
Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức
hộ phù con. Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi
tay quân thù. - Ðáp.
3) Chúa hằng sống,
chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban
cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
- Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Tx 1,
5c-10
"Anh em đã bỏ
tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của Người".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, khi
chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và
anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa
bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực
cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.
Vì từ nơi anh em, lời
Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi;
lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn
nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế
nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên
Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, "Ðấng
mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại", là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát
chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! -
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 34-40
"Ngươi hãy yêu
mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, những người biệt
phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau
lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy,
trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu phán cùng
người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết
linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới
răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính
mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới
răn đó".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Thời Xưa Ðã
Có Nhân Ðạo
Mọi người đều biết,
các giới răn của đạo ta quy về hai việc mến Chúa và yêu người. Nhưng muốn biết
phải mến Chúa thế nào và yêu người làm sao thì phải dựa vào Thánh Kinh. Những
bài đọc Thánh Kinh hôm nay cũng nói về hai điều đó. Tuy là những bài viết ở những
thời đại khác nhau và đã xưa rồi; nhưng suy nghĩ, chúng ta càng nhận thấy tính
cách trường cửu của Lời Chúa.
Bài sách Xuất hành đưa
chúng ta trở về thời Cựu Ước xa xưa. Chúng ta sẽ ngạc nhiên về tính cách nhân đạo
của nếp sống đạo đức thời bấy giờ. Và chúng ta sẽ hiểu bối cảnh của bài Tin Mừng
hơn để nhận ra uy tín của Ðức Kitô khi khẳng định về luật mến Chúa yêu người.
Cuối cùng thư Phaolô sẽ cho chúng ta thấy gương sáng của một giáo đoàn biết đón
nhận và thi hành Lời Chúa.
A. Trước Hết, Thời Xưa
Ðã Có Nhân Ðạo
Chúng ta thường nghĩ rằng
ngày xưa người ta chỉ biết lấy mắt trả mắt, răng đền răng. Hơn nữa chúng ta còn
dám so sánh và cho rằng ở những thời đại xa xưa của Abraham, Môsê và Ðavít, người
ta chỉ cư xử với nhau bằng luật rừng, chứ không thể cư xử với nhau theo tình
bác ái. Bài sách Xuất hành hôm nay khiến chúng ta phải dè dặt hơn.
Dĩ nhiên đây không phải
là những luật đã được ban bố vào thời Xuất hành. Người ta quen lấy những luật ở
những thời đại về sau đem cắm vào những thời đại trước và đặt nơi môi miệng của
nhà luật pháp trứ danh là Môsê để chúng được thêm uy tín. Tuy nhiên chúng vẫn
căn cứ vào biến cố Xuất hành như ta thấy ở ngay câu đầu tiên trong bài đọc hôm
nay.
Chúa truyền cho dân:
"Khách cư ngụ, ngươi không được ngược đãi và áp bức nó, vì các ngươi đã là
khách cư ngụ ở đất Aicập". Và Người dạy không được ức hiếp mẹ góa con côi,
kẻo nó kêu lên Người thì khí nộ Người bốc lên làm cho người ta rơi vào cảnh vợ
góa con côi.
Chúng ta thử đặt các lệnh
truyền này vào thời đại của chúng cách đây ít nhất cũng phải gần 3,000 năm. Ðó
không phải là nhân đạo và văn minh sao? Nhất là luật tiếp theo. Phải cho vay mà
không được lấy lãi. Ðược giữ vật thế chân để tránh sự lạm dụng, nhưng những đồ
cầm đó phải trả lại trước khi mặt trời lặn, kẻo đêm lạnh người nghèo không có áo
làm mền.
Thật, ngày xưa đã có
những luật không cho phép người ta bóc lột nhau. Nhưng ở đây không phải chỉ có
vấn đề nhân đạo, mà còn có cơ sở đạo đức. Chúa dạy dân phải giữ các lệnh truyền
bác ái, không phải vì mọi người là đồng loại, hoặc vì phải nhớ lại hồi trước
dân đã từng là nạn nhân của nhiều sự bóc lột, nhưng nhất là vì Thiên Chúa là Ðấng
lân tuất. Người luôn luôn xót thương và bênh vực những kẻ khó nghèo và yếu thế.
Người chống lại bóc lột. Người đòi cho mọi người được bình đẳng vì tất cả đều
là hình ảnh của Người. Người ta muốn đẹp lòng Người thì phải săn sóc đến tha
nhân. Người không tách rời lòng đạo đức và tình đồng loại. Người không đồng hóa
hai vấn đề mến Chúa và yêu người; nhưng Người chỉ chấp nhận những lòng mến Chúa
đồng thời cũng thương người.
Ý định của Thiên Chúa
thì rõ rệt như vậy; nhưng thường khi người ta lại không thi hành. Ngay ở trong
Dân Chúa, bất công xã hội và bóc lột những kẻ yếu hèn là chuyện không hiếm hoi.
Các tiên tri của Chúa phản ứng mạnh mẽ, nhưng cho đến thời Chúa Yêsu vẫn còn có
những khuynh hướng pháp luật muốn tách rời hai nhiệm vụ mến Chúa và yêu người.
Thậm chí người ta còn muốn căn cứ vào lòng mến Chúa để coi nhẹ bổn phận thương
người. Ðọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta sẽ thấy như vậy.
B. Cả Hai Giới Răn Ðều
Quan Trọng
Mở đầu, thánh Matthêô
đã cho chúng ta thấy bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Ðức Yêsu. Người theo Biệt
phái, kẻ theo Sađốc phái. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ gặp nạn.
Từ lãnh vực chính trị xã hội, cuộc tranh chấp lan sang phạm vi tôn giáo. Luật
pháp có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm. Nhưng khoản nào trọng
hơn khoản nào và khoản nào quan trọng hơn hết? Ðó là vấn đề sôi bỏng. Tùy theo
người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, về Ðền thờ hay về đền vua, mà người ta
có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay Sađốc phái, thái độ dè dặt hay hợp
tác với ngoại bang. Ai cũng muốn tranh thủ người khác về phe mình. Người ta muốn
biết ý kiến của Ðức Yêsu. Lập trường của Người rất quan trọng, vì dân chúng sẽ
tùy đó mà biểu lộ cảm tình với phe nào. Nhưng tuyên bố lập trường ấy ra cũng thật
nguy hiểm cho Người. Phe đối địch sẽ có thêm chứng cớ để tiêu diệt Người.
Tuy nhiên đó chỉ là những
suy tính của người ta. Ðã nhiều lần họ gài bẫy Người. Nhưng chẳng có lần nào họ
đã thành công. Hôm nay cũng vậy. Ðược hỏi ý kiến về giới răn trọng nhất. Người
trả lời như hết mọi người Dothái đạo đức: Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, và hết lòng trí ngươi. Ðó là câu
trong sách Thứ luật (6,5), là kinh nguyện hằng ngày của Dân Chúa. Nhưng Ðức
Yêsu không dừng lại ở đó. Người còn nói tiếp: Ðó là giới răn thứ nhất. Thứ đến
cũng quan trọng như vậy, là ngươi phải thương đồng loại như chính mình. Người
không đồng hóa hai việc mên Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và có
thứ tự trước sau, nhưng quan trọng như nhau; và vì thế không được sao nhãng nhiệm
vụ nào. Nét độc đáo trong câu trả lời tức là lập trường của Ðức Kitô là ở chỗ
đó. Người ta vẫn nói phải mến Chúa và thương người, phải có thiên đạo và nhân đạo.
Nhưng thông thường người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ rời nhau, những bổn phận
không liên lạc gì với nhau. Người ta có thể mến Chúa trong Ðền thờ và không
thương người ngoài xã hội hoặc thương người nơi xã hội nhưng lại không mến Chúa
trong Ðền thờ. Nhất là người ta quen coi thương người là thứ yếu sánh với nhiệm
vụ phải mến Chúa.
Ðối với Ðức Kitô thì
không được như vậy. Phải thương người cũng như mến Chúa. Ưu tiên là mến Chúa
nhưng đồng thời cũng phải thương người. Sau này thánh Yoan sẽ giải thích: không
thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình (1Yn 4,20). Và khi
dạy phải thương người như chính mình, Ðức Yêsu không có ý bảo phải thương mình
trước, hay cũng phải thương cả tha nhân nữa. Câu nói của Người có nghĩa rằng:
phải thương người hết mình như đã mến Chúa hết linh hồn.
Cuối cùng một nét độc
đáo nữa trong câu trả lời của Ðức Yêsu là: tất cả Luật pháp và Tiên tri đều quy
về hai giới răn mến Chúa và yêu người ấy. Và như vậy, không những tất cả 613
khoản luật, mà toàn thể mọi lời giáo huấn đều nhằm phát triển lòng mến Chúa và
yêu người.
Vấn đề tranh chấp xưa
nay giữa các phe nhóm đã được giải quyết. Chẳng phe nào thắng nhưng nhóm nào
cũng phải nỗ lực hơn để giữ trọn Lề luật. Nói đúng ra phe nhóm nào cũng đã lầm
lạc. Khi đã không coi trọng hai nhiệm vụ mến Chúa và thương người như nhau, người
ta đã làm mất quân bình, gây ra lệch lạc trong đời sống. Ðức Yêsu đã mang ơn cứu
độ đến. Ai đón nhận thì phải mến Chúa nhưng đồng thời cũng phải thương người.
Thái độ đó, một phần nào chúng ta có thể nhìn thấy nơi giáo đoàn Thessalônikê của
thánh Phaolô, mà bài thư hôm nay như muốn nói lên.
C. Một Gương Thực Hành
Có thể nói đây là những
đoạn văn đầu tiên của bộ sách Tân Ước. Phaolô đã viết bức thư này trước hết vào
khoảng năm 51, tại nhà Aquila sau khi Timôthê đã mang mực và da thuộc đến. Lần
đầu tiên biên thư cho một giáo đoàn, nên Phaolô có một thái độ trịnh trọng đạo
đức, và hầu như phụng vụ nữa.
Người tạ ơn Chúa vì sự
sống đạo nơi giáo đoàn ấy. Giáo đoàn Thessalônikê vừa bắt chước Chúa vừa bắt
chước các Tông đồ. Họ sống kết hợp với Chúa nhưng cũng kết hợp với các Tông đồ
vì họ đã thấy các Tông đồ đến lo việc của Chúa ở nơi họ nhưng đồng thời đã tỏ
ra đầy tinh thần phục vụ họ. Mến Chúa và yêu người không phải là hai phận sự
tách biệt, nhưng cũng quan trọng như nhau và phải tiến hành đồng đều. Chính vì
vậy mà tiếng tăm của giáo đoàn này đã bay đi khắp nơi và Thessalônikê đã trở
thành giáo đoàn gương mẫu. Mọi nơi đều ca ngợi họ về hai điểm: đón nhận Lời
Chúa cũng như đón nhận các Tông đồ. Họ vừa mến Chúa vừa thương người, vừa kết hợp
với Chúa vừa hiệp nhất với nhau.
Cảm động và chân thật
hơn nữa là thái độ đón nhận này quả thật rất siêu nhiên, vì là đón nhận giữa
bao nỗi gian truân, nhưng lại hoan hỷ trong Thánh Thần. Ðiều này làm chứng Tin Mừng
mà Phaolô đem đến không phải là lời của loài người nhưng là Lời của Thiên Chúa.
Dân Thessalônikê đón nhận không phải vì thấy đó là lời lẽ khôn ngoan xác thịt,
nhưng là Lời có sức mạnh của Thần Khí. Họ phải lướt thắng nhiều khó khăn để đón
nhận và đón nhận vui vẻ. Thế nên họ thật đã tham dự vào mầu nhiệm tử nạn phục
sinh của Chúa. Họ đã lãnh nhận được chính ơn cứu độ của mầu nhiệm thập giá.
Phaolô đánh giá việc họ đón nhận là việc bắt chước Chúa Yêsu và các Tông đồ; bởi
vì khi đón nhận Lời Chúa trong gian truân mà vui vẻ thì rõ ràng người ta đã bắt
chước các Tông đồ trong việc dạn dĩ rao giảng Lời Chúa giữa ngăn cấm và đe dọa.
Nói cách khác, lòng mến Chúa và thương người nơi giáo đoàn Thessalônikê không
theo lẽ thế gian nhưng tựa vào sức mạnh của Thánh Thần. Ðó là nếp sống đạo chân
thật vì hoàn toàn siêu nhiên. Phaolô có lý do để hãnh diện vì nếp sống đạo ấy.
Người tạ ơn Chúa thật là phải lẽ. Và người không nói sai khi tuyên bố đó là nếp
sống phải trở nên gương mẫu cho mọi giáo đoàn.
Chúng ta nghĩ sao về các
lời Kinh Thánh ấy? Chúng ta đã thâm tín tất cả Luật pháp và Tiên tri đều quy về
hai giới răn mến Chúa và yêu người. Ðó vẫn là hai việc khác nhau: không thể coi
mến Chúa là thương người; và cũng không được coi thương người là mến Chúa.
Nhưng đó là hai việc quan trọng như nhau; phải thi hành cả hai, phải quý cả hai
như một; phải kết hiệp với Chúa và đồng thời cũng phải hợp nhất với mọi người.
Giáo xứ chúng ta có được
như giáo đoàn Thessalônikê không? Gặp gian truân, khó khăn, chúng ta có "bắt
chước" Chúa và các Tông đồ không? Có giữ đạo và đời không? Có vừa làm tốt
đời và đẹp đạo không? Biết đâu những lời trong bài sách Xuất hành không đang
còn có giá trị khẩn trương? Chung quanh chúng ta có những đồng bào mới đến. Những
anh chị em ấy có được lập tức đón nhận như đồng bào ruột thịt không? Những cảnh
mẹ góa con côi cũng không hiếm ở giữa chúng ta. Và chắc chắn nhiều người đang
lâm cảnh vay mượn và cần giúp đỡ. Lòng nhân đạo khi gặp khó khăn có vươn lên được
nhờ sự giúp đỡ của đức tin không?
Các tín hữu ở Thessalônikê
đã nhờ việc "bắt chước" Ðức Kitô mà có một nếp sống đạo chân thực và
tốt đẹp. Giờ đây, Ðức Kitô đến hiện diện trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh nơi
bàn thờ. Chúng ta muốn tham dự vào mầu nhiệm của Người. Nhưng việc tham dự này
chỉ chân thật khi chúng ta quyết tâm bắt chước cuộc đời của Ðức Kitô. Chúng ta
sẽ làm chứng mình đã tham dự thánh lễ chân thật, nếu sau khi về nhà, chúng ta sẽ
sống tốt cả hai nhiệm vụ mến Chúa và yêu người. Chúng ta sẽ là Kitô hữu tốt khi
chu toàn các bổn phận đối với cả đạo và đời. Xin Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Exo
22:20-26; I Thes 1:5-10; Mt 22:34-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mến
Chúa Yêu Người
- Có quá nhiều lựa chọn
hay phải giữ quá nhiều luật lệ làm chúng ta dễ bị hoang mang lẫn lộn. Chúng ta
không biết phải lựa chọn làm sao, không biết phân biệt cái gì chính yếu, cái gì
phụ thuộc. Thật là hữu ích khi có người biết rành rẽ lựa chọn hay chỉ cho chúng
ta những điều chính yếu và làm sao để thi hành những điều chính yếu đó.
- Trong Phúc Âm hôm
nay, Chúa tóm gọn Lề Luật trong hai giới răn, và gọn hơn nữa trong 4 chữ: Mến
Chúa Yêu Người.
- Trong Bài đọc I,
Sách Xuất Hành dạy cho chúng ta những bài học cụ thể phải yêu người làm sao qua
những gì chúng ta phải làm cho khách ngọai kiều, cô nhi quả phụ, và những người
nghèo.
- Trong Bài đọc II,
Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy cách phải dạy “Mến Chúa Yêu Người” làm sao
cho có hiệu quả.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa yêu thương kẻ khốn cùng.
Tại sao Chúa dạy con
người phải yêu thương người cùng khổ? Câu trả lời đơn giản là vì họ cũng là con
của Thiên Chúa; bổn phận của Cha là phải che chở và bảo vệ con cái mình. Hơn nữa,
mọi người đều là con Thiên Chúa; và vì thế, mọi người đều là anh chị em với
nhau trong gia đình Thiên Chúa. Sách Xuất Hành cho chúng ta những ví dụ cụ thể
phải yêu người làm sao:
(1) Khách ngoại kiều:
là những người đến từ các nước khác, không phải là dân bản xứ. Ví dụ, người Việt
Nam cư ngụ tại Canada hay Hoa-Kỳ. Khách ngọai kiều phải chịu rất nhiều thiệt
thòi về ngôn ngữ, tài chánh, quyền lợi … Chúa dạy: “Các ngươi không được ngược
đãi và áp bức họ, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-Cập.” Người Việt-Nam
chúng ta cũng là dân di cư như những người Do-Thái, chúng ta biết phải khổ cực
thế nào trong những ngày tháng đầu tiên tỵ nạn nơi đất khách quê người. Vì thế,
chúng ta không được kỳ thị những người tới sau hay những khách ngọai kiều khác.
Chúng ta có bổn phận phải giúp họ ổn định cuộc sống vì chúng ta cũng đã được
giúp đỡ để ổn định.
(2) Mẹ goá con côi: là
những người vợ không có chồng và những đứa con không có cha. Những người này phải
chịu rất nhiều thiệt hại: Người vợ góa phải chu tòan 2 bổn phận của mẹ và của
cha, vừa phải làm việc kiếm tiền vừa phải lo lắng mọi sự trong gia đình. Đứa
con côi cũng phải chịu thiệt hại không kém, lẽ ra phải được hưởng tình yêu và sự
săn sóc của cả cha lẫn mẹ, giờ đây chúng chỉ còn người mẹ phải bươn chải kiếm
ăn, không còn thời giờ nhiều để dạy dỗ chúng. Đó là lý do tại sao Chúa dạy:
“Các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ
nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các
ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi
cút.”
(3) Người nghèo: là những
người không có đủ tiền để sinh sống, không có nhà để ở, không có lương thực để
ăn … Thái độ chúng ta cần tránh khi giúp đỡ người nghèo là kết tội họ lười biếng
không chịu làm việc, và lấy tiền xin được đi hút hay say xỉn. Chúng ta phải hiểu
rằng nếu là một người bình thường, không ai thích phải ăn xin hay vô gia cư;
nhưng cuộc sống có nhiều bất ngờ mà họ phải rơi vào tình trạng đó. Vì thế, bổn
phận của chúng ta là giúp đỡ họ, còn họ dùng tiền của chúng ta vào việc gì,
chúng ta không có quyền phán đóan. Sách Xuất Hành dạy cho chúng ta ít điều cụ
thể để giúp người lâm cảnh túng thiếu:
- “Nếu ngươi cho một
người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được
xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.” Khi người nghèo phải đi vay nợ
để sinh sống là họ đã hết tiền; nếu chúng ta bắt họ phải trả lời thì họ lấy đâu
mà trả. Nếu họ trả được vốn là họ đã cố gắng lắm rồi.
- “Nếu ngươi giữ áo
choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt
trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó
mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.” Cầm đồ để mượn tiền là phương
thế rất phổ thông xưa cũng như nay. Nếu cầm những đồ không phải dùng hằng ngày
thì chủ nợ có quyền giữ đồ cầm; nhưng nếu là những đồ phải dùng hằng ngày như
áo chòang để che thân cho ấm để ngủ, chủ nợ phải trả lại cho người cầm đồ trước
khi mặt trời lặn.
2/ Bài đọc II: Lòng mến Chúa và yêu người của các tín hữu Thessalonica
2.1/ Thánh Phaolô dạy và
làm gương cho các tín hữu Thessalonica: Không
ai có thể cho cái mình không có. Trước khi đi rao giảng cho dân thành
Thessalonica, Thánh Phaolô đã được thấm nhuần đạo lý của Tin Mừng và tình yêu của
Thiên Chúa đến độ ngài ao ước cho tất cả mọi người cũng được hiểu biết Tin Mừng
và có được tình yêu Thiên Chúa như ngài. Ngài tâm sự với các tín hữu: “Khi
chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi
nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết,
khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.”
Để thành công trong việc
rao giảng, Thánh Phaolô nói không phải chỉ bằng lời, nhưng còn có quyền năng của
Thánh Thần, và sự xác tín sâu xa của người rao giảng biểu lộ qua cách sống.
Chính những điều này đã để lại ấn tượng sâu xa trên người nghe và giúp họ hóan
cải và tin vào Tin Mừng: “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi
gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh
Thần ban.”
2.2/ Các tín hữu làm
gương cho mọi người bằng cuộc sống mến Chúa yêu người: Những lời giảng dạy và cuộc sống nhân chứng của Thánh
Phaolô đã hóan cải các tín hữu Thessalonica và đào tạo họ trở nên những chứng
nhân sống động cho người khác. Thánh Phaolô nhận định: “Anh em đã nên gương cho
mọi tín hữu ở miền Macêđônia và miền Akaia. Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã
vang ra, không những ở Macêđônia và Akaia, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết
lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm
nữa.”
Rao giảng Tin Mừng
không phải là để cho đi một số những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng là để cho
đi cả một niềm tin và tình yêu của người rao giảng. Phải làm sao để những gì đã
họat động nơi người rao giảng cũng sẽ họat động nơi người nghe; để giúp họ tiếp
tục rao giảng và làm chứng nhân sống động cho Tin Mừng. Điều này đã được thể hiện
sống động nơi Thánh Phaolô và các tín hữu của ngài: “Khi nói với chúng tôi, người
ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng
mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa
thật.”
3/ Phúc Âm: Mến Chúa Yêu Người là 2 giới răn quan trọng nhất.
3.1/ Điều răn nào là điều
răn trọng nhất? Khi nghe tin Đức Giêsu đã
làm cho nhóm Sa-đốc phải câm miệng, những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một
người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong
sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp:
(1) Mến Chúa (Dt 6:5):
“ Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và
hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” Người
Do-Thái không xa lạ gì với câu trả lời này, vì đi chỗ nào họ cũng nhìn thấy câu
này: thẻ kinh họ đeo trên trán hay đeo trên hai tay, trên cửa ra vào, là những
lời dạy dỗ đầu tiên và liên tục nhắc nhở cho con cái. Vấn đề Chúa đặt ra không ở
chỗ họ có biết hay không, nhưng ở chỗ họ thể hiện tình yêu Chúa thế nào trong
cuộc sống!
(2) Yêu người (Lv
19:18): “ Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người
thân cận như chính mình.” Điều răn thứ hai cũng đã được ghi chép trong Sách
Levi 19:18. Cái sáng tạo của Chúa Giêsu là lấy hai giới răn đã được ghi chép ở
hai nơi, Levi và Đệ Nhị Luật, đưa về một nơi và tuyên bố là hai giới răn quan
trọng nhất. Cũng như giới răn thứ nhất, vấn đề Chúa đặt ra không ở chỗ họ có biết
hay không, nhưng ở chỗ họ thể hiện tình yêu Chúa thế nào trong cuộc sống!
Và Chúa kết luận: “Tất
cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” Chúng ta
có thể thêm vào mà không sợ sai: các Sách Tân Ước cũng đều tùy thuộc vào 2 điều
răn này. Một khi con người đã thấu hiểu tình yêu Thiên Chúa qua những gì Ngài
đã làm cho con người, và loan truyền tình yêu này cho tha nhân qua việc rao giảng
Tin Mừng và qua chính cuộc sống chứng nhân, họ đã đắc đạo và không thiếu gì nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mến Chúa Yêu Người
phải trở nên cái địa bàn cho mỗi người chúng ta trong khu rừng của thế giới với
bao nhiêu cám dỗ và học thuyết làm cho con người lẫn lộn.
- Mến Chúa Yêu Người
không phải là lý thuyết xuông hay những lời chóp lưỡi đầu môi, nhưng phải biểu
lộ qua lời rao giảng và cuộc sống chứng nhân. Trong khi rao giảng Tin Mừng,
chúng ta phải làm sao để những gì đã họat động nơi chúng ta cũng sẽ họat động
nơi người khác.
- Mến Chúa Yêu Người
phải được biểu lộ cách cụ thể nơi những khách ngọai kiều, nơi mẹ góa con côi,
và nơi những người nghèo không có phương tiện sinh sống.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
29/10/2017 - CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – A
Mt 22,34-40
CHỈ MỘT GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG
Chúa Giê-su đáp:
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết
trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ
hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”
(Mt 22,37-39)
Suy niệm: Nếu đã tin Đức
Chúa là Thiên Chúa thì cũng dễ chấp nhận rằng yêu mến Người trên hết mọi sự là
điều phải lẽ. Mặt khác, đạo lý “thương người như thể thương thân” không xa lạ
gì với đạo làm người, cách riêng đối với dân tộc Việt Nam. Chúa Giê-su cũng dạy
như thế. Nhưng điểm đặc biệt nơi giáo huấn của Ngài là Ngài đã nhập hai điều
răn ấy thành một: hễ mến Chúa thì cũng phải yêu người, nếu không chỉ là nói dối
(x. 1 Ga 4,20-21).
Mời Bạn: Phải chăng, để làm môn đệ chân chính của Thầy Giê-su, đây là thách đố
lớn nhất cho chúng ta? Làm sao có thể nhìn thấy Chúa nơi người khác để yêu
thương khi họ thật khó thương? Khi họ đang gây ra cho mình biết bao điều khó chịu?
Khi họ khinh bỉ, cư xử lạnh nhạt với mình? Khi họ vu khống, mạ lỵ, áp bức mình
cách bất công? Bạn ơi, bí quyết để yêu người như chính mình là yêu người như
Chúa yêu ta: Nếu như Chúa Cha yêu thương chúng ta khi Ngài nhìn chúng ta qua
khuôn mặt Người Con Chí Ái chịu khổ nạn, thì chúng ta cũng phải nhìn người khác
để yêu thương họ nơi dung mạo đau khổ của Đức Kitô chịu đóng đinh.
Sống Lời Chúa: Tìm ra một điểm đáng yêu, một lý do để yêu thương nơi người
mà bạn cảm thấy khó thương nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng
mến, trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét. Xin cho con biết yêu thương
mọi người ngay cả kẻ thù khi con chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh vì yêu họ.
(5 Phút Lời Chúa)
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT (29.10.2017 – Chúa nhật 30 Thường niên, Năm A)
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu. Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Suy niệm:
Theo truyền thống hội
đường Do thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248
điều phải làm.
Giữa một rừng điều răn
như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất
trong Luật Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng
một câu trong kinh Shema,
kinh mà người Do thái
phải đọc mỗi ngày.
“Ngươi phải yêu
mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim
ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều
răn thứ hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu
mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm
trong hai điều răn đó.
Hai điều răn được gói
trong một động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi
điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn trẻ thường nghĩ
yêu là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái
tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả
con người mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do thái,
trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng
tất cả trái tim của mình
là để cho Ngài chi phối
mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho
Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người thân cận như
chính mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta
đau khổ và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng
họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ
coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước
nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như
phương tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa
hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và
chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu đã tóm Luật
Môsê trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện
Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu
mến Thiên Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến
Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên
những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang
mối tình sâu đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và
hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên xưng
như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ
đòi yêu tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu
như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến
vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như
người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là
người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với
Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em
lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa
giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn
màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa
cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn
màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI
Để Thế Gian Tin Rằng
Cha Đã Sai Con …
Sự hiệp nhất giữa các
môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa,
nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới
này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng
ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ
tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai
con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để
họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các
Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của
việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ
không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo
có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức
Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể
được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua
chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng
ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân
huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm
đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm
thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự
hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy
dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa
Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc
gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái:
Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những
định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số
yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới
phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29-10
Chúa Nhật XXX Thường
niên
Xh 22, 20-26; 1Tx
1, 5c-10; Mt 22, 34-40.
Lời suy niệm: “Thưa Thầy, trong
Sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”
Với người Do-thái đặc
biệt đối với những người Pharisêu và người Thông Luật họ có 613 điều luật,
trong đó 365 điều cấm làm, và 248 điều phải làm, gây cho họ hoang mang không biết
điều nào quan trọng nhất. Đứng trước một rừng Luật này họ đã đến trước là để thử
Chúa Giêsu. Nhưng với Chúa Giêsu, vì Người yêu thương, và vì những người sau
này như chúng ta hôm nay. Chúa đã dạy một cách rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.”
và Người còn cho biết thêm: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là
ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các Sách ngôn
sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau như Chúa đã yêu
thương chúng con.
Mạnh Phương
29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T.
(nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết
về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng
tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có
lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo
hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ triết thuyết và mọi lẽ khôn
ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về
những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng
ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.
- Ông Giêsu Kitô là
ai?
Một người Kitô sẽ
trả lời:
- Ông là một người
Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên
tri để cứu thoát trần thế.
- Thế nhưng họ đã
làm gì với ông ta?
- Thưa, họ đã đóng
đinh ông vào thập tự.
Và một người trong
cuộc đối thoại sẽ thêm:
- Phải, có lẽ ông
ta đã không đến đúng lúc. Giả như ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ
khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh
đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc,
ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác
có lẽ sẽ phản đối:
- Tôi không đồng ý.
Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối
thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:
- Vậy thì các ông
là những quái vật.
Có lẽ giống người của
chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến
để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ
đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn
vào các giống vật đang chia rẽ sự sống với chúng ta trên mặt đất này.
Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng
chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta
thì sao?
Nhưng thập giá của Ðức
Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một
thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình
Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên
người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như
để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu thánh giá
chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của
Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những
người xung quanh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét