25/10/2017
Thứ Tư tuần 29 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm
6, 12-18
"Anh em hãy hiến
thân cho Thiên Chúa như những người từ cõi chết sống lại".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nguyện
cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em phải
vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi thể anh em làm
khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như
những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm
khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không còn bá
chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ
ân sủng.
Thế nghĩa là gì? Nào
chúng ta cứ phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế
độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết rằng: hễ anh em hiến
thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó
sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời
để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ
của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho
anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã
được nhận vào phục vụ đức công chính.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 123, 1-3.
4-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Nếu như Chúa
không che chở chúng tôi, - Israel hãy xướng (lên) - nếu như Chúa không che chở
chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống
chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi. - Ðáp.
2) Bấy giờ nước cả đã
lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng
đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không để chúng tôi nên mồi
trao đưa vào răng chúng. - Ðáp.
3) Hồn chúng tôi như
cánh chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt
gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng
tạo thành trời đất! - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu
trong luật Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 39-48
"Người ta đã
ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà
biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho
nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng:
"Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?"
Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ
đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc
cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ
sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong
lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống
say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết,
chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ
nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì
sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng
phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy
nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tỉnh
Thức Trong Phục Vụ
Danh họa Ý Leonard
de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao,
chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ
trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì
chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết
mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận
cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi
ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.
Số phận của những người
chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây.
Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ đã đạp
đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.
Trong Tin Mừng, Chúa
Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng
tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh
các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng
Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho
thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều
quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn
quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người
Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô
là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các
môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô,
chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với
phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại
khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ.
Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng
nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi
nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ;
tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích
thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ,
và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận".
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 29 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Rom
6:12-18, 20b-21; Lk 12:39-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết thế nào,
phải sống như vậy.
Các Bài Đọc hôm nay
chú trọng đến việc thực hành những gì con người đã biết, để giúp con người sinh
ích lợi trong đời sống. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô chú trọng đặc biệt đến
hai tình trạng của con người trước và sau khi đón nhận Đức Kitô. Ngài khuyên
các tín hữu phải biết sống thích hợp với ân sủng mà Đức Kitô đã mang lại cho
các tín hữu qua Cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Nếu cứ dìm
mình trong tội như trong quá khứ, con người sẽ không được cứu độ. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu cũng đề phòng các tông-đồ: Các ông phải sống như những người quản
gia trung tín trong việc phân phát Mầu Nhiệm Cứu Độ; nếu không, các ông sẽ bị
trừng phạt nặng nề hơn những người không biết, khi Chúa trở lại để phán xét.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em là nô lệ cho người mà anh em vâng phục.
1.1/ Người tín hữu phải
đoạn tuyệt với tội lỗi: "Vậy tội lỗi đừng
có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những
dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều
bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ
cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của
anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa."
(1) Tình trạng pháp lý
của con người trước khi có và sau khi có Đức Kitô: Trước khi có Đức Kitô, con
người hoàn toàn sống dưới Lề Luật, và làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Con người
không có sức để thoát ra khỏi sự nô lệ này. Khi Đức Kitô đến, Ngài giải thoát
con người khỏi Lề Luật, tội lỗi, và sự chết. Con người, với sức mạnh của ơn
thánh của Đức Kitô, có thể thoát ra khỏi những nô lệ này, để được tự do sống
cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô ví tình trạng của người tín hữu cũng giống như
tình trạng của người nô lệ: khi còn sống dưới sự nô lệ của chủ, người nô lệ bị
lệ thuộc hoàn toàn vào chủ và không có cơ hội nào để thoát ra khỏi kiếp nô lệ;
nhưng khi được một người chuộc tiền để giải thoát, người nô lệ giờ đây được tự
do sống cho chính mình. Người tín hữu cũng thế, một khi được Đức Kitô giải
thoát, họ không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa; nhưng được tự do và được trang bị
để sống cho Thiên Chúa.
(2) Tình trạng nội tâm
của con người trước và sau khi có Đức Kitô: Trước khi có Đức Kitô, con người
không có một sức mạnh nào để chống lại tội lỗi ngoài sức mạnh của Lề Luật bảo cho
con người biết đó là tội, nhưng không giúp cho con người vượt thắng tội lỗi;
nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài ban ơn thánh cho con người để họ có thể vượt thắng
tội lỗi. Thánh Phaolô xác tín: "Tội lỗi không còn quyền chi đối với anh em
nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng."
Phaolô biết có người sẽ
chất vấn "Vậy thì sao? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ
thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? Không đời nào!" Thánh
Phaolô có ý nói với sự xuất hiện của Đức Kitô, tội lỗi và sự chết không có sức
mạnh toàn quyền trên con người nữa; nhưng nếu con người từ chối lối sống theo
ân sủng bằng cách cứ sống theo tội lỗi, con người sẽ không được cứu độ. Đây là
tội phạm đến Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhiều lần bàn qua.
1.2/ Hậu quả của hai lối
sống: Thánh Phaolô cắt nghĩa: ''Anh em không
biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người
mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ
phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính.''
(1) Hậu quả của lối sống
làm nô lệ cho tội lỗi: Khi còn sống dưới kiếp nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi, con
người không có sức mạnh để thoát ra khỏi tội và không có cách nào để trở nên
công chính. Hậu quả là con người phải chết như Thiên Chúa đã phán với ông
Moses, khi Ngài ban cho con người Thập Giới.
(2) Hậu quả của lối sống
theo ân sủng: Nhưng nay, với sự xuất hiện của Đức Kitô anh em được công chính
vì tin tưởng vào Ngài, được ban ân sủng để có thể sống thánh thiện, và được giải
thoát khỏi chết muôn đời.
Một điều con người cần
lưu ý là cho dù Đức Kitô đã đến để giải thoát, con người vẫn có tự do để chọn lựa
hai lối sống. Nếu cứ dìm mình trong tội, con người sẽ có nguy cơ chết trong tội
và xa lìa Thiên Chúa. Một ví dụ dẫn chứng: thuốc có thể giúp con người trị bệnh;
nhưng bệnh nhân phải kiêng cữ thì mới có thể lành bệnh được. Nếu bệnh nhân ỷ đã
có thuốc chữa, rồi cứ ăn uống bừa bãi, thuốc sẽ mất công hiệu, và bệnh sẽ trở
nên nặng nề hơn.
2/ Phúc Âm: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, sẽ bị
đòn nhiều hơn.
2.1/ Ông chủ trao cơ nghiệp
và quyền phân phát cho người quản gia: Người
quản gia là người được ông chủ chọn; tuy ông có quyền trên các đầy tớ khác
nhưng đối với chủ, ông vẫn là một đầy tớ. Nhiệm vụ của quản gia là coi sóc mọi
sự trong nhà và mọi đầy tớ khi chủ vắng mặt; trong đó có nhiệm vụ cung cấp của
ăn cho các gia nhân đúng giờ đúng lúc. Nhưng ai là quản gia trong câu truyện
Chúa muốn nói ở đây?
Bấy giờ ông Phêrô hỏi:
"Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?"
Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ sẽ
đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”
Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn ám chỉ các Tông Đồ. Các ông là những người được
Chúa Giêsu tin tưởng, huấn luyện, và sai đi để rao giảng Tin Mừng. Các ông phải
chịu trách nhiệm với Chúa về những người mà Chúa sai các ông đến để rao giảng.
Nhưng câu trả lời cũng có thể mở rộng đến các Kitô hữu vì họ cũng là những nhà
lãnh đạo trong gia đình và cộng đoàn.
2.2/ Thái độ của người quản
gia: Ông có thể rơi vào một trong 2 thái độ:
(1) Thái độ trung
thành và phần thưởng: Người quản gia trung thành là người biết chu tòan nhiệm vụ
của mình khi chủ có mặt cũng như lúc chủ vắng mặt. Vì thái độ luôn trung thành
nên không lạ khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy. Chúa Giêsu khen:
“Thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất
cả tài sản của mình.” Ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung thành
trong việc lớn.
(2) Thái độ bất trung
và hình phạt: Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về,"
và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy
sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt
phải chung số phận với những tên thất tín.
Và Chúa Giêsu tuyên
án: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý
chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt,
thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao
phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đã được Đức
Kitô thanh tẩy mọi tội lỗi và được trang bị để sống công chính; nên chúng ta cần
phải đoạn tuyệt làm nô lệ cho tội lỗi, để được tự do sống công chính.
- Đức Kitô đã dạy
chúng ta mọi điều, ngay cả cách thức chuẩn bị cho tương lai, chúng ta hãy nghe
theo những gì Ngài dạy bảo và chuẩn bị cho tương xứng. Người tín hữu đã được dạy
dỗ và cho nhiều, nếu không chịu làm theo ý Chúa, sẽ phải chịu phán xét nặng nề
hơn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
25/10/2017 - THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Lc 12,39-48
SỐNG DƯỚI CÁI NHÌN CỦA CHÚA
“Nhưng nếu người đầy
tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu ông chủ mới về’ thế rồi hắn bắt đầu đánh đập tôi trai
tớ gái và chè chén say sưa. Chủ hắn sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn
không biết, ông sẽ tống cổ hắn đi, bắt chung số phận với những tên phản bội.”
(Lc 12,39-48)
Suy niệm: Câu tục ngữ “Vắng
chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” áp dụng thật đúng vào hạng đầy tớ giả hình mà Đức
Giê-su nói ở đây. Lợi dụng sự tín nhiệm của chủ, câïy vào quyền thế, sống bê
tha truỵ lạc và hà hiếp áp bức đồng loại: chân dung tên đầy tớ bất lương ấy tưởng
rằng chỉ có trong dụ ngôn, sao lại giống hệt với đời thường đến thế! Trong thế
giới hiện nay, Thiên Chúa dường như đi vắng trước những người xưng mình là “đầy
tớ” nhưng lại thị oai tác quái với “chủ” của mình. Chỉ là quản lý mà lại tiếm
quyền, tự tung tự tác với những tài sản của chủ mình, thế mà Chúa vẫn lặng im
trước những con người như thế. Những điều Chúa Giê-su mô tả không ngờ lại mang
tính hiện thực xã hội cao như vậy.
Mời Bạn: Bạn nhớ, ở đây, sự giả dối,
tính hưởng thụ ích kỷ và cách cư xử tàn nhẫn đối với tha nhân đồng nghĩa với phản
bội: “Chủ sẽ bắt hắn chung số phận với những tên phản bội.” Và cũng nhớ rằng
Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn. Ý thức như
thế bạn sẽ trưởng thành để luôn sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa và cư xử
nhân ái với đồng loại.
Sống Lời Chúa: Luôn dâng lên Chúa một lời
nguyện tắt trước mỗi công việc để ý thức Ngài đang hiện diện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn
luôn hiện diện và đồng hành trong cuộc sống của chúng con. Xin giúp chúng con
luôn ý thức điều đó để chúng con biết sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu
thương của Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
Trung tín, khôn ngoan (25.10.2017 – Thứ tư Tuần 29 Thường niên)
Kitô hữu là những người đã biết ý Chúa, mà không làm theo, sẽ bị phạt nặng hơn những người không biết.
Suy niệm:
Kẻ trộm xưa cũng như nay
đều đến mà không báo trước,
bất ngờ khoét vách nhà
khi gia chủ còn ngủ say.
Đức Giêsu, qua một dụ
ngôn, đã dám so sánh mình với kẻ trộm,
chỉ vì Ngài giống anh ta
ở nét bất ngờ (cc. 39-40).
“Anh em hãy sẵn sàng, vì
chính giờ anh em không ngờ, Con Người sẽ đến.”
Ông chủ có thể trở về khi
trời gần sáng, lúc canh ba.
Sẵn sàng là mở cửa ngay
cho chủ, vì vẫn còn thức, còn chờ, còn đèn sáng.
Thiếu sẵn sàng là ngủ mê,
không nghe được tiếng gõ cửa.
Ngủ mê làm chủ nhà không
biết kẻ trộm đang khoét vách.
Thiếu tỉnh thức để đón
Chúa Giêsu, cũng đem lại hậu quả khôn lường.
Tỉnh thức sẵn sàng là
thái độ cần có của chủ nhà, của người lãnh đạo.
Khi Phêrô hỏi Đức Giêsu
xem dụ ngôn trên áp dụng cho ai (c. 41),
cho dân chúng hay cho
nhóm Mười Hai là những người lãnh đạo,
Ngài đã kể cho họ một dụ
ngôn khác về người quản gia.
Vì ông chủ đi vắng nên
anh được ông đặt lên coi sóc gia nhân trong nhà,
tuy anh vẫn là một đầy tớ
giữa những đầy tớ khác (c. 43).
Chính sự vắng nhà của ông
chủ đã làm lộ ra thực chất của người quản gia.
Người quản gia trung tín
sẽ chăm chỉ làm tròn bổn phận được giao.
Việc quan trọng là cấp
phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc (c. 42).
Anh này chẳng để ý gì đến
chuyện khi nào chủ mình về.
Khôn ngoan đối với anh là
làm theo đúng ý của chủ.
Anh chỉ tập trung vào
việc phục vụ những người được chủ giao phó,
và phục vụ đúng giờ.
Hẳn anh sẽ được ông chủ
khen ngợi và đặt ở một vị trí cao hơn,
nếu bất ngờ ông về mà
thấy anh đang phục vụ chăm chỉ.
Nhưng quản gia lại có thể
là một người thiếu trách nhiệm.
Thời gian ông chủ vắng
nhà cũng là thời gian anh ta có quyền.
Anh đã tận dụng quyền
hành có trong tay để áp chế các đầy tớ khác,
và sống một cuộc sống
buông thả, vô độ.
“Anh bắt đầu đánh đập các
tôi trai tớ gái, và chè chén say sưa” (c. 45).
Lý do hư hỏng của anh này
rất đơn giản.
Anh nghĩ “chủ ta còn lâu
mới về”, nên ta cứ thoải mái ăn chơi.
Anh chỉ cố làm sao khi
chủ về, chủ thấy anh đang làm việc tử tế.
Tiếc thay chủ về sớm hơn
anh nghĩ,
“vào ngày anh không ngờ,
vào giờ anh không biết” (c. 46).
Sự thật ê chề được phơi
bày không thể chối cãi.
Những đầy tớ bị anh hành
hạ và bỏ đói, những phung phí tài sản,
là bằng chứng cho sự thất
tín của anh.
Kitô hữu là những người
đã biết ý Chúa, mà không làm theo,
sẽ bị phạt nặng hơn những
người không biết.
Những nhà lãnh đạo được
trao quyền hành và trách nhiệm
cũng phải trả lời trước
mặt Chúa về cách phục vụ của mình.
Chúng ta đều sợ khi nghe
những lời này của Đức Giêsu:
“Ai được cho nhiều, sẽ bị
đòi nhiều.
Ai được giao phó nhiều sẽ
bị đòi hỏi nhiều hơn.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng ;
biết xoay xở nhưng không mưu mô ;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI
Liên Kết Với Nhau
Qua Phép Rửa
Đức Kitô đang nhắm đến
loại hiệp nhất nào? Ngài đang nói về sự hiệp nhất do Phép Rửa. Sự hiệp nhất này
được Thánh Phaolô quảng diễn trong Thư Galata: “Tất cả anh em, vì đã được thanh
tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô, và nên một trong Đức Kitô Giêsu ” (Gl
3,27-28)
Qua Phép Rửa, chúng ta
không chỉ được dìm vào trong nước mà trước hết đó là được dìm vào trong cái chết
cứu chuộc của Đức Kitô. Và cũng như cái chết của Đức Kitô đánh dấu sự bắt đầu của
cuộc sống mới như được vén mở nơi cuộc Phục Sinh, thì việc chúng ta được dìm
trong nước của bí tích Phép Rửa cũng đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc sống mới.
Sự sống mới ấy chính
là sự sống do ân sủng, cùng một sự sống như được biểu hiện nơi cuộc Phục Sinh của
Đức Kitô. Đây chính là sự sống của Đức Kitô được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta
trong Chúa Thánh thần.
Sự sống đầy sức cứu độ
này chỉ có một mà thôi. Sự sống ấy hiện diện nơi tất cả những ai lãnh nhận Phép
Rửa. Đó là lý do tại sao bất cứ ai lãnh nhận Phép Rửa đều nên một trong Đức
Kitô. Phép Rửa vừa diễn tả vừa đạt được tiếng gọi hiệp nhất đối với mọi Kitôhữu.
Đó cũng là tiếng gọi hiệp nhất trong nhiệm thể Giáo Hội duy nhất, nhờ Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 25-10
Rm 6, 12-18; Lc 12,
39-48.
Lời suy niệm: “Hễ ai đã được
cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều
hơn.”
Lời Chúa Giêsu đang nhắc
nhở về bổn phận và trách nhiệm mỗi người chúng ta khi đã lãnh nhận ân sủng của
Chúa, đẻ đáp ứng những đòi hỏi sau này khi gặp lại Chúa. Nên trong cuộc sống của
mỗi người chúng ta cần phải suy xét về tất cả những gì mình đang được, đang có
là do bởi ơn Chúa ban, chứ không phải do sự khôn ngoan thông minh mà có, để
luôn biết tạ ơn và biết chia sẻ cho người anh em cũng như để biết hy sinh và phục
vụ trong yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mỗi người chúng con nhận ra ân sủng Chúa ban cho hằng ngày và trong mọi lúc
để chúng con chu toàn bổn phận và trách nhiệm khi cọng tác với nhau trong khi
thực hiện đức bác ái.
Mạnh Phương
25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
Trong một tập thơ
mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để sống", Ðức Cha Helder Camera, vị
giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu
chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày
tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi
chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: "Có chứ!... Màn là
trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu".
Do những đòi hỏi của
trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: "Thế thì những lúc mưa gió, chú trú
ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời: "Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi
không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười
đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà...". Và nó
cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi:
liệu ngươi không chết sao?".
Tôi cứ nài nỉ để
chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt... Chú sáo lại được
dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: "Ông không biết là loài sáo
chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?".
Lần kia, tôi hỏi
chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả
lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và
tôi hót".
Một lúc nào đó, tôi
có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và
chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.
Qua câu chuyện ngụ
ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm
trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ
chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như
mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu
việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.
Ngày nay, con người mỗi
lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng
chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua
chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng
của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ
hết.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét