23/10/2017
Thứ Hai tuần 29 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm
4, 20-25
"Có lời đã
chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, lòng
tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn
cỗi của mình, -- vì ông đã gần trăm tuổi, -- và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông
đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà
làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi
hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, "việc đó đã được kể cho ông là sự công
chính".
Và khi chép rằng
"Ðã được kể cho ông", thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì
chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ
cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng
ta được công chính hoá.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Lc 1, 69-70.
71-72. 73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã
viếng thăm và cứu chuộc dân Người (c. 68).
Xướng: 1) Chúa đã gầy
dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người
đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. - Ðáp.
2) Ðể giải phóng chúng
tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ
bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người. - Ðáp.
3) Lời minh ước mà Người
tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ
hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công
chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! -
Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của
ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong
đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia
gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta
làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ
rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng
phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ
thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi,
nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà
tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các
kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải
tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều
của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!"
Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi
linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ
tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ðiều Chỉnh Hướng
Ði
Văn hào Nga Léon
Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú hộ gọi người
đầy tớ trung thành nhất đến và nói:
Tôi muốn thưởng
lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính
cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc
về anh.
Con người khốn khổ
bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh không sao chợp
mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh
đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ
đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh
hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có hơn người, sẽ
không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng,
anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một
tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên:
"Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương
lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay
chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn cất con
người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.
Nỗi khốn khổ của
người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không
nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức mình.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú
hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam
hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải
nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung
là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng
đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời
người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm
để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.
Cuộc sống hiện tại có
thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu
dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống.
"Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của
chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng
đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh
chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều
người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.
Dù phải lội ngược dòng
để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước
và tín thác vào Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 29 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Rom 4:20-25; Lk 12:13-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa hay nơi sức mình?
Đối với nhiều người thời
nay, câu trả lời sẽ là nơi mình; vì ngoài mình ra, chẳng có ai lo cho mình cả.
Đối với các tín hữu, Thiên Chúa muốn họ đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài; vì Ngài
nắm giữ mạng sống và quan phòng mọi sự trong cuộc đời của họ.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong đòi hỏi con người phải hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong
Bài Đọc I, tổ-phụ Abraham đặt trọn vẹn tin tưởng vào Lời Chúa hứa là sẽ ban cho
ông một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới bể; mặc dù chỉ có vỏn
vẹn một con là Isaac trong lúc tuổi già. Đối với người đời, đó là một lời chọc
ghẹo; nhưng đối với tổ-phụ Abraham, ông tin nếu Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ có
cách để hoàn thành. Thực tế đã chứng minh niềm tin của Abraham vào Thiên Chúa;
ngay lúc này đây, ba tôn giáo lớn với số tín hữu hơn một nửa dân số của địa cầu
tuyên nhận Abraham là tổ phụ của họ: Do-thái giáo, Kitô giáo, và Hồi-giáo.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo những người chỉ biết cậy dựa vào sức mình,
mà không cần tin tưởng nơi Thiên Chúa: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ
đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?"
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều gì Thiên Chúa đã hứa, Người cũng có đủ quyền năng
thực hiện.
1.1/ Đức tin của tổ phụ
Abraham: ''Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa;
trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa.''
Thiên Chúa hứa hai điều
với tổ-phụ Abraham: sẽ ban cho ông Đất Hứa và một giòng dõi đông như sao trên
trời và như cát ngoài biển. Lời hứa ban Đất Hứa được thực hiện khi Joshua dẫn
dân Do-thái vào đất Canaan; tuy nhiên, đây chỉ là hình bóng của Đất Hứa thực sự
là Thiên Đàng đời sau. Lời hứa ban một giòng dõi đông đúc là điều phải làm cho
Abraham trăn trở: Làm sao có thể trở thành tổ phụ một giòng dõi đông đúc như thế,
khi ông một trăm tuổi mới có người con đầu lòng là Isaac? Tuy nhiên, "vì
ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền
năng thực hiện." Abraham được kể là người công chính không phải do những
việc ông làm; nhưng là niềm tin tưởng ông đặt hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
1.2/ Đức tin của chúng
ta: Thánh Phaolô suy diễn thêm về Lời Hứa này như sau: ''Nhưng khi viết ông được
kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng
ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức
Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao
nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được
nên công chính.''
Khi chúng ta tin vào Đức
Kitô, chúng ta trở nên con cháu của tổ-phụ Abraham, vì Đức Kitô được sinh ra
trong giòng dõi của tổ-phụ Abraham. Nói cách khác, một người trở nên con cháu của
tổ phụ Abraham nhờ niềm tin vào Đức Kitô; chứ không do liên hệ ruột thịt. Khi
chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng tin vào Thiên Chúa là Người đã sai Đức
Kitô đến để hoàn thành Lời Hứa. Chính do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta được
trở nên công chính, và được thừa hưởng Đất Hứa mà Thiên Chúa đã hứa với tổ-phụ
Abraham.
2/ Phúc Âm: Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham
lam.
2.1/ Tranh chấp giữa
anh em vì gia tài: Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa
Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người đáp:
"Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các
anh?" Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ
của cải đâu." Hai nguyên lý con người cần học hỏi để biết cách xử dụng của
cải vật chất:
(1) Của cải Thiên Chúa
ban là cho mọi người cùng hưởng: Của cải đã có sẵn trong trần gian khi con người
bắt đầu xuất hiện. Con người không mang theo được gì vào thế giới, và cũng
không mang ra được gì khi từ giã cuộc đời. Vì thế, đừng ai cậy sức để vơ vét và
tich trữ của cải để làm của riêng; nhưng phải biết chia sẻ cho mọi người cùng
hưởng. Một người có thể làm nhiều hơn hay cố gắng hơn; nhưng chẳng có ai tài đến
nỗi tập trung trong tay của cải có thể nuôi hàng triệu người. Lý do xảy ra
tranh chấp vì tính tham lam của con người, muốn cất giữ làm của riêng để tiêu
xài phung phí hay để dành đến mãn đời cho con cháu.
(2) Phải đặt tình
nghĩa lên trên của cải vật chất: Ai cũng biết điều này, nhưng khi phải áp dụng
trong cuộc sống; rất ít người sống như thế. Trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy
muôn vàn trường hợp cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng tranh chấp nhau vì
gia tài. Hậu quả của việc đặt tiền bạc lên trên tình nghĩa là kiện cáo, chia rẽ,
và gia đình ly tán.
2.2/ Khôn ngoan của
con người và uy quyền của Thiên Chúa
(1) Khôn ngoan của con
người: Sau đó Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn cho mọi người phải suy nghĩ:
"Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng:
"Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!'' Rồi ông ta tự
bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn
hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ
lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ
ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!''
Biết bao nhiêu con người
ngày nay có thái độ giống như nhà phú hộ này; một số các hình thức dẫn chứng
lòng tham vô đáy của con người như thị trường chứng khoán, nhà cửa đất đai,
vàng bạc... Biết bao người đã phải táng gia bại sản vì lòng tham vô đáy này.
Con người cứ việc ngông cuồng tích trữ; đến khi Thiên Chúa muốn lấy ra cho người
khác, con người không thể cản lại.
(2) Mạng sống con người
nằm trong tay Thiên Chúa: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm
nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay
ai?
Ấy kẻ nào thu tích của
cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như
thế đó."
Con người biết mình
không có quyền trên mạng sống dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi đến giờ đã
định, con người phải từ giã cuộc trần. Nếu biết thế, tại sao phải lo lắng vất vả
tích trữ của cải? Họ biết mình không mang theo được; con cháu chưa chắc đã cần,
và nếu cần chưa chắc đã tốt cho chúng, ví dụ: sự phân chia gia tài trên; lại
còn biết bao thiệt hại về đàng tinh thần, trí tuệ, hao mòn thân xác... Người
khôn ngoan là người biết sống theo đường lối Thiên Chúa, dùng của cải chỉ như
phương tiện để đạt được đích điểm là cuộc sống đời đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Chúng ta sống nhờ niềm
tin vào Thiên Chúa. Hãy tin tưởng nơi Ngài trong bất cứ trạng huống nào của cuộc
đời, vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.
- Máu tham lam đưa con
người tới tranh chấp và bất hòa, chúng ta cần diệt trừ mọi thứ tham lam trong
con người như uy quyền, danh vọng, và của cải vật chất.
- Hãy biết dùng tất cả
những gì Thiên Chúa ban để mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta và cho mọi người. Chạy
theo tất cả những điều khác là rơi vào bẫy của ma quỉ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN
23/10/17 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Ca-pét-ra-nô, linh mục
Lc 12,13-21.
Th. Gio-an Ca-pét-ra-nô, linh mục
Lc 12,13-21.
LÀM GIÀU TRƯỚC THIÊN CHÚA
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ
tham lam.” (Lc 12,15)
Suy niệm: Chuck Feeney, tỉ phú người Mỹ, từ nhỏ đã chăm chỉ làm
việc, từ những việc tầm thường cho đến khi trở thành một doanh nhân thành đạt,
với phương châm “sống để làm việc chớ
không phải để làm giàu”. Dù giàu có nhưng ông có lối sống thanh đạm và dạy
con cách nghiêm khắc, để chúng tự làm việc chứ không cậy dựa vào của cải của
cha mẹ. Với khát vọng “cho đi khi còn
đang sống”, ông âm thầm cho đi toàn bộ tài sản của mình ước tính lên tới
tám tỉ đô la cho các dự án y tế và giáo dục tại Mỹ, Úc, Nam Phi, Việt Nam… Ông
nói “chiếc vải liệm không có túi” và “chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người
đều trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo
tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời”.
Mời Bạn: Con
người được sinh ra với mục đích tối thượng là để tôn vinh Thiên Chúa, còn mọi tạo
vật khác được ban cho để vì mục đích ấy mà thôi. Chúng ta được mời gọi biết sử
dụng đúng những tạo vật được ban cho (tiền
bạc, sức khỏe, kiến thức, các quan hệ…) vì mục đích cuối cùng của đời mình;
biết dùng những “của cải” ấy mà “làm giàu” nhân đức trước mặt Chúa và vì Ơn Cứu
rỗi của chính mình.
Chia sẻ: Chia
sẻ một kinh nghiệm hay một nguy cơ thấy được, về lòng tham của cải có thể đánh
mất đức tin như thế nào.
Sống Lời Chúa: “Anh em không thể vừa
làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tránh xa mọi cám dỗ của
lòng tham, biết thao thức tìm kiếm Chúa trên hết và biết sống phó thác nơi
Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Những kho lớn hơn (23.10.2017 – Thứ hai Tuần 29 Thường niên)
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa là người biết mở kho để trao đi và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho
kho mình đầy lại.
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối
với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm
nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty
thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để
trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào
kho.
Ai cũng muốn cho kho của
mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của
ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích
trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ
sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra
giải pháp này:
phá những kho cũ, làm
những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu,
của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề
phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông
vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép
ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông
tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần
đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm
cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông
đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào
chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ
vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ
chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc,
khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho,
sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính
toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái
chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao
rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình
phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được
ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như
giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có
một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng
làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ
hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái
kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không
xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh
cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là
nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để
tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt,
ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước
mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để
trao đi
và thấy Thiên Chúa liên
tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra
trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của
mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý
thức rằng
tấm bánh để dành của con
thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ
thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu
thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con
giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô
túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của
người khác,
có bao điều con định mua
sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc
sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép
kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất
cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi
người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh
lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san
sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người
đói nghèo
là vì chúng con giữ quá
điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết
cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu
thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG MƯỜI
Một Thế Kỷ Văn Minh
Tôi cho rằng nếu sau
này hậu thế nhớ lại và ghi nhận rằng thời đại này của chúng ta là một thế kỷ
văn minh, thì đó không phải do những tiến bộ về mặt văn hóa và kỹ thuật mà nó đạt
được, nhưng là do sự phát triển xã hội của chúng ta trong đó thiện ích của con
người được nêu thành mục tiêu để kiếm tìm. Vấn đề tìm nơi ăn chốn ở cho hàng
triệu người tị nạn trên thế giới ngày nay là vấn đề tiên quyết trong một xã hội
phát triển như thế.
Hồi ức về những đau khổ
mà nhân loại phải chịu đựng trong suốt thế chiến thứ hai phải buộc chúng ta nhận
thức sâu sắc về tính phi lý và kinh dị của tấn bi kịch ấy. Trong cuộc chiến
tranh kinh khủng nói trên, hàng triệu con người bị buộc phải trốn chạy, phải rời
bỏ nhà cửa và quê hương của mình. Để phòng tránh sự tái diễn của tình trạng đau
thương đó, chúng ta phải nỗ lực không mệt mỏi để giải quyết những bất hòa chia
rẽ, những cuộc xung đột ý thức hệ và những sự tranh giành quyền lực. Phải dứt
khoát vứt bỏ những não trạng ích kỷ phi nhân, chúng ta mới có thể quảng bá được
tinh thần tôn trọng con người. Và, cuối cùng, chúng ta sẽ dựng xây được một nền
văn minh trên cơ sở của tình yêu và sự thật, trên cơ sở của sự hợp tác giữa mọi
dân tộc trên mặt đất.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23-10
Rm 4,20-25; Lc
12,13-21
LỜI SUY NIỆM: Chúa
Giêsu đưa ra dụ ngôn nhà phú hộ ... và Ngài kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải
cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế
đó” (Lc 12,21).
Thiên Chúa tạo dựng mọi
sự là để cho tất cả mọi người hưởng dùng quản lý và làm cho nó phát triển
để phục vụ con người; chứ không phải là của riêng một ai. Nếu trong cuộc sống
chỉ lo tích trữ cho riêng mình, mà không nghĩ đến người lân cận, đặc biệt đối với
người nghèo. Là người Kitô hữu chúng ta đều biết: Thiên Chúa chúc phúc cho những
ai giúp đỡ người nghèo, và kết án những ai quay lưng lại với họ. Ước gì mỗi người
trong chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-10
Thánh GIOAN
CAPISTRANÔ
Dòng Phanxicô (1386
- 1456)
Cha của Gioan là một
nhà quí tộc người Pháp đã theo bá tước Anjon trong cuộc chinh vương quốc
Naples. Để ân thưởng cho lòng can đảm, ông đã được chiếm những lãnh điạ rộng lớn.
Ong định cư tại Caoistranô và qua đời sớm sau khi cưới một thiếu nữ người Y.
Gioan con của ông theo học tại Perugia đã gia nhập ngành thẩm phán.
Các tài năng của thánh
nhân đã khiến cho thánh nhân được coi như hoàng tử của các luật gia. Được đặt
làm nhà cầm quyền, thánh nhân hiểu rõ sự cao trọng trong sứ mạng của mình: dửng
dưng với những đe dọa của các lãnh chúa, Ngài quyết nâng đỡ những người nghèo
khó. Một cư dân quí phái giàu có muốn gả con cho Ngài. Tương lai rực rỡ trước mắt
Gioan khi bất ngờ định mệnh đổi khác. Lãnh trách nhiệm hoà giải Perugia và
Rimini, Ngài bị tố cáo là đã thiên tư, bị bắt giam ở Rimini... trong một tháp
canh.
Gioan muốn tẩu thoát,
bị gãy chân và nằm bẹp nhưng một hầm gia dưới đất. Trong tận cùng đau khổ, một
tu sĩ dòng Phanxicô xuất hiện mời gọi Ngài sống đời sống nghèo khó và bác ái.
Gioan đã nhiệt thành đáp lời. Vừa khi được phóng thích, Ngài bán mọi của cải, từ
hôn và đến với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Perugia. Chân phước Marcô thành
Bergame nghi ngờ ơn gọi như vậy và đón nhận Ngài với những lời chẳng hoà nhã
chút nào: "các tu viện không phải nơi trú chân của những kẻ lang thang hay
chán đời. Phải có những thử thách khác để gia nhập một dòng tu. Tôi chi nhận
anh khi anh nói lời từ giã những phù vân thế tục mà tôi sẽ chỉ cho anh".
Đây là một lời giã từ
lừng danh, một thử thách nổi tiếng thánh nhân phải chịu. Perugia được chiêm ngưỡng
nhà cầm quyền của họ riễu qua đường phố, quay ngược lại trên lưng lừa ăn mặc
rách rưới, đầu đội nón có ghi những tội của mình bằng chữ lớn. Dân chúng nhạo
cười, nhưng Gioan can đảm đón nhận mắng nhiếc.
Tại nhà dòng, Gioan có
một bậc thầy chỉ là trợ sĩ, anh Onuphre, người nghiên khắc lột bỏ con người cũ
của Ngài cách vĩnh viễn. Thêm vào những lời quở trách là những nghiêm nghị.
Nhưng những bất công dày và phải được bỉnh thản lãnh nhận, chẳng hạn ngày kia
anh em giặt đồ đang đợi cho nước bớt nóng. Bỗng anh Onuphre đi tới. Bỏ qua mọi
anh em khác, anh giận dữ phạt Gioan vì biếng nhác và lấy áo dài từ nước nóng bỏng
ra thải vào mặt Gioan. Đáp lại, Gioan khiêm tốn đến quì trước mặt anh.
Viên chức mãn nguyện
còn tăng gấp đôi lòng nhiệt thành của Ngài trong những công việc thấp hèn nhất,
đồng thời vẫn học thần học thánh Bernadinô thành Sienua là thầy dạy, thán phục
vì những buớc tiến ngoại hạng của Người đã nói: "Gioan ngủ mà học những điều
mà người khác ngày đêm nỗ lực mới học được" Dường như Ngài có sự hiểu biết
thiên phú, là nhà thần học sâu sắc và sắp thành nhà truyền giáo lớn của thời
Ngài.
Gioan rảo qua các tỉnh
thuộc nước Ý và dẫn về cho Chúa hàng triệu những kẻ lạc giáo và những tội nhân,
Ngài đã thăm các dòng tu ở Đông phương, góp phần hiệp nhất với người Armenia.
Trở về Ngài nổi bật tại cộng đồng Florentinô và được đặt làm sứ thần tại
Sicile. Giữa những thành công rực rỡ. Gioan vẫn là con người cầu nguyện và sám
hối. Ngài xây dựng các tu viện, chống lại lạc giáo. Các bài giảng của Ngài thật
phi thường. Thiên Chúa rõ ràng bao bọc Ngài. Những người rối đạo lân la để biết
chỗ Ngài ở đâu. Giọng điệu của họ đủ cho thấy rõ số phận họ muốn dành cho Ngài
như thế nào. Gioan giản dị và êm ái trả lời: "Tôi đây". Những người
theo bè rối sững sờ và không làm gì hại Ngài.
Một huyền thoại bình
dân kể rằng: thánh nhân khi giã từ Assisiô với các bạn để hoàn thành một sứ mệnh,
bị từ chối không được chở qua sông gần Trévise vì người lái xe đoán rằng: đám
người nghèo này sẽ không trả tiền. Thánh nhân trải áo của Bernađiô thầy mình
trên sông. Nước sẽ rẽ ra và các tu sĩ qua bờ bên kia sông.
Đức giáo hoàng đã sai
Gioan qua Đức, Hungari, Bohemia, Balan. Cả thành ra đón Ngài, lão già nhỏ bé
khô khan kiệt sức nhưng vui tươi không mệt mỏi. Cả đoàn thính giả đã nghe Ngài
mỗi ngày. Sau đó người ta công khai đốt các cỗ bài, những hình ảnh dâm ô, những
đồ trang sức, mọi cái có hại cho tâm hồn.
Đây là lửa hoả thiêu
lâu đài của quỉ dữ. Ơ Bohemia sau một trong những bài giảng về sự phán xét,
thánh nhân đã gây hứng khởi cho hơn 100 thanh niên ôm ấp đời sống tu trì. Các Đức
giáo hoàng nối tiếp liên tiếp trao cho Ngài những sứ mệnh đặc biệt.
Người Hồi vừa mới xâm
chiếm Constantinople. Mahomet tin rằng: mình là thủ lãnh Kitô giáo. Không ông
hoàng nào xem ra có thể ngăn cản nổi cuộc xâm lăng. Gioan Capistranô nhận được
lệnh của Đức giáo hoàng để cổ động đoàn quân thánh giá, Ngài liên kết được 40
ngàn người và chọn Hunyade là một anh hùng làm thủ lãnh của họ. Quân hung bạo bốn
lần đông hơn chế nhạo. Belgrade đã bị chiếm. Mọi sự xem ra đã mất hết. Gioan
lao lên hàng đầu, tay cần kỳ hiệu và một thánh giá, khuyên các binh sĩ hoặc thắng
hoặc chết. Địch quân rút lui, thành lũy được cứu thoát.
Vài tuần sau, Hunyade
qua đời trong tay Gioan, người sống sót đã được lâu hơn ông ta một chút. Ngài
riến tới gần cái chết với sự bình thản hoàn toàn và các ông hoàng đã thán phục sự
can đảm của Ngài, bấy giờ phải bối rối trước sự khiêm tốn của vị thánh khi hấp
hối, công khai thú nhận các lỗi lầm của mình.
(daminhvn.net)
23 Tháng Mười
Cùm Chân Chó
Sách Lã Thị Xuân
Thu có chép một câu chuyện như sau: Nước Tề có người xem tướng chó rất giỏi. Một
người hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó biết bắt chuột. Ít lâu sau,
anh mang đến một con chó và nói: "Con chó này tốt lắm, ông cứ dùng sẽ vừa
ý".
Người hàng xóm tin
theo, nhưng mấy năm qua, con chó không bắt được con chuột nào cả. Người hàng
xóm phàn nàn, anh ta liền nói: "Con chó này tốt, nhưng nó chỉ có tài săn bắt
hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải buộc chân sau nó lại". Người
hàng xóm đã nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột rất hay.
Có cùm một chân lại,
con chó mới có thể bắt được chuột. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của rất
nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong những công tác xã hội,
trong những việc làm ở quy mô lớn, nhưng lại thất bại trong gia đình hay trong
chính cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ có những công việc vĩ
đại mới có giá trị. Người ta phân bua rằng việc trong nhà, việc ở xó bếp là việc
của đàn bà.
Thế nhưng có ai nghĩ rằng
hạnh phúc của gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công việc xó bếp ấy. Và những
công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhẫn nhục và tình yêu hơn tất
cả những đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng vô danh thì càng nhiều
phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn đấu hơn. Nếu không biết cùm chân lấy một
chân, nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ trong gia đình không thể
chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả những phiền toái ấy.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét