Trang

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

31-10-2017 THỨ BA - TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

31/10/2017
Thứ Ba tuần 30 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 18-25
"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.
Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.
Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 18-21
"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".
Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sức Mạnh Của Nước Thiên Chúa
Hôm nay Giáo Hội chúng ta được mời gọi suy niệm các câu 18-21 của chương 13 Phúc Âm theo thánh Luca, kể lại hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu về Nước Trời giống như hạt cải và giống như men được trộn với bột. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật điểm khởi đầu khiêm tốn nhỏ nhoi của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn về hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều ngang, theo thể lượng từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây có cành lá to lớn đến nỗi chim trời có thể đến đậu vào được; và dụ ngôn thứ hai về chất men được đem trộn vào bột, nhấn mạnh đến chiều sâu, đến phẩm chất sâu xa của Nước Chúa từ chất men có thể làm dậy cả thúng bột.
Cả hai đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn trên của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin, khi chúng ta nhìn thấy những điểm tiêu cực không ngừng xảy ra trong Giáo Hội, trong Nước Chúa.
Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới càng ngày càng bị trần tục hóa, càng ngày càng nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa hay không? Chất men lời Chúa có đủ sức mạnh thu hút con người và biến đổi con người trở nên tốt hơn hay không? Gần hai ngàn năm rồi, kể từ khi Con Thiên Chúa xuống thế thực hiện công việc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá và sống lại nhưng thử hỏi, nhân loại ngày hôm nay có tốt hơn ngày xưa không? Nếu suy luận theo cái lý tự nhiên, theo những toan tính phàm trần có thể chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng. Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu qua dụ ngôn trên không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng, chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ hoàn tất như thế nào nhưng hàng ngày chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân làm tất cả những điều mình có thể với ơn Chúa soi sáng.
Lạy Chúa,
Xin mở rộng đôi mắt niềm tin chúng con để chúng con được nhìn thấy những tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hàng ngày. Xin thương ban cho chúng con được kiên trì trong những thử thách và luôn luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 30 TN1, Năm lẻ
Bài đọcRom 8:18-25; Lk 13:18-21.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự liên hệ giữa con người và các tạo vật của Thiên Chúa
Nhiều tác giả của Kinh Thánh đã nhận ra sự liên hệ chặt chẽ giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Theo tác giả của Sáng Thế Ký, Thiên Chúa dựng nên tất cả các tạo vật và trao chúng trong tay con người để điều khiển và sinh lợi ích cho con người (Gen 1:28). Lúc đầu, khi con người chưa phạm tội, các dã thú sống với con người mà không sợ hãi chi cả. Tiên-tri Isaiah thấy trước triều đại của Đấng Thiên Sai, khi các dã thú ở chung với nhau, trẻ thơ chơi giỡn với rắn hổ mang, và trẻ còn măng sữa thò tay vào hang rắn lục mà không sợ bị cắn (Isa 11:1-8). Tác giả của Thư Phêrô II và của Khải Huyền nói về "trời mới, đất mới" sẽ xuất hiện và triều đại của Thiên Chúa sẽ vô cùng vô tận cho những người công chính (2 Pet 3:13, Rev 21:1).
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối tương quan giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô diễn tả sự tương quan này bằng ảnh hưởng của tội lỗi con người trên các tạo vật, và bằng nỗi trông mong của các tạo vật được cùng chung hưởng vinh quang với con người, khi Thiên Chúa ban vinh quang cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như hạt cải và như nắm men. Hạt cải có thể trở thành cây lớn để mang lại bóng mát cho chim trời. Nắm men tuy nhỏ nhưng có thể làm dậy ba thúng bột lớn để mang lại của ăn ngon cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang cho con cái Người.
1.1/ Các tạo vật cùng chung đau khổ với con người: Khi con người phạm tội, các tạo vật cùng chịu chung hậu quả, như khi Adam phạm tội, đất đai bị nguyền rủa (Gen 3:17); khi con người phạm tội trong thời Noah, mọi sinh vật đều chịu chung số phận với con người trong Lụt Hồng Thủy, trừ một số các sinh vật và gia đình Noah (Gen 6:5-8).
Hậu quả của tội là không chỉ con người phải chết, nhưng các sinh vật cũng cùng chịu chung số phận phải thoái hóa như con người. Sau trận Lụt Hồng Thủy, Thiên Chúa đã làm lại một giao ước với Noah và với tất cả các sinh vật" (Gen 9:12-13; cf. Psa 135). Phaolô xác tín sự liên hệ giữa các tạo vật của Thiên Chúa trong việc chia sẻ sự cứu chuộc của Đức Kitô cho con người: "Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.''
1.2/ Các tạo vật cùng đang trông chờ để chung phần vinh quang với con người: Vì cùng chung phần đau khổ với con người, các tạo vật cũng mong được chung phần vinh quang với con người. Thánh Phaolô diễn tả nỗi trông mong này như sau: "Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa."
Người tín hữu đã được làm con Thiên Chúa, đã được nhận lãnh Thánh Thần như ân huệ mở đầu; giờ đây họ chỉ còn mong chờ ngày được lãnh nhận vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa. Trong khi chờ đợi, họ phải bền chí trong đau khổ, và không bao giờ được mất niềm hy vọng, vì "những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta."
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.
2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?
2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta có mối liên hệ với các tạo vật chung quanh trong kế hoạch của Thiên Chúa; chúng ta phải biết xử dụng đúng đắn, và không được đối xử tàn tệ với các tạo vật Thiên Chúa dựng nên.
- Khi một người sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật chung quanh; các súc vật cũng nghe lời người ấy. Lịch sử các thánh là một minh chứng hùng hồn cho điều này như: thánh Phanxicô Asissi, Antôn Padua, và thánh Martin de Porres.
- Để giúp phát triển Nước Thiên Chúa, trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng; thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này; sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

31/10/2017
THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
LÀ MEN CHO CẢ KHỐI BỘT

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba đấu bột cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)

Suy niệm: Theo cha N. Guillemette, ba đấu bột tương đương 25 ký bột, đủ làm bánh cho 100 người ăn no. Vậy mà khối lượng bột to lớn ấy nở ra để trở thành bánh thơm ngon chỉ nhờ một nắm men nhỏ được người đàn bà trộn đều vào khối bột. Để khối bột dậy men, cần phải có thời gian. Đời người Ki-tô hữu khác gì nắm men: tuy ít về số lượng nhưng vẫn có thể ảnh hưởng lớn lao đến “khối bột” của tập thể mình sống như công ty, trường học, khu xóm; tuy hiện diện âm thầm nhưng vẫn có thể được nhận biết nhờ tác động của “men Ki-tô” như quảng đại, sẵn sàng, hy sinh, quên mình… Sức tác động ấy không diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng âm thầm, lặng lẽ qua chiều dài của thời gian năm tháng.

Mời Bạn: “Lòng nhiệt thành là men với khối bột” (J. Meyers). Bản chất của bạn là “men Ki-tô hữu” nhưng men ấy chỉ phát huy tác dụng nếu bạn có lòng nhiệt thành. Nhiệt thành trong việc xây dựng Nước Trời trong môi trường sống, làm việc của bạn. Nhiệt thành giới thiệu khuôn mặt Chúa Ki-tô cho người lân cận. Nhiệt thành làm cho các Ki-tô hữu sống đạo tích cực hơn.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm bỏ lối giữ đạo tiêu cực, cảm thấy đi lễ ngày Chúa nhật là đủ. Tôi nỗ lực sống đạo tích cực, nhiệt thành trong các công tác tông đồ giáo dân trong giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy mình quá nhỏ bé trước khối lượng to lớn những người chưa biết Chúa chung quanh con. Xin cho Lời Chúa dạy hôm nay đem lại cho con cái nhìn lạc quan, tin tưởng về vai trò “men” của mình. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Ln lên và tr thành (31.10.2017 – Th ba Tun 30 Thường niên)
Không cn phi làm nhng vic ln lao đ thay đi b mt thế gii. Ch xin làm mt nhúm men nh đ đến vi nhng người tôi gp hôm nay.


Suy nim:
Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng.
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo.
Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người.
Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.
Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.
Ông có ước mơ mong mỏi gì không?
Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.
Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).
Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.
“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.
Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn.
Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.
Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột.
Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men.
Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết.
Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành.
Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa
trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong.
Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột
đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.
Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG MƯỜI
Ơn Hiệp Nhất
Trong ý nghĩa sâu xa nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH 7).
Sự hiệp nhất thâm sâu này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ này không bao hàm gì khác hơn là trung thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy yếu hay đã gãy đổ.
Trung tâm mối hiệp nhất của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là “viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là “viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa, của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Ngài.
Chúng ta hãy lắng nghe lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly. Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ ‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự hiệp nhất của những kẻ Người đã chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng đối tượng ấy tới tất cả những ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17, 20 – 21).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Gương Thánh Nhân
31 tháng 10
Thánh Wolfgang ở Regensburg
(924-994)


Thánh Wolfgang sinh ở Swabia, nước Ðức, và theo học tại một trường gần tu viện Reichenau. Ở đó ngài gặp Henry, một nhà quý tộc trẻ mà sau này là Ðức Tổng Giám Mục của Trier. Từ đó trở đi, Wolfgang tiếp tục liên lạc với đức tổng giám mục, dạy giáo lý trong trường của giáo phận và hỗ trợ đức tổng trong việc cải cách hàng giáo sĩ.

Khi Đức Tổng từ trần, Wolfgang quyết định trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức và di chuyển đến một tu viện ở Einsiedeln, bây giờ thuộc Thụy Ðiển. Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc trường đệ tử của nhà dòng và sau khi thụ phong linh mục, cùng với một số tu sĩ, ngài sang Hung Gia Lợi để truyền giáo cho người Magyar, nhưng mới được một năm, Hoàng Ðế Otto II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục của Regensburg (gần Munich). Ngay lập tức ngài bắt đầu việc cải tổ hàng giáo sĩ, hồi phục quy luật tu viện, cổ võ việc giáo dục, ngài hăng say rao giảng và đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt ngài nổi tiếng về lòng bác ái đối với người nghèo. Dù là giám mục, ngài vẫn mặc y phục của một tu sĩ dòng và sống khắc khổ.

Khao khát của ngài là sống thầm lặng trong tu viện để chiêm niệm, nhưng trách nhiệm của một giám mục đã không cho phép, ngoài ra ngài còn là thầy dạy tư của Hoàng Ðế Henry II khi còn nhỏ. Vào năm 994, sau một cuộc hành trình ngài bị lâm trọng bệnh và từ trần ở Puppingen, gần Linz, nước A¨o. Lễ giỗ của ngài được cử mừng một cách rộng rãi trong hầu hết các quốc gia trung Âu Châu. Ngài được phong thánh năm 1052.


Trích từ NguoiTinHuu.com


31 tháng 10
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ


Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.

Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.

Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.

Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?

Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu".

Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.

Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: "Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta". Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin".

Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian".

Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét