Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

29-10-2017 : (phần II) CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN năm A

29/10/2017
Chúa Nhật 30 thường niên năm A.
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 30 thường niên, năm A
CHÚA NHẬT XXX TN - A

(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)

YÊU CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI: HAI BẢN LỀ CỦA CUỘC SỐNG

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, […] ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1 (Xh 22,20-26)

Kinh Thánh luôn nhấn mạnh đến tình yêu đối với người thân cận, đặc biệt đối với những con người cùng khổ. Bài đọc Cựu ước trích sách Xuất hành thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với đồng loại, để làm sao con người luôn có mối tương quan hài hòa và quảng đại với nhau, như là một dân được tuyển chọn. Đoạn sách bắt đầu với một chuỗi lệnh cấm ngược đãi đối với một số người được cho là những người yếu thế và bất hạnh, như ngoại kiều, mẹ góa, con côi, bởi Đức Chúa luôn bảo vệ họ, và tiếng kêu cứu từ những con người bất hạnh này sẽ chắc chắn được Thiên Chúa lắng nghe và trợ giúp. Ngay cả trong những lúc túng thiếu, bần cùng, thì Thiên Chúa vẫn xem họ như là dân Người, và vì thế họ phải được cư xử cách rộng lượng và quảng đại.

2. Bài đọc 2 (1Tx 1,5c-10)

Trong bài đọc II, chúng ta thấy thánh Phaolô đã thực thi hai giới răn yêu thương của Chúa như thế nào. Trong thư gởi cho các tín hữu Thêxalônica, là những người vừa mới tin theo đạo, thánh nhân đã bày tỏ tình yêu thâm sâu của mình với Thiên Chúa. Trong chỉ một đoạn ngắn, thánh nhân đã nhiều lần quy về Thiên Chúa: “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa […] Lời Chúa đã vang ra […] đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa[…] anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”. Đàng khác, thánh nhân cũng bày tỏ tình yêu của mình đối với các tín hữu Thêxalônica. Dù ngài công nhận họ chỉ mới ít lâu, nhưng họ thật sự đã hiện diện thật sâu đậm trong lòng ngài, và ngài ca ngợi họ “đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Macêđônia và miền Akaia”. Về phần các tín hữu Thêxalônica, họ cũng đã chứng tỏ là những con người đại lượng, vì họ đã “đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban cho”.

3. Bài Tin Mừng (Mt 22,34-40)

Bài Tin Mừng hôm nay của thánh Mátthêu đã chỉ ra hai chiều kích căn bản như hai bản lề cho đời sống con người. Đối với thánh Mátthêu, hai bản lề đó, một cái cao hơn, đó là yêu mến Thiên Chúa, một cái thấp hơn, là yêu mến người thân cận, nhưng cả hai đều quan trọng như nhau để mở cánh cửa. Thực tế cho thấy cánh cửa sẽ không thể mở được chỉ với một bản lề, vì thế cần ít nhất hai cái. Chúng ta gọi hai giới răn này là hai bản lề vì Đức Giêsu đã nói rằng: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40).

Hai giới răn này được biết đến rất nhiều; tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta thấy có một sự mới mẻ ở đây, đó là Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh shema ở sách Đệ nhị luật (x. Dt 6, 5) với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi (x. Lv 19,18).

Người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu điều răn nào lớn nhất; trong phần trả lời của mình, Chúa Giêsu công bố hai điều răn dù vẫn không bác bỏ sự tối thượng của Thiên Chúa, và Người còn đưa ra một điều răn khác như là phản chiếu của điều răn thứ nhất và không thể thực hiện nếu không có điều răn thứ nhất, đó là yêu mến tha nhân. Chỉ có những người yêu mến tha nhân mới thể hiện thật sự là người yêu mến Thiên Chúa. Việc đặt để giới răn yêu thương người thân cận ở mức ngang tầm với giới răn yêu mến Thiên Chúa quả là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng của những người Do Thái lúc bấy giờ.

Một vấn đề cần chú ý là trong phần trả lời của mình, Chúa Giêsu không chọn Mười Điều Răn, là những giới răn rất quan trọng được chính Thiên Chúa ban cho Môsê và dân Người, chẳng hạn như điều răn thứ nhất: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3). Quả thật, Người đã không muốn đưa ra cho chúng ta những giới răn phủ định, tiêu cực và giới hạn, nhưng muốn cho chúng ta những giới răn rất tích cực, năng động và phổ quát, đó là giới răn yêu thương. Việc tuân giữ Mười Điều răn đã là một điều rất tốt, nhưng chưa đủ để đưa con người tiến xa hơn trong cuộc sống. Chỉ bằng tình yêu:
yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, mới giúp chúng ta đạt tới  điều này.

Đối với Chúa Giêsu, điều răn thứ hai có liên quan mật thiết với điều răn thứ nhất, và nếu chúng ta để ý kỹ một chút, chúng ta thấy rằng có một chút châm biếm và mỉa mai ở đây. Những người Pharisêu, trong khi muốn thử Đức Giêsu, như Tin Mừng Mátthêu mô tả, với dã tâm của mình, họ đang thể hiện là những người không yêu mến và nhìn nhận người đồng loại của mình, và như thế, họ cũng chẳng yêu mến Thiên Chúa thật sự trong lòng. Thật ra, họ tụ tập, bàn bạc với nhau để tìm cách bắt và giết Người (x. Mt 22,15). Vậy đâu là tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa?

Hai điều răn này không tách rời nhau, cũng không được tước bỏ sự trổi vượt của điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa: một khi đổ vỡ điều này, không ai có thể bền vững trong tình yêu đối với tha nhân.

“Yêu mến tha nhân như chính mình”. Ai trong chúng ta có thể nói được rằng chúng ta có thể yêu ai đó hơn cả chính mình? Tận thâm sâu, chúng ta luôn có xu hướng về một tình yêu bản thân mình, và thực tế tất cả những gì chúng ta làm cho người khác đều rất ít so với những gì chúng ta làm cho chính chúng ta. Bên cạnh đó, giới răn thứ hai cũng được Chúa Giêsu mở rộng ra với một viễn cảnh khác: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Điều này có nghĩa là chúng ta phải yêu anh em hơn chính mình, vì chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đến độ hiến dâng cả mạng sống của Người cho chúng ta.
Ý tưởng Chúa Giêsu đưa ra thật là tuyệt vời, và nó tương ứng với khát vọng thâm sâu của trái tim con người. Thật sự, con người được dựng nên để yêu thương. Chính Thiên Chúa là tình yêu, và Người dựng nên chúng ta để thông dự vào tình yêu của Người, để được Người yêu mến và để mến yêu Người.
Nhưng để đạt tới điều này, chúng ta phải cần có ân sủng của Người; chúng ta cần nhận lãnh nơi chúng ta khả năng biết yêu thương của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta nhận lãnh chính Mình và Máu Người, nghĩa là chúng ta nhận lấy Chúa Giêsu trong giây phút của một tình yêu lớn lao kỳ diệu, khi Người dâng chính bản thân cho Thiên Chúa Cha để cứu rỗi chúng ta.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Ngay từ đầu, qua Lời Chúa phán trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tỏ ra luôn quan tâm đến những con người với những thân phận hèn yếu và cơ cực. Chính lời kêu xin của họ luôn được Thiên Chúa lắng nghe và bênh đỡ. Sự bảo đảm này của Thiên Chúa có giúp tôi sống trọn vẹn niềm tin của mình, luôn tín thác vào tình yêu của Người, nhất là trong những lúc tôi cảm thấy đời mình như bế tắc và đầy bất công? Và một khi cảm nghiệm điều đó, tôi có chia sẻ tâm tình này với những người đang trong cảnh cơ cực như tôi không?

2. Lời khen ngợi của Thánh Phaolô với các tín hữu Thêxalônica như là một sự diễn tả tình yêu và nhiệt huyết tông đồ của ngài. Việc nhìn nhận và ngợi khen những thành quả của người khác đạt được luôn là một sự khích lệ động viên làm triển nở những hành xử tốt đẹp. Trong cuộc sống thường ngày của mình, tôi có thành thật nhìn nhận những điều tốt đẹp nơi anh chị em tôi để tất cả cùng thăng tiến trong tình yêu với Thiên Chúa và với nhau không?

3. “Yêu mến Thiên Chúa”, “yêu mến tha nhân” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”: tất cả đây có phải lý tưởng sống đạo của tôi? Chiều kích nào được xem là khó nhất đối với tôi và làm sao tôi có thể vượt thắng được?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giới răn mến Chúa yêu người là trọng tâm giáo huấn của Đức Kitô và là nền tảng của đời sống kitô hữu. Với khao khát nên hoàn thiện và quyết tâm thực thi điều Chúa dạy, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời nguyện xin.

1. Cầu cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực trở nên dấu chỉ tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, hầu giúp cho nhiều người đón nhận niềm vui Tin Mừng, cùng tin nhận một Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

2. Cầu cho sự phát triển và bình an của thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới, cách riêng tại những vùng đang có chiến sự, biết vượt qua những khác biệt về sắc tộc, văn hóa, hay tôn giáo, để luôn sống tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh và hòa bình.

3. Cầu cho người đau khổ và những hoàn cảnh bất hạnh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đau khổ và bất hạnh tìm được sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của nhiều tấm lòng quảng đại, để họ có thêm can đảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, và luôn tràn trề hy vọng lạc quan trong cuộc sống hiện tại.

4. Cầu cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta. Xin cho giới răn “mến Chúa yêu người” luôn khắc ghi trong tâm hồn và thấm nhập vào cuộc sống của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta biết dành thời gian ưu tiên cho những sinh hoạt đạo đức, nhưng cũng luôn dấn thân trong các hoạt động bác ái.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và chân lý, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
www.tgpsaigon.net

SCĐ CHÚA NHỰT XXX THƯỜNG NIÊN A
CHỦ ĐỀ :
YÊU THƯƠNG
LÀ ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT

"Thưa Thầy, điều răn nào lớn nhất ?" (Mt 22,36)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Những khoản luật dạy đối xử yêu thương đối với những thành phần nghèo khổ trong xã hội.
- Đáp ca : Bày tỏ lòng yêu mến Chúa.
- Tin Mừng : Hai giới luật quan trọng nhất và giống nhau, đó là mến Chúa và yêu người.
Minh họa
- Mille images 115 C
- "Thưa Thầy, điều răn nào lớn nhất ?" (Mt 22,36)
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Thiên Chúa là tình yêu. Trong Thánh lễ này chúng ta hãy đến với Ngài để được Ngài châm thêm tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ đó từ nay chúng ta sẽ mến Chúa và yêu người hơn.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Xin Chúa tha thứ vì chúng con chưa mến Chúa đủ.
- Xin Chúa tha thứ vì chúng con chưa yêu người đủ.
- Xin Chúa tha thứ vì những lần chúng con hành động không theo sự hướng dẫn của tình yêu mà lại theo sự thúc đẩy của lòng giận ghét.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Xh 22,21-27)
Cựu Ước có nhiều khoản luật dạy người do thái phải yêu thương đồng bào mình. Tình yêu đó có tính cách cục bộ.
Đoạn sách Xuất hành này cũng theo chiều hướng đó, nhấn mạnh đến việc phải yêu thương những người nghèo khó và góa bụa. Ngoài ra, điểm đặc biệt của đoạn sách này là dạy yêu thương cả những ngoại kiều đang sống trên đất nước mình nữa. Biên giới Tình yêu đã được nới rộng hơn.
2. Đáp ca (Tv 17)
Đây là lời cầu nguyện bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Tác giả cũng coi Chúa là Đá Tảng che chở mình, vì thế tác giả tin rằng khi mình bị áp bức mà biết kêu cầu Chúa thì sẽ được Ngài cứu giúp.
Một cách gián tiếp, Tv này tuyên xưng rằng Thiên Chúa đặc biệt yêu thương những người lâm cảnh khổ sở.
3. Tin Mừng (Mt 22,34-40)
Trong bài Tin Mừng tuần trước, những người thuộc hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê liên minh nhau để gài bẫy Đức Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Xêda. Họ đã thất bại. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhóm Pharisêu chưa chịu thua, họ chọn trong nhóm ra một người thông luật để tranh luận với Ngài.
Câu hỏi là : "Trong lề luật, giới răn nào trọng nhất". Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi vì đạo do thái có rất nhiều khoản luật (365 luật buộc và 248 luật cấm), mà luật nào cũng đều quan trọng cả.
Câu trả lời của Đức Giêsu rất xuất sắc : một là Ngài đã lọc ra được hai điều luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người ; hai là Ngài liên kết hai điều đó lại : mến Chúa thì phải yêu người, và yêu người thì phải mến Chúa ; ba là Ngài chỉ cho thấy hai điều ấy – mà thực ra còn có thể tóm lại thành một điều duy nhất là Yêu Thương – là cốt lỏi của tất cả mọi khoản luật khác.
4. Bài đọc II (1 Tx 1,5c-10) (Chủ đề phụ)
Giáo đoàn Thêxalônikê đã được Thánh Phaolô hết lời khen ngợi. Đoạn thư này cho chúng ta thấy lý do họ được khen ngợi là vì họ đã nhận lãnh lời rao giảng Tin Mừng giữa bao gian truân khốn khó, và họ đã sống Tin Mừng ấy đến nỗi họ trở thành gương mẫu cho nhiều nơi khác noi theo.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Một lời để ghi nhớ : ngươi phải yêu mến
Đúng là hai điều răn : điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là hai giới răn ấy không cho phép ta tuỳ thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tuỳ theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy. Giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bùng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình… Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến.
Giới răn yêu thương có hai mặt, hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay. Điều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là "ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Chỉ có một mình Chúa là Đấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hóa con người ! Còn về người thân cận, Đức Giêsu truyền phải yêu người thân cận như chính mình. Đây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không phải chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Đức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc : "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12). Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hóa với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi, Nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời… Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc ! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất ; còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ đội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người… Điều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Đức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa.
Quả thực đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo…
Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp ; bạn phải tìm kiếm, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật ; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Thần điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình. Thì bạn sẽ gặp… ! (Giám mục L. Daloz. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 332-334)
2. Một từ tóm tắt tất cả Phúc âm : Yêu mến
Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ Yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ tình yêu, một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.
Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến ? Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Đấng yêu mến chúng ta ?
Như vậy thì có nhiều cách yêu mến không ? Chắc hẳn là có rồi. Nên trong vấn đề này, tôi vẫn theo gót nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustinô. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến :
Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất : thích được yêu (aimer être aimé). Bạn hãy nói cho tôi hay có ai mà không thích điều đó không ? Phải là con người hư hỏng mới dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi… Nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).
Trình độ thứ hai : thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là : lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại, có vị tha.
Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thiện, khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bồ nông tự để cho con rỉa thịt mình.
Ngày ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chứ ? Bạn hãy nói cho tôi hay bạn có đủ can đảm để đi thăm một bệnh nhân nào đó, đi uỷ lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng ? Nhưng bạn hãy coi chừng ! Tất cả thái quá trong lãnh vực này – quảng đại thái quá – có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi.
Còn trình độ thứ ba : Yêu (aimer), có thế thôi ! Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì… Ta yêu là yêu thôi. Đó mới là đỉnh cao của "tình cho không biếu không".
Hãy nhìn nhận điều này : ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một Vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Đức Giêsu ấy muốn lấy bản tính nhân loại của ta, một Đức Giêsu ấy mới ban cho ta Thần linh tình yêu khi Người tắt thở, một Đức Giêsu ấy mới có thể sáng nghĩ ra nhân vật Samaritanô nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về.
Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm, đó là : Yêu mến.
(H. Denis. trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 334-336)
3. Những chữ đi sau chữ "yêu"
Xem kỹ bản văn Tin Mừng, theo sau động từ yêu mến Chúa là những chữ "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn" ; đi sau động từ yêu thương kẻ khác là những chữ "như chính mình ngươi".
"Hết" là tất cả. Ngoài ra, trong ngôn ngữ do thái, người ta thường dùng một từ chỉ một phần để nói đến toàn thể : "lòng" cũng có nghĩa là cả con người, "linh hồn" và "trí khôn" cũng thế. Do đó câu nói trên có nghĩa là : "Hãy yêu mến Chúa với tất cả con người của mình, tất cả con người của mình, tất cả con người của mình." Một kiểu nói mạnh lặp lại tới ba lần. Cũng có thể hiểu là : "Hãy yêu mến Chúa với tất cả mọi chiều kích, mọi lãnh vực, mọi khả năng của mình".
"Như chính mình" nghĩa là không còn phân biệt chủ thể và đối tượng gì nữa. Hay nói cách khác cho dễ hiểu, không phân biệt tôi và anh, tôi và chị hoặc tôi và nó gì nữa. Chỉ còn là một thôi.
Tóm lại, những chữ đi sau động từ "yêu" nhằm diễn tả một tình yêu không biên giới, cả biên giới với Chúa lẫn biên giới với người khác. Tất cả đều yêu nhau. Cuộc sống chỉ là yêu.
4. Bắt đầu yêu mình trước
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu bảo "Ngươi hãy yêu kẻ khác như chính mình ngươi". Có thể hiểu là : hãy biết yêu mình trước rồi mới có thể yêu kẻ khác.
Một cụ già đang ngồi trước cổng thành. Một người khách lạ đến hỏi :
- Dân trong thành này là người thế nào ?
- Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào ?
- Họ rất tử tế và sẵn sàng giúp đỡ khi mình nhờ tới.
- Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.
Một lúc sau, một người khách khác tới và cũng hỏi :
- Dân trong thành này là người thế nào ?
- Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào ?
- Họ rất khó ưa, ích kỷ và chẳng chịu giúp mình gì cả khi mình nhờ tới.
- Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.
Ý nghĩa câu chuyện này là tôi thường đánh giá người khác không theo lòng họ mà theo lòng mình. Nếu ta thấy người ta khó chịu, đó là dấu trong lòng ta đang khó chịu. Người nào bình an trong lòng thì lan tỏa bình an ấy ra ngoài và cảm thấy mọi người đều hiền hòa.
Bởi thế, ta phải học yêu bản thân mình trước rồi mới có thể yêu người khác. Nhưng thế nào là yêu mình ? Là hãy ban cho lòng mình những tình cảm cao thượng, bình an, độ lượng.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý : Yêu mình một cách sai lạc thì không thể yêu người khác. Yêu mình sai lạc là thế nào ? Là ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chỉ lo cho mình và dành hết mọi sự tốt cho mình. (Flor McCarthy, Love your neighbor as yourself)
5. Chuyện minh họa : Tin Mừng trọn vẹn
Vào thời có nhiều người thích ẩn tu trong sa mạc, có một Tu Sĩ nổi tiếng đạo đức tên là Môsê. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả các tu sĩ đều nhất trí sẽ không ăn gì cả suốt Tuần Thánh, mỗi người ở luôn trong phòng mình và chuyên chăm cầu nguyện.
Đến giữa tuần, có hai khách lữ hành ghé thăm Thầy Môsê. Thấy họ đói quá, Thầy nấu cho họ một nồi súp. Và để họ không ngại, Thầy cũng ăn một ít trước mặt họ. Đang lúc đó, các thầy khác thấy khói và mùi thức ăn từ phòng Thầy Môsê bay ra thì bực tức tới bắt lỗi :
- Thầy đã phạm luật !
Thầy Môsê khiêm tốn trả lời :
- Đúng là tôi đã phạm luật của loài người. Nhưng đó là vì tôi giữ luật Chúa dạy phải yêu thương người khác.
Nghe thế, những thầy kia xấu hổ bỏ đi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được yêu cầu nêu ra hai điều luật quan trọng nhất. Ngài đã nêu ra luật mến Chúa và luật yêu người. Ngài đã nối kết cả hai lại với nhau và xem chúng đều trọng như nhau. Thế nhưng loài người chúng ta thường tách hai điều đó khỏi nhau.
6. Mảnh suy tư
Tách rời hai khoản luật lớn của Chúa là một thảm kịch và rõ ràng đi ngược ý Chúa.
Thế nhưng việc này lại thường xảy ra.
Những kẻ lo mến Chúa thì thường không yêu người, và những kẻ lo yêu người lại không mến Chúa. Thế là Tin Mừng bị xé ra làm hai. (Flor McCarthy)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một điều răn mới : "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Với quyết tâm sống bác ái như Chúa đã dạy, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1- Hội Thánh là dấu chỉ tình thương của Chúa đối với nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi người trong đại gia đình Hội Thánh / luôn sống hòa thuận thương yêu nhau / và cư xử bác ái với những ai chưa nhận biết Chúa.
2- Lòng bác ái yêu thương không hề có biên giới / chủng tộc / ; ngôn ngữ / địa vị xã hội / giầu nghèo / thông thái hay dốt nát / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết cố gắng sống tinh thần quảng đại ấy.
3- Ngày nay / hận thù / bạo lực / khủng bố vẫn còn đang hoành hành dữ dội tại nhiều nơi trên thế giới / gây kinh hoàng cho biết bao người / đem tang tóc và đau khổ cho biết bao gia đình lương thiện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng bác ái yêu thương / ngự trị trong mọi sinh hoạt trên khắp hoàn cầu.
4- Chân thành yêu thương nhau / hết lòng tôn trọng nhau / và quảng đại giúp đỡ những ai thực sự đói nghèo / là bổn phận của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng yêu thương nhau như Chúa đã dạy.
CT : Lạy Chúa, thánh Phaolô quả quyết "Sống bác ái yêu thương là chu toàn lề luật của Chúa". Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể hết lòng mến Chúa và tha thiết yêu người như Chúa đã dạy. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy Cha, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta yêu mến Chúa là Cha chúng ta "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn" ta, cũng như yêu thương tha nhân là anh em chúng ta "như chính mình" ta vậy.
- Sau kinh Lạy Cha : "... xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.Xin giúp chúng con luôn cố gắng thực thi điều răn quan trọng nhất là Yêu thương. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp..."
VII. GIẢI TÁN
Chúc anh em ra về và sống yêu thương trọn vẹn đối với Chúa cũng như đối với tất cả mọi người.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật XXX Thường Niên (A)

Chúa Nhật, 29 Tháng 10, 2017
Giới răn trọng nhất
Yêu mến Thiên Chúa là yêu mến người khác
Mt 22:34-40




1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con  Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba mươi thường niên, các người Biệt Phái muốn biết điều răn nào của lề luật mà Chúa Giêsu cho là cao trọng nhất.  Chủ đề này đã được bàn cãi giữa những người Do Thái thời bấy giờ.  Đó là cuộc tranh luận thường xuyên.  Ngày nay cũng vậy, người ta muốn biết định nghĩa của một Kitô hữu ngoan đạo là gì.  Có người cho rằng điều này gồm có việc đã được rửa tội, cầu nguyện và tham dự thánh lễ Chúa Nhật.  Một số người khác thì nói nó bao gồm cả việc thực thi sự công bằng và sống trong tình huynh đệ.  Mỗi người có ý kiến riêng của mình.  Theo bạn, điều quan trọng nhất trong giáo lý và đời sống của Giáo Hội là gì?  Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn hãy cố gắng để tâm chú ý đến cách thức Chúa Giêsu trả lời câu hỏi. 

b)  Phúc Âm:  

34 Khi ấy, những người Biệt Phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại.  35 Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng:  36 “Thưa Thầy, trong Lề Luật, giới răn nào trọng nhất?” 37 Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng:  “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.  38 Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất.  39 Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là:  Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.  40 Toàn thể Lề Luật và sách các Tiên Tri đều tóm lại trong hai giới răn đó.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a)  Phần nào của bài dụ ngôn bạn thích nhất hoặc động chạm bạn nhất?  Tại sao?  
b)  Những người Biệt Phái thời bấy giờ là ai?  Những người Biệt Phái thời nay là ai?            
c)  Làm thế nào mà một câu hỏi của người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu lại có thể là thử thách Người?  
d)  Sự tương quan giữa các giới răn thứ nhất và thứ hai là gì?
e)  Tại sao sự yêu mến Thiên Chúa và lòng thương yêu tha nhân là một bản tóm tắt của Lề Luật và sách các tiên tri?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a)  Bối cảnh đoạn Phúc Âm này trong Tin Mừng Mátthêu:
Đây là một trong nhiều cuộc thảo luận của Chúa Giêsu đã có với các chức sắc tôn giáo vào thời bấy giờ.  Lần này thì bàn luận với các người Biệt Phái.  Trước hết, những người Biệt Phái đã cố gắng làm mất uy tín Đức Giêsu với dân chúng bằng cách vu cáo Người nói rằng Người đã bị ám bởi quỷ vương Bê-en-giê-bun mà đã bị Người đuổi trừ (Mt 12:24).  Giờ đây, tại Giêrusalem, một lần nữa họ lại tham dự vào một cuộc thảo luận với Chúa Giêsu liên quan đến việc giải thích lề luật của Thiên Chúa.
b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 22:34-36:  Câu hỏi được đặt để bởi người Biệt Phái.
Trước tiên, để thử Chúa Giêsu, những người Sađốc đã hỏi Người về niềm tin vào sự phục sinh và đã bị Chúa Giêsu khiến họ im miệng (Mt 22:23-33).  Bây giờ, đến phiên người Biệt Phái nhập cuộc.  Các người Biệt Phái và Sađốc là kẻ thù của nhau, nhưng họ trở thành bạn hữu trong việc chỉ trích Chúa Giêsu.  Người Biệt Phái tụ tập nhau lại và một người trong bọn họ đại diện đứng ra đặt câu hỏi:  “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”  Vào thời ấy, người Do Thái có rất nhiều quy tắc, truyền thống và lề luật, lớn và nhỏ, để cai quản việc tuân giữ Mười Điều Răn.  Một điểm liên quan đến hai giới răn của lề luật Thiên Chúa là một đề tài thảo luận gay go giữa những người Biệt Phái.  Một số người nói:  “Tất cả lề luật, lớn hay nhỏ, có giá trị như nhau bởi vì chúng đều xuất phát từ Thiên Chúa.  Chúng ta không thể xếp loại những gì thuộc về Thiên Chúa”.  Những người khác lại nói:  “Có một số giới răn quan trọng hơn những điều khác và vì thế chúng đáng được xem trọng hơn!”  Người Biệt Phái muốn biết quan điểm của Chúa Giêsu thuộc về phe nào trong cuộc tranh luận này.
Mt 22:37-40:  Câu trả lời của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn lời trong Kinh Thánh:  Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi!”  (xem Đnl 6:4-5).  Trong thời Chúa Giêsu, người Do Thái sùng đạo lập lại câu kinh này mỗi ngày ba lần, buổi sáng, buổi trưa và buổi tối.  Đó là lời cầu nguyện quen thuộc trong dân giống như kinh Lạy Cha của chúng ta ngày nay.  Và Chúa Giêsu tiếp tục trích dẫn Cựu Ước:  “Đây là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Giới răn thứ hai cũng giống như giới răn ấy là:  Ngươi phải yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv 19:18).  Và Người kết luận:  “Toàn thể Lề Luật và sách các Tiên Tri đều tóm lại trong hai giới răn này”.  Nói cách khác, đây là con đường dẫn tới Thiên Chúa và tha nhân.  Không có đường nào khác.  Sự cám dỗ lớn lao nhất của loài người là cố gắng tách rời hai tình yêu này, bởi vì theo cách này, sự nghèo khổ của người khác sẽ không làm lương tâm họ cắn rứt.         
c)  Phần đào sâu hơn:
i)  Người Biệt Phái:
Chữ “người Pharisêu” có nghĩa là “tách biệt” bởi vì cung cách tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa cứng ngắc của họ đã tách biệt họ khỏi những người khác.  Với nhau, họ gọi nhau là bạn đồng hành bởi vì họ đã tạo nên một cộng đoàn mà lý tưởng là tuân giữ tuyệt đối các quy tắc và tất cả các giới răn của lề luật Thiên Chúa.  Cách sống của hầu hết các người này là nhân chứng cho người ta bởi vì họ dùng sức lao động mà mưu sinh và sự tận tụy của họ dành nhiều giờ mỗi ngày để tra cứu học hỏi và suy gẫm lề luật Thiên Chúa.  Nhưng có điều gì đó rất tiêu cực:  họ đã đi tìm sự an toàn của họ không phải dựa vào Thiên Chúa mà dựa vào việc tuân giữ nghiêm ngặt Lề Luật của Thiên Chúa.  Họ đã tin vào những gì họ làm cho Thiên Chúa hơn là vào những gì Thiên Chúa đã làm cho họ.  Họ đã đánh mất đi khái niệm về ân sủng, đó chính là nguồn mạch và hoa trái của tình yêu.  Trước một thái độ sai lạc về Thiên Chúa như thế, Đức Giêsu đã phản ứng một cách vững chắc và khẳng định về việc thực thi tình yêu thương khiến cho việc tuân giữ lề luật và ý nghĩa thực sự của nó thành tương đối.  Trong một thời đại của thay đổi và bất định, chẳng hạn như bây giờ, sự cám dỗ ấy lại xuất hiện, đó là tìm kiếm sự yên thân trước khi tìm kiếm Thiên Chúa, không phải trong sự tốt lành của Thiên Chúa dành cho chúng ta, mà trong việc nghiêm ngặt tuân giữ Lề Luật.  Nếu chúng ta không chống nổi sự cám dỗ như thế, thì chúng ta cũng đáng bị Chúa quở trách như vậy.  
ii)  Một sự tương đồng giữa Tin Mừng Máccô và Mátthêu:
Trong Tin Mừng của Máccô, một người kinh sư đứng ra chất vấn (Mc 12:32-33).  Sau khi nghe xong câu đối đáp của Chúa Giêsu, vị kinh sư này đồng ý với Người và đưa ra kết luận sau:  “Thầy nói đúng, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân thì quý hơn nhiều so với bất kỳ lễ toàn thiêu hoặc hy lễ”.  Nói cách khác, giới răn yêu thương là giới răn quan trọng nhất trong tất cả các giới răn liên quan đến lòng tôn sùng và các hy lễ của Đền Thờ và các sự tuân giữ bên ngoài.  Lời tuyên bố này đã có trong Cựu Ước từ thời tiên tri Hôsê (Hs 6:6; Tv 40:6-8; Tv 51:16-17).  Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng việc thực thi lòng bác ái thì quan trọng hơn là tuần cửu nhật, khấn hứa, ăn chay, cầu nguyện và rước kiệu.  Chúa Giêsu chấp nhận lời kết luận của vị kinh sư và nói:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu!”  Nước Thiên Chúa gồm có điều này:  nhận biết rằng tình yêu Thiên Chúa thì ngang với tình yêu tha nhân.  Chúng ta không thể đến được với Thiên Chúa mà không hy sinh thân mình cho tha nhân!
iii)  Giới răn cao trọng nhất:
Giới răn đầu tiên và cao trọng nhất là:  “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mc 12:30; Mt 22:37).  Cho đến ngày nay, trải qua nhiều thế kỷ, dân của Chúa đã hiểu được ý nghĩa của tình yêu này, cho đến độ họ đã ý thức được rằng tình yêu Thiên Chúa thì có thật và chỉ thực sự nếu nó được thực hiện cụ thể qua tình yêu tha nhân.  Đó là lý do tại sao điều răn thứ hai tương đồng như điều răn thứ nhất (Mt 22:39; Mc 12:31).  “Nếu ai nói:  ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4:20).  “Tất cả luật Môisen và sách các Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40).  Bởi vì sự gắn bó của hai tình yêu này, đã có một sự tiến hóa trong ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất:  “Người đồng loại”, tương ứng với người cùng nòi giống
Cựu Ước đã dạy rằng chúng ta phải “yêu thương người đồng loại như chính mình!” (Lv 19:18).  Nhưng sau đó, từ ngữ người đồng loại đã được chuyển thành đồng nghĩa với người thân thuộc bà con.  Họ cảm thấy có nhiệm vụ phải yêu thương tất cả những người cùng chung huyết thống, chung gia tộc, chung nòi giống.  Đối với những kẻ xa lạ, đó là, những kẻ không phải là dân Do Thái, sách Đệ Nhị Luật nói:  “Đối với người nước ngoài, anh em có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh em mà ở trong nhà người bà con (thân nhân, hàng xóm) của anh em, thì phải tha không đòi!” (Đnl 15:3).
Giai đoạn thứ hai:  “Người đồng loại” là người tôi tiếp cận hoặc người tiếp cận tôi
Khái niệm về người đồng loại được mở rộng.  Vào thời Chúa Giêsu, có cả một cuộc thảo luận về “ai là người đồng loại của tôi?”  Một số các luật sĩ nghĩ rằng khái niệm về người đồng loại phải được mở rộng ra khỏi giới hạn của chủng tộc.  Những người khác lại không muốn nghe điều này.  Vì vậy, một người thông luật tìm đến Chúa Giêsu và hỏi thử người câu hỏi:  “Ai là người lân cận của tôi?”  Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu (Lc 10:29-37), ở đó người lân cận không phải là một người thân thuộc cũng chẳng là bạn hữu, mà là tất cả những ai tiếp cận với chúng ta, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, giới tính hoặc ngôn ngữ!  Bạn phải yêu thương họ!
Giai đoạn thứ ba:  Tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu của chúng ta với người lân cận là tình yêu mà Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.
Đức Giêsu đã nói với người thông luật:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34).  Người thông luật đã gần Nước Trời, vì trong thực tế, Nước Trời bao gồm kết hợp tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân, như người thông luật đã trang trọng tuyên bố trước mặt Chúa Giêsu (Mc 12:33).  Nhưng để được vào Nước Trời ông ta phải tiến thêm một bước nữa.  Trong Cựu Ước, tiêu chuẩn của tình yêu đối với tha nhân như sau:  “yêu thương người lân cận như chính mình”.  Chúa Giêsu đã nới rộng tiêu chuẩn ấy xa hơn và phán:  “Đây là điều răn của Thầy:  anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!  Không có tình yêu nào cao cả hơn là tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình!” (Ga 15:12-13).  Ngày nay, trong Tân Ước, tiêu chuẩn là:  “Hãy yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta!”  Đức Giêsu giải thích ý nghĩa chính xác của Lời Chúa và chỉ cho chúng ta đường lối đến một lối sống trong tình huynh đệ và công bằng hơn.

6.  Thánh Vịnh 62

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi linh hồn tôi mới được nghỉ ngơi

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.
Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.
Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.
Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.

7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
www.dongcatminh.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét