30/10/2017
Thứ Hai tuần 30 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm
8, 12-17
"Anh em đã nhận
lãnh tinh thần nghĩa tử, trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy
Cha".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng
ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì
chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ thần
trí mà anh em đã giết được các hành động thân xác, thì anh em sẽ được sống.
Những ai sống theo
Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận
tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh
thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: "Abba, lạy Cha". Vì chính Thánh Thần
đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu
là con cái, thì cũng là những người thừa tự: nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa,
và đồng thừa tự với Ðức Kitô, vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi
chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 67, 2 và 4.
6-7ab. 20-21
Ðáp: Thiên Chúa chúng tôi là Thiên Chúa cứu độ (c. 21a).
Xướng: 1) Thiên Chúa đứng
lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long
nhan. Nhưng người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa, họ mừng vui
sung sướng. - Ðáp.
2) Là Cha kẻ mồ côi,
là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người.
Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra
nơi thịnh đạt. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa ngày
nọ qua ngày kia! Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ gánh nặng chúng tôi.
Thiên Chúa chúng tôi là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát
khỏi tay tử thần. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! -
Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 10-17
"Chớ thì không
nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat
sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, nhân ngày
Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị
quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể
trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng:
"Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy,
tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
Nhưng viên trưởng hội
đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo
dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy
đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat".
Chúa trả lời và bảo
ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người
trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước
sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám
năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?"
Khi Người nói thế, tất
cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ
lùng Người đã thực hiện.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cốt Lõi
Của Ðạo
Một đêm mùa Ðông lạnh
như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn
tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ
ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại
nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một
đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành,
chứ không phải là trại tế bần".
Giữa đêm, vị tu sĩ
nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường:
giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên
bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị
này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã
dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn:
"Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật,
ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".
Sáng hôm sau, vị tu
sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro
như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi
đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối
hôm qua".
Về sau, vị tu sĩ
canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông
như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng
hơn một mạng người sống".
Một trong những nguyên
nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những
người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật
lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa
Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ,
Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ
không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà
khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị
của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức
và việc tuân giữ bên ngoài.
Xin cho chúng ta hiểu
rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những
việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn
chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín
rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 30 TN,
Năm lẻ
Bài đọc: Rom
8:12-17; Lk 13:10-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy sống theo sự hướng dẫn của
Thánh Thần.
Nhiều người nghĩ mình
có tự do để làm bất cứ điều gì mình mong muốn; nhưng họ sẽ nhận ra ngay đó
không phải là sự tự do đích thực. Ví dụ, việc hút sách. Một người nghĩ họ có tự
do để thử; nhưng chỉ vài ba lần, họ nhận ra họ không còn tự do để thôi hút, và từ
đó, họ làm nô lệ cho cần sa, ma túy.
Các Bài Đọc hôm nay
giúp con người nhận ra và sống theo tự do đích thực. Trong Bài Đọc I, thánh
Phaolô so sánh tình trạng của các tín hữu trước và sau khi người tín hữu tin
vào Đức Kitô. Trước đây, họ làm nô lệ cho Lề Luật và cho tội lỗi; và hậu quả là
họ không có bình an và phải chết. Kể từ khi tin vào Đức Kitô, người tín hữu trở
thành con người mới và bắt đầu một cuộc sống mới, quá khứ tội lỗi được xóa sạch
nhờ máu của Đức Kitô thanh tẩy, và họ chính thức trở thành con cái Thiên Chúa.
Như con cái, họ sẽ cùng được chung hưởng gia tài với Đức Kitô cả đời này và đời
sau. Trong Phúc Âm, Đức Kitô từ chối để Lề Luật ngày Sabbath ngăn cản tình yêu
và lòng thương xót của Ngài cho một người đàn bà bị gù lưng đã 18 năm. Ngài mạnh
dạn chữa lành Bà cho dù gặp chống đối từ phía ông Trưởng Hội Đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên
Chúa.
1.1/ Luật cha con của
Rôma: Theo luật "patria potestas"
của Rôma, người cha trong gia đình có toàn quyền và suốt đời trên con cái của
mình, cho dù người con đã khôn lớn hay lập gia đình. Vì thế, rất khó cho người
con thoát khỏi sự kiểm soát của người cha và rất khó trong thủ tục nhận con
nuôi. Để nhận con nuôi, một người phải được chuyển quyền "patria
potestas" từ người cha trước qua người cha sau theo thủ tục sau:
(1) Thủ tục đầu tiên gọi
là "mancipatio." Người cha phải bán con mình cách biểu tượng bằng
việc dùng đồng và cân ba lần. Hai lần đầu người cha bán con cách biểu tượng và
mua lại con mình; nhưng lần thứ ba người cha không mua lại nữa; vì thế quyền
"patria potestas" bị tiêu hủy.
(2) Kế tiếp là thủ tục
"vindicatio." Đây là một nghi lễ mà người cha nuôi phải ra trước
thẩm phán của tòa án Rôma, và trình lên một thỉnh nguyện để chuyển quyền "patria
potestas" về
cho mình. Nếu được thẩm
phán phê chuẩn, ông sẽ chính thức thành cha nuôi của người con đó.
Khi một người đã chính
thức thành con nuôi của cha mới, ông sẽ được thừa hưởng những đặc quyền sau:
(1) Ông sẽ mất hết những quyền lợi đối với gia đình cũ, nhưng sẽ được hưởng tất
cả quyền lợi đối với gia đình mới; vì ông chính thức có một người cha mới. (2)
Ông có quyền thừa hưởng gia tài của người cha mới; cho dù người cha mới có con
cái thêm sau này, tất cả được thừa hưởng đồng đều. (3) Tất cả quá khứ của người
con nuôi được xóa bỏ; chẳng hạn: nợ nần. Ông được coi như một con người mới bắt
đầu một cuộc đời mới mà quá khứ không còn ảnh hưởng gì trên ông.
1.2/ Chúng ta đã trở
thành con cái Thiên Chúa: Có lẽ đây là hình ảnh
trong trí óc của Phaolô khi ông so sánh cuộc đời của các tín hữu trước và sau
khi tin vào Đức Kitô. Chúng ta có thể liệt kê 3 đặc quyền của người tín hữu như
sau:
(1) Thiên Chúa đã chuộc
chúng ta bằng giá máu của Người Con Ngài: Tội lỗi đã làm con người xa Thiên
Chúa. Để chuộc lại, Thiên Chúa đã phải hy sinh trả giá bằng máu của Đức Kitô,
Người Con Một của Ngài. Thánh Phaolô xác tín: "Chính Thần Khí chứng thực
cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa... Phàm ai được Thần
Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa." Thánh Thần được ví
như vị Thẩm Phán của tòa án Rôma.
(2) Ngài đã xóa bỏ mọi
lầm lỗi quá khứ của chúng ta: Nhờ Đức Kitô gánh lấy tội lỗi của con người; nên
mọi tội lỗi quá khứ được xóa bỏ. Người tín hữu có thể làm lại cuộc đời mà không
lo sợ ảnh hưởng của tội lỗi trong quá khứ. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu:
"Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thánh Thần khiến anh em trở thành
nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thánh Thần cho anh em nên nghĩa tử, nhờ
đó chúng ta được kêu lên: "Abba! Cha ơi!"
(3) Chúng ta chính thức
được thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa: "Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế,
mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một
khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người."
2/ Phúc Âm: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!"
2.1/ Lòng thương xót của
Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một
con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng;
hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn
con. Có đau mắt thì mới biết thương người mù, có còng lưng như Bà thì mới biết
nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi
nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa
Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày
Sabbath, nên Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi
tật nguyền!" Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và
tôn vinh Thiên Chúa.
2.2/ Sự vô tâm của ông
Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà
lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với
cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự đau khổ của Bà không là mối quan tâm của
ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath của Chúa làm tổn thương đến địa vị của
ông và làm ông mất mặt với dân chúng. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu
đã chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có
sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào
ngày Sabbath!"
2.3/ Chúa vạch trần sự
sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông
là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ
những gì liên quan đến quyền lợi của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày
Sabbath, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống
nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy sự vô tâm của ông khi đối xử con người không
bằng con bò hay con lừa: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc
đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày
Sabbath sao?”
Đứng trước những lời sửa
dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu
hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy sống
theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để được tự do sống như những người con cái
Chúa. Đừng sống theo tiêu chuẩn con người hay ích kỷ của cá nhân chúng ta.
- Chúng ta phải đặt
tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề Luật bên
ngoài. Đừng bao giờ vô tâm và vô cảm trước những đau khổ và nhu cầu của tha
nhân.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
30/10/2017
THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17
GIẢI THOÁT KHỎI LỐI MÒN
Đức Giê-su bảo:
“Này bà, bà được giải thoát khỏi tật nguyền.” (Lc 13,12)
Suy niệm: Cử toạ ngày
ấy quá quen với hình ảnh người phụ nữ còng lưng lom khom đến hội đường tham dự
nghi thức ngày Sa-bát. Họ đâu nghĩ rằng mười tám năm bị bệnh còng lưng là mười
tám năm người phụ nữ ấy không thể đứng thẳng, cũng như ngần ấy năm không thể
nhìn thấy cả bầu trời bao la như người khác. Đức Giê-su thấu cảm được nỗi đau của
bà đến độ coi căn bệnh còng lưng ấy như xiềng xích Xa-tan trói buộc bà, và Ngài
phải giải thoát bà ngay lập tức, không để bà bị đau khổ thêm một phút nào. Có
thể ta quen nhìn thấy những người bệnh lâu năm như một chuyện bình thường; quen
nhìn người lơ là, bỏ đạo như hình ảnh quen thuộc; quen nhìn người nghèo chung
quanh như điều phải có trong cuộc sống. Mẫu gương của Đức Giê-su phải thúc đẩy
ta ra khỏi lối mòn quen thuộc của mình.
Mời Bạn: “Sợi xích trói buộc ta
nhất là sợi xích ít đè nặng trên ta nhất” (S.
Swetchine). Những sợi xích như tính ích kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, tham
vọng… đang trói buộc bạn, không cho bạn đứng thẳng trong cuộc đời. Những sợi
xích ấy quá thân thiết với bạn, khiến bạn không còn coi là xích xiềng nữa. Còn
chần chừ gì nữa, hãy nhờ Chúa Giê-su giải thoát bạn!
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra thói xấu của
mình không phải là bình thường, và nỗi đau của người khác không phải là quen
thuộc, để tích cực thay đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn chạnh lòng thương khi thấy nỗi
đau của người khác. Xin cho con có được trái tim nhạy cảm của Chúa, luôn biết
rung động trước đau khổ của người lân cận, dù người ấy là người thân hay người
không thân. Amen.
( 5 phút Lời Chúa )
Đứng thẳng được (30.10.2017 – Thứ hai Tuần 30 Thường niên)
Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được, không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình. Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.
Suy niệm:
Trong dòng tiến hóa từ
vượn lên đến người,
có một thay đổi bên ngoài
khá rõ nét.
Càng tiến hóa thì lưng
con vật càng thẳng hơn.
Khi con người có thể đứng
thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.
Hai chi trước được tự do
nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.
Đứng thẳng đúng là một
nét đặc trưng của con người
Người phụ nữ trong bài
Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.
Mười tám năm không thể
nào đứng thẳng lên được (c. 11).
Lưng bà còng hẳn xuống
khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.
Có lẽ bà chỉ nhìn thấy
mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.
Bệnh này thật khó chịu,
khiến bà đi đứng khó khăn.
Vậy mà bà vẫn có mặt ở
hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.
Dù bà thấp vì còng lưng,
Ngài vẫn trông thấy bà.
Dù bà chẳng xin gì, Ngài
vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).
Đức Giêsu nhìn thấy sự
trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.
“Này bà, bà đã được giải
thoát khỏi tật nguyền.”
Chữa bệnh chính là đem
lại giải thoát cho người phụ nữ.
Hơn nữa, Đức Giêsu còn
đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.
Tức khắc bà còng lưng đã
có thể đứng thẳng lên được.
Điều mơ ước từ mười tám
năm, bỗng chốc thành hiện thực.
Bà có thể nhìn thấy bầu
trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).
Đức Giêsu coi bệnh của bà
như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).
Không phải chỉ là trói
buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),
mà là trói buộc bằng
xiềng xích.
Chính vào ngày sabát, Đức
Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,
để bà được tự do, được
đứng thẳng như một người bình thường.
Bà còng lưng bị trói buộc
bởi gánh nặng của bệnh tật.
Nhưng có bao thứ trói
buộc khác làm con người mất tự do.
Như người phụ nữ này,
chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,
nhưng hoàn toàn bó tay từ
nhiều năm qua.
Có những thứ trói buộc do
tác động bên ngoài,
nhưng có thứ xiềng xích
do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.
Tôi bị trói buộc bởi lòng
ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…
Chúng ta cần thú nhận
mình không tự giải thoát mình được,
không tự đứng thẳng được,
không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.
Chúng ta cần Đức Giêsu
đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.
Đâu phải chỉ người phụ nữ
còng lưng mới bị trói buộc.
Tôi cũng bị trói buộc bởi
những giá trị mập mờ của thế tục.
Làm sao để tôi được tự do
với cái cell phone tôi đang dùng,
với những hình ảnh mà tôi
tìm kiếm trên internet,
với lối sống mà ngày nay
bao người coi là đáng ước mơ?
Xin cho tôi không chỉ cúi
xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,
nhưng có thể ngước lên để
thấy bầu trời mênh mông trên cao.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn
gì,
nhờ thế Người là tất cả
của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi
chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy
Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi
sự,
và dâng Người tình yêu
trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn
gì,
nhờ thế tôi không bao giờ
muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc
trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý
muốn của Người
và thực hiện ý Người
trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Vượt Qua Mọi
Rào Chắn
Giáo Hội bước đi trên
con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều
là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã
hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng
nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không
thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.
Tiên vàn chúng ta,
trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh
của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như
tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được
soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường
xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của
tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn
luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng
được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của
nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi
chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội,
chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt
qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ
hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo
hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất
trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi
những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng
Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin
Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu”
(Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất
với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Hạnh Các Thánh
30 tháng 10
Thánh An-phông-sô
Rodriguez
(1532 -1617)
(1532 -1617)
An-phông-sô sinh ở
Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ,
An-phông-sô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục
dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của
An-phông-sô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho An-phông-sô
rước lễ lần đầu.
Vào lúc 14 tuổi,
cùng với người anh, An-phông-sô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng
chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở
thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Vào lúc 23 tuổi, một
mình An-phông-sô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập
gia đình và được một trai hai gái.
Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống
dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho An-phông-sô qua những cái chết bất
ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi
bán hết cơ sở thương mại, An-phông-sô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em
gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này An-phông-sô học được
cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích
Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần,
An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để
được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng
học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng An-phông-sô rất
kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý
nhận An-phông-sô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường
dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.
Trong vòng 45 năm kế
đó, thầy An-phông-sô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ
để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng
như sùng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Một linh mục dòng Tên phải kêu lên, "Thầy
đó không phải là một người bình thường -- thầy là một thiên thần!" Các
giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người
nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha
Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Ðồ của Người Nô Lệ Da Ðen.
Trong những năm cuối đời,
thầy An-phông-sô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước
khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng
như thể xác tan biến. Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường,
ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng
vào ngày 31 tháng Mười, 1617. Tang lễ của ngài có nhiều thành phần tham dự,
ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc
và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô
Claver.
Trích từ NguoiTinHuu.com
30 tháng 10
Viên Ðá Quý
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta
thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh
Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một
viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của
hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước
tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế
chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào
Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa,
Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa
con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng
chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng
con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương
kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng
thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau
khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh
kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của
cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm
lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó
đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ
và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh
giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được
thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn
trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc
quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc
nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc
sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người
phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải
đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao
giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài
đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là
con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh
truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta
sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy
Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận
thù và thất vọng.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét