05/07/2018
Thứ năm đầu tháng, tuần 13 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am 7, 10-17
"Ngươi hãy đi
nói tiên tri cho dân Ta".
Trích sách Tiên tri
Amos.
Trong những ngày ấy, một
vị tư tế ở Bêthel, là Amasia, sai người đến với Giêrôbôam, vua Israel, mà thưa
rằng: "Amos đã nổi loạn chống đức vua, ngay trong nhà Israel, xứ sở không
chịu nghe các lời của y". Vì đây, Amos nói rằng: "Giêrôbôam sẽ chết
vì gươm, và dân Israel sẽ bị đày xa xứ sở".
Và Amasia đã nói với
Amos: "Hỡi nhà tiên tri, hãy trốn sang đất Giuđa mà kiếm ăn và nói tiên
tri. Ðừng ở Bêthel mà tiếp tục nói tiên tri nữa. Vì đây là nơi thánh của vua,
là đền thờ của vương quốc". Nhưng Amos trả lời Amasia rằng: "Tôi
không phải là tiên tri, cũng không phải con của tiên tri: nhưng tôi là một mục
tử, chuyên trồng cây sung. Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo đoàn vật, và Chúa bảo
tôi: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta". Và này, hãy
nghe lời Chúa phán: "Người bảo: Chớ nói tiên tri chống lại Israel, chớ chỉ
trích dòng họ kẻ theo dị thần". Chính vì thế mà Chúa phán như sau: "Vợ
ngươi sẽ gian dâm trong thành phố. Con trai con gái ngươi sẽ gục ngã dưới lưỡi
gươm. Ruộng vườn ngươi sẽ bị phân tán. Chính ngươi, ngươi sẽ chết trên đất nhơ
nhớp, và dân Israel sẽ bị đày ải xa quê hương mình".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9.
10. 11
Ðáp: Phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy
(c. 10b).
Xướng: 1) Luật pháp
Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính
trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa
thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
- Ðáp.
4) Những điều đó đáng
chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật và hơn cả mật chảy tự tàng ong.
- Ðáp.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".
- Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 1-8
"Họ tôn vinh
Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống
thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một
kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất
toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ
mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết
ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong
lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy mà
đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời
này Con Người có quyền tha tội". Bấy giờ Người nói với người bất toại:
"Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi
về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người
quyền năng như thế.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sống Niềm Tin
Con người là con vật
xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình.
Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi
trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống
là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác và
cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi.
Ðời sống đức tin cũng
không ra ngoài định luật ấy. Ơn cứu độ được gửi đến cho tất cả, chứ không cho
riêng một ai, mỗi cá nhân đón nhận nhưng rồi phải san sẻ cho người khác. Sự
thánh thiện hoặc tội lỗi của một người cũng có ảnh hưởng đến người khác. Chúa
Giêsu đã lên án mạnh mẽ những ai làm cớ vấp phạm cho người khác xa lìa Thiên
Chúa.
Tin Mừng hôm nay thuật
lại một phép lạ xẩy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người tê liệt được khiêng
đến cho Chúa Giêsu. Phúc Âm Marcô và Luca cho thấy rõ hơn quang cảnh của phép lạ
này: vì không có chỗ để chen vào, người ta leo lên gỡ mái nhà và thòng người tê
liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu
nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng
của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng
người tê liệt, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.
Dấu lạ đòi hỏi lòng
tin. Một khi lòng tin đã đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, thì con người sẽ dễ
dàng gặp được dấu lạ và lòng tin có thể chuyển dấu lạ hay ơn lành sang cho người
khác. Với đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, thì việc đưa bệnh
nhân đến gần Ngài quả là một cố gắng vượt mức. Nhìn vào cố gắng này, chắc chắn
nhiều người sẽ đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Ngài là ai mà con người phải cố gắng
tìm gặp đến thế? Ðặt câu hỏi tức là đã bắt đầu tiến đến gần Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
biết sống niềm tin, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được
ơn lành của Chúa, và củng cố niềm tin nơi nhiều người xung quanh.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 13 TN2
Bài đọc: Amo
7:10-17; Mt 9:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải cẩn thận
suy xét Lời Chúa
Lời của Thiên Chúa
phán ra sẽ không trở lại với Ngài mà không có hiệu lực (Isa ia). Khi con người
có cơ hội nghe Lời Chúa, hoặc chính Thiên Chúa phán ra hoặc qua miệng các ngôn
sứ, con người cần có thái độ tôn kính học hỏi và khiêm nhường lắng nghe. Sau
đó, con người cần suy xét và thi hành những gì Ngài nói thì mới có thể sinh ích
cho mình và tránh được những thiệt hại xảy đến trong tương lai.
Các bài đọc hôm nay dẫn
chứng hai ví dụ xảy ra cho những người không cẩn thận lắng nghe và khinh thường
Lời Chúa. Trong bài đọc I, tư tế Amaziah khinh thường ơn gọi ngôn sứ của Amos,
qua việc sai sứ giả tâu lên vua và đuổi Amos về quê quán của mình. Hậu quả là
tư tế đã phải lãnh nhận những lời tuyên sấm thiệt hại liên quan đến bản thân,
gia đình và đất nước. Trong Phúc Âm, một số các kinh sư kết tội Chúa Giêsu phạm
thượng vì dám tha tội, quyền chỉ dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu lợi dụng cơ hội
để cắt nghĩa cho họ, nếu Ngài có thể chữa lành bệnh, Ngài cũng có thể lấy đi tội
là nguyên nhân của bệnh. Nói tóm, họ phải chấp nhận Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài
làm được những việc chỉ Thiên Chúa mới làm được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.”
1.1/ “Jeroboam sẽ chết vì
gươm, và Israel sẽ bị đày biệt xứ.”
Trình thuật kể thái độ
của Amaziah đối với ngôn sứ Amos như sau: “Bấy giờ ông Amaziah, tư tế đền thờ
Bethel, sai người đến gặp Jeroboam, vua Israel, và thưa: “Amos âm mưu chống đức
vua ngay trên lãnh thổ Israel, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời
nào của ông ta nữa. Vì Amos nói như thế này: “Jeroboam sẽ chết vì gươm, và
Israel sẽ bị đày biệt xứ.”
Khi nghe những lời
tuyên sấm của ngôn sứ, con người có hai thái độ, hoặc đón nhận và khiêm nhường
xét mình để sửa đổi, hoặc tức giận chửi rủa và tìm cách triệt hạ vị ngôn sứ. Tư
tế Amaziah chọn thái độ thứ hai.
Amos sinh tại Tekoa, một
thành của Judah; nhưng Đức Chúa lại truyền cho ông đi nói tiên tri tại vương quốc
Israel. Đó là lý do Amaziah nói với ông Amos: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất
Judah, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bethel này, đừng có hòng
nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương
triều.”
Ông Amos trả lời ông
Amaziah: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ.
Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt
lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi
tuyên sấm cho Israel dân Ta.” Amos muốn nói cho Amziah biết: Ơn gọi làm ngôn sứ
đến từ Thiên Chúa; nếu Ngài không gọi ông, ông đã không qua Judah để tuyên sấm
cho Đức Chúa.
1.2/ Truy tố ngôn sứ
không làm vô hiệu hóa sấm ngôn của Đức Chúa.
Người nghe sứ điệp của
ngôn sứ phải hiểu ông chỉ là người mang sứ điệp hay chỉ là cái loa của Thiên
Chúa, Đấng ban hành sứ điệp. Nếu họ không muốn hậu quả xảy ra, họ có thể chọn một
trong hai giải pháp: hoặc họ phải tiêu diệt Người ban hành sứ điệp, điều mà
không ai có thể làm nổi, hoặc họ lắng nghe sứ điệp và kiểm điểm con người để sửa
đổi. Nóng giận và tiêu diệt ngôn sứ chỉ tăng thêm tội cho họ và làm cho cơn giận
của Thiên Chúa càng mau tới.
Amos tuyên sấm cho tư
tế Amaziah, không phải nhân danh sự hận thù cá nhân, nhưng là nhân danh Thiên
Chúa: “Vì vậy, Đức Chúa phán thế này: “Vợ ngươi sẽ đi làm điếm trong thành phố,
con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân
chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế.” Và ông lặp lại
lời tuyên sấm trước: “Israel sẽ bị đày xa quê cha đất tổ.”
2/ Phúc Âm: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”
2.1/ Các kinh-sư chất vấn
quyền tha tội của Chúa Giêsu: Người ta
khiêng đến cho Chúa Giêsu một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin
như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội
rồi!”
(1) Phản ứng của các
kinh-sư: Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng!” vì truyền thống
Do-thái tin: Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội.
(2) Phản ứng của Chúa
Giêsu: Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu
trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi!” hai
là bảo: “Đứng dậy mà đi!” điều nào dễ hơn?
Dĩ nhiên điều dễ làm
hơn là bảo: “Con đã được tha tội rồi!” vì chẳng ai có thể xác quyết quyền này.
Điều khó hơn là truyền cho bệnh nhân: “Đứng dậy mà đi!” vì ai ai cũng có thể chứng
nhận người truyền có thể làm việc ấy hay không. Để chứng minh cho họ biết Ngài
có cả hai quyền, Chúa Giêsu truyền cho người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi
về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.
2.2/ Quyền tha tội liên
quan đến việc chữa lành:
(1) Chúa Giêsu có quyền
tha tội: Truyền thống Do-thái tin bệnh tật là hậu quả của tội. Chúa Giêsu muốn
chứng minh cho họ biết: Nếu Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài cũng lấy đi tội lỗi,
nguyên nhân của bệnh. Chúa Giêsu muốn dùng việc chữa lành để chứng minh Ngài có
quyền tha tội.
(2) Chúa Giêsu là
Thiên Chúa: Ngoài ra, như mấy kinh sư tin tưởng: Chỉ Thiên Chúa mới có quyền
tha tội; mà Chúa Giêsu có quyền tha tội; cho nên Ngài phải là Thiên Chúa. Như
thế, lời kết tội Chúa Giêsu của các kinh sư “Ông này nói phạm thượng!” là sai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tỏ
lòng tôn kính và khiêm nhường mỗi khi đọc hay lắng nghe Lời Chúa, vì những lời
này sẽ trở thành những bằng chứng để kết tội chúng ta.
– Chúng ta đừng bao giờ
có thái độ khinh thường, phê bình, và gây thiệt hại cho các ngôn sứ vì những lời
họ rao giảng. Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ gây htêm tội cho mình mà vẫn
không thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa. Điều tốt hơn là hãy cẩn thận suy xét
coi những lời đó ảnh hưởng tới chúng ta làm sao và mau mắn thi hành.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/07/18 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Gia-ca-ri-a, linh mục
Mt 9,1-8
ĐẾN VỚI THẦY THUỐC GIÊ-SU
Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của
mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. (Mt
9,1-2)
Suy niệm: “Sinh, lão, bệnh, tử” là
thân phận tất yếu của một nhân loại. Dưới cái nhìn siêu nhiên thì nguyên nhân
sâu xa của thân phận ấy là bởi tội lỗi: “Bởi một người, mà tội lỗi đã vào thế
gian, và do tội mà có sự chết” (Rm 5,12). Tất cả những điều khác đều là hệ lụy
của sự chết và tội lỗi đó. Từ đây, nhân loại luôn sống trong bất an và bất hạnh.
Nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhân loại xóa dần những nguy cơ do bệnh tật gây
ra. Tuy nhiên, y học càng văn minh, thì càng khám phá những căn bệnh mới và những
phản tác dụng do thuốc men tạo nên. Và người ta dễ rơi vào một ảo tưởng nguy hiểm
là quá chú trọng việc đẩy lùi những căn bệnh thể lý mà quên mất việc bảo vệ
mình khỏi những căn bệnh của linh hồn. Chúa Giê-su chữa lành cho họ không chỉ tật
bệnh thể xác mà còn tha tội là căn nguyên mọi tật bệnh xác hồn: “Này con, cứ
yên tâm, tội con được tha rồi.”
Mời Bạn: Chữa lành thân xác con người
là việc rất cần thiết. Nhưng chữa lành linh hồn còn quan trọng hơn bội phần.
Chúa muốn chúng ta hãy trân trọng tâm hồn mình và mọi tâm hồn khác. Hãy đến với
thầy thuốc Giê-su để từ nay trân trọng tâm hồn mình bằng việc dành thời gian cầu
nguyện, phục vụ và bồi dưỡng tâm linh.
Sống Lời Chúa: Phòng bệnh hơn chữa bệnh:
Xét mình mỗi ngày và thường xuyên lãnh nhận bí tích hoà giải là phương thế giúp
ta vừa chữa trị vừa ngăn ngừa những tật bệnh tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
con là kẻ có tội. Xin Chúa thương xót và chữa lành con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Thấy
họ có lòng tin (Thứ
Năm tuần 13 Thường
niên - 05.7.2018)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG BẢY
Tính Tự Trị Của Các
Vật Thụ Tạo
Mặc dù cách diễn tả của
Thánh Kinh gán quyền cai quản mọi loài trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn
có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt giữa hành động của Thiên Chúa – Đấng Tạo
Hóa – và hoạt động của các thụ tạo. Đó là sự khác biệt giữa nguyên nhân đệ nhất
và các nguyên nhân đệ nhị. Đây là vấn đề rất thường được đặt ra bởi con người
thời nay: Thế giới thụ tạo có được sự tự trị và sự tự do đến mức nào? Đâu là vai
trò của con người trong việc phát minh, sáng tạo và xây dựng thế giới?
Theo đức tin Công
Giáo, sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa làm cho sự quan phòng của Ngài có thể hiện
diện trong thế giới – trong khi thế giới thụ tạo vẫn có được một sự tự trị nào
đó theo quyền của mình. Công Đồng Vatican II đã đề cập đến mầu nhiệm này. Một
đàng, Thiên Chúa giữ gìn mọi sự và làm cho mọi sự có thể là chính chúng: “Chính
vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực, tốt lành cùng những
định luật và trật tự riêng” (MV 36). Đàng khác, nhờ cách thế mà Thiên Chúa cai
quản thế giới, các tạo vật – nhất là con người – có thể có được sự tự trị nào
đó “theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo” (MV 36).
Sự quan phòng của
Thiên Chúa được diễn tả một cách chính xác trong “tính tự trị của các loài thụ
tạo”, trong đó cả sức mạnh lẫn sự ân cần của Thiên Chúa đều được thể hiện.
Chúng ta nhận ra rằng – đối với con người – sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ vẫn
luôn luôn còn là một sự khôn ngoan nhiệm mầu bao trùm hết thảy mọi sự (“từ chân
trời này đến chân trời kia”). Sự quan phòng ấy được nhận ra nơi mọi sự với đầy
sức sáng tạo và với trật tự rõ ràng của nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn chừa lại
nguyên đó vai trò của con người trong việc xây dựng và phát triển thế giới. Đó
chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chúng ta.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/7
Thánh Antôn Maria
Giacaria, linh mục
Am 7, 10-17; Mt 9,
1-8.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu bảo
người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về
nhà, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền
năng như thế.”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt, Người nói với người bại
liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” và câu kết của câu chuyện:
“Dân chúng tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.”
Giúp cho chúng ta nhận ra giá trị và sự cần thiết của Bí Tích Hòa Giải, mỗi khi
chúng ta lãnh nhận; làm cho chúng ta được bình an với Chúa và với nhau trong
ngày sống của mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng con.
Chúa đã từng tha tội và phục hồi sức khỏe thể xác cho người bại liệt. Chúa muốn
Hội Thánh nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ.
Xin cho chúng con siêng năng đến lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải để chúng con được
bình an và vui sống.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
05-07: Thánh ANTÔN MARIA GIACARIA
Linh mục (1502 –
1539)
Thánh Antôn Maria
Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm, mẹ Ngài, người góa phụ trẻ
18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần gian là đào tạo tâm hồn
người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là chơi giỡn và biết kiên
trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát huy tình bác ái đối với
người nghèo khổ, làm gương cho con.
Thành Grêmôna nơi
Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc chiếm đóng của người Pháp,
dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza. Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày
kia trên đường về học, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo thêu của mình cho người nghèo
mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào lòng. Từ đó Antôn xin cho con được
ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn cho người nghèo nữa.
Thân mẫu Antôn đã chọn
cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15,
Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học
người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của Ngài. Tốt nghiệp phải cấp bằng tiến sĩ
ưu hạng, Ngài được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Nhưng đây lại là thời
Luthênô nổi dậy. Antôn bỏ nghề thuốc để theo môn thần học.
Antôn Giacaria bắt đầu
tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về các chân lý cao trọng. Cha mẹ
chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói: – Nào chúng mình đến nghe thiên thần của
Chúa.
Tay cầm thánh giá,
thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu chuộc và việc thống hối.
Nơi nào bị chế nhạo, bị xỉ nhục, Ngài càng năng lui tới hơn.
Năm 1528, lúc được 36
tuổi, Antôn được thụ phong linh mục. Ngài đến ở Milan, thăm viếng các người đau
khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã
mang lại cho Ngài danh hiệu “người cha dân tộc”. Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục
sinh các linh hồn. Ngài chống lại phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn
công đức tin tinh tuyền. Cha Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và
Ferrari. Đức giáo hoàng truyền cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ
dòng thánh Phaolô. Các Ngài được trao cho việc coi sóc thánh đường thánh
Barnabê, nên người ta gọi các Ngài là các cha Barnabê.
Thánh Antôn Maria
Giacaria thường nói với các môn sinh: – “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng
là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới
không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị
đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người
khác”.
Ngài dạy họ phải quen
với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm như vậy được nếu không hướng trọn
ý tưởng về với Chúa, và nếu kinh nguyện chưa nên của ăn nuôi sống linh hồn. Các
linh mục và cả hàng giáo sĩ đã bắt đầu. Chiều về anh em họp nhau lại để thú tội.
Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng.
Họ còn tự động cột giây vào cổ, làm những việc nặng nhọc trong khi một số khác
đi ăn xin cho người nghèo.
Thấy vậy, nhiều người
thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn cổ động lòng sùng kính Thánh
Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ rước lễ một hai lần trong
năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt thành của Ngài là cuồng tín
dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều Ngài thường nói: – Bạn sẽ được
thấp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến những sự trên thế gian này nữa.
Năm 1530, Ngài giúp nữ
công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn
y hội dòng này và đặt tên là “Dòng chị em các thiên thần”.
Năm 1536, cha Antôn
Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ đầu để đi truyền giáo. Ngài
rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp. Công việc thật bề bộn, không
thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung thành với tác vụ, các cuộc tĩnh
tâm và thư tín.
Tuy nhiên lần này, tại
Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn sinh, Ngài lui về với thân mẫu.
Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói:- Mẹ ơi ! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao
lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong vinh quang bất tận mà bây giờ con
đang tiến vào.
Ba giờ chiều ngày 5
tháng 7 năm 1593, linh mục trẻ 36 tuổi Antôn Maria Giacaria thở hơi cuối cùng
trong tay mẹ hiền.
(daminhvn.net)
05 Tháng Bảy
Con Người Tự Do
Ðại thi hào
Rabindranath Tagore của Ấn Ðộ có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Khi còn trẻ, tôi cảm
thấy tràn đầy năng lực… Một buổi sáng nọ, tôi ra khỏi nhà và hô lớn: “Tôi sẵn
sàng phục vụ bất cứ ai muốn”. Thế là tôi hăm hở lên đường và trong tư thế sẵn
sàng phục vụ bất cứ ai chờ đợi. Từ đằng xa, đức vua và đoàn tùy tùng tiến đến.
Vừa nghe tiếng tôi, ngài đã dừng lại và nói với tôi: “Ta đưa ngươi vào cung hầu
hạ ta và bù lại, ta sẽ ban cho ngươi quyền hành”. Ngẫm nghĩ, không biết dùng
quyền hành để làm gì, tôi đành lặng lẽ bỏ đi…
Tôi tiếp tục ra đi
và hô lớn: “Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn”. Chiều hôm đó, có một cụ già
ngỏ ý thuê tôi và để đền bù, cụ cho tôi những đồng bạc mà âm thanh vang lên như
bản nhạc. Nhưng tôi cảm thấy không cần tiền bạc, cho nên đành tiếp tục ra đi.
Tôi tiếp tục ra đi
và tiến gần đến một căn nhà xinh đẹp. Một em bé gái xinh đẹp chào tôi và đề nghị
với tôi: “Tôi thuê anh và bù lại, tôi sẽ tặng cho anh nụ cười của tôi”. Tôi cảm
thấy do dự. Một nụ cười sẽ kéo dài bao lâu? Chỉ trong chớp nhoáng, cô bé đã biến
vào bóng tối…
Khi tôi rời bỏ căn
nhà xinh đẹp, thì trời cũng đã tối. Tôi ngã người trên thảm cỏ và ngủ thiếp.
Sáng ngày hôm sau, tôi thức giấc trong sự mệt mỏi. Khi mặt trời vừa lên, tôi đi
lần ra bãi biển. Một cậu bé đang chơi đùa trên cát. Vừa thấy tôi, nó ngẩng đầu
lên, mỉm cười như thể đã từng quen biết với tôi. Một lúc sau, nó nói với tôi:
“Tôi sẵn sàng thuê anh và bù lại, tôi không có gì để cho anh cả”. Tôi đón nhận
ngay giao kèo của cậu bé. Và chúng tôi bắt đầu chơi đùa với nhau trên bãi cát.
Những người qua lại ngỏ ý muốn thuê tôi, nhưng tôi từ chối, bởi vì từ ngày hôm
đó, tôi mới thực sự cảm thấy mình là một con người tự do.
Không gì quý bằng độc
lập tự do: không chừng câu khẩu hiệu quen thuộc này ứng dụng một cách rất xác
thực vào đời sống Ðức Tin của chúng ta… Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng
Cứu Thoát, bởi vì Ngài đến để giải phóng chúng ta, Ngài đến để làm cho chúng ta
được tự do. Và tự do mà Ngài mang lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tự
do khỏi tội lỗi, tự do khỏi đam mê, tự do khỏi ích kỷ, tự do khỏi danh vọng, tiền
bạc và tất cả những gì ràng buộc con người…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét