08/07/2018
Chúa Nhật tuần 14 Thường Niên năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 14 thường niên, năm B
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN - B
(Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)
SỨ MẠNG NGÔN SỨ
“Bởi đâu ông ta được như thế?” (Mc 6,2)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Ed 2,2-5)
Êdêkiel bị lưu đày sang Babylon vào năm 597 tCN cùng
với vị vua cuối cùng vương triều Đavít, Giôgiakhin, và nhiều người trong dân
Israel. Bốn năm sau biến cố này, Êdêkiel được Chúa kêu gọi và sai đến với con
cái Israel. Và trình thuật kêu gọi Êdêkiel hôm nay được xem như là một đoạn
tiêu biểu mô tả về ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ.
Dù Êdêkiel xuất thân từ dòng dõi tư tế cao quý trong
Israel, nhưng Chúa gọi ông bằng một tên mới là ‘ben-´ädäm’ (con của con người),
mà theo truyền thống Do Thái, có nghĩa đơn giản là ‘người’, để nhắc nhở ông về
bản tính mỏng dòn và ắt tử trong thân phận bụi đất của một vị ngôn sứ.
Êdêkiel được Chúa kêu gọi không phải để thi hành một
sứ mạng xa xăm, hay thực thi những phép mầu kỳ diệu, nhưng là một sứ mạng thiết
thực và cụ thể, đó là mang Lời Chúa đến cho con người.
Thật ngạc nhiên khi đối tượng của sứ mạng mà Thiên
Chúa muốn nơi Êdêkiel không phải là một con người, một dân tộc ngoan hiền,
nhưng là một dân tội lỗi luôn nổi loạn chống lại Đức Chúa.
Và dù cho sứ mạng này có thành công hay không, hay
liệu con cái Israel có nghe lời của Đức Chúa, thì Thiên Chúa vẫn thể hiện như một
người Cha, luôn ân cần tìm cách hiện diện và ở giữa dân Người, vì Người không
bao giờ quên lời minh ước.
2. Bài đọc II (2Cr 12,7-10)
Đoạn thư hôm nay được trích từ phần tự biện hộ của
thánh Phaolô trước những lời tố cáo từ một số người ở cộng đoàn Côrintô. Trong
phần này, thánh nhân đã liệt kê những gian nan khốn khó phải chịu vì Tin mừng
(2Cr 11,22-29) và những kinh nghiệm ngoại thường, những giây phút thân mật với
Thiên Chúa mà ngài trải qua.
Đáng ra ngài có thể đã tự hào về những kinh nghiệm
tuyệt vời này trước những kẻ chống ngài; thế nhưng ở đây thánh nhân lại bày tỏ
sự tự hào ở một khía cạnh đối lập, đó là những yếu đuối, nghịch cảnh, túng thiếu
của mình, bởi lẽ Thiên Chúa thường dùng những công cụ thấp hèn để qua đó thể hiện
những can thiệp mang tính cứu độ.
Ở đây thánh nhân mô tả thân xác mình “như đã bị một
cái dầm đâm vào” (c.7). Điều này có thể ám chỉ đến cơn đau về thể lý, nhưng
cũng không loại trừ việc ám chỉ đến cơn đau tinh thần mà những kẻ chống ngài
gây ra.
Thánh nhân đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa cho ngài
thoát khỏi nỗi khốn khổ này (c.8). Tuy vậy, Thiên Chúa đã không cất khỏi nơi
ngài, nhưng lại ban cho ngài sức mạnh khi khẳng định rằng “ơn Ta đủ cho con”
(c.9).
Qua đó ta thấy Thiên Chúa thường không cất các ngôn
sứ của mình khỏi những yếu đuối hay nghịch cảnh, nhưng Người muốn qua những điều
này quyền uy của Người tỏ hiện.
3. Bài Tin Mừng (Mc 6,1-6)
Sau khi rao giảng một thời gian tại Caphácnaum, viếng
thăm một số làng mạc tại Galilêa để rao giảng Tin mừng và chữa lành nhiều bệnh
tật, Đức Giêsu hôm nay trở về quê hương của mình tại Nadarét.
Thái độ phản ứng của những người đồng hương trước Đức
Giêsu được mô tả với hai thái cực đối lập: một mặt, họ ngạc nhiên về những lời
lẽ khôn ngoan phát ra từ miệng Đức Giêsu, và thán phục những công việc Người
làm; mặt khác, họ bị hành hạ bởi những nghi nan, ngờ vực về Đức Giêsu.
Những người Do Thái được tôi luyện trong đức tin cha
ông họ; họ tin vào Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước với dân Người và dành để
mọi phúc lành của Người cho dòng dõi và con cái Ápraham, nghĩa là những kẻ chỉ
thuộc về ‘nhà Israel’.
Với những người Nadarét, Đức Giêsu là một ẩn số
không lời đáp. Cũng như họ, Người lớn lên trong một gia đình với nền tảng đạo
giáo vững chắc, thuộc dân được tuyển chọn, mà Kinh Thánh với 119 lần gọi là ‘Nhà
Israel’. Giờ đây, có vẻ như người này không cảm thấy thoải mái trong ngôi
nhà chật hẹp của mình, và cánh cửa ơn cứu độ ‘Nhà Israel’ giờ đây đã được
mở cho tất cả mọi người.
Với những lời nói và việc làm của mình, Đức Giêsu đã
phá vỡ thế quân bình ổn định của ngôi nhà cũ kỹ, và mời gọi mọi
người bước vào một ngôi nhà mới, một gia đình mới, được xây
nên bởi các môn đệ và bất cứ ai tin theo Người.
Vấn đề tạo ra sự nghi ngờ nơi những người đồng hương
được thể hiện qua hàng loạt câu hỏi, không phải phát xuất từ nội dung của những
lời giảng dạy của Đức Giêsu hay những việc tốt đẹp Người làm, nhưng chính là
nguồn gốc của chúng: từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ? Và họ đi đến một thái độ an
toàn: tốt hơn hết là không nên tin vào con người này; và họ chọn cách ở lại
trong ngôi nhà cũ kỹ của họ.
Và như thế khó có thể không xảy ra sự tách rời giữa
Đức Giêsu với gia đình, bạn bè và những người đồng hương. Đây là số phận chung
của các ngôn sứ, khi chẳng có ai trong số họ được kính trọng nơi quê hương mình
(c.4).
Thái độ của những người dân thành Nadarét có thể được
lặp lại hôm nay. Đức Giêsu xuất hiện ở giữa những người mà họ tự tin biết chắc
chắn về Chúa Giêsu; Người mời gọi họ và đưa ra những đề xuất mới. Cũng như cách
Ápraham được Chúa mời gọi năm xưa, hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi con người rời
bỏ quê hương, xứ sở và mọi thứ dính bén; tuy nhiên, đáp lại lời mời gọi này,
trước tiên là thái độ không hiểu, và sau đó là chối từ.
Thái độ cứng lòng tin có thể tạo nên những hệ quả bi
kịch như được trình bày ở cuối đoạn, đó là tự đẩy xa ơn cứu độ của Thiên Chúa
ra khỏi nơi mình. Dấu chỉ của sự hiện diện Nước Thiên Chúa trong thế giới này sẽ
khó được tỏ hiện nơi đâu thiếu vắng niềm tin và thiện chí.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta,
dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn”. Thiên Chúa đã sai
ngôn sứ Êdêkiel mang Lời Chúa đến với dân Người trong cảnh lưu đày của tội lỗi.
Vậy trong những lúc ‘lưu đày’ của đời mình, tôi có biết lắng nghe và đón nhận
‘lời ngôn sứ’ của Chúa? Hay những lúc ‘lưu đày’của những người anh chị em tôi,
tôi có sẵn sàng là những ‘lời ngôn sứ’ ủi an và nâng đỡ cho mọi người?
2. “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ
này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của
Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’” Từ kinh nghiệm của
thánh Phaolô, tôi có bao giờ cảm thấy “vui mừng và tự hào vì những yếu đuối
của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” hay “tôi cảm thấy vui
sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức
Kitô”?
3. “Và họ vấp ngã vì Người”. Đây là thái độ của
những người đồng hương Đức Giêsu. Còn tôi, đâu là thái độ của tôi mỗi khi Đức
Giêsu đến và đi ngang qua đời mình?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa
là Cha giàu lòng thương xót đã sai Con Một của Người đến thế gian, để những ai
tin vào danh Đức Giêsu Kitô thì được cứu độ. Cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ
Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ của
Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn và mọi
thành phần Hội Thánh luôn trung thành tuyên xưng một đức tin duy nhất, và diễn
tả niềm tin ấy bằng một đời sống chứng tá.
2. Thế giới hôm nay còn nhiều người chối bỏ và xúc
phạm Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi lòng mở trí cho họ vượt qua những
thành kiến nghi ngại, và ban cho họ quả tim mới cùng một tinh thần mới, để họ nhận
biết và đặt trọn niềm tin tưởng vào Người.
3. Thiếu vắng niềm tin là một cản trở đối với ân sủng
của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết siêng năng học hỏi
đào sâu giáo lý đức tin, thường xuyên đón nhận các Bí tích, hầu luôn đứng vững
trước những thử thách trong cuộc sống.
4. Chúa đã phán cùng Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi.”
Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn ý thức sự
bất toàn và giới hạn của bản thân, hầu tích cực cộng tác với ơn Chúa trong việc
sống đạo và thực thi công bình bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,
Chúa luôn yêu thương và muốn mọi người được cứu độ. Xin nhận lời chúng con cầu
nguyện và ban tặng Thánh Thần, giúp chúng con biết nhiệt thành lắng nghe và thực
thi lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn
đời.
SCĐ CHÚA NHỰT XIV THƯỜNG NIÊN.B
CHỦ ĐỀ :
SỨ MẠNG LÀM NGÔN SỨ
"Ngôn sứ bị rẻ rúng ở chính quê hương mình"
(Mc 6,4)
Sợi
chỉ đỏ :
- Bài
đọc I (Êd 2,2-5) : Ngôn sứ Êdêkien lãnh nhận sứ mạng nói Lời Chúa cho một
dân cứng lòng.
- Tin
Mừng (Mc 6,1-6) : Ngôn sứ Giêsu không được đón nhận ở quê hương Nadarét.
- Bài
đọc II (2 Cr 12,7-10) : Ngôn sứ Phaolô tâm sự : bản thân mình rất yếu
đuối, nhưng ơn Chúa làm cho ông nên mạnh mẽ.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh
chị em thân mến
Có lẽ
anh chị em ít khi ý thức rằng qua bí tích rửa tội và thêm sức, chúng ta được
chia xẻ với Đức Giêsu sứ mạng làm ngôn sứ.
Hôm
nay chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa để hiểu sứ mạng ấy là thế nào, và hãy cầu
xin Chúa giúp chúng ta chu toàn sứ mạng ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
-
Chúng ta chỉ lo sống đạo cho mình mà không ý thức sứ mạng ngôn sứ của chúng ta.
-
Chúng ta không dám nói về Chúa cho người khác.
-
Chúng ta không can đảm bênh vực sự thật và công bình.
III. LỜI CHÚA
1. Bài
đọc I (Êd 2,2-5)
Ngôn
sứ Êdêkien kể về ơn gọi của mình :
- Ông
đã được chính Thiên Chúa kêu gọi
- Khi
gọi ông làm ngôn sứ, Thiên Chúa ban "thần linh" cho ông.
- Sứ
mạng của ông là chuyển sứ điệp của Chúa đến với con cái Israel.
-
Nhưng đó là một sứ mạng khó khăn, bởi vì họ là một dân cứng lòng.
2. Đáp
ca (Tv 122)
Có thể
coi Tv 122 này là những tâm tình của một người lãnh sứ mạng ngôn sứ :
-
Ngôn sứ luôn nhìn lên Chúa là Đấng đã kêu gọi mình
-
Trong những lúc khó khăn, ngôn sứ cảm thấy ê chề chán nản
-
Nhưng ngôn sứ luôn trông cậy vào Chúa, xin Ngài cứu giúp.
3. Tin
Mừng (Mc 6,1-6)
Đức
Giêsu trở về quê hương mình là Nadarét. Đến ngày Sabát, Ngài vào hội đường và
giảng Thánh Kinh.
Ban đầu
những người đồng hương rất ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan của Ngài và vì những
phép lạ Ngài làm ở những nơi khác.
Nhưng
khi nhớ đến nguồn gốc tầm thường của Ngài (chỉ là một người thợ mộc, bà con với
những dân làng bình thường), họ không tin Ngài nữa.
Chính
vì thái độ không tin ấy, nên ở Nadarét Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ.
4. Bài
đọc II (2 Cr 12,7-10)
Thánh
Phaolô chân thành chia xẻ tâm sự của mình :
- Bản
thân ông rất yếu đuối. Ông cảm thấy như có một cái dằm luôn đâm vào da thịt
mình. Các chuyên viên Thánh Kinh đang tìm hiểu "cái dằm" này là gì.
Dù chúng ta chưa xác định cụ thể, nhưng có thể hiểu đó là ám chỉ đến những sự yếu
đuối của Phaolô.
-
Chính vì ý thức yếu đuối như thế nên nhiều lần ông ngã lòng, xin Chúa cất khỏi
cái dằm ấy.
-
Nhưng Chúa đã khích lệ ông : "Ơn Ta đủ cho con"
- Cuối
cùng ông tin tưởng và tiếp tục sứ mạng, "vì khi tôi yếu đuối chính là lúc
tôi mạnh mẽ".
IV. GỢI Ý GIẢNG
*
1. Tiếng nói của những ngôn sứ
Tiếng
nói của những ngôn sứ rất lạ thường, vì ngôn sứ không nói tiếng nói của loài
người mà là tiếng nói của Thiên Chúa. Loài người thường "lựa lời mà nói
cho vừa lòng nhau", còn Thiên Chúa thì nói thẳng sự thật để dạy dỗ hoặc sửa
lỗi. Mà "sự thật mất lòng" cho nên tiếng nói của Thiên Chúa nhiều khi
chói tai.
Ngôn
sứ nói tiếng nói của Thiên Chúa, nên nhiều khi chẳng những không được người ta
nghe mà còn bị người ta ghét. Ngôn sứ Êdêkien thay mặt Chúa kêu gọi dân do thái
hãy sám hối tội lỗi chứ đừng ỷ lại vào sự kiện họ có Đền thờ tại Giêrusalem và
cũng đừng nương dựa vào thế lực ngoại bang. Những lời nói này đã khiến dân do
thái kết ông tội phạm thánh và phản quốc. Và họ đã nhiều lần bách hại ông, ông
chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Gioan Tẩy giả thị bị Hêrôđê chém đầu vì
đã dám lên tiếng vạch tội loạn luân của vua. Rất nhiều ngôn sứ khác cũng không
thoát khỏi lao đao lận đận do đã thay mặt Chúa nói lên những "sự thật mất
lòng".
Ngày
nay có biết bao sự thật ê chề trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Thiên Chúa
cần những ngôn sứ can đảm nói lên những điều đó. Nhưng buồn thay, đa số kitô hữu,
thậm chí những cán bộ Tin Mừng và những tu sĩ, giáo sĩ đã chọn thái độ giả điếc
làm ngơ và ngậm miệng. Chỉ vì muốn được yên thân. Như thế là không thi hành chức
năng ngôn sứ của mình.
Ta có
thể nói thẳng bằng những lời bộc trực, hoặc khéo léo hơn bằng lời lẽ từ tốn tế
nhị, nhưng không bao giờ nên ngậm miệng không nói.
2. Tiêu
chuẩn Chúa chọn người
Khi
chọn ai, Chúa theo những tiêu chuẩn rất lạ : không cần học thức cao, không
cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc... Thánh Phaolô đã liệt kê
5 tiêu chuẩn Chúa theo :
. những
cái yếu đuối,
. những
cái ngu dại,
. những
cái hèn mọn,
. những
cái bị khinh thường
. và
những cái hư không. (Sunday School Times).
3.
"Ơn Ta đủ cho con" (2Cr 12,9)
Thiên Chúa luôn ban cho ta đầy đủ ơn Ngài :
. Khi
gánh đời ta nặng hơn, Ngài ban thêm ơn
. Khi
công việc ta cực nhọc hơn, Ngài ban thêm sức
. Khi
Ngài gởi khổ sầu, Ngài cũng gia tăng lòng thương xót
. Khi
Ngài gởi đến thử thách, Ngài cũng gởi đến bình an
. Lúc
ta cảm thấy sức mình hầu như cạn kiệt thì đấy là lúc ơn Chúa thực sự tràn đầy.
(Góp nhặt).
4. Phép
lạ
Bài
Tin Mừng hôm nay đề cập về Phép lạ : Ở quê hương Nadarét, Đức Giêsu chỉ
làm được một ít phép lạ bởi vì dân Nadarét không tin. Nhân dịp này, chúng ta
hãy tìm hiểu xem : phép lạ là gì ? và ngày nay phép lạ còn xảy ra nữa
không ?
Điều
chúng ta cần lưu ý trước tiên là người ta dùng chữ phép lạ theo nhiều nghĩa
khác nhau. Theo nghĩa rộng, phép lạ là một điều gì có vẻ khác thường, xảy ra lạ
hơn bình thường và không giống như người ta dự kiến. Thí dụ như người Do thái
ngày nay đã vận dụng nhiều cố gắng lao động, kết hợp với khoa học kỹ thuật mà
trồng được những vườn cam ngon ngọt trên miền đất trước đây là sa mạc. Người ta
đã coi đó là một phép lạ (theo nghĩa rộng). Còn theo nghĩa hẹp, nghĩa chính
xác, phép lạ là điều không những kỳ diệu khác thường, mà còn xảy ra ngoài những
quy luật tự nhiên nữa. Thí dụ : trong khoa vật lý học, chúng ta biết có
quy luật là một vật có trọng lượng thì bị rơi xuống do sức hút của trái đất.
Nhưng nếu có một người nào đó té từ một nhà lầu cao nhưng không rơi xuống đất
mà cứ lơ lửng giữa chừng, thì khi đó sự kiện không xảy ra theo quy luật tự
nhiên nữa, nên được coi là phép lạ.
Sau
khi đã hiểu phép lạ là gì theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, bây giờ chúng ta tìm hiểu
xem có thể xảy ra phép lạ hay không. Phép lạ hiểu theo nghĩa rộng thì ai cũng
nhìn nhận rằng có, kể cả những người không có đạo, kể cả những kẻ vô thần. Người
ta nói nhiều đến phép lạ cải tạo ruộng đất, làm theo nghĩa hẹp thì những người
vô tín ngưỡng lại không nhìn nhận. Bởi vì muốn có phép lạ theo nghĩa hẹp này
thì cần có sự can thiệp của quyền năng thần thánh. Kẻ vô tín ngưỡng không công
nhận thần thánh nên cũng không công nhận phép lạ.
Còn đối
với chúng ta, những người Công giáo thì sao ? Dĩ nhiên vì tin vào quyền
năng Thiên Chúa nên chúng ta nhìn nhận có phép lạ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý
thêm điều này là : Thiên Chúa không làm phép lạ một cách bừa bãi đâu. Vì
như đã nói trên : phép lạ (theo nghĩa hẹp) là điều xảy ra ngoài quy luật tự
nhiên. Quy luật tự nhiên ấy ai đã thiết lập ra ? Thưa là chính Thiên Chúa.
Vậy nếu Thiên Chúa đã thiết lập những quy luật tự nhiên thì đương nhiên Thiên
Chúa cũng muốn cho vạn vật vận hành theo đúng quy luật tự nhiên mà Ngài đã thiết
lập. Chỉ thỉnh thoảng khi nào có một lý do thật quan trọng thì Chúa mới cho một
sự kiện xảy ra ngoài những quy luật tự nhiên đó (và khi đó là phép lạ).
Vậy
lý do quan trọng khiến Chúa làm phép lạ là gì ? Thường là Đức Tin. Phép lạ
xảy ra để đáp ứng một lòng tin mạnh mẻ vững vàng - hoặc để mời gọi những người
chứng kiến càng tin mạnh mẻ vững vàng hơn.
Trong
các sách Tin Mừng chúng ta đã đọc thấy nhiều lần trước khi làm phép lạ chẳng hạn
trước khi chữa cho một người mà từ thuở mới sinh Đức Giêsu hỏi "Con có tin
không ?" Người đó tuyên xưng đức tin thì Chúa mới làm phép lạ. Ngược
lại, đối với vua Hêrôđê không tin mà chỉ muốn có phép lạ để xem cho thoả thích
hiếu kỳ thì Đức Giêsu không làm một phép lạ nào hết. Trong đoạn Tin Mừng hôm
nay cũng thế : những người đồng hương với Đức Giêsu ở Nagiarét một mặt
khinh thường Đức Giêsu chỉ là con của một bác thợ một nghèo nàn tầm thường,
nhưng mặt khác khi nghe biết Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở những nơi khác
thì cũng muốn Đức Giêsu làm phép lạ ở quê hương Nagiarét cho họ hưởng nhờ thì Đức
Giêsu cũng không chịu làm phép lạ chỉ để thoả mãn tính vụ lợi của họ.
Có những
người rất nhẹ dạ dễ tin : chuyện gì hơi lạ một chút cũng coi là phép lạ.
Có những
người rất hay cầu xin phép lạ : phép lạ được trúng số, phép lạ được khỏi bệnh.
Không
phải chúng ta không nên tin cũng như không nên cầu xin nữa. Nhưng sau những
phân tích nãy giờ, chúng ta hãy lưu ý : điều quan trọng nhất trong các
phép lạ không phải là khía cạnh lạ thường, khía cạnh lợi lộc của chúng, mà
chính là Đức Tin : phép lạ xảy ra là vì Đức Tin : hoặc để đáp ứng đức
tin mạnh mẻ của con người, hoặc để mời gọi con người qua đó mà càng tin vững
hơn vào Thiên Chúa.
- Ở Lộ Đức, ở Fatima, ở La Salette v.v.... khi mà những
biến cố lạ thường xảy ra làm nhiều người xôn xao thì Giáo Hội vẫn im lặng. Chỉ
sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng một thời gian dài rồi thì Giáo Hội mới tuyên
bố đấy là phép lạ. Giáo Hội cẩn thận như vậy là để khỏi rơi vào mê tín dị đoan.
Thiết tưởng mỗi người chúng ta cũng phải cẩn thận như thế trước những điều xảy
ra có vẻ khác thường, bởi vì Đức Tin của chúng ta không phải là nhẹ dạ, mê tín,
mà là một đức tin có nền tảng vững chắc, trong sáng.
- Rồi trong cuộc sống đạo của chúng ta, điều quan trọng
mà chúng ta phải chú ý hơn hết là cố gắng rèn luyện cho đức tin của mình càng
ngày càng vững mạnh trong sáng hơn. Nói cụ thể : tôi giữ đạo, tôi làm theo
những điều Chúa dạy là vì tôi thực sự tin vào Chúa... chứ không phải vì tôi
mong Chúa sẽ làm phép lạ cho tôi giàu có, cho tôi trúng số, cho tôi khỏi bệnh một
cách lạ lùng... Những điều đó nếu thấy cần thì chúng ta cứ cầu xin, và Chúa nếu
thấy rằng tốt thì sẽ ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta không nên chỉ giữ đạo vì
những điều đó. Chúng ta giữ đạo vì chúng ta tin vào Chúa. Tin vào Chúa chẳng những
khi cuộc sống thoải mái dễ chịu, nhưng dù cuộc đời có gặp lúc gian nan, túng
thiếu., bệnh tật, buồn khổ... chúng ta vẫn một niềm tin son sắt vào Chúa. Đó mới
là một đức tin vững mạnh.
5. Có tin mới thấy
Tại một vùng của nước Pháp, dân chúng có tập tục rất lạ.
Đó là vào sáng sớm Chúa Nhật Phục sinh khi hồi chuông đầu tiên của nhà thờ vang
lên, tất cả mọi người đều trổi dậy chạy ra giếng làng để rửa mắt với giòng nước
mát lạnh.
Nhiều bạn trẻ không hiểu vì sao lại chạy ra giếng rửa mắt,
trong khi ngày nay gia đình nào cũng có các vòi nước trong nhà.
Lúc ấy các vị bô lão mới giải thích : Đó là hình thức
cầu nguyện bằng hành động, qua đó dân làng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ đôi mắt
đức tin mới, để họ thấy Đức Giêsu Phục sinh đang hiện diện sống động giữa họ.
*
Với con mắt định kiến, thiển cận và hẹp hòi, những người
đồng hương với Đức Giêsu đã không nhận ra khuôn mặt thật của Người. Họ không
tin Người là một tiên tri, lại càng không thể tin Người là Đấng Cứu Thế, và chắc
chắn họ chẳng ngờ mình là người đồng hương với Con Thiên Chúa.
Chính lòng ghen tỵ là một trong những nguyên nhân khiến
"các tiên tri không được kính trọng ở quê hương mình" (Lc.4,24). Mc.
Kenzie nói : "Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người
ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi".
Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy quá khứ rất đỗi bình thường
của Người.
Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy hiện tại của Người không
một chút hào quang.
Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy nơi Người một bác thợ mộc
rất mực âm thầm, khiêm tốn.
Chính vì không tin nên họ đã không thấy. Thấy đây là thấy
toàn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa. Thấy đây là thấy Người bằng cái nhìn luôn đổi
mới. Thấy đây là thấy với con mắt đức tin. Tác giả thư Do thái viết : "Đức
tin là bảo đảm cho những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy" (Dt.11,1).
James Woodbridge viết : "Đức tin là con mắt để nhìn thấy
Chúa, là bàn tay để nắm lấy Người, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Người".
Cho dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người có thể làm được
mọi sự. Nhưng Người phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Người đã trở
nên bất lực trước những kẻ thiếu niềm tin. Và quả thật, "Người đã
không thể làm được phép lạ nào" tại quê hương mình. Thế mới biết
con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, con người có toàn quyền từ chối quà tặng
của Người.
Nếu Phép lạ là quà tặng của Thiên Chúa, cần được đón nhận
với Niềm tin ; thì chính Niềm tin là ân huệ của Thiên Chúa chỉ có thể nhận
được với lời cầu nguyện. Cần phải cầu nguyện để có Niềm tin. Nhà bác học kiêm
triết gia Pascal đã nói : "Để có niềm tin con người phải quì
gối cầu xin".
*
Lạy Chúa, còn bao nhiêu việc lạ lùng Chúa
muốn làm cho đời chúng con, xin Chúa ban thêm Niềm tin cho chúng con, để nhờ đó
Chúa được tự do thực hiện những kỳ công của Người. Xin giúp chúng con cũng biết
gieo rắc Niềm tin Chúa trong lòng mọi người. Amen. (Thiên
Phúc, "Như Thầy đã yêu")
6. Mạnh và yếu
Câu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu được lời của
Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay : "Khi tôi yếu chính là lúc tôi
mạnh" (2 Cr 12,10)
Hai người nghèo đi từ thành phố này đến thành phố khác để
xin ăn. Một người rất vạm vỡ khoẻ mạnh và không bao giờ đau yếu, còn người kia
thì ốm tong teo và hầu như lúc nào cũng bị bệnh. Anh chàng khoẻ mạnh thường cười
chê anh chàng ốm yếu khiến chàng này rất buồn, anh cầu xin Chúa trừng phạt anh
kia.
Khi hai người đến thủ đô thì vừa gặp lúc trong triều đình
có chuyện buồn, là hai vị quan thân cận nhất của nhà vua vừa mới chết. Một người
là cận vệ của nhà vua, người khoẻ mạnh nhất nước ; người kia là thái ý của
nhà vua, người chữa bệnh giỏi nhất nước. Nhà vua sai người đi khắp nước để tìm
hai người thay thế, và cuối cùng người ta cũng tìm được.
Nhưng trước khi bổ nhiệm hai người ấy vào chức vụ, nhà
vua bảo họ hãy đưa ra bằng chứng về tài năng của mình. Người ứng cử vào chức cận
vệ thưa : "Muôn tâu thánh thượng, hãy mang đến cho hạ thần người nào
khoẻ mạnh và to lớn nhất. Thần sẽ giết chết hắn ngay lập tức chỉ bằng một cú đấm".
Người ứng cử vào chức thái y thưa : "Xin hãy mang đến cho hạ thần người
nào ốm yếu bệnh tật nhất. Thần sẽ chữa người đó hết mọi thứ bệnh chỉ trong vòng
một tuần lễ."
Người ta lại đi tìm đối tượng cho hai ứng cử viên ấy thi
thố tài năng. Và thật là bất ngờ, chính hai người ăn mày trên được chọn. Chỉ bằng
một cú đấm, người ứng cử vào chức cận vệ đã giết chết người ăn mày to khoẻ. Và
chỉ trong một tuần lễ, người ứng cử vào chức thái y đã chữa người ăn mày ốm yếu
hết mọi thứ bệnh. Thế là sức mạnh của người ăn mày to khoẻ lại khiến anh phải
chết, còn sự ốm yếu của người ăn mày bệnh tật lại giúp anh khoẻ mạnh !
Thánh Phaolô đã nói rất đúng : "Khi tôi yếu
chính là lúc tôi mạnh". Người ta thường không té ngã vì yếu, nhưng vì tưởng
mình mạnh. Thánh Phaolô biết mình yếu, nhưng đồng thời Ngài cũng biết bù đắp sự
yếu đuối của mình bằng sức mạnh vô địch của Chúa, "vì sức mạnh của Chúa được
biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (của con người)". (Viết theo Flor McCarthy)
7. Dụ ngôn sống động về chung hiệp đại
kết
Năm 1940 một thanh niên Tin Lành người Thụy Sĩ dừng
xe đạp trước một ngôi làng hẻo lánh trong cảnh hoang tàn. Một bà cụ khẩn khoản
nói với người thanh niên ấy : "Xin ở lại đây với chúng tôi vì anh thấy
rõ chúng tôi sống trong cảnh cô lập." Người thanh niên ấy nay được cả thế
giới biết đến với danh xưng thân thương là Thầy Roger. Đối với thầy Roger, lời
mời của bà cụ nói lên ý Chúa dành cho thầy. Khi ấy nước Pháp đang trong tình trạng
chiến tranh, đất nước bị chia đôi, ranh giới giữa khu chiếm đóng và khu tự do
xuyên qua làng Taizé. Thầy Roger đã kiếm cho mình một nơi ở và bắt đầu một đời
sống cầu nguyện và suy niệm. Nhưng hoàn cảnh đặt thầy trước những con người cụ
thể bị Đức Quốc Xã truy lùng để tiêu diệt. Thầy đã đón tiếp và che giấu những
người Do Thái đáng thương ấy. Một mình thầy đứng ra săn sóc an ủi những người
nam và nữ chạy trốn quân đội Hít-le. Nhưng vì quân Đức Quốc Xã truy lùng đối tượng
gắt gao nên thầy buộc phải trở về quê hương Thụy Sĩ. Năm 1944, thầy Roger trở lại
Taizé, lần nầy với 3 đồng chí quyết tâm gầy dựng nên cộng đoàn tu sĩ đại kết rộng
mở. Mục tiêu mà cộng đoàn này nhắm thể hiện là trở nên như "bài dụ ngôn sống
động về một đời sống chung hiệp". Cộng đoàn chủ tâm dâng lời cầu nguyện để
góp phần làm cho các Giáo Hội Kitô được hòa giải. Hai chủ đích ở tâm điểm của sứ
mạng theo thầy Roger là : Phải dám liều thân dấn mình vào việc giúp đỡ những
người nghèo nhất và hoà giải với đức tin công giáo. Ngay từ ban đầu thầy Roger
đã nối kết với Roma bằng những mối dây của niềm tin tưởng. Thầy đã kết thân với
3 vị Giáo Hoàng là Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II. Thầy
nói : "Đức Gioan XXIII đã là cha linh hướng đích thực cho chúng tôi.
Chính ngài đã ủng hộ để cộng đoàn Taizé mà ngài gọi là mùa xuân, được chào đời."
Ngày nay cộng đoàn Taizé có cả trăm thành viên Công
Giáo cũng như Tin Lành thuộc nhiều truyền thống khác nhau, đến từ hơn 25 quốc
gia trên thế giới. Họ không nhận quà tặng nhưng tự mình lao động để góp phần
nuôi sống cộng đoàn và chia sẻ với người khác. Họ cũng không nhận cho mình tài
sản kế thừa nhưng chỉ nhận làm quà tặng cho người nghèo mà thôi. Kể từ những
năm 50, cộng đoàn Taizé đã phái thành viên của mình đến sống nơi những môi trường
nghèo trên thế giới. Riêng về nữ tu, có hội dòng thánh Anrê từng được thiết lập
trong Giáo Hội Công Giáo đã 7 thế kỷ nay. Kể từ 1966, hội dòng này đã phái người
đến ở một làng kế cận Taizé để tham gia việc đón tiếp khách từ thập phương.
Ảnh hưởng của Taizé về đại kết nhất là với người trẻ ở Âu
Châu, thật là rõ nét. Để nâng đỡ người trẻ, cộng đoàn này đã khơi động một cuộc
hành trình về tin tưởng lẫn nhau trên toàn cầu. Taizé không tổ chức người trẻ
thành phong trào qui về Taizé, nhưng khuyến khích họ mang lại bình an, hoà giải,
niềm tin tưởng lẫn nhau ngay nơi những thành phố, những đại học, những sở làm
việc, những giáo xứ. Và như vậy, người trẻ được khuyến khích sống chung hiệp với
mọi thế hệ. Về cuối mỗi năm dương lịch, Taizé có tổ chức một cuộc tập họp người
trẻ tương đối lớn trong 5 ngày. Cuộc họp giới trẻ đại kết vào cuối năm 1994,
thu hút hơn một trăm ngàn người trẻ từ nhiều nước tới họp tại Paris của nước
Pháp.
Mỗi dịp tập họp như vậy, thầy Roger gửi đến tay người
trẻ một bức thư được dịch ra trên 50 thứ tiếng. Nội dung thư đó bao gồm Lời
Chúa như chất liệu để suy niệm suốt năm cho tới cuộc họp cuối năm tới. Thư đó vị
sáng lập cộng đoàn Taizé thường viết từ một nơi nổi tiếng về mức sống nghèo của
người dân như Calcutta, Chili, Haiti, Êtiôpi, Phi Luật Tân, Phi Châu….
Bởi đâu thầy Roger thực hiện được những việc có ý
nghĩa thiêng liêng như vậy ? Có lần thầy cắt nghĩa cho thấy thầy đã nhận sứ
mạng góp phần hoà giải giữa các Kitô hữu từ nơi bà ngoại thầy. Ngoại của thầy
đã từng trải qua hai cuộc chiến (1870 và 1914-1918) và đã từng dặn dò cháu
Roger Schultz khi còn tấm bé rằng : "Cháu đừng trải qua những điều bà
đã phải trải qua ! Đừng chấp nhận nhìn cách bàng quan những điều bà đã mắt
thấy tai nghe ! Hãy góp phần chuẩn bị để Âu Châu được bình an nhờ biết sống
hoà giải giữa các Kitô hữu." Tuy là tín hữu Tin Lành, ngoại đã chọn đến
nhà thờ Công Giáo để kín múc lấy sức mạnh hoà giải từ bí tích Thánh Thể. Thực
ra ngoại không chỉ nói cũng không chỉ cầu nguyện, nhưng đã nêu gương sống động
nhờ biết dấn thân tiếp đón những người già, phụ nữ và trẻ em, phải chạy giặc dưới
làn bom đạn. Ngoại đã kiên trì làm việc thương người đó hầu như tới phút cuối
cùng của đời ngoại.
Biến cố quyết định cho việc thầy Roger hiến dâng đời
mình cho công cuộc hoà giải xảy ra khi thầy lên 17. Khi ấy thầy mắc bệnh lao phổi
và nghiệm thấy cái chết không xa. Thầy đối diện với ý nghĩa cuộc đời và tự hỏi
do đâu xảy ra đau khổ, hằn thù khiến các dân tộc sát hại nhau. Hỏi rằng có con
đường nào giúp người này hiểu người kia để cùng nhau xây dựng hoà bình
chăng ? Điều trở nên minh nhiên nơi nội tâm thầy Roger là cần phải chữa trị
trái tim con người. Thầy nghe tiếng nói thúc giục thầy rằng : "Nếu quả
thật có con đường hoà giải đó thì tôi hãy bắt đầu dấn thân bước theo con đường
đó đi." Kể từ ngày thầy Roger nghe thấy lời thúc giục đó, thầy quyết tâm tận
hiến cả cuộc đời để đạt cho được mục đích lý tưởng nầy để có được sự hoà giải
và đại kết trong cộng đồng nhân loại. Nay thầy đã 84 tuổi và quyết định ấy càng
thêm khởi sắc. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V. LỜI
NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em
thân mến, Đức Giêsu đã về thăm quê hương, nhưng những người đồng hương ở
Nazaret đã không tin Người mà còn muốn hại Người. Chúng ta là Kitô hữu mang tên
của Chúa, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
1. Xin cho mọi người Kitô hữu trong Hội thánh còn yếu đức
tin hoặc còn cứng lòng tin / được soi sáng và thông hiểu / để lớn lên
trong đức tin và có thể truyền giáo cho mọi người.
2.
Xin cho mọi người trên thế giới còn đang chống đối hoặc dửng dưng với Thiên
Chúa / đừng bắt buộc hoặc lôi kéo những người khác phải theo họ /
nhưng biết tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người.
3.
Xin cho những người đang có những thành kiến hoặc thất vọng về Thiên
Chúa / được gặp nhiều chứng nhân về sự thật và về tình yêu Thiên
Chúa / để họ tìm ra ánh sáng và hy vọng.
4.
Xin cho các Kitô hữu trong họ đạo chúng ta đừng tự hào mình đã biết tất cả về
Chúa / không muốn tìm hiểu học hỏi gì thêm / để chỉ khư khư giữ lấy
những thành kiến sai lầm về Chúa.
Chủ tế : Lạy Chúa Kitô, chúng con là Kitô hữu
mang tên của Chúa, xin cho chúng con càng ngày càng hiểu biết Chúa đầy đủ hơn,
để chúng con có thể giới thiệu Chúa cho mọi người thân cận, Chúa là Đấng hằng sống
hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước
kinh Lạy Cha : Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã chia xẻ cho chúng ta sứ mạng
ngôn sứ của Ngài, một sứ mạng vừa cao cả vừa khó khăn. Chúng ta hãy hợp ý với
Ngài dâng lên Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha chúng ta lời Kinh
Lạy Cha, xin Cha giúp chúng ta can đảm thi hành sứ mạng của mình.
- Sau
kinh Lạy Cha : "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin
giúp chúng con can đảm đấu tranh chống lại sự dữ, xin đoái thương cho những
ngày chúng con đang sống được bình an…"
VII. GIẢI TÁN
Thánh
lễ đã xong, anh chị em hãy ra về thi hành chức năng ngôn sứ của mình. Chúc anh
em được bình an.
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio
Divina: Chúa Nhật XIV Thường Niên (B)
Chủ
Nhật 8 Tháng Bảy, 2018
Tại Nagiarét, nơi không có niềm tin,
Chúa Giêsu không làm phép lạ nào được!
Sứ vụ của mỗi người: tái tạo cộng
đoàn
Mc
6:1-6
- Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm
tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng
của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra
được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng,
đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin
hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa
trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày
và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau,
chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những
người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh
em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức
Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến
với chúng con. Amen.
2.
Bài Đọc
- a) Chìa khóa dẫn
đến bài đọc:
Trong
Chúa Nhật thứ mười bốn Thường Niên tuần này, Giáo Hội đặt trước chúng ta sự chối
bỏ Đức Giêsu về phần dân chúng làng Nagiarét. Phải bỏ qua làng Nagiarét
là sự đau lòng cho Chúa Giêsu. Đó là quê nhà của Người, giờ đây nó không
còn như thế nữa. Có điều gì đó đã thay đổi. Những người ban đầu chấp
nhận Chúa, bây giờ đã từ khước Người. Như chúng ta sẽ thấy sau này, trải
nghiệm qua việc từ khước này đã đưa Chúa Giêsu tiến tới và thay đổi cách hoạt động
của Người.
Có điều
gì đã thay đổi trong mối quan hệ giữa bạn và gia đình hoặc với bạn hữu kể từ
khi bạn bắt đầu tham gia vào cộng đoàn không? Việc tham gia trong cộng
đoàn có đã giúp bạn chấp nhận và tin tưởng hơn vào người khác, đặc biệt là vào
những người nghèo khó và chất phác không?
- b) Phần phân đoạn
văn bản để giúp chúng ta trong bài đọc:
Mc
6:1: Chúa Giêsu trở về Nagiarét, quê nhà của Người
Mc
6:2-3: Phản ứng của dân làng Nagiarét về Chúa Giêsu
Mc
6:4: Cách thức Chúa Giêsu chấp nhận lời chỉ trích
Mc
6:5-6: Vì dân Nagiarét cứng lòng tin cản trở việc Chúa làm phép lạ
- c) Phúc Âm:
1 Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà
và các môn đệ cùng theo Người. 2 Đến ngày Sabbát, Người
vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người,
nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi
đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? 3 Ông này chẳng
phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?
Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. 4 Chúa
Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương,
gia đình họ hàng mình”. 5 Ở đó Người không làm phép lạ nào
được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, 6 và Người ngạc
nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
3.
Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời
Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý:
Để
giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
- a) Điểm nào trong đoạn Tin Mừng bạn thích nhất
và đã làm bạn cảm động nhất? Tại sao?
- b) Người làng Nagiarét tỏ thái độ gì với Chúa
Giêsu? Tại sao họ lại không tin tưởng nơi Người?
- c) Do người dân cứng lòng tin, Chúa Giêsu
không thể làm được nhiều phép lạ tại Nagiarét. Tại sao đức tin lại quan trọng
như vậy? Có thật là Chúa Giêsu không thể làm phép lạ khi mà người ta
không có lòng tin không?
- d) Đâu là những yếu tố mô tả sứ vụ của các môn
đệ?
- e) Đâu là trọng tâm sứ vụ của các tông đồ mà
ngày nay có tầm quan trọng lớn nhất đối với chúng ta? Tại sao?
5.
Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
- a) Bối cảnh ngày
xưa và ngày nay:
- i) Trong suốt quyển
Tin Mừng của mình, Máccô cho thấy rằng sự hiện diện và hoạt động của Chúa
Giêsu tạo nên nguồn tăng triển hân hoan đối với một số người và là lý do của
sự khước từ đối với một số người khác. Cuộc xung đột tăng dần, mầu nhiệm của
Thiên Chúa xuất hiện bao phủ con người của Đức Giêsu. Với chương 6 của
câu chuyện, chúng ta thấy mình đứng trước một khúc quanh. Dân
làng Nagiarét đã tự ngăn cách khỏi Chúa Giêsu (Mc 6:1-6). Và Chúa
Giêsu, trước khi ngăn cách với dân chúng của làng xóm mình, đã mở lòng đến
người dân của cộng đoàn khác. Người hướng tới dân chúng miền Galilêa
và sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ, giảng dạy cho họ mối quan hệ với người
khác phải như thế nào, để nó sẽ là mối quan hệ cộng đoàn thực sự, mà không
cách ly như đã xảy ra giữa những người dân ở Nagiarét (Mc 6:7-13).
- ii) Khi Máccô viết
sách Tin Mừng của ông, các cộng đoàn Kitô hữu đã sống trong tình trạng khó
khăn, mà không có hy vọng. Nói theo cách loài người thì họ không có tương
lai. Lời mô tả cuộc xung đột mà Chúa Giêsu sống trong làng Nagiarét
và trong việc sai đi của các môn đệ, việc mở rộng sứ vụ, khiến nó trở nên
sáng tạo. Đối với những ai tin vào Chúa Giêsu thì không có tình huống
gì mà không có hy vọng.
- b) Lời bình luận
về văn bản:
Mc
6:1-3: Phản ứng của dân làng Nagiarét về Chúa Giêsu
Trở về
quê nhà là điều tốt đẹp. Sau một thời gian dài xa cách, Chúa Giêsu cũng
đã trở lại, và như thường lệ, và ngày Thứ Bảy Người đến dự cuộc họp mặt của cộng
đoàn. Chúa Giêsu không phải là người điều hợp, nhưng chỉ là người phát biểu.
Đây là dấu chỉ cho thấy người ta có thể tham dự và bày tỏ ý kiến của
mình. Nhưng dân chúng đã không thích những lời phát biểu của Chúa Giêsu,
họ thấy chướng tai. Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã biết từ lúc Người còn tấm
bé, thế mà sao bây giờ lại khác hẳn như thế? Dân chúng thành Cápharnaum
đã chấp nhận lời giảng dạy của Chúa Giêsu (Mc 1:22), thế mà dân chúng làng
Nagiarét vẫn còn cảm thấy khó chịu và không chấp nhận. Đâu là lý do cho
việc khước từ này? “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria
sao?” Họ đã không chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong một con
người tầm thường như thế, một người giống như họ! Để có thể nói về Thiên
Chúa, một người phải khác hơn họ!
Khái
niệm về “các anh em của Chúa Giêsu” gây ra nhiều cuộc luận chiến giữa người
Công Giáo và Tin Lành. Căn cứ vào điều này và trong các văn bản khác, những
người Tin Lành nói rằng Chúa Giêsu có thêm anh chị em nữa và Đức Maria đã sinh
thêm con! Chúng ta, người Công Giáo, nói rằng Đức Maria đã không có thêm
một người con nào khác. Chúng ta có thể nghĩ gì về điều này? Thứ nhất,
hai ý kiến, của người Công Giáo và người Tin Lành, tranh cãi từ Kinh Thánh và từ
truyền thống cổ xưa của Giáo Hội mình. Vì lý do này, không tiện để thảo
luận những câu hỏi này bằng cách dùng các lập luận lý lẽ, là kết quả của ý kiến
riêng chúng ta. Đó là vấn đề của niềm tin sâu xa có điều gì đó liên hệ với
đức tin và tình cảm của người dân.
Lập
luận chỉ được dựa trên ý kiến riêng không thành công để mang lại một niềm xác
tín của đức tin mà cội rễ được tìm thấy trong trái tim! Nó chỉ làm bực
mình và xáo trộn! Nhưng ngay cả khi tôi không đồng ý với tư tưởng của người
khác, tôi phải luôn tôn trọng nó. Thứ hai, thay vì thảo luận xoay quanh về
văn bản, tất cả chúng ta, tín hữu Công Giáo và Tin Lành, phải đoàn kết nhiều
hơn nữa để chiến đấu bảo vệ sự sống, được tạo ra bởi Thiên Chúa, một đời sống
mà bị biến đổi bởi sự nghèo đói, bất công, thiếu đức tin. Chúng ta nên nhớ
Lời của Chúa Giêsu: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga
10:10). “Để tất cả được nên một, như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai
con” (Ga 17:21). “Đừng ngăn cản người ta. Ai không chống lại chúng
ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39,40).
Mc
6:4-6b: Phản ứng của Chúa Giêsu trước thái độ của dân làng Nagiarét
Chúa
Giêsu biết rất rõ rằng “bụt nhà không thiêng”. Và người nói: “Không
một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng
mình!” Thực ra, nơi mà đức tin không được thừa nhận, người ta chẳng thể
làm được gì. Thành kiến đã ngăn cản họ. Ngay cả nếu Chúa Giêsu muốn,
Người cũng chẳng thể làm được gì và vẫn còn ngạc nhiên trước sự cứng lòng tin của
họ.
- c) Phụ chú về Tin
Mừng của Máccô:
Phần
Phụng Vụ năm nay trình bày cho chúng ta Tin Mừng của Máccô trong một cách đặc
biệt. Bởi vì điều này, thật là xứng đáng để cung cấp một số kiến thức sẽ
giúp chúng ta khám phá cặn kẽ hơn về sứ điệp mà tác giả Máccô muốn truyền đạt
cho chúng ta.
- Sự thiết kế thánh
nhan Thiên Chúa trên bức tường của sách Tin Mừng theo Máccô
Chúa
Giêsu chết vào khoảng năm 33. Khi Máccô viết sách Tin Mừng của mình vào
khoảng năm 70, các cộng đoàn Kitô hữu đã sống và bị phân tán trong đế chế La
Mã. Một số người cho rằng Máccô viết sách cho cộng đoàn ở Ý. Những
người khác nói rằng ông viết sách ấy cho những người ở Syria. Rất khó để
biết được một cách chắc chắn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn. Những
vấn đề không phải là thiếu: Đế quốc La Mã bách hại các Kitô hữu, những
cán bộ tuyên truyền đã len lỏi vào trong các cộng đoàn, người Do Thái ở
Palestine đã nổi dậy chống lại cuộc xâm lăng của La Mã, có những căng thẳng nội
bộ bởi vì khuynh hướng đa dạng, học thuyết và cách nhà lãnh đạo…
Máccô
viết quyển Phúc Âm của mình để giúp các cộng đoàn tìm được một đáp ứng cho các
vấn nạn và những mối quan tâm của họ. Ông thu thập các cảnh huống và dụ
ngôn của Chúa Giêsu và sắp xếp chúng lại với nhau như những viên gạch trên bức
tường. Các viên gạch cổ xưa và nổi tiếng. Chúng xuất phát từ cộng
đoàn, nơi chúng được truyền khẩu trong các buổi hội họp và buổi lễ. Ý tưởng
thiết kế tạo bởi các viên gạch thì mới. Đó là sáng kiến của Máccô, từ
kinh nghiệm của ông về Chúa Giêsu. Ông muốn rằng cộng đoàn, khi đọc về những
gì Chúa Giêsu đã làm và nói, sẽ tìm thấy câu trả lời cho các vấn nạn này:
“Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta và chúng ta là ai đối với Chúa Giêsu?
Làm thế nào mà chúng ta có thể là môn đệ của Người? Chúng ta có thể loan
báo Tin Mừng Thiên Chúa như thế nào, về những gì Người đã mặc khải? Bằng
cách nào chúng ta có thể đi trên con đường Người đã đi qua?
- Ba chìa khóa để
hiểu được sự phân đoạn của Tin Mừng Máccô
Chìa
khóa thứ nhất:
Tin Mừng của Máccô được viết để được đọc và lắng nghe chung trong cộng
đoàn. Khi một quyển sách được đọc một mình, người ta luôn có thể lật
trở lại, ghép nối điều này với điều kia, nhưng trong khi cùng với cộng đoàn và
một người đang đọc Phúc Âm trước sự hiện diện của mọi người, người ta không thể
la lên: “Khoan đã! Hãy đọc lại lần nữa! Tôi chưa hiểu rõ lắm!” Như
chúng ta sẽ thấy, một quyển sách được viết ra để được lắng nghe trong các dịp cử
hành chung với cộng đoàn có một phương cách để phân chia các chủ đề khác hơn là
sách được viết để cho người ta đọc một mình.
Chìa
khóa thứ hai: Tin
Mừng của Máccô là một câu chuyện kể. Một câu chuyện kể thì giống
như một dòng sông. Đi ngang qua một dòng sông trong một chiếc ghe, người
ta không nhận thức được các phân rẽ trong nước. Dòng sông không có những
phân rẽ! Nó được tạo bởi một dòng nước chảy mà thôi, từ thượng nguồn cho
tới hạ nguồn. Trong dòng sông, những phân rẽ, được tạo nên bắt đầu từ bờ
sông. Ví dụ người ta nói rằng: “Cảnh thật tuyệt đẹp là từ căn nhà đến
chỗ uốn quanh nơi có cây dừa và sau đó thì rẽ làm ba khúc quanh khác
nhau”. Thế mà trong nước sự phân rẽ không thể thấy được. Lời thuật
chuyện của Máccô chảy như một dòng sông. Những rẽ nhánh của nó, những ai
lắng nghe, tìm thấy chúng ở bên lề, có thể nói rằng, ở trong những nơi mà Chúa
Giêsu đi qua, về địa lý, trong những con người mà Chúa gặp gỡ, dọc đường mà Người
đi. Những dấu chỉ bên lề giúp cho người nghe không bị lạc giữa những lời
và việc xảy ra của Chúa Giêsu và về Người. Khuôn khổ địa lý giúp người đọc
đồng hành với Chúa Giêsu, từng bước một, từ miền Galilêa đến thành Giêrusalem,
từ biển hồ lên đến Núi Sọ.
Chìa
khóa thứ ba: Tin
Mừng của Máccô được soạn để đọc trong một lần thôi. Đây là những gì người
Do Thái đã làm với những sách tóm lược Cựu Ước. Lấy ví dụ, trong đêm Phục
Sinh, họ đọc tất cả các sách Nhã Ca. Một số học giả khẳng định rằng Phúc
Âm của Máccô được viết để được đọc toàn bộ, trong đêm canh thức vọng Phục
Sinh. Hoặc, để cho người nghe khỏi bị mệt mỏi, bài đọc phải được chia ra
có một vài chỗ tạm dừng, Ngoài ra, khi câu chuyện dài, như trường hợp của
Tin Mừng Máccô, bài đọc phải được ngắt quãng khá thường xuyên. Trong những
thời gian nhất định, cần phải có lúc tạm dừng, nếu không người nghe sẽ bị
loãng. Những lúc tạm dừng này đã được dự báo bởi chính tác giả của câu
chuyện. Và những lúc tạm dừng đã được đánh dấu bởi những đoạn tóm tắt, giữa
hai bài đọc dài. Một cách thực tế, điều tương tự được áp dụng trong
chương trình truyền hình. Mỗi ngày, vào lúc bắt đầu của chương trình tin
tức thì một số hình ảnh của các đoạn đã được trình chiếu trước được lặp lại.
Những đoạn tóm tắt này giống như những đoạn chuyển tiếp (bản lề) thu thập những
gì đã đọc và mở ra những gì sẽ tiếp theo sau đó. Chúng giúp cho một đoạn
được dừng lại và bắt đầu một đoạn mới, không bị gián đoạn hoặc làm xáo trộn
trình tự của câu chuyện. Chúng giúp cho người nghe tự đặt mình trong dòng
sông của câu chuyện đang chảy. Trong sách Tin mừng của Máccô có những đoạn
tóm lược đa dạng của loại này hoặc những đoạn tạm dừng, cho phép chúng ta khám
phá và lần theo chủ đề Tin Mừng của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho
chúng ta và Máccô cho chúng ta biết. Tổng quát có một câu hỏi về bảy phân
đoạn hay bảy bài đọc dài, được xen kẽ với những bản tóm tắt ngắn hoặc bài chuyển
tiếp, đó có thể làm nơi tạm dừng.
- Phân đoạn sách
Tin Mừng theo Máccô
Dưới
đây chúng ta đưa ra một sự phân chia khả dĩ cho sách Tin Mừng Máccô. Những
người khác phân chia nó theo một cách khác. Tầm quan trọng của việc phân
chia là nó mở ra một trong nhiều cánh cửa sổ bên trong văn bản, và nó giúp
chúng ta khám phá ra đường hướng mà Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta hướng về
Chúa Cha và các anh chị em.
Mc
1:1-13
Khởi đầu sách Tin Mừng
Chuẩn
bị sự công bố
Bài đọc
thứ nhất
Mc
1:14-15
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
1:16 –
3:16
Tin Mừng tăng triển
Cuộc
xung đột xuất hiện
Bài đọc
thứ hai
Mc
3:7-12
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
3:13 –
6:6
Cuộc xung đột tăng triển
Mầu
nhiệm xuất hiện
Bài đọc
thứ ba
Mc 6:7-13
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
6:14 –
8:21
Mầu nhiệm tăng triển
Không
hiểu được
Bài đọc
thứ tư
Mc
8:22-26
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
8:27 –
10:45
Họ tiếp tục không hiểu
Ánh
sáng tối tăm của Thập Giá xuất hiện
Bài đọc
thứ năm
Mc
10:46-52
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
11:1 –
13:32
Ánh sáng tối tăm của Thập Giá tăng triển
Sự òa
vỡ và cái chết xuất hiện
Bài đọc
thứ sáu
Mc
13:33-37
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
14:1 – 15:39
Sự òa vỡ và cái chết tăng triển
Chiến
thắng sự chết xuất hiện
Bài đọc
thứ bảy
Mc
15:40-41
tạm nghỉ, bài tóm tắt, đoạn chuyển tiếp
Mc
15:42 –
16:20
Chiến thắng sự chết tăng triển
Bài đọc
thứ tám
Mc
16:9-20
Trong
việc phân đoạn này, các tiêu đề thật là quan trọng. Chúng cho thấy đường lối của
Chúa Thánh Thần, về sự linh ứng, mà Tin Mừng đi theo từ đầu cho đến
cuối. Khi một nhà nghệ sĩ có một nguồn cảm hứng, người ấy cố gắng thể hiện
nó trong một tác phẩm nghệ thuật. Một bài thơ hay một bức tranh được tác
tạo gói trọn trong nguồn cảm hứng này. Sự linh ứng giống như một dòng điện
chạy một cách vô hình qua dây điện và thắp sáng bóng đèn trong nhà chúng
ta. Cũng cùng một cách tương tự nguồn cảm hứng chạy một cách vô hình qua
những chữ của bài thơ hoặc hình thể của bức tranh để tỏ lộ hoặc thắp sáng trong
chúng ta một ánh sáng tương tự hoặc gần giống như vậy đã được chiếu giải trong
tâm hồn người nghệ sĩ. Đây là lý do tại sao các công trình nghệ thuật thu
hút và chao đảo người ta đến như vậy. Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng
ta đọc và suy niệm về Tin Mừng của Máccô. Cùng một Chúa Thánh Thần
hay Nguồn Linh Hứng đã thúc đẩy Máccô viết lên văn bản, tiếp tục
hiện diện trong những chữ của Tin Mừng của ông. Qua việc đọc chăm chú và
cầu nguyện, Chúa Thánh Thần tác động và bắt đầu hành động trong chúng ta.
Và như vậy, dần dần, chúng ta khám phá ra dung nhan của Thiên Chúa là Đấng đã mặc
khải chính Người trong Đức Giêsu và Máccô chuyển đạt đến chúng ta trong sách của
ông.
6.
Cầu nguyện với Thánh Vịnh 145
Hãy
luôn cảm tạ về tất cả mọi việc!
Lạy
Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
CHÚA
thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
Nói
lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ
ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
CHÚA
công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.
Môi
miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!
7.
Lời Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn
ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của
chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho
chúng con. Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu
Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng
sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét