Trang

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Giải đáp phụng vụ: Có quy chề cho các thừa tác viên ngoại thường không?.


Giải đáp phụng vụ: Có quy chề cho các thừa tác viên ngoại thường không?.
Nguyễn Trọng Đa
10/Jul/2018

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ là dành cho các hoàn cảnh đặc biệt, hay họ có thể phục vụ tại mọi Thánh Lễ chăng? - W. B., Dallas, Texas, Hoa Kỳ. 


Đáp: Các Giám mục, linh mục và phó tế là các thừa tác viên thông thường duy nhất cho Rước lễ và, trừ khi họ bị suy yếu bởi một lý do nghiêm trọng, chẳng hạn sức khỏe giảm sút nhiều, họ phải luôn luôn cho Rước lễ trong Thánh Lễ, trước khi bất kỳ thừa tác viên bổ sung nào được sử dụng. Các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ chỉ là người bổ sung, do đó chức năng của họ vẫn là sự bổ sung. Nếu chủ tế có thể dễ dàng cho mọi người Rước lễ, mà không gây ra sự chậm trễ quá mức, thì các thừa tác viên ngoại thường không nên được sử dụng.

Tuy nhiên, đôi khi, các yếu tố khác, chứ không phải số lượng đông người, có thể đóng một vai trò trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, như khi linh mục già yếu, hoặc trong các trường hợp đã được chấp thuận, để cho rước Máu Thánh, hoặc các Thánh lễ ngày thường, mà người dân hy sinh thì giờ để tham dự Thánh lễ trước khi đi làm việc, và thậm chí một vài phút trễ hơn có thể tạo nên sự khác biệt.

Các người phục vụ như là các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ nên luôn luôn ý thức được rằng đây là một đặc quyền, chứ không bao giờ có thể được xem là một quyền lợi. Ngay cả khi có sẵn một danh sách trong giáo xứ, không ai có thể nói đứng đắn “Giờ đến phiên tôi”, như thể tuyên bố điều gì đó phải dành cho họ, nhưng luôn luôn tạ ơn vì phúc lành được kêu gọi phục vụ, như một thừa tác viên của Mình và Máu Chúa Kitô.

Do số lượng lớn thư của bạn đọc gửi về sau khi tôi trả lời như trên, hình như câu trả lời của tôi về các thừa tác viên ngoại thường vẫn làm nhiều người rất thắc mắc…Nhiều thư giúp xác nhận rằng nhiều người Công Giáo cảm nhận sự sử dụng thái quá các thừa tác viên ngoại thường. Tuy nhiên, một số câu hỏi của họ cho phép tôi mở rộng câu trả lời gốc của mình, mặc dù tôi không thể trả lời tất cả các vấn nạn.

Như đã nói ở trên, các linh mục và phó tế, trừ khi bị suy yếu về sức khỏe, không nên ngồi xuống và không thực hiện việc cho Rước lễ. Họ có thể được trợ giúp, nhưng không được thay thế, bởi các thừa tác viên khác.

Các thừa tác viên ngoại thường này, theo Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 162 “không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ và luôn luôn nhận các bình đựng Mình Máu Thánh, để cho tín hữu rước từ tay vị chủ tế. ..Trong trường hợp cấp bách, chủ tế có thể cử những tín hữu xứng đáng” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Một bạn đọc ở Rôma đã hỏi liệu một thầy giúp lễ có tác vụ là không phải một thừa tác viên thông thường chăng. Nói thật đúng, thầy không phải là một thừa tác viên thông thường, nhưng thầy có quyền ưu tiên, và theo nghĩa này, là một thừa tác viên ngoại thường, nên thầy được mời gọi trước bất kì ai khác. Ngoài ra, trong trường hợp không có thầy phó tế, thầy giúp lễ có thể tráng chén, và việc này không được phép cho các thừa tác viên ngoại thường (mặc dù Hoa Kỳ đã nhận được đặc ân là cho phép các thừa tác viên này giúp tráng chén trong các trường hợp cần thiết).

Sau một thầy giúp lễ có tác vụ, thứ tự ưu tiên thông thường để chỉ định các thừa tác viên ngoại thường là trước tiên chọn thầy đọc sách có tác vụ, một đại chủng sinh, một nam tu sĩ hay nữ tu, một giáo lý viên, và một giáo dân nam hay nữ (xem huấn thị "Immensae Caritatis").

Một bạn đọc Hoa Kỳ hỏi ai có thẩm quyền chỉ định các thừa tác viên ngoại thường và điều kiện nào vể trí tuệ và đạo đức được yêu cầu cho họ. Trong các trường hợp đặc biệt (thí dụ, một căn bệnh bất ngờ của thừa tác viên được dự kiến), chủ tế có thể chỉ định một tín hữu nổi tiếng cho việc cử hành chính xác ấy.

Trong hoàn cảnh bình thường, câu hỏi về các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ rơi vào sự giám sát của Giám mục, vỉ Ngài thiết lập các điều kiện, và ban quyền cho việc chấp nhận các thừa tác viên ngoại thường. Điều này thường được thực hiện thông qua các cha xứ hoặc bề trên Dòng tu. Thí dụ, ở Rôma, ngoài việc được cha xứ đề nghị, ứng viên phải tham gia một khóa học cụ thể kéo dài từ vài tháng đến một năm, trước khi được cho phép phục vụ.

Một bạn đọc người Anh hỏi vể sự đồng nhất của cử động và sự di chuyển. Các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ cần được huấn luyện đúng cách trong chữ đỏ, và cha xứ phải đảm bảo rằng tất cả các người này đều tuân thủ cùng các thủ tục tương tự đối với việc di chuyển, rửa tay, vv, phù hợp với các quy chế tổng quát và cấu trúc cụ thể của nhà thờ.

Về mặt đạo đức, trong khi không nhất thiết phải là một ứng viên thật thánh thiện, thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ phải là một tín đồ Công Giáo mộ đạo trong tình trạng tốt. Như đã nêu trong huấn thị "Immensae Caritatis" (ngày 29-1-1973), sự lựa chọn một thừa tác viên ngoại thường "không bao giờ nên rơi vào một người, mà sự chỉ định có thể gây ra sự kinh ngạc lớn cho các tín hữu". Một người không tuân thủ đầy đủ, và không cố gắng sống theo giáo lý Công Giáo, hoặc theo học thuyết hay luân lý, không nên thực hiện hoặc không được nhận vào thừa tác này. Tương tự như vậy, nếu một người không thể Rước lễ vì phạm tội, người ấy trước tiên phải xưng tội, trước khi thực hiện thừa tác.

Thay vì nhìn việc này như cách nào đó nổi bật khỏi các tín hữu, việc xin nghỉ khỏi thừa tác, nếu đời sống và niềm tin của mình thiếu sự phù hợp với đức tin Công Giáo, là một hành động thành thực đối với Chúa Kitô trong Thánh Thể, và các thành viên khác của tín hữu. Sẽ có thêm ân sủng và sức mạnh đến từ việc kiềm chế phục vụ trong lĩnh vực này, hơn là sống dối trá là một nhân chứng công khai cho một đức tin, mà không hoàn toàn là của chính mình.

Một số bạn đọc hỏi phải làm gì nếu họ tin rằng có quá nhiều thừa tác viên ngoại thường, một số thậm chí còn cho rằng họ cần hạn chế không Rước lễ từ các thừa tác viên ấy. Như chúng tôi đã giải thích trong phần trước (ngày 14-10-2003), có thể có lý do chính đáng để sử dụng họ, vốn là không rõ ràng ngay lập tức, vì vậy người ta luôn sẵn lòng cung cấp cho cha xứ lợi ích của sự nghi ngờ. Người ta có thể gặp cha xứ và lịch sự xin ngài làm sáng tỏ bất kỳ nghi ngờ nào có thể có. Trong các trường hợp lạm dụng nghiêm trọng, người ta có thể trình bày cho Giám mục.

Ngay cả khi người ta có các nghi ngờ nghiêm trọng về việc sử dụng các thừa tác viên ngoại thường, trong một trường hợp cụ thể, thì hồng ân Rước lễ là một điều tốt đẹp hơn và không bao giờ nên được từ chối. Trong một ý nghĩa rất thực tế, chúng ta luôn Rước lễ từ các bàn tay bất xứng bất kể thừa tác viên là thánh thiện đến mấy chăng nữa, bởi vì không ai hoàn toàn xứng đáng để chạm vào Mình Thánh của Chúa Kitô.

Cuối cùng, có một lưu ý ngữ nghĩa, khi ở một số nơi các thừa tác viên ngoại thường được gọi là "thừa tác viên đặc biệt, special minister". "Đặc biệt, special" có thể không phải là chữ dịch sát chữ nhất, mặc dù từ ngữ này đôi khi được sử dụng theo nghĩa này, như trong "vị đại diện đặc biệt, special representative", nhưng cuối cùng thì vấn đề là không quan trọng, khi họ được gọi là "ngoại thường, extraordinary", "đặc biệt, special", "bổ sung, supplementary", hoặc bất kỳ tên gọi nào khác vì điều này không làm thay đổi quy chế giáo luật, liên quan việc sử dụng các thừa tác viên ngoại thường. (Zenit.org ngày 14 và 28-10-2003) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét