Trang

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Văn kiện mới của Tòa Thánh về Kinh Tế và Tài Chánh: III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay


Văn kiện mới của Tòa Thánh về Kinh Tế và Tài Chánh: III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay
Vũ Văn An
10/Jul/2018

III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay 

18. Để cung cấp một số định hướng cụ thể và chuyên biệt cho kế hoạch đạo đức đối với các tác nhân kinh tế và tài chánh, những người ngày càng mong muốn có chúng, chúng tôi xin đưa ra một số minh xác để biện phân nhằm mở đường cho những gì sẽ nhân bản hóa con người thực sự và ngăn cản họ gây thiệt hại cho phẩm giá họ và ích chung [35].

19. Nhờ các tiến bộ của việc hoàn cầu hóa và kỹ thuật số hóa, ta có thể so sánh thị trường với một sinh vật khổng lồ, mà trong huyết quản đang lưu chuyển một lượng tư bản mênh mông, giống như bạch huyết (lymphe) mang sức sống. Khi mượn so sánh này, ta cũng có thể nói đến “sức khỏe” của sinh vật này, lúc các phương tiện và cơ cấu của nó bảo đảm cho hệ thống một sự vận hành tốt đẹp, nơi việc gia tăng và phân phối thịnh vượng luôn đi đôi với nhau. Sức khỏe của hệ thống này tùy thuộc sức khỏe của các hành động cá nhân cộng tác vào công trình. Khi sinh vật là thị trường hưởng được một sức khỏe tốt, thì phẩm giá con người cũng như ích chung sẽ dễ dàng được tôn trọng và cổ vũ.

Một cách có liên hệ, người ta cũng có thể nói tới việc “đầu độc” cơ thể này mỗi khi người ta du nhập và truyền bá các khí cụ tài chánh và kinh tế ít đáng tin cậy gây hại trầm trọng cho việc phát triển và phân phối sự thịnh vượng, và cũng tạo ra các khó khăn và nguy cơ có hệ thống.



Bởi thế, ngày nay, hơn bao giờ hết, người ta hiểu sự cần thiết phải dẫn khởi việc các nhà cầm quyền dân sự thừa nhận mọi sản phẩm của cuộc cải tiến tài chánh, ngõ hầu sự lành mạnh của hệ thống được duy trì và ngăn ngừa được các hiệu quả phụ thuộc (callatéral) có hại.

Khuyến khích sự lành mạnh và ngăn ngừa sự thối nát, ngay trên quan điểm kinh tế, cũng đã là một mệnh lệnh luân lý không thể tránh được đối với mọi tác nhân liên hệ tới thị trường. Sự cần thiết này cũng cho thấy sự cấp thiết phải có sự phối hợp siêu quốc gia giữa các thành tố khác nhau của hệ thống tài chánh địa phương [36].

20. Một phúc lợi như vậy tự nuôi dưỡng mình trên vô số các tài nguyên đa dạng, vốn tạo nên một loại "đa dạng sinh học" (biodiversity) về kinh tế và tài chánh. Sự đa dạng sinh học này nói lên một giá trị gia tăng đối với hệ thống kinh tế và cần được kích thích và bảo vệ thông qua các chính sách tài chính - kinh tế thỏa đáng, nhằm bảo đảm cho thị trường sự hiện diện của những con người đa dạng và các dụng cụ lành mạnh với các đặc điểm phong phú và đa dạng. Điều này xẩy đến theo cả quan điểm tích cực, qua việc nâng đỡ hành động của họ lẫn theo quan điểm tiêu cực, bằng cách ngăn cản tất cả những ai, trái lại, làm hại chức năng của hệ thống sản xuất và phân phối thịnh vượng.

Về vấn đề này, cần lưu ý rằng nhiệm vụ sản xuất giá trị gia tăng bên trong các thị trường một cách lành mạnh chỉ được thực hiện bằng chức năng hợp tác mà thôi. Một hiệp lực (synergy) trung tín và thâm hậu giữa các tác nhân dễ dàng đạt được giá trị thặng dư đó, một thặng dư mà mọi thành tựu kinh tế đều nhắm đến [37].

Khi con người nhân bản nhận ra tình liên đới căn bản vốn kết hợp họ với toàn thể nhân loại, họ hiểu ra rằng họ không thể chỉ giữ cho riêng mình các thiện ích họ đang sở hữu. Khi một người nào đó quen sống trong tình liên đới, thì các thiện ích họ sở hữu đều được sử dụng không những cho nhu cầu riêng của họ mà còn tự nhân thừa lên, tạo ra nhiều hoa trái bất ngờ cho người khác nữa [38]. Ở đây, chúng ta nhận thấy rõ rằng việc chia sẻ có thể không chỉ là “sự phân phối mà còn là sự nhân thừa hàng hóa, tạo ra bánh ăn mới, hàng hóa mới, Sự Thiện viết hoa mới nữa [39].

21. Kinh nghiệm và bằng chứng trong những thập niên qua đã cho thấy, một đàng, niềm tin vào sự cho là tự cung tự cấp của thị trường, độc lập đối với bất cứ nền đạo đức nào là một điều hết sức ngây thơ, và đàng khác, sự cần thiết bó buộc phải có một quy định thích đáng, một qui định cùng một lúc phải hợp nhất sự tự do và việc bảo vệ mọi người, và vận hành để tạo ra các tương tác lành mạnh và thích đáng, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương hơn. Theo nghĩa này, các quyền lực chính trị và kinh tế - tài chính phải duy trì khoảng cách và tính độc lập, mà không có bất cứ tổn hại cận kề nào, đồng thời nhắm tới việc thực hiện một thiện ích chung cho mọi người xét trong căn bản chứ không dành riêng cho một số ít người có đặc quyền.

Một quy định như thế càng cần thiết hơn nữa do sự kiện này: trong số các nguyên nhân chính tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất là hành vi vô luân của các tác nhân trong thế giới tài chánh, nơi mà chiều kích siêu quốc gia của hệ thống kinh tế tự làm dễ dàng việc qua mặt các quy định của các quốc gia riêng rẽ. Hơn nữa, tính bất ổn định và tính di động quá đáng của các cuộc đầu tư vốn trong thế giới tài chánh đã cho phép những người kiểm soát chúng hoạt động dễ dàng vượt quá mọi qui tắc không nhằm lợi nhuận tức khắc, thường bằng cách sử dụng chức vụ nổi bật của họ để gây áp lực, thậm chí lên cả quyền lực chính trị hiện hành.

Do đó, điều rõ ràng là các thị trường cần tới các phương hướng vững chắc và mạnh mẽ, có tính mềm dẻo khôn ngoan hết mực (macro-prudential) hơn là có tính quy phạm, chung chia hơn là độc dạng; cũng cần các quy định liên tục được cập nhật hóa, có thể đáp ứng với sự trồi sụt của thị trường. Các phương hướng tương tự phải bảo đảm việc nghiêm chỉnh kiểm soát phẩm chất và độ tin cậy của mọi sản phẩm tài chính - kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm được cấu trúc nhiều hơn. Ngoài ra, khi vận tốc các diễn trình cải tiến tạo ra các rủi ro quá mức một cách có hệ thống, các nhà điều hành kinh tế phải chấp nhận các nghĩa vụ và giới hạn do ích chung đòi hỏi, mà không mưu toan qua mặt hoặc giảm bớt mục đích của chúng.

Việc hoàn cầu hóa hiện thời đối với hệ thống tài chính đòi phải có sự phối hợp ổn định, rõ ràng và hữu hiệu giữa các cơ quan qui định quốc gia, với khả thể, và đôi khi, sự cần thiết, phải chia sẻ các quyết định có tính ràng buộc ngay khi được yêu cầu, trước các đe dọa đối với ích chung. Các cơ quan có tính qui định như vậy phải luôn độc lập và bị ràng buộc bởi các đòi hỏi công bằng và lợi ích công cộng. Về phương diện này, các khó khăn dễ hiểu không nên ngăn cản việc tìm kiếm và áp đặt các hệ thống quy định như thế. Các hệ thống này phải được sự đồng thuận giữa các quốc gia khác nhau, nhưng với phạm vi hữu hiệu siêu quốc gia [41].

Các quy định phải làm dễ dàng sự minh bạch hoàn toàn liên quan tới bất cứ điều gì được giao thương để loại bỏ mọi hình thức bất công và bất bình đẳng, do đó bảo đảm được sự công bằng lớn nhất có thể trong việc trao đổi. Tương tự như vậy, sự tập trung bất cân xứng về thông tin và quyền lực có xu hướng tăng cường các tác nhân kinh tế mạnh hơn và do đó tạo ra các bá quyền có khả năng ảnh hưởng đơn phương không những các thị trường mà còn cả các hệ thống chính trị và pháp lý nữa. Hơn nữa, nơi nào, việc bãi bỏ quy định hàng loạt được thực hành, thì kết quả hiển nhiên sẽ là khoảng chân không về quy định và thể chế vốn tạo không gian không những cho nguy cơ luân lý và tham ô, mà còn tạo dịp cho việc xuất hiện cảnh sum sê vô lý của thị trường, tiếp theo trước hết là các nghiệp vụ đầu cơ, và sau đó sự sụp đổ bất ngờ, có tính phá hoại và các khủng hoảng có tính hệ thống [42].

22. Cuộc khủng hoảng có hệ thống có thể tránh được một cách hữu hiệu hơn nữa nếu có một định nghĩa và sự tách biệt rõ ràng giữa các trách nhiệm ngân hàng đối với việc quản lý tín dụng, quản lý tín dụng hàng ngày, tiết kiệm đầu tư và kinh doanh đơn thuần [43]. Điều này được dự tính càng nhiều càng tốt để tránh các tình huống bất ổn tài chánh.

Một hệ thống tài chánh lành mạnh cũng đòi một số lượng thông tin tối đa, bao nhiêu có thể, để mọi tác nhân có thể bảo vệ lợi ích của họ một cách đầy đủ, và với sự tự do hoàn toàn. Thực thế, điều quan trọng là phải biết liệu vốn của người ta có được sử dụng cho các mục đích đầu cơ hay không, và cũng phải biết mức độ rủi ro và giá thỏa đáng của các sản phẩm tài chánh mà người ta đã đặt mua. Hơn các khoản tiết kiệm thông thường thuộc loại quen thuộc, bảo vệ và tìm cách tối thiểu hóa các rủi ro bất lợi là một thiện ích công cộng. Chính việc tiết kiệm, khi ủy thác vào bàn tay chuyên môn của các cố vấn tài chánh, cần phải được quản lý tốt, chứ không phải chỉ quản lý mà thôi.

Trong số các hoạt động đáng nghi ngờ về luân lý của các cố vấn tài chánh trong việc quản lý các khoản tiết kiệm, những điều sau đây cần phải được xem xét: sự chuyển động quá mức của danh mục đầu tư thường nhằm tăng doanh thu từ hoa hồng dành cho ngân hàng hoặc trung gian tài chánh khác; sự thiếu vô tư phải có trong việc cung cấp các công cụ tiết kiệm, trong đó, so với một số ngân hàng, sản phẩm của những người khác có thể phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng; thiếu chuyên cần thoả đáng hoặc thậm chí sơ suất ác ý về phía các cố vấn tài chánh liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi liên hệ đối với danh mục đầu tư của khách hàng; việc cấp một khoản vay của một ngân hàng trung gian, tùy thuộc vào việc đặt mua song song với các sản phẩm tài chính khác do cùng ngân hàng này cung cấp, nhưng cuối cùng không thuận lợi cho khách hàng.

23. Mỗi doanh nghiệp tạo ra một mạng lưới liên hệ quan trọng và theo đại diện một cách độc đáo cho một bộ phận xã hội trung gian thực sự với một nền văn hóa và thực hành riêng. Nền văn hóa và thực hành này, trong khi xác định ra tổ chức nội bộ của doanh nghiệp, cũng ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội, trong đó, nó hoạt động. Ở bình diện này, Giáo Hội nhắc lại sự quan trọng về trách nhiệm xã hội của mỗi xí nghiệp [44], một trách nhiệm đối với cả bên ngoài (ad extra) lẫn lẫn bên trong (ad intra) cơ cấu, cùng một lúc.

Trong ý nghĩa này, bất cứ nơi nào chỉ có lợi nhuận mới được đặt ở tột đỉnh văn hóa của một xí nghiệp tài chánh, mà quên khuấy các đòi hỏi thực sự của ích chung, thì mọi chủ trương đạo đức thực sự bị coi là bất liên quan. Ngày nay, điều này được báo cáo là một sự kiện thực tế và hết sức phổ biến ngay trong các trường kinh doanh nổi tiếng. Mọi điển hình đạo đức, trên thực tế, đều bị coi là ngoại lai và chỉ nằm bên cạnh hoạt động kinh doanh. Điều này càng được nhấn mạnh hơn nữa do sự kiện này là, trong luận lý học tổ chức của họ, những người không thích ứng với các mục tiêu kinh doanh thuộc loại này đều bị phạt cả ở bình diện trả công (rémunération) lẫn ở bình diện nhìn nhận nghề nghiệp. Trong các trường hợp này, mục tiêu lợi nhuận mà thôi dễ dàng tạo ra một luận lý học tai ác (perverse) và lọc lựa (selective) thường có lợi cho sự tiến thân của các nhà lãnh đạo kinh doanh có khả năng, nhưng tham lam và cẩu thả, và mối liên hệ của họ với người khác thường chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi nhuận bản thân đầy ích kỷ.

Ngoài ra, một luận lý học như vậy thường thúc đẩy ban quản trị thiết lập ra các chính sách kinh tế nhằm không làm tăng sự lành mạnh kinh tế của các công ty được họ phục vụ, mà chỉ vì lợi ích của các cổ đông, do đó, gây hại đến lợi ích hợp pháp của những người gánh vác mọi công việc và dịch vụ có lợi cho cùng công ty này, cũng như những người tiêu thụ và các cộng đồng địa phương khác nhau (các bên có liên quan).

Thường được khuyến khích bằng một khoản thù lao đáng kể tỷ lệ thuận với kết quả tức khắc của việc quản trị, nhưng không cân đối như thế bằng một trừng phạt tương đương, trong trường hợp không đạt được các mục tiêu, các luận lý học này, những thứ luận lý này, trong đoản kỳ, bảo đảm lợi nhuận cao hơn cho các nhà quản lý và tác nhân, nhưng kết cục buộc phải chấp nhận các mạo hiểm quá mức, khiến các công ty yếu đi và thiếu các nguồn năng lượng kinh tế có thể bảo đảm cho họ nhiều triển vọng cho tương lai.

Tất cả những điều trên dễ dàng tạo ra và khuếch tán một nền văn hóa phi đạo đức sâu xa - trong đó người ta thường không ngần ngại phạm tội ác khi lợi ích dự kiến vượt quá mức phạt dự kiến. Tác phong này gây ô nhiễm nặng nề cho sức khỏe của mọi hệ thống kinh tế và xã hội. Nó gây nguy hiểm cho tính chức năng và làm tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hiện hiệu quả lợi ích chung mà trên đó, mọi hình thức của đời sống xã hội nhất thiết phải dựa vào.

Thành thử, điều khẩn thiết bó buộc là một tự phê thành thực và đảo ngược xu hướng, thay vào đó, phải ủng hộ một nền văn hóa kinh doanh và tài chánh biết lưu ý tới mọi nhân tố tạo nên ích chung. Chẳng hạn, điều này có nghĩa đặt một cách rõ ràng con người nhân bản và phẩm chất các mối tương quan giữa họ với nhau ở tâm điểm nền văn hóa của doanh nghiệp, sao cho mỗi cơ cấu thực hành một hình thức trách nhiệm xã hội không những ngẫu nhiên hoặc nằm bên lề, nhưng còn điều hướng nó và sinh động hóa mọi hành động từ bên trong, điều hướng nó theo kế hoạch xã hội.

Tính luân chuyển tự nhiên vốn có giữa lợi nhuận, một nhân tố cố hữu đối với mọi hệ thống kinh tế, và trách nhiệm xã hội, một yếu tố chủ yếu đối với sự tồn tại của bất cứ hình thức sống chung dân sự nào, được kêu gọi biểu lộ sự phong phú trọn vẹn của nó; nó cũng cho thấy sự nối kết keo sơn, một sự nối kết mà tội lỗi có xu hướng che dấu, giữa nền đạo đức biết tôn trọng con người và ích chung, và tính chức năng hiện thực của mọi hệ thống kinh tế tài chánh. Chẳng hạn, tính luân chuyển hợp đạo đức như vậy được đánh giá cao, khi theo đuổi việc giảm nguy cơ xung đột với các bên liên quan, cũng như khi khuyến khích một sự động viên nội tại lớn hơn đối với các nhân viên của công ty.

Ở đây, việc tạo ra giá trị gia tăng, một việc vốn là mục tiêu chính của hệ thống kinh tế tài chánh, phải chứng minh một cách đầy đủ tính thực tiễn của mình bên trong một hệ thống đạo đức vững chắc, xây dựng trên việc chân thành mưu cầu ích chung. Chỉ nhờ việc nhìn nhận, và thực thi sự nối kết nội tại vốn có giữa động lực kinh tế và lý luận đạo đức này, mới nẩy sinh một thiện ích dành cho mọi người [45]. Vì, để vận hành đúng, thị trường phải tự dựa vào các điều kiện tiên quyết về nhân học và đạo đức, những điều kiện họ không có khả năng tự cấp cho mình, hay tự ý sản xuất ra.

24. Nếu, một mặt, sự đáng tin về tín dụng đòi một diễn trình lựa chọn thận trọng để nhận diện những người thụ hưởng thực sự xứng đáng, có khả năng đổi mới, được bảo vệ khỏi những thông đồng không lành mạnh, thì, mặt khác, để chịu được một cách hữu hiệu các rủi ro gặp phải, các ngân hàng phải có một sự quản lý tài sản thích hợp, để một sự phân chia cuối cùng các khoản lỗ có thể bị giới hạn ở mức lớn hơn và có thể, trước hết, qui cho những người thực sự chịu trách nhiệm về các tổn thất này.

Chắc chắn, việc quản lý tinh vi các khoản tiết kiệm, ngoài việc quy định pháp lý thích đáng, đòi phải có các mô hình (paradigms) văn hóa thỏa đáng, cùng với việc thực hành việc tái xét cẩn thận, theo quan điểm đạo đức, mối liên hệ giữa ngân hàng và khách hàng, cũng như bảo vệ liên tục tính hợp pháp của mọi giao dịch có liên quan.

Dọc theo các đường hướng trên, một gợi ý thú vị đáng được thử nghiệm, là việc lập ra các Ủy ban Đạo đức trong các ngân hàng, để hỗ trợ các Hội đồng Quản trị. Cho đến nay, điều này được thực hiện khi các ngân hàng được giúp đỡ không chỉ để bảo vệ bảng quyết toán (balance) của họ khỏi các hậu quả đau lòng và thua lỗ, và hướng tới một sự gắn bó hữu hiệu giữa sứ mệnh tập thể và các thực hành tài chánh, mà còn để nâng đỡ thoả đáng nền kinh tế thực.

25. Việc tạo ra các chứng khoán tín dụng với rủi ro cao, một việc trên thực tế tạo ra một giá trị ảo (fictive) mà không có sự kiểm soát thỏa đáng về phẩm chất hoặc đánh giá tín dụng đúng đắn, có thể làm giầu thêm cho các trung gian, nhưng dễ dàng tạo ra khả năng không chi trả được, có hại cho những người sau đó phải thu hồi các chứng khoán này. Điều này càng đúng hơn nếu gánh nặng phê phán các chứng khoán này được chuyển từ định chế phát hành chúng sang cho thị trường nhờ đó chúng được lan truyền và khuếch tán (như sự thanh toán các khoản vay dưới chuẩn [subprime mortages = tức loại cho vay mà người vay rất tồi về uy tín tín dụng – chú thích của người dịch]). Thực hành này tạo ra nhiều độc hại tổng quát, và nhiều khó khăn có tiềm năng xâm hại cả hệ thống. Sự thao túng thị trường như vậy mâu thuẫn với sự lành mạnh của hệ thống kinh tế - tài chánh, và không thể chấp nhận được theo quan điểm đạo đức biết tôn trọng ích chung.

Mỗi cổ phiếu tín dụng phải tương ứng với một giá trị có thể có thực chất, chứ không phải chỉ là một giá trị được cho là khó xác minh. Theo nghĩa này, việc cần phải có sự quy định công cộng và sự đánh giá vô tư (super partes) về công trình của cơ quan xếp hạng tín dụng, trở nên càng cấp bách hơn, với các công cụ pháp lý giúp có thể chế tài các hành động bị bóp méo và ngăn chặn việc tạo ra sự hoạt quyền (oligopoly) nguy hiểm về phía một thiểu số. Điều này thậm chí càng đúng hơn nữa trước sự hiện hữu của hệ thống môi giới tín dụng, trong đó trách nhiệm của tín dụng được cấp được chuyển từ người cho vay ban đầu sang những người cho vay trung gian sau đó.

26. Một số sản phẩm tài chính, trong đó có điều được gọi là “phái sinh” (derivative), được tạo ra nhằm cung cấp bảo hiểm chống các rủi ro cố hữu của một số giao dịch thường chứa một cuộc đánh cuộc dựa trên cơ sở giá trị được giả định gán cho các rủi ro này. Nằm ở nền các công cụ tài chính như thế thường là các hợp đồng trong đó các bên vẫn có thể đánh giá một cách hợp lý sự rủi ro căn bản mà họ muốn bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong một số loại sản phẩm phái sinh, (đặc biệt các sản phẩm có tên là chứng khoán hóa (securizations), cần chú ý điều này: bắt đầu với các cấu trúc ban đầu, và được liên kết với các khoản đầu tư tài chính có thể nhận dạng được, càng ngày, các cấu trúc phức tạp hơn càng được xây dựng (chứng khoán hóa của các chứng khoán hóa) trong đó, sau nhiều giao dịch gần như không thể có, ngày càng khó khăn mới có thể ổn định đuợc giá trị đích thực của chúng một cách hợp lý và công bằng. Điều này có nghĩa: ở mỗi đoạn trong việc bán các cổ phần này, vượt quá ý muốn của các bên, đều thực sự diễn ra một sự bóp méo giá trị hiện thực của các rủi ro mà các công cụ này có nhiệm vụ phải bảo vệ. Tất cả những điều này khuyến khích sự xuất hiện của các ổ (bubbles) đầu cơ, vốn là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chánh gần đây.

Điều rõ ràng là sự không chắc chắn xung quanh các sản phẩm này, chẳng hạn như sự suy giảm đều đặn tính minh bạch của các sản phẩm được đảm bảo, vẫn không xuất hiện trong hoạt động ban đầu, khiến chúng liên tục kém được chấp nhận theo quan điểm đạo đức biết tôn trọng sự thật và lợi ích chung, vì nó biến chúng thành một quả bom nổ chậm, sớm hay muộn, sẵn sàng phát nổ, đầu độc sự lành mạnh của thị trường. Cần lưu ý rằng có một khoảng trống đạo đức, một khoảng trống sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi các sản phẩm này được thương lượng trên các điều được mệnh danh là thị trường ít được quy định hơn (over the counter = bán qua quầy) và bị chường nhiều hơn cho các thị trường được qui định một cách ngẫu nhiên, nếu không do gian lận, và do đó lấy đi các huyết mạch và đầu tư quan trọng cho nền kinh tế thực.

Một đánh giá đạo đức tương tự cũng có thể được áp dụng cho những việc sử dụng hoán đổi tín dụng mất khả năng chi trả (Credit Default Swap: chúng là các hợp đồng bảo hiểm cụ thể cho nguy cơ phá sản) cho phép đánh cuộc trên nguy cơ phá sản của bên thứ ba, ngay cả đối với những người, trước đó, chưa có bất cứ rủi ro tín dụng nào như vậy, và thực sự lặp lại các nghiệp vụ như vậy trên cùng một biến cố, một điều tuyệt đối không được thỏa thuận bởi công ước hoặc bảo hiểm thông thường.

Thị trường hoán đổi tín dụng mất khả năng chi trả(CDS), tiếp theo cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007, đã gây ấn tượng mạnh mẽ đủ để đại biểu cho một qui mô lớn gần như tương đương với Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) của toàn thế giới. Việc phổ biến loại hợp đồng như vậy, mà không định giới hạn thích hợp, đã khuyến khích sự phát triển thứ tài chánh cơ hội, và đánh cuộc trên sự thất bại của người khác, một điều không thể chấp nhận được theo quan điểm đạo đức.

Thực thế, diễn trình thu mua các dụng cụ này, bởi những người không có bất cứ rủi ro tín dụng nào, đã tạo ra một trường hợp độc đáo trong đó người ta bắt đầu nuôi dưỡng ý muốn hủy hoại các thực thể kinh tế khác và thậm chí còn có thể quyết tâm làm như thế.

Rõ ràng một khả năng như vậy, một mặt, đại biểu cho một sự kiện đặc biệt đáng trách theo quan điểm đạo đức, vì tác nhân làm như vậy theo quan điểm ăn thịt người về kinh tế, và, mặt khác, kết cục phá hoại niềm tin căn bản cần thiết mà không có nó, hệ thống kinh tế kết cục sẽ tự ngăn chặn chính nó. Trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể nhận thấy, theo quan điểm đạo đức, một biến cố tiêu cực sẽ gây hại như thế nào cho sự vận hành lành mạnh của hệ thống kinh tế.

Do đó, cần phải lưu ý rằng, khi từ một cuộc đánh cuộc như vậy, có thể phát sinh sự thiệt hại to lớn cho toàn bộ quốc gia và hàng triệu gia đình, chúng ta phải đương đầu với những hành động cực kỳ vô luân, xem ra điều cần là mở rộng các răn đe (deterrents), vốn có ở một số quốc gia, đối với loại nghiệp vụ ấy, xử phạt các vi phạm với mức độ nghiêm trọng tối đa.

Kỳ sau: III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay tiếp theo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét