22/12/2019
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng
năm A
(phần II)
Phụng Vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng A
(Is 7,10-14; Rm
1,1-7; Mt 1,18-24)
EMMANUEL – MỘT THIÊN CHÚA CHIA SẺ PHẬN NGƯỜI
“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người
ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.’” (Is 7,14; Lc 1,23)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is 7,10-14)
Khoảng cuối thế kỷ
VIII TCN, vương quốc Giuđa bị đe dọa bởi quân ngoại bang. Trị vì vương quốc lúc
bấy giờ là vua Achaz, ông không làm điều ngay chính trước mắt Đức Chúa, thậm
chí còn đi theo lề thói ngoại bang mà làm lễ thiêu con trai mình (x. 2V
16,2-3). Vì thế, tiên tri Isaia đã xuất hiện đúng lúc để can thiệp, và mong muốn
Achaz phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Và vì thế, sấm ngôn của tiên tri Isaia
đã loan báo về một Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Người đến để cứu
thoát dân Người.
Ở đây, chúng ta thấy
trước bối cảnh nguy khốn, vua Achaz đã không kêu xin sự trợ giúp của Thiên
Chúa; Chính Thiên Chúa mới là Đấng khởi sự sáng kiến cứu dân Người. Và vì thế,
chúng ta thấy sự sinh hạ Đức Giêsu sau này ứng nghiệm dấu chỉ này, đó là thánh
ý cứu độ của Thiên Chúa cách tự do và nhưng không trong việc cứu thoát dân Người.
2. Bài đọc II (Rm 1,1-7)
Bài đọc II trích từ
thư của thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Rôma. Đây là phần mở đầu của bức thư.
Và thông thường theo phong cách văn chương lúc bấy giờ, thánh Phaolô đã gởi lời
chào thăm các tín hữu và giới thiệu về mình cho một cộng đoàn vốn chưa biết
ngài. Ngài khẳng định mình là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được gọi làm Tông đồ để
loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
Trọng tâm bức thư là Đức
Kitô, Đấng đã được các ngôn sứ loan báo xưa kia, và chính Người là Con Thiên
Chúa. Chúng ta được kêu gọi thuộc về Đức Kitô, làm dân thánh, dân riêng của Thiên
Chúa. Chính Người sẽ ban ân sủng và mang lại bình an cho con người chúng ta.
3. Bài Tin Mừng (Mt 1,18-24)
Tin Mừng về thời thơ ấu
của Chúa Giêsu (Mátthêu và Luca) đều cho thấy rằng Đức Giêsu là Đấng Messia được
loan báo; Người là niềm hy vọng của dân Israel. Tin Mừng Mátthêu đặt thánh
Giuse làm trung tâm; trong khi đó, nơi Tin Mừng thánh Luca, Đức Maria là vai
trò trung tâm. Vì thế, ở đây, thánh Giuse đã hội tụ tất cả những di sản mà
Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Apraham. Bản gia phả ở trước đã thể hiện rõ điều
này khi khởi đi từ Apraham và kết thúc ở Giuse, chồng Maria. Và như thế, theo
Tin Mừng Mátthêu, thánh Giuse, con vua Đavít, không phải là một hình ảnh bên lề
trong nhiệm cục cứu độ, nhưng ngài đã thừa kế tất cả các sứ mệnh của các tổ phụ
và các vua.
Đoạn Tin Mừng hôm nay
bày tỏ niềm tin của cộng đoàn Kitô sơ khai về sự sinh hạ hài nhi Giêsu cách đồng
trinh. Theo ý nghĩa này, giải thích ý nghĩa về lời sấm Đấng Emmanuel đã được
bày tỏ. Thánh Giuse đã đảm nhận trọn vẹn vai trò người cha mà Thiên Chúa đã ủy
thác cho ngài và chính ngài sẽ là người đặt tên cho hài nhi là Giêsu, nghĩa là
Thiên Chúa cứu độ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
Đức Thánh Cha
Phanxicô, trong Tông thư “Dấu chỉ tuyệt vời” mới đây, đã nêu bật ý nghĩa của
hang đá, nơi bộc lộ tất cả tình yêu của Thiên Chúa cho con người, nơi thể hiện
toàn vẹn một Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta:
1. “Hang đá khơi dậy rất
nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của
Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó
để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với
lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất”.
Là Kitô hữu, tôi đã thể
hiện hình ảnh dịu dàng, nhỏ bé của Thiên Chúa nơi hang đá đời tôi ?
2. “Đêm đen đôi khi
bao quanh cuộc sống của chúng ta. Dù vậy, ngay cả trong những khoảnh khắc đó,
Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, mà Người hiện diện và mang ánh sáng đến
nơi chìm trong bóng tối và chiếu sáng những người vượt qua bóng tối của đau khổ.
Được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và
duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra
bên lề: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng.
Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng Người gần
gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Trong những
khoảnh khắc đêm đen cuộc sống của tôi hay của mọi người quanh tôi, tôi có cảm
nghiệm được sự hiện diện đầy cảm thông và yêu thương của Đấng Emmanuel ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô - Đấng Emmanuel, Thiên Chúa đã đến và ở với
nhân loại để thực hiện kế hoạch yêu thương của Người. Tin tưởng vào tình thương
cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết sẵn sàng đón
nhận ơn thánh:
1. “Maria mang thai là
bởi phép Chúa Thánh Thần”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội
Thánh biết mở lòng đón nhận ơn Chúa và cộng tác với Chúa Thánh Thần, tích cực
đem Tin mừng cứu độ cho con người trong thế giới hôm nay.
2. “Người ta sẽ gọi
tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúng ta cùng cầu
nguyện cho những dân tộc chưa nhận biết Chúa, được nghe loan báo Tin mừng nước
trời và khám phá nguồn hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa.
3. “Chính Người sẽ cứu
dân mình khỏi tội”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang lầm đường lạc lối,
biết ý thức tình trạng tội lỗi của bản thân, nhận ra tình thương tha thứ của
Thiên Chúa, và thành tâm quay về với Người để sống trong ân sủng và bình an.
4. “Giuse đã thực hiện
như lời thiên thần Chúa truyền”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng
đoàn chúng ta, biết tìm kiếm và thực hiện ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày, qua
việc tận tâm chu toàn mọi bổn phận mà Chúa đã trao phó.
Chủ tế: Lạy
Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã yêu thương và ban ơn cứu độ cho tất cả mọi
người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết dấn thân cộng
tác vào công trình yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô,
Chúa chúng con
Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm A
ĐG KITÔ CHÍNH LÀ EMMANUEL “THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA”
Giuse đón vợ về nhà”
(Mt 1,24)
Sợi chỉ đỏ :
– Ngôn sứ Isaia báo
cho vua Achaz về một nhân vật mệnh danh là Emmanuel (Bài đọc I)
– Tv 23 bày tỏ niềm
tin tưởng Thiên Chúa sẽ đến như một vị Vua vinh hiển (Đáp ca)
– Đức Giêsu chính là
Emmanuel mà Isaia đã tiên báo (Tin Mừng)
– Thánh Phaolô khẳng định
Đức Giêsu thực hiện những lời tiên tri xưa (Bài đọc II)
Trong suốt Mùa Vọng,
chúng ta mong chờ Đức Giêsu đến. Nhưng chúng ta mong chờ Ngài mang gì đến cho
chúng ta : Tiền bạc chăng ? Thành công chăng ? Sức khoẻ
chăng ?
Lời Chúa hôm nay trả lời
rằng : Ngài mang đến cho chúng ta chính bản thân Ngài, bởi vì Ngài là
Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là điều quý báu nhất và bao gồm
tất cả mọi điều báu.
Trong Thánh lễ này,
chúng ta hãy nguyện “ở với” Chúa cũng như Ngài đã “ở với” chúng ta.
– Đức Giêsu đã bỏ trời
xuống thế để ở với loài người chúng ta. Nhưng lắm khi chúng ta quên mất Ngài,
không hề nhớ tới Ngài.
– Đức Giêsu ngự trong
Nhà Tạm để chúng ta dễ đến với Ngài. Nhưng rất ít khi chúng ta đến đó để gặp
Ngài.
– Chúng ta không “cùng
ăn, cùng ở, cùng làm” với Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.
Khi ấy vương quốc
Giuđa đang bị đế quốc Assyria đe dọa. Ngôn sứ Isaia khuyên vua Achaz đừng sợ,
hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vua Achaz hoài nghi. Để
khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ : “Này
đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Emmanuel,
nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Lời tiên tri này trước
tiên ứng vào hoàn cảnh của vua Achaz : Quả thực sau đó hoàng hậu vợ vua
Achaz (“phụ nữ”) đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh ra thái
tử là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua Achaz nếu ông
thực lòng trông cậy nơi Ngài (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”).
Về sau người ta đã hiểu
rộng hơn và coi đây là lời tiên tri về Đấng Messia sẽ đến. Người ta còn tin rằng
Đấng Messia ấy sẽ do một trinh nữ sinh ra. Vì thế bản dịch 70 bằng tiếng hy lạp
đã dùng chữ “trinh nữ” thay vì chữ “phụ nữ”.
Tv 23 được dùng trong
những cuộc hành hương lên đền thờ Giêrusalem. Người ta ý thức rằng Thiên Chúa
chính là Vua vinh hiển ; và chỉ những ai có bàn tay vô tội và tâm hồn
trong sạch mới xứng đáng đến trước nhan Ngài.
Quan niệm này đúng.
Nhưng đến thời Tân Ước (như bài Tin Mừng sẽ cho ta thấy), Thiên Chúa sẽ ưu ái
loài người đến nỗi bỏ qua đòi hỏi trên : chẳng những không đòi những người
muốn đến với Ngài phải có tay sạch lòng thanh, Ngài còn hạ cố xuống với loài
người để thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Đức Giêsu Ngôi Hai
Thiên Chúa đã sinh ra, làm một con người như mọi người : có mẹ là một người
nữ mang tên Maria, cha là một bác thợ mộc tên là Giuse.
Nhưng thiên thần
Gabriel cho thánh Giuse biết những đặc tính thiêng linh của Đức Giêsu :
Ngài được thụ thai là “bởi phép Chúa Thánh Thần”, Ngài đến trần gian là “để cứu
dân mình khỏi tội”.
Thánh Matthêu hiểu rằng
việc này làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngôn sứ Isaia : Đức Giêsu chính
là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Thánh Phaolô muốn tín
hữu Rôma hiểu rõ về Đức Giêsu : Tuy Ngài đã sinh ra “theo huyết nhục”,
nhưng nguồn gốc của Ngài rất cao sang vì Ngài “bởi dòng Đavít”, “đã được tiền định
là Con Thiên Chúa”, và “đã sống lại từ cõi chết”.
Từ ý thức đó, Thánh
Phaolô khuyên các tín hữu hãy sung sướng vì được thuộc về một Đấng cao sang như
thế : “Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, đồng thời cũng hãy sung
sướng với ơn gọi của mình : “Anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã
kêu gọi”.
Đức Giêsu là Emmanuel,
Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Chỉ cần một so sánh rất
tầm thường, chúng ta sẽ thấy đó là một ơn rất to lớn mà Thiên Chúa ban cho
chúng ta :
Tôi có một người bạn vừa
tốt vừa đa tài đa năng. Mỗi khi có chuyện gì cần, tôi gọi thì anh đến và anh
giúp tôi giải quyết rất tốt đẹp. Tôi sung sướng lắm. Nhưng nhiều khi tôi đang cần
mà anh lại đang đi vắng xa nên không giúp gì cho tôi được. Khi đó tôi ao ước :
phải chi người bạn ấy luôn ở với tôi !
Chúa Giêsu hơn người bạn
ấy rất nhiều : Ngài không chỉ là một con người mà còn là Thiên Chúa. Ngài
không chỉ đa tài đa năng mà còn là toàn tài toàn năng. Ngài nói “Này Ta ở cùng
chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đúng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng
chúng ta. Còn gì quý hơn !
Một tin chỉ là Tin Mừng
khi nó đáp ứng một ước mong mà người ta chờ đợi. Thí dụ chén cơm là tin mừng
cho người đang đói, mùa gặt bội thu là tin mừng cho người nông dân đã khổ công
cấy cày. Nếu không ước mong đợi chờ thì chẳng có tin mừng : chén cơm không
phải là tin mừng cho người đã no, mùa gặt cũng chẳng là tin mừng cho người
không làm ruộng.
Thánh Phaolô nói với
tín hữu Rôma rằng ngài mang đến cho họ một Tin Mừng, đó là Thiên Chúa đã ban
Con của Ngài cho loài người. Và tín hữu Rôma đã vui mừng vì họ có được một Đức
Chúa cao cả quyền năng hơn các thần thánh nhan nhãn trong các đền thờ ở Rôma.
Lẽ ra sống trong Mùa Vọng
thì phải mong chờ Chúa. Nếu ta không mong chờ Chúa thì việc Chúa Giáng sinh
không là Tin Mừng cho ta gì cả.
Lạy Chúa, tên Chúa là
Emmanuel, Chúa ở cùng chúng con.
Nhưng đã có biết bao
người lấy danh thánh Chúa khắc vào dây lưng, hùng hùng hổ hổ xông ra trận để
chém giết anh em đồng loại ! Biết bao người đã đi tàn sát nhân danh Chúa,
tuy họ không xâm tên Chúa vào ngực hay khắc vào dây nịt.
Chúa ở với chúng con để
kéo chúng con ra khỏi tội lỗi, chứ không phải làm cớ cho chúng con bênh vực
mình, bênh vực những hành vi tội lỗi của mình.
Chúa ở với chúng con để
giúp chúng con vượt qua những chướng ngại trên con đường đi tìm công lý và tình
huynh đệ, chứ không phải để dẫn chúng con đến những quần đảo thoát ly.
Chúa hãy ở với chúng
con những khi vì sợ hãi, chúng con ngừng bước hay lui bước. Chúa hãy ở với
chúng con khi vì lơ đễnh chúng con đi lạc đàng chính nẻo ngay.
Thân lạy Emmanuel, xin
Chúa hãy luôn ở cùng chúng con ! (Trích Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt
giáng sinh 1998)
Ngày nay thói quen mừng
lễ Giáng sinh có thể nói là rất phổ biến : hầu hết mọi người trên thế giới,
dù là người có đạo hay không có đạo, cũng đều quen mừng lễ Giáng sinh. Tuy
nhiên, hầu như ai ai cũng coi đây là một dịp lễ vui, có nhiều hoa đèn, nhiều tiếng
thánh ca. Trong dịp lễ Giáng sinh người ta cũng sáng tác nhiều tiêu phẩm văn
nghệ rất cảm động nhưng qua đó ta thấy được khía cạnh mỉa mai là lễ Giáng sinh
đã không được mừng đúng ý nghĩa. Có một tiểu phẩm kể chuyện một em bé gái
nghèo, đêm Giáng sinh phải co ro lặn lội trong sương tuyết để bán từng hộp que
diêm, trong khi đó thì xa xa vọng lại tiếng hát thánh ca réo rắt ; một tiểu
phẩm khác kể chuyện một tên ăn trộm coi lễ Giáng sinh là dịp tốt để hành nghề,
nó biết đêm đó nhà giàu nào cũng có nhiều bánh trái, cho nên nó đợi đến lúc người
ta di dự lễ ở nhà thờ để lẻn vào ăn trộm, và xa xa vọng lại cũng những hồi
chuông giáng sinh rộn rã.
Cũng có một tác phẩm
tuy không nói về lễ Giáng sinh nhưng cũng mang cùng một ý nghĩa. Đây là một
chuyện phim tưởng tượng. Đạo diễn tưởng tượng có một Đức Giáo hoàng vì chán cảnh
lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên nhân một dịp đi lạc khỏi Tòa Thánh,
đã đi luôn vào sống ở một ngôi làng nghèo. Làng này đang bị bệnh dịch hoành
hành nên bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, lương thực khan hiếm. Trong
làng có một cái cối dùng sức gió để cung cấp nước, nhưng cối gió đã hư và không
ai sửa. Nếp sống quá khổ cực khiến người ta không đến nhà thờ nữa, nhà thờ bị
hoang phế, và chính vị Linh mục coi sóc nhà thờ đó cũng chán nản hồi tục đi làm
nghề chăn cừu. Đức Giáo hoàng đã cùng với dân làng đi moi đống rác, tiếp xúc với
những trẻ em lang thang bụi đời, và động viên người ta cùng Ngài sửa lại cái cối
xay nước. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cái cối xay
gió ấy đã được sửa chữa và hoạt động lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết Ngài
chính là Giáo hoàng. Và Ngài giã từ họ trở về Tòa Thánh. Cuốn phim kết thúc với
cảnh Đức Giáo hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, đặc biệt
trong số đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị Linh mục nữa, vị
Linh mục này đã trở về với đoàn chiên giáo dân của mình. Chắc chúng ta hiểu được
ngụ ý của đạo diễn : Nếu giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ
thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa quần chúng và quần chúng cũng xa lìa Giáo hội.
Còn Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của quần chúng thì quần
chúng sẽ đến vây quanh Giáo hội.
Ngôi Hai Thiên Chúa
giáng sinh là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Giáo Hội cũng phải
là Emmanuel. Và mỗi tín hữu cũng phải là Emmanuel.
CT : Sau lời truyền tin của sứ thần Gabriel và lời đáp
“Xin vâng” của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Mẹ.
Tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1- Hội Thánh là dấu chỉ
tình thương cứu độ của Chúa đối với nhân loại. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho
mọi thành phần trong Hội Thánh / biết luôn cố gắng sống bác ái yêu thương / để
trở nên khí cụ Chúa dùng đem tình thương đến cho mọi người.
2- Hiện tại / sự xuất
hiện của nhiều giáo phái kỳ bí là một thảm họa cho nhân loại / vì họ dạy những
điều sai trái. / Nhưng đáng tiếc là có nhiều người gia nhập các giáo phái này /
và bị khống chế chặt chẽ. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi người / cách
riêng là những người kitô hữu trẻ / biết luôn cảnh giác trước những lời quyến
rũ đường mật của các giáo phái này.
3- Khủng hoảng đức tin
/ đặc biệt trong giới trẻ / là một vấn đề lớn đang khiến các bậc mục tử lo âu
nhiều nhất. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn tìm được những
phương thế thích hợp / nhằm giúp giới trẻ học hỏi sâu rộng giáo lý của Chúa /
nhờ đó giữ vững được đức tin của mình.
4- “Xin vâng theo
Thánh ý Chúa” / Đây phải là câu tâm niệm / là lời nguyện tắt hằng ngày của người
kitô hữu. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết mau
mắn đáp “Xin vâng” trong mọi tình huống của cuộc sống / nhất là khi gặp khó
khăn / đau khổ trong đời sống thường ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa hứa ở cùng chúng con mọi
ngày cho đến tận thế. Xin luôn nâng đỡ chúng con trong mọi cơn thử thách, cùng
đồng hành với chúng con trong cuộc sống, nhờ đó chúng con luôn tin yêu, gắn bó
và dấn thân theo Chúa đến cùng dù gặp bao sóng gió phũ phàng trên đường đời.
Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
– Kinh nguyện Thánh Thể :
Nên dùng mẫu số 4, nhấn mạnh đến vai trò Đức Maria :
. (Đoạn 3) : “Lạy
Cha chí thánh, Cha quá yêu thương thế gian… Người đã nhập thể bởi quyền
năng Chúa Thánh Thần, và được Đức Trinh nữ sinh ra, đã sống trọn thân phận
con người như chúng con…”
– Trước kinh Lạy
Cha : Hợp ý với Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chúng ta
hãy dâng lên Thiên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
– Trước lúc Rước lễ :
“Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng Emmanuel đến ở với loài người chúng ta để
xóa tội trần gian. Phúc cho ai…”
Chúa Giêsu là Thiên
Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta cũng hãy nhớ luôn ở cùng Ngài trong mọi việc
làm, lời nói và ý tưởng.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật IV Mùa Vọng (A)
Sunday 22 December,
2019
Lectio Divina | Lectio
Divina Năm A
Sự công chính của
thánh Giuse đã cứu mạng Mẹ Maria
Mt 1:18-24
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin
hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm
tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh
sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá
ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng,
đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong
chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng
và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những
người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời
Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ
được hưởng quyền năng sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng
Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý
và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã
mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng
con. Amen.
2.
Bài Đọc
a) Chìa khóa
dẫn đến bài đọc:
Đa số các thành viên của
các Cộng Đoàn Kitô hữu tại Pa-lét-tin và Syria, những người mà tác giả Mátthêu
đã viết sách Tin Mừng cho, là những người Do Thái cải đạo. Họ chấp
nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và tin tưởng vào Người. Họ đã bị bách
hại vì đức tin của họ. Những người anh em Do-thái của họ đã nói với
họ rằng: “Các bạn Kitô hữu đang bị lừa dối! Ông Giêsu
không phải, và cũng không thể là Đấng Cứu Thế!” Trong đoạn Phúc Âm
mà chúng ta đang suy gẫm trong Chúa Nhật tuần này, cho thấy hiển nhiên mối quan
tâm của Mátthêu, ông muốn khẳng định niềm tin của cộng đoàn. Cũng
như thể ông muốn nói với chúng ta rằng: “Các bạn không hề bị lừa dối! Đức
Giêsu chính thật là Đấng Cứu Thế!” Mục đích của Mátthêu trong các
chương một và hai của sách Tin Mừng của ông là để thông báo cho người đọc về những
điều liên quan đến Chúa Giêsu, Đấng mà hoạt động của Người sẽ được mô tả bắt đầu
từ chương ba. Trong hai chương đầu, Mátthêu giới thiệu về thân thế
Chúa Giêsu, về Lề Luật mới, về một ông Môisen mới. Trong phần gia phả
(Mt 1:1-17) Mátthêu đã cho thấy rằng Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít và
dòng dõi ông Abraham (Mt 1:1). Trong những câu này (Mt 1:18-25),
Mátthêu tiếp tục giới thiệu Đức Giêsu với chúng ta qua câu chuyện giáng sinh của
Người. Ông kể lại chuyện ông thánh Giuse được cho biết tin về việc Đức
Maria đã thụ thai như thế nào và các lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm với sự ra
đời của Đức Giêsu, cho thấy rằng Người là Đấng Cứu Thế đang được mong đợi. Trong
khi đọc, chúng ta nên chú ý đến những gì đoạn Phúc Âm cho chúng ta biết về con
người của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong những gì liên quan đến ý nghĩa của hai
cái tên mà Người nhận được.
b) Phân đoạn
bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 1:18: Một
điều trái với lễ giáo phong tục trong cuộc đời Đức Maria
Mt 1:19: Sự
công chính của thánh Giuse
Mt
1:20-21: Lời giải thích hoặc lời làm sáng tỏ bởi thiên thần Chúa
Mt
1:22-23: Giai điệu trong Tin Mừng của thánh Mátthêu
Mt
1:24-25: Sự vâng lời của thánh Giuse.
c) Phúc Âm:
18 Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau
đây: Mẹ Người là Maria, đính hôn với Giuse; trước khi về chung sống
với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. 19 Giuse,
bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà một
cách kín đáo. 20 Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên
thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con
vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi
phép Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông
sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội.”
22 Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời
Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: 23 Này
đây! Một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ
gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi
tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn
mình; 25 nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh
con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
3.
Giây phút thinh lặng
cầu nguyện
Để cho Lời Chúa có thể
thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi
ý
Để giúp chúng ta trong
việc suy gẫm cá nhân.
i) Điều nào trong bài Tin Mừng này đã đánh động bạn nhất? Tại
sao?
ii) Theo lời Sứ Thần, Con Thiên Chúa sẽ được sinh bởi Đức
Maria là ai?
iii) Theo Phúc Âm của Mátthêu, lời tiên tri nào
trong Cựu Ước được thực hiện trên Chúa Giêsu?
iv) Hai tên mà Con Trẻ Giêsu nhận lãnh là gì, và Thiên
Chúa có ẩn chứa dự án gì trong những tên này?
v) Thái độ của thánh Giuse được hiểu ra sao? Thái
độ này dạy cho chúng ta điều gì?
vi) “Sự công chính” của thánh Giuse một cách chính xác bao gồm
những điều gì?
vii) Sự công chính của chúng ta ra sao, khi được
so sánh với sự công chính của thánh Giuse?
5.
Dành cho những ai
muốn đào sâu vào chủ đề
a) Bối cảnh của
bài Phúc Âm:
Dựa theo gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1:1-17) để lại cho
chúng ta một câu hỏi. Bên cạnh tên của bốn mươi hai tổ phụ của Chúa
Giêsu (Mt 1:17), Mátthêu chỉ đưa ra tên bốn tổ mẫu: bà Tamar (Mt 1:3), bà
Ra-kháp, bà Rút (Mt 1:4) và vợ ông Uria (Mt 1:6). Bốn
người phụ nữ thụ thai các con trai của họ bên ngoài phạm trù của sự tinh khiết
hoặc ngoài vòng lễ giáo thời bấy giờ. Vì thế, tình trạng của bốn người
phụ nữ này thì bất thường trước Lề Luật Do-Thái. Sự bất thường của bốn
người tổ mẫu này thì hiển nhiên. Chỉ cần đọc các văn bản của Cựu Ước
nơi mà câu chuyện của họ được kể là đã đủ. Và do đó, tại cuối phần
gia phả dấy lên một câu hỏi: “Và Đức Maria, hiền thê của thánh
Giuse, người sinh ra Chúa Giêsu (Mt 1:16), có lẽ cũng phải chịu một số điều bất
thường pháp lý chăng? Đoạn Phúc Âm mà chúng
ta suy gẫm trong Chúa Nhật tuần này nói về điều này.
1.
b) Lời
bình giải về đoạn Phúc Âm:
Mt 1:18: Sự không đúng lễ giáo theo pháp luật
trong Đức Maria
Đức Maria đã thụ thai
trước khi về chung sống với ông Giuse, vị hôn phu của bà. Người
ngoài nhìn vào sự việc thì hẳn nhận biết được có điều bất thường và sẽ
nói: “Bà Maria, thật là quá quắt!” Chiếu theo lề luật của
Môisen, thì những tội này đáng bị ném đá cho chết (Đnl 22:20). Để
tránh điều lý giải sai lầm về các sự kiện này, Mátthêu đã giúp người đọc thấy một
khía cạnh khác của việc thụ thai của Đức Maria: “Bà đã thụ thai bởi
phép Đức Chúa Thánh Thần”. Dưới con mắt thế gian, điều này dường như
là một sự vi phạm Lề Luật, nhưng trong mắt của Thiên Chúa điều này thì hoàn
toàn trái ngược lại!
Mt 1:19: Sự
công chính của thánh Giuse
Việc mang thai của Đức
Maria xảy ra trước khi bà về sống với ông Giuse, không phải vì một lỡ lầm của
con người, mà là vì thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trêu ngươi về
lề luật khiết tịnh trong cách để cho Đấng Cứu Thế được sinh ra giữa chúng
ta! Nếu thánh Giuse hành động theo như những ràng buộc của lề luật
thời bấy giờ, thì ông đã phải tố cáo Đức Maria và có lẽ bà đã bị ném
đá. Mang thai trước hôn nhân là điều không đúng lễ giáo và không
theo luật khiết tịnh, thì bà phải bị trừng phạt với bản án tử hình (Đnl
22:20). Tuy nhiên, thánh Giuse, bởi vì ông là người công chính,
đã không tuân theo những ràng buộc của luật khiết tịnh. Sự công
chính của ông thì cao cả hơn. Thay vì đi tố cáo, ông muốn
tôn trọng điều bí ẩn mà ông không hiểu và quyết định lìa bỏ Đức Maria trong sự
kín đáo. Sự công chính cao cả nhất của thánh Giuse đã cứu mạng Đức
Maria và cả mạng sống của Chúa Giêsu.
Vì thế, Mátthêu gửi một
sứ điệp quan trọng cho các cộng đoàn tại Pa-lét-tin và Syria. Như thể
nói rằng: “Hỡi anh em, điều gì sẽ xảy ra nếu việc tuân giữ nghiêm nhặt
lề luật được thực hiện, điều mà những người Biệt Phái đòi hỏi nơi anh
em! Chúng sẽ giết chết Đấng Cứu Thế!” Sau đó Chúa Giêsu sẽ
nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người Kinh-sư và Biệt
Phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20).
Mt
1:20-21: Lời giải nghĩa hoặc giải thích rõ của Thiên Thần Chúa và
hai tên được đặt cho Con Trẻ của Đức Maria: Giêsu và Emmanuel
“Thiên thần của Chúa”
giúp khám phá ra chiều kích sâu thẳm nhất của đời sống và của các sự kiện. Người
giúp nhìn thấu suốt các sự kiện và nhận thức được ơn gọi của Thiên Chúa mà với
con mắt phàm trần của chúng ta không thể nhận biết được. Thiên thần
khiến cho thánh Giuse hiểu được rằng việc thụ thai của Đức Maria là kết quả việc
làm của Chúa Thánh Thần. Chính Thiên Chúa, trong ngày tác tạo trời đất,
đã thổi hơi qua các vùng biển và đổ đầy với sức mạnh Lời Tạo Dựng của Chúa (St
1:2). Việc sáng tạo mới được thực hiện trong Đức
Maria. Đó là sự khởi đầu của trời mới và đất mới, được loan báo bởi
ngôn sứ Isaia (Is 65:17). Con của Đức Maria nhận được hai tên: Giêsu
và Emmanuel. Giêsu có nghĩa là “Cứu-Chúa”. Ơn
cứu rỗi không xuất phát từ những gì chúng ta làm mà là từ Thiên Chúa, đúng ra
là từ những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta. Emmanuel có
nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Trong sách Xuất Hành, khi giải
thoát dân Do-Thái khỏi đất Ai-Cập, Thiên Chúa hiện xuống với những người dân bị
áp bức (Xh 3:8) và phán bảo cùng ông Môisen: “Ta sẽ ở với
ngươi” (Xh 3:12) và từ giây phút đó Chúa không bao giờ lìa bỏ dân Người. Hai
tên, Giêsu và Emmanuel, đưa ra sự chứng thực, và thậm chí vượt qua hẳn những hy
vọng của người ta.
Mt
1:22-23: Giai điệu Tin Mừng của Mátthêu
“Tất cả điều này đã xảy
ra để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ”. Câu này hoặc
những câu tương tự khác giống như một giai điệu, những lời được lặp lại nhiều lần
trong Tin Mừng của Mátthêu (Mt 1:23; 2:5,15,17,23; 4:14; 8:17; 12:17; 13:14,35;
v.v.). Điều này cho thấy mục đích mà tác giả đã có trong lòng: để
xác nhận với các độc giả gốc Do-Thái của ông sự thật rằng Chúa Giêsu chính thực
là Đấng Mêssia đã được hứa xưa kia. Trong Người, mọi lời hứa từ các
ngôn sứ đã được ứng nghiệm.
Ở đây Mátthêu trích lời
ngôn sứ Isaia: “Người trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và
đặt tên trẻ là Emmanuel” (Is 7:14). Danh hiệu Emmanuel không
chỉ đơn thuần là một tên gọi cho chúng ta thấy ý nghĩa tên gọi của Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu là bằng chứng rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục ở với
chúng ta. Tên của Con Trẻ là Giêsu (Mt 1:25).
Mt
1:24-25: Sự vâng lời của thánh Giuse
Khi tỉnh dậy, thánh
Giuse đã thực hiện như lời Thiên Thần Chúa truyền và tiếp nhận Đức Maria vào
nhà ông. Và thánh Mátthêu tiếp tục nói rằng ông Giuse đã không ăn ở
với Đức Maria, để xác nhận rằng Chúa Giêsu được sinh ra từ Chúa Thánh Thần.
c) Phần phụ
chú:
Chìa khóa cho
sách Tin Mừng của Mátthêu – Phúc Âm
của Mátthêu được gửi tới cho cộng đoàn người Do Thái cải đạo, những người sống
trong một cuộc khủng hoảng sâu xa về căn tính liên quan đến quá khứ là người Do
Thái của họ. Vào năm 65 sau Công Nguyên khi cuộc nổi dậy chống lại
người Rôma bùng nổ, các Kitô hữu gốc Do-Thái đã không tham gia và họ lìa bỏ
Giêrusalem. Những người Biệt Phái cũng làm như vậy. Sau
khi thành Giêrusalem bị tàn phá vào năm 70, những người Biệt Phái tái tổ chức
những người đã ở lại và họ lập thành hàng ngũ, trong một cách quả quyết hơn, chống
lại các Kitô hữu, những người mà sau cùng họ đã ra vạ tuyệt
thông. Vạ tuyệt thông này đã làm cho vấn đề về căn tính thậm chí còn
tồi tệ hơn. Bấy giờ, chính thức bị vạ tuyệt thông, họ không còn có
thể đi đến đi đến Hội Đường của họ, hay đến các Giáo-sĩ rabbi của họ. Và
một vấn nạn đã dấy lên trong số họ: Những lời hứa được thuộc về ai:
chúng thuộc về Hội Đường hay thuộc về Giáo Hội? Ai chính là Dân của
Chúa, họ hay là chúng ta? Đức Giêsu có thật là Đấng Cứu Thế
không? Mátthêu viết quyển Tin Mừng của ông cho cộng đoàn
này. Tin Mừng của Mátthêu có thể được định rõ bởi ba chữ sau đây:
i) Tin Mừng của sự an ủi cho những ai bị vạ
tuyệt thông và bị ngược đãi bởi người Do-Thái anh em của họ là những người
không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Chúa Kitô); nó giúp họ vượt qua
cơn chấn thương hoặc kích động của sự chia lìa.
ii) Tin Mừng của sự mặc khải: Nó cho thấy Chúa
Giêsu là Đấng Mêssia thật sự, Đấng Mêssia mới, Đấng mà trong đó hội đủ tất cả mọi
lịch sử của Cựu Ước với những lời hứa của nó.
iii) Tin Mừng của sự thực hành mới: trong đó mô tả
sự thực hành của Chúa Giêsu, và cho thấy làm thế nào để đạt được một nền công
lý mới, cao cả hơn so với công lý của những người Biệt Phái.
Điều này xảy ra để
nó có thể được thực hiện – bằng ý
nghĩa của những chữ này được lặp lại nhiều lần trong quyển Tin Mừng của
ông, Mátthêu đã đụng chạm đến điểm căng thẳng lớn nhất giữa các Kitô hữu và người
Do Thái. Bắt đầu từ Kinh Thánh, họ nói rằng: “Ông Giêsu
không phải và không thể nào là Đấng Mêssia!” Cũng bắt đầu từ Kinh
Thánh, Mátthêu đã trả lời và khẳng định: “Đức Giêsu chính thực là Đấng
Mêssia!”
Việc mang
thai của Đức Maria – Mátthêu cũng
như Luca dẫn trích lời ngôn sứ Isaia “Một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một
con trai, và đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7:14). Nhưng có một sự
khác biệt. Thánh Luca đặt Đức Maria tại tâm điểm và cho dấu hiệu của
sự trinh tiết thì quan trọng hơn (Lc 1:31). Mátthêu đặt thánh Giuse
làm trung tâm và chú ý đến tầm quan trọng ý nghĩa của tên Emmanuel hơn.
Giấc mộng của thánh
Giuse – Thiên Thần Chúa hiện đến
cùng thánh Giuse trong giấc mơ và giúp ông hiểu thấu. Với sự trợ
giúp của Thiên Thần Chúa, thánh Giuse thành công trong việc khám phá ra việc
làm của Thiên Chúa trong sự kiện này, mà theo định kiến của thời bấy giờ, dường
như chỉ là hoa trái của sự lầm đường và của tội lỗi. Thiên thần có
nghĩa người đưa tin. Thiên Thần Chúa mang tin đến và mang sự trợ
giúp đến để nhận thức được công việc của Thiên Chúa trong đời sống. Ngày
nay có nhiều Thiên Thần Chúa hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống. Có khi họ làm
việc trong lúc chúng ta ngủ, trong các giấc chiêm bao của chúng ta, những lúc
khác trong các buổi họp, trong các cuộc đàm luận và trong các cuộc học hỏi Kinh
Thánh, trong các sự việc, v.v. Có rất nhiều Thiên Thần, rất nhiều
Thiên Thần!
6.
Cầu Nguyện: Thánh
Vịnh 72 (71):
Danh Thánh Người tồn
tại đến muôn đời!
Tâu Thượng Đế, xin ban
quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Núi đem lại cảnh hoà
bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!
Mong Người xuống tựa
mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Dân vùng sa mạc khúm
núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, và Saba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, và Saba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Người giải thoát bần
dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.
Danh thơm Người sẽ trường
tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA
là Thiên Chúa Israel,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
Amen! Amen!
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
Amen! Amen!
7.
Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng
con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa
Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và
ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng
con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria,
thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét