Trang

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

01.01.2025 : ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - THỨ TƯ CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH - NGÀY ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH - NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BINH

 

01/01/2025

 ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.

 Cuối tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Ngày đầu năm dương lịch.

 Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình. 

 


"Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu".

 

Lời Chúa: Lc 2, 16-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Đó là Lời Chúa.


 

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đối với Giáo Hội Chính Thống, tước hiệu nổi bật nhất của Mẹ là "Mẹ Thiên Chúa", trong khi đó đối với Giáo Hội Công Giáo, Mẹ Maria trước tiên là Mẹ của loài người.

Hai khía cạnh này của Mẹ Maria được làm nổi bật qua phụng vụ và nghệ thuật của hai Giáo Hội. Một bên những bức ảnh Icon của Giáo Hội Chính Thống làm cho người ta nghĩ đến Đức Mẹ như một vị thần ngự trị trên Thiên Quốc hơn là người phàm. Đàng khác, trong Giáo Hội Công Giáo các bức tranh và tượng ảnh về Mẹ Maria xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh nhân loại của Mẹ. Khía cạnh nhân loại này thường được chọn làm chân dung của Đức Mẹ. Như vậy, trong việc tôn kính chính thức của Giáo Hội cũng như trong tâm tình của người bình dân, tính siêu việt lẫn nhân trần của Mẹ Maria đều được nêu bật.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trân trọng cả hai truyền thống tôn kính này đối với Mẹ Maria. Ngài kêu gọi Âu Châu hãy thở bằng hai buồng phổi, một của Đông Phương, một của Tây Phương. Một sự dung hòa như thế mới có thể bảo tồn được sự tôn kính đúng đắn dành cho Mẹ Chúa Giêsu.

Trong Phúc Âm thánh Luca, thánh sử nói về các mục đồng như sau: "Họ liền hối hả ra đi, đến nơi họ gặp thấy bà Maria cùng với Giuse và Hài Nhi được bọc trong khăn, đặt trong máng cỏ" (Lc 2,16). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì đây là một cuộc cách mạng thinh lặng. Thật thế, lần đầu tiên trong Kinh Thánh người ta thấy tên của người Mẹ đặt trước tên của người Cha. Đây không phải là một đoạn tuyệt với truyền thống "trọng nam khinh nữ" của người Do Thái, nhưng tác giả muốn sắp xếp như thế để nói lên tầm quan trọng của người phụ nữ là Mẹ Maria.

Trong Phúc Âm (Mc 10,14), thánh sử ghi lại thái độ của Chúa Giêsu đối với trẻ em, Chúa Giêsu nói như sau: "Hãy để trẻ em đến với Ta và đừng xua đuổi chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai nên giống như chúng. Ta bảo các ngươi, ai không đón nhận Nước Trời như một trẻ em thì sẽ không được vào trong Nước ấy".

Nhưng nên giống như trẻ em là gì nếu không phải là quay trở lại với Mẹ, tín thác nơi Mẹ. Một số nhà thần bí trong Giáo Hội xem đây như là một lời khuyến dụ kín đáo của Chúa Giêsu. Phải chăng Ngài chẳng muốn chúng ta tìm đến với Đấng vì là Mẹ của Con Người, cũng là Mẹ của tất cả mọi người. Dù sao một trong những nghịch lý lớn nhất mà Tin Mừng đề ra là tiến đến trong đời sống thiêng liêng không phải là luật tiến hóa mà là luật của cải hóa.

Các cuộc Đức Mẹ hiện ra của thời hiện đại đã bắt đầu vào năm 1830, tại một cộng đoàn của Dòng Bác Ái Vinh Sơn tại đường Du Bac ở Paris Pháp Quốc, Đức Mẹ đã hiện ra cho thánh nữ Catherine Labouré và ủy thác cho thánh nữ quảng bá việc tôn kính ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ. Lời kinh được truyền phải đọc trong việc tôn kính ảnh Đức Mẹ có nội dung như sau: "Lạy Đức Maria, là Đấng đã được cưu mang mà không vướng mắc tội lỗi, xin cầu cho chúng con là những kẻ có tội chạy đến cùng Mẹ". Nhờ việc này mà giúp cho Giáo Hội định tín về Đức Mẹ Vô Nhiễm vào năm 1854. Thật ra, đây cũng chỉ là một tước hiệu mà Đức Mẹ đã tự xưng khi hiện ra cho Bernadetta ở hang đá Lộ Đức nước Pháp vào năm 1858.

Thật thế, nếu Mẹ Maria là tạo vật duy nhất trong nhân loại đã được cưu mang mà không mang tỳ vết của tội lỗi, bởi vì tội nguyên tổ là một thực tế chứ không phải là một huyền thoại. Vào thời ấy, cùng với những khám phá và tiến bộ trong lãnh vực khoa học, con người thời đại xác tín một cách kiêu hãnh rằng: khoa học, văn hóa và kỹ thuật rồi ra sẽ biến thế giới thành một thứ thiên đàng trần gian, như vậy nó sẽ khử trừ mọi ý niệm về tội Nguyên Tổ. Với khả năng vô tận của mình, rồi ra con người sẽ tự cứu lấy mình chứ không cần phải trông chờ có một đấng cứu thế nào cả.



Thế nhưng, lịch sử đã diễn ra không như con người của thời đại mơ tưởng, thứ nhân bản chủ nghĩa chối bỏ cái siêu việt của con người đều dẫn đến sự tự hủy cho con người. Hai trận thế chiến là sự hiện hữu hùng hồn nhất về sự hủy hoại con người.

Như vậy, sứ điệp mà Đức Mẹ muốn nhắn gởi cho con người thời đại qua các cuộc hiện ra kể từ năm 1830, trước hết là một sứ điệp về chính tội lỗi của con người. Vì thế, việc tôn kính Đức Mẹ có giá trị giải phóng con người. Dù vậy, Giáo Hội không bao giờ áp đặt việc tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa, nhưng để tùy cảm xúc và sáng kiến của mỗi người tín hữu. Dĩ nhiên, Đức Giáo Hoàng, hàng Giáo Phẩm, các tác giả về tu đức có thể khuyên nhủ các giáo hữu chạy đến với Mẹ Thiên Chúa bằng nhiều hình thức tôn kính khác nhau.

Dựa trên kinh nghiệm ngàn đời của mình, Giáo Hội khuyên các tín hữu tôn kính Mẹ Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ buộc phải tôn kính Mẹ Maria, sẽ không bao giờ Giáo Hội buộc tôn kính các lần hiện ra của Đức Mẹ, cho dù Giáo Hội công nhận các việc hiện ra đó. Giáo Hội sẽ không bao giờ áp đặt các việc tôn kính như lần chuỗi, đi hành hương như là việc làm cần thiết cho ơn cứu rỗi. Giáo Hội sẽ không bao giờ xem là lạc đạo hay có tội khi một tín hữu không tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ, hay một cuộc hành hương đến nơi Đức Mẹ hiện ra. Giáo Hội sẽ không bao giờ chối bỏ ơn cứu rỗi mà các Giáo Hội khác xây dựng trên niềm tin Kitô của họ, như trong các Giáo Hội Tin Lành.

Như vậy, việc tôn kính đối với Mẹ Maria không được nhìn theo phạm trù cần thiết mà là theo phạm trù tự do, không thuộc về lề luật mà thuộc về tình yêu. Chính tính cách tự do ấy lại càng làm nổi bật sự thu hút và những ân huệ đặc biệt của lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa xem ra không muốn áp đặt lòng tôn kính dành cho Mẹ, bởi vì Mẹ vốn là người sống âm thầm, Mẹ cất giữ mọi sự và suy niệm trong lòng. Thánh Luca đã hai lần ghi lại như thế trong cùng một chương. Mẹ quả thật nói ít, hay đúng hơn Kinh Thánh nói rất ít về Mẹ, nhưng nhìn cho kỹ thì chính Mẹ lại là người gợi hứng cho Kinh Thánh.

Dĩ nhiên, với sự kín đáo và thinh lặng của Mẹ, các nhà chuyên môn Kinh Thánh đều đồng ý rằng: Các chương nói về đời tư Chúa Giêsu kể từ khi Chúa Giêsu sinh ra thì chính Mẹ là người duy nhất đã biết thời thơ ấu của Chúa Giêsu và kể lại cho cộng đồng tiên khởi. Nhưng vẫn thái độ kín đáo và thinh lặng cố hữu, Mẹ luôn đứng ở đàng sau, chỉ có những ai biết tìm đến và lắng nghe mới có thể nhận ra được sự hiện diện và tầm quan trọng của Mẹ trong Giáo Hội. Đó chính là ý nghĩa của việc tôn kính Mẹ Maria mà các tín hữu Kitô đã dành cho Mẹ ngay từ thời Giáo Hội sơ khai.

 


Phúc Âm Hằng Ngày - Radio Veritas Asia

 

PHÓ TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI LÀ CỬA THÁNH DẪN ĐẾN TÂM HỒN

 

Phó Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội là Cửa Thánh dẫn đến tâm hồn

 


Chia sẻ với Truyền thông Vatican, Đức cha Krzysztof Józef Nykiel, Phó Tòa Ân giải Tối cao, đã suy tư về thời gian canh tân đời sống thiêng liêng, sự hoán cải và hòa giải mà Năm Thánh mang lại cho chúng ta. Ngài chỉ ra rằng các Cửa Thánh được mở ra, từng Cửa một, là biểu tượng của cánh cổng cứu rỗi do Chúa Kitô mở ra.

Vatican News

Đức cha Nykiel giải thích rằng “Ơn toàn xá là biểu hiện hữu hình của lòng thương xót của Chúa, vượt qua và biến đổi các giới hạn của công lý của con người”.

Theo Đức Cha Phó Tòa Ân giải Tối cao, chúng ta biết được tầm quan trọng của ơn toàn xá khi nghiên cứu cuộc sống của các vị thánh: “Nhìn vào tấm gương của họ, chúng ta thấy rằng ân sủng của Chúa có thể biến đổi ngay cả những điểm yếu lớn nhất. Nó mang lại cho chúng ta hy vọng về sự tha thứ tội lỗi và sự hỗ trợ trong việc theo đuổi con đường nên thánh”. “Một ơn toàn xá giải thoát trái tim khỏi gánh nặng tội lỗi để có thể sửa chữa trong sự tự do hoàn toàn”.

Điều kiện nhận ơn toàn xá

Đức Cha nhắc lại rằng “để được hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025, các tín hữu phải tuân thủ các điều kiện cụ thể do Giáo hội đặt ra: xưng tội,rước lễ, tuyên xưng đức tin, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, các việc bác ái, hành hương đến các nơi thánh, thái độ nội tâm hoàn toàn từ bỏ tội lỗi, ngay cả tội nhẹ”.

Những người hành hương của Chúa Kitô

Đề cập đến Sắc chỉ công bố Năm Thánh thường lệ 2025, Đức Cha nhận xét rằng hành hương là sự kiện cốt lõi của bất kỳ sự kiện năm thánh nào. Ngài nói: “Về bản chất, hành hương là hành trình cá nhân của người Kitô hữu theo bước chân của Đấng Cứu Chuộc. Nó gói gọn ý nghĩa của cuộc sống con người; như Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra, Toàn bộ cuộc sống Kitô hữu giống như một cuộc hành hương quan trọng tiến đến nhà Cha (Tertio millennio adveniente, 49). Bắt đầu một cuộc hành hương, lên đường, không chỉ đơn thuần là thay đổi một địa điểm vật lý mà còn là sự biến đổi bản thân. (...) Theo nghĩa này, cuộc hành hương của Năm Thánh bắt đầu trước cuộc hành trình, trước khi thực hiện bước đầu tiên. Nói cách khác, nó bắt đầu bằng quyết định ra đi, một quyết định được đưa ra vì Chúa Kitô. (...) Nếu không có nó, sẽ rất khó để sống kinh nghiệm hoán cải, thay đổi cuộc sống của một người để hướng đến sự thánh thiện của Thiên Chúa”.

Xưng tội là yếu tố không thể thiếu của một cuộc hành hương

Hơn nữa, Phó Tòa Ân giải Tối cao chỉ ra rằng xưng tội, một yếu tố không thể thiếu của một cuộc hành hương, được coi là một kinh nghiệm hoán cải. Ngài lưu ý rằng trong khi xưng tội, “chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và bày tỏ với Thiên Chúa, cầu xin Người tha thứ”. Đồng thời, ngài nói: “Linh mục là người phục vụ, tức là tôi tớ, và đồng thời là người quản lý khôn ngoan lòng thương xót của Thiên Chúa. Người được giao phó trách nhiệm nghiêm túc là ‘tha thứ hay cầm buộc tội lỗi’ (xem Ga 20, 23)”.https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Ý nghĩa của Cửa Thánh

Chỉ ra tầm quan trọng của việc đi qua Cửa Thánh trong các Đền thờ Giáo hoàng ở Roma, Đức cha Nykiel giải thích rằng các Cửa Thánh là biểu tượng của cánh cổng dẫn đến ơn cứu độ của linh hồn và đã được Chúa Kitô mở ra. “Chúng tượng trưng cho lời kêu gọi biến đổi cuộc sống, hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, việc đi qua các Cửa này gợi lên bước đi từ tội lỗi sang ân sủng, mà mọi Kitô hữu được kêu gọi thực hiện. Chỉ có một lối vào duy nhất mở ra cánh cửa đến sự sống trong sự hiệp thông với Chúa; đó là Chúa Giêsu, con đường cứu rỗi duy nhất”.

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-12/duc-cha-krzysztof-jozef-nykiel-toa-giai-toi-la-cua-thanh.html

GIÁO HỘI HỌC NGÀY NAY

 

Giáo hội học ngày nay

Vũ Văn An  30/Dec/2024

 



Trên trang mạng What We Need Now ngày 15 tháng 10 năm 2024, Tác giả Tracey Rowland (*) viết về giáo hội học ngày nay và cho biết:

 

Nhà sử học Cambridge Richard Rex đã lưu ý rằng cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong Kitô giáo là về bản chất của Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là về bản chất của Chúa Kitô, do đó có những tà thuyết Kitô học ban đầu. Cuộc khủng hoảng lớn thứ hai, liên quan đến cuộc Cải cách, là về bản chất của Giáo hội. Điều này kéo theo cuộc tấn công của Thệ Phản vào tính bí tích và phẩm trật thánh thiêng. Cuộc khủng hoảng lớn thứ ba, Rex nhận xét, cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải chịu đựng ngày nay, là về bản chất của nhân vị. Ở đây, các vấn đề cụ thể xoay quanh sự kiện về sự khác biệt giới tính. Sự khác biệt giữa nam tính và nữ tính có ý nghĩa thần học nào không?

Tổng quan về lịch sử các cuộc khủng hoảng của giáo hội này rất sâu sắc nhưng người ta có thể nói thêm rằng trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay, cuộc khủng hoảng không chỉ giới hạn ở các vấn đề nhân học. Thay vào đó, một cơn bão hoàn hảo đã và đang hình thành trên khắp các nhánh thần học khác nhau. Trong một số trường hợp, cuộc khủng hoảng đã xảy ra vì các yếu tố của truyền thống trí thức Công Giáo, vốn nên hiện hữu trong mối quan hệ cộng sinh, đã bị tách rời khỏi nhau và bị để trong trạng thái nổi trôi tự do. Ví dụ, thần học luân lý đã bị tách khỏi thần học tín điều. Nói một cách đơn giản, lĩnh vực thần học cơ bản hỗ trợ tất cả các nhánh khác của thần học Công Giáo đã trở thành chiến trường trí thức trong nửa thế kỷ qua. Không có sự đồng thuận chung trong các học viện thần học Công Giáo về những "khối xây dựng" như mối quan hệ giữa bản chất và ân sủng, đức tin và lý trí, lịch sử và hữu thể học, kinh thánh và truyền thống, và các nguyên tắc cần chi phối việc chú giải kinh thánh. Không chỉ các mối quan hệ này là chủ đề tranh luận học thuật, mà bản thân các khái niệm riêng lẻ cũng không được hiểu theo cùng một cách trên toàn thế giới học giả Công Giáo. Ví dụ, không có sự đồng thuận chung về các khái niệm chính như "ân sủng", "bí tích", "truyền thống" và thậm chí là "chức linh mục". Những quan niệm như hiểu một linh mục như "alter Christus" (một Chúa Kitô khác) được một số người chấp nhận nhưng lại bị những người khác bác bỏ. Một số học giả tin rằng chức linh mục đòi hỏi một sự thay đổi hữu thể học ở người nhận bí tích trong khi những người khác tin rằng ý tưởng này là một sự vô nghĩa thời trung cổ. Một số học giả đọc Kinh thánh qua lăng kính của các lý thuyết xã hội đương thời như Lý thuyết phê phán hoặc nhiều lý thuyết duy nữ khác nhau, trong khi những người khác chấp nhận giáo huấn trong The Interpretation of the Bible in the Church [Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội] (1993), một ấn phẩm của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, chỉ trích rõ ràng việc sử dụng các lý thuyết xã hội Mác-xít và duy nữ.

Giữa quá nhiều bất đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cổ vũ một loạt các thượng hội đồng, nơi những người ủng hộ các tầm nhìn thần học thay thế và các nguyên tắc cơ bản có thể trình bày các trường hợp của họ. Mặc dù đã có nhiều thượng hội đồng trong suốt nhiều thế kỷ, nhưng trong quá khứ, những người được mời tham dự các thượng hội đồng là các giám mục và học giả có một số thẩm quyền học thuật trong lĩnh vực đang được thảo luận. Tuy nhiên, hình thức thượng hội đồng đương thời bao gồm một số thành viên của giáo dân vốn thù địch với các giáo huấn của huấn quyền. Đối với một số người, chỉ cần nằm trong sổ lương của Giáo hội là đủ tiêu chuẩn để được đưa vào các cuộc họp. Đây là điều chưa từng có và đã xảy ra mặc dù có hai văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế—Cảm thức Đức tin trong Đời sống Giáo hội (2014) và Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh Giáo hội (2018)—đã đưa ra danh sách các tiêu chuẩn cần phải đáp ứng trước khi bất kỳ thành viên nào của hàng ngũ giáo dân có thể được coi là sở hữu sensus fidei (cảm thức đức tin). Trong cả hai danh sách, lòng trung thành với giáo huấn của huấn quyền là một tiêu chuẩn cần thiết. Điều này là do Giáo hội là một điều hoàn toàn khác với một hội tranh luận. Theo lời của Hans Maier, có một sự tương tự giữa những gì các luật sư hiến pháp gọi là bloc incontestables (một khối các ý tưởng hoặc đề xuất không thể tranh cãi), đặt ra ranh giới cho bất cứ cuộc tranh luận nào về luật hiến pháp, và những gì các nhà thần học gọi là kho tàng đức tin hoặc lời dạy của Chúa Giêsu Kitô, đặt ra ranh giới cho các cuộc thảo luận thần học. Chưa bao giờ trong lịch sử giáo hội, các cá nhân được mời đưa ra ý kiến của mình dựa trên điều gì đáng tin cậy hơn cảm xúc của họ và chưa bao giờ cảm xúc đơn thuần (được tiếp thị là sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần) được phép lấn át kinh thánh và truyền thống.

Một sự phát triển xã hội học quan trọng trong nửa thế kỷ qua là việc tuyển dụng những người Công Giáo giáo dân vào các cơ quan, trường học, trường đại học và bệnh viện của Giáo hội. Khi ơn gọi tu trì giảm mạnh sau những năm 1960, một thế hệ giáo dân Công Giáo mới đã thay thế các tu sĩ trong việc quản lý các tổ chức giáo hội. Đồng thời, nhiều tổ chức như vậy bắt đầu nhận được tài trợ từ các chính phủ thế tục. Quốc gia có sự phát triển này rõ rệt nhất là Đức. Các số liệu thống kê từ năm 2022 cho thấy Giáo Hội Công Giáo tại Đức sử dụng khoảng 650,000 người. 150,000 người làm việc trực tiếp trong Giáo hội ở các vị trí mục vụ và quản lý, bao gồm cả giáo sĩ. Khoảng 500,000 người làm việc tại các tổ chức tôn giáo khác như trường học và bệnh viện. Giáo Hội Công Giáo ở Đức có khoảng 22 triệu tín đồ, trong đó có khoảng 1.2 triệu người tham dự các buổi lễ vào Chúa Nhật (đôi khi dưới hình thức cầu nguyện khi không có linh mục). Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung gần đây đã đưa tin về một cuộc khảo sát được tiến hành trong số những người Công Giáo và Thệ phản Tin lành. Ở cả hai giáo phái, tỷ lệ người tin rằng "Thiên Chúa đã mặc khải chính mình qua con người của Giêsu thành Na-da-rét" là khoảng 30%. Tuy nhiên, ở cả hai giáo phái, việc ban phước cho các cặp đôi đồng tính được chấp nhận hoặc ủng hộ bởi khoảng 85%. Một sự kiện khác là vào năm 2022, một kỷ lục là 522,821 người Công Giáo đã chính thức rời khỏi Giáo hội ở Đức.

Synodale Weg (Con đường Đồng nghị) của Đức là một biểu hiện phụ của tình trạng này. Trong khi hàng trăm nghìn người được Giáo hội Đức tuyển dụng vì được chính phủ tài trợ thông qua hệ thống thuế “Kirchensteuer”, thì việc sử dụng họ không hề đồng nghĩa với đức tin và thực hành Công Giáo. Một đề xuất quan trọng của những người Đức nhằm nhận diện như người “Công Giáo” gặp khó khăn trong việc khẳng định niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô, chưa nói đến nhiều yếu tố ít quan trọng khác trong truyền thống trí thức Công Giáo. Thật khó hiểu việc mời những người như vậy đến các lễ hội nói chuyện toàn quốc có thể giải quyết ra sao điều về cơ bản là cuộc khủng hoảng đức tin và niềm tin.

Một lời giải thích cho thảm họa tâm linh vốn là nước Đức Công Giáo là: thế hệ ngay sau Thế chiến II cần một câu chuyện để giải thích cách chế độ Đức Quốc xã có thể tồn tại trong hơn một thập niên và cách cuộc thảm sát Holocaust có thể xảy ra dưới bàn tay của các sĩ quan Đức. Câu chuyện mà nhiều người chấp nhận, đặc biệt là thế hệ ngay sau chiến tranh, được đưa ra bởi Lý thuyết phê phán của Trường phái Frankfurt vốn thù địch với các khái niệm như chân lý khách quan và phẩm trật xã hội. Khi áp dụng Lý thuyết phê phán vào việc phân tích quản trị giáo hội, nó thúc đẩy việc phá đổ cấu trúc của phẩm trật thánh thiêng. Nó “phi huyền thoại hóa” ngôi vị giáo hoàng, chức linh mục và giám mục và thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Giáo hội theo hướng của chủ nghĩa duy cộng đồng [congregationalism]. Những ý tưởng này không chỉ phổ biến ở Đức mà còn ở Hòa Lan và Bỉ. Chúng cũng lan truyền sang các quốc gia khác thông qua kênh tốt nghiệp các học viện thần học ở Đức, Hòa Lan và Bỉ, đặc biệt là Đức và Bỉ. Một sự thật lịch sử là mọi nhà lãnh đạo trí thức của phong trào thần học giải phóng (được coi là phong trào tiêu biểu của Mỹ Latinh) đều lấy bằng tiến sĩ từ các trường đại học châu Âu (chủ yếu là Đức và Bỉ). Nói một cách đơn giản, thần học giải phóng được “tạo ra ở Đức”!

Một hiện tượng khác của Đức là ảnh hưởng của Immanuel Kant. Kant muốn tách thần học khỏi triết học, gạt thần học ra bên lề, sau đó bảo vệ truyền thống luân lý của Ki-tô giáo chỉ bằng cách tham chiếu lý trí mà thôi, không bị ảnh hưởng bởi các nguyên tắc thần học. Điều này dẫn đến điều mà các nhà thần học nói tiếng Đức gọi là “chủ nghĩa duy luân lý [moralism]”—một cách trình bày đức tin Ki-tô giáo như một bộ luật luân lý. Mặc dù đức tin Công Giáo dành chỗ cho thần học luân lý, nhưng thần học luân lý không phải là cùng đích hay mục đích của đời sống Ki-tô hữu. Cùng đích hay mục đích của đời sống Ki-tô hữu là tham gia vào cuộc sống và tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Có thể nói, “bộ luật luân lý” của Công Giáo là một yếu tố trong phương tiện để đạt được điều này—nó là phương tiện, không phải là mục đích.

Nghiên cứu của nhà xã hội học Julie Pagis về những người lãnh đạo các phong trào phản kháng của sinh viên năm 1968 kết luận rằng nhiều sinh viên trở thành người theo chủ nghĩa Marx này được nuôi dưỡng trong các gia đình theo Ki-tô giáo. Điều đáng chú ý là, đặc điểm của những gia đình như vậy là Ki-tô giáo được trình bày với trẻ em như một bộ luật luân lý. Người ta có thể nói rằng những sinh viên nổi loạn được nuôi dưỡng theo kiểu Ki-tô giáo của Kant ngay cả khi họ đã được rửa tội theo Công Giáo. Một khi vào đại học, họ vẫn giữ mong muốn trở thành những người có luân lý, nhưng thích nền luân lý của chủ nghĩa Marx, với sự nhấn mạnh vào việc giải phóng “nạn nhân của sự áp bức xã hội” hơn là nền luân lý của Giáo hội. Sự sẵn có của thuốc tránh thai đã thu hút thế hệ 1968 rời xa thần học luân lý Kitô giáo.

Một kết quả là nhiều người Công Giáo trung lưu đã hấp thụ các yếu tố của lý thuyết xã hội Marx vào khuôn khổ trí thức của họ trong khi bỏ qua giáo lý của Giáo hội về các vấn đề liên quan đến nền luân lý tình dục. Sự phát triển này là chủ đề trung tâm trong các tác phẩm của triết gia người Ý Augusto del Noce. Del Noce hiểu rằng chủ nghĩa Marx của “Tân tả”, tiêu biểu là những người như Antonio Gramsci và các nhà lý thuyết xã hội của Trường phái Frankfurt, “đạt đến một hình thức phi tôn giáo sâu xa hơn nhiều so với [một] sự phủ nhận vô thần đơn giản, và trong hình thức này, nó liên minh với tinh thần thế tục-địa lý bị đẩy đến kết luận cuối cùng của nó.” (1) Tóm lại, nhận định của del Noce là Công Giáo tự do đương thời được xây dựng dựa trên sự liên minh giữa tinh thần tư sản-thế tục, đặc biệt là mối quan tâm đến sự thăng tiến xã hội, với các hình thức của Chủ nghĩa Marx Tân tả. Do đó, thật hợp lý khi các cuộc tấn công vào truyền thống thần học luân lý, và đặc biệt là thần học luân lý của Thánh Gioan Phaolô II, từ các học giả (chủ yếu là giáo sĩ) tự nhận mình là "Công Giáo", hầu như luôn mang hình thức kêu gọi khoa học xã hội và làm giảm tương ứng thẩm quyền của Kinh thánh.

Ảnh hưởng này của sự liên minh giữa tinh thần tư sản-thế tục với các trào lưu của Chủ nghĩa Marx Tân tả trong các học viện Công Giáo và trong các gia đình Công Giáo và các cơ quan Công Giáo đã khiến các nhà lãnh đạo Công Giáo Châu Phi than thở về thực tế là những người Công Giáo thế giới thứ nhất (người Công Giáo ở Tây Âu và Anh quốc) đã trở thành những người theo chủ nghĩa hòa đồng [syncretism]. Nói cách khác, các yếu tố hợp pháp của đức tin Công Giáo đã trở nên rối rắm với một hỗn hợp các ý tưởng trí thức hấp thụ từ các truyền thống thù địch. Sự pha trộn này, đại diện cho một hình thức thờ ngẫu tượng, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tham gia vào đời sống bí tích của Giáo hội thấp đến thảm hại và số lượng thanh thiếu niên gia nhập chức linh mục và đời sống tu trì ở các nước thế giới thứ nhất cũng thấp đến thảm hại. Thái độ chung của người châu Phi là "nhìn hoa trái của chúng mà biết" và mùa màng, có thể nói như vậy, ở những nơi như Đức và Bỉ, hầu như là thất bại hoàn toàn. Có điều gì đó cằn cỗi trong Công Giáo Đức cấp tiến.

Một cách khác để xem xét vấn đề là nói rằng chủ nghĩa hòa đồng nguyên mẫu của Đức tự liên kết, một cách có ý thức hoặc vô thức, với một hình thức chủ nghĩa nhân bản được Gottlieb Söhngen mô tả là chủ nghĩa nhân văn contra crucem—một chủ nghĩa nhân văn tránh chủ nghĩa khổ hạnh và cảnh giác với tình yêu hy sinh bản thân—một chủ nghĩa nhân văn muốn tránh xa thập giá. Tiểu luận trong tuyển tập này được trình bày để kỷ niệm ngày thành lập Dòng Khổ nạn đề cập đến vấn đề này.

Để không bị buộc tội là bất công với người Công Giáo Đức, tôi phải nói rõ rằng tôi coi Joseph Ratzinger và những người Đức khác trong nhóm trí thức của ngài, chẳng hạn như Gottlieb Söhngen đã đề cập ở trên, là những tiến sĩ của Giáo hội đã đưa ra chẩn đoán chính xác về các bệnh lý tâm linh ẩn chứa trong cuộc khủng hoảng đương thời. Theo nhiều cách, Ratzinger thấy mình ở tâm điểm của cơn bão thần học cơ bản đương thời. Những bài phát biểu, bài giảng và tiểu luận thỉnh thoảng của ngài có thể được ghép lại với nhau để tạo thành một báo cáo bệnh lý về sự sụp đổ của đức tin Công Giáo ở Châu Âu và một lộ trình thoát khỏi mê cung do một vài thế kỷ người Đức nỗ lực cải thiện cuộc sống con người mà không cần đến Thiên Chúa tạo ra.

Trong một bài giảng được trình bày vào năm 1959, Linh mục trẻ Joseph Ratzinger đã mô tả ngày Giáng sinh đầu tiên là "ngày đông chí của lịch sử thế giới". Chúa Kitô là một điều gì đó hơn một giáo viên luân lý hay một nhà từ thiện nổi tiếng và Giáo hội của Người—bao gồm cả chức linh mục, Chức vụ Phêrô và hàng giám mục—là một định chế thánh thiêng, không phải là một cơ quan phúc lợi đa quốc gia khác. Trích dẫn từ §766 của Sách Giáo lý Công Giáo, vốn là tiếng vọng của Lumen Gentium §3:

Giáo hội được sinh ra chủ yếu từ sự hiến thân hoàn toàn của Chúa Kitô vì sự cứu rỗi của chúng ta, được dự ứng trong việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và được hoàn thành trên Thập giá. "Nguồn gốc và sự phát triển của Giáo hội được tượng trưng bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn mở toang của Chúa Giêsu bị đóng đinh". "Vì chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi Người ngủ giấc ngủ của cái chết trên thập giá đã xuất hiện 'bí tích kỳ diệu của toàn thể Giáo hội'". Cũng như E-và được hình thành từ cạnh sườn của A-đam đang ngủ, Giáo hội cũng được sinh ra từ trái tim bị đâm thủng của Chúa Kitô treo chết trên thập giá.

Vậy, bây giờ chúng ta cần gì?

Trước tiên, chúng ta cần đấu tranh trên nền tảng bí tích. Chúng ta cần đặt đức tin của mình vào lời cầu nguyện và các bí tích.

Thứ hai, chúng ta cần phải chỉ trích khái niệm Giáo hội chủ yếu là một định chế từ thiện.

Thứ ba, chúng ta cần tránh cái bẫy coi đức tin Công Giáo chỉ như một khuôn khổ luân lý. Có, nó có một khuôn khổ luân lý, nhưng khuôn khổ này là sự hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng cho mối quan hệ của chúng ta với Chúa Ba Ngôi, đó là điều đầu tiên của việc trở thành một Kitô hữu.

Thứ tư, chúng ta cần bắt đầu đặt câu hỏi về việc liệu các thượng hội đồng có giống như các câu lạc bộ tranh luận nơi mọi người có thể cổ vũ bất cứ ý tưởng nào phù hợp với họ hay liệu bản thân đức tin có phải là thứ đã được trao ban cho chúng ta và chỉ có thể được tiếp nhận và truyền lại, chứ không phải liên tục được xây dựng lại hay không. Nói cách khác, câu hỏi đặt ra là liệu có một số giáo lý đơn giản là không thể bị bác bỏ vì chúng là một phần của chính kho tàng đức tin hay không.

Thứ năm, trong khi các tình huống lịch sử mới có thể đặt ra những thách thức mới cho việc thực hành đức tin và có thể làm phát sinh sự phát triển của giáo huấn của huấn quyền, chẳng hạn như, ví dụ, sự ra đời của thuốc tránh thai đã làm phát sinh Giáo lý của Thánh Gioan Phaolô II về tình yêu con người, chính chân lý thì không thay đổi. Như Joseph Ratzinger đã nói trong Nguyên lý Thần học Công Giáo:

Vậy thì, cứ điểm của mọi đức tin là memoria Ecclesiae, ký ức Giáo hội, Giáo hội như ký ức. Nó tồn tại qua mọi thời đại, lúc thịnh lúc suy nhưng không bao giờ ngừng là cứ điểm chung của đức tin… có thể có lúc thịnh lúc suy, lúc quên lúc nhớ, nhưng không có sự đúc lại chân lý theo thời gian.

________________________________________

(*) Tracey Rowland giữ chức Giáo sư Thần học Thánh Gioan Phaolô II tại Đại học Notre Dame (Úc). Năm 2020, bà đã giành Giải thưởng Thần học Ratzinger và năm 2023, bà được bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Bài đóng góp này là một đoạn trích từ lời tựa cho cuốn sách mới nhất của bà: Unconform to the Age: Essays on Ecclesiology [không hùa theo thời đại: các Tiểu luận về Giáo hội học](Steubenville: Emmaus Academic, 2024).

(1) Augusto del Noce, The Age of Secularization (Montreal: McGill-Queen’s University Press, 2017), 242.

 

https://vietcatholic.net/News/Html/293500.htm

CUỐI NĂM: THÁNH AUSUSTINO NÓI VỀ THỜI GIAN VÀ SỰ ĐỔI MỚI

 

Cuối năm: Thánh Augustinô nói về thời gian và sự đổi mới

Vũ Văn An  30/Dec/2024

 


Daniel Esparza, trên Aleteia ngày 28/12/24, nhận định rằng bằng cách nhớ lại năm cũ với lòng biết ơn và đức tin, chúng ta chuẩn bị trái tim mình để đón nhận tương lai chưa biết với hy vọng, tin tưởng rằng “mọi sự cùng sinh lợi ích” (Rô-ma 8:28).

Khi năm sắp kết thúc, chúng ta thường thấy mình trong một loạt các hoạt động — hoàn thành các dự án, chuẩn bị các cử hành và đặt ra mục tiêu cho năm mới. Nhưng giữa sự bận rộn, chúng ta nên tự hỏi: làm thế nào để khép lại năm nay một cách trọn vẹn?

Thánh Augustine đưa ra cái nhìn sâu sắc về sự cần thiết của việc nhìn lại và hướng tới tương lai, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về thời gian và ký ức.

Thời gian như sự hồi tưởng và kỳ vọng

Đối với Thánh Augustinô, thời gian là một trải nghiệm độc đáo của con người, nằm giữa ký ức (quá khứ) và sự mong đợi (tương lai). Trong cuốn Tự thuật của mình, ngài đã viết một câu nổi tiếng, “Thời gian là gì? Nếu không ai hỏi tôi, tôi biết. Nếu tôi muốn giải thích, tôi không biết.”

Thánh Augustinô hiểu thời gian không phải là một chuỗi những khoảnh khắc trôi qua mà là sự tương tác giữa hồi tưởng và kỳ vọng, cả hai đều neo giữ trong khoảnh khắc hiện tại.

Đối với Thánh Augustinô, hồi tưởng không chỉ đơn thuần là nhớ lại những sự kiện trong quá khứ. Đó là việc tập hợp những mảnh vỡ rải rác của cuộc sống thành một tổng thể gắn kết, nhận ra cách Thiên Chúa đã tác động vào chúng. Hành động hồi tưởng này cho phép chúng ta thấy quá khứ định hình bản sắc của chúng ta như thế nào và chuẩn bị cho chúng ta cho tương lai. Đó là một kỷ luật tâm linh, một cách mang lại ý nghĩa cho những niềm vui và khó khăn trong năm.

Nhu cầu hồi tưởng

Từ “hồi tưởng” bắt nguồn từ tiếng Latinh re-collectere, có nghĩa là “tập hợp lại với nhau một lần nữa”. Khi năm kết thúc, ý nghĩa kép này có ý nghĩa đặc biệt. Một mặt, chúng ta được kêu gọi nhớ lại những sự kiện trong năm qua — những chiến thắng, mất mát và những khoảnh khắc ân sủng của chúng ta. Mặt khác, chúng ta được mời gọi “tập hợp lại” về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất, chuẩn bị cho những gì sắp tới.

Theo nghĩa của Thánh Augustinô, hồi tưởng không chỉ là hoài niệm. Đó là quá trình chủ động tìm kiếm dấu ấn của Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta và đưa những bài học đó vào cuộc sống của chúng ta. Bản thân Thánh Augustinô đã thực hành điều này thông qua việc viết lách và cầu nguyện, trút bầu tâm sự với Thiên Chúa và tìm kiếm sự sáng suốt giữa những phức tạp của cuộc sống. Đối với ngài, mục đích cuối cùng của hồi tưởng là để đến gần hơn với Đấng ở bên ngoài thời gian nhưng vẫn gắn bó mật thiết với từng khoảnh khắc của thời gian.

Đóng lại như một món quà

Tại sao cần phải đóng lại? Nếu không có nó, chúng ta có nguy cơ mang theo những gánh nặng chưa giải quyết vào tương lai — những mối hận thù, hối tiếc hoặc những kỳ vọng chưa được đáp ứng. Dành thời gian để hồi tưởng cho phép chúng ta xử lý những trải nghiệm này, dâng chúng cho Thiên Chúa và để ân sủng của Người biến đổi chúng. Đóng lại không có nghĩa là xóa bỏ quá khứ mà là đưa quá khứ đến một nơi bình yên.

Khi bạn đóng lại năm nay, hãy cân nhắc dành không gian để hồi tưởng trong yên tĩnh. Suy gẫm về nơi bạn đã gặp được sự hiện diện của Thiên Chúa, nơi bạn đã trưởng thành và nơi bạn vẫn cần được chữa lành. Điều này không chỉ là đặt ra các quyết tâm mà còn đặt nền tảng cho những khát vọng tương lai của bạn vào những bài học trong quá khứ. Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta rằng thời gian chính là một món quà, được ban tặng để dẫn chúng ta vào cõi vĩnh hằng.

Bằng cách nhớ lại năm cũ với lòng biết ơn và đức tin, chúng ta chuẩn bị trái tim mình để đón nhận tương lai chưa biết với hy vọng, tin tưởng rằng “mọi sự cùng sinh lợi ích” (Rô-ma 8:28). Việc đóng lại, một cách nghịch lý, là một khởi đầu mới, một cam kết mới để sống có mục đích và ân sủng trong thời gian Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta.

 

https://vietcatholic.net/News/Html/293499.htm

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

TRUY TÌM ĐỨC TIN Ở HOA KỲ QUA CÁC TRANG BÌA TẠP CHÍ VỀ LỄ GIÁNG SINH TRONG QUÁ KHỨ

 

Truy tìm đức tin ở Hoa Kỳ qua các trang bìa tạp chí về lễ Giáng sinh trong quá khứ

Vũ Văn An  29/Dec/2024

 

Truy tìm đức tin ở Hoa Kỳ qua các trang bìa tạp chí về lễ Giáng sinh trong quá khứ
Đã đến lúc đức tin được phục hưng.

 

Chad Pecknold (*) trên National Catholic Register ngày 23 tháng 12 năm 2024 cho hay:

Việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh bằng cách nào đó đã đưa tôi vào thế giới của những trang bìa tạp chí Mỹ trong sáu thập niên vào dịp Giáng sinh. Ban đầu, tôi chỉ tìm kiếm hình ảnh ngẫu nhiên, nhưng rồi mọi thứ trở nên đáng lưu ý. Tôi bắt đầu nhận ra một mô hình và nhớ ra một điều quan trọng về nước Mỹ mà chúng ta được dạy để quên.

Nước Mỹ từng là một nền văn hóa tạp chí.

Trang bìa tạp chí Harper's năm 1898. Đức Maria và đứa trẻ trang trí trang bìa tạp chí Good Housekeeping năm 1921. (ảnh: Creative Commons/Ảnh chụp màn hình / Miền công cộng/Twitter

Tạp chí Harper's là một trong những tạp chí lâu đời nhất và bán chạy nhất kể từ khi thành lập thời Nội chiến. Trang bìa cho lễ Giáng sinh năm 1898 là một trong những trang bìa màu lâu đời nhất. Đây là viễn cảnh khải huyền về Ngôi sao Bê-lem — một ngọn đèn soi sáng con đường đến với lễ Giáng sinh, Ánh sáng của Chúa Kitô.

 


Tạp chí Harper. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Tạp chí Good Housekeeping được thành lập vào năm 1885 và cũng là một trong những tạp chí được đọc nhiều nhất tại Mỹ. Những hình ảnh thánh thiêng như Madonna và Trẻ thơ theo phong cách Luca della Robbio thế kỷ 15 trên thực tế là truyền thống cho trang bìa Giáng sinh năm 1921 của họ.

 


Tạp chí Good housekeeping năm 1921. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình

Trong khi The Saturday Evening Post đã có từ năm 1821. Đến những năm 1920, tạp chí này đã phát triển mạnh, trở thành tạp chí số một tại Mỹ. Trang bìa Giáng sinh năm 1926 miêu tả Đức Mẹ đồng trinh Maria với Quà tặng của Ba vị vua, cũng như Cậu bé chăn cừu đang hướng về phía ánh sáng của Giáng sinh.

 


Tạp chí Good housekeeping (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Phong cách Della Robbio của Madonna & Child từ năm 1921 rõ ràng rất được các biên tập viên bìa ưa chuộng vì nó thường xuyên xuất hiện. Chúng ta có thể thấy ở đây khuôn mặt rõ nét của Chúa Giêsu và Đức Maria xuyên qua khung thời Phục hưng cho bìa báo Giáng sinh của The Saturday Evening Post năm 1927.

 


Bìa báo Saturday Evening Post. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Bìa báo Giáng sinh năm 1928 của The Saturday Evening Post dường như lặp lại bìa báo năm 1926, nhưng giờ đây với hình ảnh Đức Maria tôn thờ Chúa Kitô Vua mới sinh. Sau ba mươi năm tìm kiếm, tôi bắt đầu thấy một mô hình.

 

Năm sau, vào tháng 12 năm 1929, nước Mỹ đã trải qua ba tháng của cuộc Đại suy thoái.

 


Bìa tạp chí. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Các biên tập viên tại Good Housekeeping đã kết hợp Chúa giáng sinh với Cây thông Noel cho bìa báo Giáng sinh. Tôi nhận thấy những ngọn nến trên cây thông trông giống như những thiên thần một cách mê hoặc. Vị vua mới sinh dang rộng vòng tay yêu thương dành cho người mẹ hạnh phúc của mình. Không có gì trong ngân hàng sau "Sự sụp đổ", nhưng chính Tình yêu đã đến từ thiên đường nên hãy vui mừng!

 

Cảm giác mạnh mẽ của It’s a Wonderful Life.

Good Housekeeping. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Sau đó là tạp chí Life. Bìa minh họa này từ Giáng sinh năm 1933 cho thấy hai linh mục Công Giáo bình luận về một tu sĩ mặc trang phục Thánh Ni-cô-la. Chú thích của họ, rằng chiếc mũi đỏ của ông đã “hợp pháp trở lại”, ám chỉ đến lệnh Cấm rượu vừa kết thúc với việc phê chuẩn tu chính án thứ 21: một lời nhắc nhở rằng những người Công Giáo (nổi tiếng là thích tiệc tùng và uống rượu vui vẻ) cũng chiếm ưu thế trong giai đoạn này của đời sống công cộng Hoa Kỳ.

 


Tạp chí LIFE. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Và sau đó là tạp chí Time, được thành lập vào năm 1923 bởi Henry Luce. Tạp chí này đã cách mạng hóa tin tức bằng cách tạo ra các bài viết rất ngắn và sắc sảo — X của ngày. Chỉ chín tháng trước khi Đức xâm lược Ba Lan và chiến tranh thế giới nổ ra ở châu Âu, bìa Giáng sinh năm 1938 của Time có hình Chúa giáng sinh, của nghệ sĩ nổi tiếng người Paris Jean Charlot, với chú thích về các chiêm tinh gia (Magi) đang tìm kiếm Đấng cứu thế: “Đấng sinh ra là Vua của người Do Thái ở đâu?” (Mát-thêu 2:2)

Tạp chí TIME. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)
 

Collier’s Weekly đạt đỉnh cao vào những năm 1940 với trang bìa năm 1943 này, có hình ảnh đồ họa tối giản cho Ngôi sao Bê-lem — nhưng điểm mấu chốt là tiêu đề bán chạy của ấn phẩm: “Giám mục Sheen kể câu chuyện về sự ra đời của Chúa Kitô”. Sắp trở thành Tổng giám mục Sheen, ngài từng là giáo sư tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và được biết đến trên toàn quốc với tư cách là người dẫn chương trình phát thanh The Catholic Hour với 4 triệu người nghe mỗi tuần.

 Bìa tạp chí Time về Giáng sinh ngày càng mang phong cách trung cổ trong những năm 40 và 50.

 


Collier's Weekly. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Chỉ vài tháng sau khi Thế chiến II kết thúc — trang bìa năm 1945 gợi nhớ đến hình ảnh Ki-tô giáo đã tạo ra hòa bình cho châu Âu (và do đó có thể làm như vậy một lần nữa). Các biên tập viên, kiệt sức vì chiến tranh, đã tôn vinh Chúa giáng sinh là “Hòa bình trên trái đất giữa những người thiện chí”.


 

Tạp chí Time. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Quay lại The Saturday Evening Post, nơi mọi người, bao gồm cả biên tập viên trang bìa, đều cho rằng, tất nhiên, bạn sẽ đến Nhà thờ để dự lễ Giáng sinh… vào năm 1953.

 


The Saturday Evening Post. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Nhiều trang bìa Giáng sinh cho các tạp chí lớn cũng có hình ảnh Thánh Ni-cô-la, hoặc phong cảnh mùa đông, hoặc lo đang xem các màn trình diễn trên tàu hỏa qua các cửa sổ của cửa hàng bách hóa lớn của những năm 40 và 50. Tuy nhiên, những hình ảnh thánh thiêng về Giáng sinh như Fra Angelico Virgin and Child này cũng có ở khắp mọi nơi, và đó là mô hình khiến tôi chú ý:

Kitô giáo là hiến pháp bất thành văn của đất nước. Nó gắn kết chúng ta lại với nhau.

 


Tạp chí TIME. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Bìa tạp chí Time ngày 24 tháng 12 năm 1955 đã nói như vậy.

 


The Saturday Evening Post. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

Đến những năm 1960, bìa tạp chí Giáng sinh trở nên phàm tục hơn. Ông già Noel, nhưng không có thánh.

 


Cây thông Noel được trưng bày. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình)

MỘT VÀI HÌNH ẢNH KHAI MẠC NĂM THÁNH CỦA CÁC GIÁO PHẬN TẠI VIỆT NAM

 Một vài hình ảnh khai mạc Năm Thánh 2025 của các Giáo Phận tại Việt Nam.

( hình ảnh được trích từ các trang truyền thông của các giáo phận)

A. TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI:

1. Tổng Giáo Phận HÀ NỘI:


2. Giáo Phận BẮC NINH:


3. Giáo Phận BÙI CHU:


4. Giáo Phận HÀ TĨNH:


5. Giáo Phận HẢI PHÒNG:


6 .Giáo Phận HƯNG HÓA:


7. Giáo Phận LẠNG SƠN - CAO BẰNG:


8. Giáo Phận PHÁT DIỆM:


9. Giáo Phận THÁI BÌNH:


10. Giáo Phận THANH HÓA:


11. Giáo Phận VINH:



B. TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

1. Tổng Giáo Phận HUẾ:


2. Giáo Phận BAN MÊ THUỘT:


3. Giáo Phận ĐÀ NẴNG:


4. Giáo Phận KON TUM:


5. Giáo Phận NHA TRANG:


6. Giáo Phận QUI NHƠN:



C. TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN:

1. Tổng Giáo Phận SÀI GÒN:


2. Giáo Phận BÀ RỊA - VŨNG TÀU:


3. Giáo Phận CẦN THƠ:


4. Giáo Phận ĐÀ LẠT:


5. Giáo Phận LONG XUYÊN:


6. Giáo Phận MỸ THO:


7. Giáo Phận PHAN THIẾT:


8. Giáo Phận PHÚ CƯỜNG:


9. Giáo Phận VĨNH LONG:


10. Giáo Phận XUÂN LỘC: