Các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo ở Aleppo gặp gỡ phiến quân
Syria
Vũ Văn An 11/Dec/2024
Người dân Syria hân hoan treo cờ trên xe.
OMAR HAJ KADOUR | AFP
John Burger của
Aleteia, ngày 11/12/2024, tường trình rằng Giám mục Chaldean của thành phố lớn
thứ hai Syria gọi đây là "cuộc họp rất tích cực".
Thực vậy, theo hãng tin Fides, các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo ở Aleppo đã gặp gỡ lần
thứ hai với đại diện của các nhóm vũ trang đã kiểm soát thành phố lớn thứ hai của
Syria. Các lực lượng đã tiếp quản, mặc dù có nguồn gốc Hồi giáo, nhưng không có
mong muốn thay đổi hoặc điều chỉnh cuộc sống bình thường của các cộng đồng Giáo
hội, một giám mục tham dự cuộc họp ngày 9 tháng 12 cho biết.
Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi chế độ Bashar al-Assad sụp đổ. Họ tập trung tại
nhà thờ và tu viện Phanxicô, nơi có Tòa đại diện Tông tòa của Công Giáo Nghi lễ
La tinh.
Trong khi đó, theo BBC, một thủ lĩnh phiến quân từng giúp lật đổ chế độ
al-Assad đã được bổ nhiệm làm thủ tướng lâm thời của Syria. Trong một bài phát
biểu trên truyền hình, Mohammed al-Bashir cho biết ông sẽ giữ chức vụ này cho đến
ngày 1 tháng 3 và lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp.
Tại Aleppo, nơi nhóm phiến quân chính Hayat Tahrir al-Sham lần đầu tiên lên báo
khi họ phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng chống lại chế độ al-Assad vào cuối
tháng trước, Giám mục Chaldean Antoine Audo đã tham gia cùng một số nhà lãnh đạo
Kitô giáo khác từ thành phố trong cuộc họp ngày 9 tháng 12 với phiến quân.
"Tất cả chúng tôi đều có mặt: giám mục, linh mục và tu sĩ", Giám mục
Audo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fides, dịch vụ thông tin của Hội
Truyền giáo Giáo hoàng. Ông gọi đó là "một cuộc họp rất tích cực".
Người ta kỳ vọng rất cao rằng tình hình chính trị mới có thể mang lại sự giải tỏa
cho các vấn đề như tình trạng thiếu điện và nhiều người dân gặp khó khăn trong
việc kiếm đủ lương thực do lạm phát. Có những sáng kiến tại các giáo xứ để cung
cấp cho mọi người ít nhất một bữa ăn mỗi ngày.
"Tôn trọng truyền thống của chúng tôi"
Giám mục Audo nói với Fides rằng các nhóm phiến quân đang cố gắng xây dựng lòng
tin bằng cách "tôn trọng truyền thống và lời cầu nguyện của chúng
tôi".
"Tôi nói với họ rằng chúng tôi, với tư cách là các Ki-tô hữu Ả Rập, đại diện
cho một thực tại độc đáo trong lịch sử và trên thế giới. Tôi đã nhắc lại một số
ví dụ về lịch sử của người Ả Rập theo đạo Hồi với các Ki-tô hữu và sự đóng góp
của các Ki-tô hữu vào lịch sử này. Tôi nói thêm rằng tình trạng của dhimmi [những
thành viên không theo đạo Hồi của một quốc gia được luật Hồi giáo hướng dẫn] có
thể được hiểu theo cả nghĩa tiêu cực và tích cực, rằng các Ki-tô hữu không thể
là công dân hạng hai và chúng ta phải cùng nhau làm việc. Họ có vẻ rất quan tâm
đến những xem xét này."
Trong cuộc họp, các đại diện của cộng đồng Kitô giáo đã được đảm bảo rằng sẽ
không có thay đổi nào đối với các quy tắc đối với các trường học của các cộng đồng
tôn giáo, nơi nam và nữ học chung trong các lớp học hỗn hợp. Ở một số quốc gia
mà những người theo chủ nghĩa duy Hồi giáo đã tiếp quản chính quyền, chẳng hạn
như Afghanistan, trẻ em gái bị cấm đến trường.
Giám mục Audo cho biết mọi thứ đang trở lại bình thường ở Aleppo và các công
tác chuẩn bị đang được tiến hành để tổ chức lễ Giáng sinh ở quy mô nhỏ.
"Có lẽ sẽ không có diễu hành và những khoảnh khắc ngoạn mục", ngài
nói. "Nhưng bất cứ ai muốn đến thăm chúng tôi tại các nhà thờ và giáo khu
của chúng tôi trong những ngày lễ đều được chào đón nồng nhiệt."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét