Trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

BỪNG SÁNG TÌNH YÊU

 


Bừng Sáng Tình Yêu

Khi “chìa khóa thời gian” được tra vào để mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Phêrô ở Vatican, thời khắc ấy không chỉ đánh dấu sự bắt đầu của Năm Thánh 2025, mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng, khi thời gian và không gian hòa quyện trong một cuộc “Giao Duyên” thần thiêng. Biến cố này không đơn thuần là hành động khai mở một cánh cửa vật lý, mà còn là khởi đầu cho dòng ân sủng đổ đầy.

Cửa hy vọng mở ra ánh sáng thiêng liêng

Trong ánh sáng lung linh từ Cửa Thánh, đoàn người hành hương tiến vào, không chỉ bước qua một ngưỡng cửa, mà là vào trong lòng ân sủng của Thiên Chúa – nơi ánh sáng Tình Yêu và Hy Vọng tràn ngập.

Cánh cửa ấy không chỉ là biểu tượng mà còn là thực tại, nơi những ai bước qua sẽ gặp thấy Ánh Sáng thật. Và trong sự gặp gỡ này, không chỉ đôi mắt thể lý được soi sáng, mà cả tâm hồn họ cũng bừng lên những ngọn lửa của niềm tin và tình yêu. Ánh sáng thiêng liêng đó bắt nguồn từ chính Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ – Đấng mang đến ánh sáng cho thế gian. Sự hiện diện của Ngài không chỉ thắp sáng mùa đông giá lạnh, mà còn chiếu tỏa niềm vui đích thực, một niềm vui không đến từ những điều phù phiếm, mà từ lời hứa vĩnh cửu: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Cùng Thánh Phanxicô Assisi chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu

“Như những kẻ lữ hành và khách lạ” (x. 1 Pr 2,11) ở đời này, thánh Phanxicô đã chọn phụng sự Chúa trong nghèo khó và khiêm nhường. Đối với ngài, “ước nguyện cao cả nhất, mong muốn mãnh liệt và ý hướng lớn lao nhất là tuân giữ thánh Phúc Âm trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, sống theo lời dạy, và đi theo vết chân của Đức Giêsu Kitô” (1Cel, 84) [1]. Chính tinh thần ấy đã dẫn ngài đến việc chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong hang đá đơn sơ, nơi ánh sáng tình yêu và sự khiêm nhường của Thiên Chúa tỏ hiện rõ ràng nhất. Bởi lẽ đó, với lòng đầy sốt mến, thánh Phanxicô đã “hiện tại hóa”, chứ không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại máng cỏ Bêlem. Vì vậy cần ghi nhớ và thành kính nhắc lại việc ngài đã làm ở Greccio nhân ngày lễ Giáng Sinh năm 1223, ba năm trước khi qua đời. Thánh Phanxicô nói với ông Gioan, một người có tiếng là đạo đức trong vùng: “Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh hài nhi nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa”. Nghe xong các lời dặn dò, con người tốt lành và trung thành ấy, vội vã ra đi chuẩn bị mọi sự tại làng trên theo ý của thánh nhân”. Và cuối cùng: “Người ta đã dọn một máng cỏ, đặt cỏ khô, dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và Greccio đã gần như trở thành một Bêlem mới” (1 Cel, 85) [2].

Với đôi mắt trần thể lý, thánh Phanxicô đã thấy được Hài Nhi Giêsu hiện diện, điều mà chúng ta chỉ có thể “chiêm ngắm” với đôi mắt “tinh thần” mà thôi. Điều này quả không lạ với thánh Phanxicô vì “với thánh Phanxicô, một tình yêu cá vị với Đức Giêsu là trọng tâm của linh đạo Kitô giáo, và ngài thường xuyên trò chuyện với Chúa Giêsu”[3]. Khi hiện tại hóa máng cỏ Bêlêm ngay tại Greccio, thánh Phanxicô chất chứa nhiều ưu tư trong tâm hồn và điều mà Phanxicô muốn nhắm đến đó là: con người đang lãng quên sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế, khi đánh mất vị trí của Thiên Chúa trong tâm thức, con người tự cho mình quyền “định nghĩa” lại các giá trị trong cuộc sống.

Thánh Phanxicô yêu mến Bêlem vì đó là nơi Hài Nhi vì yêu thương chúng ta mà đã hạ sinh. Và Phanxicô không dừng lại ở đó. “Qua máng cỏ ở Greccio, thánh Phanxicô ước muốn người ta nhìn thấy chính họ trong máng cỏ Chúa Giáng sinh. Đây không chỉ là chuyện đã xảy ra từ 1200 năm trước ở Bêlem, nhưng là điều vẫn xảy ra lúc này và ở đây giữa mọi người”[4]. Với thánh Phanxicô, nếu chỉ nhớ về Bêlem như là một hoài niệm của kí ức và của câu chuyện lịch sử, thì thật quá đáng tiếc. Và nếu chúng ta cũng chỉ chiêm ngắm hang đá Bêlem như “một tác phẩm nghệ thuật” (dù rằng nó rất nghệ thuật) mà không thể phản tỉnh bất cứ điều gì cho bản thân thì cũng lại là điều đáng tiếc hơn.

Tắt một lời, “Máng Cỏ Greccio” cho thấy ưu tư và sự bén nhạy của thánh Phanxicô. Một cảm thức đơn sơ nhưng cao vời: đơn sơ của một tâm hồn bình dị và cao vời của một sự kết hợp thần linh sâu sắc. Với thánh Phanxicô, ngài luôn kết hợp Mầu Nhiệm Nhập Thể với Mầu Nhiệm Thánh Thể: “Hằng ngày chính Người đến với chúng ta dưới một hình thức khiêm hạ. Hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18) để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay Linh mục”[5]. Như thế, thánh Phanxicô đưa chúng ta tiếp cận Ngôi Hai một cách rất gần gũi. Không phải là Một Thiên Chúa ở mãi trong “Cỏ Rơm” nhưng là một Thiên Chúa ngự vào, ở lại và biến đổi tâm hồn chúng ta mỗi ngày. Chỉ có điều là: chúng ta có sẵn lòng tiếp rước Ngài một cách thánh thiêng và đúng nghĩa vào chính đền thờ của chúng ta hay không mà thôi?

“Phóng vào tương lai để yêu thương”

Murray Bodo[6] đã chia sẻ một ý tưởng rất thú vị: “Thánh Phanxicô ước muốn người ta nhìn thấy chính họ trong máng cỏ Chúa Giáng sinh.” Đúng vậy, “chính tôi, chính chúng ta nhìn thấy chính mình khi chiêm ngắm Máng Cỏ Giáng sinh.” Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ dừng lại ở một thái độ “quy ngã” – tập trung vào cái tôi cá nhân, hay “quy nhân” – lấy con người làm trung tâm của mọi sự. Máng cỏ nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa đã trở thành tất cả cho mọi người – Omnia Omnibus. “Hang đá Greccio cho thấy nhân tính của chúng ta quý giá biết dường nào. Chúng ta có thể vui mừng khi biết rằng Thiên Chúa đã làm người vì Người vui thích ở với nhân loại”[7]. Thật là táo bạo, khi chúng ta nhìn thấy sự “đồng cấp” của tôi và Một Thiên Chúa Cao Cả nhưng bé bỏng nằm trên Rơm Cỏ. Chiêm ngắm Máng Cỏ Greccio cũng là cơ hội để chính tôi chiêm ngắm “máng cỏ của đời mình”: đây cũng là một điều đáng cho chúng ta lưu tâm.

Máng Cỏ tại Greccio là một Máng Cỏ trống không (nhưng không diễn tả việc vắng bóng Thiên Chúa), và đó là một sáng kiến của thánh Phanxicô. Như lời Giáo phụ Clémẹnt (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) quả quyết rằng: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Hàng ngày, Chúa nhập thể trong tôi qua việc tôi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Tôi rước Chúa, để Chúa nuôi tôi. Ước gì tôi cũng được thần linh hóa, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (x. Rm 8,29)[8]. Cũng chính bởi cảm thức ấy, thánh Phanxicô đã nhìn và nhận ra lời mời gọi rất mật thiết mà Thiên Chúa dành cho con người. Và thánh nhân, bằng tình yêu sâu đậm với Chúa Kitô, ngài cũng muốn ân sủng “Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa” được lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất đến với muôn người. Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại mà “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga 1, 14). Vậy chúng ta cũng hãy vì yêu mà đáp trả lại hồng ân sự sống cao cả ấy. “Chúng ta là mẹ của Người, khi chúng ta cưu mang Người trong tâm hồn và thể xác (x. 1 Cr 6,20) bằng cách yêu mến Người, và gìn giữ lương tâm trong trắng và chân thành; chúng ta sinh Người ra bằng hành động thánh thiện chiếu soi kẻ khác bằng gương sáng (x. Mt 5,16)”[9].

Tạm kết

Đong đầy trong những ưu tư khi đối diện với một thế giới thực hữu của lệ thuộc, hời hợt và phân tán[10], người viết nhận thấy vẻ đẹp trong chọn lựa, lối sống và tình yêu của thánh Phanxicô. Với Phanxicô, sự chọn lựa không phải là lệ thuộc nhưng tín thác; một lối sống không hời hợt nhưng vô cùng sâu sắc và một tình yêu không hề bị phân tán nhưng lại thực sự hiệp nhất. Đó cũng chính là những gì chúng ta có thể nhận ra nơi Máng Cỏ Greccio. Thánh Phanxicô cho thấy sự chọn lựa, lối sống và tình yêu của ngài có đủ “lý và tình” để tạo nên một bầu khí ấm áp đúng nghĩa giữa biết bao “cơn giá rét” của một thế giới rất “phẳng phiu”.

Cùng với thánh Phanxicô, chúng ta hãy một lần nhập vai cho thật tròn trịa, để không chỉ là nhập vai nhưng sẽ biến nó thành sự chọn lựa trong cuộc đời của tôi: vai một mục đồng, một trong Ba Vua, Mẹ Maria hay thánh Giuse. “Khi làm như thế, tâm hồn chúng ta được tràn ngập những cảm xúc khiến ta tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa; khiến ta yêu thương Hài nhi, Đấng là Ngôi Lời đang hiện diện cách bé nhỏ và dang rộng vòng tay hướng về ta mà chào đón ta. Ân sủng của Thiên Chúa từ biến cố nguyên thủy ấy sẽ chan hòa trong khung cảnh do trí tưởng tượng của ta dựng nên, và người anh em đang chìm trong chiêm niệm sẽ được ơn thúc đẩy để hành động, để biến đổi, thăng tiến cuộc sống, và để yêu mến Chúa cách trọn vẹn hơn”[11].

Nguyễn Bảo gởi đến Vatican News Tiếng Việt

[1] Truyện Ký Thánh Phanxicô của Tôma Celanô, G.B Nguyễn Gia Thịnh, OFM chuyển ngữ, 2019.

[2] Truyện Ký Thánh Phanxicô của Tôma Celanô, G.B Nguyễn Gia Thịnh, OFM chuyển ngữ, 2019.

[3] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.

[4] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.

[5] Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi, Huấn Ngôn 1, câu 17-18.

[6] MURRAY BODO, OFM, Linh mục dòng Phanxicô thuộc Tỉnh Dòng Thánh Gioan Tẩy Giả (Hoa Kỳ). Ngài đã từng dạy văn học Anh và Mỹ, sáng tác văn xuôi và thơ ca, làm linh hướng, hướng dẫn các cuộc hành hương của anh em Phan sinh, và tổ chức các buổi tĩnh tâm.

[7] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.

[8] https://dongten.net/mung-con-thien-chua-lam-nguoi-vi-toi.

[9] Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi, Thư I Gởi Các Tín Hữu, câu 10.

[10] https://tgpsaigon.net/bai-viet/suy-tu-ve-su-diep-nhan-ngay-tg-ttxh-lan-thu-46-thinh-lang-de-truyen-thong-37011.

[11] MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.

 

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-12/bung-sang-tinh-yeu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét