01/01/2025
ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA.
Cuối tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Ngày đầu năm
dương lịch.
Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình.
"Họ đã gặp thấy
Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là
Giêsu".
Lời Chúa: Lc 2, 16-21
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các mục tử
ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm
trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả
những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ
tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca
ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho
họ.
Khi đã đủ tám ngày,
lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên
thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Đó là Lời Chúa.
Đối với Giáo Hội Chính Thống, tước hiệu nổi bật nhất của Mẹ
là "Mẹ Thiên Chúa", trong khi đó đối với Giáo Hội Công Giáo, Mẹ Maria
trước tiên là Mẹ của loài người.
Hai khía cạnh này của Mẹ Maria được làm nổi bật qua phụng vụ
và nghệ thuật của hai Giáo Hội. Một bên những bức ảnh Icon của Giáo Hội Chính
Thống làm cho người ta nghĩ đến Đức Mẹ như một vị thần ngự trị trên Thiên Quốc
hơn là người phàm. Đàng khác, trong Giáo Hội Công Giáo các bức tranh và tượng ảnh
về Mẹ Maria xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh nhân loại của Mẹ. Khía cạnh nhân loại
này thường được chọn làm chân dung của Đức Mẹ. Như vậy, trong việc tôn kính
chính thức của Giáo Hội cũng như trong tâm tình của người bình dân, tính siêu
việt lẫn nhân trần của Mẹ Maria đều được nêu bật.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trân trọng cả hai truyền thống
tôn kính này đối với Mẹ Maria. Ngài kêu gọi Âu Châu hãy thở bằng hai buồng phổi,
một của Đông Phương, một của Tây Phương. Một sự dung hòa như thế mới có thể bảo
tồn được sự tôn kính đúng đắn dành cho Mẹ Chúa Giêsu.
Trong Phúc Âm thánh Luca, thánh sử nói về các mục đồng như
sau: "Họ liền hối hả ra đi, đến nơi họ gặp thấy bà Maria cùng với Giuse và
Hài Nhi được bọc trong khăn, đặt trong máng cỏ" (Lc 2,16). Theo các nhà
chú giải Kinh Thánh thì đây là một cuộc cách mạng thinh lặng. Thật thế, lần đầu
tiên trong Kinh Thánh người ta thấy tên của người Mẹ đặt trước tên của người
Cha. Đây không phải là một đoạn tuyệt với truyền thống "trọng nam khinh nữ"
của người Do Thái, nhưng tác giả muốn sắp xếp như thế để nói lên tầm quan trọng
của người phụ nữ là Mẹ Maria.
Trong Phúc Âm (Mc 10,14), thánh sử ghi lại thái độ của Chúa
Giêsu đối với trẻ em, Chúa Giêsu nói như sau: "Hãy để trẻ em đến với Ta và
đừng xua đuổi chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai nên giống như chúng. Ta bảo
các ngươi, ai không đón nhận Nước Trời như một trẻ em thì sẽ không được vào
trong Nước ấy".
Nhưng nên giống như trẻ em là gì nếu không phải là quay trở
lại với Mẹ, tín thác nơi Mẹ. Một số nhà thần bí trong Giáo Hội xem đây như là một
lời khuyến dụ kín đáo của Chúa Giêsu. Phải chăng Ngài chẳng muốn chúng ta tìm đến
với Đấng vì là Mẹ của Con Người, cũng là Mẹ của tất cả mọi người. Dù sao một
trong những nghịch lý lớn nhất mà Tin Mừng đề ra là tiến đến trong đời sống
thiêng liêng không phải là luật tiến hóa mà là luật của cải hóa.
Các cuộc Đức Mẹ hiện ra của thời hiện đại đã bắt đầu vào năm
1830, tại một cộng đoàn của Dòng Bác Ái Vinh Sơn tại đường Du Bac ở Paris Pháp
Quốc, Đức Mẹ đã hiện ra cho thánh nữ Catherine Labouré và ủy thác cho thánh nữ
quảng bá việc tôn kính ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ. Lời kinh được truyền phải đọc
trong việc tôn kính ảnh Đức Mẹ có nội dung như sau: "Lạy Đức Maria, là Đấng
đã được cưu mang mà không vướng mắc tội lỗi, xin cầu cho chúng con là những kẻ
có tội chạy đến cùng Mẹ". Nhờ việc này mà giúp cho Giáo Hội định tín về Đức
Mẹ Vô Nhiễm vào năm 1854. Thật ra, đây cũng chỉ là một tước hiệu mà Đức Mẹ đã tự
xưng khi hiện ra cho Bernadetta ở hang đá Lộ Đức nước Pháp vào năm 1858.
Thật thế, nếu Mẹ Maria là tạo vật duy nhất trong nhân loại
đã được cưu mang mà không mang tỳ vết của tội lỗi, bởi vì tội nguyên tổ là một
thực tế chứ không phải là một huyền thoại. Vào thời ấy, cùng với những khám phá
và tiến bộ trong lãnh vực khoa học, con người thời đại xác tín một cách kiêu
hãnh rằng: khoa học, văn hóa và kỹ thuật rồi ra sẽ biến thế giới thành một thứ
thiên đàng trần gian, như vậy nó sẽ khử trừ mọi ý niệm về tội Nguyên Tổ. Với khả
năng vô tận của mình, rồi ra con người sẽ tự cứu lấy mình chứ không cần phải
trông chờ có một đấng cứu thế nào cả.
Thế nhưng, lịch sử đã diễn ra không như con người của thời đại
mơ tưởng, thứ nhân bản chủ nghĩa chối bỏ cái siêu việt của con người đều dẫn đến
sự tự hủy cho con người. Hai trận thế chiến là sự hiện hữu hùng hồn nhất về sự
hủy hoại con người.
Như vậy, sứ điệp mà Đức Mẹ muốn nhắn gởi cho con người thời
đại qua các cuộc hiện ra kể từ năm 1830, trước hết là một sứ điệp về chính tội
lỗi của con người. Vì thế, việc tôn kính Đức Mẹ có giá trị giải phóng con người.
Dù vậy, Giáo Hội không bao giờ áp đặt việc tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa,
nhưng để tùy cảm xúc và sáng kiến của mỗi người tín hữu. Dĩ nhiên, Đức Giáo
Hoàng, hàng Giáo Phẩm, các tác giả về tu đức có thể khuyên nhủ các giáo hữu chạy
đến với Mẹ Thiên Chúa bằng nhiều hình thức tôn kính khác nhau.
Dựa trên kinh nghiệm ngàn đời của mình, Giáo Hội khuyên các
tín hữu tôn kính Mẹ Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ buộc phải tôn kính
Mẹ Maria, sẽ không bao giờ Giáo Hội buộc tôn kính các lần hiện ra của Đức Mẹ,
cho dù Giáo Hội công nhận các việc hiện ra đó. Giáo Hội sẽ không bao giờ áp đặt
các việc tôn kính như lần chuỗi, đi hành hương như là việc làm cần thiết cho ơn
cứu rỗi. Giáo Hội sẽ không bao giờ xem là lạc đạo hay có tội khi một tín hữu
không tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ, hay một cuộc hành hương đến nơi Đức Mẹ hiện
ra. Giáo Hội sẽ không bao giờ chối bỏ ơn cứu rỗi mà các Giáo Hội khác xây dựng
trên niềm tin Kitô của họ, như trong các Giáo Hội Tin Lành.
Như vậy, việc tôn kính đối với Mẹ Maria không được nhìn theo
phạm trù cần thiết mà là theo phạm trù tự do, không thuộc về lề luật mà thuộc về
tình yêu. Chính tính cách tự do ấy lại càng làm nổi bật sự thu hút và những ân
huệ đặc biệt của lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa xem ra
không muốn áp đặt lòng tôn kính dành cho Mẹ, bởi vì Mẹ vốn là người sống âm thầm,
Mẹ cất giữ mọi sự và suy niệm trong lòng. Thánh Luca đã hai lần ghi lại như thế
trong cùng một chương. Mẹ quả thật nói ít, hay đúng hơn Kinh Thánh nói rất ít về
Mẹ, nhưng nhìn cho kỹ thì chính Mẹ lại là người gợi hứng cho Kinh Thánh.
Dĩ nhiên, với sự kín đáo và thinh lặng của Mẹ, các nhà
chuyên môn Kinh Thánh đều đồng ý rằng: Các chương nói về đời tư Chúa Giêsu kể từ
khi Chúa Giêsu sinh ra thì chính Mẹ là người duy nhất đã biết thời thơ ấu của
Chúa Giêsu và kể lại cho cộng đồng tiên khởi. Nhưng vẫn thái độ kín đáo và
thinh lặng cố hữu, Mẹ luôn đứng ở đàng sau, chỉ có những ai biết tìm đến và lắng
nghe mới có thể nhận ra được sự hiện diện và tầm quan trọng của Mẹ trong Giáo Hội.
Đó chính là ý nghĩa của việc tôn kính Mẹ Maria mà các tín hữu Kitô đã dành cho
Mẹ ngay từ thời Giáo Hội sơ khai.
Phúc Âm Hằng Ngày -
Radio Veritas Asia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét