Đạo “Gốc”
“Thưa quý cha và cộng đoàn. Con đang học giáo lý dự tòng
và sắp sửa được làm con Chúa. Cách đây hơn một năm, khi đó gia đình con gặp nhiều
chuyện. Bản thân con lúc đó cũng rất bế tắc. Con rất ít giao tiếp với bạn bè.
Có chăng chỉ là những bữa tiệc nhậu. Còn ngoài ra con đóng cửa phòng và viết nhạc.
Thế rồi, trong một giấc mơ vào một buổi tối nọ, con đã được nhìn thấy Chúa. Đêm
đó con trằn trọc mãi gần sáng con mới ngủ được. Tỉnh dậy, con cứ thắc mắc là tại
sao gia đình con không có ai theo Đạo mà con lại được nhìn thấy Chúa?
Con quyết định sẽ tìm hiểu về Chúa. Hằng tuần con đều đến
nhà thờ để tham dự thánh lễ. Con không vào trong nhà thờ mà ngồi ở bên ngoài.
Con ngồi dưới một gốc cây và thấy rất mát. Con lắng nghe những bài giảng của vị
linh mục coi sóc giáo xứ đó. Điều đặc biệt là hễ tuần đó con gặp chuyện gì thì
cha xứ lại giảng đúng y chang những gì con đang trải qua. Con thấy được tình
yêu của Chúa dành cho con nên quyết tâm đi học giáo lý để được làm con Chúa. Từ
khi con biết đến Chúa, cuộc sống của con đã thay đổi rất nhiều. Con thấy mình sống
tích cực hơn, nhiều năng lượng hơn. Có nhiều người hỏi con có phải vì quen anh
nào bên Đạo nên mới đi học giáo lý không? Con trả lời rằng con sẽ không theo Đạo
vì quen với anh nào bên Đạo mà con theo Đạo là vì con yêu mến Chúa”.
Nghe xong câu chuyện của bạn Phan Yến Nhi, tôi cảm tạ Chúa
vô cùng. Chúa vẫn có đó. Ngài thực sự hiện diện trong cuộc đời này. Ngài vẫn
không ngừng lên tiếng mời gọi con người đi theo Ngài. Biết bao người trong suốt
dọc dài lịch sử đã nghe được tiếng Chúa và đi theo Chúa. Và giữa cuộc sống xô bồ
bon chen của ngày hôm nay, Chúa đã tỏ mình ra cho Yến Nhi. Dẫu chỉ là giấc mơ
thì giấc mơ ấy là có thực. Tôi tin rằng chính Ngài đang hướng dẫn cuộc đời của
Yến Nhi. Từng bước, từng bước ngài dẫn đưa em đến gặp gỡ và yêu mến Ngài. Tôi cầu
nguyện và cầu chúc cho Yến nhi những điều tốt đẹp. Tôi cũng cảm thấy hơi ghen tị
với em. Tôi là người đạo gốc nhưng tôi chưa được nhìn thấy Chúa như em. Tôi tin
là nhiều người đạo gốc như tôi cũng chưa có cảm nghiệm về Chúa sâu sắc như em.
Câu chuyện của em nhắc nhở tôi và những người đạo gốc cần phải tạo ra một không
gian im lặng cần thiết để Chúa đến trong tâm hồn. Chúng tôi cần phải yêu mến
Chúa nhiều hơn bởi chúng tôi cũng đã được Ngài yêu thương từ thuở ban đầu.
Sau khi nghe xong câu chuyện của Yến Nhi, tôi cũng đã chia sẻ
cho các linh mục trong giáo hạt. Mấy ngày sau, cha phó tâm sự với tôi: “Thưa
cha, con thấy câu chuyện của bạn Phan Yến Nhi thật hay. Con thấy giật mình vì
hình ảnh cô ngồi dưới gốc cây bên ngoài nhà thờ. Từ bé tới giờ, con vẫn thường
có cái nhìn không mấy thiện cảm với những người ngồi ở ngoài nhà thờ. Chúng ta
vẫn thường hay gọi họ là những người đạo “gốc” nghĩa là đạo gốc cây. Chúng ta gọi
với một thái độ rất mỉa mai. Sau khi nghe tâm sự của Yến Nhi, chắc con sẽ phải
thay đổi”.
Phải thay đổi, đó là những từ ngữ đầy xác tín của cha
phó. Tôi cũng cùng chung quan điểm với cha phó của tôi. Thiết tưởng không chỉ
có cha phó và tôi mà tất cả những ai đã và đang có cái nhìn thiếu thiện cảm với
những người ngồi ngoài nhà thờ cũng cần phải thay đổi. Chúng ta rất dễ dàng kết
án anh chị em mình. Mỗi người có chọn lựa riêng và chúng ta cần tôn trọng họ.
Tôi nghĩ nếu như bạn Yến Nhi đến giáo xứ của tôi. Và hôm đó, tôi tình cờ đi qua
và thấy bạn ngồi ở gốc cây. Nếu tôi xua đuổi em hay có thái độ không tốt thì
chưa chắc đã có một Yến Nhi chia sẻ đầy xác tín về Chúa như ngày hôm nay.
Ở quê tôi, có một ông đi lễ chuyên ngồi gốc cây. Tuần nào
ông cũng ngồi ở đó. Không ai bảo ông vào nhà thờ được. Có lần cha xứ ra mời ông
vào nhà thờ nhưng ông cũng không vào. Ông nói với cha xứ: “Con ngồi đây
vẫn nghe rõ cha giảng. Nếu cha không cho con ngồi ở đây thì con sẽ đi về chứ
không vào nhà thờ”.
Ở giáo xứ tôi đang coi sóc cũng có một ông đi lễ chuyên ngồi
ở gốc cây. Các ông ban hành giáo ra mời ông vào nhà thờ thì ông cũng trả lời rất
dứt khoát: “Kể cả cha xứ có ra bảo, tôi cũng không vào chứ đừng nói là
các ông”.
Những câu chuyện đại loại thế này không phải là trường hợp
hiếm gặp. Nếu nhìn rộng ra thì hầu như giáo xứ, giáo họ nào cũng sẽ có một số
người đi lễ thích ngồi ở ngoài hơn là trong nhà thờ. Dù cho họ vào hay không
vào thì tôi và bạn được mời gọi tôn trọng họ bởi có thể họ có những nỗi niềm
riêng mà chúng ta không thể hiểu hết.
Đọc tới đây, có thể bạn sẽ thắc mắc là có vẻ như tôi khuyến
khích việc ngồi ngoài nhà thờ chăng? Câu trả lời của tôi chắc chắn là không.
Tôi vẫn muốn mọi người đi lễ vào trong nhà thờ để tham dự phụng vụ một cách
tích cực. Ngồi ở ngoài, chúng ta rất dễ bị chia trí, dễ bị phân tâm. Chưa kể ngồi
ở ngoài, chúng ta sẽ dễ dàng bị cám dỗ dùng điện thoại để lướt mạng xã hội hay
chơi game chứ không chú tâm vào thánh lễ.
Mùa Vọng đang dần khép lại, một mùa Giáng Sinh nữa lại về,
tôi và bạn đã chuẩn bị những gì để đón Chúa? Thông điệp của bài viết này là
chúng ta cần tôn trọng mỗi con người chúng ta gặp gỡ dù họ là ai và họ làm gì.
Mới hôm qua thôi, khi tôi đi dâng lễ Chúa Nhật về, tôi thấy có một anh đang ngồi
dưới gốc cây bên ngoài nhà thờ, tôi chỉ đến bên anh và vỗ nhẹ vào vai và nói rằng
sao anh không vào nhà thờ cho đỡ lạnh? Ngồi ở ngoài trời lạnh thế này dễ bị cảm
lạnh. Tôi đã không gắt gỏng hay tỏ thái độ. Không biết tôi đã thực sự biến đổi
chưa? Lạy Chúa, xin Chúa giúp con có tấm lòng bao dung và quảng đại với hết mọi
người. Xin biến đổi con trong từng mỗi phút giây của cuộc sống để con nên giống
Chúa hơn. Amen.
Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét