Bức ảnh diễn tả Công đồng Nixêa
Nixêa và sự phát triển của chủ nghĩa đại kết: Thiết lập
giai đoạn tiếp theo trên đường hướng tới sự hiệp nhất Kitô giáo
Khi Giáo hội kỷ niệm 1.700 năm diễn ra Công đồng chung
Nixêa, linh mục tiến sĩ Elias D. Mallon có bài suy tư về sự phát triển liên tục
của phong trào đại kết đã được Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội khởi xướng.
Elias D. Mallon - CNEWA
Năm nay, Giáo hội trên toàn thế giới kỷ niệm 1.700 năm diễn
ra Công đồng chung đầu tiên - Công đồng Nixêa. Được tổ chức tại thành phố Nixêa
của đế quốc Roma ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, từ tháng 5 đến tháng 7 năm
325, khóa họp này của các giám mục và lãnh đạo Giáo hội là khóa họp đầu tiên được
xác định là khóa họp "đại kết". Định nghĩa về "đại kết" đã
phát triển trong 1.700 năm qua. Rất nhiều điều, tốt đẹp và đáng tiếc, đã xảy ra
trong cuộc sống của Giáo hội trong 17 thế kỷ đó.
Công đồng trùng hợp với những thay đổi sâu sắc trong thế giới
Hy Lạp-Roma cổ nói chung và trong thế giới Kitô giáo nói riêng. Vào cuối thế kỷ
thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, hoàng đế Roma Diocletiano đã phát động một trong
những cuộc đàn áp tàn bạo nhất trong lịch sử của đế chế đối với những người
theo Kitô giáo — mặc dù mức độ tàn bạo khác nhau tùy theo từng nơi. Ngoài việc
xóa bỏ mọi thách thức đối với quyền lực của mình và củng cố thêm quyền lực cũng
như bảo vệ biên giới của đế chế rộng lớn của mình, trải dài từ Ba Tư đến Anh,
ông đã tái tổ chức đế chế thành bốn đơn vị tự quản do hai hoàng đế cấp cao, được
gọi là "các augusto", và hai đồng nghiệp cấp dưới được hiểu là những
người kế nhiệm được chỉ định của họ, được gọi là "các xê-da".
Năm 306, một năm sau khi Diocletiano thoái vị, Constantino
được quân đội của ông tuyên bố là hoàng đế tại Eboracum, ngày nay là thành phố
York của Anh. Cuối cùng, ông đã giành chiến thắng trong các cuộc nội chiến chống
lại những người đồng cấp của mình, Maxentius và Licinius, để trở thành người
cai trị duy nhất của Đế chế Roma vào năm 324.
Trong thời kỳ này, Constantino cho rằng chiến thắng của mình
là nhờ mối quan hệ đặc biệt mà ông cảm thấy với Chúa của các Kitô hữu, "nhờ
dấu chỉ của Người mà ông đã chinh phục", bao gồm cả chiến thắng của ông
trước Maxentius tại Cầu Milviano vào ngày 28 tháng 10 năm 312.
Vì vậy, trong khoảng thời gian khoảng 20 năm, Kitô giáo đã nổi
lên như một tôn giáo được hoàng đế và cả đế chế yêu quý. Cũng giống như
Diocletiano, củng cố quyền lực và bảo vệ biên giới được xếp hạng cao trong số
các ưu tiên của Constantino. Khi đó, các lĩnh vực chính trị và tôn giáo không
tách biệt, và sự chia rẽ và hỗn loạn, dù là chính trị hay tôn giáo, đều phải được
tránh và vượt qua bằng mọi giá.
Tuy nhiên, có một số thách thức phá vỡ sự hiệp nhất của các
Kitô hữu trong vương quốc của ông. Thách thức quan trọng nhất liên quan đến
linh mục Ariô: giáo lý của linh mục này phủ nhận toàn bộ thiên tính của Chúa
Kitô. Đây không phải là lần đầu tiên Constantino phải giải quyết các vấn đề
trong nội bộ của Kitô giáo. Năm 314, ông triệu tập Thượng hội đồng Arles để giải
quyết cuộc tranh cãi của Donatists, một giáo phái dị giáo ở Bắc Phi. Cuối cùng,
chính Constantino, không tham khảo ý kiến của giám mục Roma, đã quyết định và
triệu tập công đồng đầu tiên được tổ chức tại Nixêa.
Constantino là người chưa được rửa tội nhưng lại triệu tập
và chủ trì Công đồng chung đầu tiên. Điều này đã gây nên một số bất đồng nhận
thức về mặt triết học và thần học giữa Kitô giáo Đông phương và Kitô giáo Tây
phương. Sự bất đồng này có lẽ rõ ràng nhất trong các hình ảnh biểu tượng mô tả
công đồng. Trong Kitô giáo Đông phương, nơi Constantino được tôn kính như một vị
thánh cùng với mẹ của ông, Thánh Helen, hoàng đế được mô tả ở trung tâm của biểu
tượng như là người chủ trì công đồng. Ngồi ở hai bên của ông, không theo tiền lệ
theo kiểu công đồng, là các giám mục, được mô tả trong phẩm phục truyền thống
Byzantine, mỗi người cầm sách Phúc Âm. Còn linh mục Ariô bị đánh bại nằm dưới
chân các nghị phụ Công đồng.
Trong nghệ thuật của Kitô giáo phương Tây, đại biểu của Giáo
hoàng được hai Hồng y đứng hai bên và chủ trì công đồng. Các giám mục trong lễ
phục nghi lễ La tinh lắng nghe và trao đổi với nhau khi những tà thuyết của
Ariô, người đứng như thể đang bị xét xử, được đọc to. Constantino thường được
miêu tả ở phía cạnh ngoài của hình ảnh, được thông báo về các thủ tục tố tụng
thay vì chỉ đạo chúng. Miêu tả của phương Tây áp dụng cách hiểu sau này của
phương Tây về các công đồng chung.
Điều quan trọng là phải hiểu sự phát triển của các công đồng
chung trong một thế giới Kitô giáo không ngừng chia rẽ. Hầu như mọi công đồng,
bao gồm cả Công đồng Vatican II (1962-1965), đều tạo ra những người bất đồng
chính kiến, một số người trong số họ đã trở thành ly giáo và bị loại trừ - thường
là tự loại trừ - khỏi sự hiệp thông với Giáo hội Roma.
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến một Công đồng chung,
nhưng việc Đức Giáo hoàng và Thượng phụ phạt vạ tuyệt thông lẫn nhau vào năm
1054, được gọi là Đại ly giáo, bắt đầu sự chia rẽ chính thức giữa Công giáo Tây
phương và Chính Thống giáo Đông phương, đã khiến Chính Thống giáo từ chối xem tất
cả các công đồng chung của Công giáo sau năm 1054 là công đồng chung vì Chính
Thống giáo không tham gia. Về mặt kỹ thuật và thần học, đây là một điểm quan trọng.
Từ ngữ “đại kết” ban đầu ám chỉ đến việc bao gồm tất cả Kitô
từ “thế giới con người” (“oikumene” trong tiếng Hy Lạp), những người hiệp thông
hoặc đồng thuận về đức tin. Thật đáng buồn, mỗi công đồng “đại kết” lại làm cho
ý nghĩa của từ “đại kết” trở nên hạn chế hơn và ít bao hàm hơn.
Vào thế kỷ 19, các nhóm truyền giáo Tin Lành bắt đầu
nhận ra rằng sự chia rẽ gần như lan tràn của Kitô giáo đã khiến thông điệp của
Phúc Âm trở nên kém tin cậy hơn. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu không phải là
tình trạng cần phải chịu đựng, mà là tội lỗi cần phải vượt qua. Dần dần, một
phong trào khôi phục sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu bắt đầu.
Hai cuộc thế chiến khủng khiếp của thế kỷ 20, chủ yếu do các
Kitô hữu tiến hành, mặc dù không phải là hoàn toàn, đã tạo ra động lực mạnh mẽ
cho phong trào mới nổi. Trong số các sáng kiến khác, Hội đồng các Giáo hội
Kitô Thế giới được thành lập vào năm 1948. Với việc ban hành Sắc lệnh về Đại kết
của Công đồng Vatican II năm 1964, “Unitatis redintegratio”, Giáo hội Công giáo
đã cam kết tìm kiếm sự thống nhất của các Kitô hữu. Nhưng một hiện tượng thú vị
đã xảy ra.
Với các Kitô hữu dấn thân tìm kiếm sự hiệp nhất, ý nghĩa của
từ “đại kết” đã mang một ý nghĩa mới, trái ngược với cách sử dụng ban đầu của
nó. Nếu trong nhiều thế kỷ, một cuộc họp đại kết là cuộc họp giữa những người
tin Chúa hiệp thông với nhau, thì giờ đây nó có nghĩa là một cuộc họp giữa những
người tin Chúa và không chia sẻ sự hiệp thông nhưng hy vọng khôi phục lại sự hiệp
thông đó. Công đồng “đại kết” Nixêa không phải là “đại kết” theo cùng một cách
mà từ ngữ đại kết được các Kitô hữu thế kỷ 21 hiểu ngày nay.
Mục tiêu của Công đồng Nixêa — sự hiệp nhất trong đức tin giữa
những các Kitô hữu — vẫn còn, nhưng phương pháp luận đã thay đổi gần 180 độ và,
nếu chúng ta nhìn nhận cách thành thật, nó vẫn tiếp tục phát triển. Đức Giáo
hoàng Phanxicô và Thượng phụ Bartolomeo của Constantinople đã đóng góp rất lớn
vào sự phát triển đó.
Chúng ta nghe nói về phong trào đại kết của tình bạn. Rõ
ràng là hai vị đều tôn trọng nhau. Không ai trong hai vị giảm thiểu những khác
biệt thần học chia rẽ họ. Không ai trong số các ngài phủ nhận tầm quan trọng của
cuộc đối thoại thần học đang diễn ra. Tuy nhiên, cả hai vị đều nhận ra rằng mọi
người có thể khác nhau, thậm chí đáng kể, nhưng vẫn có tình bạn và tình cảm sâu
sắc dành cho nhau. Đức Phanxicô và Đức Bartolomeo cho chúng ta thấy rằng chúng
ta không cần phải đạt được "sự hiệp nhất hoàn hảo" — có lẽ là một mục
tiêu cánh chung — trước khi chúng ta có thể yêu thương nhau và cùng nhau làm việc
để đạt được nhiều điều mà chúng ta trân trọng và là mục đích chung.
Một ví dụ về hình thức gặp gỡ đại kết mới hơn này là các
chuyến thăm hàng năm của hai nhà lãnh đạo Giáo hội. Vào ngày 29 tháng 6, lễ
thánh Phêrô và Phaolô, các Thánh bổn mạng của Giáo hội Roma, Đức Thượng phụ cử
một phái đoàn đến tham dự Thánh lễ do Giám mục Roma - Đức Giáo hoàng - chủ sự.
Vào ngày 30 tháng 11, lễ Thánh Anrê, Thánh quan thầy của đế quốc Byzantine (được
Constantino tái lập thành Roma mới, nhưng thường được gọi là Constantinople cho
đến khi đổi tên tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thành Istanbul vào năm 1930), Giám mục Roma cử
một đặc sứ đến để tham dự lễ bổn mạng của Tòa Thượng phụ Constantinople, hiện tọa
lạc tại một khu phức hợp khiêm tốn ở thủ đô văn hóa, kinh tế và lịch sử nhộn nhịp
của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo bất kỳ thước đo nào, 1.700 năm là một khoảng thời gian
dài. Gánh nặng của lịch sử rất lớn, và có một cám dỗ để cho nó chi phối việc
tuân giữ các quy định. Công đồng Nixêa chắc chắn là một sự kiện lịch sử. Tuy
nhiên, giống như nhiều nghi lễ tôn giáo khác, đây không chỉ là sự kiện được để
trong văn khố. Công đồng Nixêa là về quá khứ, nhưng không chỉ là quá khứ, như sự
thay đổi trong cách hiểu của Kitô giáo về ý nghĩa của từ "đại kết" đã
chứng minh. Công đồng có thể chỉ ra một con đường mới và cung cấp cho các Kitô
hữu ngày nay một động lực và công cụ mới cho giai đoạn tiếp theo trên con đường
hướng đến sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Thông điệp của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô về chuyến viếng
thăm Constantinople vào năm 2024 rất đặc biệt ở chỗ ngài đề xuất hai Giáo hội
tuân giữ và kỷ niệm ngày kỷ niệm này. Ngài viết: “Lễ kỷ niệm 1.700 năm sắp diễn
ra của Công đồng chung đầu tiên Nixêa sẽ là một cơ hội khác để làm chứng cho sự
hiệp thông ngày càng phát triển vốn đã tồn tại giữa tất cả những người được rửa
tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Đây không chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng, mặc dù nó
là một biểu tượng mạnh mẽ. Đây là một hành động thiết thực không chỉ cho thấy mối
liên kết tình cảm thực sự, mà còn là sự cụ thể hóa sự hiệp nhất vốn đã tồn tại
giữa hai Giáo hội — một điều thực sự đáng để cử hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét