Thể hiện đức tin trong hành động chính trị đang là điều cấp
thiết ở Philippines
Theo báo Quan sát viên Roma, tính cần thiết của một chứng tá
Kitô giáo đích thực trong lĩnh vực chính trị và sự cấp bách của việc đào sâu học
thuyết xã hội của Giáo hội là suy tư đang lan toả trong Giáo hội Philippines
sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, diễn ra vào giữa nhiệm kỳ sáu năm của tổng thống.
Vatican News
Cuộc bầu cử ngày 12/5 vừa qua có sự tham gia của khoảng 69
triệu cử tri cho khoảng 18 ngàn vị trí công, từ Hạ viện và 12 ghế tại Thượng viện,
đến các vị trí hành chính cấp khu vực và thành phố.
Các cuộc bầu cử ở Philippines, quốc gia được gọi là “lá phổi
Công giáo của châu Á”, với hơn 90% dân số trên 100 triệu người tuyên xưng đức
tin vào Chúa Kitô, luôn là một giai đoạn rất nhạy cảm.
Cuộc bầu cử bị chi phối bởi cuộc đối đầu giữa hai dòng họ
quyền lực: gia đình Marcos và gia đình Duterte, cạnh tranh cả ở cấp quốc gia và
địa phương.
Một hiện tượng khác ảnh hưởng đến cuộc đua bầu cử là tin giả,
đã được sử dụng cho đến phút cuối, nhằm tác động dư luận. Giáo hội Công giáo
cũng bị vướng vào vòng xoáy này: chỉ một ngày trước cuộc bỏ phiếu, mạng xã hội
lan truyền một “thông cáo giả” của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines,
trong đó – sau vài tuyên bố nguyên tắc – lại thể hiện sự ủng hộ đối với một số ứng
viên. Dù các Giám mục đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này, nhưng văn bản giả vẫn
lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Cũng như những lần trước, trong cuộc bầu cử lần này, vẫn tái
diễn tình trạng mua bán phiếu bầu, tham nhũng, thiên vị, cho thấy người dân vẫn
chưa hình thành được “một ý thức chính trị chân chính được soi sáng bởi đức tin
Kitô giáo” như lời cha Esteban Lo, linh mục Giáo phận Manila và Giám
đốc quốc gia Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Philippines, chia sẻ với hãng
tin Fides: “Ngày nay, người dân Philippines thể hiện lòng đạo đức và lòng sùng
kính sâu sắc, nhưng lại có sự tách biệt khi nhắc đến tầm nhìn và thực hành
chính trị. Vì vậy, chúng ta cần đào sâu học thuyết xã hội của Giáo hội, vốn là
điểm nhấn trong sứ vụ tông đồ của Đức Thánh Cha Lêô XIII. Chúng ta cần hiện thực
hóa đức tin trong hành động chính trị”.
Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục, Bernardo Pantin nhận xét,
trong giai đoạn hậu bầu cử tế nhị, ngay cả Giáo hội Công giáo, một tổ chức lịch
sử, cũng phải nhìn nhận rằng ngày nay, không còn ảnh hưởng sâu sắc đến lương
tâm của người dân như trước đây, chẳng hạn như đã xảy ra trong cuộc cách mạng bất
bạo động năm 1986, khi người dân tuần hành cầu nguyện và buộc nhà độc tài
Marcos chạy trốn. Nhưng ghi nhận này thúc đẩy mọi người dấn thân nhiều
hơn nữa trong xã hội, để tái loan báo Tin Mừng cho văn hóa và thúc đẩy đào tạo
lương tâm vì công ích, mang lại hy vọng cho những người dễ bị tổn thương và bị
thiệt thòi, những người vẫn chiếm số đông ở Philippines.
https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-05/duc-tin-chinh-tri-can-thiet-philippines.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét