Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

23-11-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ - LỄ TRỌNG

23/11/2014
Chúa Nhật 34 Quanh Năm Năm A
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
(phần II)


GLPÂ CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA, NĂM A
Sách Ngôn sứ Êdêkien 34.11-12.15-17; Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 15.20-26.28 và Phúc Âm Thánh Matthêô 25.31-46

I. Giáo Huấn P.Â.:  

Thiên Chúa là Chúa và là vua vũ trụ.

Ngài yêu thương và chăm sóc nhân loại như vị mục tử nhân hậu chăm sóc đàn chiên.

Chúa Kitô là vua của yêu thương và là vua của hy sinh.

Chúa Kitô chinh phục con người bằng tình yêu thương nâng đỡ.

Chúa Kitô, vị vua yêu thương sẽ phán xét mọi dân nước trên tiêu chuẩn yêu thương.

Yêu thương và giúp đỡ đồng loại không là một chọn lựa có thể làm hay từ chối không làm. Đó là luật buộc phải làm và là tiêu chuẩn để được thưởng hay bị phạt. Yêu thương và giúp đỡ đồng loại là yêu thương và giúp đỡ Chúa. Tất cả mang hình ảnh của Thiên Chúa.

II. Vấn nạn P.Â.   
            Giáo huấn Thánh Kinh: Con người, hình ảnh Thiên Chúa – Imago Dei.

            Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là trung tâm điểm của mạc khải Ki Tô giáo phát xuất từ Kinh Thánh.

            " Thiên Chúa phán: " Chúng ta hãy tạo con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất ".

             " Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
            Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
            Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ " ( Gen 1, 26-27).

            " Đây là gia phả ông Adong: Ngày Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ, Chúa chúc lành cho họ và đặt tên cho họ là " người ", ngày họ được sáng tạo " (  Gen 5, 1-2).

            " Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa " ( Gen 9, 6).

            Hình ảnh Thiên Chúa là định nghĩa về bản thể con người trong Thánh Kinh. Ý nghĩa hiện hữu của con người là vì Thiên chúa hiện hữu. Con người Imago Dei cũng hiện hữu. Quan niệm Á Châu và các nước Cận Đông đều nghĩ đến nhà vua là thiên tử, là con Trời. Tất cả còn lại là thần dân. Trong Kinh Thánh, quan niệm thật nhân bản và xác thực: Tất cả mọi người là con Chúa được tạo thành theo hình ảnh Chúa. Thiên Chúa Ngôi Hai sinh làm con người. Ngài là Thiên Tử. Ngài xuống trần để nối liền Trời và Đất, để dạy cho mọi người biết: Tất cả là huynh đệ và được phép lên Trời với Chúa, vì được dựng nên giống chúa và chung hưởng hạnh phúc nước thiên đàng như Chúa. Chúng ta thường gọi là hiệp thông.

            Nói khác đi Con người là imago Dei, có nghĩa là xuất phát từ Thiên Chúa và được qui hướng về Thiên Chúa. Chúng ta có thể hình dung một vòng tròn: điểm phát xuất và điểm kết đều cùng một chỗ. Con người đến từ Chúa và qui về với Chúa, Đấng là Alpha và Omega.

" Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai " ( Gen 2, 15). 

            Khi làm việc, con người kiến tạo và tương quan với người khác. Thiên Chúa chúc phúc cho công việc con ngưiời trong ý hướng kiện toàn thế giới. Ý hướng kiện toàn làm con người thể hiện tình yêu thương nâng đỡ người chúng quanh . Của cải vật chất hay trần gian là của chung. Con người trong imago Dei nhìn người kjhác cũng imago Dei. Từ đó họ chia sẻ tất cả những gì đến từ Thiên Chúa sang tạo cho mọi người chung quanh.

            Bác ái Kitô giáo hay tám mối phúc thật không là chuyện xa lạ nhưng nằm trong bản thể con người là imago Dei. Nên con người thiếu bác ái hay long thương người là đánh mất bản thể mình. Hơn nữa chuyện bác ái hay long thương người khác không là chuyện tuỳ hỉ, làm được thì tốt không làm được cũng không sao. Không phải thế, không làm bác ái là được liệt kê bên tay trái của Vua Kitô, quan án ngày chung thẩm, phải nhận chịi hình phạt vì đã chối bỏ hình ảnh Chúa nơi an hem mình.

     " Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
        Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
        Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ " ( Gen 1, 27).

Đề nghị đọc lại bài giáo lý Thiên Chúa sáng tạo con người mà chúng ta đã học từ còn nhỏ theo kiểu hỏi thưa:

THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI GIỒNG HÌNH ẢNH CHÚA

1.         Kinh Thánh
" Thiên Chúa phán: "Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh của Ta và để cho họ làm chủ trên trái đất " (St 1,26).

2.         Ghi nhớ

1. Thiên Chúa tạo dựng con người thế nào?
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người.

2. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người những đặc ân nào?
Thiên Chúa đã ban cho Tổ tông loài người được sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, trí khôn minh mẫn, không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng hạnh phúc ấy đã mất khi Tổ tông phạm tội.

3. Vì ý nào Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam có nữ?
Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá, để họ bổ túc cho nhau, và trong hôn nhân, họ được cộng tác với Người lưu truyền sự sống

4. Được Thiên Chúa ban cho sự sống và phẩm giá cao quý như vậy, ta phải làm gì?
Ta phải tỏ lòng biết ơn và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời cố gắng làm cho cuộc sống của ta và của mọi người ngày càng thêm tươi đẹp, và đầy yêu thương.

III.      Thực hành P.Â:

Lòng tri ân:
Người Pháp có câu “ Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim!”. Vậy người vô ơn là người không có tim. Thường người bết ơn sống đúng là con người: họ có tim, có óc, có đạo đức, có văn hóa và giáo dục. Thể hiện lòng biết ơn là một việc không dễ làm. Vì thường chúng ta có tính dễ quên hơn là dễ nhớ.

Hàng ngày nơi tôi sống, có một anh thổ dân thường xuyên lui tới xin tiền. Anh dùng tiền mua rượu uống và say mèm nằm ngủ ngay tại cửa nhà bất kể mưa gió hay trời lạnh. Nhìn anh tôi thấy sao sót xa cho kiếp người. Không biết sao anh lại lâm cảnh khốn cùng như thế: Không nhà, không gia đình, không một hiểu biết nào .... và chắc rằng anh sẽ chết sớm, vì những cái không nầy...

Thật cám ơn Chúa, không vì tôi hơn anh, nhưng vì tôi có những cái để tôi sống đúng là con người, là hình ảnh Chúa. Cám ơn Trời! Cám ơn đời!

Chúa Kitô vua:
Hoàng gia Anh là một hảnh diện cho người Anh. Nguyên chuyện tình của Cathy và hoàng tử William, hay chuyện con đầu lòng của họ cũng đã chiếm nhiều trang sách báo của các nước. Tôi không bao giờ để mắt đến. Lý do: Họ có ích gì cho người khác để mà chiêm ngưỡng hay thán phục? Hay họ chỉ là những người sống trong nhung lụa xa hoa tiêu tiền của dân chúng?

Vua nơi tôi là người hy sinh cho người khác. Vua nơi tôi là người dám chết cho người mình yêu. Vua là cho chứ không là nhận hay thụ hưởng. Chúa Giêsu đáp ứng tiêu chuẩn làm vua. Ngài hy sinh và chết vì người khác. Ai biết hy sinh và chết cho người khác là VUA.

            Chúa Nhật 34 – Lễ Chúa Kitô Vua – Kết thúc Năm Phụng Vụ

            Năm Phụng vụ được xếp đặt để trình bày toàn bộ lịch sử cứu độ: Từ khi Chúa Giêsu, con Thiên Chúa đầu thai trong lòng Trinh Nữ Maria – Sinh ra làm con người – Sống ẩn dật 30 năm – Đi truyển đạo – chịu khổ hình – chịu chết -  phục sinh và lên trời vinh hiển.

            Năm Phụng vụ cũng trình bày lịch sử cứu độ được tiếp nối bằng việc “Các con hãy đi rao giảng tin mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.... cho đến ngày Con người trở lại trong vinh quang có thiên thần hộ tống để phán xét kẻ lành người dữ từ người đầu cho đến người cuối hết.

           
            Lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc năm phụng vụ hay lịch sử cứu độ. Tất cả đến từ Thiên Chúa từ ngày đầu sáng tạo – được lãnh đạo bởi Thiên Chúa toàn năng và được kết thúc bắng việc qui về Thiên Chúa toàn năng. Qua sự bắt đầu và kết thúc nầy, Giáo Hội muốn chúng ta nhận ra:

            Thiên Chúa là Thuỷ Chung là Alpha và Omega.
            Thiên Chúa toàn năng sáng tạo vũ trụ vạn vật thật kỳ diệu và tốt lành.
            Con người không đến từ ngẫu nhiên, nhưng trong chương trình của Thiên Chúa.

            Con người được được sáng tạo giống hình ảnh Thiên chúa.
            Thiên Chúa tạo thành và điểu khiển vũ trụ vạn vật như một Ông vua hùng mạnh.

            Thiên Chúa là mục tử nhân lành: yêu thương và chăm sóc con người.
            Ngài dạy con người yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương con người.
            Ngài không chinh phục con người bằng gươm dáo nhưng bằng tình thương cứu độ.
           
            Ngày thế mạt, Ngài xuất hiện như một vị vua để phán xét:
            Bên phải vị Vua là Những người đã thương yêu người khác như Ngài đã thương yêu.

            Bên trái vị vua là những người d0ã chối bỏ bỏ hình ảnh của Ngài nơi người khác.

            Thiên Chúa là vua: Đặt luật lệ tuần hành cho vũ trụ vạn vật.
            Thiên Chúa là vua: Đặt luật lệ yêu thương trong tâm hồn con người.
            Thiên Chúa là vua: nêu gương hy sinh và chết vì tình yêu con người.
            Thiên chúa là vua: xét xử con người trên những luật lệ đã đặt định.

            Thiên chúa là vua: Làm chủ vương quốc thiên đàng, nơi dành cho con người, đã tạo dựng theo hình ảnh Thiên chúa và biết nhận ra hình ảnh Thiên chúa nơi người khác.

            Toàn năm Phụng Vụ: bắt đầu và kết thúc lịch sử cứu độ

            Lịch sử vũ trụ vạn vật bắt đầu bởi Chúa – điều hành bởi quyền phép Chúa và qui hướng vế Chúa.

            Thiên Chúa là Alpha và Omega là Thuỷ Chung.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


VÌ XƯA TA ĐÓI (23.11.2014 – Chúa nhật 34 Thường niên - Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ)
Chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi. Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích. Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.

Suy nim:
Têrêsa Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này.
Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ.
Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương,
mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.
Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau.
Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.
“Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người,
dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.”
Ðoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay,
vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua,
có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển.
Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân,
tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh.
Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.
Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa
dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài,
mà họ không hề hay biết.
Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc.
Ngài ở trong những người cùng khốn.
Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát,
khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù
mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.
Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người,
qua những người hèn kém đáng thương nhất.
Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.
Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa
để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.
Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi.
Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích.
Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.
Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích,
nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.
Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta
như vị vua giả trang làm người hành khất.
Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên
khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.
“Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu.”
Tội lớn nhất là tội thiếu sót: không làm điều phải làm.
Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay
xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài.
Những người mù chữ, những trẻ em đường phố,
những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương,
những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ,
những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê,
những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.
Phải làm một việc gì đó cụ thể
để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.
Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó
để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ,
vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn bảy trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu:
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Lectio Divina: Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ (A)
Chúa Nhật, 23 Tháng 11, 2014
Chúa Giêsu tự nhận mình là anh em với những kẻ bé mọn nhất
Điều kiện để được vào Nước Trời
Mt 25:31-46


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý, Đấng được Chúa Giêsu sai đến để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh Thánh.  Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành mảnh đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa.  Xin giúp chúng con tìm hiểu giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong cuộc sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.

 2.  Bài Đọc 

a)  Bối cảnh:
Bài Tin Mừng của chúng ta là một phần của Bài Giảng thời cánh chung (Mt 24:1-25, 46) của Chúa Giêsu trên núi Cây Dầu giảng riêng cho các môn đệ của Người (24:3).  Bài giảng bắt đầu với lời công bố về sự phá hủy đền thờ Giêrusalem để nói về ngày tận thế.  Hai sự kiện trở thành lẫn lộn y như thể chúng là một.  Phần này của bài giảng kết thúc với cuộc quang lâm của Con Người với sự uy nghi và vinh hiển.  Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn (24:30-31).  Ở đây, thứ tự thời gian của các sự kiện được công bố bị gián đoạn bởi việc chen vào của một số dụ ngôn cần thiết hầu cảnh giác để khỏi bị mắc lừa bởi cuộc quang lâm của Con Người (24:24-25, 30).  Bài giảng về thời cánh chung đạt đến tột đỉnh văn học và thần học của nó trong đoạn Tin Mừng của chúng ta.  Phần Tin Mừng này liên quan với các câu Mt 24:30-31 và nói một lần nữa về cuộc quang lâm của Con Người cùng với các thiên thần hầu cận của Người.  Việc tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn ở đây có hình thức của ngày phán xét cuối cùng. 
b)  Phúc Âm:  
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người.  Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê.  Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.  Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng:  ‘Hãy đến hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ.  Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm, Ta vị tù đày, các ngươi đã đến với Ta.’  Khi ấy người lành đáp lại rằng:  ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng tôi thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng tôi thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày má chúng tôi đến viếng Chúa đâu?’  Vua đáp lại:  ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi:  những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.’
Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng:  ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng.  Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn, Ta khát, các ngươi không cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc, Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’  Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng:  ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng tôi chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’  Khi ấy Người đáp lại:  ‘Ta bảo thật cho các ngươi biết:  những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta.’  Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu.’”   

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Chúa Giêsu dùng tiêu chuẩn nào để phân loại người ta?   
b)  Ai là những anh em bé mọn nhất của Chúa Giêsu mà chính Người tự nhận?                                                                                                                                                                                 
c)  Chúa Giêsu đã cho thấy sự ưu ái đến những kẻ bé mọn trong đời sống của Người như thế nào? 
d)  Ai là những anh em bé mọn nhất của Chúa Giêsu mà tôi đã gặp?
e)  Tôi có đủ khả năng để nhìn thấy, yêu thương và phục vụ Chúa Giêsu trong họ không?  
5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc


Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
  • Con Người:
Con Người là một lối nói của người Do Thái mà chỉ đơn giản có nghĩa là người phàm (xem ví dụ sự tương đương giữa “phàm nhân” và “con người” trong Thánh Vịnh 8:5).  Sách tiên tri Êgiêkien thường xử dụng chữ này với ý nghĩa này khi Thiên Chúa nói với ông như “con người” (2:1,3,6,8; 3:1,2,4,10,16+) để nhấn mạnh khoảng cách giữa Thiên Chúa là Đấng siêu việt và ngôn sứ chỉ là một phàm nhân.  Tuy nhiên, trong sách tiên tri Đanien 7:13-14, từ ngữ này có một ý nghĩa đặc biệt. Vị tiên tri nhìn thấy “trong đám mây trên trời, có ai như con người đang ngự giá mà đến”, Đấng nhận lãnh từ Thiên Chúa “quyền thống trị, vinh quang và vương vị”.  Tuy nhiên, văn bản này vẫn còn nói về một người phàm được đưa vào trong phạm vi của Thiên Chúa.  Văn bản đã được giải thích trong cả hai ý nghĩa cá nhân và tập thể, nhưng luôn luôn trong một ý nghĩa thiên sai.  Do đó, bất kỳ chúng ta đang đề cập tới một người hoặc tới tất cả Dân Chúa, Con Người là Đấng Mêssia, Đấng đem lại Vương Quốc Thiên Chúa, một vương quốc trường cửu và phổ quát.
Việc dùng chữ “Con Người” để nói đến Đức Giêsu như được áp dụng trong sách tiên tri Đanien, các câu 7:13-14, thì rất là phổ biến trong các sách Tin Mừng.  Chúng ta cũng tìm thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ câu 7:56 và sách Khải Huyền các câu 1:13 và 14:14.  Các học giả nghĩ rằng Đức Giêsu đã tự cho mình danh hiệu này.  Trong sách Tin Mừng theo Mátthêu, từ ngữ này được dùng để nói về Chúa Giêsu đặc biệt khi Người nói về cuộc thương khó của mình (17:12, 22; 20:18, 28), sự phục sinh của Chúa như là một biến cố có tính cánh chung (17:19; 26:64) và cuộc trở lại vinh hiển của Người (các câu 24:30 và 25:31, phần đầu của bài Tin Mừng chúng ta).    
  •   Chúa Giêsu vua, vị quan tòa và người mục tử:
Tác giả Mátthêu cũng trao cho Chúa Giêsu tước hiệu vua (1:23; 13:41; 16:28; 20:21).  Vương quyền của Thiên Chúa là một chủ đề rất thân thiết với Kinh Thánh. Bởi vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người ngự trị cùng với Chúa Cha.  Trong bài Tin Mừng của chúng ta, nhà Vua là Đức Giêsu, nhưng Người thực hiện vương quyền của mình trong mối quan hệ chặt chẽ với Chúa Cha.  Những kẻ được tuyển chọn là “những kẻ được Cha Ta chúc phúc” và vương quốc mà họ được mời vào là vương quốc đã được chuẩn bị cho họ bởi Thiên Chúa, như động từ ở trong thể thụ động cho thấy.  Thể này của động từ, được gọi là sự thụ động thiêng liêng, thường được thấy trong Kinh Thánh và luôn luôn có Thiên Chúa là chủ thể hàm ý của nó. Trong đoạn Tin Mừng này, vương quốc chỉ về sự sống đời đời.
Như trong sách tiên tri Đanien chương 7 (đặc biệt các câu 22, 26, và 27), trong bài Tin Mừng của chúng ta, địa vị hoàng tộc của Con Người được kết nối với sự phán xét.  Nhà vua, đặc biệt trong thời cổ sơ, đã luôn luôn được coi là quan tòa tối cao. Sự phán xét mà Đức Giêsu thi hành là sự phán xét chung, cuộc xét xử có liên quan đến mọi dân tộc (câu 32).  Nhưng nó không phải là một sự phán xét tập thể.  Không phải là sự phán xét của các dân tộc mà là sự phán xét của từng cá nhân.
Trong cùng một cách, biểu tượng mục vụ được liên kết với tư cách vương quyền. Trong thời cổ đại, nhà vua thường được xem như là người chăn chiên cho dân tộc mình (xem ví dụ Thánh Vịnh 23; Is 40:11; Êd 34) và Tân Ước cũng áp dụng danh vị này cho Chúa Giêsu (Mt 9:36; 26:31; Ga 10).  Trong thời Chúa Giêsu, những người mục tử tại vùng Đất Thánh chăn dắt các đàn chiên và dê hỗn hợp.  Tuy nhiên, vào ban đêm, chúng được tách rời ra bởi vì chiên thì ngủ ngoài trời trong khi dê thì ưa ngủ trong chuồng.  Trong bài Tin Mừng của chúng ta, các con chiên đại diện cho những người được chọn bởi vì chúng có giá trị hơn dê và bởi vì màu lông trắng của chúng thường có nghĩa là sự cứu rỗi trong Kinh Thánh.     
  •   Các anh em bé mọn nhất của Ta:
Theo truyền thống, đoạn Tin Mừng này được giải thích với ý nghĩa rằng Đức Giêsu đã tự nhận mình với những kẻ nghèo hèn và bị rẻ rúng.  Chúa Giêsu sẽ phán xét tất cả mọi người, và đặc biệt những ai đã không có cơ hội để biết Tin Mừng của Người, theo lòng thương xót mà họ đã dành cho những người khốn khổ.  Tất cả mọi người đều có cơ hội chào đón hoặc từ chối Chúa, nếu không phải là chính Người, thì ít nhất là trong con người của kẻ cùng khốn nhất mà Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với họ.
Chú giải Kinh Thánh hiện đại có xu hướng đọc văn bản với một ý nghĩa giáo hội học hơn:  Nó được đặt bên cạnh các câu của Mt 10:40-42 và các nhà chú giải Thánh Kinh nhấn mạnh rằng đó không phải là một vấn đề về công tác từ thiện mà là một sự đáp trả với Tin Mừng Nước Trời được rao truyền qua những người anh em của Chúa Giêsu, ngay cả bởi những kẻ bé mọn nhất trong bọn họ, không cứ chỉ bởi những người lãnh đạo Giáo Hội mà thôi.
Vì thế các dân tộc, đó là các dân ngoại, được mời gọi để đón chào các môn đệ của Chúa Giêsu là những người đi rao giảng Tin Mừng cho họ và chịu khó nhọc vì lợi ích của việc ấy, giống như họ đang tiếp đón chính Đức Giêsu.  Về phần các Kitô hữu, họ được mời gọi thực hành việc quảng đại hiếu khách đối với anh em của họ là những người đi đây đó rao giảng Tin Mừng và chịu sự bách hại (xem 2Ga 5-8). Theo cách này, họ sẽ bày tỏ tính xác thật của sự quyết tâm làm môn đệ của mình.
Trong bối cảnh Tin Mừng của Mátthêu, lối giải thích thứ hai này có lẽ chính xác hơn.  Tuy nhiên, trong bối cảnh của toàn bộ Kinh Thánh (xem ví dụ Is 58:7; Gr 2:1-9; 1Ga 3:16-19) lời giải thích thứ nhất không thể bị loại bỏ hoàn toàn.

6.  Thánh Vịnh 47                                                                       
Đức Mêssia-Vua khuyến khích công lý và hòa bình
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!

Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn!
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất!

Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự!

Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.

Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại!
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.

Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
A-men. A-men!
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã thiết lập Đức Giêsu, Con của Chúa, làm vua và là quan tòa vũ trụ.  Người sẽ đến vào ngày tận thế để phán xét tất cả mọi dân tộc. Người đến với chúng con mỗi ngày trong hàng ngàn cách và đòi hỏi chúng con chào đón Người.  Chúng con gặp Người trong Lời Chúa và trong việc bẻ bánh. Nhưng chúng con cũng gặp Người trong anh chị em khốn cùng của chúng con, trong những người đói khổ, bị áp bức, bất công, bệnh tật và bị sỉ nhục của xã hội chúng con.  Xin Chúa hãy mở lòng chúng con để chúng con có thể chào đón Người trong đời sống chúng con ngày hôm nay hầu chúng con có thể được Chúa chào đón vào trong vương quốc đời đời của Người.  
Chúng con cầu xin điều này nhờ Đức Kitô là Chúa của chúng con.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét