Ngày đầu tiên của Ðức Giáo
Hoàng Phanxicô tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara, Turky (VietCatholic
News 28-11-2014) - Ðúng 13.00 giờ, giờ Ankara, chuyến máy bay Alitalia chở Ðức
Phanxicô và đoàn tùy tùng đã đáp xuống phi trường Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ðức Giáo
Hoàng tươi cười bước xuống máy bay, tới bắt tay chào hỏi các vị vọng Thổ Nhĩ
Kỳ, quay mặt lại chào tiểu đội danh dự bồng súng chào, rồi tiến vào phòng danh
dự của Phi Trường. Khung cảnh bên trong không được phát hình, nên không rõ nghi
lễ tiếp đón ngài như thế nào.
Chừng 15 phút sau, Ðức
Phanxicô xuất hiện và lên xe hơi rời phi trường để vào thành phố. Chỉ có một xe
môtô hộ tống, dù số xe hơi đi theo khá đông. Lúc xe mới bắt đầu chuyển bánh,
chỉ có hai nhân viên an ninh đi bên cạnh xe của Ðức Giáo Hoàng. Truyền hình
ngưng phát hình, khi đoàn xe vừa rời khỏi phi trường. Không như chuyến viếng
thăm Quốc Hội Âu Châu mới đây, khi mọi di chuyển của Ðức Giáo Hoàng đều được
trực tiếp truyền hình. Cũng không có cảnh dân chúng chào đón Ðức Giáo Hoàng tại
sân bay, như ở phi trường Strasbourg. Tuy nhiên số phóng viên và nhiếp ảnh gia
không thua gì biến cố Strasbourg.
Mãi tới 13 giờ 45, giờ địa
phương, truyền hình cũng không có hình ảnh nào về đoàn xe chở Ðức Giáo Hoàng vào
thành phố. Thay vào đó là hình ảnh công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô hoặc hàng
chữ TRT The Pope's Visit to Turkey.
Hurriyet Dailynews ở Ankara,
dù thuật lại chi tiết từng giờ ngày đầu tiên của chuyến đi, cũng không nói
nhiều về buổi tiếp đón tại phi trường Esenboga. Sau đây là tường trình của họ:
13.45 - Máy bay Ðức Giáo
Hoàng hạ cánh xuống Phi Trường Esenboga, Ankara.
13.58 - Ðức Giáo Hoàng tới
Anitkabir, lăng "cha già dân tộc" Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Ataturk. Tờ bao
viết rằng "Với một quyết định không định trước, ngài đã sử dụng 'Con Ðường
Sư Tử' trước khi tôn kính nhà sáng lập của Thổ Nhĩ Kỳ".
13.59 - Ðức Giáo Hoàng cầu
nguyện trước mộ Ataturk
14.01 - Ðức Giáo Hoàng viết
sổ lưu niệm tại Anitkabir. Thổ Nhĩ Kỳ không những là cây cầu tự nhiên giữa hai
lục địa, ngài viết thế trước khi mong muốn nước này cũng trở nên "một nơi
đối thoại". Trước đó, có tường trình cho hay "đối thoại" sẽ là
tập chú của chuyến đi. Thực vậy, theo ký giả Sevil Erkus, cũng của tờ Hurriyet
Dailynews, giữa nhiều bất ổn đang diễn ra ở Trung Ðông, cuộc thăm viếng của Ðức
Giáo Hoàng đang được coi như một cơ hội để cổ vũ đối thoại và khoan dung giữa
người Hồi Giáo và người Kitô Giáo cũng như giữa Vatican và Giáo Hội Chính Thống
Giáo. Ðây cũng là nhận định của phát ngôn viên bộ ngoại giao Thổ, Tanju Bilgic.
Ông này nói rằng vấn đề "liên minh giữa các nền văn minh, đối thoại giữa
các nền văn hóa, việc bài ngoại, cuộc chiến chống kỳ thị chủng tộc và việc phát
triển chính trị trong vùng" sẽ thuộc nghị trình của chuyến viếng thăm này.
14.02 - Trong một động thái
không định trước khác, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô viếng viện bảo tàng Atatuk bên
trong Anitkabir.
14.08 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô rời viện bảo tàng tới trung tâm chỉ huy quân sự Anitkabir nghỉ ngơi
trong chốc lát.
14.21 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô rời Anitkabir. Ðoàn hộ tống đưa ngài tới dinh mới xây, vốn gây tranh
cãi, của tổng thống tên là "Ak Saray" (Bạch Dinh), nơi người ta cho
rằng ngài sẽ đọc bài diễn văn mở đầu kết án bạo lực do những người quá khích
gây ra nhân danh Thiên Chúa và bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu và các
nhóm tôn giáo thiểu số khác từng bị người duy thánh chiến tại Syria và Irak tấn
công.
14.28 - Tổng Thống Recep
Tayyip Erdogan rời dinh tổng thống ra gặp Ðức GH Phanxicô tại cổng dinh thự vĩ
đại thuộc Khu Bestepe tại Ankara. Các kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ từng kêu gọi Ðức
Giáo Hoàng không tham dự nghi lễ tại Dinh Ak Saray "không có phép xây
dựng" này. Nhưng phát ngôn viên Tòa Thánh cho hay: nghi thức ngoại giao
không cho phép khách mời yêu cầu địa điểm được nguyên thủ quốc gia nơi đến tiếp
đón.
14.36 - Xe Ðức Giáo Hoàng tới
dinh, được hộ tống bởi đoàn vệ binh cỡi ngựa đúng nghi thức.
14.37 - Tổng Thống Erdogan
chào mừng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tại cổng Dinh Tổng Thống.
14.43 - Nghi thức chào mừng
chấm dứt. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được
tiếp đón tại dinh tổng thống mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nhà lãnh đạo bước vào tòa
nhà chính để hội kiến với nhau. Người ta mong đợi Ðức Giáo Hoàng sẽ xuất hiện
trong cuộc họp báo chung chưa từng có; cuộc họp báo này sẽ được truyền hình,
sau buổi hội kiến.
16.01 - Tổng Thống Recep
Tayyip Erdogan và Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức buổi họp báo chung tại Dinh
Tổng Thống tại Ankara sau khi hội kiến với nhau. Hai nhà lãnh đạo không dự định
trả lời các câu hỏi.
16.03 - Sau khi đả kích
"chủ nghĩa bài ngoại và kỳ thị chủng tộc tại Tây Phương", Tổng Thống
Erdogan cho hay sở dĩ "các tổ chức khủng bố như ISIL, Boko Haram và
al-Qaeda có khả năng khai thác người ta" là vì các thất bại về chính sách.
16.07 - "Các cuộc đảo
chánh quân sự, các cuộc tàn sát, vi phạm nhân quyền và đổ máu tại một số quốc
gia đã không được thế giới phản ứng một cách thích đáng. Thực vậy, chúng gần
như được khuyến khích" Ông Erdogan nói như thế, và mô tả các hành động của
quốc tế là "hai mặt" đặc biệt là "chủ nghĩa khủng bố PKK"
(của người Kurd) và các chính sách của chế độ Syria.
16.09 - Nhấn mạnh đến
"các cải tổ có tính lịch sử" của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "từng cải
thiện quyền lợi cho các nhóm thiểu số", Tổng Thống Erdogan nói rằng Thổ
Nhĩ Kỳ sẵn sàng giúp "tạo ra các giải pháp chống kỳ thị chủng tộc, kỳ thị
Hồi Giáo và bất khoan dung" trong khi cũng nhắc tới Liên Minh Các Nền Văn
Minh, một sáng kiến chung của Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha.
16.11 - Tổng Thống Erdogan
nói thêm: "Chúng ta dò thấy và cảm thấy nguy cơ đang đến, mời gọi nhân
loại phải đề cao cảnh giác".
16.14 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô bắt đầu bài diễn văn của ngài bằng cách nhận định rằng Anatolia là một
địa điểm hành hương của các Kitô hữu khắp thế giới.
16.16 - Ngài nói rằng
"Chúng ta cần đối thoại. Người Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Kitô Giáo nên có
cùng các quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trước pháp luật".
16.18 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do báo chí; ngài nói thêm rằng thế
giới, nhất là Trung Ðông, đang chờ đợi sự "nở rộ" của nền dân chủ.
16.20 - Ðức Giáo Hoàng kêu
gọi: cảnh huynh đệ tương tàn ở Trung Ðông phải được chặn đứng, và chủ nghĩa
cuồng tín và cực đoan phải bị mọi người chống lại. Ngài nói thêm: "các
cuộc tấn công khủng bố được nhìn thấy đặc biệt tại Iraq và Syria, trong đó,
nhiều cuộc tấn công nhắm vào các nhóm thiểu số". Ngài cám ơn Thổ Nhĩ Kỳ đã
đón nhận người tỵ nạn chiến tranh một cách đại lượng.
16.23 - Rõ ràng nói tới cuộc
chiến quốc tế chống ISIL, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: "Các vấn đề
[tại Trung Ðông] không thể được giải quyết bằng duy các phương tiện quân sự mà
thôi. Chủ nghĩa cuồng tín và chủ nghĩa cực đoan và cả các nỗi sợ sệt vô lý vốn
nuôi dưỡng hiểu lầm và kỳ thị, cần được phản công bằng tình liên đới giữa các
tín hữu".
16.24 - Kết luận bài diễn
văn, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm trong việc
giải quyết các vấn đề trong vùng. Ngài nói: "Thiên Chúa chúc lành cho Thổ
Nhĩ Kỳ và biến nó thành người xây dựng hòa bình vĩ đại". Hai nhà lãnh đạo
rời phòng họp báo với nhau sau khi đã bắt tay nhau.
17.15 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô tới Nha Giám Ðốc Tôn Giáo Sự Vụ của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Diyanet, để gặp
vị trưởng cơ quan này là Mehmet Gormez. Sau cuộc hội kiến, người ta mong sẽ có
cuộc họp báo chung.
17.32 - Trong cuộc họp báo
chung, trưởng cơ quan Diyanet là Mehmet Gormez nhấn mạnh rằng Hồi Giáo là một
"tôn giáo của hòa bình". Ông cho hay: "Chúng ta đã kéo thế giới
tới bờ đại họa bằng chính bàn tay chúng ta. Chúng ta không thể đổ trách nhiệm
lên đầu các sức mạnh của sự ác". Ông cho rằng mọi người đều có trách nhiệm
đối với việc diễn ra các thảm kịch hiện nay. Những kẻ lên tiếng nhân danh Thiên
Chúa, như những kẻ cực đoan chẳng hạn, dĩ nhiên, cũng là thành phần gây ra vấn
đề. Chủ nghĩa khủng bố là "làm loạn chống lại Thiên Chúa, và trong tư cách
người Hồi Giáo, chúng tôi bác bỏ chủ nghĩa qúa khích và việc đổ máu này".
17.43 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô bắt đầu bài diễn văn của ngài bằng cách cám ơn ông Gormez "trong
tư cách trưởng đáng kính của định chế quan trọng này".
17.48 - Sau khi nhắc lại rằng
Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã viếng Diyanet trong chuyến viếng thăm Thổ
Nhĩ Kỳ năm 2006, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay "đối thoại đang thu hái
được nhiều tầm quan trọng hơn trong thời điểm có nhiều khủng hoảng này"
như "thảm kịch" đang diễn ra tại Iraq và Syria.
17.50 - Ðức Giáo Hoàng
Phanxicô nhấn mạnh tới các thực hành tôn giáo chung của Kitô hữu và người Hồi
Giáo như tôn kính Ápraham, coi ngài như tổ phụ, và ăn chay. Kết thúc bài diễn
văn, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ông Gormez.
18.00 - Chương trình chính
thức trong ngày đầu tiên viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chấm
dứt.
Vũ Văn An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét