Trang

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Đàn ông và đàn bà: khác nhau và bổ túc cho nhau

Đàn ông và đàn bà: khác nhau và bổ túc cho nhau

Hai bài trước, chúng tôi đã lược qua diễn biến lịch sử của ý niệm bổ túc nam nữ, mà đỉnh cao là các giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, nhân dịp Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tổ chức hội luận liên tôn về chủ đề này. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Tòa Thánh tổ chức hội luận về chủ đề bổ túc nam nữ; năm 2004, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân đã từng tổ chức một buổi hội thảo về chủ đề này rồi. Điều này chứng tỏ Giáo Hội hết sức quan tâm tới nguyên tắc nền tảng này, không có nó, hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà trở thành vô nghĩa, không cần thiết. Trong bầu khí sôi động hiện nay, nhất là sau khi, tại THĐ hồi tháng Mười, một số người ráng đưa ra chủ trương nhằm làm mờ nhạt tính bổ túc này với mưu toan muốn “chào đón” luôn những cuộc kết hợp đồng tính, thì việc duyệt lại nó quả là một việc hợp thời và cần kíp. Trong bài này, để biết rõ hơn diễn biến của ý niệm bổ túc nam nữ trong Giáo Hội Công Giáo, xin trình bày thêm các nhận định của một số vị tham dự kỳ hội thảo 2004, với chủ đề: Đàn Ông và Đàn Bà, Tính Đa Dạng và Tính Bổ Túc Hỗ Tương.

1. Đức TGM Stanislaw Rylko, Chủ Tịch HĐGH về Giáo Dân

Đức TGM cho rằng: nền văn hóa hiện thời đang thách thức những khía cạnh có tính sinh tử nhất của nhân sinh, một cách sâu xa đến nỗi đang lật ngược lại cái hiểu của ta về bản tính con người, và đặc biệt về bản sắc tính dục của họ và mối tương quan giữa các giới tính. Việc bóp méo này nhất định gây ảnh hưởng tới tương lai nhân loại. Trong bầu khí “duy đa tính dục” (pansexualism) hung hãn hiện nay, với những hậu quả thảm hại của nó, nền văn hóa hiện thời đang đề xuất và đang áp đặt nhiều mô thức cho bản sắc tính dục và mối tương quan giữa các giới tính, những mô thức không những chỉ phiến diện và có tính giản lược, mà thường còn méo mó và tự huỷ hoại nữa. 

Cuộc hội thảo hai ngày về “Đàn bà và đàn ông: tính đa dạng và tính bổ tức hỗ tương” được HĐGH về Giáo Dân tổ chức tại Vatican trong các ngày 30-31 tháng Giêng năm 2004 đã xem xét môi trường văn hóa này trong một cuộc tranh luận thấu đáo về bản chất của bản sắc tính dục nơi con người nhân bản và mối tương quan giữa người đàn ông và người đàn bà… Việc thường xuyên duyệt xét vấn đề này của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân là để đáp đứng đòi hòi cấp bách phải học hỏi sâu xa vấn đề này hơn nữa, một đòi hỏi đã được nêu ra trong Tông Huấn Christifideles Laici; trong văn kiện này, Đức GH nói rằng “điều kiện để đảm bảo chỗ đứng chính đáng của người đàn bà trong Giáo Hội và trong xã hội là phải đào sâu hơn nữa và xem xét chính xác nền tảng nhân học của nam tính và nữ tính với ý hướng làm sáng tỏ bản sắc có tính bản vị của người đàn bà trong tương quan với người đàn ông, nghĩa là, đa dạng nhưng bổ túc cho nhau, không những trong các vai trò phải đóng và các chức năng phải thực hiện, mà còn trong cả cơ cấu và ý nghĩa của con người nàng nữa.

“Các nghị phụ THĐ từng cảm nhận đòi hỏi trên một cách sâu xa, nên đã chủ trương rằng ‘các nền tảng nhân học và thần học để giải quyết các vấn đề liên quan tới ý nghĩa và phẩm giá đích thực của mỗi người đòi phải được nghiên cứu sâu sắc hơn nữa’”. Đoạn trích dẫn từ tông huấn này cho ta thấy một phương pháp học quan trọng cần được đánh giá cao. Vì chỉ nhờ dựa vào các nền tảng nhân học và thần học vững chắc, ta mới nắm vững được một cách trọn vẹn ý nghĩa của việc làm đàn bà hay làm đàn ông và phẩm gía từ ý nghĩa này phát sinh ra. Do đó, ta phải bắt đầu từ gốc rễ, từ chính cơ cấu của con người nhân bản, một con người không bao giờ hiện hữu như một hữu thể trung tính, mà luôn hiện hữu như một hữu thể có giới tính. 

Đức GH Gioan Phaolô II từng viết rằng “chức phận đàn bà và chức phận đàn ông bổ túc cho nhau không chỉ theo quan điểm thể lý và tâm lý, mà còn theo quan điểm hữu thể học nữa. Chỉ nhờ nhị nguyên tính ‘nam’ và ‘nữ’ mà ‘con người nhân bản’ tự thể hiện được mình cách đầy đủ”. Ở đây, Đức Gioan Phaolô II không nói một cách trừu tượng, nhưng khẳng định một thực tại mang nhiều hệ lụy sâu xa và rất thực đối với cuộc sống mọi người. Người ta rất đúng khi cho rằng ta sinh ra là nam là nữ, nhưng đã trở thành đàn ông đàn bà. Như thế, làm cách nào giúp người đương thời cảm nhận được thực tại này cách trọn vẹn, có trách nhiệm và trưởng thành? Đó là thách thức ta phải sẵn sàng đương đầu. 

Cuộc hội thảo lần này nhằm đưa ra một suy tư sâu rộng trong bối cảnh có nhiều biến đổi về văn hóa và xã hội. Chính vì thế phần đầu của cuộc hội thảo dành cho việc phân tích các khía cạnh văn hóa và nhân bản, nhất là các thay đổi đang diễn ra trong phong tục và luân lý. Mục đích là để lược duyệt và cố gắng hiểu được hướng đi của mọi người nam nữ ở buổi đầu của tân thiên niên kỷ này. Các tham luận nhấn mạnh tới các hạn chế và bất cập của những chủ trương như thuyết duy nữ chẳng hạn, một chủ trương hiện đang ở trong tình trạng dật dờ, và cho thấy nhu cầu phải tái khẳng định các nền tảng nhân học và thần học cho các bản sắc “nam” và “nữ”, và đặc biệt khảo sát các lối sống chuyên biệt theo các đặc điểm của mỗi giới tính, nhưng nhấn mạnh nhiều tới chức phận làm cha. 

Vì các vấn đề về phẩm giá, tham gia vào đời sống xã hội và bình đẳng giữa các giới tính đã trở thành một phần cấu tạo ra một số chiến lược đang được thực thi trên bình diện quốc tế bởi nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có LHQ và các cơ quan của nó, cũng như khá nhiều tổ chức phi chính phủ khác, nên ta phải trình bày rõ khuôn khổ văn hóa xã hội, cẩn thận xem xét những gì đang diễn ra trong các diễn đàn hết sức quan trọng này. Ta đừng quên rằng các khuyến cáo và nghị quyết thông qua tại các hội nghị quốc tế thường trở thành khí cụ được dùng để tạo áp lực đối với các nhà lập pháp tại các nước hội viên LHQ. Chính trên bình diện này, giá trị tiếng nói của Tòa Thánh, vốn bị coi là “tiếng kêu trong sa mạc”, có thể được đánh giá, chứ không phải là tiếng nói cần dập tắt. Tất cả các vấn đề này được bàn ở phần hai của cuộc hội thảo. Các tham luận đặc biệt nhấn mạnh tới cách thế đánh phá hệ thống giá trị cổ truyền của các hội nghị do LHQ tổ chức trong thập niên 1990, nhất là tại Cairo năm 1994 và tại Bắc Kinh năm 1995. Cách thế này dựa vào ý niệm cho rằng mọi sự đều được cấu tạo hay phá hủy là tùy theo các giá trị đang thịnh hành vào một lúc nào đó trong lịch sử, nên họ đã đưa ra nhiều chiến lược nhằm tạo ra thứ triết lý sống mới có tính quốc tế dựa trên chủ nghĩa duy cá nhân, một chủ nghĩa khiến người ta khó có thể đưa ra được một phán đoán khách quan nào về quyền lợi và trách nhiệm của con người đối với chính mình và đối với người khác. 

Phần thứ ba, và là phần chính, của cuộc hội thảo dành cho việc nghiên cứu huấn quyền của Giáo Hội liên quan tới tính đơn nhất hai mặt của con người nhân bản. Maria Teresa Garutti Bellenzier, chủ tịch Hiệp Hội Văn Hóa “Progetta Donna” và Đức Cha Carlo Caffarra, TGM Bologna, trình bày các suy tư với đầy đủ tài liệu về vai trò của phụ nữ trong lịch sử cứu rỗi, nhằm đưa ra các sự thật sâu sắc nhất về nữ tính. 

Cũng nên biết các tham luận của cuộc hội thảo đã được in thành sách với tựa đề bằng tiếng Anh là “Men and Women: Diversity and Mutual Complementarity, Seminar, 30-31 January 2004” (Đàn Ông và Đàn Bà: Tính Đa Dạng và Tính Bổ Túc Hỗ Tương, Hội Thảo, 30-31 Tháng Giêng 2004).

Sau đây là tóm lược hai tham luận tiêu biểu tại kỳ hội thảo vừa nói

2. Tham luận của Garutti Bellenzier 

Garutti Bellenzier cho thấy giáo huấn của Giáo Hội về bản sắc đàn ông và bản sắc đàn bà đã khai triển ra sao trong Giáo Hội. Bà xem xét bản sắc của họ trong (i) kế hoạch Thiên Chúa dành cho tạo dựng, (ii) “lối giải thích truyền thống”, (iii) “giáo lý của Đức Gioan Phaolô II”, và (iv) “giáo huấn hiện thời”. Tất cả các lối giải thích này đều bắt nguồn từ “các trình thuật tạo dựng” trong các chương 1-3 của Sách Sáng Thế (chương 1 và 2 nói về việc tạo dựng người đàn ông và người đàn bà; chương 3 nói về việc họ sa ngã). Tất cả các lối giải thích truyền thống đều dựa trên lối giải thích của Thánh Phaolô về các bản văn Thánh Kinh này. 

Nhắc tới “lối giải thích truyền thống”, Garutti-Bellenzier nhấn mạnh rằng trình thuật tạo dựng thứ hai (St 2:7, 15-24) ảnh hưởng tới việc hình thành ra nền nhân thần học trong giáo huấn của Giáo Hội. Trong 1Cor. 11:7-10), Thánh Phaolô “minh nhiên quả quyết rằng người đàn ông được dựng nên giống hình ảnh và vì vinh quang Thiên Chúa, trong khi người đàn bà dược dựng nên giống hình ảnh người đàn ông, phát xuất từ chàng và được dựng nên vì chàng”. Dù một số Giáo Phụ nhận rằng người đàn bà được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng các ngài coi việc này có ý nói tới linh hồn thuần lý và thiêng liêng, chứ không nói tới giới tính, vì dị biệt giới tính thuộc lãnh vực thân xác. Nói chung, ý tưởng trổi vượt nơi các ngài vẫn là bác bỏ bản chất giống Thiên Chúa (theomorphic) của người đàn bà, người mà các ngài coi như buộc phải tùng phục chồng (xem Eph 5:22-24; 1Tm 2:11-15). Hơn nữa, các giáo phụ còn coi Evà như là nguyên mẫu của sự yếu đuối nữ giới và của việc dễ bị cám dỗ, trong khi Ađam được coi như người phạm tội để làm vui lòng vợ. Các giáo phụ cũng cho rằng người đàn ông cao trọng hơn người đàn bà trong việc sinh sản vì là tác nhân tích cực của nó, và tội lỗi truyền tới con cháu qua dòng giống (seed) của ông. Trong căn bản, truyền thống giáo phụ này sau đó đã trở thành truyền thống của kinh viện. Thánh Tôma Aquinô cho hay sự trợ lực duy nhất của người đàn bà đối với người đàn ông là sinh sản, còn đối với mọi nhu cầu khác, một người đàn ông khác sẽ là một trợ lực tốt hơn, mặc dù cùng đích của nàng cũng là để kết hợp với Thiên Chúa trong cõi vĩnh phúc, y hệt như chàng (xem Summa Theologiae, 1, 92,1 và 1, 98, 2). 

Garutti Bellenzier nhận định rằng lối giải thích trên không được phát biểu trong bất cứ tuyên bố minh nhiên nào của huấn quyền nhưng được phát biểu qua các thực hành trong Giáo Hội. Sau đó, bà chứng minh rằng các bài giáo lý thứ Tư hàng tuần của Đức Gioan Phaolô II về các trình thuật tạo dựng trong St 1-2 (“thần học thân xác”) đã đưa ra một lối giải thích rất khác với lối giải thích “truyền thống” trên. 
Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tới bản chất “thần học” của trình thuật thứ nhất, theo đó, cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Rồi ngài tập chú vào trình thuật thứ hai, một trình thuật, trước hết, có tính chủ quan (nghĩa là nói về các chủ thể hay bản vị) và có tính tâm lý học. Ngài lý luận rằng sự cô đơn của người đàn ông là một vấn đề nhân học căn bản, phát sinh từ chính bản tính của họ. Ngài gọi sự cô đơn này là sự cô đơn nguyên thủy của người đàn ông qua đó, họ hiểu ra rằng chính vì thân xác mình, họ “đơn độc” trước Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II quả quyết rằng “đàn ông” chỉ ra khỏi nỗi cô đơn này với việc dựng nên người đàn bà: chính “nhờ sáng kiến sáng tạo của Thiên Chúa [mà] người đàn ông cô đơn [đã xuất hiện] trong tính hợp nhất kép của chàng như là nam và nữ… Bằng cách này, ý nghĩa của sự hợp nhất nguyên thủy của người đàn ông, nhờ nam tính và nữ tính, đã được phát biểu như một cuộc thắng vượt sự cô đơn và khám phá ra mối tương quan thích đáng với con người và do đó như một mở cửa chờ mong sự hiệp thông các ngôi vị”. Chính trong sự hiệp thông này “con người trở thành hình ảnh của Thiên Chúa”. 

Như thế, trình thuật thứ hai được coi như một chuẩn bị để ta hiểu ý niệm Ba Ngôi của hình ảnh Thiên Chúa. Vì Ađam nhìn nhận Evà là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”, nên tính đồng nhất (homogeneity) như những ngôi vị của họ đã được nhấn mạnh, nhưng tính đồng nhất này bao gồm cả thân xác và tính dục, vốn cấu thành hữu thể họ như những ngôi vị. Hơn nữa, vì cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều cảm thấy xấu hổ vì sự trần truồng của mình sau khi sa ngã, nên điều này cho thấy cả hai đều là nguyên nhân gây ra sự sa ngã của họ khiến họ ra xa lạ với Thiên Chúa và với nhau. Lối giải thích của Đức Gioan Phaolô II về các bản văn then chốt này chắc chắn khác với lối “giải thích cổ truyền”.

Liên quan tới việc người đàn ông thống trị tạo dựng (và thống trị người đàn bà) cũng như nhiệm vụ của nàng phải tùng phục chàng, trongMulieris Dignitatem, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng “cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều là những hữu thể nhân bản theo cùng một mức độ như nhau, cả hai đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” … và cả hai đều được ủy thác việc thống trị thế giới (MD số 6). Cả hai được kêu gọi sống trong hiệp thông yêu thương, phản ảnh sự hiệp thông yêu thương nơi Thiên Chúa, qua đó, Ba Ngôi yêu thương nhau trong mầu nhiệm sự sống thần linh (Xem MD, các số 7-8). 

Sau đó, diễn giả trình bày “giáo huấn hiện thời”, nhấn mạnh rằng: vì bắt nguồn từ Gaudium et Spes và Đức Gioan Phaolô II, giáo huấn này không phải là một thích ứng thiếu phê phán đối với nền văn hóa hiện thời mà là một sự “trung thành tuyệt đối đối với Mạc Khải, mà ngày nay càng ngày càng được hiểu thấu đáo hơn vì Chúa Thánh Thần cũng mạc khải các kế hoạch của Thiên Chúa qua ý thức nhân bản và các biến cố lịch sử. Cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều chịu trách nhiệm như nhau về sự sa ngã, người đàn bà hoàn toàn bình đẳng với người đàn ông và cả hai phải tùng phục lẫn nhau”.

Sau đó tới phần nói về tính dục và hôn nhân. Ở đây, diễn giả sử dụng bản văn lấy từ Gaudium et Spes số 49, giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II về “thần học thân xác” và các văn kiện như Tập Hướng Dẫn Giáo Dục về Tình Yêu Con Người của Thánh Bộ Giáo Dục và Tập Tính Dục Con Người: Sự Thật Và Ý Nghĩa của HĐGH về Gia Đình để minh chứng rằng ngày nay, tính dục con người đã được đánh giá tích cực ra sao như là thành phần cấu tạo ra việc hiện hữu như những con người nhân bản. Diễn giả cho thấy giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio 25-29 có liên hệ ra sao với mối tương quan đàn ông – đàn bà, vì giáo huấn này nhấn mạnh rằng “sự mẫn cảm của phụ nữ đối với những gì là nhân bản” chính là “đặc điểm của nữ tính nơi họ” và trong Familiaris Consortio 24, ngài đã kêu gọi ra sao việc người ta phải ý thức được rằng trong hôn nhân, có sự “tùng phục lẫn nhau giữa các người phối ngẫu vì lòng tôn kính đối với Chúa Kitô, chứ không phải chỉ là sự tùng phục của nguời vợ đối với người chồng”. 

Tiếp theo là phần diễn giả nói đến sự hiện diện và vai trò của người đàn bà trong Giáo Hội. Thời Giáo Hội sơ khai, vẫn đã có việc phụ nữ hợp tác với nam giới về nhiều phương diện (tiếp rước, phục vụ người bệnh, tham dự phụng vụ và truyền bá Tin Mừng)… Tuy nhiên, thời đó, còn có hai hiện tượng khá quan trọng nữa về căn tính phụ nữ trong Giáo Hội, đó là phúc tử đạo và phong trào đơn tu nữ giới. 

Vấn đề hiện đang được tranh luận sôi nổi, là vấn đề bản chất của thừa tác vụ phó tế do phụ nữ đảm nhiệm thời Giáo Hội sơ khai. Tuy nhiên, mới gần đây, người ta còn cho rằng phụ nữ cũng có thể được làm linh mục; vấn đề này, trong nhiều thế kỷ trước, không ai dám nghĩ tới, một phần vì lối “hiểu truyền thống” đối với căn tính người đàn bà như trên đã mô tả. Tuy vậy, Huấn Quyền, trong các văn kiện được Đức Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố, vốn dạy rằng chỉ có nam giới mới có thể thụ phong thành sự để làm linh mục, và đã đưa ra các luận điểm bênh vực chủ trương này. Thánh Bộ GLĐT tuyên bố rằng giáo huấn này đã được đề xuất một cách vô ngộ vì đã được đưa ra bởi thẩm quyền vô ngộ của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục hiệp nhất với ngài. 

Garutti Bellenzier kết thúc phần đóng góp khá dài của bà bằng cách kêu gọi ta lưu ý tới các văn kiện mới đây như Christifideles Laici, Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân của Vatican II. Bà chứng minh rằng cả trong lý thuyết lẫn thực hành, phụ nữ có một vai trò nhất thiết phải đóng trong việc tham dự vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội. 

3. Tham luận của Đức HY Carlo Caffarra 

Đức HY Caffarra khảo sát các tiêu chuẩn, các lãnh vực có vấn đề và các vấn đề tranh luận. Trong phần các tiêu chuẩn, ngài cố gắng nhận diện “các tiêu chuẩn hướng dẫn chính và các tiêu chuẩn để phán đoán bên trong… phạm vi các vấn đề phức tạp. Những tiêu chuẩn này có thể được nhận diện nếu ta cẩn thận suy niệm lịch sử phụ nữ bên trong lịch sử cứu rỗi. Chính từ lịch sử này, ta có khả năng khám phá ra sự thật về phụ nữ: một sự thật có tính nguyên thủy, chưa bị làm cho méo mó hay chưa được hiển dung (transfigured)”. 

Ngài cho rằng sự thật nguyên thủy về phụ nữ chủ yếu tìm thấy nơi trình thuật thứ hai về tạo dựng (St 2:16-25). Lối hiểu của Đức HY Caffarra về bản văn này tương tự như lối hiểu của Đức Gioan Phaolô II dù ngài không nhắc chi tới lối hiểu sau trong bản văn hay trong ghi chú của ngài. Trọng điểm của ngài muốn chứng minh rằng sự hiện hữu của người đàn bà “là cần thiết đến nỗi nhân tính của con người nhân bản chỉ có thể đạt tới sự viên mãn của nó… nhờ người đàn bà làm cho việc thiết lập ra mối hiệp thông ngôi vị thành khả hữu, giúp người đàn ông thoát khỏi sự cô đơn của chàng. Chính việc tạo dựng nên người đàn bà đã làm cho việc thiết lập ấy thành khả hữu”. Có thể tóm lược sự thật này trong hai mệnh đề căn bản sau đây: “thứ nhất: người đàn bà là một con người nhân bản bình đẳng về phẩm giá với con người nhân bản đàn ông. Thứ hai: người đàn bà là một con người khác với người đàn ông và vì sự khác nhau này người đàn ông mới thoát được sự cô đơn của mình... và sự hiệp thông các ngôi vị mới được thiết lập. … Nhân tính được tạo dựng theo hai cách, mỗi cách đều có phẩm giá ngang nhau nhưng khác nhau trong cơ cấu nội thẳm của nam tính và nữ tính”. 

Sau đó, Đức HY nhấn mạnh tới việc tự do “tự hiến” của người đàn ông cho người đàn bà và của người đàn bà cho người đàn ông, chứng minh rằng bản văn Thánh Kinh cho thấy ơn gọi của con người (nam cũng như nữ) là tình yêu tự hiến; tình yêu này trở nên khả hữu nhờ sự hiện hữu của người đàn bà, “người đã được đặc biệt trao cho sứ mệnh biến việc hiệp thông các ngôi vị thành một thực tại”. Mầu nhiệm đàn bà được tỏ lộ và mạc khải qua chức phận làm mẹ, việc hợp tác “một cách độc đáo nhằm tạo nên một con người nhân bản mới”.
Việc sự thật trên bị làm ra méo mó đã được chứng thực trên hai bình diện: bình diện cơ cấu “vĩnh viễn nhân học” và bình diện lịch sử cũng như định chế hóa. Hai bình diện này đã đem lại những méo mó đầu tiên cho bản sắc phụ nữ. Về bình diện đầu, Đức HY Caffarra tương phản cách nhìn theo chủ nghĩa nhân vị chân chính, coi con người như một hữu thể có tương quan với người khác, với cách nhìn theo chủ nghĩa duy cá nhân là cái nhìn bất cần người khác. Việc làm ra méo mó về phương diện nhân học này đã biến thân xác người đàn bà thành một đồ vật để sử dụng chứ không phải là thành phần cấu tạo ra một ngôi vị cần được yêu thương; đối với thân xác người đàn ông cũng thế, dù Đức HY Caffarra không khai triển nhiều về khía cạnh này. Nó cũng bôi lọ hôn nhân, coi việc sống chung và các cuộc kết hợp đồng tính cũng có giá trị ngang hàng, thậm chí cao hơn, hôn nhân; nó hạ giá chức phận làm mẹ và chủ trương rằng “không đứa trẻ nào mình không muốn cần được sinh ra”. 

Nhờ trích dẫn 1Gl 4:4: “đến thời viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một Người xuống, sinh bởi một người đàn bà”, Đức HY quả quyết rằng: “sự thật nguyên thủy về phụ nữ đã hoàn toàn được nên trọn và hiển dung nơi Chúa Kitô. Khi nhận lấy xác phàm, Ngôi Lời muốn có được mối tương quan độc đáo, có tính nền tảng mà mọi hữu thể nhân bản đều có với phụ nữ, tức mối liên hệ giữa đứa trẻ và mẹ nó. Mỗi người trong chúng ta đều được lên khuôn bởi người đàn bà và nhân tính ta xuất hiện nhờ nàng. Điều này đúng cho cả Ngôi Lời: nhân tính Người được lên khuôn bởi Đức Maria vì Người đã được ngài sinh ra trong nhân tính ta. Do đó, ngài là ‘Theotokos’, Mẹ Thiên Chúa, đúng nghĩa. Thực vậy, Đức HY Caffarra xác tín rằng chỉ có Đức Maria “mới có khả năng giúp phụ nữ ý thức được nữ tính của họ và… là chìa khóa giải thích nó cách hoàn hảo”. 

Để giải thích lý do cho xác tín trên, Đức HY tóm lược lối hiểu của giáo phụ và của thời trung cổ về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội với mối liên hệ giữa Ađam và Evà: sự kết hợp về thân xác của hai người sau là hình tượng báo trước sự kết hợp của hai chủ thể trong một thân xác từng xác định ra biến cố cứu rỗi: “Giáo Hội, vốn là sự nên trọn hoàn toàn của điều đã được báo trước từ khởi nguyên tạo dựng: Thân Thể và Đầu, Nàng Dâu và Chàng Rể, nhân tính trở thành thần linh, và Chúa Kitô”. Đức Hồng Y nói tiếp: không phải là việc tình cờ khi Giáo Hội “thuộc ‘phái nữ’, tính Giáo Hội được mạc khải dưới hình thức nữ tính… [hơn nữa] sự hủy hoại của ta do sự hợp tác của cả Ađam lẫn Evà gây ra; Chúa Kitô và Đức Maria cũng hợp tác, nhưng theo cách thế hoàn toàn khác biệt, để đem lại ơn cứu rỗi cho ta”. Ngài lưu ý tới một bản văn của Thánh Tôma Aquinô; thánh nhân nói rằng khi Ngôi Lời thành xác phàm trong lòng Đức Maria, như thể một cuộc cử hành hôn lễ đã diễn ra giữa nhân tính và Ngôi Lời và lời ưng thuận của Đức Maria “thay mặt cho toàn bộ bản tính nhân loại” (Summa Theologiae, 3,30,1). 

Rồi Đức HY trích dẫn Mulieris Dignitatem của Đức Gioan Phaolô II để cho rằng theo Đức Gioan Phaolô II, “biểu tượng thực sự của toàn bộ nhiệm thể Giáo Hội, cả đàn bà lẫn đàn ông, là người đàn bà”. Thực vậy, ngài dạy rằng: trong Giáo Hội “mọi hữu thể nhân bản, cả nam lẫn nữ, đều là ‘Nàng Dâu’ vì đều chấp nhận hồng ân tình yêu của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc, và tìm cách đáp ứng tình yêu ấy bằng việc hiến trọn con người mình” (Mulieris Dignitatem, các số 12 và 25). Đức HY, sau đó, cho thấy các Tin Mừng đã minh chứng ra sao việc Chúa Kitô qúy mến phụ nữ và dưới con mắt người cùng thời, Người “đã trở nên người cổ vũ phẩm giá đích thực của phụ nữ và ơn gọi đáp ứng lại phẩm giá này”. Đức HY, sau đó, tập chú vào cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà Samaria; “chính là với nàng, Chúa Giêsu đã mạc khải bản sắc Người trước nhất, như chưa từng mạc khải với ai trước đó, và nàng trở thành người đầu tiên tuyên xưng Tin Mừng” (xem Ga 4:18-42). Điều còn quan trọng hơn nữa là: vào buổi sáng Ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với Maria Magdalena, người, trong tư cách biểu tượng của nhân loại tội lỗi, đã được mời gọi tham dự vào sự thân mật của Chàng Rể; “Chính nơi người đàn bà tội lỗi, nay được mời gọi kết hợp với Chúa trong vinh quang này, mà sự thật sâu sắc nhất về người đàn bà đã được tái quả quyết, và sự tái quả quyết này là một biểu tượng cho nhân loại… Như thế, người đàn bà đã được cứu chuộc và hiển dung. Được cứu chuộc vì được giải thoát khỏi những gì đã làm méo mó sự thật nguyên thủy về nàng, được hiển dung vì Người đã mạc khải trọn vẹn chính yếu tính của nữ tính nơi Đức Maria, Mẹ Người”. Chính vì lý do này, Đức HY Caffarra xác tín rằng “Chỉ một mình Đức Maria mới có khả năng giúp phụ nữ ý thức được nữ tính của họ và… là chìa khóa giải thích nữ tính này cách hoàn hảo”. 

Sau đó, ngài xem xét một số vấn đề gây nghi vấn. Ngài muốn nói tới các khó khăn mà tư duy Kitô Giáo gặp phải trong việc đối đầu với chủ trương tự thỏa mãn của người đàn bà. Vấn đề thứ nhất là vấn đề phương pháp học. Lối hiểu của Kitô Giáo về sự tự thoả mãn của người đàn bà không tìm cách đi đôi với “các điều kiện thay đổi của xã hội” nhưng đúng hơn là phê phán các điều kiện này theo sự thật đã được mạc khải về người đàn bà, ngay từ “buổi khởi nguyên” hay từ lúc tạo dựng ra con người có nam có nữ, và được mạc khải và hiển dung hoàn toàn nơi Chúa Kitô. Vấn đề thứ hai liên quan tới cơ cấu nhân học nơi con người nam nữ: thân xác họ là thành phần cấu tạo ra hữu thể họ như những ngôi vị chứ không như phái cá nhân chủ nghĩa quan niệm, chỉ là một dụng cụ ưu tiên mà con người tự do có quyền sử dụng ra sao tùy ý. Vấn đề thứ ba, có liên hệ mật thiết với vấn đề thứ hai, là quan điểm coi người đàn bà như mẹ và là người chào đón sự sống mới như một hồng phúc từ Thiên Chúa, ngược với quan điểm coi việc làm mẹ là một việc nhiệm ý (optional) và chỉ chào đón những đứa trẻ mình “muốn” ở đây và vào lúc này để thỏa mãn một nhu cầu nào đó mà thôi.

Trong phần kết luận, Đức HY đưa ra ba điều: thứ nhất, làm sống lại cơ cấu nhân học chân thực cho con người nhân bản, thứ hai phục hồi ý nghĩa cho thân xác con người coi nó như là thành phần cấu tạo ra cơ cấu này, và thứ ba là ý nghĩa của sinh sản.


Vũ Văn An11/17/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét