Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

30-11-2014 : (phần I) CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm B

30/11/2014
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm B
(Phần I)


Ði Vào Niên Lịch Phụng Vụ:
Với Chúa nhật I Mùa Vọng, một năm Phụng vụ mới sẽ đến với chúng ta, mới không phải chỉ vì chúng ta lại sắp bắt đầu lại chu kỳ một năm những ngày lễ tái hiện lịch sử ơn cứu chuộc, mà còn mới vì kể từ năm 1969, niên lịch Phụng vụ của Giáo Hội La Mã đã được tổ chức lại.
Không kể nhiều ngày lễ kính thánh nọ thánh kia đã bị bãi bỏ hoặc được xếp lại cho đúng với thời gian các ngài đã qua đời, ngay đến các ngày Chúa nhật kính nhớ mầu nhiệm cứu chuộc cũng được nghiên cứu lại để tất cả được đơn giản hóa hơn hầu giúp ta dễ nhận ra ý lực của Phụng vụ. Dĩ nhiên bộ luật mới này vẫn chưa được hoàn toàn đơn giản vì lễ Phục sinh vẫn chưa được ấn định vào một ngày nào nhất định cho mọi năm. Trong khi chờ đợi, Giáo Hội La Mã đã tạm đưa ra một cải tổ trong niên lịch Phụng vụ của mình.
Ðặt các ngày lễ kính thánh ra một bên, lịch mới phân phối các ngày Chúa nhật xoay quanh hai ngày lễ lớn là lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh. Trước lễ Giáng sinh có 4 Chúa nhật gọi là 4 Chúa nhật mùa Vọng; rồi đến lễ Giáng sinh 25 tháng Chạp và các lễ phụ đới kéo dài cho tới lễ Hiển linh sẽ có một số chừng 5-9 Chúa nhật gọi là các Chúa nhật thường niên, kéo dài cho tới thứ Tư lễ Tro (như vậy không còn các Chúa nhật gọi là Chúa nhật sau lễ Hiển linh và các Chúa nhật 70, 60, 50 như trước nữa). Từ thứ Tư lễ Tro trở đi cho tới Chúa nhật lễ Lá là mùa Chay gồm 5 Chúa nhật. Danh từ mùa Thương khó cũng đã bị bôi trong lịch mới. Chúa nhật lễ Lá khai mạc Tuần Thánh mà 3 ngày cuối cùng, vì tính cách long trọng đặc biệt, đã được gọi là Tam nhật Phục sinh. Từ Chúa nhật Phục sinh tới Chúa nhật Hiện xuống gồm 8 Chúa nhật là mùa Phục sinh. Rồi sau đó lại là các Chúa nhật Thường niên cho tới mùa Vọng năm sau; khiến danh từ mùa Hiện xuống từ nay cũng không còn được dùng nữa.
Nhìn qua một lần như thế, ta thấy niên lịch Phụng vụ mới dường như chỉ còn muốn quy tụ mọi cái nhìn của ta vào hai mầu nhiệm lớn là Nhập thể và Cứu chuộc. Những mầu nhiệm khác đã bị bỏ ư? Không phải, vì người ta dễ nhận ra mọi mầu nhiệm khác đã được bao trùm đầy đủ trong hai mầu nhiệm lớn này. Hơn nữa, đây thật là dịp họa hiếm để chúng ta ý thức về tính cách duy nhất của các mầu nhiệm trong đạo và do đó dể hiểu rõ ý nghĩa của niên lịch Phụng vụ hơn.
Chúng ta thường nói đến các mầu nhiệm nhưng thật sự chỉ có một mầu nhiệm, mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Không mầu nhiệm sao việc Chúa yêu thương loài người? Ngay đến mối tình giữa loài người với nhau đã là một mầu nhiệm rồi, huống nữa là tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta! Ai có thể giải thích hết được tình mẹ thương con? Ai có thể nói hết được vì sao chàng thanh niên này bỗng điên đầu vì tà áo hồng và khuôn mặt nhỏ bé kia? Và giả như người ta có tìm được vài lý do tạm gọi là có thể giải thích tại sao hai người này lại thương nhau, các nhà tâm lý và phân tâm cũng phải đầu hàng khi phải trả lời về nhịp điệu, sáng kiến, hành vi, ngôn ngữ giữa hai người thương nhau. Chính bản thân hai người cũng chịu không thể hiểu được vì sao họ lại thương nhau mãnh liệt như vậy và vì sao đang khi thương nhau mãnh liệt họ lại có thể làm cho nhau đau khổ hao mòn, mất ăn, mất ngủ v.v... Những cử chỉ nồng nàn, cũng như hành vi hờn dỗi trong lúc yêu đương thật bất ngờ, thật bộc phát, thật mầu nhiệm...
Chữ mầu nhiệm này đem áp dụng vào tình yêu của Thiên Chúa muốn dành cho ta lại phải thêm nhiều hệ số nữa, nghĩa là còn phải hiểu theo một ý nghĩa tuyệt đối mới được. Thiên Chúa yêu ta không những thật là khó hiểu và nhất là thật là vô cùng lạ lùng. Tình yêu của loài người đã không bao giờ nghỉ yên một luôn luôn sống động và sáng kiến, huống nữa là tình yêu của Thiên Chúa toàn năng toàn thiện.
Chính tình yêu đã biến Ngài nên một Thiên Chúa tạo hóa, làm ra không biết bao nhiêu là kỳ công cho người yêu của mình, đến nỗi bằng lòng thí mạng vì người mình yêu.
Dịp đó đã đến cho Thiên Chúa khi hai ông bà nguyên tổ loài người phạm tội. Chúng ta cần phải đọc lại trang sách Thánh đó để xem tình yêu của Thiên Chúa thật là mầu nhiệm khác hẳn các mối tình của loài người. Loài người khi hơi bị xúc phạm đã làm ra bộ mặt lạnh lùng hờn dỗi, nếu không phải là nổi xung lên, nguyền rủa. Còn Thiên Chúa thấy loài người sa ngã vẫn tìm đến, vẫn gọi tên, vẫn âu yếm như không biết có gì đã xảy ra. Và khi thấy không thể làm ngơ bỏ quên được nữa, Thiên Chúa đã sáng kiến một kế hoạch mầu nhiệm, phong phú khôn lường trong câu nói bất hủ: Ta sẽ đặt hiềm thù giữa mày và tông giống người đàn bà, và người ấy sẽ đạp đầu mày. Chưa nói gì đến tội của nguyên tổ, Ngài đã quyết tâm tiêu diệt mầm mống gây chia rẽ và đổ vỡ giữa tình yêu của Ngài và loài người chúng ta. Ngài đã mạc khải một chương trình nhập thể cứu chuộc trong câu nói mầu nhiệm mà chúng ta vừa đọc lại ở trên... Ngài cho chúng ta thấy cũng một mầu nhiệm đã sáng tạo nay lại cứu chuộc chúng ta và mầu nhiệm ấy vẫn là mầu nhiệm tình yêu.
Thế thì khi thấy Phụng vụ sẽ lần lượt trải ra trước mắt ta hết biến cố này đến biến cố khác trong lịch sử ơn cứu độ, chúng ta đừng bao giờ quên mất cái nhìn duy nhất ấy: đừng tưởng mình đang kỷ niệm một biến cố dĩ vãng nhưng thực sự đang được đứng trước một biểu lộ của tình yêu sâu đậm của Thiên Chúa. Những Chúa nhật mùa Vọng chẳng hạn, bề ngoài có vẻ như nhắc lại những thời buổi xa xưa trước khi có việc Ngôi Hai nhập thể, nhưng kỳ thực bên trong chính là tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa muốn gợi lại thời gian chờ đợi Ðấng Cứu chuộc ngày trước, để thúc giục hướng dẫn tâm hồn chúng ta hướng về ngày Thiên Chúa lại đến để kết hợp với loài người trong vinh quang Nước Trời và gần hơn trong thánh lễ như là bảo chứng về tương lai rực rỡ. Rồi 40 ngày mùa Chay cũng thế: bề ngoài có vẻ như diễn lại con đường đau thương mà Chúa Cứu thế đã đi qua trước khi Ngài được vinh hiển trong Phục sinh - lễ Lên Trời và Hiện Xuống..., nhưng bên trong thật sự muốn đặt chúng ta đứng trước tình yêu của Ðấng đã yêu ta đến nỗi hiến mạng mình vì ta hầu ta mềm lòng ra cho ơn Chúa Thánh Thần đổ tràn lòng nghĩa tử xuống, biến nhân loại nên một cộng đồng chuẩn bị cho cộng đồng gia đình thiên quốc mai sau. Và mục tiêu đó cũng đã được thể hiện một cách thật sự có giá trị bảo chứng trong mầu nhiệm Thánh lễ.
Như vậy, bất cứ thánh lễ nào cũng thể hiện mầu nhiệm tình yêu, không phải dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác như ta có khuynh hướng nói lên như vậy, vì tình yêu chỉ là một khối bất khả phân ly. Thánh lễ diễn tả tất cả mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta... Ở trong thánh lễ nào Thiên Chúa cũng hiện diện đầy đủ; và đầy đủ tình yêu của Ngài cũng ở đó khiến ở đời này ta không có cách nào đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đầy đủ như trong thánh lễ, nhờ việc hiệp lễ.
Chính vì vậy mà ta thấy trong suốt năm, mặc dù phụng vụ chia thành mùa nọ mùa kia, đọc ca nhập lễ này, đọc kinh tiền tụng khác, phụng vụ cốt yếu của Giáo Hội vẫn là thánh lễ và thánh lễ vẫn không thay đổi trong các nghi thức quan trọng. Chính sự kiện này nhắc nhở cho ta ý thức hơn về tính cách duy nhất của mầu nhiệm phụng vụ; Thiên Chúa yêu ta hằng ngày, hằng ngày Người muốn đặt ta trước mầu nhiệm tình yêu của Ngài, Ngài không muốn cho một ngày nào qua đi mà không muốn bộc lộ tất cả tình Ngài yêu ta để hỏi ta có muốn đáp lại hay không. Về phía Ngài bao giờ cũng duy nhất như thế; nhưng để nói với ta là người ở trong thời gian và không gian, không có khả năng nhìn thấy và lãnh hội tất cả trong một cái nhìn duy nhất. Ngài đã phải trải tình yêu duy nhất của Ngài ra trong một lịch sử dài, khởi đầu từ khi sáng tạo cho tới ngày vinh quang Nước Trời. Chính cái lịch sử đó, Phụng vụ mỗi ngày trong năm lần lượt tái hiện lại trong thánh lễ để giúp chúng ta tựa vào một hành vi lịch sử làm khởi điểm và bảo chứng để đi vào mầu nhiệm tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa đã sáng kiến ra lịch sử cứu độ kia để chứng tỏ tình yêu của Ngài.


Mùa Vọng:
Tất cả lý do tổ chức năm phụng vụ nằm ở chỗ đó. Mặc dầu mầu nhiệm cử hành là mầu nhiệm tình yêu duy nhất, nhưng để những con người sống ở thời gian và không gian hiểu được mầu nhiệm duy nhất ấy, phụng vụ phải nại đến lịch sử mà Thiên Chúa đã dùng, để khai triển trước mắt ta tình yêu bao la của Thiên Chúa đã được mạc khải dần dần ra cho ta. Mạc khải do đó chỉ mạc khải có một mầu nhiệm duy nhất là tình yêu bao la của Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử ơn cứu chuộc. Mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh sẽ lần lượt đến với chúng ta khác nào như khí trời của bốn mùa thiên nhiên. Cảnh sắc bên ngoài có thay đổi, lễ phục, giọng ca có khác đi, thì cũng chỉ thay, chỉ khác để giúp khí thiêng duy dưỡng sức sống ở trong ta. Ta đừng câu nệ tách biệt các mùa phụng vụ; hãy để cho mầu nhiệm tình yêu duy nhất của Thiên Chúa thể hiện toàn khối trong mọi thánh lễ, trong mọi ngày của năm Phụng vụ.
Trời đã đổi mùa. Phụng vụ của Giáo hội cũng đổi sang mùa Vọng. Chúng ta cần canh tân tâm hồn và đời sống cho hợp với nhịp tiến của lịch sử Giáo hội và dân tộc.
Là vì mỗi lần mùa Vọng tới, lịch sử Dân Chúa nói riêng và lịch sử các dân tộc nói chung lại tiến thêm một bước nữa, đi về ngày Chúa quang lâm, ban cho tất cả con cái Người một trời mới và đất mới. Mùa Vọng vì thế hướng dẫn chúng ta nhìn về tương lai, chớ không trở lui nuối tiếc dĩ vãng. Mùa Vọng chuẩn bị đại lễ Giáng sinh sắp tới, nhưng chỉ coi lễ này như động lực dẫn tới ngày Ðức Kitô trở lại để tất cả trời đất rực lên trong ánh vinh quang của Người. Những nhắc nhở lịch sử thời gian trước ngày Ðức Kitô đản sinh, không được khiến chúng ta nhìn về quá khứ như thời đại vàng son, nhưng chỉ cống hiến cho ta một kinh nghiệm và một hướng đi để chuẩn bị ngày Ðức Kitô lại đến, ngày mà Thiên Chúa sẽ ở trong tất cả, khiến mầu nhiệm nhập thể khi ấy mới hoàn tất.
Chúng ta hãy đặt mình vào thân phận của Dân Chúa thời Cựu Ước. Ðó là một dân nhỏ bé, kém mở mang, bị coi khinh và mất chủ quyền. Nhưng lòng Dân ấy ôm ấp một niềm tin vĩ đại.
Bêlem, ngươi sẽ không còn mà một thị trấn bé nhỏ, vì Vua Hòa Bình sẽ xuất hiện từ lòng ngươi. Ngươi sẽ trải công bình chính trực trên khắp mặt địa cầu khiến muôn nước nhờ ngươi mà được phúc...
Ðó cũng là hình ảnh Dân Chúa ở mọi thời. Nhìn vào giáo đoàn Người đã thiết lập, chính thánh Phaolô đã có lần tuyên bố: xét về mặt thế gian anh em chẳng có gì đáng kể; người ta còn dể khinh anh em là khác... nhưng chúng ta vẫn là dân được Chúa chọn để mang ơn cứu độ đến khắp cùng địa giới. Và chính Chúa Yêsu đã nói trước với Giáo Hội: này hỡi đoàn chiên nhỏ, chúng con đừng sợ, vì Chúa Cha đã ban Nước Trời cho chúng con.
Trong mùa Vọng này, chúng ta phải suy niệm mầu nhiệm trên, mầu nhiệm Giáo hội là một hạt cải nhỏ, sẽ trở thành cây cho chim trời khắp nơi tìm được chỗ đậu. Và như vậy, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn ôm ấp một niềm tin lớn lao, khác nào như Ðức Maria mùa Vọng đang cứu mang Quả có phúc cho mọi dân tộc.
Maria là mẫu người đã hiểu lời tiên tri. Người ôm ấp một niềm tin thật vĩ đại về tương lai của dân tộc. Người sống hiền lành và đạo đức tin rằng Thiên Chúa mới chính là Ðức Khôn Ngoan đang hướng dẫn lịch sử khi cương khi nhu... Người tin chắc, để cộng tác vào việc xây dựng tương lai tốt đẹp, mỗi người hãy đạo đức chu toàn mọi phận sự của một phần tử tốt ở trong xã hội.
Thế nên, mùa Vọng còn đề cao vai trò của Yoan Tẩy Giả, và bảo ta chú ý đến sứ điệp của ông. Ðể chuẩn bị cho ngày Chúa đến, để có được một triều đại thiên sai, mọi người phải hoán cải tâm hồn và đời sống. Chỗ gồ ghề phải san cho phẳng, các hố sâu phải lấp cho đầy, làm sao để các quan hệ giữa người với người không còn là những chênh lệch bất công, nhưng phải bình đẳng giao hòa tốt đẹp. Yoan đã có những lời lẽ nghiêm thẳng với cả những người "tự tin là công chính" thời xưa, để tất cả chúng ta ngày nay ai nấy cũng cố gắng cải tạo và đổi đời. Không phải những oán than, hay ước vọng hão huyền đem lại được đời sống an vui và tiến bộ nhưng chỉ những cố gắng cải thiện, làm trong tinh thần cầu nguyện và đạo đức, sửa soạn được ngày Quang Lâm của Ðấng Cứu Thế của chúng ta.
Do đó, công tác trước mắt của chúng ta trong mùa Vọng là:
- Khơi lại niềm vui vào tương lai rực rỡ mà Chúa chúng ta hằng hứa ban cho các dân tộc. Ðó là đối tượng mùa Vọng của mọi thời.
- Tích cực góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp ấy theo tinh thần canh tân và hòa giải.
- Cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa theo gương Ðức Maria mùa Vọng: Người đã ôm ấp Lời Chúa trong lòng trước khi được phúc cưu mang và sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể.
Những công tác ấy đem đến cho chúng ta một mùa Giáng Sinh tươi đẹp và một cuộc sống sáng trong.
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm.



Bài Ðọc I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8
"Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.
Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.
Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.
Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.
3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9
"Chúng ta mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô.
Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 33-37
"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tỉnh Thức
Mở đầu niên lịch Phụng vụ, ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng năm nay phác họa lại cho chúng ta một vài thái độ trong khung cảnh sống của Dân Chúa: ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, Dân Chúa đã cùng nhau tự thú những lỗi phạm của mình, cương quyết sống trung kiên mong chờ ngày Quang Lâm của Chúa Yêsu Kitô trong niềm tin tưởng và thái độ tỉnh thức.
Quả vậy, bài đọc Ysaia 63,16-64,7 trình bày lại bối cảnh của đoàn dân Thiên Chúa sau thời Lưu đày. Kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch trên phần đất ngoại bang đã đem lại cho họ một ý thức tập thể về những lỗi phạm của mình. Họ ngước mắt nhìn về Thiên Chúa là Cha để thốt lên lời khẩn nguyện: "Ôi phải chi Người xé trời ngự xuống, thì núi non cũng sẽ tiêu tan trước Nhan Ngài". Tâm trạng hối lỗi và tha thiết khẩn nài ơn cứu độ đã giúp Dân Chúa nhận định lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người.
Bảy thế kỷ sau, khoảng 25 năm sau ngày Ðức Kitô về trời, thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở lại ơn gọi thực sự của người Kitô hữu: không những chỉ ý thức những sai lỗi của mình, nhưng còn phải sống vươn lên mong chờ ngày Ðức Kitô trở lại. Các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã sống trong hoàn cảnh hồi hộp, nao nức mong chờ ngày trọng đại đó. Những lời nguyện: "Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy trở lại" (1Co 16,22) càng đặt họ vào tâm trạng xao xuyến và đầy xúc động. Ngài ở đây! Ngài ở kia! (2Th 2,2). Và có khi vì mỏi mệt đợi chờ, họ đã không ngần ngại thốt lên: "Có lẽ Ngài đến chậm".
Tâm trạng khắc khoải đó cần bắt gặp được một cái gì vững chắc củng cố lòng tin tưởng: nếu không, thái độ tỉnh thức mong chờ của họ sẽ hão huyền, ảo vọng.
Quả vậy, mỗi lần cử hành nghi lễ bẻ bánh, cộng đoàn dân Chúa vẫn long trọng tuyên xưng lại niềm tin của mình:
"Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến".
Nỗi lòng mong chờ khắc khoải đó như được xoa dịu và soi sáng bởi lời Ðức Kitô trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô 13,33-37. Ngài như một chủ nhà phải ra đi, vắng xa và vắng lâu. Sau khi trao phận sự quản lý cơ nghiệp cho gia nhân, mỗi người theo chức vụ của mình, Ngài đặc biệt tín cẩn và căn dặn người canh cửa: "Hãy tỉnh thức". Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Cuộc tái ngộ có thể xảy ra một cách rất bất ưng vào một lúc nào đó trong ban đêm. Gia nhân và nhất là người canh cửa phải tỉnh thức, luôn sống trong ánh sáng ban ngày để không ngái ngủ, không thất hứa với chủ nhà trước lúc ra đi.
Ðặt đoạn văn trên vào khung cảnh lịch sử cứu độ, giữa ngày về trời và ngày trở lại của Ðức Kitô, chúng ta có thể nói, thái độ tỉnh thức đó chính là thái độ của Giáo hội, của toàn dân Chúa và nhất là của những người hữu trách các cộng đoàn.
Nhưng tại sao phải tỉnh thức?
Vì trước tiên, đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Ðể cho cửa nhà êm ấm, an toàn và trường tồn, phận sự của người canh cửa, không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.
Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.
Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Ðó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ... Nó đưa đến sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.
Và tỉnh thức như thế nào?
Phải chăng là thắp đèn ngồi chờ? Là sống trong tâm trạng viễn vông! Không! Ðọc lại Thánh Kinh và lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động. Nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế, thái độ tỉnh thức của Giáo hội và đặc biệt của những người hữu trách dân Chúa phải sống động và đầy tính chất sáng tạo. Ðó là thức tỉnh hiệp thông với người bạn của mình. Ðó là thái độ của một người bạn trung thành, cởi mở để luôn lắng nghe lời nói của bạn mình. Như thế, tỉnh thức đối với Giáo hội, có nghĩa là không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Dầu xa vắng, nhưng hầu như tiếng nói, lời hứa và sự hiện diện của Ngài luôn xoáy động trong lòng Giáo hội và chi phối mọi sinh hoạt của dân Chúa. Với ánh đèn soi sáng và sưởi ấm đó, Giáo hội như có một nghị lực để cảm thông và tìm ra được ý muốn của Ngài qua mọi biến cố trong cuộc sống, qua mọi dấu chỉ thời đại.
Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng, mà chúng ta phải dùng như một đà tiến để vươn lên, Giáo hội có phận sự rút kinh nghiệm từ các sự kiện xảy ra trong lịch sử quá khứ và hiện tại để sửa chữa lỗi lầm, tự thanh luyện mình để tiến tới sự hoàn thiện như Chúa Kitô mong muốn. Ðặc biệt Giáo hội phải sẵn sàng từ bỏ địa vị ưu thế trong xã hội để chấp nhận thân phận đầy tớ phục vụ chủ nhà mình và anh em.
Ðể tỉnh thức chờ Chúa đến, Giáo hội phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, Giáo hội thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đợi Ðức Kitô, vì ngày trở lại của Ngài sẽ xảy tới bất chợt.
Ðồng thời, nếp sống của Giáo hội sẽ là ánh sáng thức tỉnh mọi người để họ nhận ra Ðức Kitô là Ðấng Cứu Thế đích thực. Giáo hội đang mang trong lòng sức sống và động lực thúc đẩy chính mình và cả thế giới tiến lên gặp Ðức Kitô. Thế nên, tỉnh thức là phận sự cần thiết của những con người chứng nhân cho ánh sáng. Và Giáo hội phải là kho dự trữ sức sống phong phú và sung mãn chuẩn bị cho mọi người đón nhận thời viễn lai. Vì thế, khi hướng về ngày Chúa Kitô trở lại, Giáo hội quả là niềm hy vọng cho toàn thể thế giới và vũ trụ.

Bài Giảng Chúa Nhật I Mùa Vọng B:
1. Ðời sống con người, có thể nói, bao giờ cũng bao hàm một khía cạnh đau thương khổ sở. Không phải chỉ thời nay mới khổ; thời trước cũng đã khổ rồi và bao lâu còn sống ở trần gian thì con người vẫn phải chịu đựng hy sinh và đau khổ. Bài sách Isaia chúng ta đọc hôm nay, đã được viết ra sau thời dân Dothái bị lưu đày bên Babylon. Bài sách ấy cho ta thấy rằng: tuy hết bị lưu đày, nhưng dân Dothái vẫn tiếp tục gánh chịu đau khổ. Ðiều làm cho họ đau khổ nhất, chính là họ nhận thức ra rằng họ đã "đi lạc xa đường Chúa", đã "phạm tội" và "đã bị phó mặc cho quyền lực tội lỗi".
Tội lỗi của con người, đó chính là nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ. Bài sách Isaia hôm nay thôi thúc ta nhìn vào khổ sở hiện tại như là tiếng gọi cảnh tỉnh ta nhận thức tội lỗi của mỗi người và của cả nhân loại để mau hoán cải trở về với Thiên Chúa. Ngài là Cha yêu thương, là Ðấng cứu độ nhân từ và luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa.
Những khó khăn kinh tế hiện nay cũng gây nên cho ta những khổ sở, nhưng ta nên biết rằng đó là hậu quả không thể tránh được của một nước vừa bị 30 năm chiến tranh tàn phá như nước ta. Và chúng ta, người công giáo còn phải nhìn nhận như dân Chúa thời xưa "Này Chúa thịnh nộ vì chúng tôi đã phạm tội". Với ý chí đổi đời và cải tạo, với quyết tâm từ bỏ mọi ích kỷ cá nhân, mọi tham lam và hận thù, Chúa sẽ ban cho ta nguồn nghị lực mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp và huynh đệ hơn.
2. Trong công cuộc này, chúng ta hãy lắng nghe những lời đầy an ủi trong thư thánh Phaolô: "Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì anh em được đầy tràn mọi ơn, trong khi mong chờ Ðức Kitô lại đến". Thánh Phaolô ảo tưởng, không nhìn thấy thực tế sao? Ngài không ảo tưởng. Ngài biết rõ các giáo đoàn của ngài. Họ là dân không giàu có, không thế lực. Nhưng hết thảy họ là những người được kêu mời hiệp nhất với Con Thiên Chúa, là Ðức Yêsu Kitô. Phải, chúng ta là những con người như thế. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào đời sống vật chất của mình để thấy xót xa vì thiếu thốn, nhưng còn phải biết nhìn vào tâm hồn, vào tinh thần, vào thiên chức được làm con cái Thiên Chúa, được vinh dự phát huy tình yêu của Ngài đối với trần gian.
Chúng ta cũng hãy hãnh diện, tin vào ý kiên trì của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, đã khắc phục được bao khó khăn để vươn lên trong tư thế độc lập tự do, thì trong tương lai cũng sẽ thành công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, ấm no và có tình yêu thương giữa mọi người đồng bào cùng máu mủ.
3. Mùa Vọng nhắc lại cho ta cả hai chân lý ấy, một đàng dân Chúa như đang lầm than khổ sở, nhưng đàng khác cũng chính dân ấy đã được bảo đảm một tương lai tốt đẹp, trước hết theo ý nghĩa tinh thần, nhưng sau đó cũng kèm theo tất cả mọi khía cạnh được Chúa thánh hóa để làm nên hạnh phúc toàn diện cho con người. Thế nên, Ðức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay dạy ta hãy tỉnh thức đừng mê ngủ. Những than vãn, thở dài, chỉ làm cho thân xác rũ xương và đời sống trở nên đen tối. Trái lại, nếu tỉnh táo, nhìn về tương lai với niềm tin vững mạnh, thì một chân trời mới đang dần dần mở ra trước mắt ta.
Người tín hữu cũng sống trong trần gian và phải hy sinh gian khổ như mọi người. Nhưng nhờ niềm tin như đèn sáng trong tay, chúng ta là những người đang tỉnh thức chờ Ðức Kitô trở lại: Ngài là Chúa đem lại hòa bình, là Ðấng cứu độ trần gian. Thế nên, lòng ta tràn đầy hy vọng và ta có phận sự chiếu tỏa niềm hy vọng phấn khởi ấy chung quanh ta.
4. Chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của Giáo hội chúng ta, trước khi đem cuộc đời lam lũ đặt vào đĩa thánh, hiến dâng sự sống và con người của ta cho vinh quang Nước Trời mà Chúa đang dành cho các con cái của Người.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật I Mùa Vọng, Năm B
Bài đọc: Isa 63:16-17, 19, 64:2-7; I Cor 1:3-9; Mk 13:33-37

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng Chúa sẽ ghé mắt thương đến.
Mùa Vọng là Mùa của trông ngóng đợi chờ; nhưng đợi chờ gì đây? Đợi chờ Đức Kitô ư? Ngài đã đến trần gian hơn 2000 năm nay rồi! Thế tại sao năm nào chúng ta cũng cử hành Mùa Vọng? Lý do quan trọng nhất là Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lại cuộc đời mỗi người xem Đức Kitô đã đến và làm chủ cuộc đời của chúng ta chưa. Để nhận ra điều này, một cuộc hồi tâm xét mình cần thiết để con người có thể trả lời câu hỏi này với Thiên Chúa.
Các Bài đọc của Chủ Nhật đầu tiên cung cấp cho chúng ta nhiều chất liệu để suy gẫm. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời. Nếu Thiên Chúa không hiện diện trong đời sống, con người sẽ bị điều khiển bởi ma quỉ, và tội lỗi sẽ lan tràn. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu về sự hiện diện cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời mỗi người. Khi con người có Ngài trong cuộc đời, con người sẽ không thiếu bất cứ điều gì khác; vì Ngài là nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an, là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm Thánh Marcô, Chúa Giêsu cảnh cáo: Vì không ai biết được ngày giờ Con Người đến, nên tất cả phải luôn chuẩn bị sẵn sàng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời
1.1/ Nhận ra tình trạng tội lỗi của mình: Sách TT Isaiah được viết vào một giai đọan lịch sử rất khó khăn của Do-Thái: quốc gia bị xóa sạch và dân chúng bị lưu đày các nơi. Thời gian lưu đày là lúc thuận tiện để họ nhìn lại quá khứ và tìm ra lý do tại sao dân tộc của họ bị đàn áp và lưu đày.
Điều trước tiên họ nhận ra là sự vắng mặt của Thiên Chúa: chẳng còn Đền Thờ để cầu nguyện, chẳng còn tư tế và tiên tri để nhắc nhở họ nghĩ tới Thiên Chúa. Họ kêu van lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài?”
1.2/ Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời: Dân lưu đày nhận ra sự quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời, nên cầu xin với Ngài: “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Đó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không mắt nào nhìn thấy một Chúa nào khác ngòai Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa.” Sự kiện họ nhắc lại Thiên Chúa đã thân hành ngự xuống đây có lẽ là biến cố Núi Sinai, khi Thiên Chúa ban cho họ Thập Giới.
1.3/ Xin Chúa tha thứ tội lỗi: Dân cũng nhận ra tội lỗi của mình: “Này, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con. Chúng con đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi, làm sao sẽ được cứu rỗi. Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, mọi công nghiệp của chúng con khác nào chiếc áo dơ bẩn. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.” Nhưng họ cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.”
2/ Bài đọc II: Sự cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời
Lịch sử Cứu Độ được lật qua trang mới sau Thời Lưu Đày, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài, Đức Kitô nhập thể để cứu độ trần gian. Nếu trong Cựu Ước, người Do-Thái không thể sống vắng bóng Thiên Chúa; thì trong Tân Ước, người Kitô hữu cũng không thể sống vắng bóng Đức Kitô, vì:
2.1/ Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng và bình an: Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu Côrintô: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.” Qua Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Ngài đã đem lại bình an và rất nhiều ân sủng cho con người. Con người có bình an vì con người nhờ Đức Kitô mà được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Đức Kitô cũng là nguồn mạch mọi ân sủng cho con người, nhất là qua các Bí-tích.
2.2/ Đức Kitô mặc khải cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.” Nếu không có Đức Kitô mặc khải, con người không thể hiểu rõ ràng Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa và rất nhiều các Mầu Nhiệm khác trong đạo.
2.3/ Đức Kitô giúp con người trung thành đến cùng: “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em điều gì trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Nhờ hiểu biết rõ ràng về Kế Họach Cứu Độ qua Tin Mừng, và được nâng đỡ bằng các ân sủng của Đức Kitô, con người có thể vượt qua những gian khổ của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Ngòai ra, con người cũng biết chuẩn bị mọi hành trang cần thiết để ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Phải tỉnh thức trông chờ Chúa đến.
3.1/ Ngày giờ Chúa đến không ai biết: Trong câu 13:32, Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” Vì không ai biết được ngày giờ, nên con người cần phải chuẩn bị luôn.
3.2/ Phải tỉnh thức, không được ngủ mê: “Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” Chỉ trong 5 câu, chữ tỉnh thức được lặp đi lặp lại tới 4 lần; một câu không có chữ “tỉnh thức,” lại dùng chữ đối nghịch “ngủ mê”với trạng từ “không.” Vì thế, có thể quả quyết, Thánh Marcô đã chú trọng đến “sự tỉnh thức,” và lặp đi lặp lại tới 5 lần trong 5 câu.
3.3/ Làm sao để luôn chuẩn bị? Cách chuẩn bị hay nhất là luôn có trong mình tất cả những gì cần thiết để về với Thiên Chúa. Việc “Sắp Sẵn” mọi sự theo phương pháp của Hướng Đạo sẽ giúp chúng ta chuẩn bị. Các em HĐ học và thực tập tất cả những gì cần thiết cho việc sinh tồn: dấu đi đường, nút giây, nấu ăn, cứu thương … Về cách chuẩn bị tinh thần của các tín hữu, chúng ta cầ chú ý đến những sự sau đây:
(1) Giữ thân thể nhẹ nhàng, mau mắn: Cha ông ta khuyên: “Một tinh thần mau mắn trong một thân thể tráng kiện.” Chè chén say sưa làm thân thể nặng nề. Sự nặng nề của thân xác làm con người mê ngủ, lười biếng, và tinh thần ra bạc nhược. Các ngài nói không sai: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn.” Vì thế, ăn ưống ngon quá chưa chắc đã giúp cho sức khỏe, mà còn làm hại con người. Ngòai ra, chịu khó tập thể dục, chơi thể thao sẽ giúp thân thể nhẹ nhàng, di chuyển dễ dàng, và có nghị lực để vươn lên.
(2) Không quá quan tâm đến cuộc sống vật chất: Khi bị cám dỗ về nhu cầu vật chất trong sa mạc, Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố với ma quỉ và làm gương cho chúng ta: “Con người sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn bởi những Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Đa số con người hiện đại đang đơn giản hóa đời sống con người chỉ còn chiều kích vật chất (cả chủ nghĩa tư bản cũng như cộng sản; các chủ thuyết hiện đại như materialism, individualism). Họ quên đi tất cả những chiều kích khác như: tinh thần, trí tuệ, tình cảm. Nếu đời sống con người chỉ còn chiều kích vật chất, con người không bằng con vật; vì con vật không phải làm vất vả như con người mà vẫn có ăn.
(3) Quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần: Vì con người được dựng nên và tiền định để sống cuộc đời hạnh phúc với Thiên Chúa; nên con người phải dành nhiều thời giờ cho chiều kích tâm linh này. Con người sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, nếu con người lấy thời giờ để chuẩn bị đời sống tâm linh để dùng vào đời sống vật chất. Làm sao để thăng tiến đời sống tâm linh? Hai điều chính được Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều lần:
- Nghiền gẫm Lời Chúa: Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn lối con đi (Psa:). Không hiểu biết Lời Chúa, làm sao con người có thể sống theo đường lối của Chúa? Không biết sống theo đường lối Chúa, con người sẽ sống theo đường lối thế gian, và phải chịu mọi hậu quả của nó.
- Kết hiệp mật thiết với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện: Nếu lúc nào con người cũng để Đức Kitô làm chủ và hướng dẫn cuộc sống, thì Ngày Ngài đến cũng chẳng làm con người ngạc nhiên. Con người kết hiệp mật thiết với Đức Kitô qua việc tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh Thần Vụ, năng lãnh nhận các Bí-Tích, và cầu nguyện nhiều lần trong ngày.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Câu hỏi quan trọng mỗi người phải tìm ra câu trả lời trong Mùa Vọng này: Cuộc đời chúng ta đang bị hướng dẫn bởi ai? Thiên Chúa hay những cám dỗ thế gian?
- Nếu Đức Kitô đang làm chủ cuộc sống, chúng ta sẽ không thiếu bất cứ điều gì: ân sủng, bình an, khôn ngoan, sức mạnh, và trung thành.
- Chúng ta biết chắc chắn một điều Ngày của Chúa sẽ đến, nhưng không biết ngày giờ nào; vì thế, chúng ta cần phải luôn chuẩn bị. Phải giữ cho thân thể nhẹ nhàng, dành thời giờ để trau dồi cuộc sống tâm linh, để Lời Chúa thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc đời, và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

30/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – B 
Mc 13,33-37

Suy niệm: Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện lý thú về những người nằm chết khát trên chiếc bè nằm lênh đênh ngoài khơi bờ biển Bra-xin. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi nó tống ra biển xa đến hai dặm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết. Cũng tương tự như vậy, quanh chúng ta biết bao niềm vui hạnh phúc, yêu thương... phần lớn người ta chẳng hay biết gì.”
Mời Bạn: Sống gần kề dòng sông ân sủng của Thiên Chúa nhưng rất có thể chúng ta không nhận ra được điều đó, để rồi, trong  đời sống thiêng liêng, ta sống lây lất, dở sống dở chết. Mùa Vọng gióng lên hồi chuông để ta tỉnh thức trong giờ Chúa đến bất chợt; trước mắt nó thúc giục ta tỉnh thức hầu nhận ra vô vàn ơn huệ Thiên Chúa ban cho ta trong đời sống.
Chia sẻ: Những gì làm tôi nhận ra và không nhận ra ơn Chúa ban trong đời sống?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống một Mùa Vọng Tỉnh Thức đặc biệt giữ 3 “đức” cuối của kinh “Cải Tội Bảy Mối”:
-  Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống,
-  Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét,
-  Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tuy sống “giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về thế gian”, xin cho chúng con ơn tỉnh thức để trong cuộc sống, luôn biết hướng lòng về Chúa, đi tìm kiếm Chúa và niềm hạnh phúc nơi Chúa mà thôi. 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI MỘT
Ngài Đến Để Phán Xét Kẻ Sống Và Kẻ Chết
Chúng ta biết về cuộc sinh hạ Chúa Giêsu trong đêm nhiệm mầu ấy ở Bê-lem. Chúng ta biết cuộc sống và cái chết của Người trên Thập Giá. Bằng lời Tin Mừng cứu độ của Người và, cuối cùng, bằng cái chết và cuộc Phục Sinh của Người, Người đã rao giảng “những gì công minh chính trực” trên mặt đất. Chúng ta hãy “đứng thẳng dậy và ngẩng đầu lên”. Vì với sự đến của Đấng Công Chính, với mầu nhiệm Vượt Qua của Người, ơn cứu độ của chúng ta được bảo đảm.
Mùa Vọng hướng chỉ về sự đến của Đấng Cứu Chuộc, của Con Người, Đấng đã sinh ra ở Bê-lem đêm ấy. Từ khoảnh khắc kỳ diệu ấy, Người tự tỏ lộ cho chúng ta thấy chính Người trong toàn bộ lịch sử nhân loại từ khởi đầu tới chung cuộc.
Người cho chúng ta thấy lịch sử loài người trên trái đất không phải chỉ là một dòng lịch sử hướng về sự chết. Lịch sử ấy có ý nghĩa của nó và dẫn về điểm hoàn thành mọi sự. Theo nghĩa đó, Mùa Vọng hướng chỉ một sự đến khác của Con Người, lần này trong tư cách là vị Thẩm Phán của hồi tận thời. Người đã đến để ươm mầm Tin Mừng qua cuộc Nhập Thể và cuộc Tử Nạn của Người. Người sẽ đến lần thứ hai để phán xét các dân tộc và thu hoạch hoa trái mà Người đã gieo trồng. Người sẽ đến để bóc trần những kín ẩn của mọi lương tâm và mọi cõi lòng vào cuối thời gian.
Như vậy, lịch sử con người trên trái đất không chỉ là một hành trình tiến về cái chết. Tiên vàn nó là một sự chuẩn bị cho sự thật của cuộc phán xét. Nó là một sự chuẩn bị cho sự sống viên mãn trong Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY  30-11
Chúa Nhật I Mùa Vọng.
Is 63,16b-17.19b;64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13, 33-37.

LỜI SUY NIỆM“Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là phải canh thức”
Chúa Giêsu không bảo canh thức là ngồi yên tại một chổ mà không làm việc gì hết, nhưng mỗi người đều đã được Chúa giao cho một công việc, và công việc đó phải được làm tốt và đem lại lợi ích cho mình và cho người anh em. Với một tinh thần sẵn sàng để gặp được Chúa. Đó là cùng đích của mỗi người Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, Khởi đầu năm phụng vụ, Chúa và Giáo Hội kêu mời chúng con phải tỉnh thức, tỉnh thức để chờ Chúa đến. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, trong mọi công việc của chúng con làm với một tinh thần vui tươi và hy vọng sẽ được gặp Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 30-11
Thánh ANRÊ TÔNG ĐỒ
(Thế kỷ I)

Anrê tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Con của Gioana. Như em mình là Phêrô, Ngài làm thuyền đánh cá và không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp người khiêm tốn được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth. Ngày ấy đang khi cùng với Phêrô đi thả lưới, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và đưa lời gọi sẽ quyết định cuộc đời các Ngài: - Hãy theo tôi, tôi sẽ làm các anh thành các ngư phủ lưới người ta.
Đây không phải lần đầu Anrê đã gặp đấng cứu thế. Thỉnh thoảng Ngài có tới nghe Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc. Khi ấy Chúa Giêsu xuống Galilea và Gioan tẩy Giả đã nói: - Đây là Chiên Thiên Chúa.
Và ANRÊ có mặt ở đó với Gioan, đã biết được Người là Đấng thiên sai mong chờ. Gioan và ANRÊ lên đường theo Người xa xa vì họ cảm động và không dám tới gần. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói với họ: - Các anh tìm chi vậy ?
Họ, những người chỉ tìm, chỉ muốn Chúa thôi đã thưa lại: - Thưa Thầy, thày ở đâu ?
Chúa Giêsu nói: - Hãy đến mà xem. Và cả hai đã ở với Chúa hôm ấy.
Khi trở về nhà ANRÊ đã nói với em mình: - Chúng tôi đã gặp được Đấng thiên sai.
Từ đó hai anh em đã bỏ chài lưới để tới gần Chúa Giêsu. Họ nghe Người và thần tính của Người dần dần rọi sáng tâm hồn họ. Họ đã tông thờ Đấng cứu thế ở trong lòng rồi.
Ở tiệc cưới Cana, Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài. Thế là sau biến cố ấy Chúa Giêsu đã gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.
Anrê đã rạng rỡ trong lòng mà tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên đường đi, việc Phúc âm những kẻ chết, việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn người đói lả vây quanh Chúa Giêsu. Chính Anrê đã nói: - Có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng bằng ấy thì thấm vào đâu đối với ngần này người (Ga 6,8 -9).
Và Ngài được thấy Chúa Giêsu tăng gấp số thực phẩm. Ở Gierusalem, Ngài còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người. Ngài đã nghe loan báo các chân phúc, các dụ ngôn. Ngài đã có mặt trong bữa tiệc ly. Sau phục sinh, Ngài đã sung sướng gặp lại Thày chí thánh. Ngày lên trời, Ngài thấy Người tiến lên mây trời. Ngày hiện xuống, Ngài đón nhận Chúa Thánh Thần.
Sau những tường thuật trên của Phúc âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về Anrê. Các bản văn không có thẩm quyền nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Bắc hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, Ngài ăn chay 5 ngày. Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida.
Êgêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: kẻ ngoại lai này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư ? Nhưng Anrê không sợ gì Egêa. Ngài đã nắm vững được chân lý. Ngài nói:- Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ong đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết ông phải biết đến vị thẩm phán xét xử mọi người chúng ta ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người.
Êgêa vặn lại: - Vị thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì ? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy.
Không hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc: làm sao Ngài để mất danh dự được đóng đinh vào cùng một đau khổ giá như thày mình được ? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, Ngài nói với Êgêa: - Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt.
Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính mà người ta thích lập lại lời chào ấy: - Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới thầy chí thánh là Đấng đã nhờ Người mà cứu chuộc Ta.
Dịu dàng Anrê giang tay ra. Ngài bị cột bằng giây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe Ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúngvây quanh Ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo giây cho Ngài. Họ nói: - Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, Ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quí của Thiên Chúa.
Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này. Ngài cầu nguyện:
- Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.
Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.
Tương truyền thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV... người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh ANRÊ .
(daminhvn.net)


30 Tháng Mười Một
Bảo Chứng Của Trường Sinh Bất Tử
Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư  hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà cha. Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét