27/11/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật
34 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3. 9a
"Thành
Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi".
Trích
sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi
là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần từ trời xuống, có quyền năng cao cả, và đất
rực sáng lên bởi vinh quang của Người. Người dõng dạc kêu lên rằng: "Thành
Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi: nó đã trở thành nơi ma quỷ ở, hang
mọi thần ô uế ẩn trú, và nơi mọi thứ chim dơ bẩn gớm ghiếc làm tổ".
Rồi
có một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển
mà rằng: "Thành Babylon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm
thấy nó nữa". Tiếng người gảy đàn và kẻ hát ca, tiếng kẻ thổi sáo thổi kèn
sẽ không còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Những người thợ bá nghệ không còn tìm thấy
nơi ngươi nữa; và tiếng cối xay cũng chẳng còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Ðèn
sáng không còn chiếu sáng nơi ngươi nữa. Tiếng tân lang tân nương không còn
nghe thấy nơi ngươi nữa, vì những tay buôn của ngươi là bọn kỳ hào trên hoàn
vũ, và bởi phù phép ngươi, mọi dân tộc phải lầm lạc".
Sau
đó, tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng:
"Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa
chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt
gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó;
Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra. Họ lại cất tiếng rằng:
"Alleluia! Khói nó bốc lên cho tới muôn đời".
Và
thiên thần bảo tôi: "Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc
cưới Con Chiên".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Phúc cho những
ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).
Xướng:
1) Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng
hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2)
Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc
quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3)
Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui,
hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
4)
Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng
trung tín Người còn tới muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia:
Lc 21, 28
Alleluia,
alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần
đến. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 21, 20-28
"Giêrusalem
sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị
các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá.
Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong
thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy
là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
"Khốn
cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ
có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã
gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị
các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.
"Sẽ
có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc
buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những
gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ
thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những
điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi
các con đã gần đến".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Giờ
Cứu Rỗi Gần Ðến
Từ
năm 44 TCN đến năm 66 SCN, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc
ác, dã man, đến nỗi dân Do thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới
gót giầy của Ðế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang
đánh dẹp những cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi Hoàng đế tại Rôma, ông
sai con cả là Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê. Nghe tin Titô kéo quân về
Giêrusalem, 25,000 người Do thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh
hưởng đã hợp lực tổ chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu:
80,000 quân với đầy đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu
tháng 7 năm 70, Titô lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày
6/8 việc tế tự trong Ðền thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8 quân Rôma đánh phá và đốt Ðền
thờ. Hai ngày sau, tức ngày 30/8 năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt
phá bình địa. 90,000 người Do thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như
lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Tuy
nhiên, lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70,
mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để
xét xử, có các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: "Sẽ có những điềm
lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang
mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc,
chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển.
Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây... Hãy đứng thẳng và ngẩng
đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần".
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta.
Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run
sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ
của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời
của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam: "Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên
núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào
thành". Ðành rằng, bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui,
sự hãnh diện, tình yêu thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con
người không còn lý do gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những
ràng buộc của thân xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.
Ước
gì mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong
ngày Chúa đến.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Tạ Ơn
Bài đọc: Sir
50:22-24; 1 Cor 1:3-9; Lk 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cám ơn Thiên Chúa
Tổ
tiên của nước Hoa Kỳ đã để lại cho con cháu một di sản quí báu là ngày Lễ Tạ
Ơn. Cám ơn Thiên Chúa là một điều phải làm vì không ai trong chúng ta không nhận
ơn của Thiên Chúa trong năm vừa qua: ơn phần hồn, ơn phần xác, ơn cho cá nhân,
gia đình, cộng đoàn và quốc gia. Đã nhận ơn phải biết ít nhất nói lời cám ơn,
sau đó tìm dịp để trả ơn cho người đã thi ơn. Ba điều chúng ta có thể làm trong
ngày Lễ Tạ Ơn là cầu nguyện, tham dự thánh lễ và sống tâm tình biết ơn với gia
đình và những anh chị em nghèo khổ.
Các
bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhiều chất liệu suy tư trong ngày Lễ Tạ Ơn. Trong
bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dạy chúng ta ba điều: Trước hết, chúng ta phải
biết ơn Thiên Chúa vì Ngài đã làm cho chúng ta biết bao ơn lành trong quá khứ.
Tiếp đến, ông dạy chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được niềm vui và an
bình trong giây phút hiện tại. Sau cùng, ông dạy chúng ta xin Thiên Chúa gìn giữ
chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm phần hồn
cũng như phần xác trong tương lai. Trong bài đọc II, thánh Phaolô hướng lòng
chúng ta lên Đức Kitô vì Ngài là nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an. Ngài đã
mặc khải cho chúng ta những mầu nhiệm của Thiên Chúa; nếu không có Đức Kitô,
chúng ta không thể nào hiểu được. Ngài cũng trợ giúp chúng ta trung thành với
Thiên Chúa qua các ơn thánh Ngài đã thiết lập được trong Cuộc Thương Khó và cái
chết của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự vô ơn
của đa số nhân loại qua việc chữa lành mười người phong hủi. Dầu Chúa đã chữa
lành cả mười người, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Thiên Chúa; mà
người đó lại là một người dân ngoại Samaritan! Ôi đau đớn và tệ bạc thay! Đến nỗi
Chúa phải đau lòng thốt lên, “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế
thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ
có người ngoại bang này?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Giờ
đây chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài.
1.1/
Tạ ơn vì những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và mọi người trong quá khứ: Con người chúng ta
được bao vây bởi vô vàn hồng ân của Thiên Chúa. Trong những hồng ân này, có những
điều vĩ đại Thiên Chúa làm cho mọi người. Ví dụ, việc tạo dựng và trao cho con
người cộng tác với Ngài để điều khiển thế giới; việc cứu chuộc qua sự kiện Chúa
ban cho con người Đức Kitô, người con một của Ngài, để lấy đi tất cả tội lỗi
cho con người và mang lại cho con người ơn cứu độ muôn đời; việc thiết lập Giáo
Hội để tiếp tục ở lại, dạy dỗ và bảo vệ con người. Có những hồng ân Thiên Chúa
làm cho từng cá nhân một. Ví dụ, cho được hiện hữu trong cuộc đời, cho được làm
quí tử của Ngài, tiền định cho được sống hạnh phúc đời đời, ban muôn vàn ơn
thánh và bảo vệ con người trong những ngày họ sống trên dương gian.
1.2/
Xin Thiên Chúa cho chúng ta niềm vui và bình an trong giây phút hiện tại: Tuy Ngài bao vây
con người với muôn vàn ơn thánh như thế, nhưng con người vẫn có thể buồn sầu và
bất an vì không biết xử dụng ơn thánh và tự do Thiên Chúa ban. Vì thế, con người
cần xin Thiên Chúa mở lòng trí để biết chọn lựa những gì đưa đến niềm vui, bình
an và hạnh phúc; chứ không chọn lựa những gì đem lại bất an, đau khổ và sầu buồn.
1.3/
Xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi mọi chước cám dỗ và nguy hiểm trong tương
lai: Con
người cần ý thức rõ ràng về sự hiện diện của ba kẻ thù trong đời sống; đó là:
quỉ thần, thế gian và xác thịt. Cả ba kẻ thù này đều mạnh hơn và có thể làm cho
con người rơi vào chước cám dỗ của chúng. Vì thế, con người cần xin Thiên Chúa
ban thêm ơn khôn ngoan để nhận ra và ơn sức mạnh để chiến đấu, để họ khỏi sa
vào những chước cám dỗ và phải chịu những hậu quả tai hại của sự dữ trong tương
lai.
2/
Bài đọc II:
Sự cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời
Lịch
sử Cứu Độ được lật qua trang mới sau Thời Lưu Đày, Thiên Chúa đã cho Con của
Ngài, Đức Kitô nhập thể để cứu độ trần gian. Nếu trong Cựu Ước, người Do-Thái
không thể sống vắng bóng Thiên Chúa; thì trong Tân Ước, người Kitô hữu cũng
không thể sống vắng bóng Đức Kitô, vì:
2.1/
Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng và bình an: Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu Côrintô:
“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng
và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã
ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.” Qua Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Ngài đã
đem lại bình an và rất nhiều ân sủng cho con người. Con người có bình an vì con
người nhờ Đức Kitô mà được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Đức Kitô cũng
là nguồn mạch mọi ân sủng cho con người, nhất là qua các Bí-tích.
2.2/
Đức Kitô mặc khải cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Quả vậy, trong Đức
Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được
nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô
đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ
nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang
của Người.” Nếu không có Đức Kitô mặc khải, con người không thể hiểu rõ ràng Mầu
Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa và rất nhiều các Mầu Nhiệm khác trong đạo.
2.3/
Đức Kitô giúp con người trung thành đến cùng: “Chính Người sẽ làm cho anh em
nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em điều gì
trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành,
Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.” Nhờ hiểu biết rõ ràng về Kế Họach Cứu Độ qua Tin Mừng, và được
nâng đỡ bằng các ân sủng của Đức Kitô, con người có thể vượt qua những gian khổ
của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Ngòai ra, con người cũng biết chuẩn
bị mọi hành trang cần thiết để ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.
3/
Phúc Âm:
Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có
người ngoại bang này?
3.1/
Phải biết ơn trước khi cám ơn: Trên đường lên Jerusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền
Samaria và Galilee. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón
gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ
lòng thương chúng tôi!"
(1)
Tình trạng bi thảm của những người phong cùi: Vì người Do-Thái rất chú trọng đến
vấn đề thanh sạch bên ngòai, những người phong cùi không được ở chung với dân;
mà phải sống cách biệt bên ngòai làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không
được phép tiếp xúc trực tiếp với dân và phải la lớn để mọi người được biết sự
có mặt của họ mà tránh đi (Lev 13:45).
(2)
Để chứng tỏ mình đã hết bệnh phong cùi, họ phải được xem xét cẩn thận bởi các
tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh họat
bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo
họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi trên đường thì họ
được sạch.
Bệnh
cùi có thể được ví như tội lỗi, nhất là tội kiêu ngạo và bất tuân Thiên Chúa và
bề trên (gương của bà Miriam bị cùi). Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta biết
bao tội trong cả năm qua, Ngày Tạ Ơn chẳng lẽ chúng ta không cám ơn lòng thương
xót của Ngài!
3.2/
Những người “ở ngòai” dễ nhận ra ơn hơn những người “ở trong”:
-
Tâm tình biết ơn của người Samaria: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi,
liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức
Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria. Đức Giêsu nói: "Không phải cả
mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở
lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?"
-
Người Do-Thái khinh thường và sống xa cách với người Samaria. Điểm lạ ở đây là
chín người phong Do-Thái khi bị chính dân mình khai trừ đã mở rộng vòng tay cho
người phong Samaria được sống chung với họ. Khi con người bị đau khổ và bỏ rơi,
có lẽ con người dễ đòan kết và sống chung với nhau hơn.
-
Người Samaria, tuy bị người Do-Thái khinh thường, nhưng nhiều lần được chính
Chúa Giêsu khen tặng. Trong câu truyện “Ai là người thân cận của tôi?” Chúa
Giêsu đã đề cao người Samaria Nhân Hậu hơn các thầy tư tế và Lêvi, vì ông là
người biết tỏ lòng thương xót với người bị đánh trọng thương dọc đường: ông đã
vực người trọng thương lên lừa và đưa về quán trọ săn sóc cẩn thận và hứa sẽ trả
mọi phí tổn tương lai cho chủ quán trọ (Lk 10:30-37). Trong cuộc đàm thọai giữa
Đức Kitô và người phụ nữ xứ Samaria, chị đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên
của Chúa Giêsu, nhiệt thành loan báo về Người cho các dân trong làng của chị
(Jn 4:39-41).
-
Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn: Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy
về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Không phải chỉ được thanh sạch
bên ngòai, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng
đáng được hưởng ơn cứu độ.
3.3/
Tại sao con người vô ơn? Có
nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự
trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ giả sử tất
cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải
nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu nhận ra ơn, họ
phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn:
(1)
với Thiên Chúa: Đấng đã dựng nên và không ngừng ban mọi ơn lành cho họ. Ngày Lễ
Tạ Ơn là dịp để con người nhận ra và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ
và làm ơn cho những người kém may mắn; nhưng thử hỏi được bao nhiêu người làm
những điều này? Thay vào đó, họ lo tổ chức ăn uống vui chơi cho bản thân và cho
gia đình họ.
(2)
với cha mẹ: những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ họ trong suốt một phần
tư của cuộc đời. Lẽ ra, khi cha mẹ về già không còn tự săn sóc mình được nữa, họ
phải phụng dưỡng và săn sóc trở lại, thì họ lại cho vào các nhà hưu dưỡng rồi tự
an ủi mình: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
(3)
với tha nhân: những người đi trước nhiều khi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu,
xây dựng, và phát minh ra những tiện nghi mà chúng ta đang được hưởng. Bổn phận
của những người thụ hưởng là tiếp tục để làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp
hơn chứ không phải chỉ ù lỳ thụ hưởng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Lễ Tạ Ơn là ngày chúng ta phải dành trọn vẹn để cám ơn Thiên Chúa, chứ không phải
là ngày ăn uống linh đình, coi football hay đi sắm đồ cả ngày. Chúng ta phải cẩn
thận đề phòng để khỏi bị rơi vào những chước cám dỗ của quỉ thần và giới con
buôn.
-
Để tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta cần làm ba việc: cầu nguyện để nói lên tâm tình
biết ơn, tham dự Thánh Lễ để cùng dâng lên Thiên Chúa hy lễ đẹp ý Ngài nhất, và
sống trong tâm tình biết ơn bằng cách chia sẻ tình yêu với những người trong
gia đình và những anh chị em nghèo.
-
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn
lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố
để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 34
Lc 21,20-28
A. Hạt giống...
Tiếp tục diễn từ chung luận :
- các câu 20-24 : Chúa Giêsu lại nói về ngày
thành Giêrusalem bị tàn phá.
- các câu 25-28 : và lại chuyển sang ngày tận thế
và Quang lâm. Tất cả những thế lục mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững
chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho
quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những
kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị
lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa
ngự đến.
B.... nẩy mầm.
1. “Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế
quốc La mã đem quân bình địa Giêrusalem... Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của
niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên
hòn đá nào”... Tuy nhiên, nếu người do thái thương khóc cho một quê hương đổ
nát, thì các kitô hữu lại hân hoan ra đi loan Tin Mừng cho các dân tộc khác ;
sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô
giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất
mát. Đó là cái nhìn Chúa Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có”
(trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian
thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ ; còn kẻ nào dựa vào
Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
3. Lời tâm sự của một người mẹ : Từ nhỏ tôi đã sợ
chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là
nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Chuyện như thế
này : người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên
kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước
xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông
chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con
chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó cả đàn
chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.”
(Sunday School Time).
4. Khi John Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn
hỏi ông :
- John Quincy Adams thế nào rồi ?
- John Quincy Adams vẫn khỏe. Nhưng mà ngôi nhà
mà linh hồn John Quincy Adams cư ngụ đã bệ rạc lắm rồi, nó sắp sập đến nơi. Đã
đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó. (The Gospel Herald)
5. Đoạn Tin Mừng thoảng mùi khói lửa, với tiếng
vó ngựa, tiếng gươm đao, tiếng binh lính hò la chém giết … Còn dân Chúa thì
trốn chui trốn nhủi.
- Qua đó ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng :
Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng
thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm.
Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân
ngoại”, mặc sức họ tung hoành.
- Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có
thể có những lúc tương tự : Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác
nữa mà muôn thứ thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mắt mủi ; mọi
sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.
- Từ đáy vực thẳm đen tối đó, có lẽ thái độ tốt
nhất là ta nhìn ra được lời Chúa mời gọi ta sám hối trở về với Ngài. Và sau đó
với lòng phó thác và biết ơn, chúng ta “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì
chúng ta sắp được cứu chuộc”.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
27/11/14 THỨ NĂM TUẦN
34 TN
Lc 21,20-28
Lc 21,20-28
Suy niệm: Sử
gia Flavius Josephus cho biết tướng Ti-tô, chỉ huy bốn quân đoàn Rô-ma, đã bao
vây và tàn phá bình địa thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Số người bị giết chết
là một triệu một trăm ngàn người, chín mươi bảy ngàn người Do Thái bị đi lưu
đày. Các Ki-tô hữu ghi nhớ lời Đức Giê-su tiên báo về việc thành Giê-ru-sa-lem
bị tàn phá, nên đã tránh xa khỏi thành trong những ngày ấy. Tuy nhiên, những
lời trên đây của Đức Giê-su cũng tiên báo về những hiện tượng ngoại thường
trước ngày thế mạt. Ngày thế mạt ấy không biết khi nào sẽ xảy ra, chỉ chắc chắn
một điều là ai cũng có một ngày cuối đời. Ta có ghi nhớ Lời Chúa để chuẩn bị
cho ngày thế mạt riêng của mình tựa như các Ki-tô hữu sơ khai đã ghi nhớ Lời
Ngài không?
Mời Bạn: Đứng thẳng và ngẩng đầu lên để đón Đức Giê-su, Đấng sẽ đến trên mây trời,
ngày hôm nay vẫn đang đến với bạn trong cuộc sống mỗi ngày. Bạn hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên để không mãi mê cúi đầu lo kiếm sống, vui
hưởng thụ, mà quên cùng đích đời mình, để không mãi còng lưng vì bao thói hư
tật xấu kéo ghì bạn xuống.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập tư thế đứng thẳng và ngẩng đầu lên để sống đúng tư thế người môn đệ Chúa Kitô: có
lý tưởng, mục tiêu tối hậu cho cuộc đời, cũng như nỗ lực tránh những gì bất
xứng với tư thế ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để
hoàn tất công trình cứu độ vũ trụ. Chúng con chờ đợi ngày quang lâm ấy không
phải cách thụ động, nhưng bằng sự dấn thân tích cực của mình. Amen.
Sắp được cứu chuộc
Vào cuối năm phụng vụ, Lời
Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế. Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm
vui, ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.
Suy niệm:
Theo Josephus, một sử gia
người Do Thái đáng tin cậy,
bốn quân đoàn của vị tướng
Rôma là Titus
đã vây hãm thành phố Giêrusalem
vào lễ Vượt Qua năm 70,
khiến người dân trong thành
rơi vào cảnh đói khát cùng cực.
Ông kể chuyện một phụ nữ quê
ở Pêrêa vì quá đói
đã túm lấy đứa con còn thơ
dại, giết con và nướng để ăn.
Cũng theo sử gia này, quân
Rôma đã dùng gươm
để giết hơn một triệu người
ở Giêrusalem và Giuđê.
Những người Do Thái bị bắt
làm tù binh là gần một trăm ngàn.
Ai có thể tưởng được điều
khủng khiếp như vậy đã xảy ra
chỉ bốn mươi năm, sau khi
Đức Giêsu nói những lời tiên báo.
Giêrusalem là thành trì vững
chắc, nơi trú ẩn an toàn,
bây giờ lại là nơi nguy
hiểm, cần phải tránh xa (c. 21).
Tai họa ập xuống trên phụ nữ
mang thai và cho con bú (c. 23).
trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ
vô tội.
Thành đô đã bị bao vây, bị
thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo.
Dân thành bị ngã gục, bị đi
đày, phải tản mác khắp nơi.
Sự sụp đổ của thành đô đã là
một biến cố trên đất Israel.
Nhưng trước khi Đức Giêsu
ngự đến trên mây trời
như Con Người đầy quyền năng
và vinh hiển (c. 27),
sẽ có những dấu lạ đáng sợ
khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25).
Thánh Máccô nói đến hiện
tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng,
và các vì sao sa xuống từ
trời (Mc 13, 24-25).
Thánh Luca nói đến cảnh biển
gào, sóng thét.
Những điều đó làm muôn dân
hoang mang, hồn xiêu phách lạc,
nhưng không làm các môn đệ
hoảng hốt, âu lo.
Ngược lại họ mừng vui vì
Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến.
“Anh em hãy đứng thẳng và
ngẩng đầu lên” (c. 28).
Đứng thẳng để đón Đấng mà họ
đã suốt đời thắp đèn chờ đợi.
Ngẩng đầu để mừng giây phút
ơn cứu chuộc đã đến gần.
Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh
trở lại như Đấng xét xử quyền năng,
Ngài mới trọn vẹn hoàn thành
Nước Thiên Chúa trên mặt đất.
Vào cuối năm phụng vụ, Lời
Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế.
Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa
chan chứa niềm vui,
ngày được gặp mặt Đấng chúng
ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.
Người ta vẫn hay đoán già
đoán non về ngày tận thế.
Nhiều người tưởng là năm
2000, sau đó có người lại nói là 2012.
Điều quan trọng là làm sao
tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến,
làm sao nhân loại trên trái
đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài
như đón Đấng Cứu Tinh mà họ
nóng lòng chờ đợi.
Nếu ngày mai Ngài đến với cả
thế giới hay đến với riêng mình tôi,
tôi có sẵn sàng chưa hay còn
bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng?
Mỗi người đều có ngày tận
thế của mình.
Xin cho tôi được bình an khi
ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy
niệm
Sau
lời tiên tri về một loạt các biến cố, trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu
nói về sự kiện thành Giêrusalem sẽ sụp đổ, và các dấu hiệu trên trời sẽ xảy đến,
cùng với sự xuất hiện của Con Người. Và điều Đức Giêsu mong mỏi là các môn đệ của
Ngài luôn sống trong tâm thế “đứng thẳng” và “ngẩng đầu”, trong
khi chờ đợi ơn cứu chuộc Ngài ban trong ngày chung thẩm.
Hôm
nay, nhiều người vẫn băn khoăn về ngày tận thế: khi nào?
Hôm
nay, tôi vẫn không thể “đứng thẳng” và “ngẩng đầu”, vì những gánh
nặng của đam mê đè trên thân xác và trên cuộc đời tôi.
Mong
sao, việc khi nào Chúa đến, không phải là điều tôi quá băn khoăn cho cuộc đời
mình.
Nhưng
điều tôi phải bận tâm là tôi có thể “đứng thẳng” và “ngẩng đầu” trong giờ Chúa
đến?
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27
THÁNG MƯỜI MỘT
Khởi
Đầu Và Kết Thúc Của Tạo Vật
“Nhân
loại sẽ nhìn thấy Con Người xuất hiện trên đám mây với uy quyền và vinh quang
cao cả” (Lc 21,27).
Mùa
Vọng hướng suy tư của chúng ta về sự khởi đầu, bởi vì mầu nhiệm sáng tạo cho thấy
sự đến lần thứ nhất của Thiên Chúa. Và sự khởi đầu ấy hướng chỉ cái chung cuộc:
sự đến lần thứ hai của Đức Kitô.
Các
Sách Tin Mừng nói về những dấu hiệu của thời cánh chung. Thế giới này sẽ trải
qua sự hủy diệt và tiêu vong. Thật vậy, sự qua đi của các tạo vật không ngừng
nhắc chúng ta rằng thế giới này sẽ kết thúc. Chúa Nhật I Mùa Vọng gợi lên cho
chúng ta những suy tư về mầu nhiệm rất quan trọng này: mầu nhiệm bắt đầu và kết
thúc của tạo vật.
Mầu
nhiệm về bản tính phù du của vạn vật và mầu nhiệm sự chết tự nó biểu lộ rõ ràng
nơi mọi sự chung quanh chúng ta. Không ai nghi ngờ sự kiện rằng mọi sự trên đời
này sẽ tiêu vong và thế giới hữu hình này sẽ mai một. Không ai nghi ngờ sự thật
rằng mọi người trên trái đất này rồi sẽ chết. Đời sống con người như một cánh
hoa sớm nở tối tàn. Xuyên qua sự qua đi của thế giới và xuyên qua sự chết của
con người, Thiên Chúa – Đấng Vĩnh Hằng – được tỏ lộ ra. Ngài không bị khống chế
bởi thời gian. Ngài là vĩnh cửu. Ngài là Đấng “hiện có, đã có và sẽ đến” (Kh
1,8).
Mùa
Vọng tiên vàn là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng. Thiên Chúa
không có khởi đầu – cũng không có chung cuộc.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
27-11
Kh
18, 1-2. 21-23; 19, 1-3.9a; Lc 21, 20-28.
LỜI
SUY NIỆM: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xãy ra, anh em hãy đứng thẳng
và ngẫn đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”
Chúa
Giêsu đang nói với chúng ta, về những điềm lạ sẽ xãy ra trước ngày tận thế của
nhân loại và cả vũ trụ này. Để mỗi một người tỉnh thức, dọn mình chờ đón trong
hân hoan, chứ không phải sống trong khiếp sợ; bởi vì chính lúc này, là lúc những
người con cái của Chúa sắp được lãnh nhận phần thưởng mà suốt cuộc đời đã phấn
đấu đã tích trử vào kho báu của mình trên trời.
Lạy
Chúa Giêsu, Ngày tận thế là ngày khiếp sợ của cả loài người, nhưng đối với
chúng con lại là ngày đứng thẳng, ngẫn cao đầu để nhận được ơn cứu chuộc, xin
Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được vui sống cho ngày đó.
Mạnh
Phương
27
Tháng Mười Một
Tiếng Vọng Rừng Sâu
Có
một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ, giận mẹ nhưng không thể
xúc phạm một cách trực tiếp, cậu chạy đến một thung lũng cạnh một khu rừng rậm.
Cậu lấy hết sức mình và thét lên: "Tôi ghét người". Cậu ngạc nhiên vô
cùng vì từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người". Cậu hoảng hốt
quay về với mẹ và khóc nức nở. Cậu không thể hiểu được từ trong rừng đã có người
thù ghét cậu.
Người
mẹ nắm tay đưa cậu trở lại khu rừng và bảo cậu hãy hét lên: "Tôi yêu người".
Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì cũng có người nói vọng lại: "Tôi yêu
người". Lúc đó người mẹ mới giải thích cho cậu như sau: "Con ơi, đó
là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận
điều đó. Ai gieo gió thì người đó gặt bão. Nếu con thù ghét người, thì người
cũng sẽ thù ghét con. Nếu con yêu thương người, thì người cũng sẽ yêu thương
con".
Hận
thù lúc nào cũng kéo theo hận thù, bạo động lúc nào cũng sinh ra bạo động. Chỉ
có tình yêu mới làm phát sinh tình yêu. Bạo động và hận thù không thể là phương
thế để cải tạo xã hội. Chỉ có tình yêu đích thực mới cải đổi được lòng người. Bạn
hãy sống cao thượng. Bạn hãy lấy tình yêu để đáp trả lại hận thù. Tiếng vọng
cao đẹp nhất của một nghĩa cử yêu thương lúc nào cũng là tiếng vọng của bình an
tự trong đáy tâm hồn chúng ta.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét