Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

24-11-2014 : THỨ HAI TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

24/11/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm
Lễ Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc,
và các bạn Tử Ðạo
(Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam)
Lễ Kính

(Các bài đọc Lễ Các Thánh Tử Đạo)
Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9
"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

(Khi mừng theo bậc Lễ Trọng thì có Bài Ðọc II này):
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25
"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 4, 14
Alleluia, alleluia! - Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 17-22
"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Cảm Mến Công Ơn Của Các Anh Hùng Tử Ðạo
Ngày lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là dịp để chúng ta ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên Quê hương Ðất nước và nơi Dân tộc anh hùng chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng lại khuôn mặt đẹp đẽ và ý chí quật cường của bao bậc tiền bối. Chúng ta học để quý mến sự sống mà chúng ta đang mạng trong mình và do các ngài để lại. Và chúng ta sẽ cố gắng phát huy cơ nghiệp mà tiền nhân đã hy sinh mạng sống để giữ lại cho chúng ta.

A. Cảm Mến Công Ơn Của Các Anh Hùng Tử Ðạo
Bài sách Macabê thuật lại câu truyện tử đạo của một gia đình 7 mẹ con ở thời Cựu Ước. Ðó là một gia đình không tên không tuổi; và vì thế được phụng vụ coi như là tiêu biểu cho bao bậc tử đạo vô danh. Chúng ta có thể tựa vào câu truyện ấy để nhắc tới những bậc tử đạo quá nhiều trên Ðất nước chúng ta.
Thực vậy, Hội Thánh Việt Nam có nhiều tử đạo bậc nhất thế giới: xét cả về tổng số, cả về tỷ số... Người ta đã nói tới con số 300,000 tử đạo ở Việt Nam. Ðược mấy Giáo hội có nhiều tử đạo như vậy! Và con số 300,000 kia ở thời bấy giờ, chắc phải chiếm tới 3, 4 phần trăm tổng số tín hữu. Chúng ta rùng mình khi nghĩ đến điều ấy. Nhưng thật như lời người ta nói: máu tử đạo làm nảy sinh kẻ có đạo. Chính Ðức Yêsu cũng đã dạy trong Phúc Âm: hạt thóc có rơi xuống đất, thối đi thì mới mọc lên cây, đem lại mùa màng phong phú. Chúng ta ngày nay có đời sống đạo, là nhờ có đông đảo tiền nhân đã cương quyết giữ vững niềm tin cho đến cùng Chắc chắn có nhiều bậc phụ huynh ngồi đây, nhiều gia đình Công giáo ở bên cạnh chúng ta có thể tính lên đời thứ ba thứ tư và gặp thấy một hay nhiều tử đạo trong gia tộc của mình. Ít nhất ai cũng nói được rằng tổ tiên của mình đã phải giữ đạo một cách rất vất vả. Và tất cả chúng ta đều là con cháu các tử đạo theo cả hai nghĩa thiêng liêng và xác thịt.
Ðiều đó chắc chắn không cần phải nói thêm. Nhưng phải nói lên điều này, là: 300,000 tử đạo kia là một đoàn thể đông đảo đủ mọi màu sắc, khác nào một cánh đồng bát ngát đủ mọi sắc hương. Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ có; nhưng số giáo dân đông hơn nhiều. Và già có, trẻ có; thanh niên, phụ nữ, nhi đồng cũng có: không thiếu một hạng người nào. Ðặc biệt hơn nữa là rất nhiều người đã tử đạo trong y phục lý trưởng cũng như quân nhân. Họ là những người dân tốt, phục tùng Nhà nước, làm việc tận tâm, được lòng quan chức nêu gương cho mọi người.
Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là viên chức có lẽ đã giết rất nhiều tín hữu ở miền Bắc. Thế mà dưới quyền ông vẫn có nhiều người lính có đạo. Và những người này nhiều khi lại gương mẫu và xuất sắc. Ông quý mến họ và ra sức dụ dỗ họ bỏ đạo... Ông không hiểu rằng chính đức tin họ đang giữ là động lực cho đời sống công dân tốt lành kia. Thấy họ cương quyết trung thành với tín ngưỡng đang khi vẫn nhiệt tình với chức năng, ông tìm cách bao che cho họ. Nhưng họ không chịu. Ông Huy, ông Thể, ông Hiếu và nhiều người khác dưới quyền Trịnh Quang Khanh đã ra xưng đạo, trước sự khâm phục và xót thương của bao nhiêu chiến sĩ, không cùng một quan điểm tôn giáo nhưng không thể không cảm mến những người chiến hữu và đồng bào giá trị như vậy.
Chúng ta không thể kể hết ở đây về đời sống gia đình, xã hội của các Tử đạo Việt Nam. Chúng ta thường chỉ biết các ngài tử đạo nghĩa là chịu chết vì đạo. Cùng lắm chúng ta chỉ hay nghĩ tới lòng can đảm, chí chịu đựng của các ngài khi bị tra tấn, hành hạ. Nhưng chúng ta cần phải biết: Tử đạo là ơn rất lớn. Nó đưa thẳng người ta về thiên quốc và lên bàn thờ các thánh ngay ở đời này. Một ơn như vậy không dành cho bất cứ một người nào đâu, nhưng chỉ dành để cho những phần tử ưu tú được Chúa lựa chọn. Ở thời các tử đạo, rất nhiều tín hữu đã bị bắt. Có những người đã chối Chúa. Vì họ không mến đủ! Và sở dĩ như vậy vì như lời thánh Yoan nói: người ta không mến Chúa vô hình khi không yêu mến Người nơi anh em hữu hình. Các tử đạo, dù ở chức năng nào, trước khi tuyên chứng lần cuối cùng về lòng yêu mến Ðấng vô hình, cũng đã trải qua nhiều thử thách trong đời sống phục vụ tha nhân. Chúng ta cứ đọc lại mà xem! Hết mọi hạnh thánh tử đạo Việt Nam đều kể rằng trước khi ra pháp trường hay chịu chết trong ngục để xưng đạo, các ngài đã là những người mẹ, người cha chu toàn phận sự gia đình; những người chồng người vợ thi hành tốt mọi phận sự công dân; những người con hiếu thảo và những người lính dũng cảm; những y sĩ và lý trưởng được đồng bào quý mến việc phục vụ. Bởi vì không ai có thể trở thành công dân Nước Trời sau này, nếu đã không là những công dân tốt trên mặt đất.
Ngay cái chết của các tử đạo Việt Nam cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về khía cạnh vừa nói. Anh em Macabê được tử đạo trong một hoàn cảnh đơn giản hơn. Họ là những người Israel bị ngoại xâm Batư bắt phải bỏ đạo của tổ tiên. Trong một cái chết họ đã tỏ ra trung thành với Thiên Chúa và Tổ Quốc. Trường hợp các tử đạo Việt Nam éo le hơn. Những người bắt các ngài bỏ đạo lại là vua quan "phụ mẫu chi dân". Thế nên các ngài không có một lời nào xúc phạm đối với các quan tòa. Và cho đến lúc chết các ngài vẫn chứng tỏ đã chu toàn tốt đẹp mọi nghĩa vụ xã hội. Các ngài đã chết trong tình mến Chúa yêu người và thương nhà thương Nước. Các ngài đã hy sinh mạng sống cho đức tin và chân lý ở trên giải đất này... Cho nên Giáo hội toàn cầu chỉ biết các ngài là tử đạo của Việt Nam.
Do đó khi mừng lễ các ngài, chúng ta phải biết để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài. Chúng ta phải soi gương các ngài chu toàn các nhiệm vụ xã hội một cách thánh thiện. Và cho được như vậy chúng ta phải tìm hiểu động lực bên trong thúc đẩy đời sống của các ngài.
Bài thư Phaolô có thể giúp chúng ta làm công việc này.

B. Ði Theo Ðường Lối Của Các Tử Ðạo
Quả thật các Tử đạo Việt Nam có thể mượn những lời thư Phaolô hôm nay để nói với chúng ta. Một đàng các ngài không giấu giếm sự thật. Bí quyết khiến các ngài có thể vượt thắng trăm ngàn thử thách là chính sự sống và sự sống lại của Chúa Yêsu trong thân xác yếu hèn của các ngài. Các ngài nói: chúng tôi chứa đựng những kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song ấy là của Thiên Chúa chứ không phải phát xuất tự chúng tôi. Các ngài chịu khổ cực tư bề nhưng không bị đè bẹp, bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi... bởi vì sự sống của Ðức Kitô tỏ hiện nơi thân xác của các ngài. Chính Ðức Kitô trong bài Tin Mừng cũng đã nói không phải các tử đạo ở trước tòa nhưng là Thánh Thần nói trong các ngài.
Và để có Thánh Thần và sự sống của Ðức Kitô ở trong mình như vậy, các tử đạo đã phải hư vô hóa mình, tức là chết cho bản thân, không sống theo xác thịt tự nhiên nữa, nhưng theo Thần trí của Ðức Kitô, tức là đường lối của Người. Hết mọi tử đạo đều đã chết cho đức tin và vì đức tin; nhưng đức tin ở đây không phải là một hệ thống tư tưởng vũ trụ nhân sinh quan mà là đức tin sống động, tin Thiên Chúa và tin Ðức Yêsu Kitô đã yêu thương mình cho đến chết. Ðó là đức tin đầy lòng mến và đầy lòng trông cậy, chắc chắn rằng nếu cùng chết với Ðức Kitô và vì Ðức Kitô thì sẽ được sống lại với Ngài và được đồng thừa tự với Ngài. Thế nên, các tử đạo là những người đầy Chúa Yêsu sau khi đã tát cạn bản ngã và các khuynh hướng xấu xa ở nơi mình.
Và cũng chính nhờ đó mà đàng khác, các vị tử đạo trước khi hy sinh mạng sống mình vì Chúa, đã có một đời sống xã hội đáng khâm phục. Ðiều này cũng rất dễ hiểu! Lời thư Phaolô viết: sự chết hoành hành nơi chúng tôi còn sự sống hoạt động nơi anh em. Các tử đạo cũng có thể nói: chúng tôi đã chết cho bản thân để sự sống tăng trưởng nơi anh em. Thật vậy, con người đã chết đi cho chính mình, thì sống cho Chúa. Nhưng đối với họ, Thiên Chúa không phải chỉ là Ðấng Vô hình, mà hơn nữa còn là Ðấng đang hiện diện trong Hội Thánh và trong anh em. Mọi hành vi làm cho người anh em nhỏ mọn nhất là làm cho Chúa. Thành ra các đấng thánh là những người nhìn thấy Thiên Chúa ngay ở đời này và cụ thể trên mặt đất này nơi Hội Thánh và nơi anh em. Và vì họ không còn sống cho chính bản thân và vì bản thân nữa, nên mọi phục vụ của họ chỉ còn quy vào một đối tượng. Ðó là Thiên Chúa nơi tha nhân... Ðó là tha nhân trong cái nhìn của đức tin và lòng mến. Các tử đạo làm tốt các nhiệm vụ xã hội là vì thế. Và mọi người thật có lý để nghi ngờ những kẻ đã phản bội đức tin của mình.
Như thế, nếu hôm nay mừng lễ các Tử đạo Việt Nam, chúng ta phải để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài, tức là phải soi gương các ngài trong đời sống xã hội phục vụ anh em đồng bào, thì chúng ta người có đức tin phải luôn duy trì và phát triển động lực thúc đẩy đời sống xã hội kia tức là Thánh Thần và Ðức Kitô ở trong mình. Và cho được như vậy, chúng ta phải mang sự chết của Ngài trong thân xác, là biết chết cho bản thân và các khuynh hướng vị kỷ. Phải làm như vậy mới đi vào được đường lối của các tử đạo và mới có thể theo các ngài cho đến cùng. Bởi vì muốn nên giống các ngài hoàn toàn, chúng ta không những phải biết sống như các ngài mà còn phải biết chết như các ngài. Mà muốn chết như các ngài, chúng ta phải sống đạo như trên mà vẫn không quên Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

C. Tin Tưởng Như Các Tử Ðạo
Chúa nhắc nhở chúng ta biết số phận thông thường của các môn đệ Người: "Người ta sẽ bắt bớ các con". Và trong sách Tin Mừng Yoan, Người còn nói rõ hơn: đó là điều thật dễ hiểu, vì tôi tớ không trọng hơn Thầy. Có lạ chăng là việc thế gian yêu các con chứ các con có thuộc về thế gian nữa đâu mà thế gian quý mến các con! Và lịch sử làm chứng Hội Thánh của Ðức Yêsu, Hội Thánh tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người, luôn luôn có các tử đạo, không ở nơi này thì ở nơi khác, không dưới hình thức này thì dưới hình thức khác. Ðó là mầu nhiệm, nhưng là mầu nhiệm tương đối dễ hiểu.
Sứ mệnh của Ðức Yêsu cũng như của Hội Thánh Người là sứ mệnh tuyên chứng. Tuyên chứng về chân lý, về những chân lý siêu phàm; thế mà chân lý thì như ánh sáng và thế gian đã bị tối tăm bao phủ nên luôn luôn muốn vùi dập ánh sáng. Và cũng đồng thời tuyên chứng về tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa yêu thương loài người và chẳng tình yêu nào lớn bằng tình yêu nơi người hy sinh mạng sống vì người mình muốn yêu.
Thế nên chính khi chịu chết vì đạo, người tín hữu trở thành chứng tá hoàn toàn hơn cả. Cái chết của họ vừa nói lên niềm tin chắc chắn, vừa nói lên tình mến tận cùng. Chỉ những kẻ có niềm tin yếu ớt mới sợ tử đạo. Nhưng nếu chúng ta yếu thì đã có Chúa ban Thánh Thần của Người đến nâng đỡ sự yếu đuối nơi chúng ta. Và việc này tùy ở chúng ta trong lúc bình thường có cầu xin và sống đạo để nhận được nhiều Thánh Thần hay không?
Giờ đây chúng ta cử hành thánh lễ. Chung quang bàn thờ này hiện diện vô hình đoàn thể các tử đạo Việt Nam. Các ngài ước mong chúng ta dâng lễ này sốt sắng và hiệu quả. Nếu chúng ta cầu xin và nhất là phó thác bản thân trong tay Chúa thì Người sẽ ban sự sống của Chúa Yêsu và Thánh Thần của Người cho chúng ta. Chính Thánh Thần sẽ là sức mạnh cải tạo cho chúng ta một nếp sống mới để chúng ta dần dần sống bớt đi cho mình và nhiều hơn cho Chúa, tức là cho Người ở trong anh em. Như vậy chúng ta sẽ có đời sống trần gian này tốt để chúng ta cũng sẽ chết tốt như các tử đạo. Chúng ta sẽ tuyên xưng Chúa khi sống và khi chết. Chúng ta sẽ khơi được lòng ngưỡng mộ của mọi người. Chúng ta sẽ xứng đáng với tổ tiên đức tin của mình, những vị mà chúng ta mừng lễ hôm nay.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Thứ Hai sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 1-3, 4b-5
"Tên của Ðức Kitô và của Cha Người viết trên trán họ".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi ngắm nhìn: thì đây Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ. Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền, và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Ðó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.
  
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 1-4
"Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Cho Ði Tất Cả
Vào thời xưa cũng như thời này, có những giai tần bị loại ra bên lề. Họ có thể là những người mắc bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không một xu dính túi. Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa; nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục vụ xã hội.
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev 14:1-3, 4-5; Lk 21:1-4.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành hy sinh cuộc đời cho Thiên Chúa
Trong những ngày cuối năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng lòng con người về: (1) Sự chóng qua của đời này và những giá trị cao quí của đời sau như: sự bất tử của linh hồn, sự sống lại, và cuộc sống trường sinh mai sau. (2) Những mẫu gương cao quí và sự hy sinh của tiền nhân: Đức Kitô, người mẹ anh hùng và 7 anh em nhà Maccabees, các thánh tử đạo Việt Nam. (3) Kêu gọi chúng ta bắt chước các mẫu gương anh hùng đó: sống anh hùng, sống chứng nhân, và dám hy sinh tất cả cho Nước Trời.
Các Bài đọc hôm nay cũng theo chiều hướng đó: Bài đọc I tường thuật thị kiến Con Chiên và 144,000 bạn đồng hành của Con Chiên. Họ trung thành bước theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào. Bài Phúc Âm kêu gọi con người dám hy sinh tất cả như người đàn bà góa; Bà dám bỏ mọi sự mình có vào Hòm Tiền trong Đền Thờ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó.
1.1/ Thị kiến Con Chiên cùng với 144,000 người trên Núi Sion: "Tôi thấy: kìa Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có 144,000 người, mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán."
Núi Sion được gọi là Ngai của Thiên Chúa (Mic 4:7, Isa 24:23), là Núi Thánh, là kinh thành của Đức Đại Vương (Psa 2:6), là thành cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống (Heb 12:22). Con Chiên là chính Đức Kitô. Ai là 144,000 người? Đây là những người được thiên thần đóng ấn trên trán từ 12 chi tộc của Israel, mỗi chi tộc 12,000 người (Rev 7:4-8). Ấn tín được đóng là ấn tín mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên trên trán (Rev 7:3). Có tên Thiên Chúa và tên Đức Kitô trên trán chứng tỏ người đó được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa. Bạn đồng hành với Con chiên được phân biệt với đồng bọn của Con Thú, những người cũng được đóng ấn với dấu hiệu của nó (Rev 13:16, 14:11).
“Và tôi nghe thấy tiếng từ trời như tiếng nước lũ, như tiếng sấm lớn. Tiếng tôi nghe thấy tựa hồ tiếng những nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa hát. Họ hát một bài ca mới trước ngai Thiên Chúa, trước bốn Con Vật và các vị Kỳ Mục. Không ai có thể học được bài ca này, ngoài 144,000 người ấy, là những người đã được chuộc về từ mặt đất.” Bài ca mới được mô tả bằng những từ ngữ Kinh Thánh quen thuộc: tiếng nước lũ (Rev 1:15, 9:16, Eze 43:2); tiếng sấm lớn (Exo 19:16, Eze 1:7); và tiếng đàn cầm (Rev 5:8, 15:2).
1.2/ Điều kiện được chọn để theo Con Chiên:
(1) Giữ mình đồng trinh: Vì 144,000 người này được mô tả đối nghịch với những người thờ phượng Con Thú, họ phải là những người từ chối không theo Con Thú. Con số này là con số tượng trưng cho tất cả các tín hữu, chứ không phải chỉ có bằng ấy người được cứu độ. Chữ “đồng trinh” đây cũng không hiểu theo nghĩa hẹp của nó, nhưng theo nghĩa của nhiều tiên tri Cựu Ước (Hos 2:14-21, Jer 2:2-3, 32, Zeph 3:9-13): đồng trinh là biểu tượng của sự trung thành với Thiên Chúa; trong khi thờ bụt thần được coi như làm điếm, không trung thành với Thiên Chúa (Rev 2:14, Eze 16, 23). Babylon được ví như con điếm (Rev 14:8, 17:4-6) trong khi Giáo Hội được ví như Hiền Thê của Con Chiên (Rev 19:7, 21:2-9).
(2) Trung thành theo Con Chiên: “Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó. Họ đã được chuộc về từ giữa loài người, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và Con Chiên.”
(3) Sống thành thật: “Chẳng ai thấy miệng họ nói dối; không ai chê trách họ được.” Những người nói dối là con cái của ma quỉ, cha của những người nói dối (Jn 8:44). Người theo Con Chiên không những phải nói thật mà còn phải sống thật; để biến mình thành của lễ không tì ố dâng lên Thiên Chúa (Rom 12:1).
2/ Phúc Âm: Bà bỏ vào tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Tiêu chuẩn xác định cho nhiều hay ít: không dựa trên số lượng cho mà dựa trên số lượng người cho có. Chẳng hạn: một người cho 5000 đồng, nhưng tài sản anh có là 1,000,000 đồng, tỉ lệ anh cho đi là 1/200, một số lượng rất nhỏ so với tài sản của anh. Trong khi đó, một người nghèo bỏ vào chỉ 2 hào, nhưng tài sản anh có là 4 hào, tỉ lệ anh cho đi là ½; anh đã cho phân nửa tài sản anh có.
Chúa Giêsu có lẽ đang ngồi ở “Sân của phụ nữ” trong Đền Thờ. Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
Trước mắt con người, hầu hết sẽ đánh giá trị sai. Họ sẽ quí trọng tiền cho của người giầu và khinh thường sự đóng góp của người đàn bà góa; họ sẽ nghĩ hai đồng kẽm này làm được gì, lại còn phải nhớ số lẻ trong việc làm sổ sách nên quăng đi cho xong chuyện! Nhưng với cặp mắt thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu, Ngài phân biệt rõ cho các môn đệ: Đừng đánh giá theo giá trị bên ngòai, nhưng phải đánh giá theo khả năng bên trong:
(1) Cho đi những của dư thừa: Những người giầu có mặc dù cho nhiều, nhưng họ chỉ cho đi những của dư thừa mà họ không cần đến.
(2) Cho đi tất cả những gì mình có: Đồng tiền kẽm là đơn vị nhỏ nhất trong các tiền được dùng để trao đổi, một đồng tiền kẽm trị giá khỏang 1/20 xu. Hai đồng kẽm mới chỉ có 1/10 xu. Nếu so sánh với sự cho đi của những người khác thì chẳng đáng là gì. Nhưng với cặp mắt nhìn thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu: Bà góa này đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì bà đã “rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
2.2/ Những cái cho khác: Ngòai tiền bạc ra, người môn đệ của Đức Kitô còn phải cho nhiều thứ khác khó khăn hơn nhiều: ý muốn, tình yêu, thời gian, tài năng, sức khỏe. Chúa đòi hỏi nơi người môn đệ: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:37-39).
Vì thế, trước khi theo Chúa, hãy ngồi xuống tính tóan xem có theo được không; kẻo nửa chừng mà bỏ thì mất cả chì lẫn chài. Một khi đã quyết định theo, phải theo cho tới cùng; cho dù gặp bao khó khăn gian khổ, ngay cả cái chết, cũng phải vượt qua. Gương các thánh, những người đã theo Chúa tới cùng, phải trở thành những mẫu gương soi dẫn cuộc đời chúng ta.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mục đích của chúng ta sống trên đời này là để chứng tỏ lòng trung thành của chúng ta với Thiên Chúa qua việc dám hy sinh từ bỏ mọi sự để làm chứng cho Ngài.
- Chúng ta không chỉ thích chọn và sống một hai điều Thiên Chúa dạy, nhưng phải chọn và sống tất cả những gì Thiên Chúa truyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 34
Lc 21,1-4

A. Hạt giống...
Gương dâng cúng của một bà goá :
- “Bà góa” : Xã hội do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi : tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thế, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (x. Đnl 24,17-22).
- Bà goá nghèo này đã dâng vào hòm tiền Đền thờ “Hai đồng tiền kẽm” : nguyên ngữ là đồng tiền Kodrantes tức là loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.
- Tuy số tiền là ít nhưng được Chúa Giêsu đánh giá cao hơn số tiền của những người khác, “vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu mà đã dâng tất cả những gì bá có để nuôi sống mình”

B.... nẩy mầm.
1. Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý vì cũng là sự cho đi chính bản thân mình.
Thông thường khi có dư người ta mới cho : cho người nghèo và cho Giáo Hội.
2. Một Linh mục nọ có thói quen tốt là ghi kỹ trong nhật ký hằng ngày về những số quà nhận và số quà cho. Thỉnh thoảng kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho thì Linh mục ấy điều chỉnh lại để phần cho nhiều hơn.
Con người thường thích nhận hơn cho ; có cho thì cũng để nhận lại.
3. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta rằng : cách sử dụng tiền của tốt nhất là cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
4. Cử chỉ của bà goá là một định nghĩa của lòng quảng đại : quảng đại chính là cho mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiến chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

24/11/14 THỨ HAI TUẦN 34 TN
Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo
Lc 9,23-26

Suy niệm: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh, 42 giáo dân, là thành phần của 117 vị được tôn phong trong số 130 ngàn tín hữu đã đổ máu để làm chứng cho Đạo Chúa trên đất Việt. Khác nhau về vai trò xã hội, tuổi tác, màu da, ngôn ngữ, nghề nghiệp,… nhưng điều đó không ngăn cản các vị tiền bối của ta có một tiếng nói chung: chấp nhận trả giá đắt cho đức tin của mình. Các vị đã đứng trước một chọn lựa: hoặc chọn những giá trị trần gian như tiền bạc, chức tước, và cả mạng sống…hoặc chọn những giá trị của Nước Trời là niềm tin, Thập giá. Và các vị đã chọn những giá trị Nước Trời, chọn cách dứt khoát, mạnh mẽ và anh dũng. Điều gì đã thúc đẩy các ngài chọn lựa như vậy? Chính là niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, tin rằng những giá trị Nước Trời cũng vĩnh hằng như thân xác phục sinh của Ngài.
Mời Bạn tự kiểm điểm: Tôi thường chọn lựa những giá trị của Nước Trời hay những giá trị trần thế? Bạn hãy xác tín như các thánh tử đạo tổ tiên của mình: Chấp nhận những mất mát khổ đau tạm bợ để chọn những giá trị vĩnh hằng của Nước Trời, đâu có lỗ, phải không bạn?
Sống Lời Chúa: Tập chọn những giá trị Nước Trời qua những việc thường ngày: chống lại cám dỗ tìm một thú vui bất chính, nỗ lực hy sinh cho một công tác tông đồ, cho việc bổn phận.
Cầu nguyện: Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, ước gì máu của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương, để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.


Suy niệm
Đức Giêsu và các môn đệ đang ngồi trong Đền thờ, gần nơi đặt thùng tiền bố thí. Ngài quan sát những người bỏ tiền dâng cúng vào thùng tiền. Luca ghi lại hai loại người bỏ tiền được Đức Giêsu nhắc đến: những người giàu và một bà góa nghèo. Chắc chắn, sẽ có một khoảng cách giá trị thực tế giữa số tiền dâng cúng của những người giàu và của bà góa nghèo hôm ấy. Nhưng kết luận của Đức Giêsu làm cho các môn đệ ngỡ ngàng: bà góa đã bỏ nhiều hơn những người giàu.
Và vì kết luận của Đức Giêsu làm cho các môn đệ ngỡ ngàng, nên Ngài giải thích rõ thêm: những người giàu cho đi những cái họ dư thừa, còn bà góa nghèo dám cho đi cái mà mình đang cần, trong khi mình đang trong tình trạng túng thiếu.
Hôm nay, phải chăng tôi cứ tưởng mình nghèo, mình thiếu thốn, chưa an toàn, nên rất ngại cho đi, sợ phải chia sẻ.
Hôm nay, phải chăng tôi chỉ loay hoay với những nhu cầu vô tận của mình, nên vẫn cứ xa lạ hoặc hờ hững trước nhu cầu cần giúp đỡ của anh chị em tôi.
Mong sao, tinh thần bác ái Kitô giáo nhắc tôi luôn phải rộng tay trước những việc lành, trước những cuộc đời cơ khổ, trước những hoàn cảnh kém may hơn tôi.
Mong sao, dù phải đụng chạm đến sự an toàn của cuộc sống mình, tôi vẫn dám chia sẻ cho tha nhân trong sự vững tâm vì đã ném mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG MƯỜI MỘT
Hòa Bình, Hoa Trái Của Sự Chuyển Hóa Nội Tâm
Chính Thiên Chúa là Đấng biến đổi trái tim con người, như Ngôn Sứ Eâdêkien đã diễn tả hùng hồn: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26). Giáo Hội không ngừng công bố sự thật rằng hòa bình thế giới bắt rễ từ trong chính cõi lòng con người, từ trong lương tâm của mọi con người.
Hòa bình chỉ có thể là hoa trái của một cuộc chuyển hóa nội tâm, bắt đầu trong lòng của mỗi người và lan tỏa ra trong mọi xã hội tới mọi cộng đồng. Cộng đồng thứ nhất trong các cộng đồng chính là gia đình. Gia đình là cộng đồng đầu tiên được mời gọi sống hòa bình và cũng là cộng đồng đầu tiên được mời gọi tranh thủ hòa bình và hữu nghị cho hết mọi người trên thế giới này.
Đó là lý do tại sao suy tư hôm nay của chúng ta về hòa bình được tập chú vào gia đình. Chúng ta hy vọng rằng trong các tế bào căn bản này của xã hội sẽ có một niềm khát vọng mãnh liệt được sống hòa bình và hữu nghị với mọi con người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24-11
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam)
Cn 31, 10-13. 19-20. 30-31; 1Tx 5, 1-6; Mt  10, 17-22.

LỜI SUY NIỆM: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”
Chúa Giêsu vì yêu thương những người thuộc về Chúa, và Chúa biết hết mọi sự, Chúa lại có quyền năng trên hết mọi sự, và Chúa luôn ở cùng. Nên Chúa báo cho những người vì mang Danh Người biết trước, họ sẽ bị mọi người thù ghét, người ta sẽ dùng đủ mọi cách mà họ sẵn có, để làm hại và giết chết; Chúa cho biết để bền chí trung thành, thì sẽ được cứu thoát..
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết hết mọi sự và Chúa đã cho chúng con biết trước để đón nhận. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, hãnh diện mang Danh Chúa bền đổ cho đến cùng.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 24-11
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Vào đầu thế kỷ XVI, khi vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam, ánh sáng Tin Mừng cũng bắt đầu lan rộng. Giáo hội Việt Nam được khai sinh từ đấy. Tuy nhiên, như bầu trời có những ngày mây đen giăng mắc, Giáo hội Việt Nam cũng có những ngày tăm tối. Giáo hội Mẹ Roma đã trải qua 3 thế kỷ bị bách hại, trước khi được mở rộng như ngày nay, thì Giáo hội Việt Nam cũng phải trải qua gần 3 thế kỷ chìm ngập trong thử thách. suốt từ năm 1630 - 1883, bao giòng máu đã đổ ra để bảo vệ đức tin và để làm phát sinh Giáo hội này, trong những cuộc bắt bớ đời các chúa: Trinh Doanh, Trịnh Sâm, các vua: Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Triệu Trị, Tự Đức.
Hàng vàn chứng nhân đã hiên ngang hiến mạng sống để bảo vệ đức tin. Gương hy sinh quả cảm của các Ngài thật sáng ngời và Giáo hội qua 3 đời giáo hoàng: Lêô VIII, Piô X và Piô VII, đã tôn phong 117 vị lên hàng chân phước. Tất cả đã được Đức Gioan Phaolô II suy tôn lên hàng hiển thánh ngày 19-6-1988.
Tuy nhiên "máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người công giáo". Gương các thánh tử đạo không chỉ là niềm hãnh diện của chúng ta, mà còn là công ơn mà chúng ta, các tín hữu Việt Nam, phải ghi nhớ và đáp đền. Mừng kính trong một ngày lễ, chúng ta khơi dậy cuộc đời các vị tử đạo, nhất là các vị đã được tôn phong lên bàn thánh để kính nhớ. Chúng ta ghi nhớ ngày các Ngài hiến thân vì đức tin:
8 VỊ THÁNH GIÁM MỤC:
1. Thánh An (Giuse Diaz Sanjurjô) tử đạo ngày 20.7. 1857
2. Thánh Cao (Phêrô Dumoulin Borie) tử đạo ngày 24. 11.1838
3. Thánh Hy (Ignatiô Delgađô Y. Cebrian) tử đạo ngày 21.7.1838.
4. Thánh Liêm (Hiêrônimô Hermozilla) tử đạo ngày 1.11.1861
5. Thánh Minh ( Đaminh Henares) tử đạo ngày 26.6.1838
6. Thánh Thể (Stêphanô Theođônô Cuénot) tử đạo ngày 14.11.1861
7. Thánh Vinh (Valentinô Berriô Ochou) tử đạo ngày 1.11.1861
8. Thánh Xuyên (Giuse Melkior Garcia Sampedre) tử đạo ngày 28.7.1858

50 VỊ THÁNH LINH MỤC:
1. Thánh Bắc (Phêrô Phanxicô Néron) tử đạo ngày 3.11.1860
2. Thánh Bình (Phêrô Almatô) tử đạo ngày 1.11.1861
3. Thánh Đaminh Cẩm) tử đạo ngày 11.3.1859
4. Thánh Dụ (Giuse Marchand) tử đạo ngày 30.11.1835
5. Thánh Dụ (Toma Đinh viết Dụ) tử đạo ngày 26.11.1839
6. Thánh Duệ (Bênađô Võ Văn Duệ) tử đạo ngày 01.8.1838
7. Thánh Dũng (Anrê Trần an Dũng hay Lạc) tử đạo ngày 21.12.1839
8. Thánh Đạt (Gioan Đạt) tử đạo ngày 28.10.1798
9. Thánh Đậu (Matthêu Leziniana) tử đạo ngày 21.01.1745
10. Thánh Điểm (Vinh Sơn Nguyễn thế Điểm) tử đạo ngày 24.11.1838
11. Thánh Đông (Augustinô Schoeffler) tử đạo ngày 01.5.1851
12. Thánh Gia (Hyaxintha Gastaneda) tử đạo ngày 7.11.1773
13. Thánh Hạnh (Đaminh Nguyễn Văn Hạnh) tử đạo ngày 01.8.1838
14. Thánh Hiền (Giuse Fernandez) tử đạo ngày 24.7.1838
15. Thánh Hiển (Giuse Hiển) tử đạo ngày 9.5.18400
16. Thánh Hoan (Gioan Đoàn Trinh Hoan) tử đạo ngày 26.5.1861
17. Thánh Hương (Augustinô Aloisiô Bonnard) tử đạo ngày 01.5.1852
18. Thánh Hương (Laurensô Hương) tử đạo ngày 13.02.1856
19. Thánh Kính (Phanxicô Isiđôrê Gazelin) tử đạo ngày 17.10.1833
20. Thánh Khanh (Phêrô Khanh) tử đạo ngày 12.7.1842
21. Thánh Khoa (Phêrô Võ Đăng Khoa) tử đạo ngày 24.11.1838
22. Thánh Khoan (Phêrô Phạm Khắc Khoan) tử đạo ngày 28.4.1840
23. Thánh Khuông (Tôma Khuông) tử đạo ngày 30.01.1860
24. Thánh Liêm (Vin Sơn Liêm) tử đạo ngày 07.11.1773
25. Thánh Loan (Luca Vũ Bá Loan) tử đạo ngày 05.6.1840
26. Thánh Lộc (Phêrô Lê Văn Lộc) tử đạo ngày 13.02.1859
27. Thánh Lựu (Phêrô Lựu) tử đạo ngày 07.4.1861
28. Thánh Mậu (Đaminh Mậu) tử đạo ngày 05.11.1858
29. Thánh Minh (Philipphe Phan Văn Minh) tử đạo ngày 03.7.1853
30. Thánh Năm (Giacôbê Mai Năm) tử đạo ngày 12.3.1838
31. Thánh Ngân (Phaolô Nguyễn Ngân) 08.11.1840
32. Thánh Nghi (Giuse Nguyễn Đình Nghi) tử đạo ngày 08.11.1840
33. Thánh Phan (Phanxicô Jaccards) tử đạo ngày 21.9.1838
34. Thánh Quí (Phêrô Đoàn Công Quý) tử đạo ngày 31.7.1859
35. Thánh Tân (Gioan Charler Cormay) tử đạo ngày 20.9.1837
36. Thánh Tế (Phanxicô Gil de Federich) tử đạo ngày 22.01.1745
37. Thánh Tịnh (Phaolô Lê Bảo Tịnh) tử đạo ngày 06.4.1857
38. Thánh Tuân (Giuse Tuân) tử đạo ngày 30.4.1861
39. Thánh Tuần ( Phêrô Nguyễn Bá Tuần) tử đạo ngày 15.7.1838
40. Thánh Tùy (Phêrô Lê Tùy) tử đạo ngày 11.10.1838
41. Thánh Tự (Phêrô Nguyyễn Văn Tự) tử đạo ngày 05.9.1838
42. Thánh Tước (Đaminh Tước) tử đạo ngày 02.4.1839
43. Thánh Trạch (Đaminh Trạch hay Đoài) tử đạo ngày 18.9.1840
44. Thánh Triệu (Emanuel Nguyễn Văn Triệu) tử đạo ngày 17.9.1798
45. Thánh Thi (Phêrô Trương Văn Thi) tử đạo ngày 21.12.1839
46. Thánh Thịnh (Martinô Tạ Đức Thịnh) tử đạo ngày 08.11.1840
47. Thánh Ven (Thêophan Vénard) tử đạo ngày 02.02.1861
48. Thánh Giuse Đặng Đình Viên tử đạo ngày 21.8.1838
49. Thánh Xuyên (Đaminh Nguyễn Văn Xuyên) 26.11.1839
50. Thánh Yến (Vinh Sơn Yến) tử đạo ngày 30.6.1838

14 THÁNH THÀY GIẢNG
1. Thánh Cần (Phanxicô Xavie Cần) tử đạo ngày 20.11.1837
2. Thánh Chiểu (Phanxicô Đỗ Văn Chiểu) tử đạo ngày 26.6.1838
3. Thánh Đường (Phêrô Trương Văn Đường) tử đạo ngày 20.11.1837
4. Thánh Hiếu (Pherô Nguyễn văn Hiếu) tử đạo ngày tử đạo ngày 28.4.1840
5. Thánh Khang (Giuse Nguyễn Duy Khang) tử đạo ngày 01.11.1861
6. Thánh Mậu (Phanxicô Xavie Hoàng Trọng Mậu) tử đạo ngày 19.12.1839
7. Thánh Mỹ (Phaolô Nguyễn Văn Mỹ) tử đạo ngày 18.12.1838
8. Thánh Toán (Tôma Toán) tử đạo ngày 27.6.1840
9. Thánh Tự (Phêrô Nguyễn Khắc Tự) tử đạo ngày 10.7.1840
10. Thánh Truật (Phêrô NguyễnVăn Truật) tử đạo ngày 18.10.1838
11. Thánh Thành (J.B.Đinh Văn Thành ) tử đạo ngày 28.4.1840
12. Thánh Úy (Đaminh Bùi Văn Úy) tử đạo ngày 19.10.1839
13. Thánh Uyển (Giuse Nguyễn Đình Yuển) tử đạo ngày 4.7.1838
14. Thánh Vân (Phêrô Đoàn Văn Vân) tử đạo ngày 25.5.1857

1 THÁNH CHỦNG SINH
Thánh Thiện (Tôma Trần Văn Thiện) tử đạo ngày 21.9.1838

43. THÁNH GIÁO DÂN
1. Thánh Đaminh Án Khảm, lý trưởng, tử đạo ngày 13.01.1859
2. Thánh Phaolô Tống Viết Bường, quan thị vệ, tử đạo ngày 23.10.1888
3. Thánh Giuse Hoàng Vương Cảnh, y sĩ, trùm họ. tử đạo ngày 05.9.1838
4. Thánh J.B. Cỏn, Lý Trưởng, tử đạo ngày 08.11.1840
5. Thánh Phêrô Dũng, ngư phủ, tử đạo ngày 06.6.1862
6. Thánh Vinh Sơn Dương. Nông dân, tử đạo ngày 06.6.1862
7. Thánh Phêrô Đa, tử đạo ngày 17.6.1862
8. Thánh Đaminh Đinh Đạt, quân nhân, tử đạo ngày 18.7.1839
9. Thánh Tôma Nguyễn văn Đệ, thợ may, tử đạo ngày 19.12.1839
10. Thánh Antôn Nguyễn Đích, trùm họ, tử đạo ngày 12.8.1838
11. Thánh Phaolô Đổng, tử đạo ngày 03.6.1862
12. Matthêu Lê Văn Cẩm, thương gia 11.5.1847
13. Thánh Phaolô Hạnh, tử đạo ngày 28.5.1859
14 . Thánh Simon Phạm Đắc Hòa, y sĩ , tử đạo ngày 12.12.1840
15. Thánh Augustinô Phan Viết Huy, quân nhân, tử đạo ngày 12.6.1839
16 . Thánh Đaminh Huyện, ngư phủ , tử đạo ngày 05.6.1842
17. Thánh Micae Hồ Đình Huy, quan thái bộc, tử đạo ngày 22.5.1857
18. Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, tử đạo ngày 02.5.1854
19. Thánh Đaminh Mạo, nông dân, tử đạo ngày 16.6.1862
20. Thánh Augustinô Nguyễn Văn Mới, nông dân , tử đạo ngày 19.12.1839
21. Thánh Micae Nguyẽn Huy Mỹ, lý trưởng, tử đạo ngày 12.8.1838
22. Thánh Laurensô Ngôn, tử đạo ngày 22.5.1862
23. Thánh Đaminh Nguyên, nông dân, tử đạo ngày 16.6.1862
24. Thánh Đaminh Nhi, nông dân, tử đạo ngày 16.6.1862
25. Thánh Đaminh Ninh, nông dân, tử đạo ngày 02.6.1862
26. Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, trùm họ, tử đạo ngày 31.7.1859
27. Thánh Mathêô Nguyyễn Văn Phương, trùm ho, tử đạo ngày 26.5.1861
28. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh trùm họ, tử đạo ngày 10.7.1840
29. Thánh Giuse Tả, tử đạo ngày 13.10.1859
30. Thánh Đaminh Toại, ngư phủ, tử đạo ngày 05.6.1862
31. Thánh Giuse Tuân, tử đạo ngày 07.01.1862
32. Thánh Giuse Túc, tử đạo ngày 01.6.1862
33. Thánh Anrê Tường. Nông dân, tử đạo ngày 16.6.1862
34. Thánh Vinh Sơn Tương, nông dân , tử đạo ngày 16.6.1862
35. Thánh Andrê Trần văn Trông, quân nhân, tử đạo ngày 28.11.1835
36. Thánh Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội, tử đạo ngày 06.10.1858
37. Thánh Anê Lê Thị Thành (bà Đê ) tử đạo ngày 12.7.1841
38. Thánh Nicôla Bùi Đức Thể, quan nhân, tử đạo ngày 13.6.1839
39. Thánh Giuse Lê Đăng Thị, cai đội, tử đạo ngày 24.10.1860
40. Thánh Thông (Anrê Nguyễn Kim Thông hay Năm Thuông) tử đạo 15.7.1855
41. Thánh Luca Thìn, tử đạo ngày 13.01.1859
42. Thánh Martinô Thọ, thuế, lý trưởng , tử đạo ngày 08.11.1840
43. Thánh Phêrô Thuần, ngư phủ, tử đạo ngày 06.6.1862
44. Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, nông dân, tử đạo ngày 19.12.1839
(daminhvn.net)


24 Tháng Mười Một
Ðây Bài Ca Nghìn Trùng
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:
"Không có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra được nhiều hạt khác".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá.
Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là "Quá khóa" để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:
- Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.
- Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.
- Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét