Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

30-11-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm B

30/11/2014
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm B
(Phần II)

GLPÂ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM B

Sách Ngôn Sứ Isaia 63.16-17; 64.1,3-8; Thư Thứ I của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô 1.3-9 và Phúc Âm Thánh Matcô 13.33-37

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
“Trời cao hãy đổ sương xuống!” Lời nguyện cầu của Dân Do Thái đau khổ.
“Trời cao hãy đổ sương xuống!” Lời cầu xin của mỗi người chúng ta
Con người cần Chúa và lệ thuộc vào Chúa như đất sét trong tay thợ gốm.
Việc Chúa đến là hồng ân cứu độ, nhưng xảy ra bất ngờ.
Biến cố bất ngờ đòi hỏi phày tỉnh thức và cảnh giác luôn.

II.               Vấn nạn P.Â.    

Phụng Vụ năm B với Phúc Âm Thánh Matcô
            Matcô không thuộc nhóm 12. Có khi Ông được gọi là Gioan theo danh xưng Do Thái. Có khi Ông được gọi là Matcô theo danh xưng Rôma. Matcô là con của một bà đạo đức tên Maria. Nơi căn nhà của bà Maria nầy, cộng đoàn Kitô hữu đếu tiên ở Giêrusalem thường tu họp để cầu nguyện chung. Những tín hữu đầu tiên đã tụ họp nơi đây để cầu nguyện cho Phêrô và khi Phêrô được thiên thần Chúa giải cứu khỏi ngục tù cũng đã đến tạm trú ở căn nhà nầy (Tông Đồ Công Vụ 12,3-4 và 12.)

            Có lẽ Matcô chính là người thanh niên bỏ cả áo choàng chạy thoát thân khi lính đến bắt Chúa trong vườn cây dầu (Matcô 14,51) Marcô có họ hàng với Thánh Barnabê tông đồ. Marcô đồng hành với Phaolô và Barnabê từ năm 46-48. Nhưng khi đến Pamphilia thì chia tay và trở về Giêrusalem (Cvtđ 13.13). Phaolô tỏ ra bất bình trong việc chia tay nầy (Cvtđ.15.36-40) Nhưng sau đó hai người đã gặp lại nhau lúc Phaolô bị bắt giam lần thứ nhất ở Rôma như được diễn tả trong Thư Thánh Phaolô gửi Côlossê 4.10).            Theo lưu truyền, Matcô còn là môn đệ của Thánh Phêrô (Thư I Phêrô 5.13) và đã thành lập giáo đoàn ở Alexandria bên Ai Cập. Matcô chết cách tự nhiên và hài cốt được giữ lại tại Venezia, thành phố trên biển của nước Ý. Vẫn còn đền thờ Thánh Matcô rất lớn và đẹp ở thành phố nầy cho đến ngày nay.

            Matcô là tác giả Phúc Âm Thứ II.  Có nhiều bằng chứng:
            Trong Phúc Âm, Matcô tỏ ra là một người Do Thái chính ngốc và hiểu biết về địa dư, nghi lễ trong đền thờ và giáo quyền thời ấy.
            Là môn đệ của Phêrô, nên chính ông và chỉ có ông biết những yều điểm của Thánh Phêrô như nóng tính và nhút nhát.
            Phúc Âm Matcô ngắn nhất. Phúc Âm được chép lại những gì Phêrô giảng theo yêu cầu của tín hữu đầu tiên ở Roma. Ông chỉ ghi lại trung thực những gì Phêrô giảng không thêm bớt.

            Chủ đề của Phúc Âm Matcô:
            Những gì Chúa đã làm chứng tỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa như Cựu Ước tiên báo.

            Bố cục Phúc Âm Matcô:
            Từ chương 1-10: Chúa giảng dạy ở Nazarét, Betsaida, Tirô, Siđon, Miền Thập Tỉnh, tại Cêsarêa và Giêrusalem.
            Chương 11-16: Vào Giêrusalem, tranh luận với Biệt Phái, loan báo thế mạt. Những đau khổ phải chịu, bữa tiệc ly, khổ hình thập giá, cái chết và [phục sinh.

            Mùa Vọng (Nguồn: Maylangthang, Joseph Minh Nguyen SVD)
            Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus", có nghĩa là "đến". Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12 để các tín hữu Công giáo chuẩn bị Mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần. Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi Tín Hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:

            Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia, tức Chúa Kitô đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
            Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
            Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25.12.
            Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình tức giờ chết, để Chúa đưa chúng ta về Nước Chúa muôn đời.

            Vòng hoa 4 cây nến:
            Bốn cây nến tượng trưng cho tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên... vì Chúa đang đến!  Vòng hoa mùa vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu. Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô.

            Kể từ thời xưa cổ, một vòng hoa là tượng trưng cho sự chiến thắng. Hình tròn của vòng hoa là nhắc nhở cho chúng ta biết về tình yêu thương bất tận của Thiên Chúa, dành cho chúng ta.

            Màu xanh lá cây chính là màu chỉ năm phụng vụ, vốn diễn tả về niềm hy vọng trong tình yêu thương bất diệt của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Những cành của cây thông quanh năm suốt tháng đều có màu xanh lá cây. Những cành cây lúc nào cũng có màu xanh này cùng gộp lại với nhau để hình thành nên một vòng hoa là nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa và sự Mạc Khải của Ngài thì không bao giờ thay đổi, cũng giống như cây thông, lúc nào cũng xanh tươi vậy.

            Có 4 cây nến được phân chia ra theo đúng khoảng thời gian của Mùa Vọng. Mỗi cây tượng trưng cho một trong "4,000 năm" mà Thánh Kinh được trao ban cho chúng ta kể từ khoảng thời gian mà Ông Adong qụy ngã vì tội lỗi cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

            Cây nến màu tím (purple) đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chủ Nhật Đầu Tiên của Mùa Vọng và trong suốt tuần lễ đầu tiên đó. Màu tím tượng trưng cho khoảng thời gian chuẩn bị, và ăn năn hối cải, cũng như tượng trưng cho sự vương giả. Vào Chủ Nhật Thứ Ba của Mùa Vọng, vốn được biết đến như là Chủ Nhật Gaudete (Gaudete Sunday), thì cây nến có màu giống như bông hồng được thắp sáng lên cùng với hai cây nến màu tím. Bông hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ, sướng vui và niềm hân hoan sắp tràn dân của mọi người tín hữu. Đây là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta hồ hỡi với niềm vui và sự rạo rực về việc Chúa Kitô sắp sửa đến với chúng ta trong hình hài của một Hài Nhi Bé Nhỏ.

            Và cây nến màu tím cuối cùng sẽ được thắp sáng lên trong ngày Chủ Nhật Thứ Tư của Mùa Vọng ám chỉ đến việc chúng ta mãi sốt sắng và kiên trì hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị cả thể xác, tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Mùa Vọng chính là mùa của Sự Đợi Chờ cùng với niềm Hy Vọng về Ánh Sáng của Chúa Kitô: Ánh Sáng của Cả Thế Giới !

III.      Thực hành P.Â.:
Xin hãy làm ngọn nến hy vọng cho đời.
            Trong phòng tối có bốn ngọn nến đang cháy.
            Xung quanh thật yên tĩnh đếm mức chúng ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của chúng:

            Ngọn nến thứ nhất nói: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA HOÀ BÌNH.
            Cuộc đời sẽ như thế nào, nếu không có tôi. Tôi thực sự quan trọng cho mọi người.

            Ngọn nến thứ II lên tiếng: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA LÒNG TRUNG THÀNH.
            Hơn tất cả, mọi người cần đến tôi.

            Đến lượt mình, ngọn nến thứ III lên tiếng: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA TÌNH YÊU.
            Tôi mới thực sự quan trọng. Hãy thử xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có tôi.

            Đột nhiên cánh cửa chợt mở. Một cậu bé chạy nhanh vào phòng. Một cơn gió ùa vào làm tắt cả ba ngọn nến. Tại sao cả ba ngọn nến lại tắt. Cậu bé sửng sốt hỏi và oà lên khóc.

            Lúc nầy ngọn nến thứ IV mới lên tiếng: Đừng lo lắng cậu bé! Khi tôi vẫn còn cháy thì vẫn còn có thể thắp sáng lại cả ba ngọn nến kia. Bởi vì TÔI CHÍNH LÀ NIỀM HY VỌNG.

            Ước gì Ngọn lửa hy vọng sẽ luôn đồng hành với các bạn trong suốt cuộc đời.
            Khi giữ được hy vọng chúng ta có thể thắp sáng lại ngọn lửa của hoà bình, của trung thành và tình yêu.
            Hãy là ngọn nến HY VỌNG cho hoà bình, cho trung thành và cho tình yêu.
            Hãy là ngọn nến HY VỌNG cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội đang có quá nhiều thất vọng và chán chường.

Cho nhau niềm hy vọng để vui sống

            Quyển sách “ĐẤT THIÊN THAI” của nhà văn Trà Lũ do Hoa Lư xuất bản tháng Tư năm 2011 bao gồm 30 chuyện phiếm gây phấn khởi và hy vọng cho độc giả. Tiểu đề số 12 “Biết Cám Ơn” trang 148 tắc giả viết:

            “Cũng trong dịp lễ quốc Khánh, Tạp chí Homemakers xin độc giả cho biết 10 điều nổi bật của Canada. Đây là kết quả được xếp hạng như sau:

1.      Canada tuyệt vời vì đa văn hoá.
2.      Đất nước Canada có cảnh trí xinh đẹp và hùng vĩ nhất thế giới.
3.      Người Canada có bản tính thân thiệt, hoà nhã, thành thật và hiếu khách.
4.      Canada có 4 mùa rõ rệt, và mùa Thu lá vàng đẹp rực rỡ nhất.
5.      Canada là đất nước tôn trọng và đề cao sự Tự Do của mọi người.
6.      Canada là nước có nền y tế đại chúng miễn phí cho hết mọi dân.
7.      Canada là nước đẻ ra môn thể thao băng cấu Hockey.
8.      Canada là nơi có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới.
9.      Rặng núi Canadian Rocky ở Miền Tây và Ngũ Đại Hồ với sông đào St. Laurent ở Miền Đông là những thắng cảnh mà người Canada nào cũng tự hào.
10. Hệ thống Càphê Tim Hortons là một biểu tượng của Canada.

Hãy bắt chước nhà văn Trà Lũ: cho nhau niềm hy vọng vui sống bằng những nhận xét vừa thực vừa tích cực như trên. Rất nhiều lần, chúng ta có kinh nghiệm khi tiếp xúc với bạn bè các nước khác, nhất là ở Mỹ, khi họ hỏi “where you come from?” Chúng ta trả lời “from Canada!” Họ liền co tay, rụt cổ làm như người sắp chết cóng vì thời tiết lạnh lẽo. Không quan trọng lắm! nhưng cử chỉ nầy cho thấy người ta chỉ biết Canada có một mặt và là mặt tiêu cực.

            Đời sống có quá nhiều thất vọng và rất khan hiếm hy vọng. Hãy cho nhau hy vọng để vui sống. Mùa vọng, mùa mong đợi Chúa là Niềm Hy vọng đến với mọi tâm hồn. Hãy sống TIN, YÊU và HY VỌNG. Hãy thắp cho nhau ngọn nến hy vọng. Hãy cho nhau niềm hy vọng vui sống bằng khuyến khích nâng đỡ nhau hơn là chê bai và chỉ trích.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên


 Hãy tỉnh thức
Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.
Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.
Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.
Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.
Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.
Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?


Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Vọng (B)
Chúa Nhật, 30 Tháng 11, 2014
Hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng
Thiên Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào
Mc 13:33-37
  

1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu:  

Lạy Cha chúng con ở trên trời, lòng chúng con ước ao sự nồng ấm của tình yêu Chúa và tâm trí chúng con đang tìm kiếm ánh sáng của Lời Chúa.  Xin Chúa hãy tăng thêm lòng khát khao của chúng con đối với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con, và ban cho chúng con sức mạnh để được tăng trưởng trong tình yêu, để vào buổi rạng đông ngày quang lâm của Người có thể thấy chúng con mừng vui trong sự hiện diện của Người và chào đón ánh sáng chân lý của Người.  Chúng con cầu xin qua Đức Kitô, Chúa chúng con.  Amen.

b)  Phúc Âm theo thánh Máccô: 13:33-37
33 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào.  34 Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức.  35 Vậy chúng con hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng;  36 kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp chúng con đang ngủ.  37 Điều Ta bảo cho chúng con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là hãy tỉnh thức!”

c)  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 

“Hãy coi chừng!”  Đây là chữ chính trong đoạn Phúc Âm ngắn mà Giáo Hội đưa ra trong phần phụng vụ của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.  Coi chừng, tỉnh thức, chờ đợi sự trở về của chủ nhà, đừng ngủ mê, đây là những gì Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người Kitô hữu.  Bốn câu này của Tin Mừng theo thánh Máccô là một phần của bài giảng về ngày cánh chung trong chương thứ mười ba.  Chương này nói về việc Đền Thờ và thành phố Giêrusalem bị phá hủy.  Chúa Giêsu đề cập đến nhận xét của một trong các môn đệ:  “Thưa Thầy, Thầy xem những hòn đá kia lớn thật!” (Mc 13:1).  Khi ấy, Chúa Giêsu mới làm rõ ý tưởng:  “Anh nhìn ngắm những công trình vĩ đại đó ư?  Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13:2).  Đền Thờ, dấu hiệu hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân riêng của Người, Giêrusalem “được xây như một thành phố, trong một sự thống nhất toàn bộ” nơi đó “các chi tộc trẩy hội lên, các chi tộc của Đấng Gia-Vê, dấu hiệu cho dân Israel tạ ơn danh Đức Chúa” (Tv 122:4), tất cả điều này, dấu hiệu chắc chắn của lời hứa ban cho tổ phụ Đavít, dấu  hiệu của sự giao ước, tất cả dấu hiệu này sẽ bị phá hủy … nó chỉ là dấu hiệu của một điều gì khác sắp xảy đến.  Các môn đệ đã tỏ ra tò mò hỏi Chúa, Đấng đang ngồi trên núi Cây Dầu đối diện với Đền Thờ:  “Thưa Thầy, xin Thầy cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi kết thúc, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13:4). Dựa theo phong cách khải huyền của dân Do Thái được linh ứng bởi tiên tri Đanien, Chúa Giêsu trả lời rất ít về việc công bố những dấu hiệu cảnh báo (những Kitô giả và tiên tri giả xuất hiện, những kẻ sẽ đánh lừa bằng cách tiên đoán về việc sắp xảy ra trong tương lai, các cuộc bách hại, làm các dấu lạ và những việc phi thường.  Xem Mc 13:5-32), “Nhưng về ngày ấy hay giờ ấy thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không, hoặc Chúa Con cũng không, không ai ngoại trừ chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:32).

Điều này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự chờ đợi thận trọng và chu đáo về những dấu chỉ của thời gian hầu giúp chúng ta đón chào “chủ nhà” (Mc 13:35).  Khi ông chủ đến, tất cả mọi việc sẽ biến mất, “quyền hành của các đầy tớ” (Mc 13:34) cũng là những dấu chỉ để giúp chúng ta nhớ đến lòng nhân từ của Người (đền thờ, Giêrusalem, nhà).  Khi ông chủ đến, các “đầy tớ” và “người giữ cửa” (Mc 13:34) không còn lo lắng đến các dấu chỉ nữa mà lấy làm mừng rỡ vì sự hiện diện của ông chủ:  “Kìa, Chàng Rể đến!  Hãy ra đón Người” (Mt 25:6 và Mc 2:19-20).

Chúa Giêsu thường yêu cầu các môn đệ của Người phải canh chừng.  Trong vườn Cây Dầu, vào tối thứ Năm ngay trước ngày Thương Khó, Chúa Giêsu nói với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan:  “Các con ở lại đây mà canh thức”  (Mc 14:34; Mt 26:38).   Sự canh chừng giúp chúng ta không bị rơi vào sự cám dỗ (Mt 26:41) mà để tỉnh thức.  Trong vườn Cây Dầu, các môn đệ đã ngủ thiếp đi bởi vì thể xác thì yếu đuối dù rằng tinh thần thì hăng hái (Mc 14:38).   Hễ những ai ngủ thiếp đi thì bị hư mất, giống như ông Samson, người đã để cho mình bị ngủ thiếp đi, vì thế đã mất đi sức mạnh của ông, hồng ân của Thiên Chúa (Gđt 16:19).  Chúng ta phải luôn tỉnh thức và không được ngủ thiếp đi; canh chừng và cầu nguyện để chúng ta không bị lừa dối và do đó đi đến sự diệt vong của chúng ta (Mc 13:22 và Ga 1:6). Vì vậy, “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!  Từ chốn tử vong, hãy trỗi dậy đi nào!  Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Êp 5:14).   

b)  Những câu hỏi để quy hướng cho phần suy gẫm và làm cho thích hợp:


·      Sự canh chừng có ý nghĩa gì đối với bạn?
·      Chúa đã báo trước việc phá hủy Đền Thờ và thành Giêrusalem, niềm tự hào của dân tộc được Chúa chọn và là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa. Tại sao Chúa Giêsu lại báo trước sự hủy diệt của chúng?
·      Đền Thờ và thành thánh là những dấu hiệu cụ thể của sự giao ước giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người.  Nhưng những vật thể này đã bị phá hủy.  Những dấu hiệu cụ thể của sự giao ước của chúng ta là gì?  Bạn có nghĩ rằng chúng cũng sẽ có cùng một số phận như thế không?
·      Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta vượt qua tất cả mọi hình thức và gắn bó với Người.  Những vật gì, hình thức và dấu hiệu gì mà bạn nghĩ rằng Chúa đang đòi hỏi bạn vượt qua để bạn có thể gắn bó chặt chẽ với Chúa hơn?
·      Bạn có đang ngủ mê không?  Trong ý nghĩa nào?
·      Bạn có luôn sống kỳ vọng vào ngày quang lâm của Chúa không?  Mùa Vọng có phải là lúc để cho bạn nhớ đến yếu tố của sự chờ đợi trong đời sống của người Kitô hữu không?     

3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 96:

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,
vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Lạy Chúa là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Chúa, vì Đức Giêsu Con Cha, Đấng đã đến để nâng chúng con dậy và đặt chúng con trên đường ngay nẻo chính. Khi Chúa đánh thức tâm hồn chúng con một niềm khát khao cầu nguyện và phục vụ trong yêu thương, Chúa đã chuẩn bị cho chúng con buổi bình minh của ngày mới đó là lúc vinh quang của chúng con sẽ được thể hiện với tất cả các thánh trong sự hiện diện của Con Thiên Chúa.

4.  Chiêm Niệm
   
Chiêm niệm có nghĩa là biết làm thế nào để gắn bó với tất cả tâm hồn và trí khôn của mình vào Chúa, Đấng mà qua Lời của Người biến đổi chúng ta trở thành những con người mới, những người luôn làm theo thánh ý Người.  “Bây giờ các con đã biết những điều này, nếu các con thực hành tương xứng, thì thật phúc cho các con!” (Ga 13:17)



Chúa nhật I Mùa Vọng Năm B - Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su loan báo Ngài sẽ trở lại vào lúc bất ngờ không ai biết trước được và mời gọi hãy luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón tiếp Ngài.
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Vào Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B nầy, Phụng Vụ Lời Chúa hướng lòng chúng ta vào việc trông đợi Chúa đến:
Is 63: 16b-17, 19b; 64: 2b-7
Bài Đọc I là lời khẩn nguyện. Sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lon, dân Do thái hân hoan trở về quê cha đất tổ. Nhưng họ sớm ngã lòng trước thức tế muôn vàn khó khăn, vì thế họ khẩn khoản nài xin Thiên Chúa xé trời mà ngự xuống, can thiệp vào lịch sử của dân Ngài. Trong suốt Mùa Vọng Giáo Hội hiểu rằng Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki tô, đã thực sự ngự đến, xé tan mây trời để mưa hồng ân xuống. Giáo Hội tin tưởng vững vàng Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử nhân loại rồi.
1Cr 1: 3-9 
Trong Bài Đọc II, thánh Phao-lô vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì qua Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa đã ban cho các Ki tô hữu Cô-rin-tô muôn vàn ơn phúc trong lúc chờ đợi Chúa lại đến.
Mc 13: 33-37
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su loan báo Ngài sẽ trở lại vào lúc bất ngờ không ai biết trước được và mời gọi hãy luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón tiếp Ngài.
      BÀI ĐỌC I (Is 63: 16b-17, 19b; 64: 2b-7)
       Bản văn nầy bao gồm hai đoạn trích dẫn từ một lời khẩn nguyện mà vị ngôn sứ nhân danh toàn thể cộng đồng ngỏ lời với Thiên Chúa. Tách ra khỏi bối cảnh thực tế của nó, lời khẩn nguyện nầy nói lên nỗi xao xuyến muôn thuở của nhân loại trong cảnh khốn cùng trước sự im lặng của Thiên Chúa như thử Ngài chẳng hề quan tâm đến cuộc sống con người: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh nhan!”.
      Cộng đồng đang phải chịu thử thách này là cộng đồng Giê-ru-sa-lem hồi hương trở về quê cha đất tổ sau thời kỳ lưu đày dài lâu ở Ba-by-lon. Vua Ba tư là Ky-rô, sau khi chiếm kinh thành Ba-by-lon vào năm 539 trước Công Nguyên, năm sau đó đã cho phép những người lưu đày hồi hương. Sau khi trở về, những người nầy phải đối mặt với biết bao khó khăn trong cuộc sống, nhất là đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, cảnh Đền Thờ hoang tàn đổ nát trơ gan cùng tế nguyệt gần một nữa thế kỷ qua. Họ toan tính bắt tay vào việc tái thiết Đền Thờ, nhưng lực bất tòng tâm. Thêm nữa, gặp phải sự chống đối của những người địa phương và nhất là sự ngăn cản có hệ thống của dân Sa-ma-ri buộc họ phải bỏ dỡ dự án. Ấy vậy, Đền Thờ chính là dấu chỉ việc Đức Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài. Phải chăng Thiên Chúa đã thực sự bỏ rơi dân Ngài? Lòng nhiệt thành của những ngày đầu tiên nhường chỗ cho nỗi thất vọng ê chề đắng cay.
      Ở giữa họ, một vị ngôn sứ vô danh, được gọi I-sai-a đệ tam, củng cố niềm tin của họ và hướng dẫn lời cầu nguyện của họ. Chính lúc đó, bằng ngòi bút của mình, ông đã viết nên lời khẩn nguyện nầy như phương thế cuối cùng:“Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con!”.
      1. “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con”.
      Lời khẩn nguyện ngỏ lời với “Thiên Chúa là Cha chúng con” ở đây là độc nhất vô nhị trong toàn bộ Cựu Ước. Chúng ta không gặp thấy như vậy trong các Thánh vịnh, Thánh Thi hay trong những lời cầu nguyện của Cựu Ước. Việc kêu cầu “Thiên Chúa là Cha chúng con” được lập đi lập lại đến ba lần trong lời khẩn nguyện nầy (hai lần trong đoạn trích hôm nay).
      Thật ra, tình phụ tử của Thiên Chúa là một khái niệm thông thường và thường được nhắc đi nhắc lại: Thiên Chúa là Cha vì Ngài là Đấng Tạo Hóa; Thiên Chúa là Cha vì Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm“con của mình” (Đnl 32: 6). Nhưng danh xưng nầy chưa bao giờ được gặp thấy trong các lời cầu nguyện. Thật đáng lưu ý khi sự kiện nầy đột nhiên xảy đến sau cuộc lưu đày được xem như một thử thách thanh tẩy lớn lao. Vì thiếu nơi phụng tự và hy lễ, những người lưu đày đã nội tâm hóa tâm tình tôn giáo của mình. Mối quan hệ của họ với Thiên Chúa không còn hời hợt bên ngoài ở nơi các nghi thức phụng tự nhưng đã đạt đến chỗ tâm giao mật thiết hơn: “Thiên Chúa là Cha chúng con”.
      2. “Đấng cứu chuộc chúng con”.
      Danh xưng “Đấng cứu chuộc” được dịch từ nguyên ngữ Do thái: go’el, từ ngữ nầy có một ý nghĩa chính xác, nhưng khó lĩnh hội, vì không có từ ngữ tương đương trong các định chế của chúng ta. Từ Go’el chỉ một người bà con thân thuộc có phận sự bênh vực thân nhân của mình bị xúc phạm hay bị áp bức, chuộc lại người thân bị sa vào cảnh đời nô lệ (nhất là trong trường hợp nô lệ vì nợ nần), đồng thời đảm nhận trọng trách báo thù (đây là vai trò hàng đầu vào thời du mục). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (vị ngôn sứ của thời lưu đày) đã thường nhắc nhở rằng Đức Chúa là go’el của dân Ngài, Ngài sẽ chuộc lại dân khỏi cảnh đời nô lệ Ba-by-lon. Sau khi trở về, danh xưng nầy được lập đi lập lại thông thường trên môi miệng của những người hồi hương.
      3. “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…”
      “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan!”. Lời nguyện xin này ám chỉ rất rõ nét đến việc Thiên Chúa tỏ mình ra trên núi Xi-nai trong cảnh tượng hùng vĩ: núi non rung chuyển dữ dội và khói tỏa mây mù bao phủ đỉnh núi. Dân Ít-ra-en đã thường hoài niệm những giây phút đặc ân nầy. Phải chi Thiên Chúa lại ngự xuống để tái thiết Đền Thờ và Thành Thánh!
      4. “Ngài đã ngự xuống…”
      Bất ngờ, các động từ của đoạn văn đều được chuyển sang thì quá khứ: “Ngài đã ngự xuống, núi non đã rung chuyển trước Thánh Nhan. Từ cổ chí kim, thiên hạ chưa hề được ai nói cho biết, tai chưa hề được nghe, mắt chưa hề được thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như  vậy cho kẻ trông cậy ở nơi mình. Ngài đã đón gặp kẻ hoan hỹ ăn ngay ở lành và nhớ đến Ngài, khi theo các đường lối Ngài chỉ dạy”.. Ở đây, bản văn được dịch theo bản dịch La-tin của thánh Giê-rô-ni-mô, được gọi “Bản Phổ Thông” (Vulgata). Theo thánh nhân, nguyên bản Do thái ở thể cầu chúc hay nguyện ước phải được hiểu như chuyện đã xảy ra, bởi vì ước nguyện của vị ngôn sứ đã xảy ra rồi. Trời đã bị xé ra. Thiên Chúa đã đáp ứng nỗi mong chờ của con người vượt quá mọi niềm hy vọng. Ngài đã trở thành một người ở giữa họ. Đối với chúng ta, như đối thánh Giê-rô-ni-mô, lời nguyện ước của vị ngôn sứ đã được ứng nghiệm ở nơi biến cố Nhập Thể của Đức Giê-su Ki-tô.
      Sau khi đã sửa đổi bản văn cho thích hợp với hoàn cảnh niềm tin hiện nay của mình, bản dịch lại được tiếp tục theo nguyên bản. Lời khẩn nguyện lại tiếp tục bình thường: lời ca ngợi Thiên Chúa xen lẫn với lời trách cứ vì Thiên Chúa “bỏ rơi” dân Ngài, nhưng cũng khiêm tốn thú nhận lỗi lầm và bày tỏ niềm tin tưởng. Một lần nữa Thiên Chúa được ngỏ lời là “Cha chúng con”.
      Bài Đọc I chấm dứt với hình ảnh Thiên Chúa-người thợ gốm, ám chỉ đến chuyện tích sáng tạo cổ kính ở chương 2 sách Sáng Thế. Hình ảnh Thiên Chúa như người thợ gốm nhào đất sét nắn nên con người trên chiếc bàn xoay thuộc về gia sản thần thoại của những nền văn hóa thời xưa. Hình ảnh nầy diễn tả việc Thiên Chúa gắn bó với công trình của Ngài. Có một sự đối nghịch giữa “quyền lực của Ác thần” nhằm tiêu diệt con người và quyền lực của Đấng Tạo Hóa, Đấng làm cho con người, vốn đất sét mõng dòn yếu đuối, trở thành kiên trung bền vững khi Ngài tha thứ tội lỗi cho họ.
      BÀI ĐỌC II (1Cr 1: 3-6)
      Bài Đọc II được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô. Đoạn thư này được trích đọc vào Chúa Nhật I Mùa Vọng vì đề cập đến việc các Ki tô hữu mong chờ “ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.
1. “Ngày Đức Ki-tô, Chúa chúng ta”:
      Chúng ta lưu ý rằng thánh Phao-lô biến đổi diễn ngữ quen thuộc của các ngôn sứ: “Ngày Đức Chúa” thành “Ngày Đức Giê-su Ki-tô”. Dưới ngòi bút của thánh nhân, Đức Chúa chính là Đức Giê-su Ki-tô, và ngày Đức Chúa chính là ngày Đức Giê-su Ki-tô trở lại trong vinh quang. Trong vài dòng cuối cùng của đoạn trích ngắn nầy, thánh nhân lập lại đến ba lần: “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”. Những Ki-tô hữu tiên khởi, như sách Công Vụ Tông Đồ làm chứng, đã ban tước hiệu Đức Chúa nầy cho Đức Giê-su Ki-tô, như chính Ngài đã công bố rằng “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28: 18).
2. Ngày chứa chan hy vọng:
      Theo cùng viễn cảnh của các ngôn sứ, “Ngày Đức Chúa” rõ ràng là ngày Chung Thẩm, thánh Phao-lô nhắc nhở cho các tín hữu Cô-rin-tô phải “nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô”. Nhưng việc người Ki-tô hữu mong đợi Chúa đến khác với dân Cựu Ước, bởi vì ngay từ bây giờ, họ được hiệp thông với Đức Ki-tô rồi; họ sống trong Ngài rồi. Sự mong đợi của họ chứa chan niềm hy vọng, bởi vì trong niềm mong chờ của họ Ngài hiện diện ở giữa họ rồi.

      TIN MỪNG (Mc 13: 33-37)
      Đoạn Tin Mừng nầy được định vị ở cuối bài diễn từ dài về Cánh Chung mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài vài ngày trước cuộc Tử Nạn của Ngài (13: 1-37). Các môn đệ theo Ngài lên núi Ô-liu và ở đó, họ chiêm ngưỡng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với sự thán phục về vẻ huy hoàng của Đền Thánh. Đức Giê-su loan báo cho họ Đền Thờ sẽ bị phá hủy thành bình địa, và từ gợi ý nầy đến gợi ý khác, Ngài nói với các ông những tai ương hoạn nạn sẽ đánh dấu thời tận thế, trước khi Ngài ngự đến.
1. Bố cục.
      Trong đoạn trích Tin Mừng hôm nay, “Đức Giê-su nói với các môn đệ của Ngài về ngày quang lâm của Người”. Vì thế, Ngài bắt đầu khi khuyên các môn đệ Ngài: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”, và kết thúc khi lập lại lời khuyên nầy nhưng mở rộng ra với hết thảy mọi người: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người: hãy canh thức!”. Ở giữa là một dụ ngôn minh họa cho lời khuyên chủ đạo nầy.
      Trong lời khuyên mở đầu, cách nói “Hãy coi chừng” theo tỉếng Hy lạp mang một ‎ý nghĩa cụ thể: “Hãy mở mắt” (13: 5, 9, 23). Vì thế, rất phù hợp với dụ ngôn về người giữ cửa phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng “mở mắt lắng tai” để nhận ra những bước chân từ xa của chủ trở về vào một lúc nào đó trong đêm khuya thanh vắng.
      2. Dụ ngôn:
      Đức Giê-su tự ví mình với chủ nhà trẩy đi phương xa và sẽ trở về bất ngờ mà không báo trước. Vì thế, các môn đệ của Ngài được ví như người giữ cửa phải canh thức đợi chủ trở về. Người giữ cửa là hình ảnh người gác đêm với sứ mạng rõ ràng là luôn luôn ở trong tư thế tỉnh thức trông chờ.
      Chủ nhà sẽ trở về vào lúc chập tối hay nữa đêm hoặc lúc gà gáy hay tảng sáng. Chúng ta nhận ra ở đây đêm được chia thành bốn canh theo tập quán của người Rô-ma chứ không là ba canh như tại người Do thái (Lc 12: 38), còn người Việt Nam chúng ta lại phân chia “đêm năm canh, ngày sáu khắc”. Chi tiết nầy là chữ ký của thánh Mác-cô, thánh ký hiện ở Rô-ma bên cạnh thánh Phê-rô mà ông là thư ký. Thánh ký viết Tin Mừng cho cộng đoàn Ki-tô hữu Rô-ma, và rộng lớn hơn, cho thế giới chịu ảnh hưởng văn hóa Rô-ma.
      3. Biểu tượng của “Đêm”.
      Thánh Má-cô kết thúc đoạn Tin Mừng nầy với lời căn dặn của Đức Giê-su:“Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”. Bối cảnh của toàn bộ bài diễn từ về Cánh Chung nầy là câu chuyện riêng tư của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài (13: 3-4), nhưng ở đây lời kêu gọi khẩn cấp phải tỉnh thức được gởi đến cho “hết thảy mọi người”, bởi vì sứ điệp nầy liên quan đến nhiều thế hệ theo sau nữa. Phải canh thức, phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đợi chủ trở về. Rõ ràng chính trong đêm mà người ta phải canh thức. Chắc chắn hình ảnh “đêm” được nhấn rất mạnh ở đây: đêm là thời gian của bóng tối, nghĩa là môi trường của sự Ác. Người Ki tô hữu phải cảnh giác đừng để mình sa vào những việc làm ám muội gian ác.
      Chủ nhà có thể đến vào lúc nữa đêm và gặp thấy những tôi tớ của mình đang ngủ…Các nhà chú giải nghĩ đến khoa thần bí Do thái về “Bốn Đêm” nhấn mạnh Lịch Sử thế giới. Bốn đêm được đánh dấu bởi bốn lần Thiên Chúa can thiệp dứt khoát:
      - Đêm của công trình Sáng Tạo.
      - Đêm Thiên Chúa ký kết giao ước với ông Áp-ra-ham và hứa với ông việc sinh hạ I-xa-ác.
      - Đêm của cuộc Xuất Hành: dân Do thái vội vã rời đất Ai-cập và được cứu thoát.
      - Đêm của ơn cứu độ trong tương lai, vương quyền của Thiên Chúa ngự đến một cách mầu nhiệm.
      Thêm nữa, đêm Đức Giê-su cầu nguyện cũng trên chính núi Ô-liu nầy trước giờ khổ nạn của Ngài. Chính trong đêm ấy, sau khi cầu nguyện một mình, Ngài trở lại và gặp thấy các ông đang ngủ, Ngài nói với các ông: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (14: 38). 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét