SỐNG PHỤNG VỤ MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH HÔM NAY
Giáo Hội Công giáo đã lại bắt đầu một năm phụng vụ mới.
Hằng năm, các tín hữu đều được nhắc nhở rằng Phụng vụ là một trong
những hoạt động quan trọng nhất của Giáo Hội, do cộng đoàn các thành viên của
Giáo Hội cử hành, để tưởng nhớ tới Đức Kitô và công cuộc Cứu độ Người đã thực
hiện, nhờ đó hiện tại hoá giá trị cứu độ của các cử chỉ của Người vì sự thánh
hoá của các tín hữu.
NĂM PHỤNG VỤ
Công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trải dài trong thời gian từ tạo
thiên lập địa cho tới ngày cùng thế tận và trong phụng vụ của Giáo Hội, được
tưởng nhớ và cử hành trong chu kỳ hàng năm với những mùa, những ngày lễ đưa
người tín hữu và cộng đoàn từng bước đi vào sự hiệp thông với hành động cứu độ
này của Thiên Chúa, được thể hiện qua cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô: việc Người
sinh ra (Giáng Sinh, cái chết và sự Phục sinh của Người và việc Người ban Thánh
Thần (Hiện Xuống), việc Người sẽ đến như Người đã hứa.
Năm phụng vụ, khởi đầu với mùa Vọng gồm bốn Chúa
nhật, khởi đầu với chúa nhật cuối tháng mười một tới ngày 25/12, lễ Giáng sinh,
và mùa Giáng sinh kéo dài từ lễ Giáng sinh tới hết ngày lễ
Chúa Giêsu chịu phép Rửa, chấm dứt thời kỳ Chúa Giêsu sống đời sống ẩn dật tại
Nazareth, mở đầu sứ vụ công khai của Người. Sau đó là mùa Thường niên,
giai đoạn một, từ sau lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tới thứ Tư lễ Tro mở đầu
mùa Chay chuẩn bị đại lễ Phục sinh, với tuần thánh, với ba ngày thánh
tưởng nhớ một thực tại vô cùng đặc biệt: Đức Kitô vượt qua cái chết đến sự sống
nhờ đó đem lại sự sống mới cho những ai tin vào Người. Mùa Phục sinh kéo
dài từ lễ Phục sinh đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau lễ Hiện xuống
là mùa Thường niên, giai đoạn hai, kéo dài tới lễ Chúa Kitô Vua kết
thúc năm phụng vụ. Năm phụng vụ kết thúc với viễn tượng về ngày Chúa quang lâm.
Phụng vụ cũng không quên gợi lại hình ảnh những con người đã làm
rạng rỡ sự Thánh thiện của Thiên Chúa trong cuộc đời được cứu độ của các ngài
với các ngày lễ kính các thánh được mừng vào những ngày nhất định trong năm.
Phụng vụ với những giờ kinh được đọc vào những khoảnh khắc khác
nhau – sáng, trưa, chiều, tối – cũng đã muốn ghi dấu ấn của lịch sử cứu độ trên
bước đi hàng ngày của thời gian.
Lịch phụng vụ đã được triển khai dần dần trong lịch sử. Việc tu
chỉnh lần cuối cùng diễn ra vào năm 1969 tiếp nối công cuộc cải cách phụng vụ
bắt đầu tại Công đồng Vatican II.
Các mùa và ngày lễ trong năm phụng vụ được cử hành với các mầu sắc
khác nhau của lễ phục và trang trí gợi lại những tâm tình và bầu khí do ý nghĩa
của việc cử hành gợi lên: mầu tím của mùa Vọng và mùa Chay; màu vàng của ngày
Giáng sinh và Phục sinh, mầu trắng của những ngày lễ quan trọng khác trong năm,
mầu xanh của mùa thường niên, mầu đỏ, mầu của tình yêu và tận hiến, của Đức
Kitô và các thánh tử đạo, được sử dụng vào lễ các thánh tử đạo, chúa nhật lễ
Lá, thứ Sáu thánh, lễ Trái Tim và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Một lần duy
nhất trong năm chủ tế mang phẩm phục mầu hồng, đó là vào chúa nhật thứ ba mùa
Vọng, chúa nhật “Laetare”, một thoáng niềm vui giữa màu Tím chờ
đợi. Trước đây, còn sử dụng mầu đen, mầu của tang tóc, nhưng nay, mầu đen được
thay thế bằng mầu tím, kể cả trong lễ tang. Niềm hy vọng sống lại vẫn chiếu
sáng trong cả cái chết.
Như vậy, năm phụng vụ muốn mời gọi các tín hữu và cộng đoàn Giáo
Hội sống cuộc sống của mình trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa qua việc tưởng
nhớ và cử hành tất cả các mầu nhiệm về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm
người, đã sống, đã chết và đã phục sinh và sẽ quang lâm hoàn tất công trình cứu
độ của Người, khi Người là tất cả trong mọi sự.
NGÀY CHÚA NHẬT TRONG NĂM PHỤNG VỤ
Ngày Chúa nhật là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Các nghị phụ
Công đồng chung Vatican II khẳng định điều này, đặc biệt trong Hiến chế Phụng
vụ thánh: “Theo Truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống
lại. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng
gọi là Ngày của Chúa, hay Chúa Nhật. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau
lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến Lễ Tạ ơn, họ kính nhờ
cuộc Thương khó, sự Sống lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ
Thiên Chúa, Đấng “đã tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh
từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô (1 Pr 1, 3). Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ
rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào long đạo đức của các tín hữu đến độ
cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các nghi thức cử hành
khác, nếu không thật sự rất quan trọng, thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa
Nhật, vì đây là nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ” (PV, số 106).
Năm 1998, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phổ biến tông thư Dies
Domini / Ngày của Chúa về việc hiến thánh Ngày của Chúa. Tông thư
khẳng định ngày Chúa nhật không chỉ là Ngày của Chúa, mà còn là Ngày của Đức
Kitô / Dies Christi, ngày của công cuộc tạo dựng mới và của ân sủng
của Đức Thánh Linh; Ngày của Giáo Hội, ngày cộng đoàn Kitô hữu họp lại với
nhau; Ngày của con người, Dies Hominis, ngày của dân chúng, ngày
mừng vui, nghỉ ngơi và của tình yêu thương.
Người Kitô hữu hiện nay cảm thấy khó khăn trong việc giữ ngày Chúa
nhật. Có quá nhiều nhu cầu. Và càng ngày người ta càng bị lôi kéo làm việc ngày
Chúa nhật. Không phải vì phải làm việc cả bảy ngày trong một tuần lễ mà còn bởi
việc phân công tại sở làm việc, một tuần có thể chỉ phải làm việc năm ngày, nhưng
ngày làm việc có thể rơi vào ngày Chúa nhật. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II
viết: “Dù ở trong thời kỳ khó khăn như hiện nay của chúng ta, người Kitô hữu
vẫn phải luôn duy trì và trên mọi sự, phải sống tính chất ngày chúa nhật trong
tất cả chiều sâu của ý nghĩa của nó...Chúa nhật của người Kitô hữu ...vẫn là
một yếu tố thiết yếu của căn tính Kitô giáo của chúng ta.
PHỤNG VỤ VÀ THÁNH KINH
Cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II đã tạo cơ
hội để tín hữu và cộng đoàn được tiếp xúc một cách rộng rãi hơn với Mạc khải
của Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt là các sách Tin Mừng.
Ý NGHĨA MÙA VỌNG
Năm phụng vụ bắt đầu với chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, tức chúa
nhất cuối cùng của tháng mười một, và kết thúc với lễ Giáng Sinh, 25/12.
Sách lễ Roma gọi mùa này là mùa Adventus. Từ latinh
này có nghĩa là ‘đến’. Việc Chúa đến: Đến trong lịch sử, đến trong lòng tin và
đến trong vinh quang ngày hoàn tất mọi sự.
Công giáo Việt Nam gọi đây là mùa Vọng. ‘Vọng’ có
nghĩa là nhìn, hướng về nơi tâm trí đang tưởng nhớ, trông chờ. ‘Vọng’ nhấn mạnh
vào thái độ, tâm tình của người Kitô hữu, của Giáo Hội trước việc Chúa đến.
Chúa đến
Chúa đã đến vào một ngày giờ và tại một nơi nhất
định trong lịch sử: Đức
Giêsu, con Đức Maria, người Nazareth, sinh tại Bêlem vào “năm mười lăm hoàng đế
Tibêrô chấp chính; Pontiô Philatô trấn nhiệm xứ Giuđê; Hêrôđê làm quận vương xứ
Galilê và em là Philip làm quận vương vùng Iturê và Trakhônit, và Lysania làm
quận vương xứ Abilênê; dưới thời thượng tế Hanna và Caipha” (Luca 3, 1 và tt).
Người là người thật như mọi con người khác, trừ tội lỗi, như thánh Phaolô khẳng
định.
Là người thật, nhưng Đức Giêsu, trong lòng tin Kitô giáo, cũng là
Thiên Chúa thật. Người là “Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Mọi sự
đã nhờ Người mà thành sự. Người đến trong thế gian. Người có trong thế gian.
Bởi Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng ta. ...” (xem Ga 1, 1–15). .
Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ muôn dân.
Chúa đang đến trong lòng tin Kitô hữu: Đức Giêsu đã lớn lên, rao giảng Tin Mừng cứu
độ, đã bị bắt, bị giết chết trên thập giá, được táng trong mồ... Là Thiên Chúa
thật, Người hiện diện đặc biệt trong mỗi cử hành phụng vụ, đến với những ai tin
vào Người, gặp gỡ và đồng hành với họ trong cuộc sống, để cùng với họ mở đầu,
xây dựng và hoàn tất một lịch sử mới đã khởi đầu với việc Người giáng sinh làm
người tại Bêlem. Công đồng chung Vatican II khẳng định: “Đức Kitô luôn hiện
diện trong Hội thánh của Người, đặc biệt trong việc cử hành phụng vụ. Người
hiện diện trong lễ tế hiến, nơi con người thừa tác viên, ‘tự hiến mình lúc này,
qua thừa tác vụ của các linh mục như Người đã tự hiến mình khi xưa trên thập
giá’, và đặc biệt trong bánh và rượu trở thành mình và máu Người” (Hiến
chế Phụng vụ thánh).
Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa Giáo Hội của Người để cùng với Giáo
Hội và từng môn đệ của Người hoàn tất sứ vụ Người giao: “Hãy đi thâu nạp môn đồ
khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ hết
mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và này, Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho
đến tận thế” (Mt 28, 19–20).
Con người chờ đợi
Bốn tuần lễ mùa Vọng tượng trưng cho bốn mươi năm dòng dõi của
Abraham, Isaac, Giacob được tôi luyện trong sa mạc trống không và nóng bỏng để
chỉ còn lại lòng khát khao chân thật đến được nơi Chúa đã hứa ban.
Sự khát khao và chờ đợi của những ai tin vào Chúa từng bước được
lấp đầy, một cách phong phú, ngoài sức con người có thể tưởng tượng. Không chỉ
là một giang sơn chảy đầy sữa và mật ong, mà là một vị Cứu độ, là người thật và
là Thiên Chúa thật, Đấng ban phát nước hằng sống, Đấng ban bánh của sự sống đời
đời, của sự sống mới, sự sống của những người được quyền gọi Thiên Chúa là Cha.
Mùa Vọng là mùa người Kitô hữu và cộng đoàn Giáo Hội ngày hôm nay
khơi dậy lòng mong muốn gặp gỡ và kết hiệp chặt chẽ hơn nữa với Đấng đã đến và
đã đem lại cho mình sự sống mới. Không phải chờ đợi trong thụ động với những
câu kinh, nghi lễ có sẵn, bằng lòng với những tri thức đã thu thập được về một
quá khứ xa xôi trong không gian và thời gian, mà là sự chờ đợi của ngày hôm nay
và lúc này, một sự chờ đợi cũng nóng bỏng với câu hỏi “chúng tôi phải làm gì?”
để có thể gặp Người và kết hiệp với Người, trong cái ngày hôm nay của cuộc sống
cụ thể của từng người, từng giới, từng cộng đoàn, như người đương thời của
Gioan Tẩy giả đã đua nhau nêu lên khi nghe ngài loan báo Đấng sẽ đến (xem Lc
3, 10-14).
Sự chờ đợi trong tỉnh thức của những người trinh nữ khôn ngoan
trong dụ ngôn của Chúa, trong sự nhạy bén để nhận ra tiếng gọi, ý muốn, sự chờ
đợi của Chúa được biểu lộ trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của Hội Thánh và
thực thi trong thực tại cuộc sống, để qua đó, được kết hiệp làm một với Đấng
vốn là đường dẫn đến sự thật và sự sống.
Như vậy, sự chờ đợi của mùa Vọng dẫn đến việc chuẩn bị trí óc với
việc tìm hiểu mạc khải về Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến lại, trong bối cảnh
của cuộc sống riêng mỗi người, của thế giới ngày nay, của xã hội Việt Nam với
những niềm vui, nỗi buồn, những vấn đề xã hội và về xã hội đang chờ đợi một lời
đáp, một thái độ của niềm tin chân thật nơi Đức Kitô. Như ba nhà đạo sĩ tìm
hiểu ý nghĩa của dấu sao lạ và nhận ra nơi Hài nhi yếu ớt được vấn tã đặt trong
máng cỏ nghèo nàn là Đấng các ông đang tìm gặp để thờ lạy. Việc chuẩn bị con
tim với những khát vọng đích thực vốn đang bị vùi lấp dưới những đống phù vân
của chủ nghĩa tiêu thụ, những giá trị giả tạo đang được không ít các tiên tri
giả rêu rao. Không có những khát vọng mới làm bật lên câu hỏi trong nỗi bức
xúc: ‘chúng tôi phải làm gì’ của từng người, từng cộng đoàn và của cả Hội
Thánh, mùa Vọng sẽ chỉ còn là sự chờ đợi của quá khứ và của kẻ khác, không phải
của hôm nay và của chính mình.
Trong phụng vụ mùa Vọng, chúng ta được cảm nghiệm về Lời không
thay đổi nhưng sống động của Thiên Chúa, đã hoàn tất và đang được chờ đợi hoàn
tất. “Lời của Chúa được công bố trong việc cử hành các mầu nhiệm của Thiên Chúa
không chỉ gợi đến những hoàn cảnh hiện tại mà hướng cả về các biến cố đã qua và
hướng tới những gì đang đến”.
Việc chuẩn bị tích cực, để tiếp đón vị Thượng Khách từng được yêu
mến và tin tưởng, từng được trông chờ như Đấng sẽ lấp đầy những khát khao làm
người và làm con Thiên Chúa, sẽ biến mùa Vọng thành mùa của mừng vui và hy
vọng, mà không phải của lo âu và sợ hãi, dù là chờ đợi Đấng sẽ đến phán xét vào
ngày cùng thế tận, dù phụng vụ vắng tiếng hát kinh ‘vinh danh’ và mang màu tím,
màu của khắc khổ và sám hối.
MỘT SỐ VIỆC ĐẠO ĐỨC
Tĩnh tâm mùa Vọng
Các giáo xứ và hội đoàn ở Việt Nam có thói quen tổ chức tĩnh tâm
mùa Vọng cho các tín hữu. Có nơi dành trọn một hay hai ngày cho việc tĩnh tâm.
Cũng có nơi tổ chức tĩnh tâm vào mấy buổi chiều và tối để có được bầu khí và
khung cảnh thuận lợi cũng như thích hợp cho việc chiêm niệm.
Việc đạo đức này nên được tổ chức vào các ngày đầu mùa Vọng để có
thể giúp các tín hữu và cộng đoàn giáo xứ bước ngay vào bầu khí của mùa phụng
vụ và thấu hiểu hơn ý nghĩa của mùa Vọng nhờ đó tham gia một cách trọn vẹn hơn
ngay từ buổi đầu vào mầu nhiệm cứu độ được Hội Thánh tưởng nhớ và cử hành trong
bốn tuần của mùa Vọng.
Có lẽ nên hiểu Tĩnh tâm như một việc đạo đức gắn với việc cử hành
mùa phụng vụ: không phải chỉ là việc dọn mình xưng tội để được rước lễ ngày lễ
Giáng sinh, cũng không phải là một lớp giáo lý giúp người tham dự có thêm kiến
thức về mầu nhiệm Hội Thánh đang chuẩn bị cử hành, mà chính là thời gian để đi
vào mầu nhiệm trong cầu nguyện, chiêm niệm, kết hiệp và sống mầu nhiệm cứu độ
đã diễn ra và cũng đang diễn ra giữa loài người. Do đó, tĩnh tâm không thể
không bao gồm việc đọc Thánh Kinh để gợi lại những gì Thiên Chúa đã làm, những
khoảnh khắc thinh lặng để người tín hữu cầu nguyện và chiêm niệm mầu nhiệm đã
hoàn tất, những việc đạo đức để đi vào mầu nhiệm đang diễn ra ngày hôm nay và ý
thức về những việc phải làm để hướng về ngày hoàn tất mọi sự.
Tĩnh tâm mùa Vọng có thể là một dịp giúp người tín hữu và cộng đoàn
kiểm điểm đời sống, nhận ra đâu là những giá trị mình đang theo đuổi trong cuộc
sống thường ngày, trong gia đình, trong xã hội và nơi bản thân. Người tín hữu
và cộng đoàn cũng cần được giúp đỡ để khám phá ra những giá trị đích thực, bền
vững mà Tin Mừng, giáo huấn cũng như phụng vụ của Hội Thánh, đặc biệt là mầu
nhiệm Giáng sinh, mời gọi và trông chờ người tín hữu và cộng đoàn thực hiện,
nhất là trong một xã hội lễ Giáng sinh ngày càng bị thế tục hoá.
Bởi vậy, trong cuộc tĩnh tâm, cũng nên tổ chức một cuộc sám hối
tập thể, tuy không thay thế việc xưng tội riêng, nhưng cũng sẽ giúp ích không
ít cho việc trở lại của mỗi cá nhân và của cộng đoàn.
Làm máng cỏ
Việc các gia đình, khu đạo và giáo xứ làm hang đá, hay máng cỏ tại
gia, tại nhà thờ, thậm chí ở nơi công cộng cũng có thể được xem như một việc
đạo đức giúp nâng cao lòng đạo nhân một dịp lễ đặc biệt của năm phụng vụ, miễn
là việc làm này không bị biến thành cơ hội để phô trương, lãng phí tiền bạc,
của cải và thời gian, qua đó, trở thành dịp để người tín hữu và cộng đoàn ‘chia
trí’, sao nhãng bài học đích thực của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đã chọn khung
cảnh nghèo, giản dị của người dân bình thường để ra đời làm người.
Làm máng cỏ trong gia đình không đơn thuần là việc trang trí nhà cửa,
việc bầy ra một máng cỏ, một hang đá có sẵn hay được mua tại tiệm sách đạo,
nhưng có thể là dịp để gia đình thông hiệp với mầu nhiệm Giáng sinh ngày hôm
nay và cùng với các thành viên của gia đình. Việc làm máng cỏ này cũng có thể
là một dịp để cha mẹ giáo dục con cái một cách cụ thể về bài học của Giáng
sinh, một cơ hội để giảng dạy, qua bộ tượng các nhân vật của máng cỏ, về vai
trò của Đức Maria, của thánh Giuse, các mục đồng, của ba nhà đạo sĩ... Chẳng
hạn, mỗi tuần của mùa Vọng có một buổi tối cả gia đình cùng tụm lại để làm máng
cỏ, và người lớn tuổi sẵn sàng giải thích cặn kẽ từng câu hỏi của các bé nêu
lên khi cầm tượng các nhân vật của hang đá. Các trẻ trong gia đình cũng có thể
mời bạn bè, hang xóm tới cùng làm hang đá. Việc làm hang đá hay máng cỏ này có
thể kéo dài suốt mùa Vọng, tượng các nhân vật lần lượt được đặt ra theo hành
trình của Đức Maria và thánh Giuse trên đường tới Bêlem và tới hang đá như được
mô tả trong hai sách Tin Mừng Matthêu và Luca, đoạn 1 và 2. Mỗi chặng đường của
cuộc hành trình có thể là một dịp để gia đình đọc một đoạn sách Thánh và cầu
nguyện với Thánh gia.
CỬ HÀNH BÍ TÍCH TRONG MÙA VỌNG
Bí tích Thánh Tẩy
Mùa Vọng chuẩn bị lễ Giáng sinh là thời gian thích hợp để gợi lại
bí tích Thánh Tẩy người tín hữu đã lãnh nhận, để giáo huấn và cử hành bí tích
Thánh Tẩy cho người trưởng thành cũng như trẻ mới sinh, vì mùa chuẩn bị lễ
Giáng sinh đầy ắp những biểu tượng: Như Đức Maria chờ đợi mọi sự diễn ra theo
Lời Chúa (Lc1, 38), người chầu nhưng cũng chờ đợi bí tích Thánh Tẩy để được
sinh ra với sự sống mới. Mùa Vọng cũng là mùa chuẩn bị cho ánh sáng chiếu rạng
trong đêm Giáng sinh: “Đêm hầu tàn, ngày sắp đến. Vậy ta hãy vất bỏ những việc
tối tăm, và hãy mặc lấy khí giới sự sáng” (Rm 13, 12)...
Các bài đọc về thánh Gioan Tẩy giả khiến chúa nhật thứ hai và thứ
ba mùa Vọng thành thời gian đặc biệt thích hợp cho việc cử hành bí tích Thánh
Tẩy trong bối cảnh của phụng vụ chúa nhật. Nghi thức rửa tội trẻ em cũng có
nhiều quy chiếu về việc Chúa đến lại lần thứ hai như việc trao cây nến thắp
sáng cho trẻ với lời kèm theo: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô. Anh chị em là
những bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em
chăm nom, tức là lo lắng cho trẻ nhỏ này đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn
sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng
được ra nghênh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”.
Với những ai được tái sinh với Đức Kitô trong bí tích Thánh Tẩy,
thời kỳ chuẩn bị Đấng cứu chuộc ra đời cũng mang màu sắc thanh tẩy. Như Đức
Giêsu sinh ra từ cung lòng Đức Maria, cũng vậy, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta
được tái sinh làm con Thiên Chúa. Trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta nhận được
lời mời gọi chuẩn bị đường cho Chúa đến bằng các công việc của lòng bác ái và
công bình. Các bài đọc của chúng ta trong suốt mùa này cũng nhắc nhở chúng ta
rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của kẻ thấp bé và nghèo khổ.
Nghi thức sám hối
Mùa Vọng được thiết lập, khởi đầu, như một mùa sám hối chuẩn bị
cho cuộc phán xét cuối cùng và người Công giáo theo truyền thống dùng mùa Vọng
để dọn lòng xưng tội mừng lễ Chúa Giáng sinh. Các bài đọc và lời cầu nguyện của
mùa Vọng phản ánh hai tính chất của mùa Vọng: dọn mình xứng đáng tiếp đón Chúa;
qua việc sám hối, chúng ta trở nên sẵn sàng trong tâm trí trước việc Chúa đến.
Chăm sóc mục vụ cho kẻ liệt
Mặc dù mùa Vọng là một thời gian bận rộn, tuy nhiên, cộng đoàn
giáo xứ và đặc biệt các linh mục, giáo sĩ phụ trách và phục vụ giáo xứ cũng
không nên quên những người bệnh, những người đau yếu không còn khả năng thể xác
để tham dự các cử hành phụng vụ trong mùa Vọng. Hơn ai hết, họ là những người
chờ đợi Chúa đến với họ trong những giờ phút thử thách của bệnh tật này, do đó,
cộng đoàn giáo xứ nên tổ chức viếng thăm, đưa Mình Thánh Chúa...những người
bệnh không thể tới nhà thờ cử hành phụng vụ với cộng đoàn.
Ý NGHĨA MÙA GIÁNG SINH
Mùa Giáng
sinh là mùa thi vị nhất của năm phụng vụ. Các bài ca ghi dấu ấn sâu đậm nhất
trong ký ức người Kitô hữu là các bài ca Giáng sinh. Những Đêm đông
lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Cao cung lên, Đêm thánh vô cùng...Và những đĩa
nhạc Noel ngoại quốc hàng năm nghe đi nghe lại vẫn thấy hay.
Nhưng
Giáng sinh không phải chỉ là ngày lễ của những ký ức xa xôi từ thuở nào và của
thời hiện tại. Phụng vụ Giáng sinh đưa chúng ta đi vào chương trình cứu độ của
Thiên Chúa khi nhắc nhở cộng đoàn Giáng sinh chính là “ngày lễ của sự cứu độ
chúng ta” (collecta, lễ đêm), sự khởi đầu của việc cứu chuộc chúng ta” (lời
nguyện dâng lễ, lể Đêm). Giáng sinh là sự khôi phục trật tự của vũ trụ khi
Thiên Chúa và nhân loại lại kết hợp làm một qua việc làm con của Chúa Giêsu
Kitô: “...” (Lời nguyện dâng lễ, lễ Đêm).
Giáng
sinh là một lễ của ánh sáng. Ánh sáng chiếu trong đêm tối. Ánh sáng không chỉ
chiếu trên chúng ta mà trong chúng ta.
Giáng
sinh không phải là thời để hoài cổ mà kêu gọi chúng ta tham gia tích cực vào
mầu nhiệm, một kế đồ đã bắt đầu được triển khai với mầu nhiệm Nhập thể: Con
Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta để cứu độ chúng ta. Giáng sinh như vậy
không phải là ký ức về một sự kiện đã diễn ra tại Bêlem, vào một đêm nọ, cách
nay trên hai ngàn năm, mà còn là và nhất là sự kiện của hôm nay và tại đây. Cái
‘hôm nay’ của Đức Mẹ Maria, của thánh Giuse, của các người mục đồng cũng là cái
‘hôm nay’ của chính chúng ta.
Các hoàn
cảnh lịch sử nhất định đã có ảnh hưởng trên sự phát triển các điểm nhấn của lễ
và mùa Giáng sinh. Tin Mừng Giáng sinh được viết sau cùng. Sang thế kỷ IV,
trước trào lưu mang tên Arius, phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu, tại Công
đồng Nixêa (325), Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật...Làm một với Thiên
Chúa Cha” (Kinh Tin kính của công đồng Nixêa). Như vậy, Chúa Giêsu không chỉ
thuần tuý là một tạo vật thánh thiêng của Thiên Chúa, mà Người là Thiên Chúa
toàn năng, ở cùng Thiên Chúa từ nguyên thuỷ, “được sinh ra mà không phải tạo
thành” (ibid).
Một hoàn
cảnh lịch sử khác cũng có ảnh hưởng trên sự phát triển của lễ Giáng sinh hay
đúng hơn, cho việc mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25/12. Đó là vào năm 274, hoàng
đế Aurelius đã quyết định ngày 25/12 – ngày đông chí là ngày dâng kính Natale
Solis Invicti, một ngày lễ của lương dân kính “Thần Mặt Trời vô địch”. Vì
có nhiều đoạn Thánh Kinh khẳng định Đức Kitô là ánh sáng, ánh sáng của thế
giới, nên cũng dễ hiểu khi Giáo Hội ‘rửa tội’ cho ngày lễ này của người lương,
và biến việc kính mặt trời thành việc kính Mặt Trời công chính.
Một lý do
khác nữa của việc lễ Giáng sinh được mừng vào ngày 25/12: các Kitô hữu tiên
khởi cho rằng Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25/12. “Vào buổi đầu thế kỷ thứ ba,
các nhà thần học Kitô giáo đã tính toán về ngày sinh của Đức Giêsu vốn không
được ghi trong các sách Tin Mừng. Biểu tượng Chúa Kitô Mặt Trời cắm rễ sâu
trong ý thức của người Kitô hữu khiến họ có sự quan tâm đặc biệt tới các thời
điểm phân và điểm chí” (Năm phụng vụ, trg. 123). Và hậu quả là sự kiện ông
Gioan Tẩy giả ra đời được đặt vào ngày hạ chí (“Tôi phải bé đi”, Ga 3, 30), và
Chúa Giêsu ra đời sáu tháng sau, vào đông chí “Và Người phải lớn lên”, ibid.).
Đối với những con người có cuộc sống gắn với mặt trời, mặt trăng và các mùa hơn
chúng ta, những thời gian này có ý nghĩa rất đặc biệt. Các Kitô hữu tiên khởi
có thể đã coi sự Nhập thể của Chúa – ra đời, chết và sống lại – được khắc ghi
trong vũ trụ.
Giáng
sinh là một ngày lễ trọng thể như ngày lễ Phục sinh, quá lớn để chỉ được mừng
trong một ngày duy nhất: Giáo Hội đã dành một thời gian dài để suy nhiệm về mầu
nhiệm trọng đại này. Tuần bát nhật lễ Giáng sinh được cử hành một cách đặc biệt
trọng thể. Ngày Chúa nhật trong tuần bát nhật, chúng ta tiếp tục mừng sự nhập
thể của Đức Kitô, từ một nhãn giới khác với lễ kính Thánh Gia của Đức Giêsu, Mẹ
Maria và thánh Giuse. Tuần bát nhật kết thúc với lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên
Chúa, vào ngày 1/1, ngày lễ trọng thể đầu tiên kính Đức Mẹ Maria, kết quả của
Công đồng Êphêsô.
Mùa Giáng
sinh tiếp tục với lễ trọng thể sự Hiển Linh của Chúa, mừng việc Chúa Kitô “tỏ
mình” ra. Hiển Linh trong truyền thống thường được mừng ngày thứ mười hai sau
lễ Giáng sinh (6/1), và là một ngày lễ nghỉ. Nhưng tại những nơi lễ Hiển Linh
không phải là lễ nghỉ, thì được dời vào ngày Chúa nhật. Mùa Giáng sinh kết thúc
với lễ kính Chúa Giêsu chịu phép Thánh Tẩy. Với việc Chúa Giêsu chịu Thánh tẩy,
kết thúc thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu và bắt đầu thời kỳ sứ vụ công khai của
Người. Các mùa và ngày lễ tiếp theo của năm Phụng vụ sẽ cho chúng ta được đi
tiếp với Đức Kitô trong những đoạn đường tiếp theo của sứ vụ của Người.
KẾT LUẬN
Như vậy,
năm Phụng vụ Giáo Hội vừa mở đầu, với những mùa, những ngày lễ, với những bài
đọc, lời kinh, câu hát đã được ấn định, chính là lời mời gọi các cộng đoàn và
từng người tín hữu ý thức và tích cực sống trong sự hiệp thông với công cuộc
cứu độ Thiên Chúa đang thực hiện giữa cộng đoàn phụng vụ. ■
– Hết –
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét