Trang

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

25-11-2014 : THỨ BA TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN

25/11/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 14, 14-19
"Ðã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã nhìn thấy có đám mây trắng: trên đám mây có ai ngồi giống như Con Người, đầu đội triều thiên bằng vàng và tay cầm liềm sắc bén. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Ðấng ngồi trên đám mây mà rằng: "Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi". Ðấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: "Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi". Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12. 13
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13b).
Xướng: 1) Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở! - Ðáp.
3) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. - Ðáp.
  
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-11
"Không còn hòn đá nào nằn trên hòn đá nào".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thời Gian Chuyển Tiếp
Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.
Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa. Xin cho chúng ta hằng gắn bó với Chúa và sống hết tình con thảo từng giây phút đời sống chúng ta.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev 14:14-19; Lk 21:5-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngày Phán Xét
Một trong những đề tài luôn khích động con người tiên đóan là khi nào Ngày Tận Thế xảy ra và những điềm báo trước về ngày này. Gần chúng ta nhất là biến cố năm 2000: nhiều người tiên đóan là ngày đầu của Năm 2000 sẽ là Ngày Tận Thế! Họ rút tiền khỏi ngân hàng và chuẩn bị sẵn sàng để về với Chúa. Tám năm sắp qua, Ngày đó vẫn chưa tới! Không riêng gì chúng ta ngày nay, Thánh Phaolô và các giáo hữu tiên khởi cũng đã từng tiên đóan và chuẩn bị cho Ngày này trong thời đại của họ. Các Bài đọc hôm nay cũng tập trung vào Ngày Tận Thế và những gì sẽ xảy ra trong Ngày đó. Bài đọc I cho chúng ta biết thứ tự về những gì sẽ xảy ra: Chúa Giêsu sẽ thu thập người lành vào Nước Trời trước khi các thiên thần trừng phạt kẻ dữ. Trong Phúc Âm, khi được hỏi khi nào Ngày Tận Thế sẽ xảy ra và các điềm báo trước, Chúa Giêsu không cho biết ngày giờ, nhưng Ngài cho biết sẽ có các tiên tri giả, những lời đóan mò, và các điềm lạ xảy ra trên trời cũng như dưới đất.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thu thập mùa màng và hình phạt theo sau
1.1/ Con Người thu thập mùa màng trước khi hình phạt theo sau: Hình ảnh thu thập mùa màng được tác giả của Sách Khải Huyền và nhiều tác giả Sách Tin Mừng (Mk 4:29, Mt 25:31) dùng để mô tả những gì sẽ xảy ra trong Ngày Tận Thế. Trong nông nghiệp, mùa màng sẽ được thu vào kho lẫm trước khi cỏ dại và những đồ xấu được thu thập và đốt đi. Cũng vậy, người lành sẽ được thu nhập khỏi mặt đất trước khi kẻ dữ bị tiêu hủy muôn đời. Đấng ngự trên mây là chính Con Người, là Đức Kitô. Người sẽ chủ động trong việc thu thập mùa màng. Liềm sắc bén là khí cụ dùng để gặt hái. Quăng niềm xuống đất là biểu tượng bắt đầu gặt hái mùa màng. Trình thuật không nói rõ ai là những thợ gặt hái. Chỗ khác nói các thiên thần là những thợ gặt hái. Mùa màng đã chín là Ngày Tận Thế đã đến.
1.2/ Hình phạt của Thiên Chúa: sẽ xảy ra sau khi thu thập mùa màng. Tác giả dùng hình ảnh của sự thu thập nho chín ném vào bồn đạp nho để diễn tả sự trừng phạt của Thiên Chúa cho kẻ dữ. Một thiên thần chủ động trong việc phạt con người, chứ không phải là Đức Kitô. Liềm sắc bén cũng để thu cỏ dại hay cắt nho. Mùa nho chín là Ngày của các kẻ dữ đã đến. Bỏ nho vào trong bồn đạp nho là biểu tượng của hình phạt: như nho chín bị nghiền nát trong bồn đạp nho, kẻ dữ cũng chịu chung một số phận tương tự như vậy. Máu của họ đổ ra được so sánh với máu của nho (Gen 49:11). Tác giả gọi hình phạt này là để thỏa “cơn lôi đình của Thiên Chúa.”
2/ Phúc Âm: Ngày của Đấng Thiên Sai đến
Người Do-Thái quan niệm họ đang sống giữa 2 thời đại: thời hiện tại rất xấu xa, không thể chữa trị, và xứng đáng bị tiêu diệt; và thời tương lai huy hòang của Thiên Chúa và sự thống trị của người Do-Thái. Giữa 2 thời này sẽ có Ngày của Đấng Thiên Sai, Ngày mà những sự kinh hòang trong trời đất sẽ xảy ra. Trong Ngày này, trái đất sẽ bị tiêu hủy và các tội nhân sẽ bị tiêu diệt (Isa 13:9, Joel 2:1-2, Amo 5:18-20, Zep 1:14-18). Ngày này sẽ xảy ra bất thình lình như kẻ trộm vào nhà lúc ban đêm (I Thes 5:2, II Pet 3:10). Các ngôi sao và thái dương hệ sẽ không còn chiếu sáng, trái đất sẽ rung chuyển, và cơn giận của Thiên Chúa sẽ tràn xuống con người (Isa 13:10-13, Joel 2:30-31).
2.1/ Tất cả những huy hòang của thế gian là tạm bợ: ngay cả sự huy hòang của Đền Thờ Giêrusalem. Nếu khách hành hương đứng từ Đồi Ôliu nhìn xuống Thành Giêrusalem, Đền Thờ và cảnh huy hòang lộng lẫy của nó là cảnh đầu tiên đập vào mắt khách hành huơng. Ngày nay, tuy Đền Thờ không còn nữa, nhưng vẻ huy hòang của nó vẫn còn sót lại qua những tảng đá khổng lồ và Bức Tường Than Khóc. Vào thời của Chúa Giêsu, Đền Thờ là niềm kiêu hãnh của người Do-Thái; vì thế, không lạ gì khi có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, nhưng Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."
2.2/ Đền Thờ Giêrusalem bị quân đội Rôma phá hủy hòan tòan vào năm 70 AD: Chỉ hơn 30 năm sau, lời tiên tri của Chúa Giêsu về Thành Giêrusalem được ứng nghiệm. Quân đội Rôma đã đem quân vây hãm thành: dân chúng không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống, có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành Giêrusalem đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Sử gia Josephus ước chừng khỏang 1,100,000 người chết trong biến cố này, và 97,000 người khác bị đem đi lưu đày. Nước Do-Thái hòan tòan bị xóa sổ trên bản đồ.
2.3/ Những tiên đóan của Chúa Giêsu về Ngày Tận Thế: Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?" Chúa Giêsu không cho biết bao giờ Ngày Tận Thế sẽ xảy ra, nhưng Ngài liệt kê 2 điều báo trước:
(1) Sẽ có các tiên tri giả và những người đóan mò:
- Những người mạo nhận là Chúa Giêsu đến lần thứ hai: Từ khi Chúa Giêsu lên trời tới giờ, nhiều người mạo nhận là tiên tri từ trời sai tới: Mohamed của Hồi Giáo, Smith của Mormon.
- Những người đóan mò Ngày Tận Thế sắp tới: Thời nào cũng có người đóan mò Ngày này; nổi danh hơn cả là ông Nostradamus. Ngày đầu của Năm 2000 được nhiều người tiên đóan là Ngày Tận Thế, và nhiều người đã chuẩn bị cho ngày này; thế mà chúng ta sắp sửa bước qua năm 2009 rồi, mà chưa thấy gì cả. Chúa Giêsu đã đề phòng: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây," và: "Thời kỳ đã đến gần;" anh em chớ có theo họ.
(2) Những dấu lạ của đất trời:
- Sẽ có chiến tranh và lọan lạc: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi; vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu… Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.” Chiến tranh vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời, ngay cả trong thời đại chúng ta. Điều này chỉ xác nhận con người đang ở giữa 2 thời như người Do-Thái tin tưởng, chúng ta không thể dựa vào chiến tranh để tiên đóan Ngày Thiên Chúa gần đến.
- Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém: Những trận động đất lớn vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; gần chúng ta nhất là trận động đất ở Sichuan, Trung Quốc, 2008, đã cất đi gần 70,000 người. Ngòai ra, các thiên tai như sóng thần, lũ lụt, dịch gà, dịch bò điên, hạn hán là những lý do làm mất mùa, gây đói khát, vẫn xảy ra hàng năm.
- Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện: Đây có lẽ là điềm báo rõ hơn cả vì từ thời Chúa Giêsu về trời đến nay, con người chưa bao giờ được chứng kiến những điềm lạ lớn lao từ trời như các tiên tri loan báo như: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao trong thái dương hệ không còn chiếu sáng. Khi tất cả các điềm lạ trên xảy ra, Ngày Tận Thế sau cùng mới tới.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ngày Phán Xét chắc chắn sẽ xảy ra; sẽ có các điềm lạ xảy ra trên trời và dưới đất báo trước; nhưng còn chắc chắn ngày nào giờ nào, không ai được biết.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP



HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 34
Lc 21,5-11

A. Hạt giống...
Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là : sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.
- các câu 5-6 : Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.
- câu 7 : thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.
- câu 8-11 : Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.

B.... nẩy mầm.
1. Mọi công trình con người xây dựng, dù cho kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Giêrusalem... tất cả đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn” ; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn ? trăng nào không khuyết ? ngày nào mà không có đêm ? yến tiệc nào không có lúc tàn ?”
2. Triết lý Á Đông : “sự vật hễ có hình thì có hoại”.
3. Trong tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa nhắc chúng ta hãy suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người : chết, phán xét, số phận đời đời...
4. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong chuyện dưới đây :
“Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy ?”. Người đánh ngựa đáp : “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”. (Clifton Gadiman).
5. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợn và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao luôn rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó :
- Nếu được sống triền miên trong sự êm ả (Td : sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn…) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. - Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa.  Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra truỵ lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai hoạ để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo hoạ).
- Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không giúp bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó người ta dễ chạy đến với Chúa. - Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, cuộc đời dễ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.
6. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6)
Ồ một chiếc bông hồng vừa hé nở đẹp quá ! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là những vẻ đẹp chóng qua.
Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá huỷ đ. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ, để giữ mãi vẻ đẹp của tâm hồn. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

25/11/14 THỨ BA TUẦN 24 TN
Th. Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,5-11

Suy niệm: Những chuyến bay định mệnh MH370 và MH17 trong năm qua vẫn còn làm thế giới bàng hoàng. Trong số những nạn nhân trên hai chuyến bay ấy, chắc hẳn không mấy người ngờ rằng đó là chuyến bay cuối cùng của đời mình. Mọi sự trên đời này, kể cả sự hiện hữu của chúng ta, tưởng là bền vững mãi mãi nhưng thực ra rất mong manh và mau qua chóng tàn. Lời Chúa trong những ngày cuối năm Phụng vụ nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Đứng trước thành Giê-ru-sa-lem huy hoàng tráng lệ tưởng như sẽ mãi “trơ gan cùng tuế nguyệt”, Chúa Giê-su cảnh báo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết.”
Mời Bạn: Một trong những sai lầm tệ hại nhất đời người là coi những sự tạm thời như những thực tại vĩnh cửu. Ngược lại, nếu biết nhận ra tính cách tạm thời của những sự đời này, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn để hướng về những thực tại bền vững trên trời. Như thế, người Ki-tô hữu không bị mặc cảm lạc lõng như “người ngoài hành tinh” mà họ sống như “sen giữa bùn”, không chỉ không vương mùi bùn mà còn phải toả ngát hương thơm thánh thiện.
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng chia sẻ cách quảng đại để sống siêu thoát đối với những sự chóng qua đời này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.
(Lời nguyện Chúa Nhật tuần 17 TN)



Suy niệm
Đức Giêsu và các môn đệ ở trong Đền thờ Giêrusalem. Đáp lại sự trầm trồ thán phục của các môn đệ về những công trình vĩ đại của Đền thờ, Đức Giêsu tiên báo sự kiện thành sẽ bị tàn phá. Khi ấy, các môn đệ xin Đức Giêsu cho biết rõ khi nào biến cố đó xảy đến và có dấu hiệu nào báo trước, Ngài trả lời bằng diễn từ dài, với một loạt những hình ảnh: các cuộc bách hại, chiến tranh và các tai ương.
Hôm nay, niềm tin Kitô giáo vẫn nhắc tôi về niềm hy vọng cánh chung, mà trên hết và thiết thực nhất là tôi phải sống trọn vẹn hoàn cảnh mà Chúa trao cho tôi ở đây và bây giờ.
Mong sao, niềm tin vào đời sau nhắc nhớ tôi sống thật tốt ở đời này.
Mong sao, khi sống thật tốt hiện tại Chúa ban, tôi biết mình có quyền hy vọng vào ơn cứu độ Chúa ban trong ngày sau hết.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI MỘT
Mái Ấm Đích Thực Của Chúng Ta
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào lòng các ngươi” (Ed 36,27). Khi hai con người, một nam một nữ, tiến tới trước bàn thờ trong tư cách là thừa tác viên của nhau để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội khẩn cầu cùng Đấng Tạo Hóa. Giáo Hội xin Thánh Thần xuống trên hai con người sắp trở thành vợ và chồng và sắp bắt đầu một gia đình mới này. Họ sắp sửa cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau xây dựng cuộc sống chung gia đình.
Mái ấm là nơi mà vợ chồng chung sống, là dấu hiệu bên ngoài của cuộc sống họ. Nhưng đó cũng là một mầu nhiệm thâm sâu mà họ cùng nhau chia sẻ trong lòng. Con người ta không chỉ sống trong một mái ấm, họ còn xây dựng một mái ấm. Và họ xây dựng mái ấm bằng cách sống trong lòng nhau: chồng trong vợ, vợ trong chồng, con cái trong cha mẹ và cha mẹ trong con cái. Và mái nhà của Cha chúng ta trên trời là chỗ trú ngụ đích thực của trái tim con người. Như vậy, chúng ta nhìn thấy nơi mái nhà một phản ảnh mầu nhiệm mà Đức Kitô nói đến trong Căn Gác Thượng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy” (Ga 14,23).
Phụng vụ khơi gợi cho chúng ta hình ảnh tuyệt vời của cộng đồng hôn nhân và đời sống gia đình vốn đã được mô tả trong Thánh Kinh. Chúng ta gặp thấy hình ảnh đó trong Thư Eâphêsô khi Thánh Phao-lô nói về sự kết hợp giữa vợ chồng trong hôn nhân Kitô giáo: “Đây là một mầu nhiệm lớn lao, tôi đang nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32).
Tình yêu của vợ và chồng có mẫu thức của nó nơi tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội và phản ảnh tình yêu ấy cho thế giới. Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã diễn tả đầy đủ nhất về tình yêu này. Người hy sinh chính sự sống của Người vì tình yêu đối với Hiền Thê của người là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần, Đấng mà mỗi người chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, giúp cho những người vợ và chồng có thể yêu nhau với cùng tình yêu hiến thân đó. Thánh Phao-lô dạy những người làm chồng: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, … thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Tình yêu của Đức Kitô là một tình yêu bất diệt, một tình yêu không ngừng trao ban sự sống và đơm bông kết trái. Cũng vậy, các đôi vợ chồng Kitôhữu được gắn kết với nhau trong một sự kết hợp có sức sáng tạo và dưỡng nuôi sự sống mới.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25-11
Thánh Catarina Alexanđria, Trinh nữ tử đạo
Kh 14, 14-19; Lc 21, 5-11.

LỜI SUY NIỆM: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào, trên tảng đá nào”
Đền thờ Giêrusalem, được vua Sa-lô-mon xây dựng bằng đá đẽo toàn khối, Trần Đền thờ và các khung cửa từ nền lên đến trần bằng gỗ bá hương chạm trổ mỹ thuật, gỗ, nền lát ván gỗ trắc, cung thánh cũng toàn gỗ bá hương được chạm trổ không dùng đá, nơi cực thánh dát bằng vàng ròng, bàn thờ bằng gỗ bá hương, tất cả đền thờ đều dát bằng vàng cả trong lẫn ngoài, các tượng bằng gỗ ô-liu. Đền thờ được hoàn thành sau Bảy năm. (x.1V 6,1-38). Trước những chắc chắn, kiên cố và nguy nga lộng lẫy ấy, nhưng Chúa Giêsu tiên báo sẽ đến ngày, sẽ bị đổ tan tành.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi hành viên trong gia đình chúng con, luôn biết nhìn lại chính mình để tu sửa linh hồn và thân xác chúng con bằng những Bí Tích của Chúa ban cho Giáo hội, để chúng con bền vững trong ơn nghĩa với Chúa.
Mạnh Phương


25 Tháng Mười Một
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét