01/10/2015
Thứ năm đầu tháng, tuần
26 thường niên
Thánh Têrêxa Hài Đồng
Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh.
Bổn mạng các xứ truyền
giáo.
Lễ kính.
* Thánh nữ sinh năm 1873 tại A-lăng-xông, nước
Pháp. Người nhập đan viện Cát Minh ở Li-di-ơ, lúc tuổi còn rất trẻ, và nhận tên
là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị đã sống đời khiêm tốn, đơn sơ theo tinh thần Tin
Mừng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa theo “con đường thơ ấu”. Chị cũng đã
dùng lời nói và gương sáng để hướng dẫn các tập sinh trong Dòng. Chị qua đời
ngày 30 tháng 9 năm 1897 trong niềm khao khát được hiến dâng mạng sống để các
linh hồn được ơn cứu độ và Hội Thánh được tăng triển.
Bài
Ðọc I: Is 66, 10-14c
"Ðây
Ta khiến sông bình an chảy vào nó".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Các
ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng
vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để
các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa
vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an
chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi
sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các
ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi.
Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như
hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin
giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng:
1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng
không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2)
Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong
lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3)
Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia:
x. Mt 11, 25
Alleluia,
alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu
nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 18, 1-4
"Nếu
không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất
trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà
phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ,
các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy
là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Sống
Lời Chúa
Qua
phần tìm hiểu sáng hôm nay, tôi muốn nhìn thánh nữ Têrêsa như là một mẫu gương
sống Lời Chúa.
Thực
vậy, trước hết thánh nữ Têrêsa rất yêu mến Kinh Thánh, ngài thường mang Phúc Âm
đêm ngày trên ngực và năng đọc Phúc Âm đến nỗi gần như đã thuộc lòng. Mẹ Agnes
de Jésus kể lại rằng: Ngày 12.9.1897, tức là 18 ngày trước khi qua đời, thánh nữ
xin mẹ đọc cho nghe bài Phúc Âm Chúa nhật. Vì không có sách lễ nên Mẹ bề trên
nói với Têrêsa: Đó là đoạn Phúc Âm Chúa dạy chúng ta không được làm tôi hai chủ.
Bấy giờ thánh nữ bèn bắt chước giọng một em bé bị khảo bài, đã đọc từ đầu đến
cuối đoạn Phúc Âm đó.
Không
những siêng năng đọc Kinh Thánh mà ngài còn cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và nhất
là dùng Kinh Thánh làm đề tài để suy niệm. Một hôm chị Genevière vào phòng
thánh nữ Têrêsa và ngỡ ngàng trước thái độ chăm chú hồi tâm của ngài. Chị thấy
Têrêsa đang may vá nhanh nhẹn mà vẫn như đắm chìm trong một cuộc chiêm niện sâu
xa, nên đã hỏi xem Têrêsa đang suy nghĩ những gì, thì Têrêsa trả lời: Em suy niệm
kinh Lạy Cha. Thật êm ái biết bao khi được gọi Thiên Chúa là cha của mình. Vì
năng suy gẫm Kinh Thánh như vậy, nên ngài đã khám phá ra những ý nghĩa tiềm ẩn
trong Kinh Thánh và biết ứng dụng một cách thật lạ lùng vào đời sống. Trong một
bức thư, thánh nữ đã viết: Chỉ một lời Kinh Thánh mà thôi cũng đã mở ra cho con
những chân trời vô biên.
Đọc
Kinh Thánh, tìm hiểu Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh mà thôi vẫn chưa đủ, điều
quan trọng là Têrêsa đã sống Lời Chúa. Chính ngài đã cho chúng ta biết ngài đã
tìm ra con đường thơ ấu thiêng liêng như thế nào. Ngài luôn nghĩ rằng chỉ trong
Kinh Thánh ngài mới có thể tìm ra điều giúp đỡ ngài thẳng tiến trên con đường
thánh thiện. Ngài mở Kinh Thánh và đọc thấy lời này trong sách Châm Ngôn: Ai thật
bé nhỏ thì hãy đến với Ta. Một trực giác siêu nhiên cho Têrêsa biết là đã tìm
thấy điều mong ước. Một người khác, không phải Têrêsa, có lẽ đã ngừng lại đó,
nhưng Têrêsa chưa lấy làm đủ, ngài muốn biết điều Chúa sẽ làm cho kẻ thật bé nhỏ,
đã đáp lại tiếng Chúa. Têrêsa tiếp tục tìm kiếm và đã gặp trong sách Isaia lời
sau đây: Như một người mẹ nâng niu con mình thế nào, Ta cũng sẽ an ủi con như
thế. Ta sẽ ôm con vào lòng và ru con trên đầu gối. Têrêsa đã thấy được điều muốn
tìm. Nếu dừng lại ở đây, chỉ coi những lời vừa đọc như là những tư tưởng cao đẹp,
thì có lẽ Têrêsa đã không nên thánh. Nhưng Têrêsa quyết tâm sống Lời Chúa, đem
Lời Chúa mới được khám phá thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Với
ơn Chúa soi sáng, với những suy tư và với chính cuộc đời của mình, Têrêsa đã
tìm ra cách sống của những tâm hồn bé nhỏ. Ngài viết: “Ở bé nhỏ là không coi những
nhân đức mình luyện tập được như là của mình. Không nghĩ tự mình có thể làm được
việc gì, nhưng nhận biết rằng Chúa đã đặt kho tàng đó trong bàn tay người con
nhỏ để sử dụng khi cần. Sự thánh thiện không hệ tại làm việc đạo đức nay hay việc
đạo đức kia, nhưng hệ tại ở tâm tình bên trong làm ta trở nên khiêm nhường và
bé nhỏ”. Trong Phúc Âm chính Chúa đã nói: Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ
thì sẽ không được vào Nước Trời. Và: Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ người ấy sẽ
là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Nói đến trẻ nhỏ là chúng ta nghĩ ngay tới một
cái gì đơn sơ và trong trắng, tin yêu và phó thác. Chính vì thế, noi gương
thánh nư, chúng ta hãy siêng năng đọc Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, suy gẫm và
thực thi những điều Chúa truyền dạy, nhất là sống tinh thần ấu thơ trong tin
yêu và phó thác, nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa yêu thương và chúc phúc.
(Gp.longxuyen)
Thứ
Năm sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12
"Thầy
Esdra mở sách luật ra, chúc phúc cho dân và toàn dân đáp lại: Amen! Amen!"
Trích
sách Nơkhemia.
Trong
những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ
xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy
thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những
ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy
đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những
người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.
Thầy
thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công
chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng
lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại:
Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các
thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng
nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa,
và người ta hiểu được điều đã đọc.
Nơkhemia
là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng,
nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa
chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn
dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.
Họ
nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần
cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng
buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta".
Các
Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: "Anh chị em hãy thinh lặng,
vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn". Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống,
gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu
rõ những lời mình nghe giảng dạy.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Giới răn Chúa
chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Xướng:
1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ
dốt. - Ðáp.
2)
Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng
soi con mắt. - Ðáp.
3)
Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực,
công minh hết thảy. - Ðáp.
4)
Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật
chảy tự tàng ong. - Ðáp.
Alleluia:
1 Pr 1, 25
Alleluia,
alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh
em. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 10, 1-12
"Sự
bằng an của các con sẽ đến trên người ấy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi
trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông
rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng
sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con
chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng
chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an
cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con
sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở
lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng
đi nhà này sang nhà nọ.
"Khi
vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn
cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên
Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón
các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các
ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng
các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các
con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Tinh
Thần Nghèo Khó Ðích Thực
Có
một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường
tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải
trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này.
Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho
ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
Nhà
ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà
hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
Theo
nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?
Nhà
hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy lạp mà có lẽ không ai
biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà
vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy.
Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:
Thưa
ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với
của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất
qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ
khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo
được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.
Tin
Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống
nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó;
Ngài đã lớn lên trong khó nghèo; và trong ba năm sống công khai, Ngài đã chọn lựa
nếp sống nghèo khó. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng đã
khuyến dụ các ông hãy sống khó nghèo. Ra đi hai tay không, người ta tiếp đón
thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là
hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài.
Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, những nhà truyền giáo hay
các tu sĩ: nghèo khó là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô. Nghèo khó
là bộ mặt đích thực của các nghĩa tử của Thiên Chúa, họ phải giũ bỏ tất cả để mặc
lấy phẩm giá của những con người được tái sinh.
Trong
thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc
mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải
chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý
tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội? Thực tế, nghèo không
hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giầu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên
mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong
việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học
và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển
hay làm giầu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.
Thế
nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng? Kinh nghiệm cuộc
sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh
phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người.
Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân
cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người
tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy,
có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với
của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những
giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần
nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng
thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.
Hơn
bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của
tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng cậy trông và giữ
bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn
hơn người khác vì được thịnh vượng, giầu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và
bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó
đích thực. Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như
thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 26
TN1, Năm lẻ.
Bài
đọc:
Neh 8:1-4a, 5-6, 7b-12; Lk 10:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhiệt thành với việc
truyền giáo cho dân chúng.
Thánh
Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà chúng ta mừng hôm nay, được Giáo Hội đặt làm quan thầy
của những người truyền giáo; vì chị rất thương yêu và quan tâm đến linh hồn của
những người chưa nhận biết Đức Kitô. Chị ao ước được giống như thánh Phaolô, đi
các nơi để rao giảng Tin Mừng và thiết lập các giáo đoàn; nhưng vì sức khỏe và
khả năng không cho phép, chị nài xin Thiên Chúa chấp nhận tình yêu thương của
chị dành cho những nhà truyền giáo và những người chưa nhận biết Thiên Chúa. Chị
xin dâng mỗi một mũi kim khâu vá của chị để xin Thiên Chúa cứu một linh hồn.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khẩn thiết của Lời Chúa trong việc dạy dỗ
dân chúng biết Thiên Chúa, và trong việc hoán cải lòng dân trở về với Thiên
Chúa. Trong Bài Đọc I, thống đốc Nehemiah và tư tế Ezra, sau khi đã dựng lại Đền
Thờ và xây dựng tường thành chung quanh, đã nghĩ ngay đến việc dạy dỗ Lề Luật
cho dân chúng trong Kinh Thánh. Họ tập họp tất cả con cái Israel lại, những người
có đủ trí khôn để hiểu Lời Chúa, để học hỏi Kinh Thánh suốt từ sáng tới trưa. Hậu
quả là dân chúng nhận ra và khóc than tội lỗi của họ đã phản bội tình yêu Thiên
Chúa dành cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không chỉ sai đi Nhóm Mười Hai, mà
còn sai đi Nhóm Bảy Mươi; để họ chuẩn bị trước cho Chúa Giêsu đến gặp gỡ dân
chúng. Ngài dặn họ đừng để bất cứ điều gì ngăn cản Triều Đại của Thiên Chúa đến
với con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ông đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà, và tất cả các trẻ em đã tới tuổi
khôn.
1.1/
Sự quan trọng của Lời Chúa: Là những nhà lãnh đạo khôn ngoan, Nehemiah và Erza biết điều gì
cần thiết cho dân chúng: Họ không thể sống đúng nếu không biết đúng; để biết
đúng, họ phải học hỏi sự dạy dỗ của Thiên Chúa trong Sách Thánh (Lề Luật). Thói
quen nghe Lời Chúa đã bị mất từ khi con cái Israel bị lưu đày; giờ đây, trong
ngày Lễ Khánh Thành Đền Thờ, họ phải tập luyện lại thói quen này. Vì thế,
"muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước. Họ xin ông Ezra
là kinh sư đem sách Luật Moses ra. Đó là Luật Đức Chúa đã truyền cho Israel.
Hôm
ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ezra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước
mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng
ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và
tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng
tai nghe sách Luật."
1.2/
Các thầy Lêvi giải thích Lề Luật cho dân: Sau khi đã nghe tư tế Ezra long trọng công bố Lời
Chúa và chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng:
"Amen! Amen!" Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Lời Chúa
không phải cứ nghe là hiểu ngay. Để giúp dân chúng hiểu thấu Lời Chúa, các thầy
Lêvi liên tục giải thích Lề Luật cho dân, trong khi dân vẫn đứng tại chỗ. Trình
thuật nói rõ, vì "ông Ezra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách
Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc."
(1)
Dân chúng hối hận và khóc lóc, vì họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Mục đích của
việc rao giảng Kinh Thánh là giúp dân nhận ra hai điều: Thứ nhất, tình thương của
Thiên Chúa dành cho họ. Ngài luôn quan tâm đến cuộc sống của họ, nhất là trong
thời gian lưu đày. Thứ hai, giúp dân nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến
Thiên Chúa và tha nhân; tội lỗi là lý do của việc lưu đày và mọi sự khốn khổ mà
dân phải chịu. Ăn năn thống hối là hậu quả của việc rao giảng Tin Mừng. Nếu
không có ăn năn thống hối, lời rao giảng chưa đạt được mục đích.
(2)
Dân chúng vui mừng và sẵn sàng chia cơm sẻ áo trong ngày thánh hiến Đền Thờ: Việc
ăn năn thống hối dẫn tới việc đền bù các tội lỗi dân chúng đã phạm. Hai tội
chính mà con cái Israel đã làm là quay lưng lại với Thiên Chúa và đối xử bất
công với tha nhân. Sau khi đã nhận ra tội và hòa giải với Thiên Chúa, con cái
Israel cần phải hòa giải tội bất công với nhau bằng cách san sẻ cơm bánh cho những
anh chị em nghèo đói. Ông Ezra khuyên bảo dân chúng: "Anh em hãy về ăn thịt
béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là
ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức
Chúa là thành trì bảo vệ anh em."
2/
Phúc Âm:
Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
2.1/
Hãy làm cho Triều Đại Thiên Chúa mau đến: Ý định muôn đời của Thiên Chúa là làm sao cho mọi
người nhận biết và tin vào Đức Kitô, để được hưởng ơn cứu độ. Ý định này không
thể hoàn tất bởi một mình Đức Kitô; nhưng là do nỗ lực góp phần của tất cả mọi
người. Chính Chúa Giêsu đã chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ
từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.
Nhiệm vụ của các ông cũng giống như Gioan Tẩy Giả, là chuẩn bị tâm hồn con người
sẵn sàng để tiếp rước Đức Kitô.
Trước
khi sai đi, Người dặn dò các ông những điều quan trọng: "Này Thầy sai anh
em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày
dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường." Mục đích chính mà Chúa sai các môn
đệ đi là để rao giảng Tin Mừng, các ông phải loại bỏ tất cả những gì ngăn cản
việc rao giảng Tin Mừng, như các cám dỗ: tìm kiếm lợi nhuận của cải vật chất,
ăn ngon mặc đẹp, ham uy quyền danh vọng, ngay cả việc tán gẫu nhảm.
2.2/
Phản ứng của những người nghe giảng Tin Mừng: Người loan báo Tin Mừng là người
mang bình an cho dân chúng. Chúa Giêsu dặn các môn đệ: Vào bất cứ nhà nào, trước
tiên anh em hãy nói: "Bình an cho nhà này!" Nếu ở đó, có ai đáng hưởng
bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an
đó sẽ trở lại với anh em.
(1)
Những người tiếp nhận: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cả người rao giảng lẫn
người nghe đều có liên hệ hỗ tương với nhau: nhà rao giảng mang Lời Chúa và sự
bình an đến cho dân chúng; để đền bù lại, dân chúng lo sức khỏe cho nhà rao giảng
bằng cách cung cấp lương thực và những nhu cầu vật chất. Mỗi người một phần vụ
giúp cho việc loan truyền Tin Mừng. Vì lý do này mà Chúa dặn các môn đệ: ''Hãy ở
lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ
thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà
được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những
người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần
các ông."''
(2)
Những người từ chối: ''Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón,
thì anh em ra các quảng trường mà nói: "Ngay cả bụi trong thành các ông
dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông
phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần." Thầy nói cho anh em
hay: trong ngày ấy, thành Sodom còn được xử khoan hồng hơn thành đó." Từ
chối nhà rao giảng Tin Mừng là phải lãnh nhận hậu quả nặng hơn hậu quả của dân
thành Sodom. Theo Sáng Thế Ký, thành Sodom đã bị lửa từ trời xuống thiêu rụi
thành tro bụi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta sống đời này không phải để vơ vét của cải để trở nên giầu có; nhưng để
cứu rỗi phần linh hồn của chúng ta và của mọi người qua việc học hỏi và rao
truyền Tin Mừng.
-
Của cải Thiên Chúa ban là để cho mọi người hưởng dùng. Chúng ta đừng đối xử bất
công để dành của cải; nhưng phải sẵn lòng san sẻ cho các anh chị em đang túng
thiếu.
Lm. Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
Mt
18,1-5
1. Ghi nhớ: “ Ai đã tra tay cầm
cây mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với nước Thiên Chúa ” . (Lc
9, 62)
2. Suy Niệm: Hôm nay cùng với
Giáo Hội, chúng ta mừng kính Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Trong ngày lễ mừng
kính vị thánh trẻ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại đoạn Lời Chúa này để thấy được
quyền năng của Thiên Chúa thật lớn lao. Chúa từng chọn những con người nhỏ bé,
kém cỏi để làm những công việc lớn lao. Hầu không ai còn dám tự phụ trước mặt
Chúa. Kẻ được Chúa thương, được vào Nước Trời là những người có tâm hồn “ trẻ
thơ ” , một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn. Vì thế muốn vào Nước Trời ta phải có tâm
hồn như “ trẻ nhỏ ” hoàn toàn phó thác và phụ thuộc gắn bó với Thiên Chúa là
Cha.
3. Sống Lời Chúa: Làm những việc nhỏ
bé với tinh thần yêu thương cao cả.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã chọn thánh Têrêsa một người nhỏ bé và nâng lên bậc đại thánh. Xin cho
chúng con cũng biết sống gắn bó với Chúa, cậy dựa vào Chúa để được sống bên
Chúa. Amen.
Trở
lại và nên như trẻ thơ
Chắc chắn Têrêsa chẳng bao giờ là linh mục, và
cũng chẳng đi Hà Nội. Nhưng lòng ao ước khiến Chị đã thực hiện những điều lớn
lao.
Suy niệm:
“Thầy bảo thật anh em, nếu
anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ,
anh em sẽ chẳng bao giờ được
vào Nước Trời” (c. 3).
Đây là một câu nói long
trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được
vào Nước Trời là phải quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ, sống
theo tinh thần của trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không
phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo,
nhưng là khiêm hạ, tin cậy,
phó thác cho Thiên Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ cho
người lớn, người trưởng thành,
những người đã sống tinh
thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành như
trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ.
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi
của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất trong
Nước Trời ?” (c. 1).
Người lớn nhất chính là
người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở giữa
các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi cho
Chị Têrêsa bí quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường thơ
ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ là
có hy vọng được nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con
đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã thu
hút bao người đi con đường này.
Con đường này thật ra cũng
chẳng phải là đường của Chị
cho bằng là con đường của
bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống cái
đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một cái
thang để lên tới Đức Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không lên
nổi các bậc trọn lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang chính
là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn lên,
ngược lại con phải nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh bằng
những việc hãm mình kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh nho
nhỏ, những từ bỏ ý riêng.
“Ai không có gan đóng đanh
mình bằng những chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng
những chiếc ghim nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của
những việc nhỏ bé được làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới đất
vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một linh
hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của
Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng
gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm
cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa
trong giây phút hiện tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận tâm
về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây phút
một.
Chúa trao cho tôi từng lúc
điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta về
cách cầu nguyện của Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé chưa
biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn sơ
điều tôi muốn nói với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ thơ,
nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền giáo
khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ
học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của Thiên
Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng bao
giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến Chị
đã thực hiện những điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã
tôn Chị làm Tiến Sĩ Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong trung
học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một
vị thánh được yêu thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã trở
lại và trở thành như trẻ thơ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội
Thánh được ví như một thân thể
gồm
nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn
Hội Thánh không thể thiếu
một chi
thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là
Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính
tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu
trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các
tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị
tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối
cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi
của con chính là tình yêu.
Con đã
tìm thấy
chỗ
đứng của con trong Hội Thánh:
nơi
Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như
thế con sẽ là tất cả,
vì tình
yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1
THÁNG MƯỜI
Tình
Yêu Hóa Thành Lương Thực
Thánh
Thể là điểm hẹn đặc biệt để chúng ta gặp gỡ tình yêu của Đức Kitô. Đức Giêsu
nói với các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. (Ga 15,9). Đây
là một tình yêu lạ lùng, một tình yêu tự mở ra cho mỗi người chúng ta. Đây là một
tình yêu chuyển hóa thành của ăn của uống lấp đầy cơn đói khát sự sống thiêng
liêng đích thực. Vâng, chính Đức Giêsu mời gọi chúng ta “uống … rượu của cây
nho” (Mc 14,25).
“Ở
lại” trong Đức Kitô, đó là điều kiện tiên vàn và thiết yếu để trổ sinh hoa quả.
Cũng như Đức Giêsu chỉ sinh hoa kết quả khi Ngài vâng theo ý muốn cứu độ của
Cha, các môn đệ của Ngài chỉ sinh hoa quả khi họ sẵn sàng đón nhận thánh ý
Thiên Chúa và loại trừ tội lỗi ra khỏi đời sống mình.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
01-10
Thánh
Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh
Is
66, 10-14c; Mt 18, 1-5.
LỜI
SUY NIỆM: “
Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì
sẽ chẳng được vào Nước Trời”
Chúng
ta đều biết các trẻ nhỏ, không biết cậy dựa vào chính mình, nó luôn tin tưởng
vào cha mẹ, nó không toan tính vì đã có cha mẹ săn sóc, đùm bọc; nó không cất
giữ, để làm của riêng, vì mọi sự đã có cha mẹ tìm kiếm và quản lý. Nó hạnh phúc
sống no đủ trong tình yêu thương của cha mẹ.
Lạy
Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con chu toàn bổn phận,
luôn biết sống khiêm tốn, hoàn toàn tin vào quyền năng của Chúa; và phó thác mọi
sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
01-10
Thánh
TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊ SU
Đồng
Trinh (1873 - 1897)
Thánh
Têrêxa trong Hài Đồng Giêsu sinh ngày 2 tháng giêng năm 1873 tại Alencon, nước
Pháp. Ngài là con thứ chín của hai ông bà Louis Martin và Xélie Guérin.
Trước
kia hai ông bà đã có ý nguyện dâng mình phục sự Chúa trong tu viện mà không
thành. Bù lại, năm người con còn sống đều đã hiến thân theo đời sống tu trì.
Khi sinh ra Têrexa, mẹ Ngài đã nói: - Tôi chỉ ao ước có nhiều con để dẫn chúng
về trời.
Nhưng
khi mới lên bốn, Têrêxa đã mất mẹ, bà chết vì căn bệnh ung thư. Nhưng được sự dịu
hiền của người cha đã bao bọc thánh nữ suốt quãng thời thơ ấu. Một buổi chiều,
níu tay cha, Têrêxa chỉ nhìn lên trời mà nói: - Cha ơi ! xem kìa, tên con đã được
viết trên trời.
Dù
còn nhỏ từ tuổi lên ba, Ngài nhớ rằng mình đã không từ chối Chúa điều gì. Ngài
đã cố sửa tính cứng dầu, ích kỷ và hay thay đổi. Lúc lên mười, Ngài ngã bệnh nặng.
Nhưng Ngài đã thấy tựơng Đức Trinh Nữ mỉm cười với mình và cơn bệnh biến mất.
Têrêxa
luôn nghĩ tới những sự trên trời, Ngài nói rằng: Chúa Giêsu đã chết trên thánh
giá để cứu rỗi các linh hồn, nhưng thật đáng buồn khi có rất nhiều người không
đáp lại lời mời gọi của Chúa. Bởi thế, thánh nữ đã cầu nguyện và thống hối để
đưa các linh hồn về trời. Có một kẻ cướp tên là Pranzini bị kết án tử hình.
Thánh nữ đã tự ý cầu nguyện cho hắn được ơn hối cải. Ngài còn xin một dấu chỉ
chứng tỏ hắn hối cải. Và rồi, tên cướp đã từng từ chối sự giúp đỡ của linh mục,
lúc lên đoạn đầu đài, bỗng quay nhìn thánh giá và hôn ba lần.
Từ
nhỏ đã quyết nên thánh, Têrêxa muốn được sớm tận hiến cho Chúa. Mười lăm tuổi,
Ngài đã ước ao được gia nhập dòng kín. Không được phép, Ngài hành hương đi Roma
để xin phép Đức giáo hoàng, Đức Leo XIII đã chỉ trả lời: - Nếu Chúa muốn.
Đức
giám mục Bayyeux đã cho phép Ngài vào dòng ngay. Nơi đây đã có ba người chị của
Ngài. Nhận được tên Têrêxa Của Chúa Giêsu Hài Đồng, Ngài thêm và của Thánh
Nhan. Ngày khấn dòng, Ngài cầu nguyện: - Oi Chúa Giêsu, con xin ơn bình an và
tình yêu vô bờ bến. Xin cho con được tử đạo trong lòng hay nơi thân xác, hay tốt
hơn, được tử đạo cả hai.
Chính
nhờ "đường con thơ tin tưởng và phó thác" mà thánh nữ đạt đến tuyệt đỉnh
thánh thiện và hoàn tất ơn gọi sống tình yêu và đau khổ, Ngài đã: - Quyết không
bỏ qua một hy sinh nhỏ bé nào.
Ngài
đã chịu bề trên hiểu lầm và đối xử một cách nghiêm khắc, chịu giá lạnh và hy
sinh liên tục, Ngài bị trách mắng bất công, bị thử thách đủ loại, mà chỉ đáp lại
bằng nụ cười. Người ta chỉ gặp thấy nơi Ngài thứ sánh sáng an bình và không thể
đoán biết nổi những đau khổ mà dường như Ngài muốn dấu cả Chúa nữa:
-
Con cố gắng mỉm cười khi phải đau khổ... để Chúa nhân lành như bị lừa bởi dáng
vẻ bề ngoài, cũng không biết rằng: con phải đau khổ nữa.
Lạnh
lẽo Ngài không chà tay, đau chân Ngài chú ý kẻo chân đi khập khiễng, Ngài âm thầm
thực hiện những việc giúp đỡ phiền hà nhất. Một chị bạn làm bể chiếc bình,
nhưng Ngài bị la rầy mà Ngài vẫn cúi đầu nhận lỗi. Một chị bạn đã găm kim vào
da thịt Ngài khi giúp Ngài đội khăn mà Ngài vẫn cám ơn không hề kêu trách. Một
nữ tu già kỳ chướng cần được sự giúp đỡ, Têrêxa tận tụy phục vụ bà và chỉ mỉm
cười đáp lại những phiền trách của bà.
Người
ta hỏi Ngài:- Chị nói thế nào là ở như một trẻ thơ trước mặt Chúa ?
Ngài
trả lời: - Là khiêm tốn đón chờ mọi sự bởi Chúa nhân lành, như một trẻ thơ chờ
đón tất cả bởi tay cha nó. Mọi sự khác chẳng quan hệ gì.
Thật
viễn vông khi muốn vài chục người chung quanh quí chuộng. Tôi chỉ mong được yêu
thương ở trên trời bởi vì chỉ ở trên đó mới hoàn hảo mà thôi.
Ngài
không đòi được soi sáng nữa, khiêm tốn và phó thác, Ngài tin rằng: - Tôi không
mơ ước được thấy Chúa và các thánh của Ngài như nhiều người khác ao ước được
nhìn thấy và thấu hiểu mọi sự, mà chỉ muốn ở lại trong cuộc sống đức tin.
Giáo
thuyết rất đơn sơ, nhưng sâu sắc của Ngài được nuôi dưỡng không ngừng bằng những
suy ngắm và được trình bày trong cuốn MỘT TÂM HỒN. Chị Ngài, mẹ ANÊ thời đó, đã
truyền cho Ngài viết lại những ý ức này. Sợ rằng việc này "làm phân
tâm", nhưng vì vâng lời Ngài đã thực hiện. Thế là chúng ta có được một sứ
điệp khôn sánh về đức khiêm hạ, sức mạnh tình yêu và phó thác. Con người muốn
bé nhỏ ấy lại có những ước muốn vô cùng. - Con thấy mình có ơn gọi làm chiến
sĩ, làm linh mục, làm tông đồ, làm tiến sĩ và chịu tử đạo.
Và
Ngài lại chỉ thực hiện những hy sinh nhỏ, được biến nên trong sáng bởi tình yêu
đại độ. - Một phương thế để nên trọn lành ư ? Con chỉ biết có tình yêu.
Tháng
6 năm 1894, có triệu chứng đầu tiên thánh nữ bị bệnh lao. Dầy vậy Ngài vẫn tiếp
tục các bổn phận và không tìm cách giảm bớt một công tác nào. Không hiểu biết,
người ta trách Ngài biếng nhác. Hơn nữa, Ngài còn bị thử thách nặng nề trong
tâm hồn. Ngập chìm trong tăm tối, Ngài như bị mất đức tin, nhưng vẫn dũng cảm
trung thành với Chúa. Khi người ta mang đến một ly thuốc đỏ đẹp Ngài nói:
-
Ly thuốc nhỏ này, người ta tưởng là đầy rượu ngon, thực sự chưa bao giờ tôi đã
phải uống một thứ thuốc nào đắng hơn. Đó là hình ảnh đời tôi. Dưới mắt người
khác nó đầy màu sắc vui mắt, người ta tưởng tôi uống một thứ rượu ngon ngọt,
nhưng thực sự nó là thuốc đắng.
Sau
những đau đớn dữ dằn, Ngài nói: Con không hối hận vì đã hiến mình cho tình yêu
Khi
sắp từ trần, Ngài hứa: - Trên trời con sẽ làm mưa hoa hồng xuống.
Ngày
30 tháng 9 năm 1897 Ngài qua đời tại phòng bệnh dòng kín Lisieux. Ngày 17 tháng
5 năm 1925 Ngài được tôn vinh lên hàng các thánh.
(daminhvn.net)
01
Tháng Mười
Chợ Hoa
Trong
những thập niên vừa qua, đã có rất nhiều hội chợ hoa được tổ chức khắp nơi.
Nhưng vĩ đại nhất có lẽ là hội chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo đầu tháng
Tư và kết thúc ngày cuối tháng Chín năm 1990 vừa qua.
Hội
chợ hoa này được tổ chức tại thị xã Tsurumi, một vùng đất đang phát triển theo
kế hoạch xây dựng cho thế kỷ 21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây, 3 triệu
loại hoa và thảo mộc khác nhau trên khắp thế giới đã tề tựu về để khoe sắc
tranh hương chào đón du khách.
Vừa
bước vào trung tâm hội chợ, một bức tường lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực
rỡ đập ngay vào mắt du khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại hoa cần
chăm sóc trong nhà kiếng, cùng với các loại hoa điện tử nhân tạo. Khách được
xem các loại hoa lớn nhất thế giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có thể
say mê với những loại hoa nhân tạo mà hình dạng và màu sắc biến đổi không ngừng,
tạo nên hình ảnh của thế giới thần tiên.
Vắng
người hơn, ở phía đông, là khuôn viên dành cho các loại hoa: tất cả các loại
hoa đều được trồng giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
Giữa
hai khuôn viên là một con sông nhỏ, dưới lòng sông có thiết kế những vòi phun
nước. Nước lên mạnh yếu tùy thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh nổi
tuyệt hảo ở hai bờ sông. Cứ nửa tiếng đồng hồ, có một câu chuyện thần thoại được
dòng sông kể lại bằng hệ thống phun nước, hòa với tiếng nhạc và ánh đèn màu về
đêm, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và thanh bình.
Hoàng
đế Nã Phá Luân của nước Pháp đã có lần phát biểu như sau: "Nơi nào hoa
tàn, nơi đó con người không thể sống...". Ai trong chúng ta cũng yêu hoa,
ai trong chúng ta cũng thích sống với sự hiện diện của hoa. Vui, chúng ta thích
ngắm hoa, buồn, chúng ta cũng thích nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm
với con người... Nhìn hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió mát trên bờ hồ.
Ngắm hoa mai, chúng ta như muốn đi vào mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng
ta như thấy dậy lên những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng, chúng ta
chợt nghĩ đến cảnh đời sớm nở tối tàn...
Tháng
Mười hằng năm, cùng với những cánh hoa dâng lên Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ
là đóa hoa đẹp nhất của vũ trụ. Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được tất cả mọi
hương sắc của thánh thiện...
Mẹ
là đóa hoa luôn gần gũi và cảm thông với chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ
cười của khích lệ, cổ vũ cho chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh mắt cảm
thông, tha thứ về phía chúng ta...
Chạy
đến với Mẹ, chiêm ngắm hương thơm thánh thiện của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến
chúng ta thành những cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm... Giữa sa mạc khô
cằn tình người, xin Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu
thương, bác ái, cảm thông, tha thứ, phục vụ... Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và
hy vọng, xin Mẹ làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó
thác, cậy trông...
Lẽ Sống
*
* *
1. Đường
thiêng liêng thơ ấu
Thánh
trinh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là người đã khởi xướng lên đường thiêng liêng
thơ ấu, nguồn gốc cho nhiều cuộc mạo hiểm thiêng liêng trong thế kỷ XX, bắt đầu
ở nước Pháp và sau ở nhiều nước trên thế giới. Các sách đạo ở Việt Nam thường
nói đến “đường thơ ấu thiêng liêng” (dịch từ tiếng Pháp Voie spirituelle
d’enfance hay voie d’enfance) hoặc nói đến “đường nhỏ” (petite voie). Thật
ra đường thơ ấu thiêng liêng cũng chỉ là một đường thiêng liêng như nhiều đường
thiêng liêng từ thời đầu của Hội Thánh, chỉ khác là có thêm từ "thơ ấu".
Đường
thiêng liêng là
lối sống đạo của Kitô hữu tùy theo mỗi người thuộc nền văn hóa và hoàn cảnh xã
hội khác nhau, ở mỗi thời mỗi nơi khác nhau mà thần học gọi là linh đạo, nghĩa
là đường lối sống đạo theo Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Ngày nay trong Hội Thánh,
thường nhắc đến linh đạo của Thánh Augustinô, của Thánh Bênêđictô, của Thánh
Phanxicô, của Thánh Đôminicô, của Thánh Inhaxiô, của Thánh Boscô, của Thánh
Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhưng riêng đường thiêng liêng của Thánh Têrêxa có tên
là thơ ấu để phân biệt với các đường thiêng liêng khác đã kể
trên.
Thơ
ấu ở
đây không thể hiểu theo giải nghĩa của từ điển là: rất ít tuổi, còn bé dại;
cũng không thể hiểu là đường thiêng liêng cho con nít, mà phải hiểu theo Thánh
Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người đã được Phúc âm của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh
Thần hướng dẫn soi sáng, để suy niệm, sống theo, và dạy cho các tập sinh trong
Dòng Kín ở Li-xi-ơ sống theo.
Như
vậy đường thiêng liêng thơ ấu có nghĩa là linh đạo, là
lối sống theo Chúa Thánh Thần “thổi hơi và gợi hứng” cho mỗi người, và mỗi
người đón nhận hơi thổi và gợi hứng của Người để sống theo Phúc âm Chúa Kitô.
Linh đạo này bao gồm ba việc chính là: lắng nghe Lời Chúa, cách
kết thân với Chúa, và sống theo Hội Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên
mỗi Kitô hữu còn thuộc về một dân tộc có nền văn hóa riêng, còn sống trong những
hoàn cảnh khác nhau tùy thời tùy nơi, nên cần phải biết hội nhập và thích ứng
cho phù hợp. Còn “thơ ấu”, như đã nói ở trên, không có nghĩa là con nít, còn ít
tuổi, còn bé dại mà phải hiểu đường thơ ấu của chị như chính chị đã gọi là “con
đường nhỏ” hoặc “giáo thuyết bé nhỏ”. Thực ra trong các thủ bản chị
không dùng “đời thiêng liêng thơ ấu”. Vì thế vào hai năm cuối đời, chị đã vâng
lời Bề trên Dòng để viết ba tập thủ bản A, B, C, sau được đúc kết thành Truyện
Một Tâm Hồn (TMTH), trong đó chị đã trình bày những yếu tố chính: trước hết là
lòng nhân từ thương xót của Cha trên trời; sau là chính bản thân và gia cảnh của
chị, bối cảnh của tu viện, hoàn cảnh xã hội đương thời, tất cả đã góp phần giúp
chị hình thành đường thiêng liêng thơ ấu của chị. Ta sẽ cùng nhau khám phá đời
sống và giáo thuyết nhỏ của chị.
2. “Em
chỉ là một cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối” (xem TMTH trang
388) .
Để
khám phá đời sống và đường thiêng liêng thơ ấu của chị, chúng ta rất may mắn có
những tài liệu do chính tay chị viết để lưu lại cho nhà dòng, theo lệnh các Bề
trên Dòng là chị ruột của chị. Đầu tiên Bề trên bảo chị tóm tắt cuộc đời thơ ấu
(Thủ bản A), sau đó xin chị viết thêm về đời tu trong dòng (Thủ bản C), cuối
cùng chị viết bổ túc để trình bày “giáo thuyết nhỏ” tức là đường thiêng liêng
thơ ấu (Thủ bản B). Chị viết vào hai năm cuối cùng, khi bệnh tật, trước khi qua
đời vào năm 24 tuổi. Chị viết vì vâng lời Bề trên chứ không để phổ biến cho mọi
người nên chị trình bày rất chân thành, hồn nhiên. Cũng nên nhớ chị còn là một
nhà thơ đã có hơn 50 bài thơ đạo.
Cuộc
đời chị.
Têrêxa là con gái út của gia đình ông bà Lu-y Mac-ti-nô, sinh ngày 2-1-1873 tại
A-lăng-xông thuộc nước Pháp. Gia đình có 9 người con, hai trai bảy gái. Hai con
trai dã theo hai chị về trời lúc còn non yếu. Còn lại là năm chị em gái lần lượt
đều dâng mình cho Chúa trong các dòng. Chưa đầy 4 tuổi chị đã mồ côi mẹ. 8 tuổi
phải đi học nội trú ở trường Li-xi-ơ. 10 tuổi bị bệnh nặng suýt chết. 11 tuổi
được rước lễ lần đầu và thêm sức. 13 tuổi mắc bệnh bối rối về vấn đề đức khiết
tịnh. 14 tuổi trải nghiệm đầu tiên về tội nhân cứng lòng không hối cải. 14 tuổi
quyết định xin được đặc ân vào tu Dòng Kín sớm hơn luật định (đáng lẽ là 21 tuổi).
15 tuổi được nhận vào dòng kín Li-xi-ơ với tên Têrêxa Hài đồng Giêsu và Thánh
Nhan. 17 tuổi tuyên khấn và đội lúp. 21 tuổi, ba của chị qua đời. 23 tuổi được
làm tập sư coi tập sinh và được lệnh bề trên viết tự thuật, cuối năm 23 tuổi gặp
thử thách rất nặng là bị thổ huyết vào thứ 6 Tuần Thánh tháng 3-1896. Rồi chị
có ý thức là mình được ngồi bàn của những người tội lỗi với Chúa Giêsu, cũng ý
thức mình có ơn gọi truyền giáo và ước ao truyền giáo. 24 tuổi sống những ngày
cuối đời trong bệnh tật gây đau đớn hơn cũng như trong các cám dỗ về đức tin mạnh
mẽ hơn. Cuối cùng sau cơn hấp hối kéo dài, chị qua đời ngày 8-7-1879.
Qua
tự thuật của chị, ta thấy từ chỗ là con gái út trong gia đình đông con, vóc
dáng thấp nhưng xinh đẹp, sức khỏe mong manh, tính tình tế nhị, bốn tuổi
đã mồ côi mẹ, lớn lên đi học nội trú, gặp bệnh nặng suýt chết, bối rối kéo dài
khi dậy thì, biết có những người tội lỗi cứng lòng không trở lại, muốn vào Dòng
Kín mà chưa đủ tuổi, làm tập sư (coi tập sinh) chưa có nhiều kinh nghiệm vì quá
trẻ, mắc bệnh ho lao thổ huyết phải liệt giường và trải qua cơn hấp hối lâu dài
… tất cả không thể không làm chị phải mặc cảm tự ti như chính chị đã thú nhận:
“em chỉ là cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối” . Tuy nhiên, chị không hề
nản chí thất vọng nhưng ý thức “tất cả là hồng ân" của lòng
Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, và suy nghĩ cố gắng đáp lại tình yêu Chúa bằng
đường thiêng liêng thơ ấu của chị.
3. Để
lên trời chị đã chọn con đường bé nhỏ là tin cậy phó thác cho Chúa như trẻ thơ (xem TMTH
trang 413,365,369,71).
Ý
thức mình chỉ là cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối, phải trải qua
bệnh tật và cám dỗ nặng nề, đáng lẽ chị phải mặc cảm tự ti, nản chí thất vọng.
Nhưng trong suốt cuộc đời, chị lại cảm nghiệm được tình yêu nhân từ và thương
xót của Chúa và Đức Maria, chị cũng nhờ ảnh hưởng lòng đạo đức của gia đình, chị
đón nhận tất cả với trái tim tràn ngập biết ơn và yêu mến, bởi vì “ tất cả là hồng
ân” (TMTH trang 366), nên chị quyết tâm nên thánh.
Từ
3 tuổi chị đã nhất định không từ chối Chúa điều gì – khi so sánh mình với các
thánh chị thấy các ngài như núi mà chị như hạt cát – Chị biết Chúa nhân lành
không bao giờ gợi lên trong chị những gì chị không thể làm được, và Người có thể
dùng sự bé nhỏ yếu đuối để làm chị trở nên một vị thánh. Vì thế chị vui vẻ chấp
nhận thân phận hạt cát và suy nghĩ: "tìm kiếm một con đường thẳng và ngắn
nhất, cũng như hoàn hảo nhất để nên thánh (TMTH trang 413). Chị mở Kinh
Thánh và thấy trong Phúc âm thánh Mát-thêu Chúa Giêsu nói với các tông đồ:
"Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước
Trời" (Mt 18, 3). Lời Chúa nói đây là nói cho tất cả mọi người lớn
nhỏ. Nên chị nghĩ rằng việc của chị là phải làm sao cứ mãi mãi như trẻ nhỏ , dù
lúc này chị đã là nữ tu 23 tuổi. Chị tưởng tượng ra cảnh một em bé chưa biết đi
muốn lên với mẹ đang ở trên đầu thang. Em cố gắng nhấc chân lên bậc thang
thứ nhất nhưng lần nào cũng té xuống không lên được. Thấy vậy cuối cùng mẹ em
bước xuống bồng em lên với mẹ trên tay… Chị giải thích rằng Chúa như người cha
nhân từ toàn năng và hay thương xót , Người mời gọi và thúc đẩy ta nên thánh,
dù biết ta yếu đuối. Nếu ta có thiện chí cố gắng tin cậy và phó thác hoàn toàn
cho Người để cứ leo lên, thế nào Người cũng sẽ mau mắn cứu giúp (TMTH –
trang 414).ọ: "lòng tin của con đã chữa con “ (Mt 9,22) “anh tin thế nào
thì được như vậy“ (Mt 10,29), “ lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ
được như vậy “ (Mt 15,28) … dường như Chúa muốn thi hành quyền năng của Người
tùy lòng tin cậy phó thác của ta đối với Người ( TMTH 369,371,372). Và chị đã
khám phá ra “cách trở nên trẻ em” là cách sống bé nhỏ như trẻ thơ, đó là luôn
có lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa. Chị coi đó là cái thang
máy đem chị lên với Chúa mà "thang máy đó chính là cánh tay của Chúa
Giêsu" (TMTH trang 414).
Tại
sao như vậy ? Chị thấy rằng tin cậy và phó thác hoàn toàn cho Chúa
là dấu hiệu cốt yếu nhất của t́nh yêu đích thực. Nếu hai người yêu nhau mà còn
nghi ngờ, sợ hãi nhau thì chưa phải là yêu. Chúa đã yêu con người hết mình và
vô điều kiện thì con người phải yêu Chúa với tình yêu cũng hết mình và vô điều
kiện. "Lấy tình yêu đáp lại tình yêu" (TMTH trang 372). Chị đã
tìm thấy trong thư 1.Cor.13,31 thánh Phaolô nói đến con đường trổi vượt hơn cả
đó là đức ái, hiểu theo nghĩa là tình yêu đối với Chúa. Chị suy nghĩ thêm rằng:
Tình yêu đối với Chúa bao gồm mọi ơn gọi, không có tình yêu ấy thì các tông đồ
chẳng còn rao giảng Phúc âm nữa, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu mình ra (TMTH
trang 386). Tình yêu đòi lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa cả xác hồn chứ
không phải cách trừu tượng và phải được biểu lộ cụ thể trong cách kết thân với
Chúa là cầu nguyện mà chị coi là "vũ khí có sức mạnh vô địch “ Chúa ban
cho chị (TMTH trang 476). Đồng thời tình yêu cũng đòi hỏi phải thể hiện trong
hành động (TMTH trang 455). Cho nên chị cố gắng chu toàn những việc nhỏ mọn
trong bổn phận hằng ngày bằng một tình yêu hết mình. Trong tu viện chị chỉ có
những việc như may giặt, quét nhà , làm cỏ, dọn bàn ăn, múc nước, dọn
phòng thánh, dạy các tập sinh, viết tự thuật, chịu đau khổ vì bệnh tật, cám dỗ
về đức tin... Do đó khi chị may giặt, quét nhà , làm cỏ, dọn bàn ăn ...chịu bệnh
tật, cám dỗ…chị sẽ yêu bằng một tình yêu phi thường, vì chỉ có tình yêu mới
quan trọng, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi “ Chị yêu đến chết vì yêu “ ( TMTH
trang 429) .
4. Ba
ham mê của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Ý
thức mình chỉ là cô bé không đủ sức làm việc và yếu đuối, và cũng ý thức mình
được Chúa mời gọi để về trời bằng con đường nhỏ bé, đó là sống hoàn toàn tin cậy
và phó thác cho Chúa như trẻ thơ. Tuy chỉ là một nữ tu ẩn mình trong những bức
tường của Dòng Kín, thế mà chị luôn hướng cuộc đời tới Chúa, tới cánh đồng truyền
giáo trên thế giới, trong đó có các linh mục, có biết bao người chưa biết Chúa,
biết bao người tội lỗi. Vì thế chị đã không chỉ lo về trời một mình, nhưng chọn
thể hiện con đường nhỏ bé của chị trong ba ham mê lớn: đó là cầu nguyện cho các
linh mục, cầu nguyện cho các người tội lỗi, và làm việc truyền giáo.
4.1
“Em say mê cầu nguyện cho các linh mục lẽ ra phải trong sáng như pha lê”
(TMTH trang 240).
Chị
đã có dịp gặp nhiều linh mục thánh thiện và chị nghĩ rằng “Nếu phẩm chức cao vời
của các ngài nâng cao các ngài lên trên các thiên thần thì các ngài cũng còn là
những con người yếu đuối mỏng manh... Nếu các linh mục thánh thiện mà
trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã gọi là “muối của trần gian” chứng tỏ bằng hành vi của
các ngài còn hết sức cần đến những lời cầu nguyện, thì phải nói gì về những
linh mục nguội lạnh? Chúa Giêsu đã chẳng nói thêm “Nếu muối đã ra lạt thì lấy
gì ướp cho nó mặn lại được” (Mt 5,13) . Chị ý thức rằng: “mục đích duy nhất của
các kinh nguyện và hy sinh của ơn gọi Cát Minh là làm tông đồ cho các tông đồ”
(TMTH trang 241). Và trong thư gởi Mẹ Bề trên, chị viết: “Chúng ta đặc biệt phải
cứu rỗi các linh hồn của các linh mục, các linh mục này lẽ ra phải trong sáng
hơn pha lê”. Vì thế chị đã nhận “một em trai đầu lòng” là linh mục Maurice
Barthélémy Bellière đi truyền giáo bên Alger, Phi Châu (TMTH trang 495), và em
trai thứ 2 là cha Adolphe Roulland đi truyền giáo bên Trung Hoa (TMTH trang
500).
4.2 Em
cháy bỏng niềm ao ước muốn giải thoát các linh hồn trong tội (TMTH
trang 200)
Ngay
từ khi được 14 tuổi. chưa đi tu, khi chị hay tin có anh Henri Pranzini 31 tuổi
đã giết 2 phụ nữ và một bé gái để cướp của, anh bị kết án tử hình, nhưng anh nhất
định không xưng tội và tỏ dấu hối cải nào. Chị biết mình chẳng làm gì được,
nhưng cậy nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu và công phúc của Hội Thánh, chị còn
xin lễ cho anh. Thế rồi vào giờ chót trước khi lên máy chém, khi linh mục đưa
thánh giá cho anh, anh đã cầm lấy và hôn ba lần (THTM trang 201 -202). Sau khi
vào dòng, chị có thêm nỗi lo là số phận của bao người tội lỗi, vô thần, duy vật…
Chị phải tham dự vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu và Hội Thánh, chị say mê
cầu nguyện rằng: “ Xin Chúa cho con được nghiền nát vì cảm thương các tội nhân,
vì các linh hồn chung quanh con”. Chị gọi những người tội lỗi là “ anh chị em tội
lỗi của Giêsu”, và chị cũng gọi họ là” anh chị em của chị” và xin Chúa “tha thứ
cho các anh chị em của chị” .Chị chấp nhận "ăn bánh đau khổ và hoàn toàn
không muốn rời khỏi bàn ăn cay đắng nơi những người tội lỗi đáng thương ngồi
ăn" (TMTH trang 422- 423) , như Chúa Giêsu xưa đã ngồi cùng bàn với người
thu thuế và tội lỗi (Mt 9,10). Đến cuối đời khi đang hấp hối, chị nhìn sang Mẹ
Bề trên và nói “chén đắng đã đầy miệng rồi. Không bao giờ con dám tưởng mình có
thể chịu đau khổ tới mức này… con chỉ có thể hiểu rằng con chịu được là bởi
lòng con rất thiết tha với phần rỗi các linh hồn”.
4.3 Em
có ơn gọi làm tông đồ. Em muốn làm nhà truyền giáo.
Cầu
nguyện cho các linh mục, cho người tội lỗi, chị còn rất thiết tha với
việc làm tông đồ: “Em cảm thấy muốn làm chiến binh, linh mục, tông đồ, tiến
sĩ, tử đạo... muốn thực hiện mọi công trình anh hùng nhất (TMTH trang 381)...
“Em muốn đi khắp mặt đất, rao giảng danh Chúa Giêsu và trồng cây thập giá vinh
hiển của Người trên mãnh đất vô đạo, đồng thời em muốn loan báo Phúc âm trên khắp
Năm Châu cho tới tận những hải đảo xa xôi nhất... Em muốn là nhà truyền
giáokhông phải chỉ trong vài năm, nhưng em muốn là như vậy từ khi có vũ trụ
này cho đến tận thế... Em muốn đổ cho tới giọt máu cuối cùng vì Người” (TMTH
trang 382). Về cuối đời chị phải vâng lời nữ tu coi sóc chị đi bộ mỗi ngày 15
phút. Thấy chị đi lại quá mệt nhọc, có một chị khuyên: chị nên về nằm nghỉ thì
hơn. Chị đáp lại: đúng thế. Nhưng chị có biết em lấy sức mạnh ở đâu mà đi được
như vậy không?. Em đi để cầu nguyện cho một xứ truyền giáo, với ý nghĩ rằng ở
nơi xa xăm đó có vị truyền giáo có lẽ đang kiệt sức vì miệt mài lo mở mang Nước
Chúa, em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để cho vị tông đồ ấy đỡ
mệt mỏi”...
5. ĐỂ
KẾT.
Trước
tiên là trình bày ý kiến của các vị chủ chăn trong Hội Thánh về Thánh nữ Têrêsa
và đường thiêng liêng thơ ấu của chị. Sau sẽ bàn về đường thiêng liêng thơ ấu
và và việc Tân Phúc Âm hóa.
5.1. ý
kiến của các vị chủ chăn trong Hội Thánh.
- Đức
giáo hoàng Piô XI. Khi phong thánh cho thánh nữ Têrêxa năm 1925 đã nói:
"Vị Thánh Têrêxa mới đã thấm nhuần đạo lý Phúc Âm và đã thực hành đạo lý ấy
trong đời sống hằng ngày của chị. Hơn nữa, bằng lời nói và gương sáng chị đã dạy
con đường thiêng liêng thơ ấu cho các tập sinh trong tu viện, và đã trình bày
cho mọi người bằng các tập viết được phổ biến trên khắp thế giới... theo lời chứng
của vị tiền nhiệm của chúng tội là đức thánh cha Bênêdictô XV, chị đã học được
một khoa học tuyệt vời về những điều siêu nhiệm khiến chị có thể vạch ra cho
người khác một con đường cứu rỗi chắc chắn". Hai năm sau, chị được ngài
tôn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo (1927).
- Đức
thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tấn phong Thánh Têrêsa làm Tiến
sĩ Hội Thánh trẻ nhất, mới 24 tuổi, trong số 33 thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Khi
tuyên phong năm 1997 ngài đã nói "lý do trước tiên thánh nữ là một phụ nữ,
rồi là một vị thánh rất trẻ đã sống hầu như cùng thời với chúng ta, và có một ảnh
hưởng đối với quần chúng hôm nay". Thánh nữ không hề cắp sách đến Đại học,
không hề dự khóa thần học quy củ nào cũng chẳng có bằng cấp gì.
-Đức
giáo hoàng Bênêdictô XVI, khi còn làm hồng y đứng đầu Bộ Giáo lỹ Đức
tin, nhân dịp phong Tiến sĩ cho thánh Têrêxa có nói:"Đối với danh hiệu
tiến sĩ Hội Thánh tôi nghĩ cần hai tiêu chuẩn cơ bản: sự tỏa sáng thiêng liêng
trên khắp thế giới, và chiều sâu giáo thuyết. Chắc chắn thánh nữ Têrêxa đáp ứng
đủ hai tiêu chuẩn này".
Cũng
nên nhớ đức đương kim giáo hoàng Phanxicô đã phong chân phước cho ông bà Lu-y
Mac-ti-nô, cha mẹ của thánh nữ, vào ngày 19-8-2008 tại Li-xi-ơ.
5.2 Đường
thiêng liêng thơ ấu với Tân phúc âm hóa.
Toàn
Hội thánh đang tiến hành công cuộc Tân phúc âm hóa nghĩa là lấy nhiệt tình mới
để vận dụng Phúc âm một cách mới mẻ, phù hợp hơn với con người và xã hội thời
nay, những con người đang bị lôi cuốn theo dòng chảy của tục hóa, của vô thần,
duy vật, của hưởng thụ, vô cảm... muốn gạt bỏ Thiên Chúa và tình yêu thương của
Người; đang gây ra nhiều hậu quả tang thương cho cả thế giới loài người. Thiên
Chúa là tình yêu đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người để họ biết
yêu Chúa, yêu nhau, sống hạnh phúc với nhau như trong địa đàng. Nhưng ông
A-dong và bà E-và, nguyên tổ loài người, đã không muốn vâng phục Chúa, không muốn
kết thân với Chúa, khiến cả thế giới loài người trở thành địa ngục trần
gian.Tuy nhiên,vì Thiên Chúa luôn yêu thương đã cử Chúa Giêsu xuống trần gian để
cứu rỗi loài người bằng con đường vâng phục, hạ mình xuống vác khổ giá và chịu
chết, để chứng tỏ tình yêu vô biên và trung tín. Đó chính là Phúc âm của Chúa
Giêsu, Phúc âm đã kêu gọi mọi người muốn được hạnh phúc trong Nước Chúa thì phải
trở nên như trẻ thơ. Trẻ thơ cốt tại lòng tin cậy và phó thác hết mình cho
Chúa.
Như
vậy đường thiêng liêng thơ ấu của thánh nữ Têrêxa là con đường nhỏ, là một cách
hữu hiệu và phù hợp nhất để Phúc âm hóa con người và xã hội ngày nay, chắc chắn
giúp họ thoát khỏi cảnh một thế giới hỗn loạn vô chủ, và sống với nhau theo luật
rừng vì không có Chúa... Thánh nữ Têrêxa đã nghe Lời Chúa, chọn con đường
thiêng liêng thơ ấu, để ham mê sống kết thân với Chúa bằng tin cậy, yêu mến,
phó thác hoàn toàn cho Chúa, để cầu nguyện cho các linh mục, cầu nguyện cho mọi
người tội lỗi, cầu nguyện cho việc Phúc âm hóa. Chị đã hứa: “khi về trời sẽ làm
mưa hoa hồng xuống trần gian”. Hoa hồng đây là những ân sủng Chúa ban cho những
ai thực hành con đường thiêng liêng thơ ấu với lòng yêu mến và hy sinh. Còn
Kitô hữu chúng ta đang đi theo con đường thiêng liêng nào? Có ham mê trở thành
đèn sáng, nên muối mặn để phục vụ nhân loại không (Mt 20, 28), hay chỉ ham mê
trở thành “ông vua nhỏ” trong giáo phận, trong giáo xứ, trong gia đình, trong
xã hội để cai trị (Mt 20, 25).
Xin
mượn một đoạn thơ bốn câu trong bài thơ “Bài ca hôm nay của em” của Thánh
Têrêxa để kết thúc bài này:
Đời
em như gió thoảng
Đời
em tựa mây bay
Có chi mà lo lắng,
Yêu Chúa trọn hôm nay.
(Bản dịch sang thơ Việt của nhà thơ Sảng Đình, cha
J.M.Thích).
Lạy thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, xin mưa hoa hồng xuống
trần gian, xin cầu cho chúng con. Amen.
Linh
mục Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần Thơ
Lễ Thánh Têrêxa
2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét