Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

26-09-2015 : THỨ BẢY TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN

26/09/2015
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 25 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 2, 1-5. 10-11a
"Này đây Ta đến và ngự giữa ngươi".
Trích sách Tiên tri Dacaria.
Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: "Ông đi đâu?" Người ấy đáp: "Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu". Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: "Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: "Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó". Chúa lại phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13
Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).
Xướng: 1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel sẽ quy tụ nó lại, và sẽ giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. - Ðáp.
2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Ðáp.
3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng thành niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. - Ðáp.

Alleluia: Tv 114, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 44b-45
"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chấp Nhận Khổ Ðau
Có hai người đang bị dằn vặt với nỗi khổ đau của mình. Họ tìm đến với một vị ẩn sĩ để xin ý kiến. Vị ẩn sĩ này giới thiệu họ đến gặp một vị ẩn sĩ khác. Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, ông trả lời: "Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu". Hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.
Giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình yêu Chúa.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 25 TN1
Bài đọc: Zec 2:5-9, 14-15a; Lk 9:43b-45

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời mình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta sẽ biết thế nào là sống nhờ hy vọng: nước mất, nhà tan, tù đày mà không biết có ngày được thả, vượt biển mà biết có thể chết bỏ mình trên biển khơi, những ngày khổ cực trong các trại tị nạn mà không biết bao giờ mới được định cư, khi đã được định cư lại bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Chúng ta chấp nhận tất cả với hy vọng cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi đã vượt qua tất cả những gian khổ này. Giờ đây, ngồi suy xét lại, chúng ta nhận ra: quả thật, thành công trong cuộc đời chỉ dành cho những ai biết kiên trì vượt qua mọi gian khổ.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người hãy can đảm đương đầu với gian khổ và tìm cách khắc phục chúng. Trong Bài Đọc I, con cái Israel không có can đảm xây dựng lại Đền Thờ ngay sau khi hồi hương, vì họ còn phải đương đầu với biết bao gian khổ của cuộc sống để làm lại từ đầu. Tiên-tri Zechariah khuyến khích họ hãy mạnh dạn vượt qua gian khổ để xây dựng lại Đền Thờ để Thiên Chúa ở giữa họ; và hãy hy vọng vào những huy hoàng của thành thánh Jerusalem trong tương lai. Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ không dám hỏi lại Chúa Giêsu về lời báo trước Cuộc Thương Khó, vì các ông sợ và không dám đương đầu với gian khổ. Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về sự phục sinh vinh hiển trong tương lai.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến của tiên-tri Zechariah về Jerusalem

Lịch sử đàng sau thị kiến của tiên-tri Zechariah là thời gian sau Thời Lưu Đày, việc tái thiết Đền Thờ, và xây dựng lại quê hương. Giống như tiên-tri Haggai, Zechariah nhận ra sự quan trọng của việc tái thiết Đền Thờ Tại Jerusalem: Con cái Israel không thể sống mà không có Đền Thờ, vì đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với họ, như Ngài đã hứa từ thời Xuất Hành. Lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân được tiếp tục thi hành, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời.

1.1/ Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn: Vào năm 587 BC, Jerusalem đã bị quân thù san phẳng: từ tường thành vây quanh tới chính Đền Thờ. Khi con cái Israel được các vua Ba-tư cho về hồi hương để tái thiết Đền Thờ, họ cảm thấy ngao ngán vì công trình đòi hỏi nhiều thời gian và hy sinh; trong khi họ chưa ổn định cuộc sống. Thị kiến của tiên-tri Zechariah hôm nay có mục đích cung cấp cho con cái Israel có hy vọng và nghị lực để xây dựng Đền Thờ: Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn.
Zechariah tường thuật: "Tôi lại ngước mắt nhìn và thấy một thị kiến. Đây, có một người, tay cầm dây đo. Tôi hỏi người ấy: "Ông đi đâu?" Người ấy trả lời: "Đi đo Jerusalem xem thành ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu." Và đây, vị thần sứ từng nói với tôi tiến ra và một thần sứ khác tiến lại đón vị thần sứ ấy. Vị trước bảo vị sau: "Hãy chạy đi nói với người thanh niên kia rằng: Jerusalem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó.""

1.2/ Chính Thiên Chúa sẽ ở giữa và bảo vệ Jerusalem: Tường thành rất quan trọng cho thành thánh Jerusalem và Đền Thờ, vì nó ngăn cản sự xâm nhập của quân thù chung quanh. Còn tường thành là có an ninh; khi tường thành bị sụp đổ, thành và Đền Thờ cũng bị sụp đổ theo. Người Do-thái không chỉ xây dựng lại Đền Thờ, họ còn phải xây dựng cả tường thành chung quanh để bảo đảm an ninh cho Đền Thờ và dân chúng sống trong thành.
Tiên-tri Zechariah liên tưởng đến sự bảo vệ của Thiên Chúa trong biến cố Xuất Hành qua cột mây và cột lửa. Ông nói cho dân ý muốn của Thiên Chúa: "Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó."

1.3/ Dân tộc trên khắp địa cầu sẽ tuôn về Jerusalem: Cho tới thời gian sau Lưu Đày, Jerusalem vẫn được coi hoàn toàn là của dân tộc Do-thái. Nhiều sấm ngôn của các tiên-tri trước và sau lưu đày nói về sự bành trướng của Jerusalem tới các Dân Ngoại; chứ không còn giới hạn cho người Do-thái nữa. Sấm ngôn của tiên tri Zechariah là một ví dụ điển hình, khi ông nói: "Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi." Jerusalem là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với con người. Dân Ngoại tuôn đến Jerusalem, vì họ cùng tin tưởng vào Thiên Chúa của dân tộc Do-thái.

2/ Phúc Âm: Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.

Trình thuật ngắn của Luca hôm nay là lần báo Cuộc Thương Khó thứ hai của Chúa Giêsu cho các môn đệ sau khi Ngài Biến Hình trên núi và chữa một cậu bé bị quỉ ám mà các môn đệ không chữa nổi.

2.1/ Chúa Giêsu phải chịu đau khổ: Sau khi đã trục xuất quỉ khỏi cậu bé, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang và uy quyền của Ngài là để cho các môn đệ có nghị lực để vượt qua gian khổ trong Cuộc Thương Khó sắp tới. Chúa lo lắng cho các ông, vì Chúa biết nếu không có hy vọng nâng đỡ, các ông sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi nhìn thấy Chúa phải trải qua các gian khổ của Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài trên Thập Giá.

2.2/ Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ.
(1) Các môn đệ không hiểu lời Chúa Giêsu nói: "Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa." Các môn đệ cũng giống như nhiều người chúng ta không hiểu: Tại sao một Thiên Chúa vinh quang, có uy quyền trên cả quỉ thần và mọi bệnh tật, không chọn con đường mà họ đang mong muốn là dùng uy quyền và sức mạnh; mà lại chọn con đường gian khổ để cứu chuộc con người!
(2) Các môn đệ không dám hỏi lại Người về lời ấy: Các ông không dám hỏi vì các ông sợ phải đương đầu với sự thật mà các ông không muốn chấp nhận. Các ông muốn Chúa Giêsu theo sự khôn ngoan và cách thức cứu độ của các ông; chứ các ông không muốn theo sự khôn ngoan và đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được dẫn chứng bằng thái độ của Phêrô, khi ông dẫn Chúa Giêsu ra một nơi và khuyên Chúa: "Chớ gì những sự đó đừng xảy ra cho Thầy" (Mt 16:22).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức Kitô muốn chúng ta phải bỏ ý riêng mình và đi qua con đường đau khổ thì mới xứng đáng trở thành những môn đệ của Ngài.
- Chúng ta phải kiên nhẫn vượt gian khổ hiện tại, thì mới xứng đáng hưởng được vinh quang mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta sau này.
- Gian khổ chúng ta đang chịu đựng bây giờ không thể sánh được với vinh quang mà Đức Kitô đã mưu cầu cho chúng ta. Vì thế, hãy xin Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ trong cuộc đời. 
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


26/09/15        THỨ BẢY TUẦN 26 TN
Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo Lc 9,43b-45
NỘP MÌNH
“Con Người sắp bị nộp mình vào tay người đời.” (Lc 9,44)
Suy niệm: Khi Con Thiên Chúa sinh xuống thế làm người, Ngài đã có một Ma-ri-a đồng trinh, hiền lành, nhu mì làm Mẹ, một Giu-se nghèo khó làm cha nuôi, một ngôi làng bé nhỏ Na-da-rét làm chốn ẩn thân, một nghề thợ mộc khiêm tốn nuôi thân. Rồi Ngài lại kết thúc cuộc đời dương thế bằng cái chết thê thảm nhất: chịu xử án, chịu đánh đòn, chịu sỉ nhục và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết trên cây thập ác. Đâu phải đợi đến phút cuối, mà ngay từ giây phút đầu tiên đầu thai trong lòng Đức Nữ Trinh, Ngài đã “nộp mình vào tay người đời” để vẫn trung thành “nộp mình” theo thánh ý Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Chọn lựa cơ bản của Chúa Giê-su là không chọn lựa theo ý riêng mình mà “nộp mình” theo thánh ý Chúa Cha.
Mời Bạn: Chúng ta đâu có chọn cho mình một người Mẹ, một người Cha, hay một nơi nào làm nơi chôn nhau cắt rốn. Và chúng ta càng không biết mình sẽ chết ở đâu, lúc nào và như thế nào. Vậy tại sao cứ mãi loay hoay chống chọi trong cái thân phận bọt bèo của mình mà không biết chọn lựa “nộp mình” cho Thiên Chúa định liệu? Thật đáng tiếc!
Chia sẻ: “Nộp mình” như Đức Giê-su có phải là phủ nhận sự tự do của con người hay không?
Sống Lời Chúa: Nhìn sự vật dưới con mắt đức tin để phó thác mọi sự cho Chúa định liệu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa có quyền chọn lựa tất cả nhưng Chúa vẫn “nộp mình” cho Thiên Chúa Cha định liệu. Xin cho con biết noi gương Ngài cố gắng tín thác cuộc đời con cho Chúa qua từng biến cố đời con. Amen.

Không hiểu lời đó

Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo 
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, 
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được 
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9

26 THÁNG CHÍN

Được Vững Mạnh Nhờ Việc Đặt Tay

Bí tích Thêm Sức mà chúng ta lãnh nhận làm cho mối quan hệ của chúng ta với chân lý Phúc Âm thêm vững chắc hơn. Chúng ta trở nên trưởng thành trong Đức Kitô. Chúng ta đã nhận hiểu chân lý này. Giờ đây chúng ta hãy ước ao được vững mạnhhơn trong chân lý ấy. Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy đến với Thần Chân lý, hầu đức tin mà chúng ta tuyên xưng có thể khắc sâu trong tâm hồn chúng ta. Ước gì đức tin ấy được khẳng quyết mạnh mẽ trong mọi việc làm và lời nói của chúng ta.

Phép Rửa là một bí tích với biểu hiệu nước. Phép Rửa được thực hiện qua việc tẩy rửa cơ thể, tượng trưng cho năng lực tha tội và biến đổi con người đang ở trong tình trạng nô lệ tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa. Dầu thánh hiến hay dầu thánh là bí tích của những ai vốn nhận biết Đức Kitô và bây giờ tiến tới làm chứng cho Đức Kitô như các Tông Đồ đã làm sau ngày lễ Ngũ Tuần.

Đó là lý do tại sao trong Nghi Thức Thêm Sức có việc giám mục đặt tay trên đầu. Ngài trao ban bí tích này bằng việc xức dầu Thánh trên trán chúng ta. Giám mục là chủ sựlễ nghi Thêm Sức bởi vì ngài có ơn gọi đặc biệt – trong Đức Kitô – đối với toàn thểgiáo dân trong giáo phận của ngài. Ngài được kêu gọi để làm mục tử chăn dắt các tín hữu của ngài trong tư cách là người tiếp tục sứ vụ đã được bắt đầu từ các Tông Đồ.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26-9
Thánh Cosma và Đamianô, tử đạo
Dcr 2,1-5.10-11a; Lc 9, 43b-45.

LỜI SUY NIỆM: “Người nói với các môn đệ: Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Sau khi Chúa quát mắng tên quỷ ô uế, chữa đứa trẻ, mọi người kinh ngạc, tôn vinh Chúa. Nhưng Chúa Giêsu liền loan báo một sự thật sắp xãy đến cho Người tại Giêrusalem. Mặc dầu các môn đệ nghe, mà không hiểu, nhưng tất cả lại không dám hỏi. Ngày hôm nay với khai sáng của Giáo Hội; Cho chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn thể hiện vinh quang theo cách của Chúa Cha là ngang qua thập giá. Chứ không phải theo cách dễ dãi của loài người.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã dùng Đường Thập giá để dẫn đến Phục Sinh. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con trung thành vác thập giá của mình đi theo Chúa cho đến trọn đời.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

NGÀY 26-09 THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ - TỬ ĐẠO


Theo truyền thuyết thánh Cosma và Damianô là hai anh em sinh đôi. Sinh tại Ả rập. Các Ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì đểgiáo dục con cái về trí thức và đạo đức. Bà gửi hai con theo học ở Syria. Tại đây Cosma và Damianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng. Nhiệt thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ. Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp phần vào việc chữa trị tật bệnh linh hồn.

Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Những cuộc chữa lành lạlùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài. Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.

Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô gióa, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần. Ai không tuân lệnh sẽ bịsát hại. Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghềthuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin này quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài. Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài. Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cosma và Damianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan lính trói các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các Ngài bình an vô sự.

Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm. Hai thánh Cosma và Damianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các Ngài. Lần này nhưng Ngài được nhận lời. Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các Ngài lìa xác và nhận phúc tử đạo.

Danh tiếng của hai thánh Cosma và Damianô lan tràn khắo Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh tật các Ngài thực hiện. Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùngkính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo. Tại Roma, Đức Symmachô (498 - 514) xây nguyện đường. Đức Felix IV (526 - 530) xây một đại giáo đường kính các Ngài.

Cùng với thánh Luca, hai thánh Cosma và Damianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu.

 (daminhvn.net)

26 Tháng Chín
Xin Ðược Ðánh Giày

Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:
Một hôm, người được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa.
Sau khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả chân thành:
"Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày.. Xin cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên Thiên Ðàng".
Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục... Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. "Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều".
Theo quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Tòa án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một hình phạt cân xứng.
Chúng ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với sự công thẳng của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái cân duy nhất: đó là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn phủ lấp tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.
Do đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng ta?
Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính Tình Yêu của chúng ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân... mà chính là lòng yêu mến của chúng ta.

Lẽ Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét