30/09/2015
Thứ Tư tuần 26 thường
niên
Thánh Giêrônimô,
linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại
Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy
tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký
cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng
La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở
Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình,
chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm
420.
Bài
Ðọc I: (Năm I) Nkm 2, 1-8
"Nếu
đức vua thấy tốt đẹp, xin sai thần đến thành phố của thân phụ thần, và thần sẽ
xây cất lại thành phố".
Trích
sách Nơkhemia.
Việc
xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt
vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn
rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: "Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế,
mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong
lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết".
Tôi
quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: "Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần
không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các
cửa thành bị lửa thiêu rụi?" Vua mới hỏi tôi rằng: "Ngươi thỉnh nguyện
điều gì?"
Tôi
cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và
tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến
thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại".
Lúc
đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: "Ngươi đi bao
lâu, và chừng nào trở về?" Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với
nhà vua.
Tôi
tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần,
để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến
Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người
cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự".
Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính
vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
Xướng:
1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành
thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền
cầm của chúng tôi. - Ðáp.
2)
Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng:
Hãy vui mừng, hãy ca hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion. - Ðáp.
3)
Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi
Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. - Ðáp.
4)
Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt
Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 118, 8ab
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được
ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 9, 57-62
"Dù
Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng:
"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng:
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu".
Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin
cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ
chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người
khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ
giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày
mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Ðiều
Kiện Theo Chúa
Một
linh sư Ấn đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, có một người đàn ông nọ muốn xin
làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên
ngọc quí nhất như của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra, nhưng ông không để lộ một
chút thích thú nào; không cần nhìn kỹ vào món quà quí giá ấy, vị linh sư cầm lấy
một viên và ném xuống dòng sông.
Tiếc
của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc, nhưng
mất một ngày mà ông không tài nào tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi, chán nản,
người đàn ông đến vị linh sư xin chỉ rõ nơi đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm
viên ngọc còn lại ném xuống dòng sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó, ngươi
hãy lặn xuống mà tìm lại".
Chúa
Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ và dứt khoát như thế. Thánh Luca
trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình lên Giêrusalem mà đích điểm là
cái chết trên thập giá. Trong hành trình ấy, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người
theo Ngài. Ðiều kiện đầu tiên là phải biết kiên nhẫn như đã được đề cập đến
trong bài Tin Mừng hôm qua.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi
nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai
đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống
không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn
bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và
cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an
toàn trong cuộc sống.
Một
điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng
Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu
chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi
môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối
với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được
đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn
đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu
là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài.
Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi
theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho
các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển,
sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung,
người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là
tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 26 TN1
Bài đọc: Neh 2:1-8; Lk
9:57-62.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải đặt việc của
Thiên Chúa lên trên hết.
Tính
ích kỷ và hưởng thụ làm con người xao lãng bổn phận đối với Thiên Chúa và với
tha nhân. Hậu quả là con người sống xa Thiên Chúa và đối xử bất công với đồng
loại của mình. Để giúp con người loại bỏ tính ích kỷ và hưởng thụ, con người cần
học hỏi để biết mục đích của cuộc đời và những điều kiện cần thiết để đạt được
mục đích này.
Các
Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết dẹp bỏ tính ích kỷ và hưởng thụ cá nhân
để lo việc chung và việc của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù Nehemiah có đầy
đủ mọi sự nơi đất khách quê người, lòng ông vẫn sầu buồn mỗi khi nghĩ tới thành
thánh Jerusalem hoang tàn đổ nát, nơi mà tổ tiên của ông đã được chôn cất. Ông
xin Đức Vua cho về để xây cất lại phần mộ của tổ tiên và dựng lại tường Thành.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu liệt kê 3 thái độ cần có của người môn đệ của Ngài:
Thứ nhất, phải biết sống cuộc đời đơn giản để có thời gian và phương tiện làm
việc của Chúa. Thứ hai, đừng quá bận tâm đến những người trong gia đình. Thiên
Chúa có uy quyền để lo cho thân nhân của những môn đệ của Chúa. Sau cùng, một
khi đã theo Đức Kitô, người môn đệ không được tiếc của nhìn lại; nếu không quyết
liệt, người môn đệ sẽ dần dần bị cám dỗ để quay đầu trở lại với những lôi cuốn
của thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thần vui sao được, khi mà thành đô, nơi tổ tiên của thần an nghỉ, đã ra hoang
tàn, và cửa thành bị thiêu huỷ.
1.1/
Nỗi buồn của Nehemiah:
Ông là người Do-thái tha hương, và là quan Ngự Tửu trong triều đình của vua
Artasersex. Nhiệm vụ của quan Ngự Tửu là phải nếm trước mọi thứ ăn uống trước
khi nhà vua dùng, để bảo đảm thức ăn ngon và an toàn cho nhà vua. Ông có đủ mọi
phương
tiện
và của cải vật chất để sống an toàn nơi xứ lạ quê người; nhưng ông đau buồn mỗi
khi nghĩ về Thành Jerusalem hoang tàn đổ nát, nơi mà tổ tiên của ông đã tốn bao
công lao để xây dựng lên, và giờ đang nằm trong đống gạch vụn đó.
Khi
vua Artasersex nhận ra nỗi ưu tư của ông, nhà vua hỏi: "Sao mặt khanh buồn
rầu thế? Khanh có đau ốm gì đâu! Hẳn trong lòng phải có chuyện chi buồn lắm!"
Nehemiah vô cùng sợ hãi, bèn tâu vua: "Đức vua vạn vạn tuế! Sắc mặt của thần
không buồn sao được, khi mà thành đô, nơi tổ tiên của thần an nghỉ, đã ra hoang
tàn, và cửa thành bị thiêu huỷ." Vua hỏi: "Vậy khanh muốn gì?"
Sau khi Nehemiah cầu xin Thiên Chúa các tầng trời, ông thưa với vua: "Nếu
đẹp lòng đức vua và nếu bề tôi của ngài là người vừa ý ngài, thì xin cử thần đi
Judah, đến thành có phần mộ của tổ tiên thần để xây dựng lại." Vua bằng
lòng cho ông đi, và ông xin hẹn với vua một kỳ hạn sẽ trở lại.
1.2/
Thiên Chúa đã lo liệu mọi việc cho Nehemiah: Ông mạnh dạn xin với vua:
"Nếu đẹp lòng đức vua, thì xin hạ lệnh cấp chiếu thư cho thần đem tới các
trưởng Vùng bên kia sông Euphrates, để họ cho phép thần đi qua đó đến tận
Judah. Cũng xin một chiếu thư cho ông Asaph, quản đốc ngự lâm, để ông cấp gỗ
cho thần làm khung cửa đồn luỹ ở sát Đền Thờ, làm tường thành và làm nhà cho thần
đến ở." Vua ban cho ông như sở nguyện, vì bàn tay nhân lành của Thiên Chúa
che chở ông. Nehemiah và tư tế Ezra đã xây dựng tường Thành Jerusalem trong một
thời gian kỷ lục.
2/
Phúc Âm:
Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên
Chúa.
Trình
thuật hôm nay đưa ra ba ví dụ chứng minh sự khẩn thiết của việc từ bỏ mọi sự,
đi theo Đức Kitô, để rao giảng Tin Mừng. Để theo Đức Kitô, người môn đệ phải có
những thái độ sau đây:
2.1/
Phải biết sống đơn giản để có thời gian cho Thiên Chúa: Đang khi Thầy trò
đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin
đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng
Con Người không có chỗ tựa đầu." Chúa Giêsu tuy rất giầu có, nhưng Ngài chọn
lối sống khó nghèo để làm gương cho các môn đệ.
+
Khi con người dành quá nhiều thời gian để làm việc nhiều để có nhiều tiền của,
con người sẽ không còn thời gian để làm việc của Thiên Chúa.
+
Khi con người có quá nhiều của cải, họ sẽ ngần ngại theo Chúa.
+
Khi người môn đệ có nhiều của cải, anh sẽ không dám lên đường đi rao giảng Tin
Mừng. Người có ít hành lý là người sẽ đi được xa nhất, và dễ dàng lên đường đi
bất cứ đâu để rao giảng Tin Mừng.
2.2/
Việc theo Thiên Chúa phải là việc ưu tiên trước hết: Đức Giêsu nói với một
người khác: "Anh hãy theo tôi!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin
cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ
chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên
Chúa."
+
Có một sự nghịch lý trong câu trả lời của Chúa Giêsu: Làm sao kẻ chết có thể
chôn kẻ chết? Đây chỉ là một lối nói của người Do-thái. Chúa Giêsu có ý muốn
nói khi nào Chúa gọi, hãy can đảm bỏ mọi sự để theo Ngài. Nếu một người đợi cho
cha chết rồi mới đi theo Chúa, điều này chứng tỏ họ yêu quí cha hơn Thiên Chúa.
Làm như thế, họ không xứng đáng để theo Ngài.
+
Chúa Giêsu có dạy bất hiếu? Không! nhưng Ngài muốn con người phải đặt việc loan
báo Tin Mừng lên hàng đầu. Chúa có uy quyền để lo liệu đầy đủ cho cha của người
môn đệ.
+
Phải nắm lấy cơ hội và quyết định ngay khi nó tới, vì kinh nghiệm dạy khi một
người cứ lần nữa, do dự; họ sẽ không dám đi theo Chúa.
2.3/
Đã theo Thiên Chúa, đừng quay đầu trở lại: Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin
theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." Đức Giêsu bảo:
"Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với
Nước Thiên Chúa."
+
Đây là kinh nghiệm thiết thực cho những người cầy ruộng: Khi cầy ruộng bằng
trâu bò, họ phải nhìn thẳng phía trước; nếu ngoái cổ nhìn về phía sau, luống
cày sẽ không thẳng.
+
Trong Sách Sáng Thế, có một câu truyện xảy ra cho vợ ông Lot. Khi Bà tiếc của
và không vâng lời thiên thần truyền, Bà ngoái cổ nhìn phía sau, liền bị hóa
thành tượng muối.
+
Người môn đệ đã bỏ mọi sự theo Đức Kitô cũng đừng tiếc nuối gì cả, cứ việc thẳng
tiến về phía trước. Nếu không, anh sẽ từ từ thu thập lại những thứ anh đã bỏ,
và hậu quả còn tệ hại hơn khi anh chưa từ bỏ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải đặt việc của Thiên Chúa lên trên công việc của cá nhân, như chúng
ta đã từng cầu xin cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa trị đến, và ý Chúa được thể
hiện.
-
Việc cần thiết nhất chúng ta phải làm là góp phần trong việc rao giảng và loan
truyền Tin Mừng, để làm sao cho mọi người tin vào Đức Kitô và được hưởng ơn cứu
độ đời đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
30/09/15 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ
HT Mt 13,47-52
NƯỚC TRỜI NHƯ TẤM LƯỚI…
“Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống
biển, gom được đủ thứ cá.” (Mt 13,47)
Suy niệm: “Lưới
trời lồng lộng, thưa nhưng không sót.” Câu nói ấy, hiểu một cách tích cực,
có thể mô tả thực tại Nước-Trời-như-chiếc-lưới mà Đức Giê-su
thả xuống biển trần gian này. Nước Thiên Chúa không là dành riêng cho một nhóm
người nào, nhưng mở rộng và bao gồm tất cả (x. 1Tm 2,4). Các thừa sai ngày xưa
theo chân các thương gia tìm tới những ‘thị trường’ mới, thì người tông đồ hôm
nay cũng phải xâm nhập vào mọi cảnh vực đời sống xã hội để thả lưới Nước Trời.
Nhà thừa sai hôm nay đến với muôn dân (ad
gentes) chủ yếu là đến với mọi cảnh vực của
cuộc sống: kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, văn hóa, giáo dục, thể
thao, nghệ thuật, giải trí… Nghĩa là, có thể đến mà
không cần phải đi đâu cả!
Mời
Bạn: Để sống tác động trong các môi trường đó, ta cần
rèn luyện ý thức và năng lực tông đồ ngay tại gia đình và giáo xứ mình. Nhớ
rằng một xứ đạo ‘mạnh’ không hệ tại ở cơ sở đồ sộ, số giáo dân đông đảo, lễ hội
hoành tráng, mà phải là một tập hợp những chứng tá đức tin sống thực.
Chia
sẻ: Cộng đoàn của bạn hiện nay đang nao nức làm
muối làm men cho đời hay đang suy yếu, mỏi mệt vì vấn đề cục bộ, tranh
giành quyền lợi cá nhân, phe nhóm?
Sống
Lời Chúa: Bạn chọn một việc cụ thể để góp phần căng rộng
chiếc lưới Nước Trời, chẳng hạn mời thêm một bạn hữu đọc “5 phút cho Lời
Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su, xin cho con biết mở rộng tầm nhìn để thấy những nhu cầu của tha nhân,
và sẵn sàng góp phần làm cho Nước Chúa lan tới họ. Amen.
Trước đã
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta? Ðâu là
lựa chọn ưu tiên một? Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Suy niệm:
Theo một tôn giáo thường
được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con
đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối
với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo
Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co trong
xứ Palestine
hay con đường đầy chông gai
nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy
Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị
hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài,
với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật
lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là
ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ
có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ
thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra
lời đáp trả riêng của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin
theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh
hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu
bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế
lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu
bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách
trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có
chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ,
chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự
do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ
của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo
Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người
cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận
thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc
hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu
tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm
chúng ta bị sốc.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì
phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận
ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng
liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật
đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang
cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã
gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát
thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ
niệm quá khứ,
cũng không bị cản trở bởi
những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho
Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta
phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy
sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống
vô cảm hay bất hiếu...
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm
Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã
chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ
tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm
nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm
cái gì đó trước đã không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái
lạc
là những điều hấp dẫn chúng
con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do
ngước lên cao
để sống cho những giá trị
tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng
dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng
trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng
con có,
để mua được viên ngọc quý là
Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30
THÁNG CHÍN
Chúng
Ta Vẫn Ở Lại Với Chúa Giêsu Trong Thánh Thể
“Thầy
là cây nho … ai ơ ûlại trong Thầy thì sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Đức
Kitô ở lại trong chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu mời gọi ta ở lại
trong Ngài, lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ một chân lý khác mà Ngài đã đề cập
trong bối cảnh diễn từ về Bánh Hằng Sống. “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được
sống đời đời” (Ga 6,56). Đức Giêsu đã nói như thế với đám đông.
Bản
văn song song này cho chúng ta thấy rằng trong biểu tượng cây nho có chứa đựng
ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hiểu ra cách thế để mình ở lại trong Đức
Giêsu, Cây Nho Thật: đó là đón nhận Ngài làm của ăn của uống cho mình. Thánh Thể
chính là Chúa Giêsu ở lại giữa chúng ta một cách thực sự. Ngài thực sự hiện diện
với chúng ta, ngay cả dù chúng ta thấy có vẻ như Ngài hiện diện qua các dấu chỉ
bí tích là bánh và rượu.
Thực
ra những dấu chỉ ấy không đem lại cho chúng ta niềm vui được cảm giác Ngài,
nhưng chúng bảo đảm với chúng ta rằng Ngài đang hiện diện trọn vẹn giữa chúng
ta. Qua bí tích này, Chúa Giêsu trở thành lương thực mọi nơi và mọi thời cho
linh hồn người ta. Và chúng ta là những người được hưởng dụng. Chúng ta hãy tiến
tới với bàn tiệc của Chúa để lãnh nhận thứ lương thực quí giá này.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
30-9
Thánh
Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Nkm
2, 1-8; Lc 9, 57-62.
LỜI
SUY NIỆM: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng
sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
Đối
với những người tội lỗi và những người nghèo đói, bị bệnh tật, bị bỏ rơi. Chúa
Giêsu luôn tỏ lòng thương xót, Người luôn sẵn sàng tha thứ, ban ơn và chữa lành
và chúc phúc. Chỉ cần họ có lòng tin chạy đến với Người. Nhưng đối với những
con người muốn dấn thân phục vụ Nước Thiên Chúa, thì Người đòi hỏi con người ấy
phải có thái độ dứt khoát. Không thể bịn rịn với gia đình. Nhưng phải tín thác
hoàn toàn vào Người.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin ban cho Giáo Hội Chúa có thêm những Tông Đồ nhiệt thành. Đáp ứng
được sự đòi hỏi của Chúa, và cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn
biết cọng tác và cầu nguyện cho các ngài để các ngài sống trọn ơn gọi của các
ngài.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
NGÀY
30-09 THÁNH HIÊRÔNIMÔ - LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (340 - 420)
Thánh
Hiêrônimô chào đời khoảng năm 340 tại Stridon gần Aquila, miền tam biên giữa
Dalmatia, Pannonia và Italia. Tên đầy đủ của Ngài là Eusêbiô Hiêrônimô
Sôphrôniô. Dường như Ngài thuộc một gia đình giàu có và được giáo dục đầy đủ về
văn chương, theo thường lệ dành cho các thiếu niên thượng lưu thời đó. Trước hết
Ngài đã theo học tại Stridon rồi sau đó tại Roma với nhà văn phạm thời danh
Donatô, Ngài đã học để viết văn Latin cho tuyệt diệu tinh ròng và chính xác. Bởi
đó Ngài say mê các tác phẩm cổ, dầu sau này Ngài coi chúng như một thứ cám dỗ.
Trong
một bức thư gởi cho Eustochium, Ngài có kể lại một giấc mơ khi nằm tại bệnh viện
Antiochia. Trong giấc mơ Ngài thấy mình phải đến trước vị quan án. Ngài tự xưng
mình là Kitô hữu, nhưng quan án trả lời : - Ngươi không phải là Kitô hữu. Ngươi
là đồ đệ Cicêrô. Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Mà kho tàng của
ngươi là các thứ tác phẩm của Cicêrô.
Sau
đó Ngài bị đánh đòn và hứa sẽ từ bỏ các tác phẩm trần tục này.
Thánh
Hiêrônimô được giáo dục để trở thành Kitô hữu và luôn coi trọng tôn giáo. Dầu vậy
19 tuổi Ngài mới lãnh bí tích rửa tội ở Roma vào ngày Phục sinh năm 366. Khi viếng
thăm Trier, sau khi hoàn tất việc học ở Roma, Ngài hiểu biết ít nhiều về lối sống
khổ hạnh, có lẽ do thánh Athanasiô bị lưu đày tới và đã quyết rằng đó là ơn gọi
của Ngài. Ngài gia nhập một cộng đoàn linh mục và giáo dân tại Aquileia năm
370. Cộng đoàn bị tan vỡ vì một cuộc tranh chấp nào đó.
Năm
375, Hiêrônimô đi về hướng đông với mấy người bạn, tới miền tổ đời khổ hạnh
Kitô giáo. Sau khi dừng lại ở Antiochia ít lâu, Ngài đến sống trong sa mạc
Chalcis như một ẩn sĩ, nơi dây Ngài "không có bè bạn nào khác ngoài bò cạp
và hoang thú". Ngài khổ cực vì bệnh tật mà nhất là các cơn cám dỗ.
"Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám gái nhảy". Và Ngài khóc
thương rằng: "Một người chết yểu trong xác thịt như vậy mà ngọn lửa thèm
muốn còn cháy lên dữ dội".
Để
kiềm chế óc tưởng tượng, sau khi đã xử phạt xác mà không được, Ngài chú tâm học
tiếng Do thái. Như vậy Ngài đã khởi đầu công trình chính yếu trong đời làm học
giả nhiệt thành giải thích thánh kinh.
Năm
378, Ngài trở lại Antiochia và đến với Constantinople để học thánh kinh với nhà
thần học lừng danh là thánh Gregôriô thành Nazian. Năm 382, Ngài đến Roma và trở
thành thư ký của Đức giáo hoàng Đamasô. Tại đây Ngài bắt đâu công trình hệ trọng
về thánh kinh. Ngài hiệu đính các bản dịch Latinh về Phúc âm và thánh vịnh.
Ngoài ra Ngài cũng hăng hái khích lệ phong trào sống khổ hạnh giữa các phụ nữ
Roma.
Nỗ
lực này đã gây nên một số chống đối của một số giáo sĩ Roma. Chống lại, Ngài đã
viết những dòng sống dộng: - "Cái gì sơn phết lên khuôn mặt người Kitô hữu.
Các miếng cao dán đầy tham vọng này là dấu chỉ của đầu óc thiếu trong sạch. Làm
sao có thể nói được rằng một phụ nữ khóc than tội mình mà nước mắt họ cầy luống
trên cặp má tô vẽ của họ. Hạnh phúc trông đợi gì từ thiên đàng khi mà cầu khẩn
Chúa, họ lại chường mặt ra cho đấng tạo thành không còn nhận diện được họ nữa
?"
Do
những lời quở trách này mà Ngài trở nên xa lạ với dân gian. Sau cái chết của
thánh Damasô, Ngài lại lui về phương đông (năm 348).
Một
nhóm phụ nữ đã sống dưới sự hướng dẫn của Ngài đã theo Ngài, đứng đầu là thánh
nữ Paula với con Ngài là thánh nữ Eustochium. Họ lập thành một nhóm các tu viện
gần đại giáo đường Giáng sinh tại Bêlem, tại đây thánh Hiêrônimô đã trải qua những
ngày an bình hạnh phúc cuối đời, Ngài cũng dự phần vào nhiều cuộc tranh luận dữ
dội. Một trong các cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giáo thuyết của
Origen. Nhưng công cuộc lớn lao nhất của đời Ngài ... chính là công cuộc Ngài
đã chuẩn bị từ sa mạc Chalcis, đã khởi sự từ Roma, công cuộc phiên dịch thánh
kinh ra tiếng Latinh. Dựa vào công trình này mà thế giá Ngài tồn tại mãi trong
Giáo hội công giáo, cũng như sự thánh thiện của Ngài có được một bằng chứng
hùng hồn.
Toàn
bộ thánh kinh bằng tiếng Latinh, gọi là bản phổ thông đều được thánh Hiêrônimô
phiên dịch hay nhuận đính trừ các sách: Khôn ngoan, Huấn ca, Baruch và hai sách
Macabê. Ngài thực hiện bản dịch thứ nhất đã làm tại Roma, chính bản dịch thứ
hai này nằm trong bản dịch thánh kinh phổ thông và được Giáo hội dùng trong phụng
vụ giờ kinh.
Thánh
Hiêrônimô qua đời bình an tại Belem ngày 30 tháng 9 năm 420. Thánh Paula và
Eustochium đã chết trước Ngài. Thi thể Ngài được chôn cất với họ trong nhà thờ
Giáng sinh, nhưng sau này được đưa về Roma và nay đang được chôn cât tại đề thờ
Đức bà Cả.
(daminhvn.net)
30
Tháng Chín
Tình Thương Ðáp Trả
Hận Thù
Bà
Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi
ký của bà như sau:
Martin
ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời
của anh.
Trước
đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại.
Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng
là trắc nghiệm để xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh
hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da
đen đang sôi sục hận thù.
Khi
anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm
lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng
nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc
thang trước cổng nhà.
Với
một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ
tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí
giới. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu
thương những người da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta
đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự.
Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù".
Lời
kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao
trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương
cho đến chết trên thập giá...
Vào
tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người
không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu
Roma như sau:
"Hãy
chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻvui, hãy
khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại,
hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt
mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người... Anh em thân mến,
hãy sống an hòa với hết thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được
ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ".
Ước
gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao
tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét