Trang

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

15-09-2015 : THỨ BA TUẦN XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - ĐỨC MẸ SẦU BI - Lễ Nhớ

15/09/2015
Thứ ba tuần 24 thường niên
Đức Mẹ sầu bi
Lễ nhớ.

* Đức Maria đã hiệp thông sâu xa với cuộc thương khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc phục sinh của Người.
Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Maria cùng chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu. Lễ này nhắc cho chúng ta nhớ rằng: dưới chân thánh giá, tình mẫu tử của Đức Maria đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, tức là Hội Thánh.

Bài Ðọc I: Dt 5, 7-9
"Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 17).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa. - Ðáp.
2) Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Ðáp.
3) Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. - Ðáp.
4) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. - Ðáp.
5) Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta. - Ðáp.

Ca Tiếp Liên: Stabat Mater
(Ca Tiếp Liên này có thể đọc cả hay bỏ, hay chỉ đọc từ câu 11 trở đi)
1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.
2) Một lưỡi gươm nhọn / đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.
3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao / cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!
4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.
5) Ai là người không tuôn châu lệ / khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô / trong cảnh cực hình như thế?
6) Ai có thể không buồn bã / nhìn xem Mẹ Chúa Kitô / đang đau khổ cùng với Con Người?
7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu / vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.
8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế / bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.
9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Ðấng bị treo thập giá.
12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ / của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.
13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14) Con ước ao được cùng với Mẹ / đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.
15) Ôi Ðức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.
16) Xin cho con được mang sự chết của Ðức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.
17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá / và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.
18) Ôi, Ðức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!
19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Ðức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn.
20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con / được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Ðức Trinh Nữ Maria là người có phúc, Bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo dưới chân Thập giá Chúa mà không phải chết. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 19, 25-27
"Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâ can"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Lc 2, 33-35
"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Ðức Mẹ Sầu Bi
Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thê nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thê làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.
Ðoạn Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến khía cạnh Mẹ Maria đứng bên thập giá Chúa và lãnh nhận lời Chúa trăn trối làm Mẹ của Gioan, làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ðoạn Phúc Âm không nhắc tới nỗi sầu bi của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá Chúa. Trong số các sách Phúc Âm thì chỉ có Phúc Âm theo thánh Luca có nhắc tới lời loan báo trước của cụ già Simêon, nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ (Lc 2,35). Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa hơn mọi lúc khác Mẹ Maria đã đau khổ, niềm đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ của Mẹ đáng chúng ta bắt chước. Mẹ đã không tự ý đi tìm vinh quang được ngồi bên hữu bên tả Chúa như một người nọ đã đón đường Chúa lên Giêrusalem để xin đặc ân này cho hai người con của mình. Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.
Lạy Mẹ Maria,
Xin Mẹ hãy đồng hành bên cạnh con như Mẹ hiện diện bên cạnh Con Mẹ. Chúng con cần đến Mẹ nhất là khi gặp những gian nan thử thách. Xin Mẹ giúp chúng con trung thành với ơn gọi và với Chúa Giêsu Con Mẹ.
Veritas Asia


15/09/15          THỨ BA TUẦN 24 TN
Đức Mẹ Sầu Bi               Ga 19,25-27
HIỆP THÔNG VỚI HY TẾ CỨU ĐỘ
Đứng gần thập giá Chúa Giê-su có thân mẫu Người. (Ga 19,25)
Suy niệm: Có người nói: “Đàng sau thành công của người đàn ông, có bóng dáng một người phụ nữ.” Còn các sách Phúc Âm thì cho biết bên cạnh Đức Giê-su Ki-tô luôn có bóng dáng của Đức Ma-ri-a; và ngay trong cuộc khổ nạn, cũng có Mẹ đứng gần thập giá của người Con. Giáo Hội có lý khi mừng kính lễ Mẹ Sầu Bi ngay liền sau lễ Suy Tôn Thánh giá Chúa Giê-su. Mẹ Ma-ri-a đã hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giê-su trong hy tế cứu độ. Cuộc đời của Mẹ cũng đã thấm nhuộm máu đỏ hy sinh, khi Mẹ dấn thân vào cuộc khổ nạn; con đường Thánh Giá của Chúa Giê-su cũng là con đường Thánh Giá của Mẹ, vinh quang của Chúa Giê-su phục sinh cũng chính là vinh quang của Mẹ được tham dự vào sự Phục Sinh với Chúa Ki-tô.
Mời Bạn: Trên thập giá Chúa Giê-su đã hoàn tất chương trình cứu độ; nhưng hy tế cứu độ không dừng lại nơi Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a mà phải được hiện thực hoá trong cuộc đời của chúng ta, của những ai tin theo Ngài: “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ mình vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9,12). Bạn có thái độ, tâm tình nào khi phải gặp thập giá trong đời bạn? Những khổ chế, hy sinh, đau khổ bệnh tật mà bạn gặp trong cuộc sống hằng ngày có trở nên nguồn ơn cứu độ và thánh hóa cho bạn và cho người khác không?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút để chiêm ngắm Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá và xin ơn cảm nhận về ý nghĩa và giá trị của đau khổ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho chúng con noi gương Mẹ biết kết hiệp với Chúa Ki-tô chịu khổ nạn để mai ngày được Phục Sinh vinh hiển cùng với Đức Ki-tô đến muôn đời muôn thưở. Amen.

Đứng gần thập giá
Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng, nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác. Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia. 


Suy nim:
Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ,
khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập,
mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê,
khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá,
và chôn táng Con trong mộ.
Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng.
Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con.
Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới.
Chỉ ai yêu mới biết đau.
Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ,
các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.
Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn.
Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi.
Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn.
Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ.
Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn.
Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong,
Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.
Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.
Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng.
Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,
và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền.
Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ.
Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.
Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá.
Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình,
nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy.
Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh.
Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.
Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con.
Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12).
Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).
Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng,
nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác.
Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia.
Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ.
Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,
đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26).
và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27).
Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới.
Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.
Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.
Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ.
Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.
Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG CHÍN
Mầu Nhiệm Hội Thánh
Từ sự hiện diện của Đức Kitô trong thâm sâu cõi lòng con người, chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Hội Thánh. Bản văn Sách Tông Đồ Công Vụ giúp chúng ta khám phá về sự bắt đầu của Hội Thánh. Hội Thánh là một cộng đoàn được khai sinh từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Hội Thánh mới được khai sinh này được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm cho sinh động. Chẳng hạn, chính trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ đã mạnh dạn xông pha rao giảng.
Nhìn lại chính buổi ban đầu của Giáo Hội, chúng ta nhận thấy một mối liên kết chặt chẽ giữa trách nhiệm nhân loại của các tông đồ và sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh Giêrusalem viết cho dân ngoại: “Điều đó dường như tốt đẹp đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng ta…” (Cv 15,28, RSV). Chắc hẳn ở đây có một ám chỉ về tính cộng tác giữa Chúa Thánh Thần và các tông đồ.
Không hề có chuyện tình cờ ở đây. Cũng như linh hồn của Kitô hữu được Thiên Chúa Ba Ngôi trú ngụ, thì Giáo Hội – là cộng đoàn các Kitô hữu – cũng được Thiên Chúa Ba Ngôi trú ngụ như vậy. Quả thực, Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi bởi vì Kitô hữu là một thành phần trong Nhiệm Thể Đức Kitô, trong mức độ mà Kitô hữu là cành nho sống động, tháp nhập vào thân nho thật là Đức Kitô.
Ngay tại thế này, bất chấp những khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày, Hội Thánh vẫn ở trong sự mật thiết với Thiên Chúa, và đấy là cơ sở cho tính bất khả ngộ của Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15-9
Đức Mẹ Sầu Bi
Dt 5, 7-9; Ga 19, 25-27.

LỜI SUY NIỆM: “Khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với Thân Mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con Bà”
Đức Mẹ Maria và Gioan được diễm phúc ngắm nhìn những giây phút cuối cùng Chúa trên Thập Giá. Cả hai đều giữ thinh lặng, nuốt đau thương vào trong lòng của mình. Xưa kia Mẹ được ca tụng là Đấng diễm phúc hơn mọi người nữ. Chúa ở cùng Bà. Giờ đây Mẹ cũng đang suy đi nghĩ lại tất cả những gì Mẹ đã nghe: Mẹ nghe lời sứ thần Thiên Chúa nói về Mẹ, bà Êlisabét nói với  Mẹ. Chúa Giêsu nói với Mẹ, người đời khen ngợi Mẹ: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27); và những gì Chúa Giêsu đã tiên báo về Thương Khó và Phục Sinh của Người. Đức Mẹ chỉ biết chiêm ngắm và tin, đón nhận tất cả; vâng phục tất cả. Đón nhận thêm  sứ vụ mới là nhận lấy tất cả nhân loại làm con của mình, với trách nhiệm là Mẹ, để cùng Con của Mẹ cứu chuộc toàn thể nhân loại đem về cùng Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa trao ban chúng con trong vòng tay của Đức Mẹ. Xin ban cho mỗi một người trong chúng con luôn ý thức mình đã được dâng cách riêng cho Đức Mẹ sau khi đã chịu Phép Rửa Tội, để yêu mến Đức Mẹ, thực hành huấn lệnh của Đức Mẹ: “Hãy ăn năng đền tội, cải thiện đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi.”
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
NGÀY 15-09 KÍNH NHỚ BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Lòng đạo đức của các tín hữu tập trung trước hết vào cảnh nát lòng mà Đức Trinh Nữ phải chịu trong ngày Chúa cứu thế chịu nạn. Họ suy gẫm những nỗi đau của Mẹ. Khi Mẹ gặp Chúa Giêsu. Con Mẹ, vai vác thánh giá, lúc mẹ trên đỉnh Canvê đứng dưới chân thánh giá suốt ba giờ hấp hối của Chúa Giêsu, và trong khi Mẹ dự cuộc mai táng Chúa Giêsu, thực sự trọn cuộc đời Mẹ đầy những thương đau. Việc tôn sùng bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria, được một linh mục đạo đức là cha Jean de Coudenberghe thiết lập.
Đau lòng về những tai họa do cuộc nội chiến sau cái chết của nữ bá tước miền Bourgogne, Ngài chạy đến với mẹ sầu khổ. Để hun đúc lòng sùng kính của các tín hữu, Ngài đặt trong ba thánh đường thuộc quyền Ngài một tượng Đức Trinh Nữ với bản khắc bằng thơ, bảy hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho Đức Trinh Nữ phải sầu khổ:
1. Lời tiên tri của Simêon.
2. Cuộc chạy trốn qua đất Ai cập.
3. Việc lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem.
4. Việc Chúa Giêsu vác thánh giá.
5. Việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
6. Việc hạ xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá.
7. Việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ.
Ngày 25 tháng 10 năm 1495, Đức Alexandre VI chấp thuận hội Đức Mẹ sầu bi đã được thành lập tại Bỉ năm 1490. Những cuốn niên giám của hội chứng tỏ rằng việc tôn sùng bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria đã được phổ biến cách rộng rãi ở hai bên sườn núi Flandres.
Lễ kính nhớ bảy sự thương khó Đức Ttrinh Nữ Maria được cử hành vào ngày thứ sáu trước Chúa nhật Thương khó.
Tuy nhiên lòng sùng kính này còn có trước cả những cử hành trọng thể bề ngoài nữa. Tại Florence năm 1233 đã xuất hiện dòng tôi tớ Đức Bà, đặc biệt tôn sùng việc tử đạo của Ngài. Đến năm 1688, dòng này được đặc ân mừng một lễ thứ hai kính nhớ bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria. Ngày 18 tháng 9 năm 1814. Lễ này được Đức Piô VII cho mừng trong cả Giáo hội.
Việc kính nhớ lần thứ hai trong năm phụng vụ này xuất phát bởi ý tưởng cho rằng: trong mùa chay, Giáo hội tập rung vào mầu nhiệm cứu chuộc và không chú ý hoàn toàn vào các sự đau khổ của Mẹ Maria được. Cùng với Giáo hội kính nhớ một lần nữa bảy sự thương khó của Đức Trinh nữ Maria chúng ta chiêm ngưỡng mọi đau khổ của Ngài như sự đồng khổ với Chúa Giêsu, để cùng biết hiệp nhất mọi khó khăn trong đời chúng ta với cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa.
(daminhvn.net)


15 Tháng Chín
Ðây Sẽ Là Niềm An Ủi Của Con
Một trong những hình ảnh thánh thiện nhất về đời sống Kitô có lẽ là hình ảnh của những người hấp hối trên tay cầm thánh giá.
Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà. Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: "Lạy Chúa tôi". Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ". Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.
Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: "Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con".
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Ðức Mẹ Ðau Khổ hay cũng thường được gọi là 7 sự thương khó của Ðức Mẹ.
Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ. Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh. Còn nỗi đớn đau nào bằng khi ôm lấy xác Chúa được tháo gỡ từ thập giá? Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng để suy niệm cho đến lúc ôm lấy xác Chúa: từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đau khổ nhưng luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.
Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.
Mẹ Maria đã đảm bảo cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô. Trong mọi đau khổ, chúng ta hãy ngước nhìn lên thập giá của Ngài. Chúng ta hãy thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh".
(Lẽ Sống)

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI LÀ LỄ ĐỨC MẸ CẢM THƯƠNG
Linh mục Ant. Nguyễn Mạnh Đồng

∞∞∞
Ngày 15-9 lịch Giáo hội tây phương gọi là lễ Đức Mẹ Sầu Bi và lịch Giáo hội đông phương gọi là lễ Đức Mẹ Cảm Thương. Sầu bi là buồn thương, còn cảm thương là thương xót sâu xa trước tình cảnh nào đó.
Ca dao Việt Nam có câu :
Cảm thương con hạc ở chùa
Muốn bay da diết, có rùa giữ chân.
Ca dao là loại văn thơ trữ tình có ý gửi gắm tâm tình của người bình dân trước một tình cảnh éo le, trắc trở, đáng thương … Cảm thương là một lời nôm na bình dân nhưng hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc mà chỉ người nào đã sống trong cuộc, đã sống cả thương lâu năm, mới cảm nghiệm và diễn tả được một phần nào ý nghĩa của nó.
Nhân dịp lễ Đức Mẹ Cảm Thương, xin gửi các bạn hai bài chia sẻ về cảm thương :
1 – Bài một của chị Catherine, người Nga, đã có chồng có con, theo Kitô giáo từ năm 21 tuổi. Năm 34 tuổi đã dành cả cuộc đời để sống cảm thương với những người nghèo khổ trong xã hội Canada. Chị vừa học thần học, vừa suy gẫm Phúc âm trong lòng để học hỏi đức Maria về cảm thương. Đức Maria đã xin vâng để làm mẹ Chúa Giêsu và mẹ yêu mến Chúa Giêsu là Con mẹ. Khi Chúa Giêsu chịu tử nạn thập giá nói với mẹ : đây là con mẹ, thì đức Mẹ lại có cả loài người là con nữa. Như vậy mẹ phải cảm thương Chúa Giêsu Con mẹ, cảm thương loài người cũng là con mẹ, để yêu thương cứu rỗi loài người. Yêu thương là đau khổ và đau khổ là yêu thương, là cảm thương. Cùng với Chúa Giêsu mẹ phải yêu thương và tha thứ cho những người đã giết Con mẹ và cả những người hôm nay vẫn còn đang giết chết các thế hệ con cái của mẹ. Đức Maria đã cảm thương như thế đó, nên chị đã khám phá rằng Cảm thương chính là đức Maria, là tấm lòng bao la của mẹ đã yêu thương đến cùng, đến chấp nhận cùng tử nạn để tha thứ cứu rỗi loài người.
2 – Bài hai của cha Thomas Dehau (1870-1956) dòng Đa minh, giúp ta hiểu cảm thương bằng suy niệm về thái độ phát xuất từ lòng cảm thương của đức Maria đối với Chúa Giêsu Con mẹ. Cha dựa theo Phúc âm và Phụng vụ, đặc biệt là bài Ca tiếp liên Stabat Mater Dolorosa, mẹ khi đứng gần thánh giá …. để nêu thái độ cảm thương của mẹ trong hai việc : Mẹ đứng (stabat) gần kề thập giá (juxta crucem). Mẹ đứng chứ không phải quỵ xuống, ngất xỉu, đứng là thái độ can đảm. Mẹ đứng gần kề thập giá chứ không phải ở xa xa như các tông đồ, môn đệ khác vì sợ. Mẹ đứng gần kề Chúa Giêsu để thấy rõ mà cảm thương, yêu mến hơn.
Ta phải noi gương đức Mẹ để có thể cảm thương thực sự với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria, với mọi người đau khổ chung quanh ta, bằng cách duy nhất, bằng thái độ duy nhất là :
đứng gần kề thập giá với Mẹ (juxta crucem tecum stare)
Linh mục Ant. Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng Cần thơ 2015

Mầu nhiệm cảm thương mà các bà mẹ sống một cách rất đặc biệt dẫn chúng ta đến với Đức Maria. Cảm thương có nghĩa là Đức Maria. Đây là chủ đích của chị Catherine de Hueck Doherty mà chúng tôi trích bản văn sau đây.
“Lời đến với tôi hôm nay là cảm thương, nhưng trong tâm trí tôi – hoặc có phải trong trái tim tôi không ? – tôi tự hỏi : lời này muốn nói gì ? lời này sẽ dẫn tôi đi đâu ? Nó đã dẫn tôi đến với đức Maria.
Khi tôi bắt đầu giải thích cho tôi rằng tôi đang “lên đường tới đức Maria”, tôi dò tìm chính lời đó mà vẫn đi tới người. Vâng, cảm thươngCó nghĩa là chia sớt một tử nạn, chia sớt một đau khổ, tham gia vào đau khổ, vào tử nạn. Cuối cùng khi tôi tới gần bên đức Maria, tôi đặt mình dưới chân người và tôi nhìn ngắm người, và tôi hiểu ngay lập tức lời cảm thương nghĩa là gì.Cảm thương là đức Maria.
Đức Maria đã đến trần gian không mang vết tội tổ tông. Đó không có nghĩa là người không có sự tự do chọn lựa giữa tốt và xấu trong suốt cuộc đời của người. Người vẫn có đích thực sự tự do chọn lựa này; nói cách khác, lời xin vâng của người đã không được nói ra một cách không vướng mắc lệ thuộc gì, đã không phải là sự dâng hiến bằng một ý muốn được hoàn toàn tự do mà nó đã là. Tôi tự nghĩ rằng cuộc đời của người với Chúa Giêsu, cuộc đời mà người đã ôm lấy một cách tự ý chọn đã không phải dễ dàng. Không phải dễ dàng bởi vì người không luôn luôn hiểu ý nghĩa của nhiều biến cố trong cuộc đời của người. Câu trả lời mà Chúa lúc còn bé, trong Đền thờ, đã nói với người có nghĩa gì ? Chúa đã muốn nói gì khi một hôm. Chúa bảo người rằng Chúa không có anh em, chị em, cả mẹ nữa ? Không, người đã luôn luôn không hiểu, nhưng người gìn giữ tất cả những lời nói đó trong trái tim, điều đó có ý nói là người yêu mến Chúa đến tử nạn (cách đam mê) và Chúa là sự sống của người.
Đức Maria là yên lặng, là bình tĩnh, là chính sự nhập định (hoàn toàn thinh lặng bên ngoài và bên trong). Mẹ không nói nhiều, vì mẹ cũng là người lắng nghe tuyệt vời nhất và chính vì thế mà mẹ có thể gìn giữ biết bao lời nói của Chúa trong trái tim mẹ.
Những ai bình tĩnh, những ai lắng nghe, đều là con cái của Chúa Cha và làm theo ý Chúa. Đức Maria là mẹ của Chúa Con, là con gái của Chúa Cha, là hôn thê của Chúa Thánh Thần. Vâng, mẹ là người tuyệt vời biết lắng nghe, biết cầu nguyện, biết yên lặng. Mẹ cũng là người được tự do chọn, có lòng trong trắng, và vì thế mẹ được thấy Chúa. Vâng, chắc chắn là đức Maria đã được thấy Chúa bằng nhiều cách. Thường là một cách còn mờ như trong trong gương; khi có cơ hội có thể trong một mặc khải làm lóa mắt do tình yêu. Nhưng việc đó là chuyện chuyên biệt. Cái không phải chuyên biệt, chính là mẹ đã theo Chúa Kitô trong cuộc tử nạn của Chúa.
Khi ta nhìn kỹ cuộc tử nạn của Chúa Kitô (…) ta phải tự hỏi : tử nạn là gì ? Tử nạn và tình yêu nắm chặt tay nhau. Tử nạn làm chói sáng và lấp lánh tình yêu, đưa tình yêu lên đỉnh dốc đứng của những núi mênh mông ở trong trái tim mọi người nhưng chỉ có thể leo dần lên bởi những người yêu đến tử nạn. Gốc rễ của tử nạn là tình yêu, hoa quả của nó là tình yêu. Chúa Kitô đã yêu chúng ta đến tử nạn, và một trong số chúng ta đáp trả lại Chúa bằng một tình yêu đến tử nạn.
Tử nạn muốn nói cách chung về đau khổ. Không có chi lạ cả. Tình yêu và tử nạn không những nắm chặt tay nhau, không những leo lên những đỉnh dốc đứng của những núi, nhưng ôm ghì lấy nhau. Không có tình yêu nào không đau khổ và không có đau khổ nào không có tình yêu. Cái này không thể hiểu nổi được mà không có cái kia : tình yêu không đau khổ thì không thể hiểu được.
Đức Maria đã đi vào cuộc hôn nhân giữa tử nạn và tình yêu mà Chúa đã chấp nhận và nhờ đó Chúa đã cứu chuộc chúng ta. Có tấm lòng trong trắng, mẹ đã thấy Chúa. Mẹ đã theo Chúa, là Con của mẹ, đến chân thập giá và bên kia là đến nấm mồ. Cuộc tử nạn của mẹ đã là cảm thương. Mẹ đã chia sớt cuộc tử nạn của Con mẹ không những một cách thể lý mà cũng một cách thiêng liêng, cảm xúc, và bi thảm sâu xa nữa.
Ngồi dưới chân Đức Maria, nhìn mẹ với đôi mắt của trái tim, tôi hiểu rằng đó là trình bày cho mẹ một vấn đề tuyệt vời. Mẹ phải có đức tin để đón nhận lời loan báo đầu tiên của thiên sứ nói với mẹ rằng mẹ đầy ơn phúc và Chúa sắp sinh ra bởi mẹ. Đức Maria đã có đức tin ấy. Mẹ chấp nhận, do ý chí tự do riêng của mẹ, để làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đức tin của mẹ còn bị đặt vào thách đố khi, từ trên thập giá, mẹ nghe Chúa Giêsu nói : “Thưa bà, đây là con của bà !”, và Chúa nói với Gioan : “Đây là mẹ Con”. Một lần nữa người ta đòi mẹ điều không thể được – hoặc hầu như không thể được. Chúa Con đã đến để làm theo ý Cha Người đề nghị với đức Maria chính ý muốn của Chúa Cha.
Lúc đó Chúa nói rằng mẹ trở nên mẹ của nhân loại, và mẹ cũng phải thực hiện sự cảm thương không ngừng suốt dọc các thế kỷ, chẳng khác nào như Chúa đã thực hiện lòng thương xót của Chúa dọc theo các thời đại. Mẹ cũng thế, mẹ cũng phải tha thứ cho những ai hôm nay giết chết Con của mẹ và tha thứ cho tất cả những ai, sẽ giết chết Người lần nữa trong mỗi thế hệ. Sự cảm thương của đức Maria phải sinh hoa trái, hoa trái của tha thứ, và với cả hai nó trở lại giúp chữa trị nhân loại. Vâng (…) vai trò của Đức Maria đã xuất hiện cho tôi một cách rõ ràng hơn chút xíu.
Tôi nhớ lại nhiều người đã hỏi tôi rằng cảm thương là cái gì. Tôi nghĩ rằng lúc này tôi có thể trả lời họ. Cảm thương là đức Maria, đức Maria đã cảm nghiệm được cuộc tử nạn của Con mình mà không ai khác đã làm được. Mẹ đã cảm nghiệm sự cảm thương theo nghĩa riêng (đặc thù) – Mẹ đã dự phần vào cuộc tử nạn của Con mẹ. Mẹ đã chia sớt tình yêu đến tử nạn của mẹ cho nhân loại và cho loài người, và mẹ đã chia sớt đau khổ của loài người.
“Tình yêu đến tử nạn cho loài người” và “đau khổ”. Hai thực tại này giống như cái chén mà Chúa Cha trao cho Chúa Kitô và cho mọi người để uống : lúc đó họ sẽ hiểu là Chúa đã tha thứ cho họ. Sự tha thứ tự nó cũng là hoa trái của tình yêu. Tình yêu không thể tin nổi được, không thể hiểu nổi được của Chúa thì tràn đầy tha thứ. Chính cái chén đó cũng đã được trao cho đức Maria. Một cách nào đó, trong mầu nhiệm không thể tin nổi được của lối cư xử của Chúa đối với mọi người, chén đó đã được yêu cầu để người phụ nữ đó dự phần của mình vào tình yêu, vào đau khổ, vào tha thứ và vào việc chữa trị mà Con của mẹ đã trải nghiệm trên thập giá.
Bởi vì đức Maria đã đón nhận vai trò này, nếu đúng là một vai trò, mẹ đã trở thành mẹ của mọi người, và mọi người đã hiểu rằng họ không thể trải qua cuộc đời mà không có mẹ. Mọi người đều cần đến những người khác, và trên hết mọi sự, họ cần đến một con người âu yếm, cảm thương, chuyên tâm. Họ cần một phụ nữ có thể dạy họ biết tha thứ bởi vì mẹ đã tha thứ hết mình. Mẹ đã tha thứ cùng với sự tha thứ của Con mẹ. Vâng, điều này có thể đem lại sự chữa trị cho họ, bởi vì thật ra không ai có thể chữa trị như một người phụ nữ đã làm.”
Catherine de Hueck Doherty,
Le desert au Coeur des villes : Poustinia, Paris, Le Cref 1976

Ngày mai, 15 tháng 9, chúng ta mừng lễ đức Maria, Mẹ cảm thương. Những dòng này của cha Thomas Dehau (1870-1956), dòng Đaminh, giúp chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Đức Maria dưới chân Thập giá và đến lượt chúng ta đi vào thái độ của mẹ.
“Thánh Trinh nữ xuất hiện cho chúng ta trong lễ hôm nay như người có thái độ phải có đối với thập giá, và chúng ta thật ra khó mà có thái độ đó được. Thái độ này được diễn tả bởi hai từ của Phúc âm thánh Gioan : stabat là đứng, juxta là gần. Mẹ ở rất gần thập giá, và mẹ đứng. Trước hết phải ở rất gần thập giá; không được làm như các tông đồ khác đứng, nhưng ở xa ...
Có hai người đứng được Phúc âm diễn tả cho chúng ta. Có người của Phúc âm thánh Gioan, là Phúc âm thân mật : stabant juxta là họ đứng. Có người ở rất gần, rất gần thập giá là đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, bà Maria Cléophas, bà Maria-Mađalêna và người môn đệ yêu dấu, nghĩa là các thánh. Các thánh sử khác, có lẽ ở vùng ngoại biên xa hơn thánh Gioan, họ thấy được tốt hơn cái gì dễ thấy theo cách loài người, cái gì gần hơn với các giác quan chúng ta nhưng lại ít gần với cái tuyệt đối, các thánh sử khác nói cho chúng ta rằng : stabant a longe là họ đứng ở xa xa. Như vậy có những người đứng, nhưng ở xa. Đó là các tông đồ khác; và đó đã là đau khổ cho họ vì đứng ở xa…
Cần phải có cả hai : vừa phải ở rất gần thập giá, và vừa phải đứng. Đứng, bởi vì là thái độ can đảm và bởi vì đứng như thế thì gần Chúa chúng ta hơn. Nếu các bạn ở gần thập giá mà không đứng, lại quỵ xuống chẳng hạn, lại suy sụp, các bạn cũng ở gần chính thập giá, gần chân thập giá; nhưng các bạn lại sẽ ở xa Chúa chúng ta hơn nhiều vì Chúa không chạm đất, các bạn ở xa hơn trái tim Chúa. Bởi vì việc trên hết là phải ở gần Chúa chúng ta và dầu như chúng ta không muốn ở gần thập giá hơn là ở gần Chúa, thì nhất thiết phải đứng.
Thật rất khó để hợp nhất hai việc này. Không khó lắm để đứng xa thập giá, như các tông đồ khác. Có thể là vẫn đứng khi ta nhìn xem từ xa những việc đó, khi ta không đến gần quá. Cũng thế, có người ở gần thập giá, hoặc là họ tìm đến thập giá, hoặc là Chúa gây bạo lực thánh thiện cho họ. Có thế nói họ chỉ ở rất gần thập giá để đứng thôi; họ cũng không thể chịu đựng được sự ở gần kề này và nhất là sự tiếp xúc kinh khủng này. Việc juxta (ở gần) làm hại cho việc stabat (đứng). Họ ở xa, quá gần với đất và trong mức độ họ bị suy sụp, mà mọi sự xuống thấp trong họ, họ không ở gần hơn với Chúa chúng ta mấy. Vì thế các nhà thần học lớn chống đối rất mạnh mẽ các họa sĩ đã vẽ Thánh nữ Đồng trinh ngất xỉu ở chân thập giá hoặc phải cần được nâng đỡ bởi người này hay người kia. Họ nói : không, không thể như thế được. Bởi vì thánh nữ Đồng Trinh quỵ xuống như thế sẽ ít gần với Chúa chúng ta hơn; mẹ đã mất đi dù là một vài phân để được gần Chúa. Và mẹ không bao giờ chấp nhận như vậy ! Vả lại như thế là chống lại lời Kinh Thánh nói với chúng ta rằng mẹ Chúa Giêsu đứng: stabat.
Trong bài Stabat, bài ca tiếp liên tuyệt diệu của ngày lễ hôm nay, nơi mà tất cả mọi sự đều được diễn tả cách tuyệt vời, hãy lưu ý rằng người ta đòi hỏi cách chính xác là phải đứng ở chân thập giá. Và người ta chỉ cho biết cách duy nhất cho Kitô hữu. Cách duy nhất đó là ở cùng với Thánh nữ Đồng Trinh: Juxta crucem tecum stare (cùng với mẹ đứng gần thập giá)
Tôi ở đó, đứng gần thập giá với mẹ, ôi đức Maria !
Ba lời : stabat juxta đứng gần (đây là lời của thánh Gioan ) et tecum, và với mẹ (đây là lời lướt đi giữa hai lời khác trong phụng vụ). Không bao giờ các bạn sẽ hợp nhất được hai việc này : ở rấtgần thập giá và đứng, nếu không phải là với đức Maria và trong đức Maria. Một số người theo lạc giáo đã muốn ở rất gần thập giá mà không có thánh nữ Đồng Trinh, vì họ không ở đó lâu được, tôi xin các bạn tin điều này ! … Người ta chỉ có thể như thế nhờ mẹ và trong mẹ. Không ai có thể làm khác được. Thập giá quá khủng khiếp. (…)
(…) Chúng ta hãy nhớ hai lời này của hôm nay: stabat Mater, mẹ đứng. Hai lời này được hợp nhất một cách thân thiết nhất. Mẹ đã đứng vì mẹ là mẹ, mẹ của Chúa Giêsu chết và mẹ của tất cả chúng ta. Mẹ đã đứng để là gạch nối giữa hai tư cách là mẹ. Đầu và trái tim mẹ ở rất cao, chính xác là để ở rất gần Con của mẹ; và đôi chân mẹ chạm trái đất của chúng ta là để ở rất gần chúng ta cũng là con cái của mẹ.
Khi chiêm ngắm tất cả sự đó các bạn hiểu tại sao hai stabat của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại sao hai stabat này chỉ làm thành một khiến cho có lời ecce mater tua : đây là mẹ con …
(…) mẹ đứng vì mẹ là mẹ, và người mẹ này nhất thiết phải đứng. Lúc đó Chúa Giêsu có thể nói : “Đây là mẹ con” và đức Maria có thể nói : “Tôi sẽ kéo tất cả về tôi như là người mẹ …”


Lectio Divina: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
Thứ Ba, 15 Tháng 9, 2015
Mùa Thường Niên
Ga 19:25-27

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng,
Đấng tạo dựng trời đất và là Đấng chỉ đường của chúng con,
Nguyện xin cho chúng con có thể phụng sự Chúa với tất tấm lòng chúng con
Và biết được lòng khoan dung của Chúa trong đời sống chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Chúa,
Đáng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Ga 19:25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clôpas, và Maria Mađalêna.  Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:  “Thưa Bà, này là Con Bà”.  Rồi Người lại nói với môn đệ:  “Này là Mẹ con”.  Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

3.  Suy Niệm 

-  Hôm nay, lễ Đức Mẹ Sầu Bi của chúng ta, bài Phúc Âm trong ngày trình bày đoạn Tin Mừng trong đó Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và người Môn Đệ Chúa Yêu, gặp nhau tại đồi Canvê, trước Thập Giá.  Mẹ Chúa Giêsu xuất hiện hai lần trong sách Tin Mừng Gioan:  tại đầu sách, ở tiệc cưới Cana (Ga 2:1-5), và tại cuối sách, dưới chân Thập Giá (Ga 19:25-27).  Trong hai cảnh này, chỉ có trong Tin Mừng Gioan, có một giá trị rất sâu sắc.  Tin Mừng Gioan, so với ba sách Tin Mừng kia, thì giống như một tấm hình quang tuyến X của ba sách kia, trong khi ba sách ấy chỉ làm một bức ảnh chụp lại những gì đã xảy ra.  Tấm ảnh quang tuyến X của đức tin giúp khám phá trong các khía cạnh sự kiện mà con mắt người phàm không thể cảm nhận được.  Tin Mừng của Gioan, ngoài việc mô tả các sự kiện, còn mặc khải khía cạnh biểu tượng hiện hữu trong đó.  Vì vậy, trong cả hai trường hợp, tại tiệc cưới Cana và dưới chân Thập Giá, Mẹ Chúa Giêsu đại diện tượng trưng cho Cựu Ước đang trông chờ Tân Ước xuất hiện, và trong cả hai trường hợp, Bà góp phần vào sự xuất hiện của Tân Ước.  Đức Maria xuất hiện như là gạch nối giữa những gì hiện hữu trước và những gì xuất hiện sau đó.  Tại Cana, Đức Mẹ là tượng trưng cho Cựu Ước; Mẹ nhận ra được những giới hạn của Cựu Ước và khởi xướng để cho Tân Ước xuất hiện.  Thân mẫu Chúa Giêsu nói với Người:  “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2:3).  Và trên đồi Canvê thì sao?  Chúng ta hãy xem:       

-  Ga 19:25:  Đức Mẹ và người Môn Đệ Chúa Yêu, cùng ở dưới chân Thập Giá. Đây là những gì Tin Mừng đã viết:  “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clôpas, và Maria Mađalêna”.  “Bức ảnh” cho thấy Đức Mẹ cùng với Chúa Con, đang đứng.  Người phụ nữ kiên cường, người không cho phép mình bị nản chí.  “Đức Mẹ Sầu Bi!”  Đức Mẹ là sự hiện diện lặng lẽ hỗ trợ cho Chúa Con trong món quà thí mạng sống mình cho đến chết, và chết trên thập giá (Pl 2:8).  Nhưng “bức hình quang tuyến X” của đức tin cho thấy Tin Mừng chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước diễn ra như thế nào.  Giống như đã xảy tại Cana, Mẹ Chúa Giêsu đại diện cho Cựu Ước, một nhân loại mới được bắt đầu hình thành từ kinh nghiệm sống của Tin Mừng Nước Trời.  Vào cuối thế kỷ thứ nhất, một số Kitô Hữu đã nghĩ rằng Cựu Ước không còn cần thiết nữa.  Thực ra, vào đầu thế kỷ thứ hai, phái Marciones đã bác bỏ mọi Cựu Ước và chỉ giữ lại một phần của Tân Ước.  Đây là lý do tại sao nhiều người muốn biết đâu là ý muốn của Chúa Giêsu về việc này.   

-  Ga 19:26-28:  Lời Di Chúc hay là Ý Muốn của Chúa Giêsu.  Những lời của Chúa Giêsu thì đầy ý nghĩa.   Trông thấy Mẹ mình, và bên cạnh có Môn Đệ Chúa Yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ:  “Thưa Bà, này là Con Bà”.  Rồi Người lại nói với môn đệ:  “Này là Mẹ con”.  Tân Ước và Cựu Ước phải cùng đồng hành với nhau.  Lời yêu cầu của Chúa Giêsu, người Môn Đệ Yêu Dấu, người con, Tân Ước nhận lãnh Bà về nhà mình.  Trong ngôi nhà của người Môn Đệ Chúa Yêu, trong cộng đoàn Kitô Hữu, ý nghĩa đầy đủ của Cựu Ước được khám phá.  Tân Ước không thể được hiểu hết ý nếu không có Cựu Ước, cũng như Cựu Ước sẽ không trọn vẹn nếu không có Tân Ước.  Thánh Augústinô đã nói:  “Novum in Vetere latet, Vetus in Novo patet” (Trong Tân Ước có tiềm ẩn Cựu Ước.  Trong Cựu Ước có Tân Ước đơm bông).  Tân Ước không có Cựu Ước thì sẽ giống như một tòa nhà mà không có nền móng.  Và Cựu Ước không có Tân Ước thì sẽ giống như một cây ăn quả mà không đơm hoa kết trái.  
                                                                                                                                                                                
-  Đức Maria trong Tân Ước.  Tân Ước nói rất ít về Đức Maria và ngay cả Bà còn nói ít hơn nữa.  Đức Maria là Đức Mẹ của sự im lặng.  Kinh Thánh chỉ ghi lại bảy lời nói của Đức Maria.  Mỗi lời ấy giống như một cánh cửa sổ cho phép người ta nhìn vào bên trong căn nhà của Đức Maria và khám phá ra mối quan hệ của Bà với Thiên Chúa như thế nào.  Chìa khóa để hiểu được tất cả điều này đã được thánh Luca cho biết:  “Phúc thay cho kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:27-28).
Lời thứ nhất:  “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1:34).
Lời thứ hai:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).
Lời thứ ba:  “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa; thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1:46-55).
Lời thứ tư:  “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48).
Lời thứ năm:  “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2:3).
Lời thứ sáu:  “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!” (Ga 2:5).
Lời thứ bảy:  Sự im lặng dưới chân Thập Giá, hùng hồn hơn cả ngàn lời nói! (Ga 19:25-27).

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

-  Đức Maria dưới chân Thập Giá.  Một người phụ nữ kiên cường và lặng lẽ.  Lòng tôn kính của tôi đối với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, như thế nào?
-  Trong tác phẩm Pieta của điêu khắc gia Michelangelo, Đức Maria trông có vẻ rất trẻ, trẻ hơn Chúa Con chịu đóng đinh, và bà phải trạc độ năm mươi tuổi.  Khi được hỏi lý do tại sao ông đã điêu khắc khuôn mặt Đức Maria như một thiếu nữ, ông Michalangelo đã trả lời:  những người có lòng tha thiết với Thiên Chúa thì không bao giờ già đi!”  Lòng đam mê vì Thiên Chúa!  Lòng đam mê đó vì Thiên Chúa có đang ở trong tôi không?

5.  Cầu nguyện:

Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,
Và thi thố trước mặt phàm nhân
Cho ai tìm đến Ngài nương náu.

Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng
Khỏi người đời mưu hại.
Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi.
(Tv 31:20-21)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét