02/10/2016
Chúa Nhật tuần 27 thường niên năm C
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
(phần I)
Chúa Nhật 27 Quanh Năm Năm C
Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4
"Người công chính sẽ sống
được nhờ trung tín".
Trích sách Tiên tri Khabacúc.
Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến
bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu
con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất
lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.
Chúa đáp lại tôi rằng: "Hãy
chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ
còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên
với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến,
không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống
nhờ trung tín".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi
đừng cứng lòng!" (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy
reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời
ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và
sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là
Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
- Ðáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe
tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Meriba, như hôm ở Massa trong khu rừng
vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta; họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy
công cuộc của Ta. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14
"Con chớ hổ thẹn làm chứng
cho Chúa chúng ta".
Trích thư thứ hai của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Con thân mến, cha khuyên con hãy
làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng,
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh,
bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha
nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng,
nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
Con hãy lấy những lời lành lẽ phải,
con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô.
Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và chúng theo Ta". -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 5-10
"Nếu các con có lòng
tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, các Tông đồ thưa với
Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền
phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến
cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các
con.
"Ai trong các con có người
đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: 'Mau lên,
hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng: 'Hãy lo dọn bữa tối cho
ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống'.
Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy
không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi
điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: 'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng,
vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm'".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Làm việc với lòng tin
Ðời sống tôn giáo và đạo đức của
chúng ta hiện nay là đời sống đức tin. Tùy như lòng tin của chúng ta mạnh hay yếu,
sâu xa hay nông cạn, bao quát hay hạn hẹp, mà đời sống đạo của chúng ta tăng
trưởng hay suy kém, đậm đà hay hời hợt, toàn diện hay cục bộ. Ý thức về vai trò
trọng yếu của đức tin như thế, chúng ta luôn nên bắt chước các tông đồ ngày xưa
cầu xin với Chúa Giêsu rằng: Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con. Và các
bài đọc hôm nay gợi ý với chúng ta phải gia tăng đức tin về những mặt nào trong
đời sống.
1. Phải Có Ðức Tin Ðể Hiểu Biết
Hoàn Cảnh
Trước tiên có bài sách Habacuc.
Nhà tiên tri sống khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Ðó là thời của những
đại tiên tri như Giêrêmia và Êzêkien. Ðó cũng là buổi nước Giuđa trải qua nhiều
hoàn cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu, ngoại giáo xâm nhập, đạo đức đảo
điên. Bên ngoài, sức ép của các lân quốc càng ngày càng mạnh và càng gần. Ðặc
biệt một cuộc xâm lấn võ trang của đế quốc Babylon dường như là một việc không
tránh nổi.
Các tiên tri còn nhìn thấy hoàn
cảnh rõ ràng hơn. Thiên Chúa đã sai các người đến cảnh cáo triều đình, hàng tư
tế và toàn dân. Nếu họ không hồi tâm trở về với Thiên Chúa bằng cách giữ các lệnh
truyền của Người, đất nước của họ sẽ bị giày xéo, bản thân họ sẽ bị lưu vong,
và đền thờ sẽ bị tàn phá. Mặc cho các tiên tri cao giọng và thống thiết kêu gọi,
rất ít nỗ lực cải thiện đời sống. Rõ ràng sự phải đến sẽ đến. Các hình phạt của
cơn lôi đình Thượng đế sẽ ập xuống. Toàn thể sẽ bị tiêu diệt, chỉ trừ một số nhỏ
sống sót sẽ được Thiên Chúa dùng lại làm mầm mống cho một dân mới và một tôn
giáo mới, trung tín và nội tâm hơn.
Các tiên tri đã nhìn thấy hoàn cảnh
như vậy. Các người chấp nhận sống các thử thách chính đáng. Nhưng khi các sự việc
xảy ra, nhiều tiên tri có những tâm tư bất ổn. Tác giả sách Habacuc là một. Ít
ra ông đã viết lại các tâm tư này và tìm lời giải đáp. Tác phẩm của ông và
riêng bài sách hôm nay giống như một đối thoại giữa con người và Thiên Chúa về
các diễn biến lịch sử. Tuy đây là lịch sử của nước Giuđa và đã xa rồi, nhưng vì
cũng là lịch sử thánh, biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, nên luôn còn giá trị đạo
đức cho dân tín hữu. Chúng ta có thể nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người ở mọi thời,
và theo những mức độ khác nhau, trong cuộc đối thoại này.
Nhà tiên tri bắt đầu nói lên các
tâm tư của mình. Ông đang sống trong thử thách mà tội lỗi của dân cứng cổ đã
gây ra. Ông chấp nhận hoàn cảnh hiện tại như là roi trừng phạt của Thiên Chúa
muốn cải hóa con cái mình. Nhưng thú thực các đau khổ dài quá rồi. Là vì chúng
ta biết cuộc lưu đày Babylon lâu khoảng 70 năm. Do đó mới có câu đầu tiên trong
bài đọc hôm nay: "Lạy Chúa tôi kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không
nghe". Ðó là tiếng kêu của kẻ hầu như sắp hết chịu nổi các khổ cực đang
giáng xuống mình. Nhưng đó chỉ mới là một chiều kích của thử thách. Còn khía cạnh
khác não nuột hơn nữa. Càng ngày cây roi của Thiên Chúa càng tỏ ra lạnh lùng, nếu
không muốn nói là kỳ quái. Những kẻ xâm lấn càng ngày càng để lộ ra bộ mặt quái
gở. Bọn họ đâu có xứng hơn dân bị phạt? Gian ác, lao khổ, cướp bóc, bất lương
phơi ra trước mặt. Công lý tỏ tường như vậy, mà kẻ đối nghịch vẫn thắng! Thiên
Chúa có tỏ ra công chính không khi dùng cây roi như vậy? Hình phạt muốn sửa trị,
nhưng kẻ đánh phạt lại còn đáng sửa trị hơn. Thiên Chúa nghĩ thế nào? Nhà tiên
tri có lý để thốt ra: "Tôi bị ức hiếp kêu lên cùng Chúa mà Chúa không cứu
tôi sao?".
Nhiều khi chúng ta có thể đồng ý
với nhà tiên tri để nói lên những lời như thế. Niềm tin của con người lắm khi phải
khủng hoảng. Tại sao cuộc đời của con người lại khổ lâu như thế này? Nói rằng
do tội lỗi ư? Nhưng những cây roi đang đè nặng trên thân xác con người cũng
không xứng đáng hơn người bị đánh. Ấy là chưa muốn nói: Sự thật còn tệ hơn! Bài
sách Habacuc diễn tả tâm tư của con người trong nhiều hoàn cảnh thử thách,
không xa lạ nhiều đối với chúng ta.
Nhưng các nhà tiên tri không phải
chỉ biết nói lên những điều về thân phận con người. Ðặc sắc của các tiên tri là
còn biết nhận ra các phán quyết của Thiên Chúa. Các người hướng dẫn chúng ta
khám phá quan điểm và lối nhìn của Thượng đế. Habacuc đã làm công việc này
trong phần để cho Thiên Chúa trả lời các tâm tư của người tín hữu đau khổ.
Người truyền cho nhà tiên tri cầm
cây viết, ghi trên bảng thánh quyết của Người cho thiên hạ dễ đọc thấy, để họ
tin chắc chắn. Người sẽ vứt bỏ kẻ bất chính và ban sự sống thật cho người tín
nghĩa.
Ðó là điều Người đã quyết định,
đã từng nói trước cần phải viết ra, ghi sâu vào bảng đá. Người đã nói và Người
sẽ làm. Người không tuyên bố gì mà lại không xảy ra. Chữ viết và bảng đá để làm
chứng. Nếu người ta chưa thấy xảy ra, thì cứ đợi chờ; chắc chắn sẽ xảy đến, chẳng
còn bao lâu nữa. Kẻ không tin sẽ phải bẽ bàng, còn ai tín nghĩa sẽ nhận được sự
sống thật.
Do đó đời sống đức tin luôn luôn
là một sự lựa chọn: lựa chọn tin hoặc không tin Lời Thiên Chúa. Ai tin là người
tín nghĩa, còn kẻ không tin sẽ vứt bỏ Lời Người và cậy dựa vào các an ủi của trần
gian mau qua.
Thật ra, đứng trước lời tuyên sấm
của Habacuc, đa số người Do Thái, ngay cả trong đám lưu vong đã không lựa chọn
niềm tin. Họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải quyết tức khắc các vấn đề theo
suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà chỉ muốn dùng Người phục vụ
các tham vọng ích kỷ của họ. Như vậy Thiên Chúa đâu còn là Thiên Chúa. Những
người có đức tin trái lại công nhận các giới hạn của con người nên phó thác tất
cả trong tay Chúa. Họ tin lời Người. Họ chỉ lo giữ tín nghĩa. Họ chắc chắn
Thiên Chúa là Ðấng Trung thành. Người không thể lừa dối ai. Cuộc đời của những
người suy nghĩ như vậy mới là sống đức tin. Chứ những người không muốn chờ đợi
gì cả thì còn tin cái gì?
Tiên tri Habacuc hôm nay đã dạy
chúng ta bài học sơ đẳng này. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta có chấp
nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, hay chúng ta muốn bắt Người chiều theo ý chúng
ta? Chúng ta có tin rằng kẻ bất chính sẽ lụn bại và người tín nghĩa sẽ được sống
không? Có lẽ nhiều khi chúng ta phải bắt chước các tông đồ xưa, "Xin Chúa
ban thêm lòng tin cho chúng con!".
2. Phải Có Ðức Tin Ðể Làm Việc
Và Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu
xin của các tông đồ. Người không nói sẽ ban thêm lòng tin cho các ông. Người
đáp trả bằng việc: khơi thêm lòng tin ấy. Người nói để các ông tin thêm nữa.
Người bảo: Nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì dầu các ngươi có bảo cây
dâu này: "Hãy bứng rễ này đi mà xuống mọc dưới biển", nó cũng sẽ vâng
lời các ngươi. Chúng ta ngày nay gọi lòng tin như thế là lòng tin chuyển núi dời
non. Nhưng có lẽ chúng ta chú trọng đến hiệu quả công việc mà không chú ý đến
chính việc làm. Chúng ta chờ có thể sai bảo được núi non. Chúng ta muốn thấy
cây dâu nghe lời chúng ta mà bứng rễ nó đi mà xuống mọc dưới đáy biển. Nhưng
chúng ta lại ít muốn làm việc với lòng tin. Tôi thiển nghĩ ở đây Chúa muốn nói
rằng chúng ta cứ lấy lòng tin mà làm việc đi thì rồi chúng ta sẽ thấy những kết
quả lạ lùng. Chúng ta muốn có kết quả này trước khi thi hành việc Chúa truyền dạy,
thế nên chúng ta chưa thấy Lời Chúa là chân lý và là sức mạnh.
Vậy Chúa muốn chúng ta có lòng
tin mà làm việc, làm tất cả công việc mà phận sự đòi buộc. Và vì đa số chúng ta
chẳng làm gì trong xã hội, huống nữa là ở trước mặt Chúa, nên Người đã nói thêm
một hình ảnh. Người đầy tớ trong nhà làm việc thế nào? Anh ta làm hết công việc
cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong nhà. Anh không đòi được trả
công tức khắc. Lòng tín nghĩa bảo anh làm hết mọi công việc đã phân chia cho
anh. Mặc nhiên anh chắc chắn chủ sẽ thi hành phận sự của chủ.
Người có đức tin cũng phải như vậy.
Họ sống đúng chức năng khi làm việc hết khả năng theo như phận sự đòi buộc; và
dành quyền xét xử cho Thiên Chúa. Và làm như vậy, họ sẽ thực hiện được những điều
lạ lùng. Họ đã phát huy hết khả năng của họ và nhìn lại họ thấy chính nỗ lực đã
đạt được những kết quả phi thường. Ðang khi ấy có nhiều người phí sức sống
không nỗ lực theo khả năng của mình và cứ ngồi than thân trách phận, kêu ca người
khác và dĩ nhiên phàn nàn cả Thiên Chúa nữa. Hạng người này sẽ không bao giờ thấy
khả năng "chuyển núi dời non". Hạng người trên luôn thấy rõ lòng tin
khiến họ làm được nhiều kỳ diệu.
Muốn nói cho hết, thiết nghĩ nên
gợi đến nếp sống của một hạng người thứ ba. Họ làm việc, họ cố gắng, họ tưởng sức
mình có thể dời núi chuyển non. Họ tin vào mình mà không tin vào Chúa. Các
thành quả của họ đạt được chẳng là gì trong một lịch sử chung. Cuối cùng họ
cũng chỉ thấy mất mát. Ðang khi công việc của người tín hữu, luôn đem lại bình
yên thoải mái.
Như vậy lòng tin thật là cần thiết,
không những trong các hoàn cảnh éo le như bài học thứ nhất gợi lên, mà ngay
trong đời sống hằng ngày để làm mọi công việc theo chức năng và ơn gọi. Ðiều
này khiến chúng ta thấy lời Phaolô nhắn nhủ chúng ta qua Timôthê rất thực tế.
3. Hãy Làm Sống Lại Ơn Thiên Chúa
Phaolô gọi Timôthê là "người
con chính tông trong đức tin" (Tim 1,2). Hầu chắc vì chính người đã đưa
ông vào đạo. Người còn gọi ông là "người con chí ái", vì trong số những
người gắn liền cuộc đời với người, Timôthê xem ra được người ái mộ hơn cả.
Không những người đem ông theo trong các cuộc hành trình truyền giáo, mà còn ủy
thác cho ông nhiều sứ vụ quan trọng và tế nhị. Người giữ ông ở bên khi viết nhiều
thư gởi các giáo đoàn, dùng ông là thư ký, và khi ở xa nhau người đã viết cho
ông hai thư riêng. Ðó là điều hy hữu. Bức thư thứ hai này, có lẽ người đã viết
từ Rôma, khi bị xiềng xích vì Tin Mừng.
Chắc chắn việc Phaolô bị tù ngục
đã làm "người con chí ái" thật khổ sở. Nhất nữa Timôthê là con người
có sức khỏe mong manh và tính tình nhút nhát, dè dặt. Phải nói rằng việc Phaolô
bị bắt giải sang Rôma làm cho Timôthê rụng rời, chẳng còn muốn hoặc chẳng còn
có thể làm gì nữa. Tông đồ Phaolô là người Cha chí ái phải viết cho đứa con
chính tông trong đức tin của mình bức thư thứ hai này.
Bối cảnh ấy làm cho chúng ta hiểu
rõ lời thư Phaolô khuyên Timôthê hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa ban xuống cho
ông qua việc người đặt tay ban sứ vụ tông đồ cho ông. Ơn ấy là Thánh Thần dũng
mạnh để ông sống và truyền bá Tin Mừng. Thế thì vì sao ông lại hổ thẹn trong
hoàn cảnh hiện tại? Dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, ông đừng đau khổ vì xiềng
xích của Phaolô nhưng hãy chia sẻ cam khổ với Người. Hãy dựa vào Thánh Thần mà
giữ lấy kho tàng tốt đẹp đức tin đã lãnh nhận và tiếp tục sứ vụ tông đồ. Như vậy
bài thư Phaolô tóm tắt cả hai bài Kinh Thánh trước đây. Ðó là những lời khuyên
ta trong hoàn cảnh khó khăn . Ðừng đánh mất niềm tin; nhưng hãy dựa vào Thánh
Thần dũng mạnh mà tiếp tục sứ vụ và ơn gọi để thấy lòng tin có sức chuyển núi dời
non và con người tín nghĩa luôn được sự sống thật.
Trong cộng đoàn chúng ta đây, ai
không thấy mình nhiều ít cần thêm lòng tin. Chúng ta cần cầu xin như các tông đồ
ngày trước. Nhưng cũng cần nhớ lời thánh Phaolô: Hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa
ban khi nhận được đức tin. Ðó là ơn Thánh Thần dũng mạnh để giữ tín nghĩa trong
mọi thử thách và để nhiệt thành tiếp tục ơn gọi và làm mọi công việc của phận sự
cho dù hoàn cảnh có trái nghịch. Ơn Thánh Thần luôn còn được ban thêm một cách
đặc biệt trong thánh lễ, nơi Chúa Giêsu Kitô bày tỏ sức mạnh phục sinh qua Mầu
nhiệm Thập giá. Hãy tin tưởng cử hành thánh lễ hôm nay và mọi ngày để hằng ngày
được thêm ơn Thánh Thần làm sống lại mạnh mẽ niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận,
hầu luôn phấn khởi phấn đấu trong cuộc sống.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 27 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Hab 1:2-3; 2:2-4; 2 Tim 1:6-8,
13-14; Lk 17:5-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn và trung thành bước theo đường lối của Thiên Chúa.
Khi chứng kiến những bất công
hay tai nạn xảy ra cho người vô tội, con người thường hay đặt những câu hỏi có
khuynh hướng nghi ngờ uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Ví dụ, biến cố
9/11, cơn bão Katrina, hay trận động đất tại Haiti, nhiều người đặt 2 câu hỏi:
(1) Nếu một Thiên Chúa uy quyền, Ngài phải ngăn cản không cho những chuyện đó xảy
ra; nếu Ngài không thể ngăn cản, Ngài không có uy quyền. (2) Nếu Ngài có uy quyền
mà không ngăn cản những chuyện đó đừng xảy ra, Ngài là một Thiên Chúa quá ác. Cả
hai lý do đều là cớ cho họ không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa nữa!
Các bài đọc hôm nay tập trung
trong 3 thái độ đe dọa đức tin cho các tín hữu và những lời khuyên cần thiết để
thoát khỏi. Trong bài đọc I, con người thường có khuynh hướng bắt Thiên Chúa phải
làm ngay. Khi ngôn sứ Habakkuk chứng kiến những cảnh bất công xảy ra cho người
lành, ông thắc mắc tại sao Thiên Chúa không ra tay tiêu diệt bọn ác nhân! Thiên
Chúa trả lời: Chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, bổn phận của con người là phải
kiên nhẫn chờ đợi với lòng trung thành. Thiên Chúa có thời gian của Ngài, con
người không được bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Trong bài đọc II, Phaolô khuyên
môn đệ Timothy phải kiên nhẫn chịu đau khổ vì Tin Mừng, vì ông đã được Thiên
Chúa chuẩn bị để làm chuyện đó. Khi con người mất kiên nhẫn chờ đợi và không
trung thành làm theo ý Thiên Chúa, họ sẽ tự giải quyết lấy theo kiểu của họ, và
sẽ phải mang lấy hậu quả khốc hại muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên
các môn đệ phải biết thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa để đừng đòi quyền
lợi như: nếu làm điều này thì phải được Thiên Chúa thưởng công cái này. Tất cả
đều là ân huệ Thiên Chúa ban, khi con người đã chu toàn tốt lành mọi bổn phận,
con người vẫn chỉ là những người đầy tớ giả sử phải làm những việc được trao
phó cho mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.
1.1/ Sao Ngài lặng thinh khi kẻ
gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?
Tiên tri Habakkuk có lẽ họat động
đồng thời với tiên tri Nahum, trong thời gian từ 640-598 BC, thời kỳ lưu đày của
Israel bên Assyria. Lý do vương quốc Israel bị thất thủ và vua quan cùng dân
chúng bị lưu đày là tội bất trung với Chúa chạy theo các thần ngoại như tiên
tri Hosea đã tuyên cáo, và tội bất công chèn ép dân nghèo như tiên tri Amos đã
tuyên cáo.
Tiên tri Habakkuk đã mất
kiên nhẫn chờ đợi khi thấy Assyria tội lỗi hơn Israel, tại sao Chúa lại
để những đứa ác nhân như thế mặc sức chà đạp Dân Chúa và ông đặt câu hỏi với
Thiên Chúa: “Từ muôn thuở, Ngài chẳng là Đức Chúa, là Thiên Chúa con thờ, là Đức
Thánh của con, là Đấng Bất Tử sao? Lạy Đức Chúa, chính vì để xét xử mà Ngài đã
đặt dân ấy lên. Lạy Đức Chúa là đá tảng, chính vì để thi hành án phạt mà Ngài
đã cho nó được mạnh sức. Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền không thể chịu được
điều gian ác, Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn
quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực
hơn mình?”
1.2/ “Ai không có tâm hồn ngay thẳng
sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của
mình."
Habakkuk, cũng như Job, muốn hiểu
lý do tại sao Chúa lại làm như thế. Ông nói: “Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng
gác trên tường luỹ canh chừng xem Người nói với tôi điều gì và đáp lại nỗi bất
bình của tôi ra sao!” Và Đức Chúa trả lời và nói với Habakkuk: "Hãy viết lại
thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. Đó là một thị kiến
sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không
làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó
cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.”
Chúa có chương trình và thời giờ
của Chúa, Ngài không cần ai làm cố vấn cho Ngài. Chúa có thể dùng kẻ gian ác
như Assyria như cái roi để sửa phạt Israel, Ngài cũng có thể dùng quân thù khác
để trừng trị kẻ cầm roi, như Ngài sẽ dùng Babylon để sửa phạt Assyria. Con người
có tội không có quyền để tra vấn Chúa, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi trong đức
tin ngày Chúa cất đi những hình phạt cho mình: “Này đây, ai không có tâm hồn
ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín
của mình."
Người nào mất kiên nhẫn rồi sinh
ra bất bình với Thiên Chúa và không tin tưởng và đi theo đường lối của Ngài nữa,
người ấy sẽ bị ngã gục và lãnh hình phạt của những kẻ bất lương.
Người nào kiên trì trong đau khổ
và nhất quyết bước theo đường lối của Thiên Chúa, người đó sẽ sống và sẽ nhìn
thấy sự công thẳng của Thiên Chúa.
2/ Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
2.1/ Thiên Chúa đã trang bị cho con
người đầy đủ để sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Thiên Chúa không bao giờ bắt con
người làm chuyện không thể, khi muốn con người làm chuyện gì, Ngài ban đầy đủ
ơn thánh qua các bí tích để con người có thể làm chuyện đó. Trong trình thuật
hôm nay, Phaolô nhắc nhở cho môn đệ Timothy những gì Thiên Chúa đã ban cho ông
trong ngày lãnh nhận chức Giám-quản (episcopos): “Tôi nhắc anh phải khơi
dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên
anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở
nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình
thương, và biết tự chủ.”
Thánh Thần của Thiên Chúa đã ban
cho Timothy những ơn thánh sau đây qua việc đặt tay của Phaolô: (1) Ơn sức mạnh
để sống và làm chứng cho sự thật. Lãnh đạo một giáo đoàn đòi Timothy phải có sức
mạnh để dám sống và làm chứng cho sự thật giữa bao đe dọa của các thế lực ma quỉ
và của thế gian. (2) Tình yêu (agapê) đến từ Thiên Chúa để ông sẵn sàng
hy sinh cho đoàn chiên. (3) Tự chủ hay tự kỷ luật: Đây là nhân đức cần thiết
cho mọi người, đặc biệt cho các nhà lãnh đạo, vì họ phải đương đầu với rất nhiều
cám dỗ và phải nêu gương sáng cho các tín hữu.
Tất cả các nhân đức này được ban
cho Timothy là để ông sống và làm chứng cho Tin Mừng. Phaolô khuyên Timothy: “Vậy
anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi,
người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng
khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”
2.2/ Chịu đau khổ vì Tin Mừng: Khi phải đương đầu với đau khổ, con người dễ mất kiên nhẫn và niềm
tin của họ vào Thiên Chúa. Phaolô cũng nhắc nhở cho Timothy hai lý do tại sao
ông phải kiên nhẫn trung thành với Tin Mừng:
(1) Trọng tâm của Tin Mừng là Đức
Kitô. Ngài đã chết, đã sống lại, đã hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas, và
sẽ đến trong Ngày Phán Xét. Vì Đức Kitô đã sống lại, ơn cứu độ chắc chắn được
ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Phaolô xác quyết: “Chính vì lý do ấy mà
tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin
vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao
phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.”
(2) Đức Kitô vẫn đang hoạt động
nơi người rao giảng qua Thánh Thần: Tuy Đức Kitô không còn công khai hoạt động,
nhưng Ngài vẫn liên kết với các môn đệ qua sự hoạt động của Thánh Thần. Bổn phận
của những người rao giảng là phải lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần và
trung thành với Tin Mừng được lãnh nhận.
3/ Phúc Âm: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn
phận đấy thôi.
3.1/ Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn
phận đấy thôi: Để hiểu ý nghĩa câu truyện dẫn
chứng của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận
của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu.
Chúa Giêsu kể cho các môn đệ một câu truyện thực tế, để các ông luôn biết nhận
ra vai trò của mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa: "Ai trong anh em có
người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó:
"Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt
lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ
sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không hối hận vì đó là đầy tớ của ông;
hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn nghĩa, vì đó là bổn phận của đầy tớ phải
làm.
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một
người không phải là đầy tớ, nhưng tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc
thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ giúp mình.
Cũng vậy, con người có bổn phận
phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu
tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài như:
ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh
lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hoàn tất bổn phận hay công bằng, vì mượn
vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài
không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em
cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi
là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi
và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Lucas: “Khi chủ về
mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật
anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”
(Lk 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá thương yêu con người mà
thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác tín, để rồi đừng bao giờ
bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi mình cầu xin, hay ngã lòng
không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.
3.2/ Cần có một đức tin vững mạnh: Đức tin của con người rất yếu kém và dễ bị lung lay giữa bao cám
dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Điều cần là con người phải nhận ra điều
đó và cầu xin như các Tông Đồ hôm nay: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho
chúng con." Tuy nhiên, ngoài việc cầu nguyện, con người còn phải luyện tập
bằng cách kiên trì trong những đau khổ; nếu không chịu tập luyện, đức tin dần dần
sẽ mất.
Một đức tin vững mạnh sẽ giúp
con người vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu dạy các tông đồ: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì
dù anh em có bảo cây vả này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc",
nó cũng sẽ vâng lời anh em.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần biết thân phận của
mình chỉ là loài thọ tạo hèn hạ. Đừng bao giờ làm quân sư hay cố vấn cho Thiên
Chúa, hay bắt Thiên Chúa phải làm theo ý định “khôn ngoan” của mình.
- Bổn phận của con người là
khiêm nhường làm theo những gì Thiên Chúa dạy, trung thành trong ơn gọi, và
kiên nhẫn đợi chờ. Vội vàng quyết định bất trung sẽ tự chuốc cho mình và gia
đình những thảm bại cả đời này và đời sau.
- Khi bị cám dỗ để trách Chúa,
nghi ngờ Ngài, hay nguy cơ bị đánh mất đức tin, hãy cầu nguyện như các tông đồ:
“Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho con.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Bài đọc: Cv 1,12-14
Họ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su.
Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ.
Bấy giờ các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su. Đó là lời Chúa.
Họ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su.
Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ.
Bấy giờ các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Lc 1,46-47.48-49.50-51.52-53.54-55
Đ. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
1./ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
2./ Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
3./ Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
4./ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
5./ Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời".Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Đ. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
1./ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
2./ Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
3./ Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
4./ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
5./ Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời".Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Bài đọc 2: Gl 4,4-7
Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà.
Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà.
Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Tung hô Tin Mừng x. Lc 1,28
Allêluia. Allêluia. Kính chào Đức Ma-ri-a, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Allêluia.
Allêluia. Allêluia. Kính chào Đức Ma-ri-a, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Allêluia.
Tin Mừng Lc 1,26-38
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. Đó là lời Chúa.
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chuỗi
Tràng Hạt Mân Côi
Cử hành lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi
hôm nay, Giáo hội Mẹ chúng ta muốn nhắc nhở con cái mình quý chuộng tràng hạt
Mân Côi nhiều hơn và sốt sắng cầu nguyện với chuỗi hạt quý hóa này không những
trong tháng Mân côi, nhưng suốt cả đời sống. Và cho được như vậy Giáo hội
khuyên chúng ta hãy suy nghĩ về những bài học hôm nay để thấy rõ vai trò của Ðức
Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ hầu thích kết hiệp với Người hơn trong đời
sống đạo đức.
A. Chúa Dùng Ðức Maria Trong Mầu Nhiệm Cứu
Thế
Mọi người đều biết bài sách Khởi nguyên,
nhưng không ai nghĩ đã hiểu được hết các ý mầu nhiệm. Nguyên tổ loài người bấy
giờ vừa phạm tội vì bị Satan lấy hình con rắn quỷ quyệt lừa gạt. Tác giả sách
Thánh có nhiều dụng ý khi viết như vậy. Ðối với ông, Satan là kẻ dối trá phỉnh
phờ. Ông nhìn thấy nó nơi hình thù các con rắn mà dân ngoại thời ông tôn thờ.
Người ta thờ rắn vì tưởng nó tinh khôn hơn hết thảy, và nghĩ nó có sự sống rất
phong phú. Người làm chính trị thờ nó; thường dân lại còn kính nó hơn nữa vì thời
ấy người ta muốn được trường thọ và con đàn cháu đống. Tác giả Thánh Kinh ghét
thứ ngẫu tượng ấy, ông phải dạy Dân Chúa tránh né hết sức quyến rũ của tà giáo
đang thịnh hành nơi các lân quốc. Ông khẳng định nguồn gốc mọi sự dữ ở đời là
do Satan, do tà giáo mà tượng trưng là thần rắn. Bản chất của nó là quỷ quyệt.
Và ai mắc mưu nó sẽ thấy mình trơ trẽn (hay trần truồng) bởi vì trong tiếng
Dothái quỷ quyệt và trần truồng cũng cùng một vần và một gốc. Cái này đẻ ra cái
kia. Kẻ ăn phải cái quỷ quyệt của con rắn sẽ thấy mình trần truồng, tức là bẽ
bàng vì bị lừa gạt và thấy rõ sức yếu đuối của mình.
Vậy nguyên tổ loài người đã ăn phải đũa
của Satan, và thấy trớ trêu, không dám chường mặt ra nữa. Nhưng Thiên Chúa
không bao giờ bỏ rơi công trình do tay Người làm ra. Người đã đến gọi loài người
sa ngã và quả quyết: Người sẽ đặt hiềm thù giữa con rắn, tức là tà thần và người
nữ; giữa dòng dõi bà với dòng dõi nó. Dòng dõi bà sẽ nghiền nát đầu rắn; mà rắn
thì chỉ cắn được đến gót chân dòng dõi người đàn bà.
Thật ra Lời Chúa phán trên chỉ báo trước
sẽ ban Ðấng Cứu thế sinh ra bởi người trinh nữ. Chính Người sẽ nghiền nát đầu
Satan và giải cứu chúng ta... Nhưng truyền thống đã dựa vào Lời hứa trên để chờ
mong người Nữ diễm phúc nào sẽ sinh ra Ðấng Cứu thế. Và vì vậy Ðấng là Mẹ Chúa
Cứu thế đã được Dân Chúa mường tượng ngay từ buổi đầu. Ðức Maria, Mẹ của Chúa
Yêsu, đã hiện diện thật sự trong Lời hứa ban ơn cứu thế. Tất cả Lịch sử cứu độ
từ nay diễn ra trên nền trời mang hình ảnh Mẹ và Con. Cho đến ngày mà sứ thần
Gabriel được Chúa sai đến cùng người trinh nữ thành Nazarét, như chúng ta đọc
thấy trong bài Tin Mừng. Từ nay, khỏi nói, vai trò của Ðức Maria trong mầu nhiệm
cứu thế thật là quan trọng.
Chúng ta không cần phải nói thêm về vấn
đề này; nhưng để chúng ta đừng quên địa vị chủ yếu của Ðức Mẹ trong lịch sử
Giáo Hội hiện nay, Phụng vụ đã dùng bài đọc Công vụ các Tông đồ để gợi lên hình
ảnh Ðức Mẹ ở giữa Hội Thánh.
Bỏ núi Cây Dầu mà trở về Yêrusalem, sau
khi đã chứng kiến mầu nhiệm Chúa Yêsu lên trời, các Tông đồ khởi sự cuộc đời vắng
sự hiện diện hữu hình của Chúa Cứu thế. Nhưng họ được an ủi tràn trề khi thấy Mẹ
Chúa đang ở giữa mình. Và lập tức họ đã sinh hoạt vây quanh Người, với công việc
đầu tiên là cầu nguyện chờ đợi Thánh Linh đến để cùng hoạt động với mình.
Bức họa trên rất tiêu biểu. Nó phác họa
lại buổi đầu của Hội Thánh. Lịch sử sau này luôn luôn muốn trở về nguồn, đặc biệt
sau Công Ðồng Vatican II vừa qua. Luôn luôn Hội Thánh nhìn thấy sự sống và sức
mạnh của mình khi được ở chung quanh Ðức Mẹ để được thêm Thánh Thần đến sinh hoạt.
Và đó là điều Hội Thánh khuyên nhủ con cái mình một cách đặc biệt trong tháng
này với chuỗi hạt Mân Côi.
B. Nhưng, Tại Sao Dùng Chuỗi Hạt Này?
Chúng ta có thể để ý và thấy rằng anh em
lương dân cũng có một chuỗi hạt tương tự. Chắc chắn có nhiều điểm khác nhau:
nhưng yếu tố tương tự cũng không nên khinh thường.
Bất cứ tôn giáo nào cũng cần cầu nguyện,
mà mục đích tiên khởi không phải là để xin ơn nọ ơn kia, nhất là những ơn phần
xác; nhưng là để mon men tới gần Thượng đế để kết hiệp với Người và múc lấy sự
sống tốt đẹp, thánh thiện, cao siêu, bình an và mạnh mẽ ở nơi Người. Cầu nguyện
đích thực là gặp gỡ trao đổi với nguồn mạch sự sống chân thật, mà sự sống trần
gian chỉ là một hình ảnh non yếu và mong manh. Người cầu nguyện cần có phương
thế và cách thức để làm công việc tinh tế và khó khăn này. Nhờ điêu luyện, một
số ít người và trong một số thời gian ngắn ngủi nào đó, có thể như không còn cần
đến bất cứ một phương tiện hữu hình nào cũng có thể đi sâu vào thế giới mầu nhiệm
của thần linh. Nhưng với đại đa số quần chúng và trong hầu hết mọi lúc khác cần
phải có phương tiện giúp đỡ việc cầu nguyện của con người. Các kinh đọc và các
cử chỉ quỳ gối, bái lạy... là những phương tiện như thế. Và chuỗi hạt Mân Côi
cũng vậy; nhưng với những tác động rất đặc biệt.
Ðây là những hạt đều đặn y hệt như nhau;
ngón tay chúng ta có thể trườn lên một cách dễ chịu và êm ái. Sau 10 hạt lại có
một khúc rộng hơn để ý thức của chúng ta nhận thêm đà cho giòng kết hiệp đi sâu
thêm vào biển mầu nhiệm mênh mông. Trong khi ấy, một kinh Lạy Cha được tiếp nối
bằng 10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, là những kinh cũng trơn tru êm ái
như những hạt mân côi. Ðọc những kinh ấy không đòi hỏi một cố gắng nào. Hơn nữa
tiết điệu âm thanh còn làm phẳng lặng tâm hồn và duy trì sự sống tâm linh dào dạt
trong mầu nhiệm. Ðàng khác đó lại là những kinh đẹp nhất trong Ðạo, phát xuất từ
miệng Chúa hay từ Lời Chúa, bao hàm những chân lý sâu xa và êm đềm. Nếu biết đọc
những kinh ấy cách khoan thai nhẹ nhàng, chắc chắn con người sẽ tìm thấy bình
an để đi vào mầu nhiệm và kết hiệp với Ðấng Linh thiêng.
Nói như vậy đã là phủ nhận cách đọc cào
cấu; đọc lấy được, lấy nhiều; đọc trong bối cảnh thiếu thư thái và bình an. Tốt
hơn nữa có thể không nên dùng động từ "đọc" ở đây. Lần chuỗi Mân Côi
là nghiền ngẫm, là suy niệm, là thả hồn vào mầu nhiệm kết hiệp với Thiên Chúa,
Ðấng yêu thương và cứu độ trần gian. Các hạt, các kinh là những phương tiện tối
thiểu cần cho con người tựa vào để lên với Ðấng Tạo Hóa và ở lại với Người. Vì
bao lầu còn sống trong xác thịt, con người vẫn cần những phương thế hữu hình để
kết hiệp với Ðấng Vô Hình.
Như vậy có thể nói các mầu nhiệm nhắc
lên ở đầu mỗi chuỗi kinh còn cần thiết hơn. Và tràng hạt Mân côi rất quý hóa ở
điểm này. 20 mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng bao quát một cách tốt đẹp tất cả
Lịch sử cứu độ. Suy niệm những điều ấy là gieo mình vào giòng thác ân sủng đã
phát xuất từ lòng Thiên Chúa tình yêu và đang trở về nguồn suối phong phú ấy.
Con người tìm thấy mình ở giữa giòng lịch sử. Họ ý thức hơn về địa vị và vai
trò của mình ở trong tất cả trời đất và thế giới loài người. Họ biết mình đang
sống bám vào đâu và đang đi về phương hướng nào. Lần chuỗi Mân côi như vậy là
đi vào lịch sử, lịch sử đang tiếp diễn, lịch sử có mình ở trong và phải đóng
vai trò của mình. Ðó là lúc người ta sống chân thực mãnh liệt và là dịp để người
ta dấn thân trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
Hội Thánh khuyến khích chuỗi Mân côi vì
những lý do đó. Các Ðức Giáo Hoàng kêu gọi tín hữu yêu chuộng chuỗi này vì các
hiệu quả tốt lành đã được lịch sử làm chứng. Một phương thức thật đơn sơ nhưng
lại thật phong phú! Ðó là hiện tượng thông thường ở trong tôn giáo, vì ở đây sự
nhỏ bé, yếu đuối và tầm thường lại dễ để cho quyền năng của Chúa thi hành những
việc kỳ diệu. Và như vậy tất cả chúng ta đều muốn quý chuộng tràng hạt và việc
lần hạt Mân côi nhiều hơn:
C. Lần Hạt Thế Nào?
Dĩ nhiên như đã nói, không phải vấn đề đọc
nhiều đọc to là đáng kể. Trái lại trước hết phải có bầu khí cầu nguyện và chiêm
niệm. Phải ở trong một môi sinh thư thái, cần "nghỉ ngơi" bồi dưỡng
như Lời Chúa nói. Vì thế không được coi việc lần chuỗi như là một việc phải làm
cho xong và nếu không làm thì áy náy sợ tội.
Không! Chúng ta cầm lấy chuỗi hạt là như
muốn diễn lại cho mình câu truyện của bài sách Công vụ hôm nay. Chúng ta cùng với
Giáo Hội đến bên Ðức Mẹ để được thấy tỏa sang mình những mầu nhiệm của Chúa Cứu
thế, là những mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu độ và giúp chúng ta
hoàn thành tốt đẹp cuộc sống ở trần gian. Các Tông đồ ngày trước ngồi bên Ðức Mẹ
để rồi lãnh nhận được Thánh Thần dồi dào mạnh mẽ như thế nào, thì khi lần hạt
Mân côi với Ðức Mẹ và bên Ðức Mẹ, chúng ta cũng muốn được thêm thần lực và sự sống
thần linh chảy sang như thế để đổi mới, bồi dưỡng cuộc sống trần gian của mình.
Thế nên trọng tâm của việc lần chuỗi
không phải là đọc các kinh. Cũng không phải là việc suy tư các mầu nhiệm vui,
sáng, thương, mừng. Các mầu nhiệm gợi lên ở đầu mỗi chục hạt không phải để
chúng ta chúi mũi nhọn tư tưởng vào các biến cố của Lịch sử cứu độ. Làm như vậy
sẽ là suy tư. Mà suy tư thì khác với suy niệm. Các mầu nhiệm tốt đẹp kia cũng
chỉ là phương tiện giúp chúng ta nhảy vào việc yêu mến kết hiệp với Thiên Chúa,
Ðấng đang muốn cứu độ chúng ta. Ðể cho tư tưởng dừng lại nơi các mầu nhiệm gợi
lên hầu khám phá ra những chi tiết mới mà xưa nay chưa biết, sẽ là nghiên cứu
và suy nghĩ về phương tiện chứ chưa phải là dùng phương tiện để bay lên với
Chúa. Loài người chúng ta yếu đuối, không ý tứ và không có phương tiện nào giúp
đỡ thì cầu nguyện sẽ dễ trở thành mơ mộng làm mệt sức. Trái lại được các mầu
nhiệm nói lên và nhắc lại các hành vi cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta như được
khuyến khích và được đẩy đi để bay vào lòng Thiên Chúa đang yêu thương và muốn
bồi dưỡng chúng ta. Chúng ta sẽ ra khỏi giờ suy niệm và lần chuỗi khoan khoái
khỏe khoắn hơn để dấn thân tích cực và hân hoan hơn. Giống như các Tông đồ khi
cầu nguyện vây quanh Ðức Mẹ đã nhận được Thánh Thần tràn trề để ra đi xây dựng
thế giới mới.
Chúng ta có thể được bổ dưỡng như thế mỗi
khi lần chuỗi Mân côi. Nhưng chắc chắn đó không phải là việc dễ. Chúng ta luôn
luôn phải tập. Và cứ làm, cứ làm tốt hơn sẽ có công hiệu. Cũng như đối với
thánh lễ. Ðó là cả một mầu nhiệm phong phú. Nhưng phải cố gắng tham dự và biết
tham dự mới được ơn ích. Và chính mỗi lần cố gắng là một bước tiến và hứa hẹn
dào dạt. Hôm nay chúng ta cố gắng tham dự thánh lễ. Chúng ta cũng sẽ cố gắng lần
chuỗi Mân côi hôm nay, trong tháng này và trong suốt đời. Nếu có chán, nếu có
thấy không đi đến đâu, chúng ta vẫn không nản nhưng vẫn tin tưởng, cầu xin và cố
gắng làm đi làm lại cho tốt. Chúa và Ðức Mẹ sẽ không bỏ rơi những người con thiện
chí như vậy. Tương lai của họ nhất định sẽ đẹp đẽ vì như trên đã nói, lần chuỗi
Mân côi là tìm thấy chỗ đứng của mình trong Lịch sử cứu độ và tìm thấy sức mạnh
mới để thi hành vai trò của mình ở trong lịch sử ấy. Hiểu như vậy thì lần chuỗi
cũng là một thứ dâng lễ và dâng lễ tốt sẽ giúp lần chuỗi thành công.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời
Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn
Sơn Lâm)
02/10/16 CHÚA NHẬT TUẦN
27 TN – C
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
Suy niệm: Đức
Thánh Cha Gio-an Phao-lô I có lần hỏi mọi người rằng anh chị em mang gì trong
túi, trong xách tay của anh chị em? Hẳn là chúng ta sẽ trả lời với Đức Thánh
Cha rằng, trong túi hay trong xách tay của chúng ta không thiếu giấy tờ tùy
thân, tiền bạc, hộp quẹt để hút thuốc, gương son trang điểm v.v, vì chúng rất
cần thiết, không thể thiếu. Nhưng rất có thể cỗ tràng hạt Mân Côi lại không có
trong túi xách của chúng ta. Có người cho rằng kinh Mân Côi không còn cần thiết
trong thời đại này. Vậy hãy nghe lại lời của ĐTC Sít-tô IV, phương pháp cầu
nguyện này “làm tăng thêm việc tôn vinh
Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ, đồng thời rất thích hợp trong việc phòng ngừa những
hiểm nguy đe dọa.” Có
người cho rằng kinh Mân Côi nghèo nàn và nhàm chán vì cứ lặp đi lặp lại. Thử
hỏi có ai nhàm chán trước những lời yêu thương mà mỗi lần lặp lại thì càng làm
tình yêu thêm nồng nàn không? Thử hỏi, kinh Mân Côi có nghèo nàn không, khi mà
trong đó tín hữu đọc kinh Lạy Cha như Chúa Giê-su dạy và được cùng Ngài sống
tình con thảo với Chúa Cha? Và có nghèo nàn không khi kinh Kính Mừng là lời sứ thần ca ngợi ân phúc nơi Mẹ Ma-ri-a?
Có nghèo nàn không khi tín hữu tuyên xưng và ngợi khen mầu nhiệm sâu thẳm Thiên
Chúa Ba Ngôi trong kinh Sáng Danh?
Có nghèo nàn chăng khi lần chuỗi, bạn đồng thời chiêm ngắm các mầu nhiệm Vui,
Sáng, Thương, Mừng trong cuộc đời của Chúa Giê-su?
Mời Bạn: Bạn
sẵn sàng đưa tràng chuỗi Mân Côi vào túi xách chưa?
Sống Lời Chúa: Lần
chuỗi hằng ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mừng.
LÀM ĐIỀU PHẢI LÀM
Thiên đàng là một quà tặng bất ngờ, ngỡ ngàng,
không do công của tôi, nhưng do lòng tốt của Thiên Chúa. Thiên đàng hạnh phúc
vì tôi được gần Chúa hơn bao giờ.
Suy niệm:
Người đầy tớ đi cày hay
đi chăn chiên suốt ngày.
Khi chiều về, anh còn
phải lo cơm nước cho chủ.
Anh chỉ được ăn uống nghỉ
ngơi khi chủ đã ăn xong.
Ðó là chuyện hết sức bình
thường và tự nhiên
đối với một người làm
công được ông chủ mướn.
Chủ không cần phải tỏ
lòng biết ơn anh đầy tớ
vì anh đã vâng phục mọi
lệnh truyền của ông.
Chúng ta có thể là một
Kitô hữu đạo đức,
có thể đã vất vả nhọc
nhằn phụng sự Chúa suốt đời.
Nhưng Thiên Chúa không
phải chịu ơn hay mắc nợ chúng ta,
và chúng ta không có
quyền đòi Ngài phải trả công cho xứng.
Ðơn giản chúng ta là tôi
tớ của Thiên Chúa,
chúng ta chỉ làm điều
phải làm.
Khó biết chừng nào khi
làm được nhiều điều tốt đẹp
mà vẫn giữ tấm lòng khiêm
nhu.
Những việc đạo đức chúng
ta làm
có thể khiến chúng ta tự
mãn trước Thiên Chúa.
Ðó là sa ngã của một số
người Pharisêu
và đó vẫn là cám dỗ
thường xuyên của chúng ta.
Người Pharisêu lên đền
thờ cầu nguyện,
mà thực ra là khoe công
trạng của mình (x. Lc 18,9-14).
Công trạng, công đức,
công nghiệp có thể thành vật cản
khiến tôi chỉ thấy sự
thánh thiện của tôi
mà không thấy, cũng chẳng
cần tình thương của Chúa.
Việc tốt tôi làm có thể
làm tôi tự tôn trước anh em.
Người anh cả chỉ thấy
những năm dài phục vụ cha,
không khi nào trái lệnh,
nên anh chẳng muốn đón
nhận người em út.
Làm thế nào để chúng ta
thật sự khiêm hạ
trước Thiên Chúa, trước
tha nhân và trước cả lòng mình.
Nhận mình chỉ là đầy tớ
bình thường, không gì nổi bật,
mình chỉ cố làm tròn bổn
phận được giao.
Có nhiều bổn phận ta phải
chu toàn.
Bổn phận của một thụ tạo
trước Thiên Chúa Chí Thánh.
Bổn phận là con cái của
Cha trên trời.
Bổn phận là môn đệ trung
tín của Ðức Kitô.
Bổn phận là anh em của
mọi người.
Yêu mến, phụng sự, tôn
kính, ca ngợi Thiên Chúa:
đó là điều ta chẳng dám
tự hào mình đã vuông tròn.
Giả như ta có làm được
điều gì sáng danh Chúa
thì cũng là nhờ ơn Chúa
đỡ nâng.
Cả một ước muốn tốt lành
nơi ta cũng đến từ Chúa.
Thiên đàng không phải là
sự trả công của Thiên Chúa.
Ngài không ký hợp đồng
với người sống đạo đức
để rồi Ngài buộc phải cho
họ thiên đàng.
Thiên đàng là một quà
tặng bất ngờ, ngỡ ngàng,
không do công của tôi,
nhưng do lòng tốt của Thiên Chúa.
Thiên đàng hạnh phúc vì
tôi được gần Chúa hơn bao giờ.
Chúng ta không chọn Chúa
để được thiên đàng.
Chúng ta mong thiên đàng
để được gần Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG MƯỜI
Được Người Làm Vườn Cắt Tỉa
Nhìn trong ánh sáng của dụ ngôn
cây nho và cành nho, chúng ta thấy Thánh Thể trở thành tiêu điểm chính trong
công trình cứu chuộc của Thiên Chúa đối với con người. Công trình này được tóm
tắt trong những lời sau đây: “Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Người trồng
nho ấy quan tâm chăm sóc từng cành nho. Là Đấng Tạo Hóa và đồng thời là Cha
chúng ta, Ngài muốn tất cả mọi người – vốn được dựng nên giống hình ảnh Ngài –
sẽ nhận được sự sống của Ngài qua Chúa Con.
Từ khi tạo dựng, công việc của
Chúa Cha là chăm sóc và đáp ứng cho tất cả những gì Ngài đã dựng nên. Ngài chăm
sóc ưu tiên nhất cho con người mà Ngài đã dựng nên giống hình ảnh Ngài. Trong dụ
ngôn, con người được gọi là những cành nho mà Chúa Cha cắt tỉa để có thể lớn
lên và có được sự sống dồi dào.
Người Trồng Nho ấy tự tỏ hiện
chính Ngài là Thiên Chúa tình yêu. Ngài đối xử với chúng ta như một người Cha
và Ngài muốn chúng ta đáp lại bằng tấm tình con thảo. Tất cả điều này nhắc nhở
chúng ta về tính cao cả của đời sống thiêng liêng chúng ta, về sự sung mãn của
ơn cứu độ.
Như vậy, Thiên Chúa vẫn không ngừng
quan tâm và thúc đẩy chúng ta biết khao khát tình yêu thông truyền sức sống của
Ngài. Với sự quan tâm của người Cha, Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng mình không hề
sống trong một vũ trụ với định mệnh mù quáng. Không, chúng ta luôn sống dưới
đôi mắt của Cha trên Trời, Đấng luôn mong muốn điều tốt lành cho chúng ta. Ngài
vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.
Thiên Chúa mời gọi ta cộng tác
phần mình trong chương trình yêu thương và cứu độ của Ngài. Ngài biến đổi chúng
ta nên mới bằng ân sủng tái sinh của các bí tích tinh luyện và canh tân. Đó là
Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể. Qua các bí tích này, Ngài cắt tỉa chúng ta và thể
hiện lại mầu nhiệm Vượt Qua vĩ đại là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Con Một
Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 02 -10
Chúa Nhật XXVII Thường Niên
Kb 1,2-3; 2,2-4; 2Tm 1,6-8.
13-14; Lc 17,5-10
Lời suy niệm “Các Tông Đồ thưa với
Chúa Giêsu: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con. Chúa đáp: Nếu anh em có
lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rể lên, xuống
dưới biển mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Các Tông Đồ, đã nghe tiếng gọi của
Chúa Giêsu, các ông đã vâng lời và đi theo Người. Các ông đã chứng kiến biết
bao điều lạ Chúa đã thực hiện điều lành trên những người đau khổ, do bệnh tật
và sự bỏ rơi của người đồng loại. Nghe được những Giáo huấn mới lạ, có cái gì
đó đi ngược với quan niệm của thế gian như là “Tám Mối Phúc Thật” “Bánh Hằng Sống”.
đã làm chao đảo lòng tin của các ông. Các ông đã chân thành đến xin Chúa Giêsu
tăng thêm lòng tin cho các ông.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi người trong
chúng con đang được sống trong tình yêu thương và cứu độ của Chúa. Đức tin là
điều cần thiết cho đời sống Đạo trong việc thờ phượng Chúa, thực hiện lòng sám
hối và thực hiện đức bác ái đối với tha nhân. Xin cho chúng con ngày càng trưởng
thành trong đức tin trong cầu nguyện xin ơn và tạ ơn.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 02-10
Các thiên thần bản mệnh
Đức tin cho chúng ta biết rằng:
có những thiên thần gìn giữ chúng ta. Cựu Ước cũng như Tân Ước đầy những chứng
cớ làm chứng cho chân lý này, khiến thánh Giêrônimô đã phải thốt lên: "Phẩm
giá các linh hồn cao quý dường nào vì mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa trao cho
một thiên thần để săn sóc".
Thánh Tôma nói: "Có các
thiên thần hộ thủ cho các vương quốc, các dân tộc, các thành thị, các cộng đoàn
tu sĩ và cho mỗi người tín hữu"
Chúa Giêsu hẳn đã giải thích điều
đó khi Người nói về các trẻ nhỏ: "Thiên thần của chúng hằng chiêm ngắm
nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời" (Mt 18,10)
Thánh Giêrônimô thành Nyssa nói:
"Chúa biết ác tâm của các thần dữ đang tìm cách ngăn trở không cho ai vào
chỗ của chúng đã mất trên trời, nên Người ban cho mọi người chúng ta một thiên
thần bản mệnh, để chống lại các nỗ lực của kẻ thù phần rỗi chúng ta"
Các thiên thần bản mệnh dẫn dắt
chúng ta trên đường phần rỗi mọi nơi mọi lúc, đêm cũng như ngày, khi đi đường
cũng như khi ở nhà. Các ngài không rời bỏ chúng ta, cả khi chúng ta phạm tội
làm các ngài phải run sợ, hay khi chúng ta chống lại những điều các ngài hướng
dẫn.
Các ngài có sứ mệnh lo lắng cho
lợi ích của chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, các ngài chuyển lời lên Thiên
Chúa và kéo ơn Chúa xuống. Các ngài săn sóc chúng ta trong mọi hoàn cảnh, như
người mẹ thương con, như người dẫn đường, như bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, như mục
tử dẫn dắt đoàn chiên…
Các ngài là bạn thiết của tâm hồn.
Hãy nhới lạ Aga trong sa mạc (St 16, 7-12), Lót ở Sôđôma (St 19, 1-17), Isaac
trên núi Moria (St 22, 11-18), các trẻ em trong lò lửa ở Babylon (Đn 3, 46-50),
Đaniel trong hang sư tử (Đn 6, 18-23) và thánh Phêrô ở trong tù (Cv 12, 6-11).
Chúng ta lại chẳng kinh nghiệm
thấy như vậy trong cuộc sống thường ngày sao ? Những tia sáng làm cho đức itn sống
động ? Những tác động bất chợt đưa chúng ta đến sự thánh thiện ? Những phút
giây tâm hồn muốn hiến trọn cho Chúa ?
Nhận biết bao ơn phúc của các
thiên thần, chúng ta phả tỏ lòng cung kính vâng phục các ngài, Chính để nhắc nhở
bổn phận này, mà Giáo hội dành ngày 2 tháng 10 mỗi năm để đặc biệt kính nhờ các
thiên thần bản mệnh.
(daminhvn.net)
02 Tháng Mười
Những Lá Thư Của Người Mẹ
Trong trận đệ nhị thế chiến, có
một văn sĩ Hungari gốc Do Thái bị Ðức Quốc Xã bắt làm tù binh, trong khi tham
gia trong quân đội Pháp. Qua những tác phẩm chống Ðức Quốc Xã, văn sĩ gốc Do
Thái này khó mà che dấu được tung tích của mình. Một người lính Pháp cùng bị bắt
làm tù binh đã đề nghị là hai người nên sử dụng chung một tên và lý lịch, bởi
vì họ sẽ bị thuyên chuyển đến các trại khác nhau. Quân Ðức Quốc Xã khó mà nhận
ra sự kiện hai người cùng đồng tên và có chung một lý lịch. Người lính Pháp đã
trao cho văn sĩ gốc Do Thái thẻ bài cũng như một số thư của mẹ anh. Anh dặn dò
văn sĩ gốc Do Thái như sau: "Nếu có ai điều tra anh về lý lịch, anh hãy
cho họ xem những lá thư này".
Sau này, người văn sĩ gốc Do
Thái có dịp đọc những lá thư của người mẹ lính Pháp. Nhìn những tờ giấy viết
thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được rằng người mẹ này có lẽ là một người
đàn bà nhà quê già yếu, nhưng thương con với tất cả sự đậm đà của tình mẫu tử.
Chung quy những lá thư ấy đều có dặn dò giống nhau như: "Con hãy giữ gìn sức
khỏe... Cố gắng đắp chăn cho thật ấm nghe con... Xin Chúa chúc lành cho con và
chóng đưa con về đến nhà bình an".
Mang lấy tên tuổi và lý lịch của
người lính Pháp, người văn sĩ gốc Do Thái đọc lên những lời dặn dò trên đây như
chính người mẹ ruột thịt của mình. Cũng chính những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng
dạt dào tình mẹ ấy đã trở thành một bảo chứng cứu thoát ông.
Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng
ta. Ngài đã cho chúng ta mang lấy tên tuổi và lý lịch của Ngài. Người cũng trao
ban cho chúng ta chính người Mẹ của Ngài. Tâm tình của một người Mẹ đã cưu
mang, đã cho bú mớm, đã dõi theo từng bước chân của con, đã câm lặng bên thập
giá, đã đón lấy tấm thân không hồn của người con: tâm tình ấy của Mẹ Maria,
Chúa Giêsu cũng muốn trao cho chúng ta. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là người mẹ trọn
vẹn của mỗi người trong chúng ta.
"Hỡi Bà, đây là con
Bà!". Trao ban thánh Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu cũng trao ban mỗi người
chúng ta cho Mẹ. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh
hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật: mỗi người chúng ta đều được Mẹ đón nhận
như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ dành cho tất cả
tâm tình mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.
Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy
tin tưởng điều đó... Người lính trận đã luôn mang những lời dặn dò của mẹ anh
như một báu vật, như một hành trang giữa những nguy ngập của cuộc chiến. Chúng
ta cũng hãy mang lấy tâm tình của Mẹ. Hãy luôn chạy đến với Mẹ. Hãy luôn ôn lại
những lời dặn dò của Mẹ, nhất là mỗi khi chúng ta gặp thử thách, u buồn trong
cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét