14/11/2016
Thứ hai tuần 33 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 1, 1-4; 2, 1-5a
"Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy
hối cải".
Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Mạc khải của Ðức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã ban cho
Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai
thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gioan, và Gioan làm chứng rằng tất cả
những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giêsu Kitô.
Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép
trong đó, vì thời giờ đã gần.
Gioan kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc
ân sủng và bình an cho anh em do từ Ðấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy
thần linh đứng trước ngai của Người.
Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: "Hãy viết cho thiên
thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: 'Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu
và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên
nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách
những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu
rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta
mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến
thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải
và làm lại những việc thuở ban đầu' ".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Ta
sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian
ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân
nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. -
Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái
đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. -
Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị
gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới
diệt vong. - Ðáp.
Alleluia: Lc 16, 31
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu
nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 18, 35-43
"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài,
xin cho tôi được xem thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù
ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện
gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh
liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!"
Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn:
"Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại,
truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh:
"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho
tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của
ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và
ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sự Mù Lòa Thiêng Liêng
Con người đã được Thiên Chúa sáng tạo đặt vào trong
hiện hữu và cuối cùng sẽ trở về cùng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời
gian chờ đợi ngày trở về này, mỗi người chúng ta phải sống như thế nào? Chúng
ta hãy đối chiếu cuộc sống chúng ta với Lời Chúa, nhưng không phải chỉ đối chiếu,
mà còn cần phải sửa chữa, vứt bỏ những gì không phù hợp với lời dạy của Chúa.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay,
kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêricô. Ðây không phải là
dụ ngôn, mà là biến cố có thật. Chúng ta có thể quan sát hai thái độ thực hành.
Trước hết là thái độ của những người cản trở không cho anh mù gặp gỡ Chúa, những
người này cho rằng chỉ có họ mới được quyền đi bên cạnh Chúa. Thật ra, trong
tương quan giữa con người với Thiên Chúa, trên bình diện thông ban ân sủng, cứu
rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi hỏi Thiên Chúa.
Tất cả đều là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền dành lại ân
sủng đó cho riêng mình.
Thái độ thứ hai chúng ta có thể nhận thấy nơi anh
mù. Ý thức thân phận của mình, anh không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất
là đòi hỏi Thiên Chúa, mà anh chỉ khiêm tốn cầu xin: "Lạy ông Giêsu, con
vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Sự mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất
không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của
Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được",
anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại: "Tức khắc
anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân
liền ca ngợi Thiên Chúa". Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã
thực hiện lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài: "Ánh sáng của các con phải
chiếu soi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn
vinh Cha các con Ðấng ngự trên trời".
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh và giải thoát
chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng của
Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trước mặt mọi người
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev 1:1-4,
2:1-5; Lk 18:35-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy năng làm sống lại tình yêu ban đầu!
Tình yêu là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống,
vì nó là động lực thúc đẩy con người ham sống và làm việc. Nếu đánh mất tình
yêu, con người sẽ đâm ra chán nản và mất hết nghị lực để làm việc. Kẻ thù của
tình yêu là thời gian và những thay đổi của cuộc sống. Ví dụ: tình yêu vợ chồng.
Rất nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm hay đã được chứng kiến cảnh gia
đình tan rã sau biến cố tháng 4/1975. Chồng đi vượt biên, vợ và các con ở lại;
mấy năm sau nghe tin chồng đã có vợ khác. Tại sao những chuyện như thế xảy ra?
Thời gian và hòan cảnh là 2 yêu tố chính: xa mặt cách lòng và có mới nới cũ.
Chuyện như thế cũng xảy ra trong tình yêu của con người với Thiên Chúa: bỏ nhà
thờ hay cầu nguyện để chạy theo những cám dỗ vật chất là 2 lý do chính làm con
người xa Chúa. Vì thế, để có thể gìn giữ tình yêu, điều cần thiết là phải năng
làm sống lại tình yêu ban đầu: “tương quí như tương tân,” hãy luôn biết quí trọng
nhau như thuở ban đầu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mặc
khải của Đức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người.
Sách Khải Huyền: không chú trọng đến những gì sẽ xảy
ra trong Ngày Tận Thế như nhiều người lầm tưởng, nhưng chú trọng đến việc nhận
ra những lầm lỗi để sửa sai và sống tốt đẹp hơn trước khi Ngày Tận Thế đến như
tác giả trình bày hôm nay: “Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những
sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến!”
(1) Mặc khải của Đức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên
Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải
xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gioan là tôi tớ của
Người biết mặc khải đó. Ông Gioan đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời
chứng của Đức Giêsu Kitô, về những gì ông đã thấy.
(2) Ý nghĩa con số 7 trong Sách Khải Huyền: Số 7 xảy
ra tất cả 54 lần trong Sách Khải Huyền; đây là con số được dùng để biểu tỏ sự
tròn đầy, tòan hảo. Ví dụ: việc Đức Kitô gởi Lời cho 7 Giáo Phận có nghĩa gởi
cho tất cả Giáo Hội trên tòan cầu.
(3) Thị kiến đầu tiên: Lời của Đức Kitô cho 7 Giáo
Phận ở Asia Minor (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay): “Tôi là Gioan kính gửi 7 Giáo Phận
Asia. Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước
ngai của Người.”
(4) Lời cho Hội Thánh Êphêxô: Đây là thành phố
thương mại rất sầm uất của Tiểu Á thời đó, là trung tâm của các Tòa Đại Sứ, là
trung tâm của văn hóa và tôn giáo. Vị thế của Thành Êphêsô mở đường cho rất nhiều
mê tín dị đoan và thờ các tà thần; thần phổ thông nhất của Thành là Artemis
(Tđcv 19:8, 10). Thánh Phaolô thành lập Giáo Phận Êphêsô vào khỏang 53-56 AD
(Tdcv 19:8-10). “Hãy viết cho thiên thần của Giáo Phận Êphêxô: Đây là lời của Đấng
cầm trong tay hữu bảy vì sao, Đấng đi giữa bảy cây đèn vàng.” 7 vì sao tượng
trưng cho 7 thiên thần coi giữ 7 Giáo Phận, và 7 cây đèn tượng trưng cho 7 Giáo
Phận (Kh 1:20). Đấng đi giữa 7 cây đèn là Đức Kitô, như Ngài đã hứa “sẽ ở cùng
Giáo Hội cho đến Ngày Tận Thế” (Mt 18:20, 28:20).
1.1/ Lời khen:
Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Một việc cụ
thể được liệt kê: “Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác. Ngươi đã thử thách
những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng
chúng là những kẻ nói dối.” Việc này có lẽ liên quan tới Nicolaitans (Kh 2:6,
15).
1.2/ Lời chê trách: “Nhưng
Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” Đánh mất tình
huynh đệ ban đầu là cũng đánh mất tình yêu với Thiên Chúa; vì mến Chúa đòi phải
yêu người. Lời khuyên nhủ: “Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy
hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.” Ba việc cần làm trong tiến
trình hối cải đựợc đề ra: xét mình (nhớ lại) – ăn năn (hối cải) – đền tội (làm
việc). Lời đe dọa: “Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của
ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” Cây đèn tượng trưng cho
Giáo Phận; đem cây đèn ra khỏi chỗ có thể nói tới sự tiêu hủy của GP Êphêsô.
2/ Phúc Âm:
Chúa Giêsu chữa người mù thành Jericho.
2.1/ Lời cầu xin khẩn thiết của người mù: Việt-Nam có câu tục ngữ: “Có đau mắt thì mới biết thương người
mù.” Vì không thấy đường nên tất cả thế giới đẹp đẽ đối với anh là một bóng
đen, và công việc duy nhất anh có thể làm được là ngồi ăn xin lòng thương xót của
người qua đường. Anh mù chứ không điếc nên khi nghe thấy đám đông đi qua, anh
ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nazareth đang đi qua
đó. Chắc chắn anh đã nghe về Đức Kitô chuyên chữa lành bệnh nhân, nên anh không
bỏ lỡ cơ hội, anh liền kêu lên (boa,w) rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua
Đavít, xin thương xót tôi!"
Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi. Không
ai có thể hiểu nỗi đau khổ của anh; tất cả đều bận tâm với những toan tính
riêng tư của họ. Những người quát nạt này có lẽ bực mình vì tiếng kêu cứu của
anh làm họ không nghe rõ những gì Chúa Giêsu đang giảng giải. Nhưng anh mù
không sờn lòng và càng kêu lớn tiếng hơn (krazo): "Lạy Con Vua Đavít, xin
thương xót tôi!"
Việc anh kêu lớn tiếng hơn có thể anh sợ Chúa Giêsu
chưa nghe thấy tiếng kêu nài của anh; nhưng cũng để biểu tỏ tấm lòng kiên trì
kêu cầu của anh, không một sức mạnh nào có thể ngăn ngừa anh đừng trông cậy vào
Thiên Chúa. Với bệnh tật của anh, anh nghĩ có lẽ đây là cơ hội ngàn năm một thuở
anh có cơ hội được Chúa Giêsu chữa lành.
2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu, người mù, và đám đông: Làm sao Thiên Chúa của lòng thương xót không động lòng trước tiếng
kêu bi thương của con cái mình? Ngài dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh
đã đến gần, Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh ta đáp:
"Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." Người mù không xin tiền,
không xin bất cứ sự gì khác, nhưng xin cho được thấy, vì anh biết sự sáng quan
trọng thế nào đối với anh. Đức Giêsu nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của
anh đã cứu chữa anh." Lập tức, anh ta nhìn thấy và theo Người, vừa đi vừa
tôn vinh Thiên Chúa. Anh biết Chúa Giêsu có lòng thương xót, anh biết Chúa
Giêsu là người duy nhất có thể chữa anh, và chính anh đã được Chúa Giêsu thương
xót chữa lành; nên chuyện anh đi theo Ngài để ngợi khen Thiên Chúa là chuyện tự
nhiên phải làm. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cuộc sống với quá nhiều quyến dũ vật chất và hưởng
thụ làm cho trái tim con người ra chai đá, khiến chúng ta không còn nhạy cảm với
tình thương Thiên Chúa và tình thương của tha nhân. Chúng ta hãy làm sống lại
tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, bằng cách năng nhớ lại những
gì Ngài đã làm cho chúng ta, để biết ơn, để ca tụng, và biết sống xứng đáng với
tình yêu của Ngài.
- Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của
chúng ta dành cho nhau; để luôn biết quí trọng và dễ tha thứ cho nhau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Suy niệm: Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót vừa bế mạc tại
giáo phận, nhưng lời kêu cứu của anh mù ở Giê-ri-khô vẫn còn vang vọng thống
thiết trong thế giới hôm nay, nơi những mảnh đời đau khổ, bất hạnh quanh chúng
ta. Đau đớn thay, những tiếng kêu thương ấy: “Xin
dủ lòng thương tôi” lắm
khi không được nhận biết, bởi vì người ta bịt tai, ngoảnh mặt, hay tệ hơn nữa,
vì bị lấn át bởi sự ồn ào của đám đông, bị bóp nghẹt bởi mọi hình thức ngăn
cản. Chúa Giê-su luôn đứng về phía những người đau khổ, bé mọn; Ngài truyền dẫn
anh mù đến với Ngài để được chữa lành, để nhìn thấy ánh sáng, để nhận biết Ngài
là Ánh Sáng thật cho trần gian.
Mời Bạn: Bạn
ơi! Có khi nào bạn trở thành “kỳ đà cản mũi,” thành chướng ngại vật ngăn cản
người khác đến với Ánh Sáng thật không? Bạn nài xin Chúa dủ lòng thương xót,
nhưng đồng thời bạn cũng được mời gọi để chuyển thông lòng thương xót của Chúa
đến cho anh em, những người đang cần đến lòng thương xót của Ngài. Mời bạn mở
tai để nghe được những tiếng kêu cầu; mở mắt để nhận ra những bàn tay van nài
lòng thương xót; và nhất là mời bạn mở tay ra để làm một việc gì đó góp phần
làm nhẹ đi, xoa dịu đi những nỗi đau mà người anh em mình đang gánh chịu.
Sống Lời Chúa: Có
lòng thương xót là biết ước ao điều tốt nhất cho anh em, và biết cảm thương khi
họ không được hưởng điều tốt đẹp đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, “xin dủ lòng thương chúng con”. Amen.
Xin
cho tôi nhìn thấy
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một
ơn lớn. Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Suy niệm:
Trong những năm hành đạo,
Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời,
khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở
Giêricô.
Giêricô được coi là thành
phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan,
thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm
sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với
người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.
Mất khả năng nhìn, nhưng
anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu,
anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông
đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện
gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu
Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình
chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này
anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh
cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở
đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể
nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức
Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài
dừng lại?
Vũ khí mạnh nhất và gần
như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới
lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về
sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài
dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua
Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của
anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của
trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị
bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã
không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh
cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người
đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu
bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho
anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển
nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh
không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông
những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi:
“Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra
sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn
thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết
mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội,
nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không
muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà
trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta
xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi
mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta
nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa
vào sự thật trọn vẹn (Ga 16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn
đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để
thấy được” (Kh 3, 18).
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ
đường
xin Chúa dủ lòng thương
cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản
thân
với những yếu đuối và
khuyết điểm,
những giả hình và che
đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG MƯỜI MỘT
Tình Yêu Cứu Độ Của Chàng Rể
“Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài
đến, sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4,4). Khi người Con ấy (là Ngôi Lời vĩnh cửu)
được sinh ra bởi người trinh nữ ở Na-da-rét, một sự kết hiệp rất đặc biệt đã được
thực hiện: sự kết hiệp giữa thiên tính và nhân tính nơi ngôi vị thần linh của
người Con ấy. Chúng ta gọi là ngôi hiệp. Sự kết hiệp này cho thấy tình yêu đặc
biệt của Thiên Chúa đối với con người – như được bộc lộ xuyên qua mạc khải.
Tình yêu đặc biệt này mang những dáng nét của tình yêu phu phụ, nghĩa là nó giống
với thứ tình yêu kết hợp giữa vợ và chồng.
Đây là điểm độc đáo đặc trưng tình yêu của Thiên
Chúa dành cho con người, tình yêu mà một số ngôn sứ Cựu Ước đã làm chứng:
Isaia, Hôsê, Êdêkien. Theo các vị ngôn sứ này, tình yêu của Thiên Chúa nhắm đến
không chỉ một cá nhân, mà nhắm đến toàn thể dân Itraen. Trong Tân ước, Thư
Êphêsô cũng khẳng định tương tự: Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc. Nhưng Người là
“Hôn Phu của Giáo Hội” và Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Tình yêu của Đức Kitô
đối với con người vừa có đặc tính cứu chuộc vừa có đặc tính phu phụ.
Theo giáo huấn của Thư Êphêsô, tình yêu phu phụ của
Đức Kitô đối với Giáo Hội là nguồn và là mẫu thức cho tình yêu kết hiệp người vợ
và người chồng trong một “Mầu Nhiệm Vĩ Đại”, đó là hôn nhân (Ep 5, 32).
Bí Tích Hôn Nhân vừa là hình ảnh thể hiện vừa là sự
tham dự vào cuộc hôn phối giữa Đức Kitô và Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14 – 11
Lời suy niệm: “Lạy ông Giêsu. Con vua Đavít, xin dủ lòng
thương tôi!”
Tiếng kêu của anh chàng mù ngồi bên vệ đường ở thành
Giêrikhô; mãi mãi là tiếng kêu xin của mỗi người chúng ta ngày hôm nay, chúng
ta cũng đang mù trước những hoàn cảnh đau thương của người anh em, chúng ta
đang mù trước những việc làm đen tối chỉ biết kiếm ra cho thật nhiều tiền, để
thỏa mãn trong chi dùng và nhiều cái mù khác.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con được sáng mắt, biết
đứng lên, mạnh dạn vứt bỏ tất cả để bước đi theo Chúa mà tôn vinh Thiên Chúa.
Mạnh Phương
14 Tháng Mười Một
Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi!
Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để
phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi
được đặt như sau: "Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm
gì?". Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:
- 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ
sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.
- 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống
ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.
- 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình
trong những giây phút cuối đời.
- 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ...
Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện
cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó,
chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự
chết: đó là sự cô đơn...
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ
khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết...
Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt
câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?
Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một
số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v... Chỉ có một cậu bé điềm
nhiên trả lời: "Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc
chơi".
Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý
nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước
tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.
Nếu chúng tabiết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến
cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với
Chúa trong từng giây phút... thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ
đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không
phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.
Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội
kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Ðó là những việc
làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô. Nhưng còn có một
việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của chúng ta trong những
bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý
nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng ngày...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét